Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21701 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN
Ruben David Gonzalez Gallego

NGƯỜI CHO ĂN
Các bà già thường chết vào mùa xuân. Họ chết vào bất cứ thời gian nào trong năm, chết thường xuyên, nhưng chết nhiều nhất chính là vào mùa xuân. Mùa xuân, trong các căn phòng ấm hơn, mùa xuân, người ta mở toang cửa sổ và cửa ra vào để không khí trong lành ùa vào cái thế giới ngột ngạt của trại điều dưỡng. Mùa xuân, cuộc sống được cải thiện. Nhưng họ ngoan cố níu kéo cuộc sống suốt cả mùa đông, chờ đợi mùa xuân chỉ để được thả lỏng, để trao mình cho tự nhiên và ra đi thanh thản. Trong nhà dưỡng lão, các ông già ít hơn nhiều. Họ chết mà không quan tâm gì đến sự thay đổi của mùa. Họ không cố gắng sống đến mùa xuân. Nếu cuộc sống từ chối họ ân huệ cuối cùng là chai vodka hay đồ nhắm ngon, họ đi về thế giới bên kia mà không hề chống cự.
Tôi ngồi trong sân nhà dưỡng lão. Ngồi một mình. Tôi không buồn, tuyệt nhiên không thấy buồn. Tôi ngắm nhìn mùa xuân. Tôi còn trẻ, tôi tin rằng sẽ còn sống được trên đời này không chỉ một năm nữa. Đối với tôi mùa xuân không có ý nghĩa nhiều như đôi với những người già.  
Trên cửa xuất hiện một người. Một bà già lọm khọm đang di chuyển, tay vịn vào lưng ghế. Bằng những động tác giật cục, bà nhấc cả người lên, thóang đứng trên đôi chân, tay đẩy chiếc ghế lên trước vài phân. Rồi lại nặng nhọc tì vào ghế, chậm chạp lê đôi chân tới chiếc ghế. Bà nhìn xung quanh, không nhận ra khuôn mặt quen nào, quả quyết tiến về phía tôi. Lại một người trò chuyện, lại một câu chuyện nữa. Bà già tới bên tôi, đặt chiếc ghế đối diện với xe lăn của tôi, chậm chạp và nặng nề ngồi xuống.
Suốt thời gian chiến tranh bà làm việc trong hợp tác xã. Làm việc từ sáng đến chiều. Không được trả tiền. Chỉ có một mục đích: tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. ngày công lao động được trả bằng gạo tấm. Tấm dùng để nấu cháo. Chỉ có cháo, không có gì khác. Thậm chí bánh mì cũng không. Sau chiến tranh có dễ thở hơn -  chồng bà trở về khoẻ mạnh và nguyên vẹn. Bà cùng chồng lên thành phố. Chồng bà lái xe, bà làm việc trong nhà máy may mặc. Ở thành phố, chồng bà nhanh chóng trở thành kẻ nát rượu, rồi chết. Người phụ nữ nhớ đến cuộc sống ở thành phố như những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Bà làm việc ngày tám tiếng, còn lại được tự do. Trong nhà máy, ngày nào cũng có bữa trưa, súp, món chính và nước quả. Rất ổn. Sau giờ làm việc cả tập thể kéo nhau đi đào móng cho một công trình mới, tự nguyện, không lấy tiền. Đó gọi là “Tiếng gọi của Đoàn thanh niên.” Bà tự hào kể tên những công trình trong thành phố có sự đóng góp của bà. Họ đào móng cho đến tận chiều muộn, mùa đông trên công trường bật đèn pha, và ai cũng tự nguyện, vui vẻ. Đêm đến bà trở về nhà, ăn chút gì đó rồi ngả vật ra giường. buổi sáng lại tới nhà máy. Chủ nhật đi xem phim. Cuộc sống thật tốt đẹp.
Bà về hưu năm sáu mươi tuổi. Mắt kém, không còn làm trong nhà máy may mặc được nữa. Nửa năm sau bà bị đột quỵ. Hàng xóm đưa bà đến nhà dưỡng lão. Bà nghĩ, thế là hết. rồi người cùng phòng đòi uống. Bà từ từ ngồi dậy, giúp bạn, bản thân cũng uống, hình như thấy có khá hơn. Bà đi xem xét nhà dưỡng lão. Tốt rồi, có mái nhà che thân, có cái ăn. Chỉ có một điều – tất cả đều ổn khi chân còn đứng được. Nếu khuỵu xuống, sẽ chẳng có ai tới giúp. Họ sẽ đặt đĩa cháo lên chiếc tủ con cạnh giường – rồi muốn sống thế nào cũng mặc. Dù có kêu hay không cũng sẽ chẳng có ai tới giúp. Bà hoảng sợ. Đôi tay quen làm việc đòi hoạt động. Bà đi tới các phòng, đút cho các người liệt ăn. Sau bữa sáng, bà bắt đầu đi. Chưa kịp đút bữa sáng cho tất cả, đã đến giờ ăn trưa, rồi bữa tối. Ngày lại ngày, từ bữa sáng cho đến bữa tối. Bà không kịp đút cho tất cả. Bà tự hứa sẽ chỉ đút cho những người yếu nhất, những người sắp chết. Những người khoẻ mạnh hơn, bà dúi vào tay họ mẩu bánh mì của bữa trưa. Có bánh mì trongtay – sẽ không thể nào chết được.
Các căn phòng rất hôi hám, mùi của thối rữa và cái chết. Các bà già rất hay đòi bô, một số người đòi thay đồ. Bọn họ thường đòi bô nhiều hơn đòi ăn, nhiều hơn đòi uống. Bà không chịu. Bà thầm nhủ sẽ chỉ đút ăn thôi.
Bà ngó vào phòng hỏi có cần đút ăn không. Họ có phản ứng khác nhau trước câu hỏi vô hại ấy. Một vài người kiêu hãnh trả lời bằng giọng lạnh lùng cố ý rằng trong phòng tất cả đều đi lại được, mắng mỏ người phụ nữ đút cơm, dùng những từ tệ hại. Cho rằng đó là điềm xấu: nếu người phụ nữ đút cơm đến phòng sẽ có người chết. Bà không giận, lại đi tiếp, từ phòng này qua phòng khác.
Thảm hại nhất là những người rất cần giúp đỡ. Những người khi còn khoẻ đã từng mắng bà già đút cơm, xua đuổi và chửi mắng bà, nay rơi vào tình trạng bất lực, lại kêu gào giúp đỡ lớn tiếng nhất, họ van nài được cho ăn, giận dữ khi bà không kịp tới vào bữa trưa. Họ nuốt chửng những thìa thức ăn, mắt liếc khẩu phần ăn xem bà già đút cơm có lấy trộm miếng nào không. Những người như vậy nằm rất lâu, trong cứt đái, da thối rữa, lở loét. Nhưng vẫn sống. Sống hàng năm trời. Sống, mất trí, không nhận ra người giúp đỡ mình, nhưng vẫn há miệng trước thìa cháo, tham lam nuốt, ánh mắt thất thần dán vào vô định.
Trời tối dần. chúng tôi không để ý nửa ngày đã trôi qua.
-         Bà ơi, bà đã đút cho mọi người bao nhiêu năm rồi?
-         Ba mươi hai năm. Đến lễ Phục sinh sẽ là ba mươi ba năm. Ta có ghi lại hết. Tính hết.
-         Bà đúng là anh hùng – tôi khâm phục thốt lên – Ba mươi hai năm! Vô tư phục vụ mọi người.   
-         Vô tư ư?
Bà già đút cơm rung người cười khẽ không thành tiếng. Vội vàng làm dấu thánh ba lần liền, thì thầm cầu nguyện.
-         Bọn trẻ các người thật là ngốc nghếch. Không hiểu gì về cuộc sống cũng như cái chết.
Bà ta nghiêm khắc nhìn tôi bằng cặp mắt bé tí độc ác. Chăm chú xem xét đôi tay tôi.
-         Tự ăn à?
-         Tự ăn.
Bà thở dài. Rõ là bà rất muốn chia sẻ bí mật của mình với ai đó. Không nhìn vào mắt tôi, bà già liến thoắng nói một hơi, rõ ràng và cẩn trọng:
-         Cậu nói là vô tư ư? Có lý do đấy. Người ta đã muốn cho ta tiền. không phải tất cả những người liệt giường đều mồ côi cả đâu. Họ hàng của họ đến, nhét những đồng tiền bẩn thỉu vào tay ta. Nhưng ta không nhận. Nếu họ bỏ vào túi mà ta không biết, ta đưa hết cho các cụ, đến tận xu cuối cùng. Những người đã không còn biết gì, ta mua kẹo và cho họ ăn đến cái cuối cùng. Ta chẳng cần tiền của họ cũng như ơn nghĩa của họ. Ta đã thề. Khi ta mới đến đây ta đút ăn cho mọi người vì ngu ngốc, chả có ý gì. Và một lần, khi ta đến đút cho một bà già, bà ta lại nói “Đưa bô đây”. Ta trả lời rằng ta không đưa bô, chỉ đút ăn. Bà ấy nói, tốt thôi, đút đi. Bà ta ngậm bánh mì đầy mồm, nhai và nhổ vào mặt ta. Nhổ đầy mặt ta. Còn bây giờ, bà ta nói, hãy buộc khăn mùi xoa cho thật chặt dưới cằm cho tôi để khi tôi chết mồm không bị há ra. Bà ta nói, tôi sẽ không ăn nữa. Sáng nào ta cũng tới chỗ bà ta, biết đâu bà ta nghĩ lại, nhưng bà ấy chỉ nhìn ta nghiêm khắc và quay đi. Bà ta nằm hai tuần, chết dần. Khi đó ta thề rằng sẽ đút cho tất cả nếu kịp. Sau bà ấy, nhiều người khác cũng từ chối ăn, ta đã quen rồi. Ta chỉ nhớ người đầu tiên. Và ta cũng đã thề sẽ chết lặng lẽ, không giày vò. Ta yếu ớt, ta không đủ sức để nhổ bánh mì. Còn nằm liệt và vệ sinh ngay tại chỗ thì thật đáng sợ. Lúc đó ta rất hoảng sợ. Vậy mà cậu nói là vô tư.

<< NGƯỜI SĨ QUAN | GIẤY PHÉP RA VÀO >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 799

Return to top