Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21726 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN
Ruben David Gonzalez Gallego

SASHA
 Chúng tôi quen nhau từ hồi lên năm tuổi.  Cậu ấy xúc phạm tôi. Sau đó chúng tôi chơi thân với nhau. Mẹ cậu thường cho tôi ăn kẹo và một lần bà còn tặng cho tôi món đồ chơi lên giây cót. Một người phụ nữ quyền lực, mạnh mẽ và rất tốt bụng, bà đã nuôi dạy được một cậu con trai tốt. Cách đây không lâu, năm năm trước, tôi được biết rằng bà đã từng muốn nhận tôi làm con nuôi. Nhưng không được phép. Khi tôi, đã trưởng thành, hỏi bà lý do, bà hiểu cả và chỉ trả lời:
-         Sasha sẽ bớt buồn. Các cháu sẽ chơi cùng nhau. Cháu có thể vào đại học, cháu rất thông minh, không giống như thằng con bị thịt của cô. Cô có thể biến cháu thành gíao sư.
Tôi nhìn vào mắt người phụ nữ Nga thông minh đó và tin rằng, nếu người ta cho bà nhận tôi, bà có thể vượt qua mọi rào chắn, mọi thử thách, bế tôi trên tay đến lớp, sẽ biến cậu bé mắt đen người Tây Ban Nha thành giáo sư tóan học. Không phải là bác sĩ hay nhà giáo, nhưng bà đã nhìn thấy trong mắt đứa trẻ năm tuổi điều mà nhiều hội đồng y khoa không thể hiểu được. Tôi biết bà sẽ không đọc chẩn đoán về “bộ não chỉ hoạt động một phần” hay “chậm phát triển trí tuệ” của tôi. Bà đã nhìn thấy mắt tôi.
Nhưng tôi sẽ viết về Sasha, con trai bà. Về một cậu bé có mẹ.
*
Tôi nhớ mấy về tuổi thơ xa xôi của mình, khi chúng tôi còn là những đứa trẻ sơ sinh. Tôi chỉ thật sự hiểu Sasha khi số phận đã gắn kết chúng tôi ở một trong số các cô nhi viện của tôi. Nó bò ngoài hành lang và hát:
Những con người vạm vỡ bước lên đài
Chỉ lắc vai mà giật tung xiềng xích
Sasha rất khác chúng tôi. Mẹ nó, một cán bộ cao cấp trong ngành thương nghiệp, đã giáo dục nó thật đơn giản. Bà mang nó đến nơi làm việc và cho nó thấy mặt thật của cuộc sống. Nó biết tất cả về những toan tính, về những hóa đơn, về chuyện những hàng hoá khan hiếm được phân phối ra sao và tại sao bữa sáng của chúng tôi lại được ăn ít cháo. Nó đến trường muộn, mẹ nó bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố chữa chạy cho nó. Như mọi bà mẹ, bà muốn thấy con trai mình khoẻ mạnh và hạnh phúc. Do vậy mà nó lớn hơn các bạn cùng lớp rất nhiều.
Nó bò ngoài hành lang và hát, giọng nó rất to có thể nghe rõ từ đàng xa. Nó oang oang chào hỏi các bảo mẫu và thầy cô giáo đi ngược chiều. Nó gọi họ là “nhân viên”.
Tôi khó chịu với cái kiểu hát rống lên của nó. Tôi không thích cách nó nói chuyện với các bảo mẫu. Nó thường hay gọi họ là “bà”. “Này Mania, bà đừng có tiếc, hãy múc nhiều cháo vào. Và cũng múc thêm cho cả cậu này nữa. Bà nghĩ rằng nếu nó không có cha mẹ và không có ai để bảo vệ thì không cần phải cho nó ăn sao?” Khi đó tôi vẫn chưa hiểu rằng nó đang cố che giấu nỗi lo lắng đằng sau sự thô lỗ cố tình đó. Tôi coi các bà bảo mẫu như các á thánh, còn nó có thể đáp trả lại nguyên xi trước những câu chửi tục hay thói vô học
Khi đó tôi vẫn chưa hiểu gì hết.
*
Sasha có bưu phẩm. Mẹ Sasha hiểu rằng cuộc sống trong cô nhi viện không phải là thần tiên và gởi cho nó những gói bưu phẩm to tướng chứa toàn thực phẩm. Là bà mẹ yêu con, bà muốn Sasha có bạn, để nó có thể đi học ở trường, bởi vậy nên bà cho nó tới cô nhi viện. Bà đón nó về nhà trong tất cả các kỳ nghỉ và trong cả mùa hè, tô điểm cuộc sống cô nhi viện của nó trong mức có thể: gởi bưu phẩm, cho tiền.
Mẹ cũng có nhiều kiểu. Những bà mẹ xuẩn ngốc mang và gởi kẹo đến cho con. Những bà mẹ thông minh mang đến mỡ, tỏi, đồ hộp tự làm, nói chung là các loại thực phẩm. Mẹ của Sasha không chỉ thông minh, bà còn là lãnh đạo cao cấp. Bà gởi đến những gói bưu phẩm sang trọng với sô cô la và thịt hầm, dứa hộp và nước quả.
Hôm đó nó nhận được một lúc hai gói bưu phẩm, mỗi gói nặng 11 ký. Sasha đặc biệt tự hào về trọng lượng này. Theo quy định của bưu điện, các cá nhân chỉ được gởi bưu phẩm dưới mười ký, nhưng…(nó kéo dài giọng), trong những trường hợp đặc biệt , người ta chấp nhận cả những bưu phẩm không quá 11 ký. Khi đó tôi chưa hiểu gì về quy định của ngành bưu điện nhưng tôi hoàn toàn chia xẻ niềm vui với Sasha. Bưu phẩm càng nặng càng tốt, việc này khỏi phải nói.
Cô giáo vác tới cho nó hai gói bưu phẩm, thở phì phò và nguyền rủa các bậc cha mẹ yêu con.
-         Sasha, theo quy định của cô nhi viện, mỗi lần cô chỉ có thể đưa cho cháu không quá hai trăm gram thực phẩm. Khẩu phần của các cháu đã được tính toán và ăn nhiều sẽ có hại. Cô cần phải kiểm tra chất lượng của chúng trước.
Bà ta đã uổng công nói ra điều đó.
-         Vậy cô sẽ kiểm tra bằng thiết bị đặc biệt, hay, xin lỗi cô, bằng lưỡi? Sao cháu không nhìn thấy thiết  bị nào cả? Vậy chúng ta thoả thuận thế này nhé. Cô sẽ kiểm tra một hộp thịt hộp, một hộp dứa hộp, còn lại để cho cháu. Coi như là xong. Có được không?
-         Sao cháu có thể nghĩ như vậy được? Cô không cần thịt hộp của cháu. Cháu hãy chọn thứ gì cháu thích rồi cô sẽ đem bưu phẩm của cháu đi.
-         Thế này vậy. Cháu sẽ không chọn gì hết. Cô hãy mang bưu phẩm của cháu đi. Ngày mai cô lại mang đến và cháu lại không chọn gì hết. Cô có nhiệm vụ phải mang những gói bưu phẩm này đến cho cháu. Ngày nào cô cũng mang đến cho cháu, hàng mấy tháng liền, cho tới khi mẹ cháu tới thăm. Và khi đó cô đi mà giải thích với mẹ cháu về chuyện ăn nhiều và kiểm tra chất lượng thực phẩm. Tin cháu đi, mẹ cháu là cán bộ thương nghiệp và mẹ cháu biết rõ chuyện kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Khả năng nói chuyện với mẹ Sasha không làm cô giáo thích thú. Sasha là một cậu bé thông minh.Nó hiểu rằng phải để cho đối phương một con đường lùi.
-         Cháu có ý này. Giờ cô chỉ kiểm tra trên lọ và hộp ngày sản xuât, những thực phẩm quá hạn cô sẽ tịch thu. Còn chuyện hai trăm gam cô đừng lo. Cháu sẽ không ăn số đồ hộp này một mình và trong một buổi chiều đâu.
Cô giáo vui mừng trước sáng kiến của Sasha. Chẳng ai muốn cãi nhau với mẹ của nó cả. Hơn nữa bà ta hiểu rằng mẹ cậu sẽ chẳng gởi cho con trai những thứ vớ vẩn. Bà ta kiểm tra tất cả số thực phẩm một cách tận tâm, không có thứ gì quá hạn cả. Bưu phẩm Sasha được giữ lại cả, và nó, rộng rãi đưa cho cô giáo hộp thịt hộp. Cô giáo từ chối. Khi đó Sash lấy trong thùng ra một hộp dứa hộp.
-         Cô cũng có con. Hãy mang về cho bọn nó.
Cô giáo lưỡng lự. Bà ta muốn mang dứa về cho các con nhưng bà vẫn còn giận Sasha, giận cách nó ăn nói với bà ta – đại diện của quyền lực và một người lớn. “Cho bọn trẻ, cho bọn trẻ” -  Sasha nhắc lại và nhìn vào mắt bà ta. Bỗng nhiên cô giáo mỉm cười, cầm lấy hộp dứa và đi ra. Bà là một bà cô giáo tốt bụng  và bà hiểu rằng Sasha không hề giận bà.
*
Liên Xô – đất nước của nạn khan hiếm hàng hoá. Hàng hiếm – đó là khi một mặt hàng nào đó không có bán trong cửa hàng và không thể mua nó dù với giá nào đi chăng nữa. Nhân viên trong cô nhi viện thường nhờ Sasha mua giùm “hàng hiếm”. Thường thì Sasha từ chối, nó không muốn tham dự vào trò chơi này của người lớn. Sasha không tham lam, không độc ác, đơn giản là nó hiểu rằng mẹ nó không thể cung cấp hàng hiếm cho tất cả mọi người. Cô giáo nhờ nó “kiếm” kiều mạch. Kiều mạch là hàng hiếm. Mẹ bà ấy, một người mắc bệnh đái tháo đường, rất cần kiều mạch. Mẹ bà ấy không ăn gì hết, chính xác hơn là phải ăn kiêng. Trong số các thực phẩm được phép có cháo kiều mạch. Sasha viết thư cho mẹ và bà gởi kiều mạch tới. Cô giáo mang bưu phẩm đến cho Sasha. Trong bưu phẩm có hai ký kiều mạch. Bà ta nhìn Sasha. Chờ đợi.
-         Kiều mạch, loại một – Sasha nói – giá bốn mươi tám kopek một ký, ở đây có hai ký. Của cô chín mươi sáu kopek.
-         Được rồi, Sasha. Cô sẽ ghi lại là cháu có 96 kopek.
Vấn đề ở chỗ bọn trẻ trong cô nhi viện bị cấm mang tiền mặt trong người.
Những ông bố bà mẹ ngốc nghếch đưa tiền cho cô giáo. Cư dân cô nhi viện có thể nhờ cô giáo, cô sẽ mang đến trong lần trực sau những thứ được đặt hàng. Bằng cách đó có thể mua được kẹo, hay bút chì chẳng hạn. Nhưng không được nhờ cô giáo mua những thứ bị cấm. Ngoài rượu và thuốc lá là cá hộp, trứng, bánh ngọt và những thực phẩm tự chế cũng bị cấm. Không cần phải giải thích cũng rõ, trong cô nhi viện tiền mặt được chuộng hơn.
-         Không, thế thì không được. Đó không phải là kinh doanh. Không thế thì cô cũng đã cầm của cháu khoảng năm mươi rúp rồi. Cô đằng nào cũng có đưa cho cháu đâu!
-         Cô không đưa. Điều này bị cấm. Mà cháu sẽ làm gì với chỗ kiều mạch đó chứ?
-         Cháu sẽ bán cho bà Dusia. Bà ấy là bảo mẫu, bà ấy cóc sợ những điều luật cấm đoán của các người.
-         Nhưng cô cần kiều mạch cho mẹ cô. Cháu đã hứa sẽ bán cho cô rồi.
-          Cháu chẳng có gì phản đối mẹ cô cả. Hãy để bà ấy ăn cháo kiều mạch và sống vui vẻ. Nhưng cháu hứa bán bột cho cô chứ không phải là biếu không.
-         Thôi được rồi, hãy cầm lấy một rúp và chúng ta hết nợ.
-         Không. Cô nợ cháu đúng 96 kopek, cháu không có 4 kopek để thối lại cho cô.
Cô giáo chấp nhận cuộc chơi, vội chạy đi tìm tiền lẻ. Cuộc trao đổi đã hoàn tất.
*
Buổi sáng chúng tôi được ăn cháo kiều mạch. Kiều mạch là món hiếm trong cô nhi viện. Mỗi người được hai thìa cháo. Ai nấy đều vui vẻ, chỉ mình Sasha không vui. Nó chửi thề, những đường gân trên cổ phồng lên, nó nói gọn lỏn “Chó má!”, và cầm lấy khẩu phần của mình trên bàn bò tới phòng nơi các bảo mẫu đang ăn.
Sasha có thân hình của một người trưởng thành. Chân nó bị xoắn lại một cách kỳ cục, một tay bị liệt. Nó bò đến phòng các bảo mẫu, dùng đầu mở cửa và ném đĩa cháo vào phòng với cánh tay lực lưỡng. Trong phòng, bà bảo mẫu, con gái và chồng bà ta đang ngồi quanh bàn. Trước mặt mỗi người là một đĩa cháo đầy ú.
Người đàn ông ngẩng mặt khỏi đĩa cháo. Ông ta nhìn thấy Sasha và nghe thấy những lời của nó. Sasha nói rằng bà bảo mẫu không những sống trên đau khổ của người khác mà còn nuôi cả một cô con gái mặt to và một gã nhân tình. Đương nhiên là Sasha nói những điều đó bằng một thứ ngôn ngữ Nga rất dân dã, kèm theo những câu chửi tục. Tôi không dám nhắc lại những lời đó. Người đàn ông đặt thìa xuống đĩa cháo và nói gọn lỏn “Mania, chúng ta đi ra ngoài”. Sasha bò lùi lại khỏi cánh cửa và bọn họ bước ra. Mania quay về với một vết thâm dưới mắt và một xô cháo đầy. Hoá ra trong nhà ăn có rất nhiều cháo, nhưng bà ta ngại phải xách một xô đầy.
*
Sasha bị buộc tội hút thuốc. Nó luôn có sẵn tiền và có thể mua được cả những loại thuốc đắt tiền. Nhưng nó không hút thuốc. Tuyệt nhiên không.
hôm đó nó chuẩn bị sẵn thuốc lá, bò đến phòng giáo viên và hút. Nó hút rất chăm chú, rít thật sâu. Các thầy cô đi đến phòng giáo viên, nhìn kẻ mất dạy nhưng không có phản  ứng nào hết. Khói thuốc tràn ngập hành lang và thậm chí chui cả vào trong phòng giáo viên. Cuối cùng thì nó cũng đợi được ông hiệu trưởng. Ông ngồi xổm xuống trước mặt Sasha:
-         Em tắt thuốc lá đi.
Sasha dụi tắt điếu thuốc.
-         May quá. Em nghĩ sẽ phải hút hết cả điếu thuốc.
-         Em hút thuốc gì vậy?
-         “Cosmos”. Quả là một thứ khủng khiếp, nhưng dù sao cũng có đầu lọc.
-         Tại sao em lại hút cạnh phòng giáo viên?
-         Em muốn đợi thầy.
-         Để làm gì? Em biết rằng hút thuốc rất có hại, kể cả thuốc có đầu lọc.
-         Em không hút thuốc. Em có phải là thằng ngu đâu mà tự đi đầu độc bản thân, lại còn phải mất tiền nữa chứ. Bởi vì em bị buộc tội hút thuốc. Em thì sao cũng được nhưng cô giáo quả quyết rằng em nói dối cô ấy. Nếu muốn hút thuốc, em sẽ hút một cách công khai.Sức khoẻ của em là việc riêng của em. Nhưng em không cho phép nghi ngờ em nói dối. Nếu cô ấy muốn em hút thuốc, em sẽ hút ngay trước mặt cô ấy.   
-         Tức là em thấy bị xúc phạm vì bị nghi ngờ và em quyết định sẽ chống đối ngay tại đây?
-         Đúng.
-         Thôi được, thầy sẽ nói chuyện với cô ấy. Em còn thuốc lá không?
-         Hai gói rưỡi.
-         Em sẽ đưa chúng cho thầy chứ?
-         Nhưng đó là loại thuốc đắt tiền.
Thầy hiệu trưởng mỉm cười. Thò tay vào túi quần lấy tiền. Thầy cầm mấy bao thuốc, đưa tiền cho Sasha và đi vào phòng giáo viên. Cô nhi viện đó có một thầy hiệu trưởng thật tốt.
*
Chúng tôi có những giáo viên rất giỏi. Những người say mê công việc của mình. Tất nhiên thầy cô không vất vả bằng bảo mẫu. Họ không phải chăm sóc chúng tôi. Đôi với tôi, ý kiến của thầy cô so với ý kiến của các bảo mẫu chẳng là cái gì hết. Nhưng dù sao thầy cô vẫn là người lớn, những người cần thiết cho xã hội, còn tôi – chỉ là một bị thịt vô dụng. Sasha không nghĩ như vậy.
Một lần lớp chúng tôi có một cô giáo tiếng Nga mới. Những người tình cờ đến làm việc với chúng tôi thường ra đi chóng vánh, chẳng có gì níu giữ được họ, kể cả khoản phụ cấp đáng kể vì “độc hại”. Cô giáo này chỉ là người thế chân, tức là tạm thời dạy thay cho cô giáo chính bị đau. Giờ chính tả. Tất cả học sinh ngồi bàn. Sasha nằm trên sàn. Tì vào cánh tay khoẻ, nó cố gắng viết những con chữ to và xấu xí. Người nó run bần bật, nhưng nó rất cố gắng.
-         Thưa cô, cô có thể đọc chậm lại không ạ?
-         Tôi đọc với tốc độ quy định cho chương trình lớp sáu phổ thông cơ sở.
Sasha nhoẻn cười.
-         Thưa cô, nếu em có đủ hai tay như học sinh lớp sáu, em đã không làm phiền đến cô.
-         Nếu vậy, em phải vào học trong trường dự bị.
Sasha không giận. Nó đặt bút xuống và lôi trong cặp ra một cuốn sách.
-         Em định làm gì vậy?
-         Đọc sách. Em không thể viết kịp, mà lại không được làm ảnh hưởng đến những người khác.
-         Em có thôi ngay đi không?
-         Cô sẽ đọc chậm lại chứ ạ?
Sự kiên nhẫn của cô đã cạn. Thằng bé này quả là mất dạy. Lẽ ra nó phải xin thêm một lần nữa, ở địa vị nó, không được quyền lựa chọn. Nó phải bị trừng phạt. Cô giáo viết gì đó rất lâu vào trong sổ đầu bài.
-         Tôi sẽ mời bố mẹ em đến.
-         Từ Leningrad ư? Mẹ em sẽ không đến. Cùng lắm thì mẹ em sẽ gọi điện thoại cho thầy hiệu trưởng của cô nhi viện.
-         Thôi được. Tôi sẽ không cho em ôn bài và ngày mai em sẽ bị điểm không ở tất cả các môn.
Hôm đó cô ta có buổi trực đêm. Cô giáo đi tìm bảo mẫu. Ba bà bảo mẫu to béo đặt Sasha vào xe lăn và cố đẩy về phía phòng ngủ.
-         Sao cô không tự mình đẩy lấy xe? Cô sợ bị sụm xương à?
Rồi nói với các bảo mẫu:
-         Thôi được rồi, mấy cô, các cô là những người bị ép buộc, chúng ta đi nào.
Nó bấu cánh tay khoẻ mạnh vào bánh xe. Thân hình nó uốn cong vì co giật, nó rất đau đớn, nhưng không thể nào gỡ được tay nó ra khỏi nan hoa. Mấy bà bảo mẫu đành phải bê nguyên chiếc xe lăn cùng với nó. Họ nguyền rủa cô giáo thành tiếng nhưng vẫn bê xe, nhẹ nhàng mắng mỏ Sasha.
Còn Sasha thì hát. Nó hát về con tàu Nga không đầu hàng trước quân địch lớn mạnh:
Tàu Variak kiêu hãnh của ta không đầu hàng giặc
Không một ai muốn được khoan hồng
Người ta mang nó đến phòng ngủ, hất ra sàn nhà. Cô giáo vui mừng. Ngày mai Sasha lãnh điểm không là cái chắc. Buổi tối, khi bọn trẻ ăn xong và nhân viên cô nhi viện đi ăn, Sasha bò ra ngoài sân, bò tới lớo học.
Mùa đông. Tuyết. Gió.
Trường cách không xa – khoảng ba trăm mét. Bằng một cánh tay khoẻ mạnh, nó cào tuyết bên dưới và thận trọng di chuyển cánh tay đau. Tệ nhất là tuyết cào không được bao nhiêu và cánh tay của nó cứ bị trơn trượt trên mặt đường đóng băng, không thể bò nhanh được.
Nó cũng ăn mặc như chúng tôi, những đứa không đi được. Bộ quần áo dệt kim, áo sơ mi. Áo sơ mi phanh ra. Nó không phải phanh áo ra để khoe mẽ nhưng vì áo luôn bị tuột xuống một bên vai và thế là cúc áo bị đứt hết. Nó bò tới trường, rồi bò vào lớp học và đọc bài cho ngày mai.
Mấy bà bảo mẫu phát hiện đứa trẻ biến mất, lần theo dấu vết và gọi cô giáo.
-         Cô đi mà giải quyết với nó.
Cô giáo vào lớp, nhìn Sasha.
-         Em làm gì ở đây?
-         Thực hiện quyền hiến định của mình, chuẩn bị bài.
-         Nhưng tại sao em lại bò ở giữa tuyết?
-         Em không còn cách nào khác. Em cần phải chứng minh với cô rằng không thể chiến thắng em bằng thô bạo. Phải rồi, cô hãy đi mà lo liệu xe lăn với các bà bảo mẫu, em sẽ không bò về đâu.
Cô giáo vùng chạy. Sau đó chúng tôi được nghe kể rằng cô bị sốc, cứ khóc mãi. Nhưng chúng tôi không tin. Chúng tôi không tin rằng thầy cô có thể khóc vì những chuyện vặt vãnh như vậy.
*
Mấy năm sau tôi đến chơi chỗ Sasha.
-         Mẹ ơi, mang vodka ra đi mẹ, con và Ruben sẽ uống một chút.
-         Nhưng con thậm chí Tết cũng không uống kia mà?
-         Nhưng Tết thì năm nào mà chẳng có, còn Ruben thì con đã không gặp sáu năm rồi.
Chúng tôi uống vodka, nói chuyện, và tôi đã hỏi cậu câu hỏi quan trọng nhất:
-         Sasha, cậu có mừng vì đã từng sống trong cô nhi viện không?
-         Không. Từ cô nhi viện ra, tớ đã trở thành một người khác. Tốt hơn là không có cô nhi viện.
-         Nhưng trong cô nhi viện, cậu có bạn bè, cậu đã quen tớ.
Sasha ngẫm nghĩ.
-         Xin lỗi cậu, Ruben. Cậu là một chàng trai tốt, một người bạn, tớ mừng vì đã làm quen với cậu. Nhưng tốt nhất là không nên có cô nhi viện.

<< KẺ CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ | NEW YORK >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 815

Return to top