Ngõ ngày xưa
Phùng Tiết
Người ta có thể dối tất cả mọi người về tất cả mọi thứ, nhưng lại không dối được chính lòng mình. Bao nhiêu năm rồi Xuân vẫn sống với nỗi niềm riêng tư trong cuộc sống bình thường của một gia đình mà nhiều người thầm ước ao. Đi gần hết con ngõ, Xuân bỗng giật mình: Vì sao mình lại đi vào con ngõ này? Đi tiếp hay quay trở lại?
Đằng kia, khoảng chừng trăm mét nữa là ngôi nhà ấy. Ngôi nhà của nỗi nhớ chất chồng hơn mười năm qua. Rì rào tiếng gió trên những vòm me hai bên đường. Con ngõ nhỏ, chạy sâu vào xóm Gò Quít vẫn như ngày nào dù có nhiều ngôi nhà mới mọc lên, trộn lẫn giữa mô-típ hiện đại và kiểu nhà nông thôn đặc chen chúc nhau. Xuân đã quay về đúng cái nơi mà hơn mười năm cô đã cố dứt khoát quên đi...
Đêm năm ấy, ánh trăng rải màu sáng bạc lên khắp cánh đồng. Gió thổi nhẹ, thảm lúa đen sậm trải dài, lấp loáng, dờn dợn sóng. Nhà Xuân ở cuối cánh đồng. Con đường chạy dài trước mặt, một bên là giậu rào thâm thấp, một bên là đồng lúa lan xa. Đêm mùa hạ, gió nam non thổi liên tu bất tận. Đã bao nhiêu lần Trân đưa Xuân về trong những đêm phải họp hành khuya khoắt như thế này. Ở nông thôn, mười giờ đêm trở đi hầu như cả thiên nhiên và con người đều đã say ngủ. Chỉ còn hai người như mọi khi. Trước khi Xuân đi qua cánh cổng vào nhà, Trân đã bất ngờ ôm Xuân thật chặt và hôn. Cũng bất ngờ Xuân đứng lặng và chấp nhận. Đúng ra, Xuân cố gắng thoát ra khỏi cái vòng tay ấm áp ấy, nhưng khi nghe bên tai: "Đừng em, để yên cho anh...", tự dưng Xuân nhũn người và bắt đầu bị cuốn hút theo sự vồ vập của anh. Có lẽ đó là lẽ đương nhiên của nỗi khát khao chờ đợi một tình yêu sâu kín từ lâu. Nhiều đêm khi cả nhà ngủ say, trằn trọc nhớ anh Xuân đưa tay vuốt ve trên vùng ngực của mình tìm lại cái cảm giác đêm ấy.
Sau cái đêm ấy không lâu, Xuân quyết định nhận lời cầu hôn của Hoan và đồng ý tổ chức đám cưới ngay. Một quyết định đột ngột không ai ngờ tới, kể cả gia đình Xuân và người trong cuộc là Hoan. Xuân công tác tại một trường mẫu giáo ở phố huyện. Là người cương nghị, sinh động, tính cách mạnh, có chút tài hoa, lại thêm ngoại hình khá đẹp, Xuân có nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có Hoan. Lớn hơn Xuân ba tuổi, học hơn Xuân mấy lớp trong cùng một ngôi trường cấp huyện, Hoan tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, đang công tác tại Bình Phước.
Đám cưới của họ có mặt đông đủ bạn bè và đồng nghiệp. Họ nâng ly chúc mừng nhau. Không ít người trong đám bạn ấy tự hỏi: Vì sao Xuân lấy Hoan? Xuân muốn ổn định cuộc sống với một người thành đạt và yêu mình chăng? Xuân lỡ... chăng? Hình như cái bụng của nó hơi mây mẩy... Rồi như không thể nào nuốt nổi những ý nghĩ ấy vào bụng, họ ghé vào tai nhau thầm thì. Với cái vẻ chững chạc, Trân ngồi trầm lặng. Thỉnh thoảng anh ngước lên nhìn Xuân đang ở phía bên kia. Rồi cũng thỉnh thoảng anh nâng ly bia lên với một câu gỏn lọn: "Cụng!", hình như có sự nuối tiếc hay ân hận nào đó!
Hơn Xuân gần mười tuổi, không đẹp trai cao ráo nhưng Trân có đôi mắt nâu to, nhìn thẳng vào cứ thấy mênh mông, sâu thẳm, cuốn hút. Là một cán bộ giỏi chuyên môn, ăn nói hoạt bát, thuyết phục, Trân đã trở thành sự ngưỡng mộ của Xuân mỗi lần họp hành. Lời của anh rõ ràng, dứt khoát, lô-gich và đầy chất thơ. Xuân được anh giúp đỡ chân tình trong mấy năm qua. Vợ Trân là giáo viên dạy ở một trường trong thị trấn. Họ đã có một cháu gái bốn tuổi, đang gửi vào lớp mẫu giáo nhỏ trường cô. Xuân và gia đình Trân quan hệ đi lại với nhau như anh chị em ruột thịt, như những người bạn thân thiết, tin cẩn. Chưa bao giờ Xuân có một ý nghĩ nào khác ngoài cái tình cảm anh em ấy với Trân. Xuân tin cẩn và kính trọng anh. Trân cũng không bao giờ có một cử chỉ, một lời nói nào quá đi cái khuôn khổ nghiêm túc, chỉ bảo. Thế mà, anh đã hôn và Xuân đã nhận một cách thấu đáo, đủ đầy.
Đêm tân hôn, Xuân nhận ra trong cái hôn đắm đuối của Hoan có cái gì nhàn nhạt, ngây ngấy. Cố tập trung mọi thứ tình cảm để nhen lên ngọn lửa làm ấm áp mọi cảm giác trong cái việc tồn sinh, Xuân cũng không thể nào quên Trân. Mở mắt, rơi vào cảm giác khó chịu khi đối diện với gương mặt hiền quá hóa khờ của Hoan. Nhắm mắt, đôi mắt mênh mông, sâu thẳm của Trân như đang trách móc, kêu gào. Xuân chợt nhớ đến cái cảm giác rờn rợn khi biết có một con sâu róm đang bò phía sau lưng mình, cứ muốn với tay phủi đi mà phủi mãi không được. Xuân co người chịu đựng...
Mọi việc rồi đâu cũng vào đấy, hoặc theo hướng này hoặc theo hướng kia. Sau tuần trăng mặt, Hoan trở về đơn vị. Xuân bắt đầu va chạm với cuộc sống mới. Bố mẹ chồng của Xuân không thể chấp nhận bất kỳ một cái gì khác đi cái nề nếp đang sẵn có trong nhà. Vì công việc, nhiều hôm Xuân phải về muộn. Đã muộn thì dù năm, mười phút cũng là muộn. Bố chồng lặng thinh. Mẹ chồng đon ren, chì chiết... Những lúc như thế Xuân cố quên đi con người ấy để làm tròn bổn phận vợ hiền, dâu thảo, song có dễ dàng gì. Buồn vì sự trách móc, nỗi nhớ người ấy lại tăng dần...
Xuân đặt vấn đề theo vào Bình Phước ở với Hoan. Chồng đâu, vợ đấy là lẽ thường xưa nay. Chấp nhận bỏ việc, bỏ tất cả miễn là tránh được cái tình cảm thật cứ trỗi dậy trong lòng mình. Như một sự trốn chạy! Trốn chạy cảnh vật, con người trong cái thị trấn đứng đầu này nhìn thấy đầu kia. Làm gì cũng được, sướng khổ cũng được, cái chính là sống bên Hoan. May ra sẽ tìm được hạnh phúc trọn vẹn cho mình. Ông bà ta ngày xưa lấy nhau nào đã biết được mặt nhau, nói gì đến tình yêu. Rồi họ cũng thương yêu nhau, con cháu đầy đàn, sống đến răng long đầu bạc...
Khi đứa con gái bé bỏng quằn quại rồi chết trên tay mình, Xuân như lọt thỏm giữa địa ngục đen tối. Xơ cứng và vô cảm trước bao lời chia buồn, Xuân đau đớn cực độ. Bấy lâu nay, Xuân đứng được trong cuộc sống khó khăn, tủi nhục này cũng nhờ con. Những ngày chân ướt chân ráo theo chồng nơi vùng đất xa lạ, Xuân chống chếnh và nhiều lúc kiệt lực vì cái ăn, cái ở. Đứa con gái ra đời trong hoàn cảnh khó khăn nhất ấy. Không tin vào số phận, Xuân quyết vượt qua tất cả để có một cuộc sống bình thường, hạnh phúc với chồng con. Chưa bao giờ khát vọng sống trong Xuân lớn đến như vậy! Nó thôi thúc Xuân mạnh mẽ khi nhìn con nhoẻn miệng cười, nói gió... Đồng lương Hoan nhận từ công việc ở cơ quan quá thấp so với chi phí tối thiểu của hai vợ chồng. Hoan cố bung ra để cải thiện cuộc sống. Anh hợp tác cùng bạn bè mở trại heo giống. Xui rủi lại đến, lứa heo đầu tiên cả mẹ và con đều chết. Bệnh dịch lây lan. Thâm vốn. Nợ nần. Phải chạy vạy để bù đắp vào. Xuân đến từng hiệu may, xin vẽ gia công trên từng chiếc áo dài. Hoa tay của Xuân như được phát hiện. Có được việc làm, cuộc sống dần bớt khó khăn. Rồi Xuân gặp Hân, người bạn cũ đang là trưởng khoa mẫu giáo của trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Hân giới thiệu Xuân về dạy hợp đồng môn mỹ thuật cho khoa. Thời gian sau, Xuân ghi tên học đại học tại chức và chính thức trở thành giảng viên của trường. Công việc ở trường trôi chảy, công việc làm thêm phất lên. Mua đất, xây nhà. Xuân còn mở riêng cho mình một hiệu may, và chính Xuân là người thiết kế, vẽ vời trên những chiếc áo dài xinh đẹp ấy.
Con bé mất. Sợi dây nối kết giữa Xuân và Hoan như một xâu tràng hạt bị đứt, vung vãi khắp nơi. Mọi thứ mà Xuân cố vun vén như sụp đổ từng mảng. Hoan trở nên lầm lì, im lặng, Xuân mắc chứng trầm cảm. Hai vợ chồng ở trong một ngôi nhà như hai con người xa lạ cùng thuê chung một nhà trọ. Ngôi nhà rộng thênh, trống vắng. Thi thoảng họ mới nói với nhau một câu, thông báo cho nhau một điều gì đó. Hoan như một người máy. Ban ngày, đúng giờ đi làm, đúng giờ về nhà. Tối đến: trực đêm. Xuân cũng vậy. Chỉ khác là hằng đêm, Xuân ở nhà một mình, đối diện với căn phòng đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu hơi ấm con người, đối diện với cái bàn thờ khói nhang cuộn tròn, phơ phất che mờ di ảnh của con. Nhiều lần Hoan nói: "Hay em về quê thăm thú nghỉ ngơi một thời gian cho khuây khỏa!".
Ở quê còn những ai? Ba mẹ chồng đã mất. Ba mẹ ruột đã bán nhà theo đứa em trai út tận thành phố Cần Thơ. Hoan bảo Xuân về quê cho khuây khỏa hay trong lòng Hoan nghĩ đến một điều gì?
- Dạ, chào cô. Cô hỏi ai ạ?
- Đây có phải là nhà của chú Trân không?
- Dạ, phải.
- Có ba má ở nhà không con?
- Thưa, ba má con đang ở bệnh viện.
- Ủa, ai bệnh nằm viện?
- Dạ, ba con.
Xuân vào nhà. Con bé Trâm năm nay chừng mười bốn, mười lăm, giống anh như đúc. Dễ thương, dễ bắt chuyện. Trân đang nằm viện vì chứng tai biến mạch máu não. Đó là chuyện xảy ra cách đây vài tháng. Khoảng hai giờ chiều, một người đàn bà nào đó gọi điện đến nhà. Con bé bắt máy. Trong hơi thở hổn hển, người đàn bà ấy đòi gặp mẹ nó. Sau khi nói chuyện, mẹ Trâm vội vã đi. Con bé mới biết ba Trân của nó phải nằm viện. Khi bé Trâm mang ra một cốc nước lọc đặt lên bàn mời Xuân, Xuân mới quan sát kỹ căn phòng. Vẫn cách bài trí như xưa. Hình như mọi sinh hoạt trong gia đình Trân không có gì thay đổi. Bộ sa-lông vẫn chỗ ấy. Những bức tranh trên tường vẫn thế. Tất cả hình như chỉ có cũ đi một chút nhưng vẫn sạch sẽ, gọn gàng.
- Ba con nằm ở khu C, phòng 107.
Từ nhà Trân ra về, Xuân nôn nóng đến bệnh viện. Không biết anh ấy bây giờ thế nào. Hơn mười năm rồi còn gì. Xuân bây giờ đã là một phụ nữ trên bốn mươi. Anh ấy phải trên năm mươi rồi. Hình ảnh của Trân ngày nào đang sống dậy trong lòng Xuân như những đợt sóng ngầm trong lòng đại dương sâu thẳm. Xuân chợt thấy thương nhớ anh. Bệnh viện tỉnh cách thị trấn gần bốn mươi cây số, phải qua hai con đèo, Xuân hơi ngần ngại. Cuối cùng, Xuân quyết định rủ Loan cùng đi. Loan cũng chơi thân với gia đình anh ấy. Gặp lại Xuân, Loan mừng rỡ lắm.
- Bây giờ anh chị thế nào? Gặp lại chị, thấy chị vẫn khỏe thế này, em mừng quá!
Cảnh đời của Loan thì có hơn gì Xuân. Chồng Loan là một người lính phục viên. Vì một tai nạn lao động, anh ấy bị thương nặng, ít lâu sau thì mất. Loan hiện đang phải nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ chồng và đứa con nhỏ.
- Loan nè, chị vừa ghé nhà anh Trân. Nghe con bé bảo rằng anh ấy đang nằm viện. Em có cùng chị đi thăm anh ấy được không?
- À, em biết. Nhưng... Mà chị biết anh ấy bị tai biến trong trường hợp nào không?
- Con bé không nói rõ lắm.
- Vì chuyện yêu đương linh tinh ấy mà!
Với tài ăn nói của mình, Trân đã chinh phục trái tim của khá nhiều phụ nữ. Anh cũng đã từng tán tỉnh Loan. Chồng Loan mất, anh đã đến chia buồn và động viên. Mỗi tuần anh đến đôi, ba lần. Có anh, Loan cảm thấy mình được chia sẻ, an ủi và phần nào bớt đi nỗi hiu quạnh trong lòng. Thế rồi, anh đã ôm hôn Loan. Nhưng Loan nhận ra ngay là cô không hề yêu anh, và cô đã lẩn tránh anh. Còn anh thì tìm mọi cách để đến với Loan. Anh thường gọi điện cho Loan vào lúc nửa đêm, nói đủ thứ trên đời, và tất nhiên là cố xen vào lời nhớ nhung, yêu thương. Loan gọi anh là "thằng cha đồng nát". Sau, Loan nghe đồn rằng, Trân đang quan hệ với một người đàn bà góa chồng buôn bán tạp hóa. Mối quan hệ này đã làm xáo trộn gia đình Trân trong một thời gian dài. Vợ Trân ghen tuông. Sự việc vỡ lỡ, Trân bị kiểm điểm, phê bình. Rồi sự việc lắng xuống. Thế mà. Đôi tháng trước, một tin động trời nổ ra. Người ta râm ran đoán già, đoán non về chuyện Trân đột quỵ ở nhà mụ gái góa bán tạp hóa đầu chợ. Lâu nay, họ vẫn núp lén đi lại với nhau. Vợ Trân ghen mãi rồi cũng thôi. Và cuối cùng, cũng phải đưa chồng vào bệnh viện mà chăm sóc, chạy chữa...
Ngay đêm đó, trên chuyến tàu về TP Hồ Chí Minh, Xuân ngồi nhìn ra bầu trời qua cửa sổ toa tàu. Ánh trăng mười tám muộn mằn nhưng sáng vằng vặc. Những đồi cây, những cánh đồng, những khu nhà... lúc ẩn lúc hiện, lúc đầy ánh sáng, lúc tràn ngập bóng tối. Xuân cũng mơ mơ màng màng về tất cả. Những khuôn mặt, những đôi mắt... thánh thiện, ma quỷ nối tiếp hiện ra, quay cuồng. Có một hình ảnh đang rõ dần: Hoan. Phải, Hoan - một con người hiền lành đến mức như khờ khạo, yêu thương đến mức như lạnh lùng, đang ở một nơi chờ Xuân. Bỗng dưng, Xuân ao ước ngay bây giờ mình đang ở nhà và đang nằm gối đầu trên cánh tay Hoan...
3/2003
Truyện ngắn của Phùng Tiết