Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lá vẫn xanh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 358 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lá vẫn xanh
Phùng Tiết

Trễ quá! Thiệp mời ghi rõ: 16g30, thế mà bây giờ đã đến 18g rồi. Hơn mười bàn tiệc giờ này chỉ mới có ba, bốn bàn có người. Anh còn dự một đám cưới khác lúc 19g, cách đây khoảng bốn, năm cây số đường đất miền quê. Chỗ nào cũng là con gái rượu của bạn, đều là tình nghĩa cả.
Lân vốn là người ít nói, ít có khả năng bắt chuyện nên anh cứ ngồi nhìn và lắng nghe chung quanh. Biết làm gì bây giờ?! Bàn anh đã đủ người, nhưng phải chờ vì nhà chủ còn phải khai mạc, công bố, giới thiệu. Câu chuyện của những người cùng bàn càng lúc càng rôm rả, qua đó anh biết đây là những người bạn chí cốt của mẹ cô dâu.
Cũng như anh, họ - những cô giáo, những người trước đây cùng làm ở các cửa hàng thương nghiệp và những người xưa nay chỉ có mỗi nhiệm vụ trông coi việc nhà với chức danh “nội trợ”- đều là những người bạn thuộc nhiều thời kỳ của chủ nhà. Họ đến đây có cả vợ, cả chồng theo qui ước “đi có đôi”. Các đức lang quân có vẻ nghiêm trang, bề thế, thi thoảng mới mở miệng nói một câu, còn hầu như đã nhường cái quyền ăn nói huyên thuyên, luôn miệng cho quí phu nhân của mình...
- Nè, bà thấy không, nó vừa tới là chạy ngay ra sau nhà coi con chó tăng được mấy lạng rồi - mẹ cô dâu nói với mấy người bạn.
- Chiều nay tao bỏ phong bì mừng cho con mày một nửa tiền thôi, còn một nửa trừ vào tiền chó - người bạn thương nghiệp nói và huơ tay phân bua về chú chó con mang gen chó săn khó tìm của bố nó.
- Thôi, mừng đủ cho nó đi. Nó là đứa đầu tiên trong bọn mình làm mẹ vợ đó. Mẹ vợ gì mà non choẹt, không chừng... Mà nè, bà có dặn dò gì nó trước lúc sang sông không?
- Có chứ. Tao dặn dò nó mãi. Ngó vậy mà nó nhát lắm. Có vẻ lo lắng chứ không phải như tao ngày xưa. Ba nó là do tao “cua” được đấy chứ!
- Không cần phải nói, đây nhớ rõ. Mà bà lên lớp cho nó những gì thế?
- Để tao kể cho nghe. Không biết nó lo cái gì mà sức khỏe ngày càng sút. Tao phải đưa đi truyền dịch để bồi bổ. Tao hỏi “Con sợ à?” - “Con không sợ, nhưng lo” - “Lo gì? Mọi việc rồi ổn thôi” - “Con không biết nữa”  - “Ngày trước mẹ cũng vậy”  - “Mẹ quen rồi”  - “Lấy chồng lần đầu làm sao gọi là quen được. Nè, con phải “chiến đấu” đến cùng, phải thắng, không được thua đấy nhé!”. Tụi mày thấy không, tao chiến đấu đến cùng nên vi phạm chính sách dân số phải về làm vườn, nhưng tao vẫn muốn nó như thế!
Đến bây giờ Lân vẫn là người sống độc thân. Anh là cán bộ thuế, được chuyển về làm việc ở xã này hơn 15 năm rồi. Gần như mọi ngõ ngách trong cái xã vùng ven thị trấn này anh đều biết rất rõ. Cả những con người, những gia đình, những cảnh đời...
Trước đây anh công tác ở một huyện miền núi. Nơi đó, anh đã gặp và yêu một cô gái tuyệt vời. Nàng không đẹp sáng lòa như những người đàn bà đẹp mà anh đã gặp. Nàng nhỏ nhắn, xinh xắn. Đôi mắt nàng như một đáy vực sâu thẳm, mông lung song toát lên một ánh cười thân thiện, yêu thương. Cứ nhìn vào ấy là lòng anh lại tràn đầy sự ngọt ngào, tin yêu vào cuộc sống, vào con người. Anh yêu nàng và anh nhận ra mỗi lần ở bên nàng anh lại lớn lên một chút trong tâm hồn, trở thành người chững chạc hơn, khoáng đạt hơn, rộng lượng hơn và làm việc có hiệu quả hơn...
Thế nhưng vào cuối một mùa rẫy, gia đình nàng đã ép gả nàng cho một gã trai làng con nhà giàu có, quyền thế... theo lời hứa hôn định sẵn. Nàng không dám cãi lời bố mẹ nên đành ngậm ngùi lên xe hoa. Còn anh, anh đã không làm được gì khác hơn. Ngày tháng trôi qua lặng lẽ, vô tình với nỗi đau mà anh mang nặng trong lòng; còn nỗi đau lại lớn dần theo từng sợi bạc trên mái tóc của anh. Cuối năm này anh sẽ nghỉ việc. Chưa dự định gì cho những ngày đó nhưng có lẽ anh sẽ đi du sơn ngoạn thủy cùng với miền ký ức còn xanh lắm của mình.
Người đàn bà ngồi đối diện nhìn anh chằm chặp, hỏi:
- Xin lỗi. Anh có phải là anh Lân trước công tác ở huyện M.?
- À, phải...
- Chắc anh không nhớ tôi? Mười mấy năm không gặp. Anh có mấy cháu rồi? Trông anh vẫn như xưa.
Mẹ cô dâu chen vào: “Còn độc thân đó. Bà coi có đám nào giới thiệu cho ảnh đi”. Lân lục trong ký ức của mình khuôn mặt người đàn bà đối diện. Khi mới vào bàn, nhìn nhau anh đã thấy con người đó quen quen... Chẳng lẽ đấy là Linh, cô gái xinh đẹp ở cửa hàng thương nghiệp huyện M., có số đo ba vòng được nhận xét tuyệt vời mà đám bạn anh ngày đó theo đuổi. Nếu phải sao bây giờ Linh lại to bự thế này?
Ngày đó, trên xã miền núi mà bọn anh đang công tác duy nhất có một cửa hàng bán cà phê. Thằng Toàn tán giỏi nên cả bọn được nhờ. Mỗi ly cà phê chỉ bán kèm năm điếu thuốc Đà Lạt, vậy mà Toàn mua được cả gói dù cái gói thuốc ấy phải xé một phần vỏ bao bên ngoài.
Sau đó, Toàn lại tìm cách lánh xa cô gái. Một thời gian cô có chồng với một giai thoại nghe giông giống những lời mẹ cô dâu vừa kể. Những lời thoại thiếu nghiêm túc trong những câu chuyện trà dư tửu hậu bao giờ cũng được nhớ lâu; và nhiều lúc nó lẩn khuất đâu đó, có cơ hội nó lại bộc phát trở lại. Khi Toàn kể những chuyện ấy không ai nói gì. Nhưng đến khi hắn nói “Ba vòng là giả, chứ kỳ thực bộ ngực cô ta giống bố hơn giống mẹ” thì cả bọn chung phòng đều chửi Toàn là thằng đểu...
Lân nghĩ người đàn bà hỏi anh là Linh và anh cũng không buồn xác minh.
- Anh Lân đẹp trai, phong độ như thế mà không lấy vợ, uổng thế.
Nói xong Linh quay qua người ngồi cạnh thì thầm, Lân nghe tiếng được tiếng mất: “Ừ, đẹp trai, phong độ...”, “Càng nhìn càng giống Nguyễn Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa ấy chứ”.
- Chắc anh ở vậy để cho phụ nữ “thèm” chơi?
Câu chuyện càng lúc càng làm cho Lân mất tự tin, đâm ra lúng túng hơn. Thật ra, sau đận đó Lân cũng đã từng yêu, từng mê mệt một người phụ nữ cùng cơ quan. Cô ấy có chồng và một cậu con trai. Một người đàn bà không phải là bản sao của người đã từng đến, từng dừng lại trú ngụ trong đời anh, rồi lại ra đi như vầng trăng tròn rồi khuyết giữa đỉnh trời ngày tháng.
Anh yêu cô ấy một cách lặng lẽ. Mười mấy năm, anh vẫn đứng bên ngoài đời sống tình cảm của cô. Có thể cô ấy biết, cũng có thể cô ấy vô tình không biết. Còn anh, anh không có sự can đảm để nói với cô điều gì ngoài công việc hoặc những lời thăm hỏi xã giao. Nhiều lúc anh cho tại sao mình phi lý thế. Nhưng rồi cái phi lý trong cuộc sống nghĩ tới nghĩ lui lại là cái có lý. Yêu mà câm lặng. Sự câm lặng với tình yêu đơn phương đó dần dà đã tạo cho anh một vỏ bọc là kẻ tuyệt vời, chung thủy trong mối tình đầu.
“Bà quỉ, bà ăn gì mà ngày càng bé bự thế?” - “Ăn cơm kèm phở” - “Tiếc quá!” - “Tiếc gì?” – “Mất đi cái dáng ngực tấn công, mông phòng thủ” - “Không vậy thì là gì?” - “Bây giờ thì bụng tấn công rồi...” - “Con gái tao cũng nói như vậy”. Những người đàn bà cùng bàn Lân cứ nói, cứ cười, cứ đùa oang oang, vô tư như thế. Họ có vẻ còn trẻ trung lắm dù tuổi đã ngoài bốn mươi. Lân muốn góp chuyện nhưng chẳng biết nói điều gì để hòa vào dàn đồng ca ấy.
Khách mời đến mỗi lúc mỗi đông hơn. Mẹ cô dâu đã chịu rời những người bạn chí cốt của mình để đi lo công việc. Chị tíu tít, tất bật như chim chích, chạy từ bàn này sang bàn khác. Tay bắt mặt mừng, cứ như mấy mươi năm mới gặp lại bè bạn, người quen. Không khí rộn ràng, vui vẻ trong bàn lắng xuống. Lân nhìn lên bầu trời xuyên qua những mảng trống của rạp đám cưới. Bầu trời đã chuyển sang màu tối, một nửa vành trăng đang lơ lửng trên cao. Thi thoảng có đàn cò năm, bảy con dang cánh bay về phía xa vô tận...
Tất cả quá khứ như dồn về trong anh. Gần bốn mươi năm sống và làm việc nhiều nơi, quen biết nhiều người, đủ thành phần trong xã hội, chưa một lần nào anh cảm thấy lòng mình vừa chật ních mọi ý nghĩ vừa trống rỗng như thế này. Anh nhớ về miền quê nơi anh cất tiếng khóc chào đời. Nơi đó, những ngày thơ ấu của anh được chở che, bảo bọc bởi hai người đàn bà mà anh yêu quí nhất: bà và mẹ. Năm cha anh lên năm, bà trở thành người đàn bà góa bụa và ở vậy nuôi cha anh. Rồi năm anh lên ba, mẹ anh cũng đã vĩnh viễn mất cha anh.
Sự lặp lại của định mệnh trong ngôi nhà tranh dột nát cuối làng ấy như là số phận của những người đàn bà sống trong cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hơn ba mươi năm. Với anh, chiến tranh đã biến anh thành đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ, và anh đã sống những ngày thơ ấu trong bom rơi, đạn lạc, chết chóc, đói khổ...
Nhưng rồi anh cũng đã lớn lên. Lớn lên từng ngày, từng giờ như mảnh đất làng quê bên triền sông lầm lụi. Những mùa mưa lũ đi qua, sau những ngày đêm dài dặc sống trên một vùng nước cuốn mênh mông, trắng xóa bọt bèo là những ngày vui vẻ dưới ánh mặt trời tươi rói, ngút ngát một màu xanh mướt dọc triền sông. Con người quê anh là như vậy! Triền sông quê anh là vậy! Ngày hôm qua có thể là sự điêu tàn, hiu quạnh; sáng mai nay đã trỗi dậy, vươn lên mạnh mẽ như sức trẻ đôi mươi.
Anh yêu bà, yêu mẹ. Đó là những con người tuyệt vời trong ký ức của anh và sẽ mãi mãi tuyệt vời... Và anh đã mang tình cảm ấy trong hành trang vào đời của mình. Anh gặp hai người đàn bà. Anh yêu họ vì họ cũng là những con người tuyệt vời. Nhưng anh đã không dám vượt qua tất cả để có được điều mình mơ ước. Mẹ anh đã nhiều lần nói với anh sự khao khát được làm bà và anh hứa với mẹ để rồi lời hứa ấy trôi tuột theo ngày tháng...
Rồi khi mẹ ra đi, anh vẫn chưa kịp làm vui lòng mẹ. Anh không dị ứng với phụ nữ, nhưng hình như anh mất đi cái khả năng làm vui lòng phụ nữ. Những buổi chiều, anh lang thang trên đường làng, trên triền sông vắng... Tiếng chim chiều lý lơi trên những chòm tre thẫm màu, tiếng gió xạc xào đẩy đưa như tiếng người thì thào nhắn nhủ, anh nhớ lại tất cả những gì đã diễn ra, đã khắc sâu trên từng doi cát, bờ cây...
Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, anh lại cảm thấy như mình có tội với bà, với mẹ. Có hay không một tình yêu theo cái kiểu mà anh đã có? Tại sao anh không thể quên hai người đàn bà ấy? Tại sao anh cứ khăng khăng nghĩ rằng nếu anh có đến với một người đàn bà nào nữa thì đó không phải là tình yêu? Tại sao?
Dàn nhạc bắt đầu trỗi lên những giai điệu trẻ trung đầu tiên. Tiếng trống, tiếng đàn tưng bừng, ầm ĩ, lấn át tiếng cười tiếng nói của mọi người. Âm thanh rộn ràng, tươi tắn, thôi thúc làm lòng người hứng khởi, rạo rực. Hai chú chim phụng xinh đẹp trong chiếc lồng ở đầu hiên nhà như tỉnh thức và hòa nhập vào làn sóng âm thanh ấy. Chúng ríu ra ríu rít. Con chim trống xòe cánh, vươn dài chiếc cổ âu yếm con chim mái. Đôi mắt tròn xoe, cái đầu gật gù, cái mỏ rúc vào từng chòm lông trên cổ, trên má nhau, như đang tận hưởng những giây phút hạnh phúc nhất trên đời. Đôi chim không còn sợ sệt đám đông con người quanh nó; và dù đang sống tù túng trong chiếc lồng con, chúng như đang tự do giữa không gian bao la vô tận, đang thở hít khí trời tự do và trong lành, đang sống trong hạnh phúc vĩnh hằng...
Lúc này, khuôn mặt mọi người đều ánh lên nét hân hoan, rạng rỡ. Tất cả như đắm say trong một chất men tình cảm cao đẹp. Mọi sự bất hạnh, khổ đau thường ngày, mọi bon chen, giật giành trong cuộc sống tan biến vào hư vô, lân khuất vào nơi nào xa lắm, chỉ còn sự vui vẻ và niềm tin yêu vào cuộc sống trường tồn.
Bầu không khí nóng dần lên theo nhịp thở hối hả của mỗi con người trong niềm vui đang tận hưởng. Ôn ào, náo nhiệt... Những người phụ nữ trong bàn tiệc của anh tranh thủ cụng ly chúc tụng, tranh thủ lên sân khấu hát những lời ca có cánh từ những điệu dân ca quen thuộc. Tự dưng anh muốn có một gia đình như mọi người, có con cái để tổ chức cho chúng một đám cưới vui vẻ như thế này. Anh nhớ đến người phụ nữ đã ngậm ngùi ra đi, nhớ đến người đàn bà cùng cơ quan, cả hai anh đều yêu da diết... Bây giờ thì anh mong có một ai đó để anh yêu, anh sẽ dồn hết tất cả tình cảm của mình cho người ấy. Vừa rạo rực vừa bâng khuâng, anh nhìn quanh. Giá mà trong những người đàn bà kia có một người nào đó yêu thương mình...
Lân rời bàn đi vệ sinh. Khi ngang qua cửa sau của ngôi nhà, anh nghe tiếng nói của mẹ cô dâu và cô con gái của mình. “Sao nó lại chàu quạu cái mặt và bỏ ra đứng ngoài đó” - “Ảnh nổi chứng ghen lên đấy!” - “Ghen gì?” - “À, ảnh với con đang đứng chung, rồi ảnh thấy anh Tùng, bạn trai cũ của con mang quà cưới đi vào, tự dưng ảnh quàu quạu và bỏ đi, không nói một lời...” - “Cái thằng, có vậy mà cũng hờn, cũng giận”... Khi Lân quay lại bàn, chú rể đã cùng cô dâu sát vai nhau, tay trong tay, nhận lời chúc mừng của mọi người... Lân mỉm cười, nếu là anh anh sẽ không rời vợ mình nửa bước từ giây phút ấy...
Cây lá trong vườn bỗng xanh mướt trước mắt anh dẫu cả thời gian lẫn không gian đã đi vào hoàng hôn...
PHÙNG TIẾT



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 913

Return to top