Trương Khuê thủ thành trông mãi không thấy quân Triều Ca tiếp viện, bỗng có quân thám mã về báo:
- Thiên Tử vừa phong Viên Hồng làm Nguyên soái, dẫn hai mươi vạn binh đón chư hầu tại Mạnh Tân, không thấy tiếp cứu huyện Dẫn Trì.
Trương Khuê nghe báo thất kinh, nói:
- Không cứu viện Dẫn Trì thì ta làm sao giữ thành nổi? Còn đồn binh tại Mạnh Tân đón chư hầu làm gì? Nếu Tử Nha lấy được thành này rồi, hiệp binh với bốn trăm chư hầu thì dù có thiên binh ngàn tướng đón ở Mạnh Tân cũng chẳng ích gì cả.
Cao Lan Anh nói:
- Nhắm lại vợ chồng ta thủ thành này cũng đủ, nay có Viên Hồng đón chư hầu tại Mạnh Tân, chư hầu không dám đánh bọc hậu, chúng ta cứ bế thành, chờ cho Viên Hồng đuổi chư hầu xong, chúng ta sẽ khai thành giao chiến, thì ấy thế địch bị phân hóa thì không đáng sợ.
Trương Khuê tuy làm theo ý vợ mình, nhưng lòng buồn bã, không hy vọng một thành công nào.
Bấy giờ Tử Nha thấy phá không được thành Dẫn Trì mà hao binh tổn tướng quá nhiều, ngày đêm tính mãi không ra kế.
Bỗng có quân vào báo:
- Ngoài dinh có một đạo đồng xin vào ra mắt.
Tử Nha truyền mời vào. Ðạo đồng vào làm lễ rồi thưa:
- Tôi là học trò Cù Lưu Tôn. Bởi sư huynh tôi bị Trương Khuê đón giết tại gành Mãnh thú, thầy tôi không cứu, sợ lỗi số trời, nên sai đệ tử đem thơ này dâng cho sư thúc.
Nói rồi dâng thơ.
Tử Nha xem rõ thấy có một lá bùa và mấy lời dặn làm kế bắt Trương Khuê.
Tử Nha tạ ơn, cho đạo đồng về núi, rồi trao bùa và thiệp cho Na Tra cứ theo đó mà làm.
Tử Nha lại kêu Dương Nhậm, Dương Tiễn, Vi Hộ đến phân phối công tác và dặn cứ làm y theo kế.
Hôm sau, vào cuối giờ Ngọ, Tử Nha đem binh phá thành, làm rộn Trương Khuê một chặp rồi thâu binh về.
Hôm sau nữa, Tử Nha tâu với Võ Vương:
- Xin Chúa công đi với tôi xem địa thế lấy thành.
Võ Vương tánh chơn chất, bảo sao hay vậy.
Võ Vương lên ngựa, Tử Nha cỡi Tứ Bất Tướng đồng đi dạo một vòng khắp thành và chỉ chỗ này chỗ kia nói với Võ Vương:
- Phía này binh mỏng, dùng đại pháo bắn vào thì lấy được thành.
Trương Khuê ở trên thành, đi tuần các cửa, bỗng có quân báo:
- Tử Nha đi với một người mặc áo bào, vòng quanh thành chỉ chỏ.
Trương Khuê liền lên mặt thành thấy Tử Nha đi với Võ Vương, đang quan sát địa thế, chỉ chỏ lăng xăng, Trương Khuê nghĩ thầm:
- Tử Nha thấy ta thủ thành không ra trận nên khi dễ ta đến trước thành vua tôi đàm đạo như vậy.
Nghĩ rồi vào trong bàn với vợ.
Cao Lan Anh nói:
- Ðó là chúng nó lập kế dụ địch, tướng quân chớ nóng nảy.
Trương Khuê nói:
- Ðể ta ra thành bắt Võ Vương và Khương Thượng, phu nhân cố gắng giữ thành cũng đủ. Nói rồi cầm thương lên ngựa dẫn quân ra.
Cao Lan Anh không yên lòng, nên lên trên mặt thành ngó chừng theo.
Trương Khuê giục ngựa ra ngoài nói lớn:
- Cơ Phát và Khương Thượng! Hôm nay chúng bây chắc chết.
Khương Tử Nha làm bộ kinh hãi chạy trước, Võ Vương thất sắc giục ngựa theo sau. Trong dinh Châu không thấy tướng nào ra tiếp, Trương Khuê thấy vậy giục ngựa đuổi nà tới, Tử Nha giục Tứ Bất Tướng chạy về phía Tây, Võ Vương cũng chạy theo bén gót.
Trương Khuê đuổi được vài mươi dặm, bỗng nghe quân ó vang tai, trống khua dậy đất, nhìn lại thấy binh Châu chia nhau bốn phía hãm thành.
Trương Khuê biết mình mắc mưu "điệu hổ ly sơn", ngước mặt lên trời than:
- Bởi ta không nghe lời vợ, nên mới lầm mưu chúng.
Than rồi quày ngựa lại, không đuổi theo nữa, cố trở về cứu thành.
Bấy giờ Cao Lan Anh đang ngóng theo chồng mình đề phòng nguy hiểm, bỗng thấy một tiếng pháo nổ rất lớn, bốn phía thành quân Châu bủa vây đông nghẹt.
Trước nhất, Na Tra đạp xe Phong hỏa bay lên mặt thành, hiện ba đầu tám tay, Cao Lan Anh liền ra sức cự địch.
Nhưng đánh được ít hiệp, Cao Lan Anh cự không lại phải bại tẩu, chạy xuống thành, Na Tra đuổi theo bén gót.
Còn Lôi Chấn Tử lúc ấy bay lên mặt thành giết quân sĩ vô số, lại mở bét các cửa, cho quân Châu ùa vào.
Cao Lan Anh thấy tình thế rối loạn, thành Dẫn Trì sắp mất không phương giải cứu, còn Na Tra cứ đuổi theo mãi, không biết làm sao, túng phải hốt một nắm kim phép vãi lên để giết Na Tra trước, chẳng ngờ trong cơn hoảng hốt, không kịp lấy kim phép, bị Na Tra quăng Càn khôn quyện lên, đánh trúng đầu nhào xuống đất.
Na Tra lướt tới đâm bồi một giáo chết tươi.
Binh Thương thấy chủ tướng tử trận đều bó tay đầu hàng hết.
Na Tra giao cho Lôi Chấn Tử thủ thành, còn mình chạy theo tiếp cứu với Tử Nha.
Nhắc lại, Trương Khuê lúc nghe pháo nổ, ngoảnh đầu lại thấy binh Châu vây phủ thành trì, biết mình mắc kế, toan quay về cứu. Tử Nha gọi lớn:
- Trương Khuê, ngươi đã bị mất thành sao chẳng chịu hàng đầu cho toàn tánh mạng?
Trương Khuê không thèm nói, cứ giục ngựa chạy riết về thành, vừa đến nửa đường thì gặp Na Tra.
Na Tra đón lại mắng:
- Nghịch tặc, chưa chịu trói còn đợi chừng nào?
Trương Khuê nổi xung hỗn chiến.
Ðánh chừng ba hiệp, Na Tra quăng nơm phép chụp Trương Khuê, Trương Khuê nhào xuống ngựa độn thổ trốn đi, Na Tra thấy Trương Khuê dùng phép địa hành, chạnh nhớ đến Thổ Hành Tôn lòng buồn khôn xiết.
Kế đó Na Tra đến rước Võ Vương và Tử Nha vào thành.
Võ Vương truyền đem thủ cấp các tướng Châu chôn cất tử tế.
Còn Trương Khuê đi dưới đất chạy ra ngã Huỳnh Hà, vì biết thành Dẫn Trì đã mất, có trở lại cũng chẳng ích gì, chẳng ngờ Tử Nha đã sai Dương Nhậm và Vi Hộ đón sẳn. Dương Nhậm đứng bên trên, trông thấy Trương Khuê đi dưới đất, liền chỉ tay nói với Vi Hộ:
- Kia kìa, Trương Khuê đang chạy dưới đất kìa. Chúng ta phải theo cho kịp. Cứ theo ngón tay tôi chỉ mà phóng Gián ma xử.
Trương Khuê đang chạy, thấy Dương Nhậm cỡi thú Vân Hà đuổi theo mãi thì thất kinh chạy sảng.
Còn Dương Nhậm cứ ngó Trương Khuê mà chỉ, Vi Hộ cầm Gián ma xử nhắm hướng Dương Nhậm chỉ mà quăng.
Trương Khuê chắt lưỡi than:
- Nó thấy được ta chạy dưới đất thì biết đường nào trốn được. Vậy thì chạy về Triều Ca rồi sẽ liệu.
Nghĩ rồi chạy thẳng ra mé sông Huỳnh Hà.
Bấy giờ Dương Tiễn đã được lệnh cầm búa chỉ đất cứng đứng chờ sẳn, bỗng thấy Dương Nhậm giục thú đến nói lớn:
- Trương Khuê chạy đã gần đến mé sông ấy.
Dương Tiễn nghe nói liền đốt bùa.
Trương Khuê đang chạy đến vùng đất ấy tự nhiên dừng lại, vì xung quanh đất cứng như sắt.
Trương Khuê kẹt dưới đất chẳng khác bị trói, cựa quậy không được nữa.
Dương Nhậm chỉ chỗ cho Vi Hộ, Vi Hộ nhắm ngay đó phóng mạnh Gián ma xử xuống, Trương Khuê bể đầu.
Dương Nhậm nói:
- Trương Khuê chết rồi.
- Ai nấy nghe nói mừng rỡ, đồng trở về thành Dẫn Trì thưa với Tử Nha, Tử Nha truyền dưỡng binh hai ngày rồi kéo qua sông Huỳnh Hà.
Lúc này vào tiết Ðông, khí trời lành lạnh, binh Châu đến mé sông đóng trại.
Tử Nha truyền quân đi khắp ven sông, mướn thuyền của bá tánh để chở quân sĩ sang sông. Trong số các thuyền mướn được, lựa một chiếc sang trọng hơn, để Võ Vương và Tử Nha dùng, còn quân sĩ thì cứ tùy theo sức thuyền chở mà xuống thuyền.
Ðoàn thuyền bồng bềnh trên mặt sóng, lướt ra đến giữa dòng.
Võ Vương chưa từng qua sông lớn, thấy sóng gió rất lo sợ, nhìn chân trời mặt nước mênh mông, không biết đâu bờ bến.
Tử Nha thấy Võ Vương có ý sợ sệt, tìm lời khuyên giải.
Khi thuyền ra đến giữa sông, bỗng có một con cá trắng như bạc nhảy lên thuyền, Võ Vương càng giật mình hơn nữa. Con cá lớn phi thường, dài đến năm sáu thước mộc. Nó lăn lộn trong thuyền, nhảy từ khoang này đến khoang kia, nhưng không nhảy khỏi be thuyền để trở về với dòng sông.
Võ Vương lấy làm lạ hỏi:
- Cá bạc nhảy vào thuyền chẳng biết điềm lành dữ?
Tử Nha tâu:
- Mừng Ðại vương phạt Trụ được, nên trời ứng điềm lành. Bởi Trụ Vương trọng sắc trắng nên khiến cá bạc nhảy vào thuyền nạp mình. Trời khiến sự nghiệp nhà Thương về nhà Châu đó.
Nói rồi truyền bọn đầu bếp đem cá làm thịt, Võ Vương không bằng lòng, bảo thả cá xuống sông làm phước.
Tử Nha nói:
- Trời đã cho mà Ðại vương không dùng e mắc tội.
Liền hối quân làm thịt cá dâng cho Võ Vương, còn dư thì đãi các tướng.
Giây phút sóng êm gió lặng, thuyền qua khỏi sông Huỳnh Hà, bốn trăm chư hầu đang sửa soạn nghênh tiếp.
Tử Nha nghĩ thầm:
- Võ Vương tánh nhân đức, chẳng chịu phản vua, e chư hầu tôn Vương, Võ Vương sẽ giật mình từ chối. Nếu để chư hầu thối chí thì uổng công mình biết chừng nào, vậy ta phải liệu trước mới được.
Nghĩ rồi tâu với Võ Vương:
- Tuy thuyền đã tới bến song Ðại vương chớ nên rời thuyền hãy ở nán lại đây để tôi lên trước, sắp đặt quân ngũ cho chỉnh tề, rồi đến rước Ðại vương.
Võ Vương nói:
- Tùy ý Thượng phụ định liệu.
Tử Nha lên bờ kéo quân đến Mạnh Tân đóng trại.
Bốn trăm chư hầu đồng vào ra. Tử Nha đón tiếp và dặn:
- Xin chư vị hiền hầu lúc ra mắt Võ Vương chớ nói đến việc điếu dân phạt Trụ, cứ nói là đi xem chính lệnh nhà Thương mà thôi, đợi phá Trụ xong sẽ thương nghị.
Các chư hầu đều y lời.
Tử Nha sai Dương Tiễn, Na Tra đem binh đi rước Võ Vương.
Hai trăm chư hầu Tây phương cũng theo Võ Vương nữa, cộng hết là sáu trăm chư hầu. Chỉ còn thiếu hai trăm chư hầu phương Ðông, vì Khương Văn Hoán chưa phá được ải Du Hồn nên chưa dẫn đến họp mặt.
Khi ấy Võ Vương đi gần đến trại, Tử Nha dẫn chư hầu ra nghênh tiếp.
Năm vị chư hầu lớn và sáu bá kể ra sau:
Năm vị chư hầu là:
- Nam Bá hầu Ngạc Thuận.
- Bắc Bá hầu Sùng Ứng Loan.
- Ðông Bá hầu Chung Chí Minh.
- Tây Nam Dự châu hầu Dao Sở Lượng.
- Ðông Bắc Cổn châu hầu Bành Tổ Thọ.
Còn sáu vị Bá là:
- Di Môn Bá Võ Cao Quì.
- Tả Bá Tông Trí Minh.
- Hữu Bá Dao Thứ Long.
- Viễn Bá Thường Tín Nhân.
- Cận Bá Tào Tông.
- Bân châu Bá Ðinh Kiến Thiết.
Tuy chưa đủ tám trăm chư hầu, song sáu trăm chư hầu và các bá lớn nhỏ cũng đông lắm.
Có bài thơ rằng:
Hết thảy chư hầu nhóm Mạnh Tân,
Bụi bay mù mịt khắp xa gần
Lọng, cờ đủ vẻ đông như hội,
Gươm giáo đầy tràn cắm tợ rừng
Binh nhạn oai phong như địa sát,
Tướng hùm khí dữ tợ thiên thần
Sáu trăm mão áo đồng nghênh tiếp,
Rõ mặt Tây châu đến cứu dân
Các chư hầu và các bá đều mời Võ Vương vào ngồi giữa trướng để mọi người ra mắt. Võ Vương khiêm nhượng nhiều lần, song bị ép quá không lẽ từ chối hoài, phải đáp lễ rồi ngồi giữa.
Chư hầu đồng quỳ tâu:
- Nay Ðại vương đến đây hội diện, chúng tôi được thấy thiên nhan, xin Ðại vương ra ơn cứu thiên hạ trong nước lửa, chúng tôi rất đội ơn.
Võ Vương nói:
- Tôi nối nghiệp tiên vương, hằng thẹn mình chưa đủ tài đức, cảm ơn chư vị hiền hầu đoái tưởng mời đến, tôi chẳng dám cãi nên phải bái tướng vào đây, để ngõ cùng Thiên tử, ăn năn cần mẫn việc chánh, xin các hiền hầu đừng xem tôi là chủ hội này, vì tôi chỉ vâng lời mời đến cho đủ mặt mà thôi.
Dự chư hầu là Dao Sở Lượng tâu:
- Trụ Vương vô đạo, giết hại vợ con, , bỏ việc cúng tế, dùng gian nịnh hại trung lương, mắc tội trời nên khiến mất nước. Xin Ðại vương phạt một kẻ dữ, cứu trăm họ dân lành, để muôn phương cảm đức.
Võ Vương nói:
- Thiên Tử lỗi đạo chỉ tại nghe lời Ðắt Kỷ và gian thần. Chúng ta đến đây coi việc chánh, bắt bọn ấy đi thì Thiên Tử sẽ ăn năn sửa lỗi.
Cổn châu hầu là Bành Tổ Thọ tâu:
- Ngôi trời không chừng, ai có đức thì được. Xưa vua Nghiêu không nhường ngôi con mình là Ðơn Châu, lại truyền cho Ðế Thuấn, còn vua Thuấn không nhường ngôi cho con mình là Thương Quân, lại truyền cho Ðại Võ. Ấy là tại con vua Nghiêu, vua Thuấn thiếu đức. Sau vua Ðại Võ truyền cho con là vì con có đức, nối dòng đến vua Kiệt. Vua Kiệt lại thất đức bỏ việc nhà Hạ, bạo ngược với muôn dân, nên vua Thành Thang đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào, cứu dân trong nước lửa, nên chư hầu mới tôn vua Thành Thang làm Thiên tử, gây cơ nghiệp nhà Thương, truyền đến đời vua Trụ. Nay vua Trụ lỗi đạo hơn vua Kiệt thuở xưa, trời khiến Ðại vương cứu dân trong nước lửa, xin Ðại vương phạt Trụ cho đẹp dạ chư hầu, chẳng nên khiêm nhượng.
Võ Vương cứ việc từ chối mãi, Tử Nha nói:
- Xin quý vị chư hầu đợi xem việc chánh nhà Châu xong sẽ luận.
Chư hầu đồng khen phải.
Võ Vương truyền mở tiệc đãi đằng.
Bấy giờ Viên Hồng đồn quân tại Mạnh Tân, nghe quân báo:
- Nay Võ Vương và Khương Thượng đã vượt sông Huỳnh Hà, hội chư hầu ở Mạnh Tân.
Ân Phá Bại nói:
- Cơ Phát cầm đầu hội chư hầu này, binh tướng mạnh như hùm, xin Nguyên soái chớ dễ ngươi, phải cố gắng phòng thủ.
Viên Hồng nói:
- Tham quân thấy quân chư hầu đông và mạnh như vậy lo lắng cũng phải, song tôi thấy các chư hầu chỉ có Khương Thượng là đáng kể mà thôi. Tuy nhiên, đối với Khương Thượng thì cũng chỉ là một gã câu cá, chưa đủ tài làm tướng. Tham quân sẽ xem tôi đánh Khương Thượng một trận không còn một manh giáp.
Hôm sau Tử Nha ra khách, Di Môn Bá là Võ Cao Quì nói:
- Lâu nay mấy trăm chư hầu đồn binh tại Mạnh Tân này mà chưa dám phạt Trụ, vì đợi Võ Vương đến đặng ra binh. Nay không bắt Viên Hồng thì đứa thất phu ấy khi dễ người tài trí.
Tử Nha nói:
- Luận như vậy cũng phải. Thôi để tôi hạ chiến thơ, rồi bắt đầu giao tranh.
Nói rồi lấy bút viết một phong thơ, sai Dương Tiễn đem trao cho Viên Hồng.
Dương Tiễn đến dinh Thương kêu lớn:
- Ta vâng lệnh Khương Nguyên soái đến hạ chiến thơ.
Quân vào báo lại, Viên Hồng cho đòi vào, mở thơ ra xem rồi nói với Dương Tiễn:
- Ta không cần viết thơ trả lời. Ngươi về thưa lại cho Khương Thượng chuẩn bị ngày mai giao chiến.
Dương Tiễn về thưa lại.
Tử Nha tin cho chư hầu hay để sửa soạn giao công.
Rạng ngày Tử Nha truyền phát pháo kéo binh ra, bên tả có Nam Bá Hầu Ngạc Thuận, bên hữu có Bắc Bá Hầu Sùng Ứng Loan, đằng sau dàn mấy trăm chư hầu coi thế như vũ bão, đồng kéo đến trước trại.
Quân vào báo lại, Viên Hồng kéo binh tướng ra, Tử Nha hỏi:
- Có phải Thương triều Nguyên soái Viên Hồng chăng?
Viên Hồng gật đầu hỏi lại:
- Còn ngươi có phải là Khương Tử Nha không?
Tử Nha nói:
- Nay Trụ Vương lỗi đạo, thiên hạ về Châu, sức ngươi như một gáo nước làm sao tưới muôn xe cho được? Nếu hàng đầu thì còn mạng bằng cự lại phải lụy thân.
Viên Hồng cười lớn:
- Khương Thượng! Ngươi có tài bắt cá biết nước cạn sâu chớ làm sao biết đến chuyện cầm binh khiển tướng mà nói phách. Bởi năm ải không có tướng tài nên ngươi mới lọt đến đây. Ðã vậy sao không lấy đó làm may còn cố đem thân vào cõi chết?
Dứt lời, Viên Hồng quay lại hỏi các tướng:
- Tướng nào chịu ra sức bắt gã ngư phủ cho ta?
Thường Hạo ứng tiếng nói lớn:
- Ðể tôi bắt nó cho.
Nói rồi cầm đao lướt tới. Hữu Bá Dao Thứ Long nổi giận xách búa giục ngựa tới hét:
- Thất phu đừng phách lối! Có ta lấy đầu ngươi đây!
Nói rồi hỗn chiến.
Thường Hạo thấy Dao Thứ Long múa búa như bay nhắm bề cự không lại tính chạy trước cho êm.
Dao Thứ Long liền giục ngựa đuổi theo lập tức.