Gương trăng Đầu giờ chiều ngày thứ hai, Nguyễn lò dò tới ủy ban quận.
Cuối buổi tiếp, bà phó chủ tịch vui vẻ đưa cho anh bốn tập báo cáo tổng kết. Đọc lướt qua, Nguyễn như mở cờ trong bụng. Trong sấp giấy anh vừa nhận được có một nguyên mẫu rất tiêu biểu.
Cơm chiều xong, Nguyễn quên cả uống nước, vô ngay phòng viết để đọc tài liệu. Vốn là người dễ xúc động, đọc nhiều đoạn do chị Thu Hằng tự kể về đời mình, nước mắt Nguyễn cứ ứa ra. Có lúc, không kìm được, anh kêu lên: “ Khổ, khổ quá. Khổ đến thế là cùng!”, hoặc: “ Hên rồi! Cũng phải vậy mới được chứ !”. Bị nhân vật cuốn hút, Nguyễn say sưa tới mức không biết vợ anh đã đứng ở sau lưng từ lúc nào. Cho tới lúc anh reo lên : “ Chà chà...” thì cũng là lúc tóc anh bị túm chặt, mặt anh bị xoay ngược lại đằng sau.
- Này! Vợ anh nghiến răng, khẽ rít lên- Tôi biểu cho mà biết, anh còn theo nó, bù trì cho nó, tôi xẻo...
- Ơ kìa, em hay thiệt, đây là một tấm gương!
- Gương lược gì! Anh xạo thì có. Gương lược nào khiến anh khóc được?
- Đây này!
Anh nói và giở trang cuối cùng của tập báo cáo. Người vợ nhìn chăm chắm vô hàng chữ kí và con dấu còn đỏ chót màu son. Rồi buông Nguyễn ra, chị thở cái phào:
- Văn với chả chương, làm người ta hết cả hồn!
Sáng thứ ba, Nguyễn xuống phường. Anh chủ tịch phường kể:
- Cô Thu Hằng là một phụ nữ giàu nghị lực. Chỉ tội nghiệp cho anh chồng. Ảnh bị tâm thần bảy năm nay; chân lại bị bại liệt, không đi lại được.
Chị hội trưởng hội phụ nữ ngồi bên cạnh cũng nói:
- Chị Thu Hằng cực lắm anh ơi. Ba giờ sáng đã phải dậy nấu xôi đem xuống Chợ Lớn bán. Mười một giờ trưa mới về tới nhà. Chiều lại phải lo đủ việc chồng con. Đúng là hồng nhan bạc phận!
Riêng anh công an phường ghé qua ủy ban xin ý kiến về việc chống tệ nạn xã hội là không nói gì. Thấy anh chủ tịch ngỏ ý nhờ dẫn Nguyễn xuống nhà chị Thu Hằng, anh công an gật đầu nhận lời ngay.
Anh công an đưa Nguyễn tới nhà ông Hai, tổ trưởng dân phố nơi gia đình chị Thu Hằng cư trú, rồi lịch sự xin phép ra về.
Nguyễn giở sổ tay, chăm chú nghe ông Hai kể về thành tích xoá đói của chị Hằng. Cuối cùng, ông cùng Nguyễn tới thăm một căn nhà lụp xụp. Nhà ẩn trong một khu vườn đầy dừa và cây dại. Chỉ vô cánh cửa im ỉm khóa, ông nói:
- Nhà chị Hằng đó.
Nguyễn hỏi:
- Vậy anh chồng bây giờ ở đâu?
Ông Hai thở dài:
- Nó nhốt ảnh ở trỏng. Rồi đi bán hàng.
- Chị Hằng có gửi ai giữ chìa khoá đề phòng hỏa hoạn không?
- Nó gửi tôi. Để tôi mở cửa cho anh gặp chồng nó nha!
Ông Hai vừa nói vừa tra chìa vô ổ khoá.
Cửa mở. Từ trong đống chăn màn hôi hám chưa gấp, một người đàn ông lồm cồm bò dậy. Đôi tay khẳng khiu của anh ta run bần bật...
Hai con mắt giương thao láo, anh ta thều thào nói:
- Không để đến tối cho khuất hẳn mắt tao ư?
Nói xong, anh ngã vật xuống, quay mặt vô tường. Hình như anh ta không muốn nhìn mặt ai nữa thì phải.
- Tội nghiệp chị Thu Hằng. Phải kiếm bao nhiêu tiền mới đủ để chữa hết bệnh cho chồng đây? Nguyễn nghĩ thầm.
Trong suốt chiều hôm ấy, dựa theo lời kể của nhiều người và những điều mình được tận mắt chứng kiến, Nguyễn viết xong bài kí về nhân vật chị Hằng.
Đắc ý, buổi tối, anh đem ngay bản thảo đến nhờ ông Hai đọc và góp ý giùm.
Đọc xong bài Nguyễn viết, ông tổ trưởng không khen chê điều gì. Nguyễn gặng hỏi thì ông Hai lại biểu:
- Còn thiếu nhiều lắm!
Rồi, ông khoát tay, tiếp:
- Anh cứ thử đi với tôi một lần rồi sẽ rõ!
Nguyễn lẳng lặng đứng dậy, đi theo ông.
Hai người rón rén lần theo mương nước phía sau nhà chị Hằng.
Nhờ ánh trăng mười rằm lọt qua mái lá soi vô bên trong, Nguyễn nhận ngay ra anh chồng tâm thần bại liệt yếu ớt của chị Hằng đang nằm úp mặt vô tường, thút thít khóc. Phía giường bên kia, một gã đàn ông to như một con hổ đang thản nhiên xoay mặt chị Hằng về phía gã. Người đàn bà hi hí cười, riết chặt lấy gã đàn ông...
Nguyễn chợt hiểu, khẽ bấm vô tay ông Hai, ra hiệu rút êm.
Về tới ngõ nhà mình, ông Hai mới nói khẽ:
- Trên đã giúp vợ chồng nó xoá được đói. Nhưng bây giờ...
Nguyễn khờ khạo hỏi:
- Thì sao?
Ông Hai thở dài:
- Con Hằng biểu nó hết đói cơm đói áo, nhưng vẫn bị nhiều thứ đói khác làm tình làm tội. Tỉ dụ như đói… À, mà cứ đà này thì gia đình nó sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn thôi…
- Mấy chú không có cách nào giúp chị ta tỉnh ngộ sao?
- Tôi tin là có cách chớ .
- Nhưng sao tổ dân phố chưa báo cho phường biết chuyện này?
- Cực lắm anh ơi! Khổ nỗi là tay Tư cũng đã có vợ con rồi. Nhưng miệng cứ leo lẻo nói là nó giúp đỡ con bé vô tư lự. Chúng tôi sẽ gặp riêng hắn để đem ra lời khuyên nhủ trước đã. Bởi nếu chuyện này vỡ lở ra, cả hai đều sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Chưa nói đến chuyện pháp luật mà chỉ nói tới vợ tay Tư thôi, con mụ ấy dám xé xác cả thằng chồng lẫn con Hằng ra làm trăm mảnh lắm!
Nguyễn thừ người, tay vô tình vò nát bài văn, ném xuống mương.
Mặt nước sóng sánh ánh trăng.
Y như một tấm gương bị vỡ vậy...