Hôm đến Tràm Chim viết bài về loài sếu đầu đỏ, nghe đồn cái quán nhậu quay mặt ra kinh Đồng Tiến có món đặc sản ngon nhất xứ, tôi lò mò dò tới uống vài li chơi. Món đặc sản Đồng Tháp là thịt chuột. Có tới hàng chục món, hàng chục cách chế biến. Luộc, hấp, nướng than nguyên con. Chả băm viên vo tròn chiên giòn. Xào lăn, nấu cà ri, nấu măng , nấu sả, nấu ớt, nấu giả cầy… Đương nhiên trong lúc chờ dọn món, khách hàng cũng được dịp thưởng thức đủ mọi loại âm thanh vang lên từ nhà bếp. Khi thì xèo xèo, lục bục. Lúc thì chát chát, cạch cạch... Mùi thơm xực nức cứ xộc vào mũi. Chưa dùng món, nước miếng đã tứa ra... Chủ quán hỏi tôi ngoài món chuột đồng, ông có dùng thêm món rắn nước bơi trên kinh Đồng Tiến không. Tôi bảo ông cho tôi một tô cháo là được. Một tô be bé thôi. Sau khi nhậu xong. Mà nhớ nhắc tôi nghe, tôi không kêu lại đâu. Vì tôi có tật nhậu xong là chẳng nhớ được gì mình dự định hoặc nói trước đó mà. Vâng, tôi họ Hứa đấy ông chủ ạ. Nghĩa là chớ vội tin những gì tôi hứa. Nhưng nhớ tính tiền cho sòng phẳng nghe. Chớ có thấy bộ dạng tôi loạng choạng mà tưởng tôi say nghe. Bị lỏng túi là tôi tỉnh liền à... Chủ quán nói ông vui tính quá. Nhất định là ông sẽ được hài lòng thôi. À, mà ông có cần kêu các bạn ông đang nghỉ ở nhà khách huyện tới góp vui thì tôi cho cháu nó đi ngay. Tôi nghĩ các bạn ông sẽ không ai nỡ từ chối ông đâu. Một người hào hoa như ông mà lại đi nhậu có một mình, xem ra có cái gì đó không bình thường. Hay ông có tâm sự? Tiếc rằng ở miệt heo hút này không có mấy em như ở thành phố. Nhưng món nhậu thì tuyệt. Tôi bảo đảm cả thế giới không nơi nào có những món nhậu hết chê như ở Tràm Chim... Tối ấy tôi nhậu một mình. Cũng phải nếm cái cảm giác ăn một mình đau tức ra sao chớ. Ngon thiệt! Món nào tôi cũng kêu hai miếng. Chỉ hai miếng thôi. Miếng thứ nhất nhấm nháp tìm hương vị. Miếng thứ hai đưa cay. Giữa các món đảo mắt một vòng nhìn xuống lòng kinh, coi thuyền gắn máy chạy ngược chạy xuôi, hoặc nghĩ tới một câu thơ viết về sông nước Đồng Tháp. Chậc, chả nghĩ ra câu thơ nào. Rồi tự an ủi mình: thời trân cũng là thơ chứ sao. Thơ từ thị giác, vị giác, xúc giác. Tứ thơ nhìn, ngửi, nhai nuốt. Dung tục mà cũng thanh tao biết mấy! Tôi đã hình như ngà ngà say. Có lẽ vì thế mà khi thấy một cậu thanh niên ngoài hai mươi, tóc tai bù xù, mặt mũi bơ phờ, dài dại tự ý ngồi xuống bên cạnh, tôi cũng không tỏ ra bực bội, chỉ khẽ đưa mắt nhìn cậu ta, ra ý thăm dò. Người kia cũng không nói. Anh ta không tỏ ý xin ăn. Cũng không tỏ ý khiêu khích, trêu ngươi. Có vẻ như anh ta không hề biết tôi đang ngồi nhậu ở cái bàn này. Lạ hơn, anh ta bất ngờ hất hàm về phía chủ quán, giọng rất hách, tính tiền, tính tiền lẹ cho tui còn đi nào, chủ quán đâu, tính tiền... Chủ quán tươi cười đi tới. Ông vỗ nhẹ vào vai người trai trẻ mặt đang ngớ ra như vừa sực tỉnh, nhẹ nhàng nói cậu cứ vô đây ăn uống cho thật đàng hoàng, thật no say đã, rồi đâu có đó, muốn tính bao nhiêu tiền tui cũng chịu, nào, mời cậu... Người trai ngoan ngoãn vâng lời. Anh ta ra ngồi cạnh bờ sông, miệng lẩm bẩm tàu kia mà vào tay ba tui thì bỏ đời nhà nó rồi. Hên cho nó là ba tui về thành phố rồi. Mà tui lại không phải là giải phóng, tui cũng không phải là dì Tư. Tui không có lựu cũng chẳng có mìn, tui chỉ là con của ba tui... Một lát sau, anh ta đứng dậy, chắp tay chào chủ quán: chào chú, con đi đây, tiền con thiếu chú cứ ghi vô sổ, vài bữa nữa ba con xuống tính, chú đừng buồn con nghe chú, mốt con lại tới nhậu giúp đỡ chú đó chú à. Rồi bỏ đi. Thấy tôi tỏ ý lạ, chủ quán nhậu giải thích: nó là con anh Hai Rắn đấy ông ạ. Đại tá Hai Rắn lừng lẫy một thời mà ông không biết a? Nó theo xe của công ty du lịch gần nhà xuống đây. Nó vậy nhưng hiền khô à, chẳng hại ai đâu... À, thì ra đó là một cậu bé mát! Và đúng thế, tội nghiệp cho ba nó thiệt. Nhưng anh Hai Rắn là ai nhỉ? Mà nổi tiếng tới mức một ông chủ quán nhậu cũng hay tên? Nổi tiếng tới mức cậu con trai mát tính của ông đi tới đâu, không một cắc một đồng dính túi cũng vẫn được người ta cho ăn cho uống tử tế? *** Sáng hôm sau, chúng tôi huyện mời đi tham quan một số địa danh nổi tiếng trong thời chống Mỹ. Nghe báo cáo viên kể lại trận đánh thủy phi cơ ngụy trên kênh Đồng Tiến đầu năm 1960, tôi ghi kín cả hai trang giấy. Thú vị nhất là chiến tranh ác liệt thế mà người ra trận cứ coi như trò chơi vậy. Cái chết kề bên cạnh mà người ta vẫn cứ yêu nhau. Yêu say đắm. Yêu như thể lấy tình yêu mà giật sự sống ra khỏi tay cái chết! Trận này do chị Tư Chuột và anh Hai Tỵ đánh. Lý do phải cử hai người cũng đơn giản. Anh Hai biết cách đánh tàu nhưng lại không thạo sử dụng ghe máy. Còn chị Tư thì lại nổi tiếng là người thạo ghe thuyền sông rạch vùng này. Tính chất của trận chiến rất ác liệt nên đơn vị đã làm lễ truy điệu cho hai người trước khi họ xuất kích. Tới vị trí lựa chọn trước, Hai Tỵ đào một cái hố giấu xuồng, lại trùm lên bên trên xuồng một lớp bùm mỏng. Anh bàn tính với Tư Chuột chọn lúc chập tối làm thời điểm khai hoả. Vì sau trận đánh, muốn tránh bị máy bay và bộ binh địch truy đuổi, họ rất cần bóng tối che chở để bơi xuồng rút êm về cứ ... Đôi trai gái nằm phục tới mười mấy ngày dưới một lùm bần ken kín mít dây dại leo ven kinh mà thời cơ vẫn chưa đến. Hết đồ ăn dự trữ, tối tối, anh Hai lại bò ra khỏi lùm cây, kiếm rắn nước, kiếm chuột. Hai người che chắn lửa khói kĩ càng rồi thay nhau nướng thịt ăn cho ngày hôm sau. Nhiều bữa, thấy anh Hai cứ lặng lẽ hút thuốc rồi lại thở dài trong đêm Tháp Mười hun hút gió, chị Tư khóc thút thít, biểu sao anh không hiểu lòng chị. Hai Tỵ nói là anh biết chớ, chờ hết giặc nhất định anh sẽ cưới chị làm vợ. Họ hôn nhau đắm đuối nhiều lần rồi ôm nhau ngủ. Về sau, có nhiều người cùng thời nói, trong những ngày ấy hai người đã sống với nhau như vợ như chồng vậy. Nói cho vui chứ chả ai có bằng chứng gì... Kết quả là một cái thủy phi cơ của địch đã bị nổ tung bởi vướng một dây lựu đạn anh Hai Tỵ giăng qua kinh. Còn hai người thì trở về cứ ở Hồng Ngự an toàn, được cấp trên đề nghị thưởng Huân chương chiến công hạng ba. Họ chưa kịp cưới nhau thì anh Hai được trên điều sang Bến Tre làm đại đội trưởng một đơn vị vũ trang hỗ trợ cho đồng khởi. Bao nhiêu là nước mắt chia li đã nhỏ. Nhưng nhiệm vụ là trên hết. Anh Hai và chị Tư hẹn chờ nhau mãi mãi rồi lại hôn nhau nhiều lần. Họ chỉ chịu rời khỏi nhau khi chiếc xuồng đưa hai người tới đầu kinh Đồng Tiến, nơi có một chiếc ghe máy nhỏ chờ sẵn để chở anh Hai xuôi sang vùng đất đồng khởi. Ở đấy, những trận đánh ác liệt đang chờ anh... Anh Hai Tỵ và chị Tư Chuột bặt tin nhau từ đó. Về sau, lúc liên lạc được với nhau thì hoàn cảnh éo le lại đã đẩy số phận mỗi người về một phía... Bây giờ họ đang ở đâu? Nghe chúng tôi hỏi thế, anh báo cáo viên ngượng ngịu nói anh cũng không biết. Dạ, thưa các anh, chiến tranh tàn khốc thế đấy, lớp hậu sinh chúng em cũng chỉ nghe tới đó, biết tới đó, còn số phận từng người sau cuộc chiến như thế nào, chưa có ai tổng kết. Nhưng em tin tốt đẹp cả thôi. Vì hiện tại chính là tương lai của quá khứ. Một quá khứ đau thương nhưng rất đẹp... *** Một bổi tối sau đó mấy bữa, tôi lại ghé quán nhậu. Quán đã có hai thực khách. Ngồi bên cạnh cậu con trai mát tính là một người đàn bà tóc bạc trắng như cước. Tôi không đoán nổi tuổi của bà. Nếu dựa theo khuôn mặt đỏ hồng và đôi mắt sáng, có lẽ bà còn đang độ năm mươi. Bà gọi chàng trai là con, xưng má. Má lấy thêm đồ ăn cho con nghe? À, con thích món cháo rắn chớ? A, hay là má kêu thêm cho con chai bia nghe? Chàng trai dạ dạ, vâng vâng, hì hụp húp cháo. Ngon lắm má ạ. Con nói thiệt đó, ngon lắm. Ba con chưa cho con ăn món nào ngon thế. Mà sao má đi hoài vậy. Sao giờ con mới hay mình có má. Con cứ tưởng mình ra từ nách ba. Hi hi, hoá ra má sanh ra con, hi hi... Hai người ngồi thêm một lát nữa rồi mới chào chủ quán, đi xuống một cái thuyền máy lớn. Hình như đây chính là con thuyền chở khách du lịch chạy lòng vòng trên kinh rạch Tam Nông. Nếu khách bao gọn chuyến, thuyền có thể chạy bất cứ lúc nào, trên bất cứ dòng kinh ngang dọc nào trên đất Tràm Chim mênh mông nước và tràm này. Chủ quán nhậu bảo tôi, bà hồi nãy chính là chị Tư Chuột tôi kể cho ông nghe tối qua đó ông. Bả mới ở bên Úc về. Nghe nói về tìm ông Hai Rắn. Tôi gặng, nghe ông kể thì chị Tư là người yêu ông Hai Tỵ, lại là chiến sĩ hồi chống Mỹ, bây giờ sao lại ở bên Úc, lại đi tìm một ông Hai Rắn nào đó là cớ làm sao? Chủ quán cười hì hì lấy lòng, bảo: ông chưa hay Tỵ tức là Rắn ư? Là Tỵ, là Tý hay là gi gỉ gì gi là gì cũng được mà hay bắt rắn, nhậu rắn thì tên là rắn cũng chẳng hề hấn đến ai. Ông Tỵ mà tôi kể, trước đây ai cũng kêu là ông Rắn. Rắn cắn chết kẻ ác đấy. Thằng giặc nào nghe tên ông cũng khiếp vía hết. Chỉ có bà con, nhất là chị Tư Chuột, cứ nghe tên ấy là khoái mới đã chớ! Hay thiệt ông nhỉ. Chuột chỉ mong được rắn bắt. Mà đàn bà mong được đàn ông yêu thì trúng phóc rồi, có gì để phải bàn trái lẽ hay hợp lẽ nữa chớ? Ông ạ, chủ quán tiếp, số chị Tư lận đận lắm. Anh Hai qua Bến Tre chừng một năm thì có tin báo ảnh hi sinh. Chị Tư khóc hết nước mắt, thề không lấy ai nữa. Cấp trên cử chị về Cao Lãnh hoạt động trong một nhóm tình báo cài trong nội bộ quân ngụy. Rồi chẳng rõ do yêu cầu của công việc hay vì một căn nguyên nào đó, chị lấy một viên thiếu tá ngụy. Viên thiếu tá này bị chuyển đi nhiều nơi, lúc về Cần Thơ, lúc lại ra Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa. Năm 1969, tổ chức nội gián của ta ở Cao Lãnh bị lộ, chị Tư mất hẳn liên lạc. Và cũng không ai liên hệ lại với chị nữa. Là vợ sĩ quan ngụy, tới đâu chị cũng bị người ta nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm. Năm 75, sau khi người chồng chết trận ở Bảo Lộc, chị Tư đã dẫn đứa con trai duy nhất của mình di tản qua Úc. Về sau, nhờ một tờ báo nước ngoài đưa tin, ảnh về trận chiến ở Bảo Lộc, chị mới hay anh Hai Rắn vẫn còn sống. Anh chính là người chỉ huy quân giải phóng chọc thủng phòng tuyến do chồng chị đảm nhiệm, mở cửa cho đại quân tiến về Sài Gòn. Bữa ấy, chị đã bị ngất xỉu, tỉnh dậy lòng vẫn còn hoang mang... Nhiều năm sau nữa, con trai chị Tư đã trở thành một tiến sĩ nông học, trong những lần về thăm Tràm Chim, chị vẫn ngấm ngầm điều tra về anh Hai. Chị được biết cho tới năm 1975 anh mới lập gia đình. Vợ anh là y tá thuộc sư đoàn do anh chỉ huy. Chị bị nhiễm chất độc màu da cam trong trận càn của quân Mỹ vào Tây Ninh năm 1969. Chị sinh cho anh Hai hai đứa con. Đứa đầu là một bé gái, ba tháng nó vẫn không mở được mắt và mất vào đầu tháng tuổi thứ tư. Còn cậu con trai của anh, bảy tuổi nó mới biết đi, lại chẳng có tí trí khôn nào. Nhà anh Hai ở gần một công ti du lịch nên tình cờ thằng bé đã xuống được Tràm Chim. Chủ quán nhậu thấy nó giống anh Hai thời trẻ quá, gọi lại hỏi, cho ăn, cho uống tử tế, lại cho cả tiền để nó về thành phố. Chị Tư còn biết chị Hai đã mất từ năm 1983. Anh Hai ở vậy nuôi thằng bé. Và hình như anh vẫn có ý chờ đợi một ai đó. Chị nao lòng nhận ra chính mình cũng có ý đó! Chao ôi, xót thay, cả hai đều đã bước qua tuổi lục tuần! Mà duyên nợ thì vẫn chưa dứt được ư, hả trời? *** Đầu tháng tám, tôi vô tình gặp chủ quán đặc sản Tràm Chim ở thành phố. Ông khoe mùa này cỏ non mọc nhiều, chuột đồng béo lắm. Rắn cũng thế. Con nào con lấy lườn cứ tròn căng. Người đi bắt chuột, bắt rắn chỉ cần lùa chúng chạy từ các đám cỏ vào lưới, không phải mất công đào hang, hun khói vất vả nữa. Giá lại rẻ. Rẻ đến bất ngờ. Mấy anh cán bộ huyện, lúc có khách, cũng thường ghé qua quán cho tiện. À, mà cái anh tiến sĩ con trai chị Tư Chuột mới rồi cũng theo mẹ về thăm Đồng Tháp đó ông. Anh ta cũng mê món thịt rắn nước ra trò. Nhậu với mấy anh bên huyện, anh ta bảo anh rất kính phục, không phải vì các ông ấy có tài lai rai mà vì bữa nhậu rất bình dân. Người bình dân nhậu chơi với nhau lấy con chuột con rắn làm mồi cốt chỉ vì tình. Mấy ông nhậu bình dân thế, tức là còn gần dân lắm. Rồi anh ta hứa sẽ góp phần giúp tỉnh sống chung với lũ. Lạ lắm ông ạ, lo nhà cho người ở đã đành, anh tiến sĩ kia còn nói phải lo cho chuột cho rắn chỗ sống nữa thì chưa nghe ai nói bao giờ! Nhưng nghĩ mãi thì thấy cũng có lí. Từ bao đời nay, con rắn con chuột là thiên địch của nhau mà chúng vẫn sống bên nhau được. Đành rằng con rắn có ăn con chuột đấy, nhưng có giống nào bị tuyệt diệt đâu? Lại nữa, cứ nói chuột là loài phá hoại lúa; nhưng mùa nước thiếu chuột thì lấy thịt nào mà cải thiện nhậu lai rai chờ nước rút? Ở đâu tôi không hay, chớ ở Tràm Chim, tôi nghĩ bậy bạ rằng, chuột cũng là một con vật nuôi đó ông ơi. Nhưng trời lấy cỏ mà nuôi nó là chính. Trời nuôi chuột cũng là để nuôi con người ta chớ bộ... Tôi ngỏ ý mời ông chủ quán Tràm Chim về nhà chơi. Ông biểu: không, tôi phải đi cho được việc đã. Thôi chết, gặp ông mải nói chuyện chuột, chuyện rắn mà quên chưa nói chuyện người là cái thằng tôi dở ẹt quá cỡ rồi. Hồi nãy ông hỏi tôi lên thành phố mua bán gì đó phải không? Không, tôi đi đám cưới. Ông còn nhớ chị Tư Chuột không? Cón nhớ a? Ừa, tôi đi đám cưới bả với ông Hai Rắn đó. Bà ấy hồi hương rồi. Bả thương thằng nhỏ nhà anh Hai dữ lắm! À, hay là ông đi với tôi cho vui? Rồi về Tràm Chim nhậu vài ngày cho đã đời? Ông cũng sắp lục tuần rồi nhỉ? Nhưng còn trai chán! Còn nhai được cả mấy tạ rắn nữa chớ bộ... Tôi cười. Chợt nghĩ tới anh Hai Tỵ. Nghĩ tới những con sếu đầu đỏ. Hôm ở Tràm Chim, lần đầu tiên nhìn thấy loài sếu qúy hiếm này, tôi biết đó là hồng hạc, loài chim hồng báo tin vui trong thơ Nguyễn Đình Chiểu. Chúng rất mê củ năng Đồng Tháp, thứ củ rắn và chuột cùng rất thích...