LINH ẢNH TẠI ĐỀN TSAPARANGMặc chiếc áo hữu hiện
Chân Như bị hạn chế.
Lấy dạng hình thi ca,
Vận động nhẹ như bông.
(
Rabindranath Tagore)
Đó là một đêm đầy giông bão trên cổ điện hoang tàn tại Tsaparang, ngày xưa là thủ phủ của một vương quốc hùng hậu của miền tây Tây Tạng. Mây kéo nhau qua dầy đặc trên bầu trời, làm vầng trăng tròn khi chiếu rọi khi biến mất, để cho ánh trăng, như phát ra từ một chiếc đèn ma quái, nhảy múa trên một sân khấu khổng lồ, diễn lại lịch sử của một bi kịch bất tử. Tôi nói “bất tử” vì đó là bi kịch miên viễn của sự hoại diệt, của sự phục hưng trong trò chơi kỳ diệu của sức mạnh và thiện mỹ, của vẻ rực rỡ thế gian và của thành tựu tâm linh.
Sức mạnh đã suy tàn nhưng vẻ đẹp vẫn còn vương trên cung điện hoang phế, còn nằm yên trong những tác phẩm nghệ thuật, chúng đã được tạo thành bằng sự kiên trì và nhẫn nhục, trong bóng tối của một thời thịnh trị. Cái rực rỡ và hùng mạnh đã trở thành cát bụi, cái thần của văn hóa và niềm xác tín tôn giáo đã rút lui trong sự độc cư xa lánh cuộc đời, chúng còn hiện diện trong ngôn ngữ từ hay tác phẩm của thánh nhân, thi sĩ hay đạo sư và qua đó mà khẳng định lại lời của Lão Tử, rằng cái mềm yếu mới sống còn, cái cứng mạnh chỉ thuộc về cõi chết.
Số phận của Tsaparang đã an bài. Công trình của con người và tạo tác của thiên nhiên hầu như không còn phân biệt được nữa. Cổ điện đã biến thành cát đá và cát đá vươn lên như cung điện uy nghi. Toàn bộ ngọn núi hùng vĩ hiện ra như một tảng đá cẩm thạch vĩ đại, trong đó khắc họa một thành quách hoang đường: với lâu đài và cung điện, với tháp với vách, cao như muốn đụng đến mây, dựng đứng trên vách đá thẳng cheo leo, như một tổ ong với hàng trăm hàng ngàn ngăn hộc.
Ánh trăng mờ tỏ chiếu rọi làm cảnh vật hầu như vô thực và thêm đáng sợ, trong đó mọi sự đột nhiên biến mất, nhanh như chúng đã xuất hiện.
Ngôi đền màu đỏ thờ Phật Thích-Ca Mâu-Ni chìm trong bóng tối tĩnh lặng. Chỉ riêng khuôn mặt bức tượng vàng to lớn Thích-Ca Mâu-Ni hầu như tỏa ra một thứ ánh sáng êm dịu, ánh sáng này được tiếp nhận và phản chiếu bởi tượng của các vị Thiền Phật ở bên cạnh tả hữu của Ngài.
Bỗng nhiên tường vách của ngôi đền bắt đầu rung động và tiếng ầm ầm đáng sợ của đá đổ vang lên. Hộp gỗ đựng đèn thờ Phật Thích-Ca bỗng vỡ tung và khuôn mặt tượng Phật rực sáng ánh trăng, cả ngôi đền được chiếu sáng rực.
Cả không gian bỗng đầy tiếng than thở, hầu như cả ngôi đền rên rĩ dưới sức nặng của bao thế kỷ.
Một kẽ nứt to lớn hiện ra trên bức tượng bên cạnh bức họa nữ thần sắc trắng Tara và gần đụng một cánh hoa nằm cạnh tòa sen của thần.
Thần thức sống trong cánh hoa hoảng sợ nhảy ra khỏi trú xứ của mình, hai tay chắp lại hướng về thần Tara:
“Hỡi thần, kẻ cứu độ mọi loài sinh linh, hãy cứu chúng con và ngôi đền thiêng liêng này, đừng để bị hoại diệt!”
Với cặp mắt từ bi, Tara nhìn chỗ phát tiếng nói và hỏi: “Ngươi là ai, thần thức nhỏ bé kia?”
“Con là thần thức của cái đẹp, trú trong cánh hoa bên cạnh Ngài”.
Tara nở một nụ cười đẹp như người mẹ và chỉ vào một góc khác của ngôi đền: “Trong các lời giáo hóa quí báu hiện được cất chứa trong các bộ kinh có một kinh mang tên Bát-Nhã Ba-la-mật. Trong đó có lời dạy sau đây của Đức Thế Tôn.
Cần phải quán như sau:
"như đám mây trôi nổi,
như sao sớm bầu trời,
như ánh lửa vô thường,
như sóng nước suy tàn,
như bóng ma, ảo ảnh,
như giấc mộng chóng tan."
Thần thức cánh hoa nước mắt đầy tròng: “Ôi, những lời này chân thực biết bao, hết sức chân thực, hết sức thiện mỹ! Và nơi đâu có vẻ đẹp, dù cho chỉ một lần để ánh mắt ngời sáng, là ở đó có một dây đàn bất tử dã rung lên trong ta. Vâng, chúng ta đều ở trong cơn đại mộng, và ta hy vọng cuối cùng sẽ thức tỉnh, như Như Lai, Đức Thế Tôn, vì lòng từ bi đã xuất hiện trong “dạng mộng” của Ngài để đưa chúng ta đến giác ngộ”.
Khi nói như thế, thần thức của cái đẹp nghiêng mình hướng về Thích-Ca Mâu-Ni, mà tượng Ngài cũng như tất cả mọi hình tượng khác của ngôi đền, trong phút giây kỳ diệu này đã trở thành sống động.
“Không phải vì con thôi”, thần thức nói tiếp, “mà con xin Ngài cứu độ. Con biết tất cả mọi sắc thể đáng sống nơi đây sẽ hoại diệt - cũng như những lời dạy của Đức Như Lai chứa trong các kinh bản bám bụi đã nói. Điều con mong cầu là: đừng để cho các kinh điển đó mất đi trước khi chúng ta truyền được thông điệp vĩ đại đã ghi trong đó.
Con lạy Ngài, hỡi mẹ của tất cả sinh linh, của tất cả các vị Phật, hãy có lòng từ bi với tất cả mọi người chỉ vướng ít bụi trong mắt, những người có thể thấy và hiểu được, chỉ cần chúng ta ở lâu thêm một chút trong dạng đại mộng của mình, để cho thông điệp của chúng ta đến được với họ, hay trao được cho những người có thể phổ biến thêm ra, vì ích lợi của mọi loài hữu tình.
Đạo sư của chúng ta là Thích-Ca Mâu-Ni ngày xưa cũng được các thiên nhân khẩn cầu, khoan hãy nhập Đại Niết bàn khi Ngài đạt giác ngộ vô thượng. Hãy cho con được cầu khẩn Ngài với lý do như thế, xin được quy y với Ngài và với vô số dạng hình của Ngài”.
Thần thức lại cúi mình, hai tay chắp trước trán, trước hình tượng uy nghi sáng rực của Phật Thích-Ca Mâu-Ni và tất cả chư Phật và Bồ-tát tề tựu xung quanh.
Thần Tara nhắc tay bắt ấn cứu độ và khuôn mặt sáng rực của Thích-Ca Mâu-Ni mỉm cười đồng ý. “Thần thức của cái đẹp đã nói lên sự thực, tâm của thần thức đày lòng thành khẩn. Vì làm sao khác được? Không phải cái đẹp là kẻ chuyên chở và phụng sự cho Chân như sao? Cái đẹp là nơi thể hiện của sự hòa điệu mọi dạng hình, dù đó là sắc thấy được hay âm nghe được, dù đó là vật chất hay phi vật chất. Dù mọi dạng hình là vô thường nhưng sự hòa điệu, điều mà các dạng đó trình bày và thể hiện, thuộc về vương quốc bất tử của tâm, thuộc về quy luật sâu kín nhất của Chân như mà ta gọi là Pháp.
Nếu ta không diễn đạt Pháp vĩnh cửu đó bằng sự hòa điệu hoàn hảo trong ngôn từ và tư tưởng, thì ta cũng đã không thông qua thần thức của vẻ đẹp mà kêu gọi loài người, giáo pháp của ta đã không rung động tim óc họ, giáo pháp đó đã không sống nổi một thế hệ.
Ngôi đền này sẽ sụp đổ cũng như các kinh sách nằm trong các góc nọ sẽ tàn tạ, đó là những kinh sách mà các đệ tử của ta đã chép lại, với sự nghiêm túc và nhiệt thành vô lượng. Nhưng những người khác cũng đã chép lại, từng chữ một, cho nên dù các văn bản này có thể bị hủy hoại, giáo pháp vẫn tiếp tục được truyền bá. Cũng như thế, mong sao các công trình khác của nghệ sĩ hay thánh nhân, các vị đã làm nên ngôi đền thiêng liêng này, sẽ được bảo toàn cho những thế hệ sau.
Hỡi thần thức cái đẹp, mong ước của ngươi sẽ được toại nguyện. Dạng hình của ngươi cũng như tất cả các dạng hình sống trong đền này sẽ không bị hủy hoại, bao lâu thông điệp cả các ngươi chưa đến với thế gian, thì bấy lâu mục đích thánh thiện của các ngươi chưa được toàn vẹn”.
LINH ẢNH CỦA ĐẠO SƯ
Trên hàng ngàn ngọn núi,
Nơi đỉnh cao cô quạnh,
Một mái lều xa vắng,
Nửa lều, chỗ sư ở,
Nửa kia dành cho mây.
Nửa đêm giông bão tới,
Thổi đám mây đi xa.
Có bao giờ mây hỏi,
Mình ở lâu nơi nào?!
Ryowan
Lạt ma Ngawang Kalsang sống độc cư mười hai năm trong hang động cheo leo, tu tập thiền định. không ai biết ông là ai, không ai nghe nói gì về ông. Ông là một trong hàng ngàn tu sĩ vô danh đã được tu học tại một trong những tu viện lớn nhất (Garden) gần Lhasa. Mặc dù đạt được học vị Gésché (tiến sĩ khoa học nhân văn) nhưng ông nhận thức rằng, muốn thực hiện những gì đã học, mình cần phải sống trong sự cô tịch và độc cư trong thiên nhiên - xa rời mọi tiếng ồn ào của chợ búa cũng như đời sống thường nhật của một tu sĩ trong các tu viện lớn hay trong không khí trí thức của các đại học tôn giáo.
Thế gian đã quên ông cũng như ông đã quên thế gian - không phải ông thờ ơ với thế gian mà ngược lại, ông đã không còn thấy giữa mình và thế giới có cái gì khác biệt. Điều mà ông thức sự quên không phải là thế gian mà là chính bản thân mình - vì “thế giới”chỉ có thật trong quan hệ với cái “tôi”.
Dã thú hay đến hang động thăm ông và trở thành bạn với ông. Tâm ông rộng mở với tất cả mọi sinh vật, với mọi loài biết đau xót trong sự thông hiểu sâu xa. Vì lý do đó mà ông không hề cảm thấy bị quên lãng trong cuộc sống độc cư và hưởng sự an lạc trong niềm vui tự tại, sự an lạc xuất phát từ tri kiến cao quí do thiền định mang lại.
Ngày nọ có một người chăn cừu, khi đi tìm thảo nguyên mới cho đàn cừu của mình, đã lạc trên núi cao, nghe tiếng chuông damaru đánh nhịp nhàng, đó là tiếng chuông mà các vị lạt ma và du sĩ khổ hạnh thường đánh lên trong lúc tụng niệm, lẫn với tiếng khánh bạc. Lúc đầu ông tưởng minh nghe lầm vì ông cho rằng không người nào có thể sống trong cảnh cô quạnh thế này được. Đến khi nge rõ tiếng chuông, ông bắt đầu thấy sợ; vì nếu chuông không phải do người đánh lên thì chắc hẳn do một sức mạnh huyền bí.
Bị cuốn hút giữa sợ hãi và tò mò, cuối cùng ông đi theo tiếng chuông, như có một lực nam châm nào không thể cưỡng lại kéo mình đi và không bao lâu sau ông thấy hình dáng của một vị độc cư ngồi thiền định sâu lắng trước hang động. Thân người đó gầy nhưng không khô héo, khuôn mặt hầu như chứa đầy sự bình an tươi sáng, sáng rực một thứ lửa của sự toàn tâm nội tại. Người chăn cừu liền hết sợ hãi và sau khi vị độc cư chấm dứt thiền quán, ông đến gần, đầy lòng kính trọng và xin ban phước.
Khi vị độc cư rờ tay trên đầu thì ông thấy thân mình dường như có một luồng khí lực chạy qua và một niềm an lạc không thể tả được đến nỗi ông quên hết những gì mình muốn hỏi và vội vã chạy về bình nguyên để loan truyền cho mọi người biết sự khám phá quí báu của mình.
Lúc đầu mọi người không ai tin chuyện này, nhưng khi ông đưa họ lên động của vị độc cư thì tất cả đều ngạc nhiên tột độ. Làm sao con người có thể sống trong cảnh hoang dã này được? Ông lấy thực phẩm ở đâu, không ai biết đến ông? Làm sao ông qua nổi giá lạnh của mùa đông, khi núi rừng đầy ngập băng tuyết, dù cho có chút chất đốt ít ỏi như rễ cây cũng không đủ, chứ đừng nói đến có thức ăn hay không. Điều chắc chắn là chỉ một tu sĩ khổ hạnh với năng lực siêu nhân mới có thể sống trong môi trường này được.
Mọi người quỳ xuống chân ông và khi ông ban phước, họ thấy mình như được chuyển hóa - như thấy chính bản thân mình là bình chứa cho một niềm an lạc siêu thế và một hạnh phúc chưa từng có. Ông đã cho họ nếm vị của cái mà mỗi người đều có thể đạt đến, khi mà ta ý thức được năng lực tiềm tàng trong ánh sáng, như năng lực của hạt giống nằm sâu trong tự thân. Với phước lành, vị lạt ma độc cư chia sẻ cho mọi người sự chứng thực của chính mình, để khuyến khích họ đồng hành với mình.
Tin tức về vị độc cư kỳ diệu đó loan truyền dưới lũng như một mồi lửa. Thế nhưng chỉ thanh niên khỏe mạnh mới dám xông pha leo lên hang động xa xôi đó; còn những người khác vì già yếu không thể đi được, nhưng cũng cần đến khai thị tâm linh, họ cầu khẩn xin vị độc cư hãy xuống bình nguyên để ban phước cho những ai cần đến.
Dười bình nguyên chỉ có một ngôi đền nhỏ, xơ xác với vài tu sĩ, có tên là “Đền sò trắng” (Dungkar Gompa). Nó nằm trên một đỉnh đồi đá, giữa một vùng bình nguyên mầu mỡ lúa mì (vì thế có tên là Tomo, có nghĩa là “đồng lúa mì”). Ngôi đền này bây giờ được trao cho vị lạt ma độc cư, vị này từ nay mang tên là Tomo Géshé Rimposché, có nghĩa là “Bảo ngọc của tri kiến tại đồng lúa mì”.
Không bao lâu sau nhiều tu sĩ và cư sĩ xa gần đèu kéo đến Dunkar, để học hỏi dưới chân Tomo Géshé và chỉ sau một thời gian ngắn thì đền Sò trắng trở thành một nơi tu học tâm linh và là trung tâm tôn giáo quan trọng, với đền đài xinh đẹp và phòng ốc rộng rãi. Trong phòng lớn của chính điện Tomo Géshé cho dựng một bức tượng vàng Di Lặc rất lớn, vị Phật tương lai, vị Từ thị, là biểu tượng của tâm linh tương lai và của sự tái sinh chính pháp bất diệt, chính pháp đó thể hiện trong mọi kẻ giác ngộ và phải được tìm thấy lại trong trái tim của mỗi con người.
Tuy thế Tomo Géshé chưa hài lòng với thành quả của mình tại Dungkar. Ông cho dựng tượng Di Lặc ở nhiều nơi khác, để nhắc nhở người theo Phật rằng không nên yên nghỉ trong sự huy hoàng của quá khứ mà còn phải chủ động tham gia xây dựng tương lai, trong tinh thần đạt tới sự thành tựu cuối cùng mà ai cũng có, là chuẩn bị cho sự xuất hiện của vị Phật sắp đến.
Thế nhưng một biến cố xảy ra, nó cũng bất ngờ và kỳ lạ như việc khám phá và trở lại thế gian của vị lạt ma độc cư, biến cố này đã gián đoạn công trình đang được thực hiện của ông. Nguyên do của biến cố này là một lời tiên tri cao cấp tại Lhasa, đòi Tomo Géshé phải đi hành hương tại Tschorten Nyima, một nơi chốn trở nên thiêng liêng nhờ Liên Hoa Sinh[1]. Liên Hoa Sinh là người đầu tiên đem đạo Phật đén Tây Tạng, cho đạo Phật một nền tảng vững chắc hằng cách thiết lập tu viện đầu tiên (Samyé) và đưa kinh sách Phật giáo vào ngôn từ Tây Tạng. Công trình này được tiếp tục bởi nhà phiên dịch Rintschen Sangpo, vị này sẽ được nhắc đến về sau.
Những điều này đặc biệt quan trọng đối với chúng ta vì chúng nêu rõ rằng, một trong những biến cố quan trọng trong đời của Tomo Géshé là liên hệ với thời kỳ thành lập của Phật giáo Tây Tạng, và tại miền tây Tây Tạng, nhất là tại Tsaparang, nó đóng một vai trò quan trọng
***
Tschorten Nyima nằm ở một trong những vùng cao nhất của cao nguyên Tây Tạng, gần biên giới Bắc Sikkim, trên một vùng cao nguyên khoáng đãng, uốn lượn nhẹ nhàng, tiếp cận với phía Nam của những đỉnh tuyết Hymalaya, những đỉnh này hầu như xuyên thủng bầu trời xanh đậm tiêu biểu ở đây. Đây là nơi mà Trời và Đất gặp nhau trong một mức độ vĩ đại và đáng kính sợ như nhau: nơi mà cảnh vật của Đất có cái vô tận và nhịp điệu của đại dương và Trời có chiều sâu của không gian. Đó là nơi mà con người thấy mình gần hơn với các thiên thể, nơi mà mặt trời mặt trăng là láng giềng và ngàn sao là bạn.
Và cũng nơi đây đã xảy ra điều đó, cá vị Phật và Bồ-tát quả nhiên đã gây cảm hứng cho cá nghệ nhân Tsaparang, để dưới tay họ xuất hiện những dạng hình thấy được, báo thân các vị đó đã xuất hiện ra trước mắt của Tomo Géshé. Trong màu xanh đậm của bầu trời, các vị đã xuất hiện ở dạng như kết nên bằng ánh sáng, rực rỡ trong mọi sắc của cầu vồng, di chuyển chầm chậm trong bầu trời, từ chân trời phía đông qua phía tây.
Sự xuất hiện này lúc đầu chỉ thấy được với Tomo Géshé. Nhưng, như một nghệ sĩ lớn biết làm cho người khác thấy được linh ảnh của mình bằng cách vẽ lại những hình ảnh xuất hiện trong nội tâm trên giấy mực, thì cũng thế mà vị đạo sư nhờ sự sáng tạo của tâm mình mà làm cho linh ảnh này trở nên thấy được với mọi người hiện diện. Không phải tất cả ai cũng cảm nhận linh ảnh được như nhau trong các chi tiết, vì mực độ cảm thọ mỗi người một khác.
Đối với ai không chứng được điều này - thậm chí cả với người đã tự mình chứng thực - thật không thể mô tả vẻ đệp của linh ản này bằng lời hay nói lên được ấn tượng sâu sắc còn lại trong tâm người thấy.
Trong kinh Lăng Nghiêm [2] có đoạn mô tả một biến cố tương tự, nơi đây được ghi lại để độc giả có thể hình dung về những gì mà Tomo Géshé và các người đi cùng đã thấy.
“Phật Thích-Ca Mâu-Ni ngự giữa chư Phật và Bồ-tát của mười phương thế giới và chiếu tỏa hào quang siêu thế của Ngài trên toàn thể chư vị. Từ tứ chí cũng như báo thân Ngài toát ra ánh sáng mầu nhiệm, đọng lại trên đỉnh đầu của chư vị Phật và Bồ-tát.
Và cũng thế, hào quang phát ra từ tứ chí và báo thân của chư Phật và Bồ-tát của mười phương thế giới đọng lại trên đỉnh đầu của Phật Thích-Ca Mâu-Ni, cũng như trên đỉnh đầu của mọi vị Phật, Bồ-tát và thánh nhân khác đang hiện diện.
Đồng thời sóng nước của muôn vàn nguồn suối vang lên bài ca chính pháp và vô số những ánh hào quang siêu thế đó diệt nên một tấm lưới ngọc, trùm khắp thế gian.
Con mắt trần thế chưa ai được nhìn thấy một cảnh quan tuyệt diệu như thế, cảnh quan giữ mọi người hiện diện trong sự im lặng kính sợ. Và trước khi mọi người hiểu ngộ điều gì đang xảy ra thì họ đã được đưa vào trạng thái an lạc của đại định. một cảm giác hỉ lạc của sự giải thoát và an bình thấm nhuần tất cả mọi người như một cơn mưa hoa ngũ sắc, hầu như chúng phản ánh sắc màu óng ánh của không gian rộng mở trong thân mình.
Tất cả các dạng hình khác biệt của núi sông, của hoa của đá, cẻ vạn sự tan chảy hòa chung làm một và biến mất, để chỉ còn một sự chứng thực cái nhất thể uyên nguyên; nó không phải là sự cứng nhắc đơn điệu mà chứa đầy sự rung động của sức sống và ánh sáng, đầy tiết điệu hoàn hảo, đầy âm thanh của thành hoại, chứa dựng lẫn nhau, dung thông cho nhau và cuối cùng tan hòa trong thể tịch tịnh vĩ đại”.
Dòng tâm thức an tịnh,
tràn ngập niềm an lạc.
Rỗng rang và trong suốt,
xuyên suốt cả không gian.
Đợt sóng vòng tròn nọ,
không còn nhấp nhô nữa.
Như tiết điệu cuối cùng,
buổi hòa âm thiên nhạc.
Âm thanh đã ngưng bặt,
tĩnh lặng thành âm nhạc.
Ánh sáng chiếu rực rỡ,
bóng tối đã biến mất [3]
Những biến cố này tuy hiếm có nhưng không phải duy nhất và có lẽ tuân theo một qui luật nội tại nào đó, dường như chứa đựng yếu tố giống nhau. Thế nhưng linh ảnh tại Tschorten Nyima là một trường hợp lạ lùng trong lịch sử các biến cố tâm lý, trong đó linh ảnh này không phải chỉ là một sự chứng thực chủ quan của một cá nhân - và vì thế không kiểm chứng được - mà được một số lớn nhân chứng xác nhận và ghi vào sách vở [4]
Điều này đã xảy ra sau khi những người hành hương Tschorten Nying về lại, trong đó mỗi người kể lại những gì mình nghe thấy, theo mô tả của nhân chứng và được sự chấp nhận của vị đạo sư (sau khi học trò yêu cầu đã đồng ý) thì những cảnh tượng này đã được một nghệ nhân có tài tại Tschorten Nyima vẽ lại trong một bích họa lớn tại tu viện ở Dungkar.
Một trong những nhân chứng của biến cố đáng ghi nhớ này là vị sư trưởng cuối cùng của Dungkar Gompa, ông là người lãnh đạo tu viện này cho tới khi Tomo Géshé Rimpotsché tái sinh. Không những cho chụp hình bức họa quí báu này, ông giải thích mọi chi tiết của bức tranh, cũng như kể lại mọi biến cố trong lần đi hành hương đó. Ông mô tả mình dã tận mắt thấy như thế nào cũng như kể những điều mà ông không đủ sức thấy được, chỉ nghe người khác kể lại. Ông nhắc lại sự thực hiếm có là một linh ảnh mà thấy được nhiều giờ để cho ai đã thấy đều ghi nhớ sâu xa được, và để cho mọi người trao đổi và chỉ dẫn cho nhau.
Tôi xin nhắc thêm là người Tây Tạng không xem linh ảnh là sự bày tỏ thiêng liêng của thực tại cuối cùng mà biết đến tính tương đối và nguồn gốc tâm lý của những linh ảnh đó. Trong Đại Thừa Khởi tín luận, ta thấy: “Khi người học đạo thấy linh ảnh của thiên thần, Bồ-tát và Như Lai, xung quanh là ánh sáng rực rỡ thì họ nên nghĩ rằng, đó cũng là do tâm tạo và không có thực tính”.
Nhưng bao lâu nó còn là sự thực tương đối do tâm tạo tác thì bấy lâu sự sáng tạo đó là “thực”, tức là có một năng lực thực. Chúng sinh thành và hoại diệt như mỗi một tác phẩm nghệ thuật, chúng được sinh ra từ chứng thực cao nhất của tâm và dù chúng không có thực tính, không chứa thực tại tự thân thì chúng vẫn chứa những biểu tượng, mà dạng của những biểu tượng đó cứ luôn trở lại để chỉ đường, để nhắc nhở ta đến cái thành tựu cao tột, đến sự giác ngộ.
Vì thế trong các kinh sách (nhất là kinh sách Mật tông Tantra) luôn luôn ta được nhắc nhở phải tránh hai cực đoan, một bên cho linh ảnh của những tầng lớp ý thức cao là thực tại cuối cùng - nếu bị như thế ta sẽ vướng nơi chúng và kẹt giữa đường, - còn bên kia phủ nhận mọi tính cách có thực của chúng, cho chúng chỉ hoàn toàn do tâm tạo. Nếu thế chúng ta sẽ nhận thức sai về vai trò quyết định của tâm thức cũng như khả năng tiềm tàng cẻ nó và đánh mất một phương tiện quí báu của sự tiến bộ.
Tomo Géshé rất ý thức về hai cực đoan này của tư tưởng con người cho nên khi học trò xin vẽ lại những linh ảnh tại Tschorten Nyima để truyền lại cho đời sau thì ông đồng ý nhưng không quên nhắc đến sai lầm khả dĩ là, tưởng một dạng xuất hiện nào đó là thực thể cuối cùng. Những linh ảnh này đã có ảnh hưởng lớn lao đến Tomo Géshé và học trò của ông. Những linh ảnh đó cho ông một thẩm quyền mà tại Tây Tạng, các vị tái sinh (Tulku) mới có, đó là những vị chứa tâm Bồ-tát, có thệ nguyện kiên định là lấy hiện thân làm sinh vật, các vị đó có quyền năng chủ động tái sinh trong tương lại, có đầy đủ điều kiện cần thiết, để mang lại lợi ích cho con người.
Kết quả trực tiếp của linh ảnh tại Tschorten Nyima là Tomo Géshé cảm thấy mình không chỉ có trách nhiệm với dân tộc và đất nước mình trong việc trao truyền pháp giác ngộ, mà cả thế giới bên ngoài, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo. Vì thế mà ông bỏ bình nguyên yên tĩnh của mình để đi đến các nước quanh vùng Himalaya. Và bất cứ nơi đâu đặt chân đến, ông gieo trồng niềm tin và hy vọng trong lòng mọi người. Ông cứu giúp kể bệnh tật chỉ băng cách rờ đến họ và bằng sức mạnh tâm ý mình, ông giảng đạo pháp thiêng liêng, làm cho họ “vui thích lúc đầu, vui thích lúc giữa, vui thích lúc cuối”[5]; ông khai thị cho những ai sẵn sàng đón nhận sự thực của Pháp và có khi phải bỏ lại đồ đệ của mình để lên đường mang chính pháp đi truyền bá cũng như đã vì thế mà ông đã bỏ thung lũng hiền hòa của mình ra đi.
TU VIỆN YI-GAH TSCHOLING
Để hiểu ý nghĩa của đời sống chúng ta, để nhận rõ những mối dây và hình ảnh kỳ lạ đan chằng chịt trong số phận của mình (theo quan điểm Phật giáo, đó là kết quả của Nghiệp, tất cả tạo tác của ta trong quá khứ), thỉnh thoảng ta phải nhìn lui để thấy những mối dây của mạng lưới này, cái mà ta gọi là cuộc đời, xuất phát từ đâu, chạy như thế nào. Một cái nhìn, vài tiếng nói vô bổ, vài tiết điệu rời rạc vang lên trong một đêm hè yên lặng; một cuốn sách tình cờ đến tay ta, một bài thơ, một mùi hương gọi nhớ - tất cả những ấn tượng dường như tình cờ đó có thể sinh ra năng lực làm thay đổi và quyết định cả cuộc đời tương lai của ta hay là chìa khóa mở ra cho thấy những bí ẩn sâu xa nằm trong quá khứ.
Khi viết những dòng này, xung quanh tôi là mùi hương dầu của loại nhang Tây Tạng và gợi cho tôi nhớ lại nơi chốn mà lần đầu tôi ngửi đến nó. Tôi thấy mình ngồi trong điện của một tu viện Tây Tạng, được chiếu sáng bằng đèn dầu, xung quanh mình là một loạt những hình tượng lạ lùng, một số thì hiền hòa an lạc, số khác thì dữ tợn phẫn nộ và số khác nữa thì xem ra kỳ dị và bí ẩn. Như xuất phát từ cõi không gian nào đầy bóng tối, các hình tượng đó chiếm đầy nội thất của ngôi đền. Nhìn tổng thể, hầu như các tượng đó có một sự sinh động, một sự hòa điệu giữa màu sắc và tiết điệu, chúng phản ánh cái đa diện phong phú của một nhất thể bao trùm.
Tôi đã vào trú ẩn tại tu viện này trong một ngày dông bão dữ dội, nó cắt đứt tất cả mói liên lạc với bên n goài và chôn vùi cảnh vạt mùa hè dưới băng tuyết. Sự bất ngờ và năgn lực của trận bão đầy tuyết và mưa đá thật lạ lùng, đến nỗi cả người già cả ở vùng này cũng chưa hề thấy lần nào tương tự trong đời mình và đối với tôi là kể vừa đến từ Sri-Lanka, mang y vàng của một tu sĩ Thượng tọa bộ, choàng chiếc khăn nhẹ, chân mang dép mỏng, thì tất cả hiện ra có vẻ ma quái hay một cơn mơ kỳ dị.
Còn tu viện - nằm trên cao dãy Darjeeling, xung quanh là thung lũng - trên chỏm núi chơ vơ, như một trái bóng để các đám mây đang gàm thét xô đảy, chúng xuất phát từ chiều sâu nào mà mang theo hàng ngàn tia chớp và sau đó là một loạt mây từ những đỉnh cao băng tuyết Himalaya đổ xuống, sự hỗ độn đến như thế là cùng. Tiếng sấm động vang lên không ngừng, tiếng đổ như trống dọi của mưa đá trên nóc điện và tiếng gầm rú của dông bão tộn lẫn nhau như bản hòa tấu của địa ngục.
***
Vì sẽ nhiều ngày nên tôi không rời tu viện được, vị sư trưởng vui vẻ mời tôi ở cùng phòng với ông. Ông mang cho tôi chăn ấm và cố hết sức để tôi được thoải mái. Căn phòng nhỏ vì thế mà quá nóng và đầy khói nhang cũng như mùi củi khô mà thỉnh thoảng vị sư trưởng ném vào lò sưởi lúc tụng niệm làm tôi hầu như ngạt thở và không ngủ được. May thay ngày hôm sau, ông cho tôi về ở góc của tu viện lớn này, mà nơi đó có thể băng qua sân tu viện, nó cách ly ngôi đền và tòa nhà chính của điện.
Tại sao tôi lại rời bỏ cuộc sống yên lành tại Sri-Lanka, một thiên đường ấm áp để đi vào một vùng ma quái đầy dông bão của Himalaya và không khí kỳ lạ của một tu viện Tây Tạng? Chưa bao giờ Tây Tạng đóng vài trò gì trong kế hoạch của tôi và có sức thu hút tôi. Đối với tôi, Sri-Lanka đã thỏa mãn tất cả sự mơ ước và vì tôi đã nghĩ rằng mình sẽ sống tại đó đến cuối đời nên đã xây dựng ngay giữa đảo một cái cốc - nằn giữa đường từ Kandy và Nuwara Eliya - trong một vùng sơn cước yên lành với mùa xuân trường cửu, không bị ánh nắng màu hè và sức lạnh mùa đong xâm phạm, cây cối đâm chồi nở lộc quanh năm. Thế nhưng một ngày nọ tôi nhận được thư mời tham dự một hội nghị quốc tế về Phật giáo tại Darjeeling với tính cách là đại biểu của Sri-Lanka và làm chủ tọa điều khiển tiểu ban kinh sách của hội nghị. Mới đầu chần chừ, cuối cùng tôi nhận lời tham gia. Tôi được động viên bởi ý nghĩ, đây chính là dịp để trình bày giáo pháp thuần túy của Phật đã được Sri-Lanka gìn giữ, tại một nơi mà ngôn từ của Phật đã bị một hệ thóng thờ quỉ thần và niềm tin sai lạc bóp méo.
Và bây giờ tôi ở đây, trong xứ sở kỳ dị của Lạt ma giáo, không nói được thứ tiếng của họ, không có chút hiểu biết nào về ý nghĩa của vô số hình ảnh và biểu tượng, chúng nằm đầy trên các bích họa cũng như tượng hình quanh tôi. Chỉ các tượng Phật và Bồ-tát là tôi quen. Nhưng khi ngay đó đến, ngày mà bầu tời xanh lại và người ta có thể liên lạc với bên ngoài, và không có gì ngăn cản tôi rời Darjeeling trở về với Sri-Lanka thoải mái thì tôi không còn muốn đi nữa. Hầu như có ,một sức mạnh không cản nỏi giữ tôi lại và càng ở lâu trong thế giới huyền hoặc này mà tôi đã chứng kiến hàng loạt những chuyện kỳ lạ, tôi càng cảm giác mình đang được vén màn cho thấy một dạng thực tại mới mẻ và mình đứng bên bờ một cuộc sống mới.
Làn này là lần đầu trong đời tôi hiểu được thế nào là sự liên hệ phi ngôn ngữ với con người và sự vật, sự liên hệ này lúc đầu sở dĩ có chỉ vì tôi không nói được tiếng nói địa phương, thế nhưng nó lại sinh ra một khả năng nhận cảm sâu xa và một chứng thực trực tiếp, mà thường những chứng nghiệm đó bị dập tắt ngay vì nói năng diễn đạt quá nhiều mà phần lớn con người đã quen.
Chỉ tại phương Đông, người ta mới biét một dạng trao đổi trong sự lặng yên giữa người với người, nó được gọi là darshan. Darshan có nguyên nghĩa là “quán sát”, vừa mang nghĩa vật lý tâm linh (thế giơi quan). Theo nghĩa vật lý thì đó là sự tham dự im lặng vào một con người, chỉ việc nhìn và ý thức về một người, không thấy cần phải chuyện trò gì vì câu chuyện sẽ chỉ làm mất tính cách trực tiếp của ấn tượng đầu tiên hay mất mối liên hệ nọi tại giữa hai bên hay của sự tham gia trực giác. Thế nên các vị đạo sư tôn giáo (hay các vị khác tuy không thuyết giảng nhưng làm gương cho người khác) hay sử dụng darshan đối với học trò tâm đạo. Nơi đây cần nhắc lại một thí dụ xứng đáng là bậc thánh nhân Ramana Maharschi tại Nam Ấn Độ, là người mà hàng ngàn kẻ tầm đạo từ mọi phần đất Ấn Độ và thế giới tìm gặp, chỉ xin được ngôi im lặng bên cạnh ông; vì chỉ riêng sự hiện diện của một thánh là đã mang phước và thành quả sâu xa hơn hẳn một cuộc thảo luận trí thức hay một buổi thuyết giảng nhiều lời. Nhiều người đã đến tìm ông, mang theo nhiều câu hỏi, cuối cùng nhận ra rằng với sự có mặt của ông thì vấn đề đã tiêu tan, hay ông đã trả lời trước khi họ đặt câu hỏi. Nhưng đó là chuyện xa, bản thân tôi cũng đã có dịp thực chứng điều tương tự.
***
Như đã nói, tôi ở trong một góc của đền. Đền này gồm một chính điện hình vuông, ngự trị bởi một bức tượng Di Lặc vĩ đại. Đầu của bức tượng được ánh sáng từ một cửa sổ đối diện chiếu vào; nếu không, nó sẽ mất hút trong bóng tối của đoạn mái cao của chính điện. Cửa sổ này nằm giữa đoạn mái thấp của phần trước và đoạn giữa của đền, trên đoạn này là một mái nhà thứ ba, che chính điện hình vuông có cột. Trên đoạn hình vuông này là tầng một thờ mười phương chư Phật. Tầng nằm trên bốn cột cao, sơn son, mang nhiều hình chạm trổ. Buổi tối khuôn mặt vàng của Di Lặc phản chiếu ánh sáng mờ nhạc của ngọn đèn vĩnh cửu, ngọn đèn nằm giữa chính điện trước bàn thờ đá, trên đó là các phẩm vật cúng đường như chén nước, đèn dầu, bánh cúng hình nón (torma), nhang cắm trong những chén cơm.
Hai bên phải trái của bàn thờ đá này là các chỗ ngồi thấp, nệm cứng và các bàn nhỏ để trà (tschotse). Chỗ ngồi cho tu sĩ tụng niệm này mà trong cá dịp lẽ lớn phải thêm vài hàng, nằm từ cổng vào cho đến vách sau của điện. Tượng Di Lặc chiếm trung tâm của tấm vách đó, hai bên là các tượng nhỏ của các vị Phật và Bồ-tát khác, kể cả tượng của Đại lai lạt ma thứ 13 và người sáng lập ngôi đền. Phàn còn lại của vách sau và một phần quan trong của hai vách hai bên gồm toàn hàng trăm bộ kinh sách thiêng liêng (Kandschur và Tanschur), chúng nằm trong các học nhỏ. Sách Tây Tạng gồm những tờ giấp hẹp bề ngang, làm bằng tay, để rời, in theo kiểu nằm ngang hoặc viết tay, chúng thường được để giữa hai miếng gỗ trang trí đẹp, cuốn trong vải đỏ hay vàng và bề ngang tờ giấy có một miếng vải ghi số hay dấu cuốn sách. Miếng vải này được gọi là “đầu” cuốn sách nằm lòi ra khỏi hộc, cho thấy một sự trang trí hài hòa của một cấu trúc bằng gỗ to rộng, sơn son, có khắc họa, có khi dát vàng.
Vách tường nếu không bị tượng hay sách vở che mất thì thường mang đầy bích họa, diễn tả sinh vật sống ở những dạng khác nhau: con người và phi nhân, thánh thần và ma quỉ, những dạng hình hiền hòa và phẫn nộ, từ bi và dữ tợn. Loài phi nhân nhiều tay ôm nhau trong sự giao phối tình dục, xung quanh là khói và lửa - và ngay bên cạnh đó là thánh thần ngồi yên trên tòa sen, hào quang chiếu sáng, dưới chân là đồ đệ phủ phục. Rồi các nàng tiên nữ với sắc đẹp dịu hiền và thiên nhân trong điêu múa xuất thần, trang sức với sọ người và chuỗi hạt đầy những đầu lâu, song song là tu sĩ khổ hạnh thiền định trong hang động hay dưới gốc cây và các nhà thông thái thuyết giảng cho học trò. Giữa những cảnh đó là đồi xanh và thác nước, phía sau là núi tuyết và mây bay, phía trên là không gian đầy sắc xanh thẩm với thiên thể và những biểu hiện bí ẩn. Thấp nhất là nguồn suối của biển sinh tử với ngọc ngà châu báu, cùng thần rắn giữ cửa cũng như sinh linh dưới đáy biển
Toàn bộ vũ trụ hầu như tập hợp lại trong đền này và những bức vách mở ra một chiều sâu chưa hề biết. Giữa hàng ngàn hình dạng của vũ trụ đầy những đời sống và vô số mức độ ý thức khác nhau, tôi sống trong một trạng thái của sự kỳ diệu; tiếp nhận muôn hình vạn trạng của cảm thọ, nhưng không hề tìm cách giải thích hay lý luận về chúng, cũng không “nắm bắt” chúng theo cách tư duy. Tôi chấp nhận nó cũng như người ta đứng trước cảnh vật một vùng đất lạ, nơi ta đến lần đầu, thâu nhận nó và tâm thức của mình.
Nếu lúc đó có người giảng cho tôi nghe về những chi tiết của cảnh vật thì có lẽ sự chú ý của tôi sẽ bị hướng về hình tượng và lịch sử; và cách tiếp nhận lý luận đó đã làm tôi đánh mất tính trực tiếp của những cảm thọ ban đầu về sự hồn nhiên của phản ứng nội tâm của tôi khi gặp thế giới mới. Nơi đây không phải tôi gặp trí tưởng tượng của chỉ một con người đơn lẻ, mà linh ảnh của vô số thế hệ những con người thiền định, linh ảnh của họ xuất phát từ chứng thực nội tâm, trên một thực tại tâm linh, mà ở thực tại đó, lý luận tư duy của tôi không vươn tới, không thể đánh giá hết.
Và dần dần thực tại đó chiếm hẳn tôi. Thực tại đó xuyên suốt qua hình dung và thang giá trị của tôi về thế giới vật chất, tra vấn, tạo nên một sự chuyển hóa về thái độ và ý thức của tôi. Tôi nhận ra rằng, các thực tại tôn giáo và đời sống tâm linh là một bước đi vượt ra ngoài biên giới của ý thức bình thường, chứ không phải chỉ là sự thay đổi ý kiến hay quan niệm, không phải chỉ là thêm thuyết phục bằng những luận cứ tri thức hay lý luận tổng hợp; những điều vừa kể này không bao giờ mang ta ra khỏi vòng vây của khái niệm đã biết, mà với những khái niệm đó, ta xây dựng nên “thực tại vật chất” và “lý luận phải trái” của con người. Thế giới của những điều “hiển nhiên” đó từ xưa đến nay là chướng ngại lớn nhất ngăn cản cái nhìn sáng tạo và sự tìm kiếm những tầng mức khác của ý thức hay những chiều sâu khác của thực tại. Đời sống tâm linh dựa trên khả năng cảm thọ và chứng thực nội tại. Đời sống tâm linh dựa trên khả năng cảm thọ và chứng thực nội tại, nó không cần đến tư duy, vì tư duy là lý luận chỉ là một tiến trình tâm linh của tiêu hóa và hấp thụ, chúng đi sau khả năng nói trên chứ không đi trước.
KATSCHELA, NGƯỜI BẠN VONG NIÊN VÀ NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO
Biết nhiều không phải hay,
cái Biết che cái Thấy.
Chân nhân nghe tiếng gọi,
và biết tin lời Người.
Thỉnh thoảng nửa đêm tôi tỉnh dậy và nhìn nét mặt từ bi của khuôn mặt Di Lặc chập chờn trong những dạng hình khác đầy bóng tối, chúng bao phủ hết ngôi đền trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn vĩnh cửu. Và trong khuôn mặt bằng vàng, sáng một cách dịu dàng thì cặp mắt to xanh đậm của Ngài hầu như đầy sự sống và tôi cảm thấy cái nhìn của cặp mắt đọng lại trên tôi, vô cùng êm ái.
Cũng có lúc nữa đêm tôi tỉnh dậy và nghe tiếng nuốt nước miếng kỳ lạ cùng với nhịp thở nặng nề. Vì đêm rất lạnh và vùi mình trong chăn nên một lúc sau tôi mời quyết định dậy nổi và nhìn xung quanh xem có gì. Tôi tò mò vì thực tế là ban đêm đền khóa cửa và nghĩ chỉ có mình tôi trong đền, ngoài tôi ra không có một sinh vật nào khác.
Tôi đứng dậy dụi mắt và thấy bóng một ông già cử động chậm chạp trước bàn thờ. Ông chắp hai tay lại trên đầu, quì xuống và nằm dài trên mặt đất, tay duỗi về phía trước. Sau đó ông lại đứng lên và lặp lại hành động cúi lạy này, lần nữa rồi lần nữa, cho đến khi thở hổn hển vì mệt. Sau khi cúi lạy vô số lần trước tượng Di Lặc, ông đi dọc theo vách tường ngôi đền, nghiêng đầu trước mọi bức tượng và kính trọng dùng trán sờ đến các hàng dưới cùng xếp kinh sách vào chân Di Lặc. Ông đi vòng theo chìêu từ trái qua phải (tức là chiều mặt trời quay) theo cách cổ Phật giáo; và khi qua vách tường bên phải, đến góc của tôi thì tôi nhận ra ông là vị tu sĩ già khả kính, ở trong một phòng nhờ bên cạnh cửa vào đền.
Tôi nhận ra ông với cái lưng hơi còng và nhờ bộ râu mà người Tây Tạng ít có. Ông là tu sĩ già nhất trong viện, quê ở Schigatse, nơi sống của lạt ma Taschi (tức là Ban thiền lạt ma), là người mà hồi còn trẻ ông đã phụng sự rất thân cận. Bây giờ ông còn được một món tiền hưu ít ỏi mà về sau tôi biết rằng ông dùng phần lớn để sửa chữa hay trang hoàng cho ngôi đền, trong lúc bản thân ông thì sống trước cổng như kẻ nghèo và ít ai để ý nhất và không sở hữu cái gì ngoài miếng thảm để ngồi và quần áo ông mặc. Ông còng lưng không phải vì tuổi tác mà vì năm này qua năm khác ngồi thiền định trên tấm thảm. Đời của ông quả thật là một cuộc đời cống hiến cho tôn giáo.
Thế nhưng điều này không ngăn cản Katschenla thỉnh thoảng chơi với trẻ con, chúng hay tụ tập trong sân tu viện, có khi vào hẳn trong đền để chọc ghẹo ông. Ông vui đùa với chúng và giả vờ đuổi chúng ra khỏi đền bằng cách rượt bắt chúng giữa những hàng ghế. Thế nhưng cặp mắtg của ông ánh lên vui tươi nên thái độ đe dọa của ông mất hết hiệu lực và cả đứa con nít nhỏ nhất, nghịch ngợm kéo áo ông cũng gập người lại mà cười khi ông tìm cách chụp chúng.
Dù tuổi đã cao nhưng không khi nào Katschenla ngòi yên - khi thì ông dùng hai miếng vải chùi lui chùi tới cho nền bóng lên, khi thì chùi hàng trăm cây đèn dầu và chén đựng nước hay các bình khác trên bàn thờ rồi sắp xếp lại ngay ngắn, khi thì đọc kinh sách hay tụng niệm cầu an lạc cho mọi người hay cử hành lễ lạc để cầu an cầu phước - luôn luôn ông sống phụng sự cho đền hay tu tập tâm linh.
Trong nhiều dịp đặc biệt ông nắn nhiều hình tượng bằng đất sét rất đẹp, diễn tả các vị Phật, Bồ-tát hay hộ pháp được nhiều người tôn thờ. Được xem ông làm thật thích, từ lúc trộn, bóp đất sét, ép trong khuôn rỗng bằng kim loại rồi sửa chữa các chi tiết, phơi khô và nung ở nhiệt độ đều trong một cái lò than nhỏ và sau đó là vẽ màu hay dát vàng, mỗi một khâu công việc đều có chân ngôn[6] và cầu nguyện kèm theo, cầu phước của chư vị đã giác ngộ cũng như tất cả năng lực trong vũ trụ, năng lực đó hiện diện trong đất và khí, trong lửa và nước, trong tất cả mọi yếu tố làm nên đời sống chúng ta và sự thành tựu tác phẩm.
Cho nên cả công việc thủ công cũng là một nghi lễ với ý nghĩa sâu xa và là một hành động hiến mình và thiền định. Ông làm những vật thể vật chất trở thành nơi chuyên chở những năng lực, mà tác động của chúng đã đóng vai trò quan trọng luc hình thành những vật thể đó. Đối với người Tây Tạng thì thế giới không tách làm hai thành vật chất và tinh thần mà vật chất chỉ là tâm thức đã trở thành thấy được sờ được, tức là năng lực của vũ trụ đã mang dạng hình và nhận cảm quan trong tâm thức con người. Cũng như tâm đã kết tinh thành ngôn từ, như tư tưởng đãbiến thành câu chữ, thì sự chứng thực đã kết tinh thành h ình tượng thờ cúng, dù nó là tượng hay hình tô màu, không màu; và cả hai, ngôn từ hay hình tượng trở thành biểu tượng tích cực và vật chuyên chở các năng lực siêu nhiên cho những ai sẵn sàng mở lòng vì những năng lực đó. Mỗi một hành động sáng tạo đều kết thành một thực tại tâm linh. Vì thế mà hành động sáng tạo một tác phẩm tôn giáo quan trọng hơn sản phẩm của nó. Hành động đó cho tác phẩm của mình một sức mạnh và ý nghĩa huyền bí, chúng tiếp tục tác động. Đó là ý nghĩa sâu kín của “Vạn Phật Điện”, thường có trong các ngôi đền tại Tây Tạng và Viễn Đông. Cũng một lời cầu nguyện hoặc chân ngôn được nhắc hoài không ngưng vì hành động của tâm thức tụng niệm quan trọng hơn việc hiểu ý nghĩa hay nội dung của chúng, nên trình bày ngàn lần một tượng Phật duy nhất không phải chỉ nói lên tính vũ trụ của Phật quả, thời nào hay ở đâu cũng hiển hiện được, mà diễn tả hành động sáng tạo ngàn lần.
Tôi không thể nói hết những điều mà Katschenla đã dạy tôi một cách giản đơn và kiên nhẫn. Lòng phụng sự quên mình, sự sẵn sàng giúp đỡ và nhất là sự cố gắng thành tâm nhằm đưa tôi vào thế giới tâm linh của ông đã chuẩn bị nội tâm cho cuộc gặp gỡ với vị đạo sư của tôi. Thực tế là,ông chính là một phần sinh động của vị đạo sư, vị luôn luôn hiện diện trong tâm ông,không bao giờ lìa xa, chbo nên khi nói đến lòng biếtg ơn và kính trọng của tôi đối với đạo sư thì cũng đồng thời nói đến ông.
Ông lo lắng cho tôi được thoải mái như cho chính con ruột ông. Ông dạy cho tôi những từ Tây Tạng đầu tiên bằng cách chỉ những vật thể khác nhau và nói tên của chúng. Mỗi buổi sáng ông mang nước nóng cho tôi - một sự xa xỉ mà ông cũng như các tu sĩ khác không dám có - và ân cần ngồi xuống bên tôi, ông nói: “tschu tsawo” (nước nóng). Ông chia cho tôi loại trà bơ mà ông ưa thích, được giữ ấm suốt ngày bằng cách để trên lò than sau chỗ ngồi. Ngay từ đầu, tôi thích uống loại trà kỳ lạ này, trộn lẫn loại trà tàu, thêm chút bơ, muối và sôđa - mà phần lớn người không phải Tây Tạng thấy khó uống - có lẽ là nhờ tình cảm lớn lao của Katschenla, vì không bao giờ tôi nghĩ có thể từ chối một món quà ân cần như vậy. Về sau tôi mới biết mình quen được với trà này là rất quan trọng, vì đó là một thức uống không gì thay thế được và rất bổ đưỡng trong những chuyến du hành trên cao nguyên Tây Tạng lạnh giá.
Trước khi thưởng thức chén trà buổi sáng, Katschenla thường lấy một nhúm hạt giống màu đen, để trong lòng bàn tay ra dạng một con bò cạp, vừa đọc chú trừ tà vừa ném vào lửa. Khi khác ông cầm nhang hoa lên trước cửa sổ, vẽ những ấn quyết kỳ lạ, xem là phẩm vật tượng trưng dâng lên cho các bậc giác ngộ, miệng tụng kinh tán thán. Điều này diễn ra với những cử động mềm mại, đầy ấn tượng làm tôi hầu như thấy những phẩm vật đó hiện ra trước mắt, rõ như lòng thành khẩn trong sự dâng cúng. Thế nhưng, những cử động này không hề có tính chất biểu diễn mà chúng hiện ra như một cách diễn tả của một coin người nội tại, như sự nhịp nhàng của hơi thở, như nhịp đập của các bậc giác ngộ, trước mặt vô số quỉ thần, cũng nhẹ nhàng tự nhiên như giữa người và thú, bằng cách ông tỏ lòng kính trọng và ân cần với mỗi đối tượng.
Buổi tối thường Katschenla tay mang đèn dầu đến với góc đền yên lặng của tôi, ngồi trước mặt và ra hiệu cho tôi lấy giấy bút. Với lòng kiên nhẫn vô bờ, ông nhắc đi nhắc lại cho tôi nghe kinh cầu nguyện, kinh tán thán, bắt tôi lập lại cho đến lúc tôi phát âm và nhấn chỗ thật đúng. Ông không quan tâm khi mới đầu tôi không hiểu chữ gì, thế nhưng nhờ ông chỉ, tôi thấy hình tượng các vị Phật và Bồ-tát cũng như các vị hộ pháp quan trọng liên hệ với các lời cầu nguyện và hô triệu thế nào mà tôi được hướng dẫn thực sự, hiểu mối liên hệ của ngôn từ và hình ảnh nhất định.
Đối với ông thì những gì ông chỉ cho tôi có giá trị tột cùng, không cần biết tôi có hiểu hay không. Và tôi cũng phải nói thật là mình cũng cảm nhận sự đoán chắc chắc đó và lòng vui sướng, vì tôi tin drằng một món quà được trao trong tình thương và sự chân thành như thế, tự nó đã có giá trị rồi. Tôi cảm nhận có cái gì từ nơi cụ già tốt bụng này chảy tràn trong tôi, cho tôi một cảm giác an lạc mà không thể giải thích được. Đây là lần đầu tôi chứng được sức mạnh của thần chú - phải bỏ mọi khái niệm lý luận mới hiểu được - trong đó âm thanh của tâm thức nằm ẩn trong tim đã được chuyển hóa và được nghe thấy. Và vì đó là “âm thanh của tim” chứ không phải của đầu óc nên tai không nghe thấy và óc không nắm được.
Chỉ về sau tôi mới hiểu được nội dung và ý nghĩa của những lời cầu nguyện này; nhưng sự hiểu biết này không làm quên những thành quả đầu tiên, vì sau này tôi đã biết, quan trọng hơn xa sự hiểu biết là trạng thái lúc trao truyền những ngôn từ đó, là lòng thanh tịnh và sự thành tâm của người trao truyền.
TU HỌC VÀ CÁC NGHI LỄ
Dưới sự dẫn dắt tốt bụng của Katschenla tôi sớm ý thức nhiều điều nhỏ bé mà ngày trước tôi không mấy quan tâm hay cho chúng có ý nghĩa gì, những điều rất hữu ích để nâng tâm thức lên một mức độ cao hơn, nhờ đưa những hành động và thái độ thường nhật nhất vào trong sự tu học và thiền định.
Tôi học cách cầm một cuốn kinh, kính trọng đưa lên trán trước khi mở bọc lấy ra - cần nhớ rằng trong đó là ngôn từ của các bậc giác ngộ - làm sao cho các tờ kinh không bị lộn xộn [7] và mỗi một âm phải được xem là một chú nên một tờ kinh hư hỏng, không đọc được hay vô ích cũng không được vứt bừa bãi để cho người hay thú có thể đạp lên. Vì lý do này mà phía ngoài đền thường có một bệ thờ để cất chứa những tờ kinh hư hỏng hay dư thừa và các đồ vật cúng dường hết dùng tới.
Tôi học cách đi đứng trong tu viện, trước hết là hướng đi, đó là hướng của thiên thể quay xung quanh mặt trời - điều đó có nghĩa luôn luôn ta phải thấy đức Phật hiện diện, Ngài là mặt trời tâm linh và kẻ giác ngộ của nhân loại, được cung kính bằng cách đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ.
Ngay cả khi qua sân trước đền để đến tòa nhà chính nằm bên trái, tôi cũng phải đi toàn vòng bên mặt của đền. Như thế tôi đi qua một dọc những bánh xe đồng, trên đó có khắc sáu âm thần chú OM MANI PADME HUM và bên trong chứa những cuộn làm bằng giấy Tây Tạng rất bền, trên đó câu thần chú này được chép hàng trăm ngàn lần.
Cũng như đã nhắc khi nói về các hình tượng đất sét thì sự hình thành các cuộn giấy này là một nghi lễ thiêng liêng, trong đó năng lực tâm linh được tập hợp và vận động, chúng sẽ mang lại lợi ích cho những ai có tâm sẵn sàng đón lấy. Khi đi ngang, chỉ cần đụng nhẹ thì bánh xe đã quay, tôi nhắc lại trong tâm câu thần chú mà Katschenla đã chỉ; vì không có người Tây Tạng nào thực sự quan tâm đến tôn giáo của mình và có chút hiểubiết sâu sắc lại có thể ngây thơ tin rằng một hành động hoàn toàn cơ giới có thể mang lại lợi ích tâm linh cho họ hay cho ai khác, hay nghĩ rằng quay bánh xe một cái là hàng ngàn lời cầu nguyện lên tới trời xanh.
Người Tây Tạng không có ý muốn “đánh lừa thần thánh” bằng cách cầu nguyện để kéo các Ngài về phía mình; cũng như họ không muốn trốn tránh khổ nhọc hay trách nhiệm về việc làm của mình.
Khi một nông dân Tây Tạng đem bánh xe cầu nguyện (mani-tschor-khor) đến một suối nước hay kinh lạch tưới tiêu cho ruộng đồng mình, là muốn ban phép cho nước và cho những ai ăn thực phẩm của mình làm ra. Thế nhưng, thêm một điều là âm thanh tiếng chuông khi quay bánh xe đó sinh ra, sẽ đánh thức thần chú đầy phước hạnh nằm sẵn trong tâm người.
Nguồn gốc của mani-tschor-khor là gì? “Quay bánh xe pháp” (chuyển pháp luân) là một ẩn dụ mà bất cứ Phật tử nào cũng biết và có nghĩa là “đưa vào vận hành các sức mạnh của qui luật vũ trụ và đạo lý”. Khi đưa tschor-khor vào vận hành, anh ta lập lại hành động tâm linh của Phật cách đây 2500 năm, đã “quay bánh xe Pháp”. Hành động này do một vị giác ngộ làm chưa đủ - mỗi ai muốn giác ngộ cũng phải tự mình làm một cách sáng tạo và thực hiện trong thâm tâm mình.
Ta có thể hiểu ý nghĩa sâu xa và sự song hành trong vũ trụ của biểu hiện này khi nhớ rằng toàn bộ vũ trụ được xây dựng trên vận động quay: các vì sao và hành tinh quay quanh trục của chính mình, các thiên thể quay xung quanh mặt trời hay các điện tử quay quanh hạt nhân nguyên tử. Nếu một đy-na-mô quay quanh mà phát ra điện lực[8] và khi sự quay của tâm con người quanh một đối tượng ý thức hay một vấn đề sinh ra một tình trạng chú tâm, tình trạng đó có thể phát minh những điên đảo lộn thế giới hay dẫn đến một mức độ ý thức cao hơn, thâm chí đến sự giác ngộ hoàn toàn thì có gì đáng ngạc nhiên khi người Tây Tạng tin rằng các năng lực cao đẹp được tập trung lên trong lúc hình thành một mani-tschor-khor sẽ bám giữ trong thể vật chất của vật đó, theo một cách nào đó, được động viên và trao truyền lại cho ai quay nó?
Tất cả những ý nghĩ đó tràn ngập tâm tôi khi hàng ngày tôi đi vòng quanh đền và tu viện. Mặc dù tu viện cách nhà dân vùng Ghoom không hơn một dặm, nhưng ở đây dường như thuộc về một thế giới khác. Giữa làng và tu viện là một ngọn đồi dốc có nhiều cột cúng đường sơn trắng và một vườn cây với nhiều phướn trắng bao quanh. Một cột phướn mang cờ trắng cao khoảng tám mét, mang trên đỉnh biểu hiện của mặt trời, mặt trăng, lửa, có khi là hình kiếm trí tuệ hay chĩa ba. Những lá cờ trắng mang chú nguyện hay dấu hiệu phúc lạc dài khoảng ba phần tư mét, nằm suốt dọc cột cờ, chỉ trừ một mét rưỡi cuối cột là không. Mỗi một lá cờ này do một cá nhân cúng dường hay một gia đình qui y với tu viện. Cờ biểu hiện ân phước cũng như nhắc nhớ chính pháp cho người từ xa đến tu viện hay những người sống quanh đó.
Trong mùa mưa thì đỉnh núi cao khoảng hai ngàn năm trăm mét, mà trên đó tu viện này được xây dựng, hầu như suốt ngày bị một đám mây khổng lồ bao phủ, nên buổi trưa mà vẫn phải thắp đèn trong diện, bên ngoài thì sương mù che kín. Toàn bộ khu vực dường như trôi bềnh bồng trong mây, bị gió thổi qua vô số lá cờ trắng xung quanh điện và quanh các tháp trên núi. Thế nhưng toàn thể không gian và ngay cả các vật thể chìm đắm trong sương mù không hề tạo ra cảm giác tuyệt vọng mà chỉ tăng thêm phần bí ẩn của khu vực và cho một cảm giác an tâm, vững tin và yên lành, một tâm thức an lạc, sống xa rời tất cả cái hối hả tất bậc của thế nhân.
Khi đi vòng quanh ngọn núi kỳ diệu đầy mây mù này, tôi thường thấy đường như các tòa nhà vừa mới hiện thân trước mắt và chúng không có thực tính như tư tưởng luôn đổi thay của tôi; còn bản thân tôi thì hình như vô hình với người khác, như một thần thức đã thoát khỏi thân. Xung quanh tôi hình như có một cõi sống siêu nhiên và khung cảnh tĩnh lặng chỉ làm tăng lên những tiếng động kỳ lạ, nó vang trong không khí, khi lên khi xuống. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng động này: nó sinh ra từ những ngọn phướn dài và mỏng rung trong chiều gió thổi lên liên tục từ bình nguyên Ấn Độ. (Đó chính là luồng khí ấm và ẩm dâng lên, gặp luồng gió lạnh từ Himalaya mà sinh ra mây mù liên miên trên đỉnh núi này). Trộn lẫn với tiếng động kỳ lạ này là tiếng chuông bạc của mani-khor-lo nằm trong một tòa nhà nhỏ bên cạnh ngôi đền chính, do một ông già mù quay, ông vừa quay vừa lầm bầm đọc thần chú.
Cao hơn một chút có một cái đền nhỏ, cứ theo giờ nhất định trong ngày, nó lại phát ra một thứ tiếng rất trầm ngâm của lễ nghi tụng niệm. Bị tiết điệu lôi kéo mà thỉnh htoảng có nghe tiếng kim loại chạm nhau, tôi leo lên đến đền và nghe tiếng tụng của một tu sĩ, rõ là ông đang tụng niệm hàng ngày. Sau đó vì sợ phiền tôi vội rút lui. Mấy ngày sau tôi mới có dịp xin ông được thăm nơi chốn thiêng liêng này, nơi này khác với ngôi đền chính là mọi người không được bước vào.
Tôi thấy ngay lý do. Ngôi đền nhỏ này chứa đầy các vị thần dữ tợn, hiện thân của năng lượng hoại diệt và thay đổi, các vị này hiện ra đáng sợ cho những ai bám víu vào vật thể thế gian và danh sắc của chúng, còn đối với ai đã hiểu tự tính của sự vật thì đó là năng lượng của giải thoát khỏi ngục tù, đại diện cho sự chiến thắng của tự thân - đó là sự chuyển hóa thoát khỏi cái vô minh tối tăm và vòng vây của cái Ngã. Các vị đó là hiện thân của tri kiến cao tột, nó như một tia chớp hủy diệt tất cả những gì đã ngăn cản ta chứng nghiệm một thực tại vượt trên tư duy khái niệm, như đã xảy ra một kẻ tầm đạo ở Sais, người vì tò mồ đã lột khăn che mặt của một pho tượng Isis: “Sự phẫn nội sâu xa đã chôn vùi y dưới hố sâu”.
Đây là lý do tại sao nhiều phoi tượng của các vị thần phẫn nộ (một dạng của thực tại) trong các đền riêng biệt lại che mặt và chỉ những kẻ đã quán đỉnh rồi mới được vào; vì chỉ với họ thì lực lượng này hay dạng này của thực tại cũng chính là biểu hiện của giác ngộ như những hiện thân từ bi khác của Phật và Bồ-tát - trong tự tính sâu xa nhất - thì hai dạng này quả là một. Qui luật của vũ trụ (Pháp) thì hiền hòa và hỗ trợ cho những ai chấp nhận nó, nhưng lại dữ tợn cho những ai đi ngược lại và phủ nhận nó. Sức mạnh của ánh sáng hay của giải thoát, sức mạnh đưa ta đến giác ngộ, hiện ra với kẻ chống lại ánh sáng và thực tại trong dạng đáng sợ: và vì thế mà những dạng này được gọi là “hộ pháp” và được người đã quán đỉnh, người đã hiểu ý nghĩa ẩn mật của chúng, gọi là “thần bảo hộ” (yidam).
Thêm một điều bí ẩn nữa cho tôi phải tìm hiểu. Đó là một tòa nhà có dạng như một ngôi đền, lớn hơn ngôi đền của các thần bảo hộ nhưng lại nhỏ hơn mọi căn nhà khác của tu viện. Nó có hình vuông, mái sơn vàng con lên theo kiểu Trung Hoa và có một mái hiên đóng kín, cột che kín, thành ra không thể nhìn vào được. Cửa vào duy nhất là cửa sau nhưng luôn luôn khóa chặt.
Điều làm tôi tò mò và thấy kỳ diệu là căn nhà này lại thông với ngôi đền chính nằm thấp hơn bằng một tràng hoa của những hạt giống gần như trong suốt, trắng bạc của một giống cây mà tôi không biết đến. Khi hỏi Katschenla, ông trả lời tôi bằng một giọng đầy kính sợ và bí ẩn rằng nơi đó có vị “Đại Lạt ma”, người đó là một vị Phật rồi, đang thiền định. Ông nói giọng thì thào ra chiều như đang ở gần vị “Đại lạt ma” đó và mặc dầu không hỏi được vị đó là ai và tất cả mọi chuyện thế nào nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ: phải chăng không khí đầy năng lượng này của tu viện và sự chuyển hóa tâm thức trong tôi mà tôi đã thấy, phải chăng những điều đó có mối liên hệ gì với sự hiện diện của vị lạt ma này? Sự thực là Katschenla - mà lòng tốt và sự thành thật của ông đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, - đã nói về vị này một cách kính cẩn, làm tôi ao ước trở thành đệ tử của vị đó. Khi nói ovứi Katschenla điều đó, ông đồng ý ngay và hứa sẽ báo cho sư trưởng điều này để sư trưởng tùy cơ mà báo lại cho vị lạt ma.
VỊ ĐẠO SƯ XUẤT HIỆN
Một hai tuần trôi qua. Tôi không rõ vị sư trưởng có báo gì cho vị lạt ma không. Thế nhưng ngày nọ - khi thiền định trở về từ một hang động phía bên kia đỉnh núi, dưới Tschorten - thì tại chỗ của tôi trong đền có một quả xoài thuộc giống ngon và quí, giống này chỉ mọc ở bình nguyên Ấn Độ và mùa này bắt đầu chín. Tôi không tin mắt mình khi nhìn thứ trái cây sang trọng này và càng không thể hiểu làm sao nó đã đến được đay. Katschenla đến thăm tôi, mặt hớn hở, chỉ tay hướng nhà thiền định nọ và nói đóù là tặng vật của vị Đại lạt ma. Chưa bao giờ trong đời tôi nhận được quà tặng quí báu như thế, vì nó báo cho tôi rằng mong ước của tôi được chấp nhận và tôi trở thành học trò (Tschela) do vị đạo sư tâm linh vĩ đại này đích thân dạy dỗ.
Katschenla chung vui toàn vẹn với tôi và tôi quyết chí đợi vị đạo sư, dù kéo dài bao lâu cũng mặc, cho đến khi ông chấm dứt thiền định mà tôi nghe nói có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Nhưng tôi tin tưởng đáng công đợi, dù cho đời suốt đời để tìm ra được vị thầy đích thực, tức là người không phải chỉ truyền cho ta tri kiến suy luận mà là người thầy, dựa trên chính sự chứng thực của mình mà đánh thức được sức mạnh tâm linh của trò và dẫn trò đến sự viên mãn. Từ “Guru” thường được thầy dịch là “thầy”, nhưng trong thực tế không có từ nào tương đương trong các ngôn ngữ châu Âu; vì “Guru” cao hơn hẳn “thầy” trong nghĩa rộng của từ này. Một vị thầy cho kiến thức, còn một Guru cho hẳn con người mình. Giáo pháp sâu nhất của một Guru không phải là chữ nghĩa của ông mà là điều không nói ra được, vì ông vượt lên phạm vi của ngôn ngữ. Vị Đạo Sư[9] là niềm cảm hứng, nói theo nghĩa đen, có nghĩa ông là con người đã cho ta tâm thức sinh động của bản thân mình.
Tương tự như thế thì từ “Tschela” có nghĩa là cao hơn “trò” trong nghĩa thông thường, tức là người chỉ học một khóa học. Đó là người đệ tử, nó có một mối liên hệ tâm linh sâu kín với đạo sư của mình - một mối liên hệ được thiết lập bằng lễ điểm đạo, trong dó một sự trao truyền sức mạnh tâm linh sẽ diễn ra. Sự trao truyền đó hiện thân bằng một câu thần chú và người đệ tử bất cứ lúc nào cũng được gọi đến, nhờ thế mà họ giữ được một mối liên hệ thường xuyên với đạo sư của mình.
Sức mạnh tâm linh nói ở đây không phải là lực lượng vượt trên ý thức của trò mà là khả năng của đạo sư cho phép trò chia sẻ chứng thực của mình, sự chứng thực chỉ có trong một tình trạng ý thức và chứng ngộ cao hơn thông thường. Nhờ thế mà trò được trải qua hoặc có được một tri kiến chớp nhoáng về tự tính của mục đích muốn tới, để cho trò không chỉ hướng đến một ý niệm mơ hồ mà một thực tại đã thấy và đã chứng thực. Một khả năng như thế chỉ đạt được sau một đời chuyên tâm thiền định và cứ sau mỗi thời kỳ hoàn toàn độc cư và đại định thì khả năng dó lại tăng trưởng lên, như nước dồn lại trong hồ sẽ tích thêm năng lượng.
Điều này rất rõ đối với tôi trong ngày mà vị Đại lạt ma - hồi đó tên của ông chưa mang ý nghĩa gì với tôi, nhưng ông không ai khác hơn là Tomo Gésché Rimpotsché - lần đầu rời ngôi đền sau nhiều tuần thiền định. Từ sáng sớm tôi đã thấy hoạt động bất thường của tu viện, hầu như số người tăng gấp đôi gấp ba. Thật là bí ẩn khi nhiều tu sĩ từ đâu lại nhưng xem ra họ thuộc về tu viện mà không sống trong các bức tường tại đây. Ngay cả những người tôi biết trước nhưng hôm nay xem ra thay đổi, không phải chỉ vì họ mặc áo quần đẹp nhất, mà vì họ hết sức sạch sẽ, tắm rửa nghiêm túc.
Mọi người ngồi kín các hàng ghế dài trong đền, dù đã mang thêm ghế vào. Các nồi nấu trà và xúp sôi sùng sục trong bếp bên cạnh đền, chuẩn bị được đưa vào trong lúc nghỉ. Chính điện được chiếu sáng bằng hàng ngàn ngọn đèn dầu và từng bó nhang cháy bốc lên từng đám mây thơm lừng và cho một đám khí xanh trên đầu các bức tượng.
Thình lình có âm thanh tù và trầm như tiếng sấm xen lẫn với tiếng xạp xỏa và tiếng trống chậm rãi. Hai cánh cửa đền mở rộng và Tomo Géché Rimpotsché bước vào, hai bên là hai lạt ma áo quần trang nghiêm, đầu đội mũ cao. Thân choàng một khăn lụa vàng (áo choàng truyền thống của tu sĩ Phật giáo), người ta trải dưới chân ông một tấm nệm cầu nguyện. Ông chắp hai tay cao hẳn trên đầu để cúi chào các bậc giác ngộ, quỳ xuống nệm, trán chạm đất. Ông lặp lại nghi lễ này ba lần trong lúc toàn bộ các tu sĩ tụng niệm. Tiếng tụng niệm ngân nga trầm lắng tạo nên âm thanh đều đặn lẫn trong những tiếng xập xỏa thúc giục và xuyên khắp qua hai cửa vang vọng từ bên ngoài vào.
Sau khi vị đạo sư tế lễ xong, người ta đội cho ông một cái mũ vàng, đầu nhọn, tượng trưng cho đạo vị cao thấp. Rồi ông đi giữa những hàng ghế vào ngồi lên tòa, cao hơn một chút so với vị sư trưởng, người đại diện cho ông khi ông vắng mặt. Khi ông đi giữa điện, một sự yên lặng sâu xa ngự trị trong tất cả mọi người. Tất cả ngồi bất động và hầu như bị tê dại bởi sự có mặt huyền bí của một con người, người đã truyền cho cả ngôi đền một sức mạnh tập trung của tâm thức thanh tịnh sau nhiều tuần nhập định. Tôi bắt đầu hiểu ngộ điều Katschenla nói, rằng vị Đại lạt ma là một với các vị giác ngộ, chư Phật.
Khi vị đạo sư ngòi trên tòa thì vị sư trưởng bắt đầu tụng niệm với một giọng rất trầm, trầm đến nỗi ta phải hỏi đây là tiếng từ lồng ngực con người hay từ tầng sâu của trái đất. Sau dó là tiếng tụng của tu sĩ và các tiểu tăng; tiếng cao của người trẻ, tiếng thấp của người già và tiếng rất trầm xuyên suốt của vị sư trưởng làm thành một tiết điệu hoàn hảo. Sau đó âm thanh tụng niệm ngày càng cao, điểm thêm tiếng trống, cao dần rồi ngưng bặt để chỉ còn nghe thấy tiếng của sư trưởng. Sau đó toàn bộ tu sĩ lại tụng niệm, âm thanh đạt tới một đỉnh cao khác, lẫn với tiếng kim khí lao xao và tiếng trống trầm ấm, lại dứt hẳn để chỉ nghe tiếng của sư trưởng. Tiết điệu thay đổi lên xuống n ày, khi thì im lặng sâu lắng, khi thì dồn dập cao tột, trong đó cái im lặng mở đường cho cái dồn dập, cái vô thanh là tổng số mọi âm thanh, làm cho người có mặt liên tục bị một áp lực sống động, ở trong một trạng thái của tâm linh và xả bỏ. Thế nên sau đó bài giảng và phép lành của Tomo Gésché Rimpotsché hầu như gặp một vùng đất tốt.
NHẠC LỄ TÂY TẠNG
Loại nhạc lễ sâu lắng, đầy tác dụng tâm linh của Tây Tạng, là âm thanh nền của các buổi giảng đạo, không được xây dựng nên bởi tiết tấu mà chủ yếu là nhịp điệu và tác dụng của các chủng âm - tôi dám nói là của các chủng âm nguyên thủy[10] mà mỗi âm đó được một nhạc cụ chuyên biệt trình bày. Các nhạc cụ đó không hề bắt chước các biến hiện của giọng hát hay xúc cảm của con người mà đại diện cho cách diễn tả trọn vẹn của những hiện tượng cơ bản của tự nhiên, trong đó thì giọng người chỉ là một trong nhiều loại dao động, các dao động đó làm nên những bản hào ca tạo thành âm điệu của vũ trụ.
Bản hòa ca này không tuân thủ quy luật của phép hòa ca theo nhạc lý phương Tây, thế nhưng nó mang lại một hiệu ứng tổng thể, hiệu ứng này không phải không có nhịp điệu, vì cái tất cả thực ra cũng có phép tắc nhất định và cho thấy một sự song song giữa các yếu tố âm thanh ở các mức độ khác nhau.
Mặc dù bị âm nhạc tác động sâu sắc, nhưng tôi không đủ trình độ để có một phân tích chuyên môn hay một mô tả khách quan về kỹ thuật cả âm nhạc Tây Tạng. Thế nên tôi chỉ có thể nói về quan sát và phản ứng cảm tính của mình bằng những câu đơn giản. Điều đáng nói là tính cách sơ lược của các tường trình ngắn ngủi về nhạc Tây Tạng mà tôi đọc thấy trong các sách chỉ dẫn du lịch làm tôi tin rằng, hoặc là ngôn ngữ âm nhạc phương Tây không phù hợp để diễn tả tính cách độc đáo của nhạc Tây Tạng, hoặc là những người muốn trình bày nó không đủ sức nắm lấy cái thần của nó.
Muốn làm được điều này, người ta phải quen với thực tế tôn giáo và tự nhiên tại nơi mà nền âm nhạc này lớn lên. Người ta phải sống lâu tại đây, phải tham dự vào cuộc sống tinh thần và cảm xúc, mà âm nhạc là cách diễn tả trực tiếp.
Phật giáo Tây Tạng xem con người không phải là một thể sống riêng lẻ, mà nằm trong mối liên hệ với cái nền vũ trụ. Thế nên, âm nhạc tế lễ của Tây Tạng không nói đến những cảm xúc nhất thời của một cá thể mà thể tính vô thủy vô chung, miên viễn của đời sống vũ trụ, trong đó cái vui buồn riêng tư của ta không đóng vai trò gì. Với thể tính đó, ta gặp lại suối nguồn của thực tại trong tự tính sâu kín nhất của ta. Đây không phải chỉ là cái cốt yếu của thiền định Phật giáo mà cũng là của âm nhạc tế lễ Tây Tạng, nó xây dựng trên sự rung động sâu xa nhất mà một nhạc cụ hay giọng người đủ sức diễn tả: những âm thanh hầu như tiếng sấm động - chủng âm thiêng liêng của tự nhiên, mà sự dao động của nó đại diện cho nguồn sống của hết thảy mọi vật trong vũ trụ. Chúng tạo ra cái nền móng mà trên đó âm thanh cao hơn hay những tiếng đập của nhạc cụ bằng gỗ mới trổi dậy, như dạng hình của loài hữu tình xuất hiện từ các năng lực cơ bản của tự nhiên - người ta ý thức những năng lực đó không nơi đâu mạnh bằng các dãy núi hùng vĩ và các cao nguyên ngút ngàn và cô tịch ở Tây Tạng.
Như giọng trầm của người chỉ huy đã cho đoàn nhạc công nền móng và mở đầu bài giảng, rồi cuối mỗi đoạn lại trở về với giọng trầm; thì tương tự thế, chiếc kèn tù-và bằng đồng dài bốn mét là gốc gác, là điểm xuất phát của dàn giao hưởng. Loại kèn luôn luôn được thổi từng cặp, để cho chiếc này vừa dứt thì chiếc kia thổi lên. Và như thế mà ta luôn luôn có một tiếng kèn liên tục, có lên có xuống, trong sức mạnh và chiều sâu của nó nghe như một đại dương của âm thanh tràn trong không gian. Và trên mặt đại dương đó mà chủng âm của nó là OM, gốc của mọi âm thiêng liêng, thì gió đã tạo ra đời sống cá thể bằng cách làm thành vô số những sóng lớn sóng nhỏ, như những âm thanh của nhạc cụ gỗ, chúng sinh động và đầy tiết điệu.
Giọng trầm mà vị sư trưởng bắt đầu và làm nền cho buổi lễ không gì khác hơn chính là sự nhắc lại của chủng âm thần chú này, vì buổi giảng đạo chủ yếu (dù không phải mọi lúc) có tính cách chú nguyện, nhất là trong phần đầu và phần cuối của mỗi đoạn. Tất cả những câu chú nguyện quan trọng của phần tụng niệm được sự tham gia của chuông và trống nhỏ.
Ngược với tiếng kèn không nhiều thì ít có tính tĩnh tại thì tiếng đập và tiếng xập xỏa đại diện cho yếu tố động của dàn nhạc. Tiết điệu dĩ nhiên phải thay đổi theo từng đoạn tụng niệm, nhưng - đây là điều quan trọng về tính chất âm nhạc và cảm xúc, vì là một cảm giác của sự giải thoát sinh ra từ áp lực lúc đầu còn chậm về sau nhanh dần - đến đoạn cuối cùng của buổi lễ thì tiết điệu nhạc nhanh dần - đến đoạn cuối của buổi lễ thì tiết điệu nhạc nhanh dần lên, đến lúc nó trổ vào đoạn chung cuộc. Nơi đó thì tiếng xập xỏa magn lại một âm thanh kim loại, quay cuồng, thắng lợi, vươn cao hơn tất cả tiếng đập chạy ầm ầm phía dưới và chấm dứt bằng một tiếng xập xỏa vang dội. Sau đó lại bắt đầu một chu trình mới, chậm rãi của một đoạn tế lễ khác.
Khi tiếng kèn hay giọng trầm của con người bắt chước chủng âm vũ trụ, trong đó ta chứng cái vô cùng của không gian thì tiếng trống đại biểu cho tính hữu hạn của cuộc sống và vận động, chúng tuân thủ nguyên lý cao nhất của mọi sinh cơ, tuân thủ chu trình nội tại của chúng, đó là chu trình sáng tạo và phân hủy, phân tích và tổng hợp, hóa hiện và thu hồi, sinh thành và hoại diệt; chúng đạt đỉnh cao trong hữu hiện và giải thoát.
Nếu tiết điệu trong lễ nhạc Tây Tạng đóng vai trò quan trọng của âm hưởng vô thường trong đời sống cá thể thì nhịp điệu của âm nhạc lại nói lên cơ cấu và ý nghĩa đích thực của nó. Với tiếng trống hay tiếng đập, người Tây Tạng (hẳn là cả người phương Đông nói chung) nói lên cảm xúc hoàn toàn khác với ở phương Tây, là nơi không thấy đó là một nhạc cụ cơ bản hay độc lập. Trong thời đầu của văn hóa Ấn Độ, ý nghĩa của tiếng trống có thể được thấy qua một ẩn dụ quan trong của Phật, trong đó Ngài so sánh qui luật trường cửu của vũ trụ như nhịp điệu của tiếng trống, đó là lời đầu tiên sau khi giác ngộ, Ngài noí về “tiếng trống bất tử” (amata dundubhin) vang lên cho toàn thế giới.
Chính vì không theo dõi được hết tất cả chi tiết của buổi tế lễ dưới sự hướng dẫn của Tomo Géshé Rimpotsché, nên sáng hôm đó tôi tập trung nghe tiếng ca nhạc và lưu ý tác động của buổi lễ đó làm tôi có khả năng cảm thụ lớn nhất. Trong những tuần trước dù đã tham gia nhiều buổi lễ nhưng chưa bao giờ tôi được sống trong một tình trạng hoàn hảo và hòa điệu như thế. Tất cả những người tham dự ngày hôm đó hầu như tràn đầy sự hiện diện của một tâm thức cao hơn – như tôi cảm nhận, là thống nhất trong ý thức bao trùm tất cả của một vị đạo sư, để cho tất cả hành động của họ đều hòa hợp với nhau, tụng kinh hay niệm chú, hầu như tất cả đã tan chảy, hòa chung vào một thân duy nhất.
GẶP GỠ ĐẠO SƯ
Tôi vui mừng biết bao khi được gặp hiện thân của ý niệm xa vời đó thật sự ở ngay trước mắt mình: một con người, mà bất cứ những ai được tiếp xúc đều được học hỏi, chỉ sự hiện diện của ông đã gây ấn tượng và đúng như kinh sách thường nói, hãy chứng thực ngay tại đây và bây giờ như trong những ngày Phật còn tại thế.
Số phận đã dành cho tôi một cơ hội lớn lao được gặp một người như thế, được tiếp xúc sống động với cái tâm thức đã tạo nên tâm chư Phật và các vị thánh nhân trong quá khứ cũng như sẽ tạo nên tâm các vị khác trong tương lai.
Tôi được gặp vị đạo sư sớm hơn mình chờ đợi. Lần gặp đó diễn ra trong một phòng thờ nhỏ tại lầu trên của Labrang (tòa nhà chính của tu viện), nơi ở của vị đạo sư mỗi khi ông lưu lại Yi-Gah Tschor-Ling; và những lúc ông vắng mặt, nơi đó vẫn được xem là chốn thiêng liêng không ai được ngồi, dù chỉ rất ngắn và lúc ông vắng mặt thì được thay đổi bởi bộ áo lễ dựng đứng, biểu hiện sự hiện diện tâm linh của ông. Vì nơi đây là chỗ ông hằng ngày quán tưởng và trải qua vô số giờ thiền định. Ngay ban đêm ông cũng ngồi thiền định trong thế liên hoa. Chỗ ngồi này không cho phép ông nằm hay duỗi chân. Đó là một khung hình vuông, trong đó có nhiều gối cứng. Phía dưới chỗ ngồi có đường viền che ba phía, phía thứ tư là lưng dựa có trang trí bằng bánh xe chính pháp và các biểu tượng khác. Phía trên chỗ ngồi là hình bầu trời với bảy màu, tượng trưng cho hào quang của Phật.
Toàn bộ gian phòng này toát ra không khí của an bình và vẻ đẹp, là hơi thở của một nhân cách, của sự hòa hợp không những về mặt thiện mỹ mà sự bày tỏ tự nhiên của một cuộc sống hoàn toàn hướng về tâm linh. Ngoài ra các bức tranh tôn giáo đẹp chi li kỹ lưỡng, lòng trong khuôn đem từ Trung Quốc qua, hòa hợp với màu sắc thanh nhã của loại thảm Tây tạng bọc các ghế ngồi xung quanh bàn nhỏ uống trà. Phía kia của gian phòng là các bức tượng thếp vàng với trình độ thủ công xuất sắc để trong các lồng kính, xung quanh khắc họa hình rồng và các hình nổi khác. Phần dưới của bệ thờ gồm có nhiều cửa, nhô ra một chút để có thể đặt trên đó chén đựng nước và đèn dầu, tất cả đều bằng bạc. Trong phòng không có một vật gì mà không mang biểu tượng hay chức năng của một đời sống tâm linh và cũng không có gì gọi là của riêng của bậc đạo sư [11]. Sau khi ông đã rời bỏ thân người lần này, theo chỉ thị của ông, người ta cho tôi đặc quyền vô song là được ở trong phòng này – và tôi thấy lại tất cả những gì như hồi ông còn hiện diện. Ngay cả một tách trà bằng ngọc để trên một đĩa bạc mà mỗi ngày người ta còn rót trà nóng cũng như các pháp khí khác như kim cương sử, chuông, bình bát và các thứ khác cũng còn nằm tại chỗ cũ, trước chỗ ngồi của ông.
Nhưng tất cả chi tiết này đều hòa nhập trong một ấn tượng chung của an bình và hòa hợp của ngày đầu tiên đó. Tôi cúi mình trước đạo sư và ông đặt hai tay trên đầu tôi: hai bàn tay mà chỉ cần đặt nhẹ lên đầu là đã có môt luồng điện của sự an lạc chạy khắp người và phủ khắp tôi, để tất cả những gì tôi định nói hay hỏi ông bỗng biến mất khỏi tâm mình như sương mù dưới ánh mặt trời. Chỉ riêng sự có mặt của con người này đã đủ để phá tan mọi sự thể, biến nó thành không – như bóng đêm gặp ánh sáng.
Khi ông ngồi trước mắt tôi, dưới hình vẽ bầu trời, trong bộ áo đơn giản đỏ sậm của một tu sĩ Tây Tạng, thật khó đoán tuổi ông, dù lúc đó chắc ông không dưới tuổi 65. Tóc cạo ngắn của ông vẫn còn đen và thân ông khỏe mạnh, thẳng người. Khuôn mặt ông cho thấy một tính cách mạnh mẽ, nhưng cái nhìn thân thiện và khóe miệng hướng lên hầu như sắp mỉm cười làm tôi thấy tin tưởng.
Điều đáng lạ lùng là không ai chụp hình được Tomo Géché Rimpotsché, mặc dù trong thời gian ông đi hành hương tại các thánh địa Ấn Độ, nhiều người đã lén chụp hình vì biết ông không đồng ý. Kết quả luôn luôn như nhau: hoặc là người ta thấy phim không ảnh hay hình mờ hẳn đi, hay là có điều gì xảy ra. Dù nguyên nhân thế nào thì khuôn mặt của vị đạo sư không thể ghi lại trên phim. Ông từ chối mội sự thần thánh hóa và không muốn con người mình là đối tượng của một sự tôn thờ.
Trong ngày nhận tôi làm đệ tử, ông nói: “Nếu con muốn ta là thầy thì hãy đừng nhìn vào cá nhân ta, vì mỗi một cá nhân đều có hạn cuộc và bao lâu ta còn quan sát thấy sự thiếu trọn vẹn ở một người khác, thì bấy lâu ta còn tự đánh mất khả năng học hỏi từ người đó. Hãy nhớ rằng, mỗi loài đều mang trong mình tia sáng của Phật quả, thế nhưng khi ta chú ý đến sai trái của người khác thì ta tự đánh mất ánh sáng toát ra từ người đó, thông qua người đó mà đến với ta, dù cường độ của nó có khác nhau giữa người này người kia.
Hiển nhiên khi tìm một vị đạo sư ta phải tìm người đáng tin cậy; nhưng khi đã tìm ra người đó, ta phải xem tất cả những gì mà thầy dạy cho ta đều là ơn phước của Phật cả. Ta không xem lời nói của thầy từ thầy mà ra, mà là tiếng của Phật, đáng được tôn quí. Khi con cúi đầu trước thầy, không phải con tôn thờ xác thân có hạn mà thờ Phật, tôn quí vị đạo sư vĩnh cửu, người đã truyền chánh pháp thông qua ngôn từ của một người thầy mang nhân trạng, đó là một đơn vị sinh động trong một chuỗi những vị nhập dòng, người truyền pháp từ thầy qua trò, từ thuở của Thích-Ca Mâu-Ni cho đến ngày hôm nay. Những người truyền giáo pháp chính là bình chứa và nếu họ thông hiểu và tự chứng thực thì họ chính là hiện thân của pháp.
Cái làm nên vị đạo sư không phải là trình độ tâm linh, chẳng phải thân thể, chẳng phải ngôn từ mà chính là thực tại, cái tuệ giác, thứ ánh sáng nằm trong người đó. Người đó càng chứa nhiều thứ đó, khi thứ đó càng sinh động, thì hình dạng lẫn hành động người đó càng phù hợp với nó, người học trò càng dễ nhận ra vị Phật trong thầy mình. Vì thế mà học trò hết sức cẩn trọng trong việc lựa đạo sư cho mình; cũng như thế, mà htầy lựa trò cho mình.
Thế nhưng ta không bao giờ quên rằng, trong mỗi con người có một tâm bồ đề luôn luôn hiện diện (vì thế mà tôi hay gọi “tia chớp” của tâm giác ngộ thay vì gọi tư tưởng giác ngộ, tia chớp đó sinh ra khi tiềm năng này trở thành ý thức) và chỉ sự mù quáng của chính ta ngăn trở mình nhận rra nó. Ta càng bất toàn thì càng có khuynh hướng thấy sai trái nơi người khác, trong lúc những người đã đạt tri kiến sâu xa thì lại thông qua những sai trái đó mà thấy tự tính của mọi loài khác. Thế nên những người vĩ đại nhất cũng là người thấy cái linh thể nơi người khác, là người luôn luôn tôn kính cả những người tầm thường nhất.
Bao lâu ta coi khinh mọi người, xem người là thấp kém, bấy lâu ta không có tiến bộ. Vì thế khi ta hiểu rằng, mình sống đúng trong thế giới xứng đáng cho mình, ta sẽ cảm nhận sai trái của mọi người là của chính mình – dù nó có xuất hiện không trực tiếp từ nơi ta mà ra. Đó chính là nghiệp của mình phải sống trong thế giới bất toàn này, nó cho cùng thì thế giới này là do ta tự tạo. Chỉ có thái độ đó mới giúp ta vượt được khó khăn của mình, vì nó thay sự phủ định vô bổ bằng một năng lực tích cực để tới sự hoàn thiện, nó không những làm cho ta xứng đáng với một thế giới tốt đẹp hơn, mà còn đưa ta trở thành người tạo tác cho sự sáng tạo đó”.
Sau đó vị đạo sư tiếp tục giải thích các điều kiện tâm linh tiên quyết và các phép thiền định để tạo nên được thái độ tích cực và sáng tạo đó. Lòng từ bi thương người – không phải chỉ biết đau khổ theo người mà cũng biết vui sướng cùng người – đối với tất cả loài hữu tình, theo ông là sự chuẩn bị đầu tiên cho phép thiền định vì nó sẽ loại bỏ những giới hạn thuộc về cảm tính và tư duy do ta tự tạo. Muốn được thái độ này ta phải biết xem mọi loài là mẹ đẻ hay con ruột của chính mình – trong vũ trụ này không có sinh vật nào mà không từng là bà con ruột thịt với ta trong vô lượng kiếp. Để biết quý từng khoảnh khắc của đời sống, ta cần luôn tâm niệm rằng, mỗi một chớp mắt có thể là giây phút cuối của đời mình, không dễ gì có lại. Ngoài ra ông chỉ thêm rằng, những gì ta biết về thiền định qua sách vở không hề so sánh được với sự chứng thực trực tiếp và với tác dụng tâm linh của đạo sư, miễn là ta biết thành tâm rộng mở tấm lòng với ông.
Vì thế mà trong Bồ Đè hành kinh[12] có đoạn: “Khi tư tưởng giác ngộ đã bắt rễ thì kẻ khổ đau bị trói buộc trong tù ngục của đời sống trở thành con đẻ của sự giác ngộ, được trời và người tôn kính. Khi tư tưởng này đã chiếm thân bất tịnh của người đó thì nó sẽ biến thân đó thành viên ngọc cao quý của một vị Phật. Vì thế hãy tới với thứ nước cam lồ đó,nó có thể chuyển hóa tuyệt diệu và mang tên là tâm bồ đề”.
ĐIỂM ĐẠO
Thật may mắn cho tôi không những được chuẩn bị bởi sự dạy dỗ kiên trì của Katschenla mà còn được một người bạn là một vị lạt ma Mông Cổ biết Anh ngữ, đã giúp tôi học hỏi kinh sách Tây Tạng, bù lại tôi chỉ cho ông tiếng Pali và thêm Anh văn. Ông đã học tập hai mươi năm trong một tu viện đại học gần Lhasa, đạt được học vị Géché và về sau cùng làm việc với nhà Đông phương học Stael-Holstein tại Bắc Kinh. Tên ông là Tubden Scherab, nhưng thường ông được gọi là “Géchéla”.
Nhờ ông làm thông dịch mà tôi không gặp khó khăn gì để hiểu giáo pháp của đạo sư và trao đổi riêng với ông, mặc dù – tôi sớm biết – vị đạo sư không cần đến thông dịch viên vì ông đọc tư tưởng của tôi như đọc một cuốn sách đang mở. Vì biết tôi đã dành phần lớn thời gian trưởng thành của mình để nghiên cứu Phật giáo, ông không phí giờ mà giảng cho tôi những giáo lý tổng quát nữa mà đến ngay với đề tài của phép tu thiền định, điều đối với ông hệ trọng hơn mọi ý kiến thức lý thuyết. Đối với tôi, điều này từ xưa đến nay chính là khía cạnh chủ yếu của đạo Phật cũng như đời sống tôn giáo.
Tới nay thì tôi dựa vào trực giác của riêng mình và các khai thị trong hệ Pali về việc hành trì thiền định, nhất là kinh Tứ Niệm Xứ [13](thời đó được phổ biến không phải theo phương pháp mới mà theo cách đơn điệu của trường phái Mynamar). Vì thế mà tôi hết sức quan tâm được đưa vào các phương pháp truyền thống, từng bước đi sâu vào sự chứng thực thiền định.
Trong ngày mà Tomo Géché Rimpotsché chính thức nhận tôi làm đệ tử và quán đỉnh cho tôi bằng một buổi lễ điểm đạo, trong đó tôi nhận được thần chú đầu tiên của mình, thì một điều quan trọng trở nên rõ ràng, điều mà tôi chưa có trong cuộc đời tôn giáo của mình. Đó là một biến cố tâm linh, nó không cần bất cứ triết lý hay lý luận phải trái gì vì nó không hề dựa trên sự hiểu biết lý thuyết mà là những sự thực xảy ra và sự chứng nghiệm trực tiếp và nhờ đó mà tôi chắc rằng, mục đích mình theo đuổi không phải là một ý niệm trừu tượng do đầu óc hư cấu ra, mà là tình trạng ý thức có thể đạt tới thực, một thực tại có thể nắm bắt.
Thế nhưng biến cố đã cho thấy thực tại có thể nắm bắt này lại quá tinh tế, vượt qua mọi so sánh, nên sự mô tả quá trình điểm đạo và những biến cố trong đó sẽ hết sức thiếu sót như ta tìm cách mô tả cảm thụ âm nhạc bằng ngôn từ. Đúng là sự mô tả chi tiết kỹ thuật và những cái gọi là “khách quan” sẽ hủy hoại cái chủ yếu, tính chất xúc cảm và nội dung đích thực của sự cảm thụ, vì sự “cảm xúc” trong nghĩa đích thực chính là cái làm tâm ta lay động, đào sâu, đánh thức nó, đưa lên một đời sống cao hơn, tới một khả năng nhận biết rộng hơn. Biểu hiện cao nhất của điều này là sự giác ngộ, sự chứng thực tự tính ánh sáng của ta, đồng thời đưa tới sự vận động tự tại, vô ngại, thanh tịnh nhưng lại bất động của tâm là vô minh – dù chúng ta do loại tư tưởng khái niệm, tham muốn hay bám giữ tạo ra. Sự bất động lại không đồng nghĩa với cái dừng chết, không có nghĩa kềm lại tư tưởng mà là dòng tâm thức không bị cản trở bởi những khái niệm tự tạo và ước muốn ích kỷ hay dòng chảy tự nhiên của nó bị chia cắt ra từng phần với hy vọng phân tích tìm hiểu nó. Điều này không có nghĩa là ta phải từ bỏ mọi tư duy khái niệm – đó là điều bất khả – mà đừng lạc lối trong đó để trở thành nô lệ của nó.
Cũng như từng âm thanh của một tiết điệu tự nó không mang ý nghĩa gì, nó chỉ có nghĩa trong mối liên hệ với những âm trước nó và sau nó – chúng là thời khắc của một sự vận động đầy ý nghĩa sinh động, không bị ngăn chận, những âm thanh đó cũng như bản thân tiết điệu không bị phá hủy; cũng tương tự như thế mà ta không thể tách những khái niệm hay biến cố đơn lẻ ra khỏi khung cảnh hay dòng chảy của tư tưởng hay cảm xúc được biến cố của lễ điểm đạo, tìm cách hiểu nó bằng khái niệm và suy luận thì ta chỉ có những phần tử chết trong tay chứ không phải “sợi dây tâm thức”, cái làm cho chúng có sức sống. “Sợi dây tâm thức’ này được người Tây Tạng gọi là dam-ts hig. Đó là mối liên hệ nội tại giữa thầy với trò (cũng như mối liên hệ giữa những cái thiêng liêng và con người – dù nó xuất hiện dưới bất kỳ dạng nào), biểu thị sự vận động nội tại và chứng thực mà trên đó mối liên hệ được xây dựng.
Quá trình của lễ điểm đạo không chứa đựng điều gì bí ẩn, nhưng nó không thể trao truyền vì mỗi người phải tự nếm trải. Khi cố trình bày những điều vượt quá ngôn từ, ta chỉ kéo những điều thiêng liêng hạ xuống mức tầm thường, đánh mất cái “sợi dây” đó và không lợi gì cho ai. Với lời nói, ta chỉ hủy phá cái nhiệm mầu, cái thanh tịnh và sự hồn nhiên của tâm tư nội tại mình cũng như làm mất lòng kính sợ vốn là chìa khóa cổng đền cho sự mở hiện. Như bí ẩn của tình yêu chỉ có thể nẩy nở khi vắng bóng đám đông cũng như những kẻ yêu nhau không ai thảo luận tình yêu với người ngoài cuộc; thì cũng như thế, sự kỳ diệu của chuyển hóa nội tâm chỉ xảy ra khi những năn g lực bí ẩn của nó nằm ngoài mắt nhìn tầm thường và phiếm luận vô bổ của thiên hạ.
Điều có thể trao truyền được chỉ là kinh nghiệm thuộc về lĩnh vực của ý thức thông thường; và ngoài ra là kết quả và kết luận của những kinh nghiệm đó hay là những giáo pháp tập hợp những chứng thực qua nhiều thế hệ hay qua các vị thầy. Trong một tác phẩm trước đây[14] tôi đã cố gắng nói đến điều này và trong tập sách này tôi cũng sẽ nói đến về những ấn tượng cũng như những gì trải qua về các con người tạo ảnh hưởng quyết định lên đời sống tâm linh của mình.
Trong những con người đó thì Tomo Géché Rimpotsché là vĩ đại nhất. Mối dây liên hệ sinh ra trong lễ điểm đạo lần đầu và cũng là lần quan trọng nhất đối với tôi chính là nguồn suối của năng lực và sự cảm hứng. Vị đạo sư này đã giúp tôi bằng sự hiện diện của ông, ngay cả sau khi ông mất; hồi đó tôi không biết rõ sự giúp đỡ này cũng như không biết rằng ông là một trong những vị đạo sư Tây Tạng vĩ đại và được trọng vọng nhất và đối với hàng triệu người, tên ông đồng nghĩa với sự thực chứng cao nhất của Phật đạo.
Trong chừng mức nhất định thì cái không biết này lại thuận lợi cho tôi vì nó cho phép tôi, thông qua kinh nghiệm củachính mình mà quan sát tính cách phi thường của vị đạo sư một cách tự nhiên và không bị ý kiến của người khác chi phối; và tự mình biết rằng ông có thần thông như các vị thánh nhân trong quá khứ thường có.
Lần nọ, hoàn toàn tình cờ tôi cùng với người bạn Mông Cổ ở bên ông và đang nói chuyện về một số khía cạnh của thiền định. những câu hỏi của chúng tôi xoay quanh về các vấn đề nảy sinh trong các phép tu hằng ngày. Trong câu chuyện, vì người bạn tôi nói về các vấn đề riêng tư và vì không tham gia câu chuyện, tôi nghĩ ngợi về các điều khác. Lúc đó trong tâm nổi lên sự tiếc nuối là ngày ra đi của vị đạo sư không còn xa nữa, ông phải trở về tu viện chính, bên kia biên giới Tây Tạng và có thể nhiều năm sẽ trôi qua trước khi tôi có dịp ngồi lại dưới chân ông. Như theo một sức mạnh vô hình, tâm tôi nói thầm: “Hãy cho con một dấu hiệu rõ rệt của sợi dây nối con với thầy, cho con cái gì vượt lên mọi lời, nhắc nhở con nhớ đến mục đích cao cả va đức hạnh của thầy: dù đó là một tượng Phật nhỏ được thầy ban phước hay bất cứ cái gì…”. Chưa nói thầm hết ý thì vị đạo sư đã bất ngờ cắt câu chuyện, quay về phía tôi nói: “Trước khi chia tay, ta sẽ cho con một tượng Phật nhỏ làm kỷ niệm”.
Tôi choáng người, không dủ sức nói lời cảm ơn – phần vì vui mừng, phần vì xấu hổ mình đã ngắt câu chuyện của vị đạo sư chỉ vì ý nghĩ khẩn cầu và hầu như có tính chất thử thách. Nếu biết ông có thể nghe tư tưởng của tôi như lời nói bình thường, tôi đã không bao giờ dám ngắt câu chuyện của thầy, không hề muốn dùng ý nói chuyện với ông.
Ngay cả lúc đang bận chuyện khác, ông vẫn phản ứng về tư tưởng của tôi, điều đó làm tôi nghĩ rằng không những ông học được ý tưởng người khác mà có cái khả năng mà kinh sách Phật giáo gọi là “thiên nhĩ”, tức là nghe tất cả những tư tưởng của người khác hướng về mình. Và ngoài ra, tôi nói thầm những lời đó không bằng tiếng Tây Tạng, tôi nghĩ bằng ngôn ngữ của tôi, thế nên không phải ngôn ngữ mà ý nghĩa của ngôn ngữ, đó là điều mà vị đạo sư nghe thấy.
Trong ngày chia tay, dĩ nhiên là tôi rất hồi hộp. Từ lần đó đến nay, nhiều tuần đã trôi qua mà đạo sư không nhắc nhở gì lại điều mình hứa và tất nhiên tôi không dám hỏi gì về điều đó và tin rằng ông cũng nhớ đến như mình. Có thể ông thử lòng kiên nhẫn và tin tưởng của mình chăng. Điều này làm tôi càng nín lặng.
Nhưng khi vị đạo sư bị vô số người cần đến trong những ngày cuối cùng của ông tại Yi-Gah-Tscho-Ling, những kẻ đi từ xa đến xin gặp để được ban phước thì tôi không bỏ được lo ngại liệu lời xin của mình đã bị quên lãng đi không, có gì làm trở ngại không.
Vì thế mà tôi ngạc nhiên và vui sướng xiết bao khi phút chia tay ông trao cho tôi – trước khi tôi kịp nói điều gì – một tượng Phật Thích-Ca Mâu-Ni nhỏ nạm vàng, trang trí đẹp, làm bằng đát và cho tôi hay rằng, ông đã giữ nó trong tay lúc thiền định hàng ngày.
Tới bây giờ tôi mới ý thức được sự cao quý của tặng vật đó và lý do tại sao bây giờ tôi mới biết; và khi nhận nó trong tay, tôi phải dằn lòng lắm mới giữ được nước mắt. Không nói gì được tôi nghiêng mình lặng thinh, tôi thấy tay ông nằm yên trong tay tôi, năng lực của ông tràn khắp người tôi và cho tôi lòng tin chắc chắn không bao giờ xa ông, dù hàng ngàn dặm cách ly.
Kể từ ngày đó, tượng Phật trở thành bạn đồng hành thường xuyên của tôi, nó theo tôi suốt vô số lần trèo đèo tuyết phủ trên Himalaya và vùng nọi địa Tây Tạng; nó cùng đi với tôi trên những cao nguyên cô độc vùng Tschang Thang và những bình nguyên mầu mỡ ở miền nam và trung Tây Tạng. Nó đã cứu tôi trong những năm sau (1948) ra khỏi tình huống khó khăn tại miền tây Tây Tạng, triện son của nó là bằng cớ tôi là học trò của Tomo Géché Rimpotsché chứ không phải là điệp viên nước ngoài. Và trong dịp khác, nó làm dịu các người Momade vũ trang dữ tợn, họ bao vây khách lữ hành chúng tôi và chỉ chịu tha cho khi thấy phước lành của đạo sư, sau đó lại quay lui cho thêm sữa và bơ với yêu cầu hãy ban phước cho vợ con và đàn thú của họ.
Còn một điều nữa làm bức tượng nhỏ này thêm quí báu, đó là nó không phải do ai khác làm ra mà là từ bàn tay của Katschenla, người hết lòng phụng sự vị đạo sư và là người nối kết tôi với ông.
Trong những năm trước ngày vị đạo sư trở lại Yi-Gah-Tscho-Ling thì Katschenla không phải chỉ là người bạn mà còn là người đồng môn với tôi và cứ mỗi khi tôi trở về Yi-Gah-Tscho-Ling để trú ngụ tại tu viện hay gần nơi đó – tôi lại được ông tiếp đón và lo lắng như một người cha.
Điều này lại càng đặc biệt hơn khi vài năm sau, một vị tăng trẻ khác được giao nhiệm vụ giữ đền chính, còn Katschenla lo cho phòng riêng của vị đạo sư và mỗi ngày cúng tế trong bàn thờ tại đó, còn tôi, như đạo sư muốn, được ở trong phòng riêng thiêng liêng của ông, thì lại được Katschenla tốt bụng chăm sóc, lại càng cho thêm cảm giác là đạo sư vẫn còn ở đây, như trong ngày đầu gặp gỡ.
TRÊN ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
“Từ đỉnh tuyết phía đông,
mây trắng vụt lên trời.
Như đám mây đỉnh núi,
hình như đạo sư vươn dậy,
từ trái tim sâu xa.
Quán tưởng lòng từ bi,
sinh niềm tin sâu lắng”
Trước khi định hẳn tại Ghoom (nơi tôi sống trong những năm sau trong một vườn tre gần tu viện) thì mong ước được theo đạo sư mình đến những nơi phủ đầy tuyết trắng trong vùng cấm địa đằng sau chân trời nọ quá to lớn, nên tôi lên đường, theo đường của thươgn nhân mà đi, tìm đến quê hương của ông.
Mặc dù cũng khá gần cuối năm và biết mình không đi được xa trong mùa này (đó là thu 1932) vì người ta chỉ cho một thời gian lưu trú có hạn; và vì vậy không thể trở lui kịp qua những ngọn đèo trong mùa đông, tôi cũng không từ chối dịp lên đường. Mặc dù ngắn ngày, nhưng ấn tượng của tôi về Tây Tạng trong chuyến du hành thật có ý nghĩa lớn lao: nó như “một tiến sét ái tình”. Từ phút đó trở đi, Tây Tạng là một vùng đất của sự ngưỡng mộ và dù tôi trở lại nơi đây lắm lần nhưng ấn tượng của lần đầu không bao giờ quên, là kỷ niệm đẹp nhất đời tôi.
Chuyến đi thật có nhiều điều kỳ lạ như trong mộng. Mưa, sương và mây đã biến rừng sâu, ghềnh núi, vực thẳm, núi đá thành một thế giới đầy những dạng hình hư ảo, kỳ bí. Những ngọn thác đổ nước từ những đỉnh cao vô hình xuống vực sâu không đò tới đáy. Mây phủ trên cao lẫn dưới chân những đường mòn ngoằn ngoèo, từ đáy sâu tăm tối vọt lên cao rồi lại chìm sâu, nơi này nơi kia hiện lên những cảnh tượng kỳ vĩ đến choáng ngợp rồi lại biến mất ngay như không hề có thực.
Các cây cổ thụ với kích thứoc vĩ đại hiện ra như những người khổng lồ nhiều tay, râu dài xanh mướt, với cây dại mọc đầy xung quanh, với những tràng hoa xanh nhạt đu đưa giữa những cành cây. Trong những vùng thấp, có nhiều loại lan muôn sắc nở hoa từ thân cành, dưới chân là một vùng cỏ hoa che kín. Mây, đá, cây và thác nước tạo nên một vùng đất hoang đường, nó như được vẽ từ ngọn bút thủy mạc của một họa sĩ Trung Hoa, trong đó đoàn người và ngựa di động như hình nhân tí hon của một bức tranh cuộn tròn dài vô tận.
Rừng sâu rậm rạp, ẩm ướt, nóng hầm hập, đầy vắt và muỗi, trong đó cây dại mọc thành cổ thụ và rừng tre như nổ thành đám pháo hoa xanh mướt, lại rừng đó dần dần nhường chỗ cho miền rừng ôn đới dễ thương, trong đó các loại cây như lấy lại tính cách riêng biệt của mình và hoa tranh nhau với những chùm cây dại trong rừng thưa, để cuối cùng hoa thắng thế, sáng lên một tấm thảm màu xanh vàng, cam hay tím dưới chân các loại thông giỏi chịu mưa gió.
Không bao lâu sau thì cảnh vật này cũng ở lại đàng sau, chúng tôi đi vào một vùng chỉ còn các loại cây thông thấp bé, bên cạnh cỏ dại và rêu, đầy những núi đá khổng lồ, đỉnh phủ tuyết và những hồ xanh ngắt một màu, nằm giữa những đám mây thấp, thỉnh thoảng ánh sáng mặt trời lọt qua cho thấy một cảnh tượng đổi thay giữa ánh sáng và bóng tối. Cảnh vật tưởng chừng trong một trạng thái đổi thay liên tục, hầu như cứ mỗi giây phút nó được tạo thành cảnh mới. Có những cái mà phút trước còn đó, phút sau biến mất và được cái khác thay chỗ.
Và rồi điều kỳ diệu xảy ra, điều này chiếm lấy tôi mỗi khi tôi qua biên giới Tây Tạng: trên đỉnh cao nhất của đèo, nơi mà mây đen cứ tụ hội thì bầu trời lại mở ra như một cảnh ảo thuật, mây tan đi và thế giới hiện ra dưới một bầu trời xanh thẳm trước ánh mắt sửng sốt, trong lúc đó thì mặt trời rực rỡ chiếu sáng sườn núi đầy tuyết làm mắt ta phải hoa lên.
Sau một quang cảnh đầy sương mù và mây đen của vùng Sikkim thì hầu như sức người không đủ thu nhận quá nhiều màu sắc và ánh sáng như thế. Ngay cả bóng mát đậm nhát cũng có một cường độ màu sắc và vafi đám mây trắng rải rác trên bầu trời xanh ngắt đang trôi về phía các đỉnh xa chỉ tăng cường thêm cảm giác vô tận và sâu xa của không gian và sức sáng của màu sắc.
Chính trong phút này – đó là lần đầu thấy trọn vùng đất thiêng liêng Tây Tạng – tôi mới rõ kể từ đây mình sẽ đi trên con đường mây tdrắng này của miền đất kỳ diệu của đạo sư mình, để học thêm sự minh triết của thầy, tìm cảm khái trong sự an bình và vẻ đẹp của vùng này. Tôi biết, kể từ đây mình sẽ luôn luôn được miền đất này của ánh sáng và màu sắc lôi cuốn và sẽ cống hiến đời mình để tìm hiểu tài sản tâm linh của nó.
Như các vị hành hương tiền bối, tôi đi vòng quanh các tháp đá thờ phượng, được trang trí bằng cờ cầu nguyện, được dựng lên tại điểm cao nhất của đèo và cũng là biên giới Tây Tạng, vừa đi vừa thầm đọc các câu thần chú của thầy trao cho, cho thêm một viên đá và đụn đá để tỏ lòng biết ơn số phận đã đưa mình đến đây, để hứa rằng sẽ tiếp tục đi trên con đường đã chọn, và cũng để chúc lành cho những ai sau mình sẽ đến nơi đây. Sau đó tôi bỗng nhớ những dòng chữ khắc họa Trung Hoa, được xem là của vị Phật tương lai Di Lặc, người đã từng là du sĩ đi khắp bốn phương trời: “Ngàn dặm ta đi khắp, Tìm ra đường mây trắng”.
Trên đường xuống lại bình nguyên Tschumbi, lòng tôi đầy niềm an lạc không tả xiết. Chẳng bao lâu thì tuyết trên đèo đã nhường chỗ cho thảm hoa đầy màu và rừng thông vươn lên, trong đó bướm rừng dập dìu tren cánh hoa và chim reo hót tưng bừng. Trong không khí rực sáng của núi rừng, tôi thấy mình nhẹ như chim và không sao kiềm hãm niềm vui mặc dù tôi biết mình sắp qua lại phía bên kia của đèo, sắp xuống đến rừng rậm hừng hực thở khói. Thế nhưng tôi chắc rằng, không sớm thì muộn mình sẽ theo con đường của mây trắng vượt qua mọi chân trời, qua đỉnh nhọn thiêng liêng của ngọn Tschomolhari, trú xứ của nữ thần Dorje Phagmo hầu như đang réo gọi.
Và thật thế, vượt qua bao nhiêu khó khăn không thể tin được – mà khi nhìn lại tôi không thể tin gì khác hơn là tác động của một năng lực đo số mệnh an bài, đổi dời cho tôi, nó đã bày tỏ trong tôi cũng như trong những người khác giúp tôi giải trừ mọi trở ngại – tôi lại lên đường theo đoàn người ngựa để đến những vùng chưa hề biết bên kia rặng Himalaya.
Lần này thì tôi nhắm hướng tây bắc Tây Tạng và đầu năm 1933, trong đoạn đầu của chuyến đi, tôi gia nhập đoàn người, đi từ Yarkand Sarai tại Sriunagar, thủ đô Kashmir để đi Kargil tại Baltistan. Nhà thông thái Ấn Độ Rahula Sankriyayana và nlà người chuyên nghiên cứu Tây Tạng cùng đi với tôi đến Leh, thủ đô của Tiểu Tây Tạng, ngày xưa gọi là Ladakh, thuộc tiểu quốc Guge của tây bắc Tây Tạng. Tại Leh, chúng tôi chia tay; tôi tiếp tục đi với sự hỗ trợ của hai người Tây Tạng khác mà ngựa của họ mang giúp tôi các hành lý nhỏ nhoi cũng như lương thực cho chuyến đi dài ngày.
Chuyến đi Leh kéo dài cả một tháng trời. Nó tạo cơ hội cho tôi làm quen với khí hậu và tập luyện thân thể bằng cách bắt chước Rahula, tôi ngủ đêm dưới bầu trời không cần che lều. Vật che mưa tuyết của tôi chỉ vỏn vẹn một cái mền dạ, tương đối ít thấm nước mà tôi chỉ cần trải trên loại giường xếp là xong. Rahula (hồi ấy còn là tu sĩ Phật giáo và còn chiến đấu giữ lại một các vô vọng các điều luật không quan trọng lắm của giáo hội Sri-Lanka, cho đến một ngày ông thấy các trách nhiệm khác quan trọng hơn trong đời mình) lúc đó còn xem cái giường xếp này là ít nhiều xa xỉ, cho đến khi chúng tôi phải vượt qua ngọn đèo đầu tiên của dãy Himalaya và rơi đúng vào một cơn bão, lúc đầu chỉ là mưa tuyết và tiếp theo là tuyết đổ mạnh. Sáng hôm sau, khi tôi chui ra khỏi tấm dạ, nó đã nặng hẳn lên vì một lớp tuyết dày, thì không thấy bóng dáng người bạn đồng hành đâu cả; cho tới khi ông co ro, răng đánh lập cập, từ một đống tuyết bò ra. Đã thế, còn thêm từ trừa qua đến bây giờ theo qui định của giáo hội, ông không ăn uống gì cả, mặc dù tôi đã nhắc ông coi chừng rằng hôm nay sợ không có dịp ăn được gì, dù một miếng nhỏ. Đúng, điều đó đã xảy ra vì suốt hai ngày chúng tôi phải lội đường ngập tuyết. Kể từ đó, ông thừa nhận rằng những qui định này dành cho khí hậu ấm áp không thể giữ mãi trong vùng lạnh lẽo hay trong những điều kiện sống khác, và ta, đúng theo tinh thần Phật giáo, không nên chấp vào qui luật và lễ nghi. Chẳng phải chính Phật cũng đã giải phóng đệ tử mình ra khỏi mọi gò bó của qui luật thứ yếu trước khi Người nhập diệt vf để cho đệ tử mình tự giữ lương tâm và tri kiến đó ư?
May thay thời tiết tại Himalaya phần lớn kho ráo và nhiều nắng; phải nói là mặt trời nơi đó còn gắt hơn cả mặt trời ở Ấn Độ, và vì gió lạnh nên người ta ít thấy nóng, cho dù có kem chóng nắng, da vẫn bị lột, môi vẫn sưng và ăn không được, lúc ấy ta mới nhận ra.
Thế nhưng những khó khăn của tuần đầu tiên rồi cũng qua đi. Tôi đã quen với khí hậu và mang một lớp da mới, nâu đen, chịu mưa nắng khi tới Tschang-thang, đất của những hồ màu xanh, của núi màu đồng, của bình nguyên màu lục, của những nương rẫy trải dài mà người Nomade miền bắc sống với đàn trâu, đàn cừu trong những túp lều đen làm bằng lông trâu. Sau khi nghỉ ngơi trong tu viện tại Ladakh tôi ham đi tìm hiểu những vùng nằm bên kia dãy núi tuyết, hồi đó chưa mấy ai khám phá, vùng nằm giữa núi Idus và Karakorum.
Một ngọn đèo cao trên 6000 mét nằm trước mặt chúng tôi. Chúng tôi men theo một thung lủng rộng, đi lên cao dần. Mặt trời từ những tuần này đốt cháy không thương tiếc cả một vùng nương rẫy, mà từ sáng nay nó đã núp sau những đám mây đen nặng nề và những giọt mưa nhẹ va lạnh quất vào mặt. Bỗng nhiên tất cả đều mang một bộ mặt bí ẩn tối tăm và thung lũng dẫn vào bóng tối của các đám mây mà hai bên là đá núi nhe răng, hiện ra với tôi như cổ họng của một con quái vật. Đàn ngựa gõ vó đều đều như chấp nhận số phận, không ai nói một tiếng nào và tôi lo ngại cho đêm sắp tới, liệu sáng hôm sau có qua khỏi ngọn đèo đáng sợ này chăng. Trên cao thế này thì một trận bão tuyết sẽ chấm dứt chuyến du hành.
TU VIỆN ĐÁ
Chiều tối, chúng tôi đến đầu một hẻm núi, nơi đây chính là chỗ phải bắt đầu leo lên đèo. Tại chân một nhóm đồi đá dựng đứng, đá xếp ngổn ngang, có một số lều nghèo nàn mà dạng vuông vuông của chúng không khác bao nhiêu so với những tảng đá đổ. Ngược lại với cảnh đó là vô số những tháp sơn trắng, có gốc là những Tumlti hay Stupa Ấn Độ (đó là nơi giữ xá lợi của Phật hay các dệ tử của Ngài). Phần dưới của tháp hình khối vuông, giữa là hình vòm tròn hay có đạng bình hoa và bên trên là đỉnh nhọn hình nón, gồm mười ba đĩa tròn chồng lên nhau làm bằng đất đỏ, chúng được che bằng dạng chiếc dù, mang biểu tượng mặt trời, mặt trăng và lửa.
Hàng triệu tháp như thế nằm rải khắp Tây Tạng. Nơi đâu có người ở hay đã từng ở là có nó và cũng ở những ngọn đèp hẻo lánh hoặc đường dẫn đến cầu treo (thường nguy hiểm) hoặc nơi có những tảng đá hình thù kỳ dị trên đường khách lữ hành qua lại. Số lớn những tháp hiện ra đối với chúng tôi nơi đây như có phép thần cắt ra từ đá, một phần xem như phố xá điêu tàn của những người tí hon, chúng làm ta đoán gần đây hẳn phải có tu viện hay thánh địa gì đó. Vì đã từng nghe nói về một tu viện đá rất cổ nằm trong hẻm núi này, được xây từ thời Liên Hoa Sinh (thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên), nên tôi cứ theo tháp dẫn đường, qua ngõ ngách của những tảng đá to như những căn nhà hoặc giữa những vách tường dựng đứng mà đi.
Đường đi bắt đầu lên dốc nên chúng tôi đành bỏ ngựa lại. Nhưng cũng kể từ đây đã thấy có vách cổ và từ những vách đá mọc ra những nhóm nhà hình khối có ban công gỗ. Hầu như không phân biệt được đâu là đúi, đâu là người xây, vì chúng thông với nhau, tựa do thiên nhiên làm ra.
Với hy vọng tìm chỗ ngủ đêm nay, tôi leo suốt ngõ ngách vách đá nhưng càng đi, hy vọng của tôi càng giảm. Không nơi nào có dấu vết sinh vật. Cả loài chó giữ nhà Tây Tạng đáng sợ cũng không, nó luôn luôn sủa người lạ từ xa đến làng, dù nhà, tu viện hay lều người Nomade, ở đâu cũng thấy chúng. Tuy vậy vẫn không nên vào trong các tòa nhà xem ra đã hoang vắng này.
Cứ mỗi bên cạnh cổng vào tôi thấy một tháp đá, trên đỉnh có một đĩa đá phẳng, trong đó có một viên đá tròn. Tôi vừa định hỏi người đi theo tôi (người kia ở lại phía dưới với ngựa) ý nghĩa của những tháp đá này thì người đó đã cầm viên đá tròn lên và thả xuống đĩa. Một âm thanh cao như thủy tinh vỡ vang lên. Thì ra đó là chuông gõ cửa! Một sáng tạo thiên tài! Lại một lần nữa tôi phải khâm phục tài năng tuyệt diệu của người Tây Tạng, họ đã làm được những dụng cụ từ những vật liệu đơn giản nhất.
Chúng tôi cho vang lên nhiều tiếng đá nữa nhưng vô ích! Thế nên chúng tôi leo lên tiếp lên cao và vào đến một cái sân nhỏ nằm bên cạnh một đường đi bằng gỗ có mái che, phía trước với mặt tiền của một đền thờ xây trên đá, còn phía kia là một tòa nhà hai tầng với bao lơn mở, trên đó là hình thù kỳ dị của chóp đá, còn phía kia là một tòa nhà hai tầng với bao lơn mỏ, trên đó là hình thù kỳ dị của chóp đá chĩa lên trời. Giữa sân có một cột cờ cao, sơn trắng. Thì ra chúng tôi đang ở giữa sân một tu viện. Thế nhưng lại không có một bóng người.
Dù thế, tôi có cảm giác chắc chắn mình đang ở đúng chỗ và ngồi xuống đường gỗ, để bình tâm xem mọi sự xảy ra thế nào và nếu cần sẽ ngủ đêm tại đây. Trần phía trên đầu tôi hơi hư hỏng, nhưng sàn tương đối khô và mưa sắp dứt.
Thình lình có tiếng chó sủa từ phía chúng tôi đã vào. Bản năng làm tôi đưa mắt tìm kiếm một ngõ ra khác nhưng không có. Như thế là chúng tôi nằm trong rọ rồi! nhưng chúng tôi lại gặp may. Con chó không phải loại nguy hiểm như tôi hay sợ (ai đã từng đi Tây Tạng dều biết rõ loại chó Mastif nguy hiểm hơn chó sói nhiều) và sau chân nó là một vị lạt ma già, ông kính cẩn chào tôi. Tôi nói với ông mình là kẻ hành hương từ phương xa, đi thăm các thánh địa Tây Tạng. Nhìn quần áo, ông biết tôi thuộc về một dòng tu Tây Tạng, vì vậy mà không chút chần chứ, ông mở cánh cửa nặng nề của đền và ra hiệu cho tôi đi theo.
Ông dẫn tôi qua những bậc cầu thang tối và dốc, lên một hang rộng và các vách tường phẳng hình như mang đầy những bức họa rất cổ. Trong ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn thờ hiện ra bàn thờ cao với dĩa cúng và bình nước, trên đó có tượng Liên Hoa Sinh, người tiên phong Phật giáo và nhà sáng lập dòng tu cổ nhất Tây Tạng (Nyingmapa) mà tu viện này thuộc về đó. Tả hữu hai bên là tượng hai vị Bồ-tát và dưới chân là các tượng nhỏ của các đại đệ tử của Liên Hoa Sinh, như công chúa Ấn Độ Mandarava và vị nữ thánh Tây Tạng Yésché Tshogyal (là người mà các tác giả phương Tây hay lầm gọi là vợ của Liên Hoa Sinh mặc dù trong tiểu sử của Ngài đã ghi rất rõ).
Sau khi chấm dứt nghi lễ chào hỏi, tôi được đưa lên một phòng nằm cao hơn trong đền. Theo các tranh bích họa thì đền này mới được sửa sang lại gần đây. phòng này dùng để thờ Thích-Ca Mâu-Ni, vị Phật lịch sử. Tượng của Ngài có hai vị đại đệ tử Xá-lợi-phất và Mục-liền-liên theo hầu, bên cạnh đó là tượng của vị Phật của thời kiếp trước – Nhiên Đăng – và của vị lai – Di Lặc Phật.
Khi ra lại sân thì đã có nhiều vị lạt ma tại đó và sau khi trả lời câu hỏi từ đâu đến, đi về đâu thì người ta đưa tôi vào một phòng lớn, hoàn toàn trống và cho hay chưa có ai từng ở trong này cả. Phòng này nối với sân bằng một cầu thang dốc và có một cửa sổ nhìn xuống bình nguyên. Vách tường đối diện với cửa sổ bị một mỏm đá lớn xuyên thủng, nó nhắc tôi nhớ đến tính chất lạ lùng nơi đây, nơi sinh ra từ sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Trong lúc tôi nói chuyện với các vị lạt ma thì người đồng hành theo tôi dã mang hành lý vào và khi bắt đầu mở cái giường xếp cũng như gắn bộ đồ bếp lại với nhau, các lạt ma ngồi một vòng bán nguyệt quanh tôi nhìn trò chơi hiếm có này. Và cửa phòng bây giờ cũng đã đầy người, có lẽ họ chạy từ dưới làng lên tu tiện xem một vị lạt ma lạ mặt, người bất ngờ đến tìm nơi hẻo lánh của họ. Vì phòng bây giờ đã hết chỗ, họ đành đứng bên ngoài xem bên trong có gì.
Chiếc giường xếp được dựng lên với sự tích thú theo dõi đến sững sờ của họ. thế nhưng khi bình nấu bếp được gắn lại và lửa sẽ cháy lên với một thứ nước kỳ lạ thì sự căng thẳng của đám đông lên tới cao độ, họ nhìn từng cử động của tôi. Sự im lặng kính cẩn bao trùm tôi và tôi ý thức cái giây phút đầy hồi hộp này khi quẹt cây diêm châm vào chất lỏng để bùng lên một ngọn lửa trong xanh.
Một tiếng “ồ” của sự ngạc nhiên cang lên từ những người xem, họ lắc đầu ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ cái hiện tượng mà đời họ chưa bao giờ thấy. Hình như họ cho rằng ngọn lửa xanh cháy với rượu cồn chỉ là ảo giác không có thật; vì làm sao lửa có thể sinh ra từ “nước” được. Vị lạt ma lạ mặt này hẳn là một nhà ảo thuật. Để họ tin đây là lửa thật, tôi nói họ cứ giơ tay lên lửa xem sao; và chỉ khi họ vội rút tay về phía trước tiếng cười ầm và nghe kể lại lửa nóng thế nào thì mọi người mới chịu tin.
Thế nhưng trò ảo diệu này vẫn chưa hết, vì khi cháy hết cồn rồi đột nhiên ngọn lửa tắt ngúm, thay vào đó là những đóm lửa li ti xanh lục kêu xèo xèo; sự ngạc nhiên của khán giả vẫn không dứt.
Nếu bây giờ mà tôi ngồi khoanh chân bay lên trời được thì chấm dứt như thế mới xứng đáng và có lẽ lúc đó khán giả cũng không còn kinh ngạc gì lắm. Thế nhưng ở đây tôi bình thản lấy một cái nồi tầm thường để trên cái lò kỳ diệu này, mọi người thấy vậy mỉm cười bớt căng thẳng và xem ra hiểu chuyện.
Trong lúc tôi nấu nướng thì mọi thức ăn gia vị đều được xem xét kỹ lưỡng và cả khi tôi ăn, mọi cặp mắt đều nhìn tôi. Theo lệ thường, tôi ăn cơm bằng đũa nên họ nghĩ rôi hẳn là người Trung Quốc và tôi biết rằng đối với họ thế giới ngoài châu Á không còn gì khác. Sau bữa ăn, xem ra vẫn không ai muốn đi, nên tôi leo lên giường xếp, quay mặt vào vách, giả ngủ.
Vài phút sau, mở mắt ra, chỉ còn mình tôi.
Mặt trời chưa lặn, đi ngủ thì quá sớm, mà tôi lại không chút buồn ngủ. Vì thế, thật dễ chịu sau một ngày dài được nằm duỗi chân nghỉ ngơi. Tôi nằm yên và nhìn kỹ vách tường đối diện mới đắp, mà bề mặt chỗ cao chỗ thấp của nó lại cho tôi một ấn tượng sinh động đặc biệt.
Tôi nhận ra rằng căn phòng này tự nó có một cái gì dễ mến mặc dù tôi không coi rõ được là cái gì. Thật ra thì thời tiết ảm đạm trong những ngày sau này khó có thể làm tôi vui vẻ lên. Thế nhưng kể từ khi bước vào phòng này, tôi cảm nhận một sự an lạc và sáng sủa nội tâm.
Phải đây là không khí chung thoải mái của tu viện cổ kính này, được lớn lên từ hang động của một vị độc cư thánh thiện, đã chứng kiến nhiều đời tu sĩ chuyên phụng sự và quán tưởng? Hay đây chỉ là không khí đặc biệt của phòng này mà dưới ảnh hưởng của nó, nội tâm tôi đang thay đổi? Tôi không biết và không giải thích được.
Tôi chỉ cảm thấy rằng có cái gì trên vách tường thu hứt sự chủ ý của mình, lôi mình theo như bị một phong cảnh kỳ lạ cuốn hút. Điều lạ là nó lại không gợi gì đến cảnh vật. Những hình dạng như tình cờ được nối kết với nhau một cách bí ẩn và càng chú ý đến chúng, chúng càng rõ nét và càng liên hệ lẫn nhau. Chúng kết với nhau thành dạng hình rõ rệt và hiện rõ lên trên mặt vách. Nó giống như sự kết tinh hay sự lớn dậy của một thể sống; và biến hình của bức vách đối với tôi tự nhiên va có thật hầu như đang xem một nhà điêu khắc vô hình đang tạo tác một bức tranh nổi sống động. Điều khác biệt duy nhất là người nghệ sĩ không phải làm việc từ bên ngoài mà xuất phát từ bên trong bức họa và càng lúc trong mọi chỗ của nó.
Cảnh vật chìm đắm trong ánh sáng mờ nhạt cuối ngày. Trên thảm cỏ xanh dưới bình nguyên, vươn lên những đỉnh núi đá màu đỏ hay màu đồn thau sáng loáng, đằng sau lấp lánh màu tuyết trắng, sáng rực lên nền tím đen của những khối mây, thỉnh thoảng còn vài tia chớp. Có tiếng sấm động xa xa cho thấy bên kia của núi Vajrapani hẳn còn vung kim cương chử, chiến đấu chống lực lượng của sự đen tối.
Dưới xa thung lũng, tôi thấy ngựa của mình đang gặm cỏ, trông nhỏ như món đồ chơi, gần đó có khói xanh bốc lên, hẳn người quen của tôi đang nấu cơm chiều. Từ ngôi đền trên cao này cứ cách nhịp lại vang lên một thứ tiếng rung rất trầm của tiếng đập, nghe như tiếng của tự lòng đất, tiếng gọi của chiều sâu vươn đến ánh sáng – thứ ánh sáng đã xóa tan tất cả sợ hãi và đen tối của vực thẳm.
TỈNH GIẤC NHÌN TƯƠNG LAI
Sáng hôm sau tôi dậy trong ánh mặt trời rực rỡ. Tối hôm trước tôi đã thu xếp hành lý để có thể lên đường ngay. Trong ánh dương hôm nay hầu như mọi sự đã biến đổi. Tôi định gặp và cám ơn vị lạt ma già đã cho tôi lưu trú và xin chào ông, nhưng xung quanh không có một bóng người. Tôi định đợi một lúc và dùng thì giờ để vẽ một bức tranh của sân và các tòa nhà trong tu viện. Thế nhưng vẽ xong rồi vẫn chưa thấy ai. Hầu như tu viện nằm trong ảo thuật là không hề thay đổi gì qua ngàn năm, mọi cái sống đều ngưng bặt, còn thiên nhiên xung quanh lại theo con đường đi của mình, nó để cho đá mọc ra những hình thù kỳ dị, xuyên thủng qua những gì con người đã gầy dựng.
Phải chăng tôi đang ở một nơi kỳ bí, nơi mà quá khứ đã chìm sâu thỉnh thoảng lại vươn lên, nơi mà kẻ du hành cô đơn nghe thấy những điều, mà điều đó lại biến mất như một ảo giác? “Dù sao?, tôi nghĩ, “tu viện” vẫn còn đó và nếu nó đột nhiên biến mất, ta vẫn còn bản vẽ đây”.
Chầm chậm đi xuống theo lối hẹp giữa đá và vách, tôi ngẫm lại những gì mình đã nghe thấy nơi đây. Người nài ngựa đã tới để đỡ hành lý, nhìn khuôn mặt suy tư của tôi và nói: “Vị Kuscho Rimtposché không vui lòng với chỗ ngủ à?”
“Có chứ” tôi nói, “không có chỗ nào hơn chỗ này”.
“Đâu có gì lạ”, anh nói, “nếu được ở trong phòng đã được ban phép”.
“Anh nói gì thế?” tôi hỏi và nghĩ mình nghe sai”.
“Ông không nhớ sao, Kuschog, vị lạt ma dẫn ông vào phòng đã nói phòng nầy chưa có ai ở?”.
“Nhớ chứ, tất nhiên rồi”.
“Xin nói ông biết. Lúc ông ở trong đền thì các vị lạt ma bàn với nhau có nên để ông ở trong đó không, trong phòng đã được cúng hiến cho Tschamba, cho Phật Di Lặc”. Đột nhiên tôi có ý nghĩ kỳ lạ.
“Sao họ lại có ý nghĩ vị Phật Di Lặc mà phải xây cả một căn phòng riêng”, tôi hỏi.
“Ông không biết là cả Tây Tạng, nhiều bảo tháp được xây dựng để thờ vị Phật tương lai nhờ uy lực của một vị đại uy lực của một vị đại lạt ma miền nam sao?”
“Anh biết tên vị lạt ma đó không?” tôi hỏi, cố giấu sự hồi hộp.
“Tôi không biết tên Ngài nhưng mọi người gọi là Tomo Géché”.
“Đó là thầy tôi mà”, tôi kêu lên “Tôi chưa nói với anh về Ngài hay sao?” – Và tôi sực nhớ anh có lần đã hỏi ai là “Tsawai-Lama” của mình, tôi trả lời mà không coi trọng lắm câu hỏi quá thường này tại Tây Tạng, “thầy tôi sống cách đây ngàn dặm, chắc anh không biết tên Ngài đâu”.
Thế nhưng bây giờ thì cảnh tượng đêm hôm qua đã có một ý nghĩa mới – và đột nhiên vấn đề rõ ra với tôi: đó chính là lần quán đỉnh thứ hai của mình.
Liệu đó là ảnh hưởng trực tiếp của thầy tôi (như trường hợp tại Tschorten Nyima hay các lần tương tự mà về sau tôi mới biết) hay là kết quả của chủng tử được thầy gieo đã chín trong tôi, tôi không chắc nhưng điều chắc chắn là những gì tôi trông thấy không phải là sự ngẫu nhiên.
Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình gần đạo sư và tự thấy nội tâm mình được nâng lên, đến nỗi nhờ sự cố gắng leo lên đỉnh đèo nọ lần nỗi lo sợ ngày hôm qua mà bây giờ nó trở thành chuyện tầm thường. Tâm tư tôi trôi chảy triền miên và hầu như có một lời nội tâm ngỏ với tôi, dần dần hé cho thấy những giải pháp của nhiều vấn đề đã từng làm tôi phân vân.
Giờ tôi đã hiểu điều mà tôi chỉ thấy lờ mờ trong thời gian tại Yigah Tscholing là những hình tượng xung quanh tôi hồi đó không phải chỉ là những tác phẩm trang trí nghệ thuật. Đó là sự trình bày của một thực tại cao hơn, sinh ra từ sự quán sát nội tâm. Ngôn ngữ của những hình ảnh này chính xác như một tấm bản đồ hay một công thức khoa học, đồng thời tác động của nó lại tự nhiên và trực tiếp như vẻ đẹp của một cánh hoa hay cảnh mặt trời lặn.
Phải chăng ngôn ngữ của hình ảnh này, chính nó mở cánh cửa vào chốn ẩn mật của tâm thức và những năng lực tiềm ẩn của con người, là thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu được, cho tất cả những ai thành tâm gõ lên cánh cửa sâu kín nhất, miễn là họ được chút hướng dẫn?
Phải chăng vì vị chân sư đã mở mắt cho tôi thấy sự huyền bí này mà tôi không nên cho người khác hay biết những gì mình đã cảm nhận?
Thật thế, bây giờ tôi thấy rõ thông điệp mà qua những linh ảnh đạo sư nhắn nhủ mình. Và cũng từ mong ước được trao truyền những gì mình đã chứng nghiệm cho người khác, một ý niệm chín dần trong tôi, theo gương vị lạt ma nọ trong quá khứ, để lại cho đời một cách trung thực bằng màu sắc và khôn tượng, bằng chữ nghĩa và hình vẽ, như chúng đã được giữ lại trong tu viện và nguyện đường của Tây Tạng.
Cũng từ chuyến đi này mà tôi đem về được những nét vẽ đơn giả khắc họa trên đá của Tám mươi bốn vị Tất địa(15) của thời Trung cổ Phật giáo. Những bức tranh này về sau được giữ ở bảo tàng viện của Allahabad trong một gian phòng đặc biệt.
Và như được một bàn tay vô hình hướng dẫn để đạt thành tựu ước mong đó, trong chuyến du hành, tôi gặp được một ngôi đền do vị Rintschen-Sangpo ngày xưa gây dựng nên; trong đó lần đầu tiên, tôi được thấy những bức bích họa vô song của thế kỷ thứ mười một.
Tôi xúc động được một bàn tay vô hình hướng dẫn để đạt thành tựu ước mong đó, trong chuyến du hành, tôi được gặp được một ngôi đền do vị Rintschen-Sangpo là một trong những nhà tiên phong lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng: vừa là nhà học giả lớn, vừa là người sáng lập nhiều tu viện đền đài, vừa là ngệ nhân và thánh nhân. Một phần đáng kể của kinh sách Tây Tạng là do ông cùng với các học giả Ấn Độ dịch từ văn hệ Sanskrit ra, một công trình đã tôn ônglên hàng Lotsasa (nhà dịch thuật). Song song với việc truyền bá Pháp Phật bằng kinh sách, ông cho xây dựng đền đài, tu viện bảo tháp và trâng hoàng bằng những tác phẩm chọn lọc nhất về hình tượng và khắc họa mà về sau không có thòi kỳ nào vượt ngang được. Vùng hoạt động chủ yếu của ông là ở Tholing và Tsaparang. Thonling là tu viện quan trọng nhất và là trung tâm của đời sống tâm linh ở tây Tây Tạng. Ngược lại Tsaparang thì đã hoang tàn cả vìa trăm năm trước đây.
Những điều này kích thích sự quan tâm của tôi vì với một thời tiết như ở Tây Tạng, tôi nghĩ có thể tìm lại được một phần quan trọng của nghệ thuật cổ xưa bị chôn vùi, và chính sự hẻo lánh và cô độc của vùng này làm tôi tin có thể nghiên cứu và hơn thế nữa. Có khả năng giữ lại cho hậu thế vài nét hoằng kim của quá khứ. Thế nên trong tôi nảy sinh ý định đi Tsaparang, mặc dù phải nhiều năm sau tôi mới thực hiện được ước mơ này.
--------------------------------------------------
[1] Padmasambhava, đại sư Ấn Độ, sống khoảng thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên. Sư là người đưa Phật giáo vào Tây Tạng và sáng lập tông phái Nyigmapa. Sư thường sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái, được xem là vị Phật thứ hai sau Thích-Ca Mâu-Ni (ND).
[2] Suragama Sutra
[3] Bài thơ trích từ Madala, Meditations gedichte und Betrachtungen của Lama Anagarika Govinda. Những dòng thơ này sinh ra từ một buổi thiền định, được viết lúc tác giả chưa biết đoạn kinh Lăng Nghiêm ở trên (TG)
[4] Điều này làm ta nhớ đến phép lạ Madonna Fatima xảy ra gần đây, được một số lớn người ghi nhận, trong đó có sự xuất hiện của ánh sáng kỳ diệu tương tự. (TG)
[5] Đây là một đoạn hay được ghi lại trong kinh sách của văn hệ Pali, đặc trưng của tinh thần hỉ lạc trong Phật giáo, từ chối mọi dạng ép buộc. (TG)
[6] Mantra
[7] Đó là điều dễ xảy ra vì các tờ không đóng lại thành tập và vì những trang theo nhau của một tờ được in hay viết ngược lại, nên qua mỗi trang, người ta phải quay ngược tờ giấy (TG)
[8] Một hiện tượng không lý giải được cũng như bản chất của điện, hầu như không phải chỉ là một hiện tượng vật lý mà đường như một năng lực sống động, đóng một vai trò quan trọng trong các thể hữu cơ và vận hành của trí nào (TG)
[9] Tiếng Hindu có nghĩa là đáng kính. Từ đây Guru được dịch là đạo sư (ND)
[10] Archetypische Lautelemente
[11] Khi rời tu viện đi nơi khác thường ông chỉ mang theo một số thật ít đồ dùng. Đối với ông, hang động cũng tốt như lâu đài, lâu đài cũng như hang động. Giàu sang và tiện nghi vô nghĩa đối với ông, thế nhưng nếu cần ông cũng không ngại sử dụng. Ông không bám giữ vào tiện nghi lẫn đời sống khổ hạnh vì biết rõ, danh hiệu của khổ hạnh cũng chướng ngại như danh hiệu của của cải. Khi nhận được tặng phẩm của nhiều người, thường ông tặng lại kẻ cần thiết hay dùng để sửa đền thờ, tu viện, thư viện… (TG)
[12] Bohicaryavatara, tác phẩm của Tịch Thiên (Santideva), người sống khoảng thế kỷ thứ 7, 8 sau Công nguyên. Tác phẩm này rất phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng (ND)
[13] Satipatthana-Sutra
[14] Govida, Grundlagen tibetischer Mystik (Cơ sở đạo học Tây Tạng), Rascher Zurich 1966.