Thượng Tứ về ghé nhà thầy Ban biện Chí mà thuật việc nhà lại cho thầy nghe. Thầy Ban biện nói rằng: “Vợ chồng Thôn Châu ham ăn quá rồi nói bậy. Bác Hội đồng chết không có làm chúc ngôn tương phân, thì gia tài bác gái làm chủ, hưởng huê lợi mãn đời, con rể thưa kiện gì được. Nó có quyền gì mà đuổi mẹ con con Tư”.
Thượng Tứ đáp rằng: “Ối, hơi nào mà cãi cọ với kẻ tham lam. Tôi nghĩ bắt tức cười, ông gia tôi thương vợ tôi mà tôi phải phân cách vợ con; bây giờ chị vợ tôi ghét vợ tôi, mà tôi lại được hòa hiệp với vợ con. Việc đời kỳ quá !”.
Nội bữa chiều ấy, tá điền tá thổ đều hay tin bữa 21 Thượng Tứ sẽ rước vợ con về Mỹ Hội.
Sáng bữa 21, Thượng Tứ dặn thằng Ngộ mở cửa quét nhà, dặn con Mang đi chợ nấu ăn, rồi cậu đem xe ra mà rước vợ con.
Cô Ba Mạnh đã thâu xếp quần áo sẵn rồi, nên Thượng Tứ qua chơi một chút rồi thưa với bà Hội đồng mà xin rước vợ con. Bà Hội đồng đưa con rể ra xe, bà nói rằng: “Hai con về bển, bữa nào rảnh thì chạy qua thăm má, chớ vợ chồng con Khỏe má hết kể rồi”. Bà và nói và ôm thằng Thọ mà hun. Cô Ba Mạnh bước lên xe mà chảy nước mắt. Thượng Tứ thấy vậy cậu rất động lòng; bây giờ mới hiểu mẹ vợ với vợ của cậu không phải là không có tình với cậu.
Xe chạy vù vù, thằng Thọ nói chuyện lăn líu, khi kêu cha mà hỏi, khi ngó mẹ mà cười. Chừng xe quanh vô sân mà ngừng, Thượng Tứ dòm vô nhà, thấy người ta đông dầy dầy, cậu không hiểu ở nhà có việc gì, nên lật đật bước xuống mà hỏi. Hương hộ Huy chạy ra chào mợ Tư rồi nói với cậu rằng: “Tá điền tá thổ với bà con trong làng trong xóm nghe nói bữa nay cậu rước mợ Tư và em nhỏ về, nên họ tựu lại mà chào mừng mợ Tư, chớ không có việc chi hết”.
Thượng Tứ ngó vợ mà cười, rồi nắm tay con mà dắt vô nhà, cô Ba Mạnh cũng đi theo một bên đó. Khi bước vô cửa cậu thấy đủ mặt, đàn ông có, đàn bà có, người già có, người trẻ có, thì lấy làm cảm động nên đứng lại mà nói với vợ rằng: “Đây là bà con lối xóm. Tôi rước mình, tôi không có nói trước cho ai hay hết, mà bà con họ tựu lại mừng mình đông như vậy đó. Mình coi đó thì đủ biết mình không về bên nây người ta buồn, còn mình về bên nây người ta vui là dường nào”.
Cô Ba Mạnh cảm xúc quá, cô không biết lời chi mà tạ ơn, chỉ ú ớ nói rằng: “Tôi cám ơn bà con … Không phải tại tôi không muốn về bên nây”. Cô nói có mấy lời rồi cô lấy khăn lau nước mắt.
Có mấy cặp vợ chồng nhờ Thượng Tứ mà được thành gia thất, bước ra đứng trước nói rằng: “Chúng tôi nhờ cậu Tư giúp đỡ nên mới có đôi bạn mà làm ăn. Mấy năm nay chúng tôi tức quá, chẳng hiểu vì cớ nào cậu Tư người nhơn đức, giúp cho trong làng trong xóm trai có vợ, gái có chồng, còn phận cậu Tư vợ chồng phân rẽ. Chúng tôi vái van hoài, vái cho cậu Tư mợ Tư được sum hiệp. Nay trời Phật nhậm lời vái của chúng tôi, thiệt chúng tôi mừng không biết chừng nào mà nói cho được”.
Mấy người khác lại tiếp theo mà nói nhờ cậu Tư nên có nhà cửa ở kín đáo, nhờ cậu Tư nên có cơm nuôi vợ con, nhờ cậu Tư nên có thuốc uống khỏi chết, nhờ cậu Tư nên thuế khóa được thảnh thơi, lời nói nghe thiệt thà, mà bộ tướng coi kính trọng lắm.
Cô Ba Mạnh động lòng ngơ ngẩn, không biết nói sao được. Thượng Tứ không dè làm nghĩa mà được người ta cám nghĩa đến chừng ấy, bởi vậy cậu đắc ý, đứng chúm chím cười hoài.
Hương hộ Huy bước lại thưa rằng: “Xin lỗi cậu Tư, bà con lối xóm nghe nói mợ Tư về bên nây ai cũng mừng, nên có hùn tiền với nhau mua một con heo làm thịt ăn mừng. Họ đương làm thịt heo ở đàng sau. Xin cậu Tư mợ Tư lát nữa ăn uống chung vui với bà con chúng tôi một bữa”.
Thượng Tứ gật đầu rồi day qua nói với vợ rằng: “Thuở nay tôi mang tiếng xài phá. Tôi xài phá như vầy đó. Người ta nói tôi phải mạt. Đã năm sáu năm rồi, ruộng đất tôi vẫn còn đủ, nhà cửa tôi vẫn còn nguyên, tôi chưa mạt. Mà dầu tôi xài phá như vậy tôi phải mạt đi nữa, tôi cũng vui, bởi vì một mình tôi mạt mà cả trăm nhà được ấm no thì có hại gì. Song tôi không mạt đâu, mình đừng lo”.
Cô Ba Mạnh ngó chồng mà cười, rồi vợ chồng dắt con đi vô.
Tá điền tá thổ tan ra, đàn bà thì xuống nhà sau lo nấu nướng, đàn ông thì chia nhau người ra xe xách đồ đem vô buồng, người coi dọn bàn sắp ghế sửa soạn dọn tiệc.
Vợ chồng sum hiệp, cả xóm mừng vui, người trên cảm vì tình, kẻ dưới yêu vì nghĩa. Con nhà giàu có ai biết cái hạnh phước nầy hay không ?
An Trường, Avril-Juillet 1931
Hết