I
Trời ngả chiều.
Bé Loan một mình thong thả đi ra cửa rừng. Vẫn như mọi khi, một tay em xách giỏ nấm đầy, một tay đưa lên môi thổi nhạc lá, chân bước nhịp nhàng với tiếng nhạc. Hẳn là trong lòng bé Loan đang vui lắm, vì tiếng nhạc nghe rất vui. Tuần vừa qua cô giáo công bố kết quả thi học kỳ I, Loan vẫn đứng đầu lớp như các năm từ lớp một đến nay. Hôm nay không phải chủ nhật nhưng Loan vẫn vào rừng hái nấm vì đã bắt đầu được nghỉ học kỳ. ở rừng cả ngày, tuy không được gặp bác họa sĩ Phan Thạch, Loan cũng không đến nỗi quá nhớ bác. Lúc nghỉ trưa, hai bác cháu đã chuyện trò với nhau bằng nhạc lá. Bác Phan Thạch đang bận đi vẽ rất xa.
- ê, bé? Đứng lại tao bảo!
Loan giật mình. Tiếng nhạc vụt tắt. Trước mặt em, một người đứng chặn giữa lối mòn. Hóa ra lại là cái thằng nước da ngăm đen diện bảnh đã chà nát cây nấm và giật lá của Loan để thổi ra thứ nhạc "phít phít".
Trống ngực Loan đập mạnh. NÓ định giở trò gì? Chỗ này chưa ra hết rừng, hai bên lối mòn đầy bụi rậm, bí hết sức. Nhưng Loan vẫn cứng cỏi hỏi lại:
- Anh bảo cái gì?
Thằng kia làm giọng thân thiện chứ không có vẻ gì đe dọa:
- Tao... tao nói thật là tao rất khoái cái món nhạc lá của mày, tao rất muốn biết cách thổi. tao chẳng giấu là tao chờ mày ở dây đã lâu rồi. Mày bày cho tao đi, tao trả công đàng hoàng.
NÓ rút túi xòe ra mấy tờ bạc. Loan chưa kịp đáp, nó đã tiếp :
- Chê ít hả? Thì thêm đây Và xòe thêm mấy tờ bạc nữa. Loan đã hết sợ, em nhỏ nhẹ đáp:
Chẳng phải tiền nong gì dâu, chỉ cần từ nay anh đừng có cậy lớn bắt nạt em, em bày liền.
- Ừ anh thề là từ nay nếu anh còn bắt nạt em, thì sét đánh anh chết tươi Loan bứt một chiếc lá, hướng dẫn cho thằng kia cách thổi. Nhưng mỗi khi Loan thổi làm mẫu xong, đến lượt thằng kia thổi thì môi nó chỉ phát ra những tiếng phít phít. Làm đi làm lại hàng chục lần, kết quả vẫn thảm hại như vậy, dù Loan chỉ dẫn kỹ càng đến mấy, dù đã thay đổi vô số chiếc lá. Thằng kia coi bộ muốn nổi khùng:
- Này, hay là mày xỏ lá, mày bày không thật, mày giấu nghề hả?
- Thật mà, em thề là em không giấu anh một tẹo nào đâu, đây anh hãy xem, em bầy cho anh thế nào thì em cũng thổi y hệt như thế thôi.
Và Loan thổi mẫu, thổi thật từ từ cho thằng kia theo dõi để nó thấy Loan đã thổi đúng chóc với lời chỉ dẫn.
Thằng kia cầm lấy cái lá Loan vừa thổi đưa lên môi, vẻ đầy hy vọng.
Nhưng vẫn phít, phít.
Thằng kia đỏ mặt tía tai, bộ dạng muốn túm lấy ngực áo Loan. Chợt Loan nhìn thấy một cây có loại lá dài, mỏng và cứng hơn các loại lá đã dùng, liền nảy ra một ý mới, bèn nói:
- A, để em thử bứt cái lá này, may ra anh thổi được.
Em xăm xăm băng qua mấy bụi rậm mọc lúp xúp ven lối mòn, tới chỗ cái cây có loại lá nọ. Nhưng em vừa đưa tay hái lá thì thốt nhiên hét lên một tiếng thất thanh:
Trời ơi ...
Loan ngã vật ra, em kêu tiếp Rắn lục!Rắn lục! Cứu em? Cứu... em...
Thằng kia vừa bước theo em nửa bước, nghe nói rắn lục vội co cẳng chạy biến, bỏ Loan trơ trọi một mình giữa rừng với tai họa chết người. Loan thấy trời đất cây cối quay đảo, nhưng em vẫn còn nhớ cái điều đã từng nghe người lớn nói về việc cần làm ngay khi bị rắn độc cắn. Em dùng bàn tay trái nắm chặt cổ tay bên trên vết rắn cắn để chặn nọc độc theo máu lặn sâu vào người, đồng thời quờ quanh quanh mình mong bứt được một sợi dây để buộc. Em cũng còn nhớ rằng cha mẹ giờ này đang ở cơ quan, quanh đây không có ai có thể tới cứu em. Em quờ quạng cuống cuồng mà không gặp được sợi dây mong muốn. Trời đất cây cối càng quay đảo dữ dội hơn. Tuy nhiên, vào cái giây phút cực kỳ nguy kịch ấy, trước khi ngất đi, em cũng còn kịp nhớ tới bác họa sĩ.
Em bứt vội một chiếc lá. Bàn tay run lẩy bẩy, em đưa lên môi thổi gấp điệu nhạc báo nguy mà bác họa sĩ đã dặn.
Khi họa sĩ Phan Thạch tới chỗ Loan thì thấy em nằm ngửa trên đám cỏ, mặt mũi chân tay tái ngắt, mắt nhắm nghiền. ông quỳ xuống cẩm lấy bàn tay em. Bàn tay lạnh giá. ông cúi xuống áp tai vào ngực em. Tim không đập. Em đã chết. ông cau mày lẩm bẩm: "Chả lẽ Thần Chết lại nhanh chân hơn ta ư?". Song ông vẫn bình tĩnh dùng bàn tay xoa bóp ngực, làm hô hấp nhân tạo cho em.
Mấy phút sau, ông cảm thấy dưới bàn tay mình xuất hiện những nhịp tim mong manh. Cặp môi bé Loan hé mở, hớp hớp không khí. Sự sống vừa thoát khỏi em giờ đã trở lại. Họa sĩ móc trong túi một lọ thuốc nhỏ, bôi lên vết rắn cắn ở cạnh bàn tay phải em. ông lại lấy mấy thứ lá gì đó mà chắc ông hái dọc đường tới đây, bỏ vào miệng nhai. ông cạy miệng Loan và kề miệng mình truyền cho em thứ nước lá ấy. Đoạn ông lấy một mớ lá khác nhai kỹ nhá ra rịt lên vết thương rồi lấy khăn tay buộc lại. Sau đó ông bồng Loan lên, theo lối mòn bước đi như chạy ra khỏi rừng.
ánh ngày tắt dần. Nhà bé Loan cửa vẫn khóa im ỉm.
Cha mẹ em đi làm chưa về. Họa sĩ Phan Thạch lấy chân đá nhẹ cánh cổng gỗ khép hờ, bồng bé Loan vào đặt trên bậc thềm. ông vòng ngay ra gian bếp sau nhà.
Rất may là bếp không khóa. ông bỏ nắm lá vào chiếc xoong đặt lên bếp dầu đun. Nước sôi được một lát, ông nhắc xuống pha thêm nước lạnh cho vừa ấm, bưng ra thềm trước, đặt bàn tay bé Loan bị rắn cắn ngâm trong nước thuốc. ông ngồi bên em, vừa giữ bàn tay em ngâm nước, vừa chăm chú theo dõi. Chân tay em đã bớt lạnh.
Da mặt em đã bớt tái. Nhịp tim em đã bớt yếu. ông kê chiếc xoong và chèn cho bàn tay em ngâm thuốc được ổn định, rồi trở lại bếp nấu một xoong thuốc khác. ông cứ chạy lên chạy xuống giữa bếp và thềm trước để vừa trông thuốc vừa trông Loan. Nấu xong xoong thuốc mới, ông chắt ra chiếc bát nhỏ, thổi nguội. ông đỡ Loan dậy, và tuy em chưa tỉnh ông vẫn có cánh cho em nuốt chậm chạp từng ngụm thuốc.
Cái chất thuốc từ những thứ lá gì đó mà ông hái trong rừng quả là công hiệu mau chóng. Uống hết bát thuốc, Loan từ từ mở mắt. Họa sĩ bồng em lên lòng mình, cầm tay em bắt mạch. Mạch đã khá hơn. Mắt Loan chớp chớp, nhìn ông. ông nhìn em, khẽ hỏi:
- Cháu tên là gì?
- Cháu... Loan.
- Hoan hô!Cháu giỏi lắm! Thế bác là bác gì nào?
- Bác Phan... Thạch.
- Hoan hô, bé Loan của bác tỉnh rồi? Thế là qua cơn nguy hiểm rồi?
Những gì vừa xảy ra dần dần hiện lại trong tâm trí Loan. Em hiểu rằng em vừa suýt chết. Bác họa sĩ đã tới kịp để cứu em.
- Bác ơi, đây là đâu?
- Đây là nhà cháu. Hai bác cháu mình đang ngồi trên thềm nhà cháu đây mà.
- Sao mình không vào nhà?
- à, ba mẹ cháu đi làm chưa về, cửa khóa, nên bác cháu mình cứ ngồi tạm đây chờ.
Trời đã chạng vạng tối. Mãi tới khi trời tối hẳn mới nghe tiếng dắt xe đạp lạch xạch vào sân rồi tiếng bà Phượng mẹ Loan:
- Loan ơi, ba về chưa?
Không thấy con trả lời, cùng lúc bà nhận ra bé Loan đang nằm trong lòng một người lạ ngồi trước thềm. Bà hốt hoảng:
- Trời ơi, Loan, con tôi làm sao thế này?
Bé Loan vươn người dậy đưa hai tay ra với mẹ:
- Mẹ ơi, con đỡ rồi. Bác Phan Thạch cho con uống thuốc rồi.
Bà Phượng đón bé Loan ôm chặt vào lòng ngồi xuống thềm. Họa sĩ Phan Thạch chậm rãi thuật lại cho bà rõ về cái tai nạn vừa xảy đến với bé Loan, nhưng ông đã bớt đi phần nào mức độ nguy hiểm để bà khỏi quá lo lắng. Bà Phượng nhìn con, rồi quay sang ông, lắc đầu than thở:
- Không hiểu sao con bé nhà tôi nó mê rừng đến thế không biết, y hệt như ba nó. Chủ nhật nào cũng thích vào rừng chơi. Thôi, từ rày dừng vào rừng nữa con nhé.
Hôm nay nếu không có bác thì chết. Rắn lục là độc lắm.
- Mọi khi con vào rừng có sao đâu. Tại hôm nay cái thằng gì ấy nó chặn đường con, bắt con phải dạy nó thổi nhạc lá. NÓ thổi chẳng được nó nổi khùng. Sợ nó bắt nạt, con phải xông vào bụi rậm tìm thứ lá khác cho nó nên mới bị rắn cắn.
- Cái thằng ấy là thằng nào thế - Con chả biết. NÓ lớn hơn con, cỡ như anh Quang nhà bác Cường ấy. NÓ có vẻ con nhà giàu, vào rừng mà lúc nào cũng diện ơi là diện. NÓ hay bắt nạt con lắm.
- CÓ phải nước da nó ngăm ngăm đen không?
Dạ nó đen đen là.
- Thôi đúng rồi, nó là thằng Đắc con lão Được tổng giám đốc cơ quan mẹ. Cái thằng ấy chúa là phách lối, mới nứt mắt mà đã ra cái vẻ cậy của cậy quyền, cơ quan mẹ nhiều người ghét nó lắm.
- CÓ lần con thấy nó khoe với bạn nó là tất cả rừng trong tỉnh này đều là của ba nó.
- Gớm nhỉ, thế thì đúng là thằng Đắc con nhà lão Được rồi. Thật là cha nào con nấy.
Bà Phượng chợt thấy mình đã quên cả khách, vội quay sang họa sĩ Phan Thạch:
- ấy chết, để mời anh vào nhà. Trời, tối quá rồi mà sao anh nhà tôi vẫn chưa về, không chừng lại đi công tác đột xuất Họa sĩ Phan Thạch rút trong túi ra một mớ lá thuốc, lại rút ở túi ngực ra một lọ thuốc nhỏ với ít lá thuốc khác đưa cho bà Phượng và nói:
- Chị cho tôi xin phép, tôi cũng phải về. Tình hình của cháu Loan không có gì đáng lo ngại nữa, chị cứ yên tâm. Chị sắc thuốc này cho cháu uống tiếp đêm nay, còn thuốc trong lọ thì bôi và lá thuốc này thì lát nữa giã nhỏ đắp lên vết rắn cắn. Mai tôi sẽ lại thăm cháu.
Họa sĩ Phan Thạch nắm tay bé Loan, thơm lên má em để tạm biệt. Bé Loan ôm lấy cổ ông không muốn rời:
- Mai bác đến nhé?
- ừ, bé Loan chịu khó uống thuốc cho mau khỏi nhé.
Mai bác đến.
Họa sĩ Phan Thạch ra về rồi, bà Phượng mở cửa bồng con đưa vào giường và xuống ngay bếp sắc thuốc.
Bà bồn chồn trong lòng, cứ đi lên đi xuống, trên nhà dưới bếp, ra thềm. Lợn đói kêu inh ỏi trong chuồng bà cũng không để ý. Phần lo cho con, phần vẫn thấp thỏm lo sao chồng chưa về. Tuy đã tự an ủi rằng chắc chồng đi công tác đột xuất, bà vẫn băn khoăn. Mọi lần, nếu đi công tác đột xuất, ông đều gọi điện về cơ quan báo cho bà biết. Chiều nay thủ trưởng cơ quan yêu cầu bà ở lại làm thêm một số việc, quá giờ hành chính đã lâu mới về mà có thấy điện đóm gì của ông đâu?
Đắp thuốc và cho bé Loan ăn cháo, uống thuốc xong, bà dặn con nằm nghỉ rồi chạy ù ra khỏi nhà. Băng qua mấy ngọn đồi, mấy lần vấp ngã lụi hụi, bà lại phủi quần áo lật đật chạy tiếp vào phố, tới nhà một cán bộ quen có điện thoại để gọi nhờ. Nhưng người thường trực của lâm trường ông Huấn đi vắng đâu đó, chỉ còn thằng con ông ta trả lời điện thoại. NÓ chẳng biết cha nó đi đâu còn việc ông Huấn có đi công tác đột xuất hay không, nó hoàn toàn không biết. Bà quay về nhà rã rời cả người. Bao nhiêu câu hỏi ngổn ngang trong đầu.
Chồng bà đi đâu? Chả lẽ lại sinh chừng đàn đúm nhậu nhẹt ở đâu đó? Không, xưa nay ông Huấn của bà không hề có cái tật đó. Cũng chẳng có chuyện gì khiến ông buồn chán đến nỗi mắc phải cái tật đó, dù rằng đối với dân lâm nghiệp thì đàn đúm nhậu nhẹt là chuyện thường. Trong nhà, vợ chồng luôn hòa thuận, con Loan vừa giỏi vừa ngoan. Mọi người vẫn nức nở khen gia đình bà là một gia đình hạnh phúc vào loại hiếm. Còn ở cơ quan, lâm trường do ông Huấn làm giám đốc năm nào cũng được bằng khen, ông được cán bộ nhân viên rất mến phục, mấy lần bầu lại giám đốc ông đều giành phiếu cao nhất. Chỉ có mỗi chuyện luôn gây căng thẳng là sự va chạm liên tục giữa ông với tổng giám đốc Nguyễn Được quanh vấn đề khai thác rừng Ồ ạt và những khuất tất tài chính. Về việc này, ông Huấn tuy buồn nhưng là nỗi buồn xót việc chung, chứ chăng phải nỗi buồn chán tầm thường. Vậy thì đêm nay ông đi đâu?
Chỉ còn hy vọng lúc chiều trên đường đi làm về, ông Huấn tạt vào chỗ ông Cường, gặp mẻ cá ngon, hai ông uống rượu với nhau. Sau khi cho lợn ăn, bà Phượng đặt lưng xuống giường với niềm hy vọng ấy.
Nhưng bà không tài nào ngủ được. Bà vẫn để đèn đợi chồng. Thỉnh thoảng bà lại trở dậy sờ trán, nắn chân nắn tay con xem có gì bất thường không. Bé Loan vẫn ngủ ngon, nhịp thở đều đặn, hiền hòa. Trong giấc ngủ, em mơ thấy nhạc lá từ rất xa vẳng tới, một điệu ru vô cùng êm ái.
Điệu ru ấy em nghe trong mơ, nhưng lại có thực. ở cánh rừng bên kia thành phố, họa sĩ Phan Thạch vẫn thức, vừa vẽ vừa thổi nhạc lá ru em.
II
Bà Phượng chợp mắt được một lát trước khi trời sáng. Choàng tỉnh sau những mộng mị hãi hùng, cử chỉ đầu tiên của bà là quờ tay sang con. Bé Loan của bà vẫn ngủ yên. Bà thơm vào má con, hít hít hơi thở của con rồi chui ra khỏi màn, tém lại màn cẩn thận và xuống bếp nhóm lửa nấu nồi cám lợn. Lần mò giữa cảnh tranh tối tranh sáng, bà chẻ nhỏ mấy thanh củi thông ứa nhựa mà người ta thường gọi là củi ngo, chụm lại trước cửa cái bếp lò mùn cưa. Củi ngo bắt lửa bay mùi thơm phức tỏa đầy gian bếp. Đặt xong nồi cám lợn, bà thắp bếp dầu hâm lại nồi cháo gà cho bé Loan.
Bên ngoài, trời hưng hửng sáng nhưng sương mù dày đặc. Đêm qua cửa chuồng không đóng nên lũ gà tuôn ra châu lại trước cửa bếp rối rít đòi ăn. Bà Phượng rải tấm ngô, chúng chen nhau chạy túa theo mổ ăn khắp sân.
- Mẹ ơi, ba đâu?
Bà Phượng quay lại. Bé Loan từ nhà trên lon ton chạy xuống nũng nịu rúc đầu vào nách mẹ. Bà Phượng áp má lên trán con:
- úi giời ơi, cứ như con gà con ấy thôi. Con đỡ hẳn chưa?
- Con đỡ nhiều rồi. Mẹ ơi, ba đâu?
- à, ba đi công tác đột xuất.
Bà Phượng trả lời con cho qua chuyện. Thực lòng bà đang rối bời. Nếu đêm qua ông Huấn uống rượu và ngủ bên ông Cường thì giờ này thế nào cũng phải về nhà rồi mới đi làm. ông Huấn có thói quen dậy rất sớm. Vậy đêm qua ông đi đâu? ông đi đâu?
Bé Loan rời khỏi vòng tay mẹ, nhảy lò cò quanh sân, vừa nhảy vừa thổi nhạc lá. Lát sau, em ngừng thổi, hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ nghe thấy gì không?
Mẹ nghe thấy tiếng nhạc lá của con.
Không, con ngừng thổi rồi cơ mà. Ngay lúc này, mẹ nghe thấy gì không?
Ngay lúc này mẹ chả nghe thấy gì cả.
- Thế mà con nghe thấy đấy.
Con nghe thấy gì?
- Con nghe thấy tiếng nhạc lá.
- Tiếng nhạc lá nào? Mẹ có nghe thấy gì đâu?
- Tiếng nhạc lá của bác Phan Thạch, đấy, bác đang thổi đấy, (em nghiêng đầu lắng tai đón lấy tiếng nhạc lá từ xa vẳng lại), hay quá, bác thổi hay quá.
- Nào mẹ có nghe thấy gì đâu.
- chỉ mình con nghe thấy được thôi. Bác Phan Thạch đang trên đường đi tới đây đấy.
- Nếu bác đến, con ở nhà với bác được không? Mẹ đến cơ quan xin nghỉ phép rồi mẹ về với con. Bây giờ con đi ăn sáng đi.
Bấy giờ, nhạc lá lại nổi lên, đâu như ở dưới chân dốc, trước còn chập chờn tiếng được tiếng mất, sau rõ dần. Lần này thì chính bà Phượng cũng nghe được. Bà biết họa sĩ Phan Thạch đã tới. Tuy mới gặp họa sĩ lẩn đầu vào chập tối hôm qua, nhưng qua nhiều lần nghe bé Loan kể về ông, hai vợ chồng bà cũng đã đem lòng cảm mến và tin cậy đối với con người hơi có vẻ kỳ quặc này. Sự tin cậy cảm mến càng tăng lên gấp bội khi bà thấy nếu không có ông cứu chữa kịp thời thì chưa biết tính mệnh bé Loan sẽ ra sao. Họa sĩ đã là ân nhân của gia đình bà.
Bà Phượng trở ra sân trước để đón họa sĩ. Bé Loan nhảy chân sáo bên mẹ vừa nhảy vừa thổi nhạc lá đáp lại tiếng nhạc lá của ông. Tiếng nhạc lá của hai bác cháu hòa nhau cùng lúc chiếc mũ rộng vành của họa sĩ Phan Thạch xuất hiện nhấp nhô sau đỉnh dốc bên ngoài cánh cổng gỗ. Như một con chim nhỏ, bé Loan bay vù ra cổng nhảy lên đu lấy cổ ông. Họa sĩ nhấc bổng em, reo oang oang đầy sung sướng:
- Hoan hô, cháu tôi khỏe rồi? Quay sang bà Phượng, ông nói:
- Tôi đem thêm thuốc cho cháu đây. CÓ cả các loại thuốc bổ nữa, cũng toàn là sản vật của rừng thôi, cho cháu mau khỏe. Hôm nay tôi ở đây vừa trông nom cháu vừa vẽ, chị cứ yên tâm đi làm.
- Vâng, được anh có lòng giúp cho thật quý hóa quá, tôi cũng yên tâm. ở nhà, anh cứ tự nhiên nhé, nhà tôi cũng như nhà anh...
Tạm yên tâm về con, nhưng bà Phượng hoàn toàn không yên tâm về chồng. Mỗi phút trôi qua lòng bà càng thêm như lửa đốt. Tới cơ quan, bà xin nghỉ phép mấy ngày rồi đạp xe quay sang ngay Ty Xây dựng, nơi ông Cường làm việc. Bà vẫy ông Cường ra một góc vắng. Tuy biết chắc đêm qua ông Huấn không ở bên ông Cường, bà vẫn cứ hỏi lại:
- Đêm qua anh Huấn có ở bên anh không?
ông Cường chau mày, ngạc nhiên:
- Không. CÓ chuyện gì thế?
- Đêm qua anh Huấn không về nhà.
- Chắc là đi công tác đột xuất chứ gì?
Lúc đầu em cũng tưởng thế, nhưng hồi nãy em mới gọi điện xuống lâm trường gặp cậu Tuất phó giám đốc, cậu ta bảo không thấy anh Huấn dặn lại anh ấy đi công tác ở đâu cả.
Thế Tuất nó có nói lúc cuối giờ làm việc chiều hôm qua có gặp anh Huấn không?
Em có hỏi, cậu ta bảo lúc đầu giờ buổi chiều có làm việc với anh Huấn độ mười lăm phút, sau đó cậu ta đi xuống đội khai thác số 2 rồi về thẳng nhà.
Hay ông Huấn cũng xuống đội, rồi anh em dưới ấy giữ lại nhậu. ở dưới các đội khai thác không có điện thoại. Phượng cứ yên tâm về đi, để tôi thu xếp công việc rồi tôi xuống các đội xem sao.
Bà Phượng nói, như để tự trấn an:
- Phải, cũng có thể là anh ấy xuống các đội rồi anh em họ giữ lại nhậu dưới đó, rồi có thể chẳng may bị cảm...
Mấy đứa dưới đội khai thác có chiều nào là chúng nó không nhậu, gặp giám đốc xuống sức mấy mà chúng nó cho về.
Thực ra, ông Cường chỉ nói vậy để bà Phượng đỡ lo.
Trong thâm tâm, ông đang suy đoán tới một tình huống rất dáng sợ, nhưng tạm thời ông chưa dám bộc lộ ý nghĩ của mình.
Bà Phượng ra về rồi, ông Cường quay vào phòng gọi điện cho một người bạn bên công an giao thông hỏi về tình hình tai nạn trong thành phố ngày và đêm qua.
ông được cho biết chỉ có một tai nạn ở ngoài đèo cửa ngõ thành phố, bị thương nhẹ, nạn nhân là một người đàn bà. Nhân tiện, làm như tình cờ, ông cũng hỏi qua xem có xảy ra vụ hành hung nào không, thì được cho biết là không. Tiếp đó, ông gọi điện cho một số người là em kết nghĩa của ông và ông Huấn, họ vốn là lính của hai ông hồi kháng chiến nay đang làm việc ở các ngành trong thành phố. ông nhờ họ thu xếp công việc cơ quan rồi xuống gấp các đội khai thác thuộc lâm trường số 3 của ông Huấn để tìm ông. Xong mấy việc ấy, ông Cường cũng xách xe đạp xuống các đội khai thác. Cuối ngày, như đã hẹn, họ gặp nhau tại quán bà Năm Bền, một cái quán nhỏ gần lâm trường số 3 mà ông Cường, ông Huấn thường thích ngồi. Tin tức rất đáng buồn: họ đã đảo đi đảo lại khắp các đội khai thác mà chẳng thấy ông Huấn đâu.
Rời khỏi quán bà Năm Bền, ông Cường chưa vội về nhà. ông lững thững dắt xe đạp loanh quanh các con đường ngoại Ô rải đá đầy Ổ gà, lòng nặng trĩu lo âu, vừa đi vừa nghĩ ngợi. ông đặt ra đủ mọi tình huống giả định có thể xảy ra cho ông Huấn, tình huống nào cũng đầy vẻ phi lý. ấy thế, nhưng ông biết, sự đời đôi khi lại hay xảy ra một cách rất ư phi lý. Cho nên mới có câu "chẳng ai học được chữ ngờ". Trước khi về nhà, ông vào phố ghé thăm mấy người bạn chiến đấu cũ nay đang công tác bên ngành công an. ông báo cho họ biết tình trạng khó hiểu hiện thời của ông Huấn, nhờ họ bí mật dò tìm xem thực hư thế nào. ông không quên dặn kỹ: vì những lý do tế nhị, chưa rõ đầu đuôi ra sao, có khi cũng chẳng có chuyện gì ghê gớm, nên tạm thời hãy lẳng lặng mà tìm.
Điều khó khăn nhất đối với ông Cường bây giờ là phải gặp bà Phượng. Cứ tưởng tượng đến gương mặt hốt hoảng của bà Phượng khi lát nữa nghe ông báo rằng chẳng thấy ông Huấn đâu, là ông đã thấy bước chân như đeo đá, không sao đủ sức leo cái dốc dẫn lên ngôi nhà quen thuộc của bạn.
ông quành về nhà. ông gọi vợ ra một góc:
- Em này, đi với anh sang nhà Phượng.
- CÓ việc gì thế anh?
ông kể lại vắn tắt sự việc. Rồi thêm:
- Cũng chưa biết thế nào, nhưng phòng xa những chuyện chẳng lành, cả anh với em cùng sang nói chuyện cho Phượng đỡ lo.
Ừ thế thì em cùng đi. Để bảo thằng Quang vớt mấy con cá tươi cho Phượng.
Nói rồi, bà Tâm vợ ông ngoái xuống nhà dưới gọi Quang, đứa con lớn: "Quang ơi, lấy vợt ra ao vớt cho mẹ mươi con cá, nhanh lên?" Dặn các con ở nhà cứ ăn cơm trước, bà mặc thêm áo ấm, đón lấy giỏ cá từ tay thằng con lớn vừa xách lên, bà tất tưởi cùng chồng ra đi.
Đêm mùa đông mù mịt lặng im. Vùng ngoại Ô hoàn toàn không có đèn đường. Ngay cả nội ô, nhiều đường phố cũng chẳng có đèn, nếu có thì bóng đèn cũng bị lấy cắp hầu hết, huống gì ngoại ô. Hai vợ chồng bấm đèn pin mò mẫm trên con đường đá ngoằn ngoèo, lúc lên dốc, lúc xuống dốc trong làn gió lạnh buốt vù vù thổi.
Trong nhà bà Phượng vẳng ra tiếng nhạc lá buồn buồn. Chiếc bóng đèn duy nhất hắt qua cửa gổ một làn ánh sáng mờ yếu, hiu hắt. Bà Tâm cất tiếng gọi từ ngoài sân:
- Phượng ơi!Loan ơi Tiếng nhạc lá tắt. Bé Loan chạy ra:
A, bác Tâm, bác Cường?
- Mẹ cháu đâu - Mẹ cháu sang bên bác mà. Thế dọc dường hai bác không gặp mẹ cháu ?
- Không. Hay mẹ cháu còn đi đâu nữa?
- A có lẽ mẹ cháu vào phố rồi mới sang hai bác. Mẹ cháu bảo vào đấy gọi điện nhờ.
- Mẹ cháu ăn uống gì chưa?
- Trưa nay mẹ cháu ăn có tí cơm. Tối nay thì chưa kịp ăn đã vội đi.
- Mẹ cháu cứ thế rồi quỵ xuống lúc nào không biết.
CÓ ít cá tươi anh Quang vừa vớt dưới ao lên đây, để bác làm lát nữa mẹ về ăn cho được cơm. Nhà còn mì sợi không?
- Dạ, còn ạ.
- Thế thì cháu lấy xoong luộc thêm tí mì sợi, cho bác với bác cường cùng ăn luôn, hai bác cũng chưa ăn.
Hai bác cháu cùng hí húi làm bếp, vừa làm vừa trò chuyện. Bà Tâm hỏi thăm tỉ mẩn đủ thứ, nào bé Loan hôm qua bị rắn cắn ra sao, tiêu chuẩn trong sổ gạo mì tháng này còn được mấy cân, đàn gà đàn lợn thế nào, su su bán được mấy đợt rồi... Bé Loan tỏ ra thông thạo việc nhà, nghe bà Tâm hỏi, em trả lời đâu ra đấy. Bà Tâm khen: "Con này rồi giỏi đây, bố mẹ được nhờ đây, chẳng bù với con Hằng nhà bác, cũng bằng tuổi mà ngô nghê chưa biết cái giống gì, lại còn lười chảy thây, toàn ỷ lại mẹ? à, bác nghe nói cháu biết thổi nhạc bằng cái lá hay lắm, thổi cho bác nghe đi".
Loan chạy ra vườn ngắt một cái lá, trở vào đứng bên cửa bếp thổi nhạc. Bà Tâm giỏng tai nghe. Bà bảo:
- Nhạc lá của cháu hay quá, lạ quá, nhưng sao buồn thế - Tại cháu nhớ ba cháu.
- Ba cháu đi công tác mấy ngày rồi về ấy mà, việc gì mà nhớ. Cháu thổi bài nào vui vui đi.
- Đây, bác nghe nhé, bài này là bài "Bướm bay".
Nghe xong, bà Tâm bảo: "ừ, bài này bác thích. Bé Loan của bác tài thật đấy".
Bà Tâm cùng bé Loan đang bày bàn ăn thì bà Phượng về. Nom bà tiều tụy hẳn. Nhìn ông Cường, bà hỏi:
- Thế nào, anh?
ông Cường ngoắt bà lại góc nhà, nói nhỏ:
- chưa thấy. Nhưng tôi nghĩ cũng có khi đi sang các lâm trường khác vì việc gì đấy. Để mai tôi tới các lâm trường số 1, số 2, số 4...
ông Cường nói vậy mà thâm tâm chẳng dám tin mấy vào điều mình nói. Không ngờ điều đó lại trùng hợp với một tin tức tuy còn mơ hồ nhưng đang khiến bà Phượng hy vọng. Bà nói:
Cũng có khi là thế. Hồi nãy em gọi điện sang lâm trường số 4, cậu thường trực bên ấy bảo có thấy ông Túc giám đốc đi với một ông nào bên lâm trường số 8 vào rừng để xác định lại địa giới khai thác. Nếu đúng vậy thì chắc là hai ông ngủ lại trong nóc đồng bào dân tộc.
Nét mặt bà Phượng có vẻ tươi lên một chút với niềm hy vọng mong manh ấy. Bà Tâm giục:
Phượng ơi, đi ăn đã. Trông cậu hơi sút đi đấy. Phải cố ăn để giữ sức khỏe cho chồng con được nhờ.
Đêm ấy, bà Tâm ngủ lại với bà Phượng.
III
Cái tin tức mơ hồ về ông Huấn mà người thường trực bên lâm trường số 4 nói với bà Phượng chỉ là một cái tin vu vơ Thực ra, ông Huấn đã bị bắt.
Phải mất sáu ngày sục sạo tìm kiếm qua các bạn hữu đáng tin cậy, ông Cường mới nắm chắc rằng ông Huấn đang bị giam tại trại giam T6.
Thoạt đầu, khi nghe tin ông Cường báo tin ông Huấn bị bắt, bà không thể nào tin ở tai mình. Bà tưởng bà nghe nhầm.
Sao, anh nói sao, anh Huấn bị làm sao?
- Huấn bị bắt, đang bị giam ở trại T6.
- CÓ thật thế không anh? Sao lại có thể vô lý như thế được?
Tin này chính xác đấy. Một cậu lính cũ của tôi và Huấn đã cho tôi biết.
- Sao người ta lại bắt anh ấy? Anh ấy đã làm gì nên tội hả trời?
Bà cảm thấy chới với như đang đi bỗng hụt bước rơi xuống vực. Bà ngồi lặng điếng đi hồi lâu rồi bật khóc.
Bà khóc không ra tiếng. Một nỗi uất ức tủi hờn dâng lên thắt nghẹt lấy cổ.
Bà Tâm ôm lấy bạn, chẳng biết chia sẻ với bạn cách sao ngoài những tiếng thở dài, và khe khẽ dỗ dành:
"Phượng ơi, bình tĩnh lại, bình tĩnh lại...". ông Cường nói:
Để từ từ rồi ta sẽ tìm hiểu xem do đâu mà có sự vô lý này. Bây giờ phải đến trại T6 thăm Huấn.
Bà Tâm tiếp lời chồng:
- Phượng cứ nghỉ đi, Phượng lo chuẩn bị quần áo cho anh Huấn thôi, còn thức ăn và trái cây để mình lo cho.
Trại giam T6 ở cách thành phố gần hai chục cây số, đường xấu lại nhiều dốc. ông Cường đèo bà Phượng, bà Tâm chở giỏ thức ăn và quần áo, ba người trên hai chiếc xe đạp lóc cóc ra đi. HỌ chỉ dùng xe được từng đoạn, còn những đoạn dốc quá phải dắt bộ, mãi hai giờ sau mới tới nơi.
ở phòng trực của trại giam, người sĩ quan trực ban tiếp họ. Sau khi hỏi tên họ từng người, ở đâu làm gì, anh ta hỏi:
Anh chị đến có việc gì?
Cái bộ dạng khệnh khạng của viên sĩ quan vốn quen được thấy người khác cầu lụy mình khiến ông Cường khó chịu lắm, nhưng cố tự kiềm chế, ông ôn tồn đáp:
- Chúng tôi lên thăm người nhà, đồng chí ạ.
Giọng viên sĩ quan lạnh băng:
- Hôm nay không phải ngày thăm.
Anh ta chỉ lên tấm bìa treo trên vách có ghi lịch cho thăm người nhà hàng tuần. ông Cường vội phân bua:
- Thế này đồng chí ạ, người nhà chúng tôi, nghĩa là chồng chị Phượng đây, mới bị bắt, được biết đang bị giam tại trại này.
Người sĩ quan hướng về phía bà Phượng, hất hàm:
- Chồng chị tên gì?
- Chồng tôi tên Huấn, Đặng Trần Huấn.
- Thời gian gần đây không có ai tên như vậy vào trại.
ông Cường vẫn cố dịu giọng, năn nỉ:
- xin đồng chí xem lại giùm cho...
Ngần ngừ một lát. người sĩ quan đứng dậy, bảo:
- Đợi đấy.
Anh ta bước ra ngoài, đi về phía ngôi nhà có vẻ là nhà của Tổng quản trại. Mười lăm phút sau, anh ta trở lại hỏi bà Phượng:
- Hồi nãy chị nói chồng chị là cái gì Huấn?
- Đặng Trần Huấn.
- Đặng Trần Huấn thì có, hồi nãy tôi lại nghe Đặng Văn Huấn.
- Đồng chí làm ơn cho tôi được gặp nhà tôi.
- Không được, trường hợp này đang điều tra, không được gặp bất cứ một ai hết.
- Đồng chí ơi, tôi là vợ anh ấy...
- Vợ cũng không được gặp. Đã có quy định như vậy.
Đây, chị hãy nghe đây.
Anh ta mở cặp bìa các-tông rút từ ngăn kéo ra lục lọi giấy tờ và đọc một điều khoản nào đấy trong một văn bản nào đấy.
Bà Phượng ngẩn ngơ quay nhìn bà Tâm, ông Cường như cầu cứu. Hai vợ chồng ông Cường cố dùng những lời lẽ thật tình cảm để nài nỉ thêm, nhưng vô hiệu.
Người sĩ quan giải thích đi giải thích lại rằng Trại không có quyền giải quyết trái cái quy định, không tin cứ lên hỏi cấp trên thì rõ. Bà Phượng đành gửi lại áo quần và thức ăn cho chồng kèm theo mảnh giãy thăm hỏi viết ngay trước mặt người sĩ quan theo một nội dung được anh ta kiểm duyệt kỹ.
Ba người rời trại giam đúng lúc người lính gác gõ vào quả bom rỗng treo bên cổng hồi kẻng nghỉ trưa. Tiếng kẻng lảnh lót nhói vào lòng họ một nông nỗi khó hiểu, lúc này họ chưa thể tự cắt nghĩa, nhưng nó cứ ám ảnh, ám ảnh không dứt lên cuộc đời họ kể từ ngày hôm nay.
Đường về trở nên xa lắc. Con đường đá ngoằn ngoèo lên xuống qua các dải đồi hoang tẻ ngắt dưới một bầu trời mùa đông xám xịt. Gió táp từng cơn buốt giá. Mặt đường chốc chốc lại cuộn xoáy những luồng bụi đỏ. Qua hết một con dốc, họ ngồi nghỉ chân trên đỉnh đồi bên gốc một cây bạch tùng già đứng trơ trọi. Cả ba đều lặng ngắt. Nói gì rồi cũng lại đụng đến cái nỗi thống khổ quái đản đang tràn ứ tâm can, nên rốt cuộc họ cùng làm thinh.
Bỗng bà Phượng đứng dậy ngó quanh, dường như bà nhận ra dấu vết quen thuộc nào đấy của cảnh vật. Bà chăm chăm nhìn lại con dốc rồi ngước nhìn cây tùng, miệng lẩm bẩm: "Đúng rồi!Đúng rồi?". ông Cường hỏi:
- Đúng gì vậy?
Anh Cường nè! cái trại giam T6 hình như chính là căn cứ cảnh sát dã chiến trước kia.
- Chính thế.
- Thế thì cái chân dốc này đúng là điểm em vượt đường năm 1974 để ra chiến khu. Cái cây tùng này hồi đó cũng đã có rồi, em còn nhớ em cứ vừa chạy qua đường vừa nhìn nó. Đội công tác của anh Huấn đón em ở cánh rừng phía tây đường kia kìa.
- Phải rồi, năm ấy đội công tác của anh Huấn hoạt động ở cánh rừng phía trên này, gọi là đội TB tức là Tây Bắc, còn đội của tôi ở cánh Tây Nam, gọi là đội TN.
Tôi không nghe tin Phượng bị lộ phải ra chiến khu, mãi tới khi về họp hội nghị cán bộ nhận kế hoạch tổng tấn công xuân 1975 gặp Huấn mới được Huấn cho biết và báo luôn là Huấn Phượng hẹn nhau bao giờ giải phóng thành phố sẽ làm đám cưới. Mới đó đã hơn chục năm rồi.
Bà Phượng quay đi giấu hàng nước mắt không kìm nổi ướt dẫm hai gò má. Bao nhiêu kỷ niệm dồn dập hiện về se thắt ruột gan.
Mười lăm mười sáu năm trước, bà Phượng còn là một cô nữ sinh trung học BỒ Đề. Nhà Phượng ở vùng ven. Mẹ Phượng, bà Hai Thùy, dì ruột Phượng, bà Ba Thủy có sạp buôn bán rau quả ở chợ Giữa, ngôi chợ trung tâm của thành phố, là hai cơ sở kháng chiến nòng cốt trong phong trào tiểu thương tại dây. Phượng vừa đi học vừa giúp mẹ buôn bán và đồng thời giúp mẹ giúp dì hoạt động, khi làm giao liên, khi chuyển tài liệu. Nhà Phượng có hai căn hầm bí mật, năm Mậu Thân đã chứa một tiểu đội đặc công ém quân đánh thọc sâu vào thành phố. Tiểu đội trưởng tên Cường, tiểu đội phó tên Huấn, cả hai đều quê ở miền Bắc. Trên đường rút ra sau trận đánh, Huấn bị thương phải nằm lại hầm nhà Phượng và mối tình của họ đã nảy nở từ đấy, thầm lặng nhưng mãnh liệt. Không nói ra, mà tự nhiên hai người cứ lặng lẽ chờ nhau, rồi mãi tới năm 1974, khi gặp lại thì giao ước cùng nhau và đã nên vợ nên chồng. Nào ngờ ngày nay không dưng họ vướng phải một cảnh ngộ ác nghiệt phi lý thế này?
Gió lạnh thổi khô nước mắt trên mặt bà Phượng. Bà quay sang vợ chồng ông Cường:
- Ta về đi. Giờ em đỡ mệt rồi, anh Cường chở Tâm, để em đạp xe một mình.
Từ hôm ấy, sau cơn choáng váng ban đầu, bà Phượng dần dần tỉnh táo và lấy lại được nghị lực, cái nghị lực của con người từng vào sinh ra tử thời đánh giặc. Suy đi ngẫm lại, với tất cả những việc làm của chồng mà bà biết rất rõ, với cái bản tính ngay thẳng và sự liêm khiết của chồng mà bà rất hiểu, bà dứt khoát tin rằng chồng mình đã bị bắt oan. ông Cường thì nhận định: cái tính cương trực của ông Huấn và cái sự ông biết quá nhiều những chuyện kín trong ngành đã là vật cản trên đường đi của bọn chuyên bòn rút tài nguyên rừng để làm giàu. Bà Phượng cũng nghĩ vậy. CÓ một mưu toan ám muội đang nhằm hại ông Huấn của bà.
Ngoài giờ làm việc, bà Phượng cùng ông Cường, bà Tâm chia nhau mỗi người một ngả gõ hết cửa này tới cửa khác. CÓ những cánh cửa mở ra với một lời hẹn, hoặc một cái lắc đầu bất lực, một lời thông cảm đãi bôi, hoặc một sự đồng tình phẫn nộ, cũng có những cánh cửa đóng im ỉm với tấm biển "đi vắng" treo triền miên.
Đêm đêm, bà Phượng thức đến khuya ngồi viết đơn.
Những lá đơn cùng một nội dung phải chép đi chép lại thành nhiều bản để gửi đi nhiều nơi, ngày một chất cao, riêng số bản lưu đã nặng cả mấy cân.
Đơn kêu oan cho chồng, bà Phượng gửi đi như mất hút vào khoảng không. Họa hoằn lắm mới nhận được một tờ giấy có mấy dòng in sẵn báo tin đã nhận được đơn. Ngày nối ngày, bà sống trong ngóng chờ khắc khoải, đến nỗi có khi chỉ một mẩu giấy báo tin đơn sơ vậy thôi cũng khiến bà phập phồng hy vọng ngỡ như vụ việc của chồng sắp được giải quyết.
Từ khi ông Huấn bị bắt, lương ông bị cắt, các tiêu chuẩn tem phiếu để mua gạo thịt theo giá cung cấp của ông cũng bi cắt luôn, đời sống hai mẹ con bà càng bội phần khốn đốn. Bà không còn được làm ở cơ quan cũ nữa mà phải chuyển xuống lâm trường số 4 rất xa nhà, nhưng bà kiên nhẫn chịu đựng hết. Bà chỉ xót xa cho bé Loan. Bé còn quá non yếu trước cơn bão phũ phàng ấy.
Một hôm loan đi học về mếu máo ôm lấy mẹ:
Mẹ ơi!Mẹ ơi!Chúng nó...
Bà cúi xuống bên con:
- Sao? Đứa nào bắt nạt con?
- Không, chúng nó không bắt nạt.
Thế thì sao hở con?
- Chúng nó... Chúng nó cứ chỉ vào con rồi xì xầm với nhau là con thằng tù, chúng nó không chơi với con...
Bé Loan òa khóc, khóc như mưa gió. Thoạt tiên, bà đắng cả họng, chẳng biết nói với con thế nào, chỉ thấy nhói buốt trong lòng vì thương xót đứa con bé bỏng, quá bé bỏng trước cái tai họa mà bà đã đưa lưng che đỡ nhưng cũng không che đỡ nổi. Bà lau nước mắt cho con, cố tự kìm nén để khỏi khóc theo, miệng rên rỉ:
- Nín đi con, nín đi con . . . Mặc kệ chúng nó. . .
- Nhưng mà con tức lắm.
- Việc gì mà tức, chúng nó nào có biết gì. Con chỉ cần biết ba con vẫn luôn luôn là người tốt, ba con đã góp phần cứu nước và chẳng bao giờ làm gì hại cho đất nước. Con có hiểu điều mẹ nói không?
Bé Loan chùi nước mắt, gật gật đầu.
ở trường, Loan học vẫn giỏi. ở nhà, Loan đảm đang hẳn, nhiều việc chẳng cần mẹ phải dặn, Loan đều chu tất. Chủ nhật, em vẫn thường vào rừng, không phải chỉ để hái nấm, mà còn để kiếm thêm các thứ khác đem ra chợ bán. Nấm hái được, không ăn hết, em cũng đem bán. Đặc biệt em còn bán cả những bức tượng tạo ra từ rễ cây khô.
Loan vẫn thổi nhạc lá, có điều trong tiếng nhạc của em nặng trĩu đau buồn. Một lần, vào khoảng thời gian cha em mới bị bắt, Loan đang ngồi thổi nhạc lá trong rừng thì bác Phan Thạch tới. Em ngạc nhiên vì em đâu có thổi điệu nhạc khẩn cấp báo nguy. Em càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông không đem cặp vẽ mà chống một chiếc gậy.
Họa sĩ Phan Thạch hiểu vẻ ngạc nhiên của Loan.
ông ôm lấy em:
- Nghe tiếng nhạc, bác biết cháu có chuyện rất buồn, bác cần phải đến với cháu.
Nước da ông vàng bủng, gò má tóp lại, có vẻ đứng không vững. Bé Loan kêu lên:
- Bác ơi, bác ốm phải không?
ông che miệng ho sù sụ, gật đầu xác nhận.
- Bác ơi, bác ốm thế, bác phải nằm nghỉ ở nhà.
- Được được bác ngồi chơi với cháu một lát đã. Nào, cháu cho bác biết cháu có chuyện gì buồn?
Loan kể cho họa sĩ nghe việc cha em bị bắt, và mẹ em đã gửi đơn đi các nơi kêu oan cho cha. ông bảo em:
- Bác cũng tin như mẹ cháu và cháu rằng, ba cháu là một người chân chính, việc này thế nào trước sau rồi cũng sáng tỏ, nhưng cháu ạ, có thể cũng sẽ không nhanh chóng như mình mong muốn đâu, nên phải kiên trì Cháu vẫn học giỏi chứ?
- Dạ, cháu học vẫn giỏi.
- Cháu vẫn tiếp tục luyện thổi nhạc lá chứ?
- Cháu vẫn luyện. à, bác ơi, cháu còn hát nữa cơ.
- Hát thử cho bác nghe nào.
Loan dọn giọng và hát. Bài hát không lời. Từ cổ họng em ngân lên những âm điệu trầm bổng. Giọng em thật trong trẻo và có sắc thái riêng, nhưng âm điệu bài ca rất buồn, nó chất chứa bao nỗi bất hạnh của gia đình em. Hoạ sĩ cúi đàu lắng nghe, mái tóc bạc quá nửa xoã xuống che lấp những giọt lệ lặng lẽ ứa ra. Ông xoa đầu bé loan khen:
- Cháu có một giọng hát trời cho, một giọng vàng. Ôi con sơn ca bé bỏng của bác, hãy cố giữ gìn cái giọng vàng của cháu.
Ông muốn nhấc bổng em lên nhưng không đủ sức.
- Bác ơi! bác về nghỉ đi, để cháu đưa bác về.
Người ông run cầm cập, ông bảo đó là bệnh sốt rét ác tính từ thời kháng chiến lại tái phát.
Ngôi nhà của ông bây giờ trở nên trống trải. Trên vách không còn thấy các bức tranh, chỉ còn một bức vẽ giở dang trên giá vẽ.
- Bác ơi! tranh của bác đâu hết rồi?
- Bác cất bớt đi rồi. Bác cho cháu mấy cái này, có thể đem bán, mà thứ này, cháu nhìn mẫu của bác, cháu cũng kiếm được đấy. Đầy rừng.
Ông chỉ vào góc nhà có bầy gần một chục bức tượng bằng rễ cây. Tượng con nai, con sư tử, con hiêu cao cổ, tượng ông già, em bế ... Thực ra, đó chỉ là những cái rễ cây khô có dạng tự nhiên, ông nhặt ngoài rừng về chỉ sửa sang chút ít rồi đặt nằm đặt đứng theo đúng tư thế, thế là thành tượng.
- Cháu cứ tìn ở những gốc cây khô. Sau mỗi mùa lũ, Cây khô tấp đầy ở các kẹt đá ven suối. Quan trọng là phải có con mắt biết nhìn các dáng tượng, nghĩa là biết nhìn ra cái đẹp, trong cái rễ cây, cháu ạ. Mà cháu thì bác tin là cháu biết nhìn ra cái đẹp.
ốm yếu luôn nên dạo sau này họa sĩ Phan Thạch ít đi vẽ ngoài trời. Chủ nhật nào bé Loan cũng dành ra một buổi để đến giúp ông các việc lặt vặt, và ông thì dạy cho Loan cách làm tượng rễ cây.
Nhưng rồi một tai họa nữa lại giáng xuống gia đình bé Loan, bất ngờ và dữ dội hơn trước.
IV
Mùa hè đã đến, năm học của bé Loan cũng kết thúc.
Em học xong lớp bốn và cũng bước sang tuổi lên mười.
Nhưng so với đám trẻ cùng lứa, em có vẻ già dặn hơn.
Nỗi bất hạnh cùng những tháng ngày phải sớm bươn chải giúp mẹ kiếm sống đã dạy em biết sống chững chạc trước tuổi.
Loan là một trong ba học sinh lớp bốn học giỏi nhất thành phố. Năm nay lễ phát thưởng được tổ chức toàn thành tại một rạp hát lớn ở khu trung tâm. Nhà trường thông báo: ngoài phần thưởng, Loan còn được đi dự trại hè thiếu nhi toàn quốc tổ chức ở thành phố Biển.
Hôm ấy, bà Phượng xin nghỉ một buổi để đưa con đi nhận phần thưởng. Hai mẹ con ăn mặc tươm tất hơn ngày thường. Bà Phượng mặc quần đen áo sơ mi trắng như mọi phụ nữ cùng thời, nhưng là bộ quần áo còn khá mới chỉ đem dùng vào các dịp lễ, tết. Bé Loan mặc áo sơ mi trắng, váy bằng vải ca-rô Bun-ga-ri loại tốt của người đi lao động xuất khẩu bên ấy về bán lại cho, chân mang tất trắng và đôi dép nhựa trắng, tất cả đều mới tinh. Các thứ đó bà Phượng đều sắm cho con bằng tiền của chính bé Loan kiếm được.
Hai mẹ con ra khỏi nhà khi những tia nắng đầu ngày thắp sáng chấp chới trên các ngọn thông. Thành phố Núi là thành phố của thông. Những đường phố, những ngôi nhà, hết thảy đều nằm dưới bóng rừng thông, được ru trong điệu nhạc êm đềm của rừng thông.
Còn lâu mới tới giờ khai mạc nên bà Phượng dẫn con đi bộ. Vẫn như mọi khi, bé Loan vừa đi vừa thổi một bản nhạc vui. Thổi xong, em nghiêng đầu lắng nghe. Và em mỉm cười. Em đã nghe thấy tiếng nhạc lá đáp lại của bác Phan Thạch. Bản nhạc của bác cũng rất vui, báo rằng bác đã biết hôm nay là một ngày vui của hai bác cháu. Loan bảo mẹ:
- Mẹ ơi, bác Phan Thạch vừa chúc mừng con đấy.
Bà Phượng nhìn quanh, tưởng họa sĩ Phan Thạch mới tới. Bà ngơ ngác.
- Con chỉ bịa, mẹ có thấy bác ấy đâu.
Loan cười rúc rích:
- Con không bịa đâu, bác ấy chúc mừng con bằng nhạc lá, chỉ mình con nghe được thôi.
- Hai bác cháu hay thật đấy?
Loan rất thích thú với cái bí mật nắng của hai bác cháu. Một bí mật kỳ diệu.
Quảng trường trung tâm thành phố sáng nay đông nghịt người, hầu hết là các học sinh giỏi đến nhận phần thưởng, tất nhiên là có cha mẹ cùng đi, các thầy cô giáo đại diện các trường và các quan khách. Dù vải vóc hiếm hoi phải mua bằng tem phiếu, nhưng rồi ai cũng cố tạo được một bộ áo quần đẹp cho con mình. Nổi bật rạng rỡ dưới vòm trời xanh lồng lộng nắng là màu áo trắng và màu khăn quàng đỏ của học sinh. Tiếng nói cười ríu ran xao động cả cái thành phố Núi nhỏ xinh thường ngày vẫn tĩnh lặng.
Nhưng bé Loan của chúng ta thì vẫn như không hề biết đến cái cảnh rộn ràng ấy. Em cứ sống trong niềm say mê riêng của em, thế giới riêng của em, thế giới của nhạc lá. Giữa quảng trường thành phố, em vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện bằng nhạc lá với họa sĩ Phan Thạch hiện đang lang thang tít tận một góc rừng xa xăm nào. Tiếng nhạc của họa sĩ cho Loan biết ông đã khỏe và đang vẽ xa. Hai bác cháu tặng nhau niềm vui của tiếng nhạc. .
Loan không biết rằng em đã tạo ra cả một đám đông hiếu kỳ vây quanh mình. Em không biết mình đã là một hiện tượng khác thường. Kìa, lạ chưa kìa, một con bé xinh ơi là xinh, chơi nhạc hay quá, những bản nhạc chưa hề nghe phát trên đài, mà nó chơi chỉ bằng một cái lá thôi - người ta bảo nhau thế, và những người hâm mộ cuốn theo cô bé "nhạc sĩ" ấy mỗi lúc thêm đông.
Nhìn con, nhìn sự thán phục của mọi người đối với con mình, bà Phượng phần sung sướng phần không khỏi xót: xa cho chồng chẳng được thấy cảnh này. Người ta vẫn chưa cho bà gặp chồng mà chỉ cho gửi quà thăm nuôi mỗi tháng một lần. Anh ấy có bị đau ốm gì không?
CÓ bị hành hạ không? Dường như số phận cũng còn thương bà, và đền bù lại cho ông bà một đứa con gái thật giỏi giang và hiếu thảo.
Khi cùng bé Loan bước vào hội trường rạp hát, bà Phượng được mời lên ngồi ở hàng ghế dành cho các quan khách. Một số vị chức sắc của thành phố tới dự vẫn quen biết vợ chồng bà từ thời kháng chiến, thấy bà, có người tới bắt tay chúc mừng nhiệt tình, có người chỉ hơi gật đầu chào chiếu lệ rồi lảng ngay, cũng có người làm ra vẻ như không quen biết. Bà Phượng bình thản quan sát cái trạng thái ấm lạnh thường tình của người đời.
Sau lễ phát thưởng, hai mẹ con bà Phượng ra tới cửa rạp hát thì gặp cô giáo chủ nhiệm của bé Loan đứng đợi CÔ trao cho bé Loan tấm phiếu dự trại hè thiếu nhi toàn quốc, và dặn sáng mai đúng sáu giờ rưỡi em có mặt tại trường sẽ có xe đón.
CÔ giáo đi rồi, bà Phượng hỏi con:
Bây giờ mẹ thưởng cho con nhé, con thích ăn gì nào?
Loan đáp ngay:
- Con thích ăn kem.
Bà Phượng đưa con vào một cửa hàng mậu dịch quốc doanh chuyên bán giải khát, có cả kem. Người mua đứng xếp hàng rồng rắn trên sàn nhà lênh láng nước và vứt đẩy que tre. Các bàn đã chật ních. Bà Phượng tìm được một bàn có người uống sắp xong, bảo con đứng bên cạnh chờ để lấy chỗ, còn bà đi xếp hàng. Bé Loan mở gói phần thưởng. Cũng chả có gì, vỏn vẹn năm cuốn vở và hai quyển sách. Hôm nghe cô giáo báo tin em được phần thưởng của thành phố, Loan hy vọng phần thưởng sẽ là chiếc cặp Liên XÔ có quai đeo sau lưng. Mỗi khi nhìn mấy đứa tung tăng đeo chiếc cặp như thế, Loan lại thầm mơ ước mình cũng có một cái. Mấy đứa kia hẳn là có cha, mẹ hoặc anh chị đi Liên XÔ gửi về cho, hoặc phải là con nhà giàu mới đủ tiền mua ở cửa hàng tư nhân buôn hàng ngoại. Đã bao lần trên đường đi học về Loan đứng ngẩn ngơ trước các cửa hàng có bán loại cặp ấy tất nhiên là chỉ đứng ngắm mà thôi.
Loan len lách tới chỗ mẹ:
- Mẹ ơi, thôi, con không ăn kem nữa đâu.
- Sao lại thôi? Con thích kem lắm cơ mà?
Loan kiễng chân lên thì thầm vào tai mẹ. Bà Phượng cười:
- Được, được mẹ hiểu rồi, con cứ về bàn giữ chỗ đi, mẹ mua kem rồi sẽ nói đầu đuôi, yên chí, con sẽ có chiếc cặp.
Mua được bốn que kem và hai cốc xi-rô dâu, bà Phượng đem về bàn. Bà chưa ăn mà ngồi cầm kem cho con ăn. Vì phải xếp hàng nên bà mua một lần bốn que kem luôn. Loan giục:
- Mẹ ăn đi chứ.
- Mẹ chưa khát. Con cứ ăn cho thích đi. .
- ứ, con ứ chịu, con chỉ ăn hai que thôi. Mẹ ăn đi.
Bà chỉ ăn một que kem, còn dành phần con, vì bà biết Loan có thể ăn được nữa. Loan bỏ que kem vào cốc xi-rô, đó là cách mà em vẫn thích. Bà Phượng bảo con:
SỐ tiền con kiếm được, mẹ dành đó vẫn đủ mua cho con chiếc cặp Liên Xô.
- Ứ số tiền ấy con muốn để mẹ đong gạo với lại mua thức ăn gửi ba. Với lại con còn muốn mua tặng bác Phan Thạch một món quà.
- Được rồi, mẹ đã tính cả, đong gạo thì cứ đong theo tiêu chuẩn trong sổ, tiền của con đủ mua cặp và mua các thứ cho ba, cho bác Phan Thạch. Con muốn tặng bác Phan Thạch quà gì?
- con chẳng biết. Mẹ nghĩ hộ con.
- Theo mẹ thì nên mua tặng bác một cây bút vẽ.
- A, đúng lắm, mẹ thông minh lắm.
Bà Phượng phì cười vì được con khen thông minh.
Sáng hôm sau Loan cùng mẹ dậy sớm. ĐỒ dùng cho chuyến đi trại hè đã được mẹ chuẩn bị sẵn. Còn Loan chiều hôm qua đã đem tặng bác Phan Thạch cây bút vẽ, và đêm qua đã thức khuya để viết thư gửi ba, báo cáo với ba kết quả học tập.
Bà Phượng đưa con tới điểm hẹn, chờ cho con lên xe rồi mới đi làm. Toàn thành phố có chín em được đi dự trại hè, do một chị cán bộ thành đoàn phụ trách.
Loan thò đầu ra cửa xe nhìn theo cho tới khi bóng mẹ khuất hẳn sau góc ngoặt đằng ngã tư cuối phố. Lòng em nao nức với chuyến đi trại, nhưng đây là lần đầu tiên xa mẹ, xa thành phố Núi, nên không khỏi bâng khuâng.
Xe ra khỏi đỉnh đèo cửa ngõ thành phố thì từ từ xuống dốc. Rừng thông kéo dài cho tới hết đèo, tiếp đến, xe đi giữa một vùng đồi trọc cằn cỗi phơi mình dưới nắng. Tiếp nữa là một cái đèo hết sức hiểm trở, đường vắt qua vắt lại, thỉnh thoảng lại nhìn thấy một khúc đường dưới sâu có chiếc xe đang bò lên nom chỉ nhỏ bằng con bọ hung. Hết cái đèo thứ hai mới tới đồng bằng. Loan ngoảnh lại nhìn dãy núi cao đã lùi xa phía sau. Em thầm nghĩ: thành phố Núi của mình nằm tít trên ấy, thế ra mình ở cao biết bao Khoảng xế chiều thì xe tới một khu nghỉ mát ở thành phố Biển, nơi tổ chức trại hè. Trên sân rộng trước ngôi nhà năm tầng ven biển, thấy san sát xe của các tỉnh, các thành phố trong cả nước. Từng tốp thiếu nhi mặc đồ tắm từ ngôi nhà năm tầng đua nhau chạy ùa ra bãi biển. Đoàn thiếu nhi của thành phố Núi xuống xe, đi nhận phòng, thay đồ, rồi cũng lao ngay ra bãi tắm khiến chị phụ trách phải một phen vất vả, chỉ lo các em quá mê biển lội ra xa bờ gãp nguy hiểm.
Loan vẫy vùng thỏa thích. Em ngụp xuống, nhảy vọt lên, nhào theo các lớp sóng từng lúc từng lúc ào ạt xô vào bờ. Tuy ở núi, Loan cũng biết bơi. Mà bơi giỏi. Từ dạo đẩu năm, mỗi lần vào rừng em đều tập bơi ở các vực nước của những con suối lớn. Chẳng cần ai dạy, bởi em vẫn gan góc và ham hiểu biết, ban đầu cứ đập chân đập tay bừa đi, rồi tự nhiên thấy mình nổi được, rồi dẩn dần tự khám phá những động tác phối hợp khiến mình có thể lao đi trên mặt nước.
Buổi tối, sau bữa cơm có nhiều món ăn sang em chưa hề được ăn bao giờ như tôm hùm, cá mực tươi xào, cá thu rán, và sau một cuộc chạy nhảy trong rừng phi lao, Loan ngủ rất say. Rồi em chợt thức giấc. Một âm thanh lạ ôm trùm lấy em. Chính cái âm thanh lạ này làm em thức giấc. Em có cảm giác như mình bồng bềnh trôi trên nền âm thanh này. Lát sau, em nhận ra nó chính là tiếng biển. Trong em thầm thốt lên một tiếng reo vui:
em được gặp một người bạn mới. Em ra khỏi giường, nhón gót tới bên cửa sổ. Biển hiện ra, đen thẫm, nhấp nháy vô vàn đốm sáng linh động, như thể cả trời sao đậu xuống đấy. Và biển hát, rì rẩm, ào ạt... rì rầm, ào ạt Em ra khỏi phòng, tìm được cầu thang, em lên tầng thượng. Từ đây có thể nhìn bao quát hơn. Em thấy một phần thành phố biển, thấy cả những dãy núi đen mờ phía tây. Bất giác em lấy chiếc lá trong túi đặt lên môi. Em tự hỏi: mình đi xa thế này. liệu bác Phan Thạch có nghe được không? Hãy cứ thử xem. Em thổi mấy điệu nhạc mà bác Phan Thạch đã quen. Đoạn em ngừng thổi, nghiêng đầu lắng nghe. Im ắng. Chỉ có tiếng biển rì rầm, ào ạt... rì rầm, ào ạt... Nhưng Loan không vội thất vọng. Em tiếp tục thổi mấy bản nữa, và lắng nghe. Vẫn không thấy gì. Em đợi khá lâu. Khi em bắt đầu nghĩ rằng chắc là vì xa quá bác Phan Thạch không thể nghe được tiếng nhạc lá của em, thì bỗng tai em đón thấy một nhạc điệu quen, thoạt tiên rất đỗi mong manh, lúc nổi lúc chìm trong tiếng biển, rồi rõ dần, rõ dần. Đây rồi, chính là bác Phan Thạch!Qua tiếng nhạc, em biết là bác đã bắt được tiếng nhạc của em từ dưới này gửi lên. Hai bác cháu lại cùng nhau chuyện trò bằng nhạc lá như mọi khi, nhưng lần này ở một cự ly rất xa, một cuộc giao hòa nhạc điệu biển rừng. Phải, trong tiếng nhạc của hai bác cháu có tiếng biển, tiếng rừng. Đúng hơn, cả con người bé Loan giờ này là một khối giao hòa rừng biển và thoát ra thành nhạc điệu chỉ qua một chiếc lá đơn sơ trên môi em.
Tối hôm sau, trại hè tổ chức biểu diễn văn nghệ của thiếu nhi các đoàn hơn năm mươi tỉnh thành trong cả nước. Đã biết tài thổi nhạc lá của bé Loan, chị phụ trách chọn em thay mặt cho đoàn thành phố Núi lên biểu diễn. Tiết mục của Loan xếp gần cuối.
Lần đầu tiên bước lên sân khấu trước hàng ngàn khán giả gồm cả trẻ em lẫn người lớn, Loan cũng chỉ hơi hồi hộp lúng túng chút xíu. Mọi người bị thu hút ngay khi thấy cô bé rất xinh xắn cúi chào mà tay lại vẫy một nhành lá. Một anh phụ trách bước ra hạ mi- rô. Loan ngắt một chiếc lá đưa lên môi. Trong không gian im phắc của hội trường, ngân lên một điệu nhạc lạ lùng người ta chưa từng được nghe ở bất cứ đâu. Loan thổi đúng cái bài rừng biển giao hòa mà em vừa tự phát hiện thấy đêm qua. Mối giao hòa ấy qua nhạc điệu độc đáo của chiếc lá từ con người em truyền lan trong không gian, rưng rưng thấm nhập vào lòng người một tình yêu da diết sâu nặng đối với đất nước quê hương, với cỏ cây sông núi, với muôn loài... Mọi người lặng đi trong một xúc cảm thuần khiết, hồn hậu.
Một tràng vỗ tay rầm rầm như sóng dậy bùng lên khi Loan vừa dứt tiết mục. Tiếng vỗ tay kéo dài. Em phải biểu diễn lại tới hai lần mà mọi người vẫn còn muốn nghe nữa. CÓ ai đó công kênh em lên rồi đưa vào hậu trường.
Trong lúc Loan đang biểu diễn, chị phụ trách của đoàn thành phố Núi đứng nép bên cánh gà nhìn em chăm chú, nét mặt chị vừa vui mừng lại vừa có vẻ gì lo lắng khác thường. Tay chị ôm chiếc xắc hành lý của Loan. Chốc chốc, chị quay sang bàn bạc gì đó với anh phụ trách trại hè. Khi người ta đưa em vào hậu trường, anh ôm lấy em, rồi cùng chị phụ trách của thành phố Núi đưa em ra một chiếc xe con đậu sẵn ở sân sau.
Chiếc xe phóng nhanh ra khỏi cổng khu nghỉ mát.
Trên xe, ngập ngừng một hồi lâu, chị phụ trách mới ghé tai em nói nhỏ:
- Thế này Loan à, có điện ở nhà gọi em về gấp.
Rồi chị nói tiếp gì đó đại loại như trại không thể xoay đâu ra xăng cho một chiếc xe con đưa hai chị em về nên bây giờ phải ra bến xe đi xe đò. Loan đang quá mệt sau cuộc biểu diễn, những nhạc điệu lạ lùng như còn sống động trong em, cuốn em vào thế giới huyền diệu của chúng. Em chỉ nghe lơ mơ phần nào những điều chị phụ trách nói rồi ngủ thiếp đi.
ở bến xe, chỉ còn một chiếc xe đò chuyên chạy đêm, đang lấy khách đã gần đầy. Người chờ xe nằm ngồi dọc hàng hiên và cả trên bãi. Anh tổng phụ trách trại hè chạy đi tìm người trưởng bến thương lượng, giãi bày, nài nỉ, tay huơ huơ bức điện khẩn, kỳ kèo mãi mới kiếm nổi hai chỗ trên chiếc xe cũ kỹ chạy bằng một lò than to tổ bố gắn sau đít, nóc chất đầy hàng hóa ngất nghểu tưởng sắp lật đến nơi.
Gần trưa hôm sau, bé Loan mới về tới nhà.
Trên sân, nhiều người đứng lố nhố, nhưng không khí ắng lặng. Khói hương nghi ngút. CÓ tiếng khóc. Tiếng nấc nghẹn: "Anh Huấn ơi... ới anh Huấn ơi?..." - tiếng khóc của mẹ Loan.
Bác Cường đón Loan, ôm lấy em. Giọng bác lào thào bên tai em.
- Loan ơi! Ba Huấn của con...
Bấy giờ em mới hiểu rằng ba em đã chết, đang nằm trong chiếc quan tài bọc giấy đỏ kê ở gian giữa, một đầu quan tài ló ra ngoài thềm.
V
Phải nhiều năm về sau, khi đã trưởng thành, Loan mới suy nghĩ nhiều về cái chết đột ngột và khó hiểu của cha mình. Còn bây giờ thì em không biết gì về những điều người lớn xì xầm to nhỏ.
Bà Phượng được báo rằng chồng bà, ông Huấn, đã tự tử chết trong trại giam. Bà lao tới trại, ôm xác chồng, gào lên, bà không tin, bà không tin nhưng bà đành cắn răng nhận xác chồng về mai táng, thâm tâm vẫn không tin rằng chồng mình tự tử. ôm lấy quan tài chồng trước khi hạ huyệt, bà thề sẽ làm mọi cách để lật mặt những kẻ đã ám hại ông chỉ vì ông kiên quyết chống lại việc phá rừng làm giàu của chúng.
Lời thề ấy lan nhanh theo mạng tin đồn trong thành phố. Người ta vẫn kháo nhau rằng ông Huấn và bà Phượng là hai người nắm được nhiều tài liệu bí mật về các vụ bê bối của ngành khai thác rừng bấy lâu vẫn luôn bị bưng bít. Người ta chờ đợi một sự bùng nổ "bật mí" nào đấy sẽ chấn động dư luận. Người ta cũng lo lắng cho người đàn bà thân cô thế cô. Người ta nhắc câu của người xưa: "Họa vô đơn chí" - tai họa không đến một lần. Vợ chồng ông Cường luôn dặn bà Phượng phải hết sức thận trọng. ông bảo: "Cái bọn tham lam độc ác này chúng nó không từ một thủ đoạn nào đâu. Chưa kể chúng nó còn có Ô dù rất mạnh".
Bà Phượng lại phải chuyển công tác. Bà không được làm kế toán ở cơ quan lâm trường số 4 nữa, mặc dù đó là công việc mà bà rất thạo. Hàng ngày bà phải xuống các đội khai thác để lấy số liệu gì đấy, một công việc thật ra chẳng cần cho ai, chỉ là cái cách để bà không được biết gì đến tình hình thu chi của lâm trường. Đường đi lại giữa các đội tất nhiên là xa xôi và hiểm trở.
Bà Phượng bình thản chịu đựng hết.
Một buổi chiều, bà lóc cóc đạp xe từ đội khai thác số 2 sang đội khai thác số 7. Trời lâm thâm mưa. Đường lổn nhổn chỗ đất chỗ đá, vừa trơn vừa xóc. Bà cố đạp xe lên dốc. Tới đoạn không thể cố được nữa, bà dắt bộ. Hết dốc bên kia. Đường hẹp chênh vênh. Tấm ny lông choàng trên người quệt vào xe loạt soạt khiến bà không nhận ra ngay tiếng mô tô từ dằng sau rú ga phóng tới.
Trên mô tô là hai người đàn ông, một người lái, một người ngồi sau, cả hai cùng mặc áo mưa có mũ trùm gần kín mặt. Chiếc mô tô vượt sát rát bà Phượng khiến bà hốt hoảng ngã nhào, đập đầu vào mô đá ven đường rồi cả thân mình trượt theo sườn đường lăn xuống vực.
Chiếc xe đạp mắc trên bờ đường, nhưng cái túi xách ngoắc vào ghi đông thì biến mất. Trong túi có xấp đơn tố cáo mà lúc nghỉ trưa tại lán một xưởng cưa, bà Phượng tranh thủ ngồi chép làm hai bản.
Vào lúc ấy, Loan đang ở trường. Em không biết rằng một tai họa mới nữa lại vừa dỗ ụp xuống đời em. Khi tan học về tới nhà, Loan thấy nhà cửa có vẻ gì khang khác. Cửa giữa mở toang. Đành rằng cửa nẻo nhà em chẳng lấy gì làm chắc chắn, nhưng không bao giờ hai mẹ con ra khỏi nhà mà lại để cửa như vậy. Bước vào nhà, trước mắt em bày ra một cảnh bừa bộn đáng sợ.
CÓ ai đó đã cạy được khóa và vào lục tung mọi thứ. Kẻ trộm? Em thầm nghĩ và bắt đầu soát xét xem bị mất những thứ gì. Cái phích nước, một vật vào loại đáng tiền trong nhà thì vẫn còn. Cái đài bán dẫn, thứ đắt tiền hơn cả cái phích nước cũng còn. Hai cánh cửa tủ lệch bị bật tung, quần áo bị lôi hết ra ngoài nhưng mấy bộ quần áo mới lại cũng vẫn còn.
Loan ra thềm ngồi chờ mẹ về. Nhưng bồn chồn không yên, em xuống bếp nấu cơm. Vừa thắp xong bếp dầu, em đã bỏ đấy đi cho gà cho lợn ăn. Rồi lại ra thềm ngồi. Trời nhập nhoạng tối. muỗi vo vo từng đàn. Em lại xuống bếp, mới thấy bếp dầu cháy không, vội đổ gạo nước vào xoong đặt lên.
Trời đã tối hẳn. Mẹ vẫn chưa về. Mọi hôm thì giờ này mẹ đã về lâu rồi. Loan thấy lo quặn ruột. Cơm cạn, em vặn nhỏ bếp dầu rồi lấy chiếc đèn pin chạy sang nhà bác Cường ở cách hai quãng đồi.
Nghe Loan kể lại đầu đuôi xong, ông Cường bảo vợ:
- Em đi với anh tìm Phượng.
ông gọi đứa con trai lớn:
- Quang, con sang bên nhà Loan với em.
Mưa đã dứt từ lúc trời chưa tối nhưng mây đen vẫn kéo âm u. Bóng đêm như bưng lấy mắt. ông cường bà Tâm mỗi người một xe đạp, đem theo đèn pin và tấm choàng ni lông hối hả ra đi. Phải mất đến hơn một tiếng đồng hồ chạy đôn chạy đáo hỏi han giữa lâm trường số 4 với mấy đội khai thác, ông Cường bà Tâm mới xác định khoanh vùng tìm kiếm đoạn từ đội khai thác số 2 đến đội khai thác số 7. CÓ ba công nhân trẻ của đội khai thác số 2 cùng đi tìm giúp.
Chẳng bao lâu, họ phát hiện ra chiếc xe đạp của bà Phượng mắc ở một bụi cây bên đường. Chiếc xe còn nguyên, không bị cong vẹo chỗ nào. Soi đèn quan sát kỹ, họ bắt gặp trên tảng đá nằm cách chiếc xe vài bước có vết máu. Tảng đá nằm chênh vênh ngay giáp mí đường, trên bờ ta-luy rất dốc đã lở lói vì mưa lũ.
- Này, chú ý chỗ này, có vệt cỏ bị rạp xuống.
Một công nhân lâm trường chỉ xuống bờ ta-luy. ánh đèn pin soi rõ một vệt cỏ bị rạp xuống kéo dài và mất hút trong vùng tối bên dưới. Năm chiếc đèn pin cùng tập trung rọi nhưng cũng không thể thấy gì thêm ngoài bóng tối rợn ngợp của vực thẳm.
Phải tìm đường... - ông Cường nói.
- Im, im... - bà Tâm chợt ngắt lời chồng - nghe như có tiếng rên đấy, đấy, có phải tiếng người rên không?
Tất cả nín bặt, lắng nghe.
Quả là có tiếng rên khẽ vọng lên từ đâu đó rất sâu.
ông Cường bảo:
Phải tìm đường xuống dưới ấy.
Đèn pin loang loáng cố xoáy xuống đáy vực.
ông Cường quay bảo vợ:
- Chắc chắn là Phượng bị dưới ấy rồi. Em đi với mấy chú công nhân đây vào đội khai thác gọi cô y tá, nhớ hỏi xem có võng mượn luôn một cái.
- Nhớ đem ra vài cái rựa.
Phải vòng xuống chân dốc, chui rúc quành sang bờ núi bên kia vực. Sau gần một tiếng đồng hồ xoi đường, lựa thế, phát đường, họ mới tìm thấy bà Phượng. Bà nằm dưới đáy vực, trên một đám lách, mình quấn đầy dây leo. Thật là một sự may mắn kỳ lạ. Mớ dây leo và đám lách đã cứu bà thoát thết.
Bà Phượng được đưa về nhà trong trạng thái mê man. Quá nửa đêm thì bà tỉnh lại. CÔ y tá bảo vết thương ở đầu chỉ rách da, bà mê man là do bị choáng.
Đến sáng, bà ăn được một bát cháo và đi lại bình thường. Tuy nhiên, bà không nhớ gì về những việc đã xảy ra. Bà Tâm ông Cường dỗ bà nằm nghỉ rồi đi làm, hẹn trưa sẽ lại sang.
Loan nghỉ học ở nhà để chăm sóc mẹ. Em thu dọn sắp đặt lại nhà cửa gọn gàng ngăn nắp như cũ. Ngồi trên giường tựa lưng vào vách, bà Phượng nhìn theo đứa con tháo vát chắn vén mọi việc, cặp mắt chứa chan âu yếm và không khỏi xót xa. Khóe mắt bà ứa lệ. Bà vẫy con lại, hỏi:
loan... Co... con... co... ó... mê... mệt... khô... không?
Bà nói năng khó khăn. Loan ôm mẹ:
- Mẹ ơi, con không mệt. Mẹ nghỉ đi.
Bà chỉ cái vỏ phích tre để cạnh chân tủ bàn thờ ông Huấn:
LAá... lấy... cho... cho... me... mẹ...
Loan đem chiếc vỏ phích tre lại. Bà Phượng tháo mấy cái nan dưới đáy vỏ phích lôi ra một cuộn giấy tròn tròn bao kỹ mấy lớp ni lông. Bà nhét cuộn giấy vào cạp quần bé Loan phía trước bụng rồi ghé tai con thì thầm dặn dò. Nghe mẹ dặn xong, Loan ra khỏi nhà theo lối sau, chỗ hàng rào râm bụt có một lỗ hổng. Em lon ton chạy trên con đường mòn không mấy khi có người qua lại, vượt đồi xuống lũng liên tiếp. Thỉnh thoảng em ngoái lại xem có ai theo mình không. Không ai cả. Yên tâm, em chạy tiếp. Em chạy tới một sườn núi cao, nơi có bốn ngôi mộ liệt sĩ thì dừng lại. Đây chính là bốn ngôi mộ liệt sĩ mà ba mẹ em cùng bác Cường đã cải táng sau nhiều lần tìm kiếm rất công phu mới thấy hài cốt. Từ chỗ bốn ngôi mộ, em rẽ bụi rậm leo lên một gành đá có cây si núi mọc đơn độc. Em rút cuộn giấy trong bụng áo ra nhét vào một kẹt đá rất kín dưới gốc si. Xong việc, em phóng như bay về nhà.
Lúc ấy gần đứng trưa. MỒ hôi ướt đẫm lưng áo Loan.
Thấy con về, bà Phượng đang nằm vội bật dậy. Bà hất đầu hỏi, bé Loan gật đầu lia lịa, miệng cười tươi, sà tới bên giường mẹ:
- Rồi, xong rồi, yên chí rồi, mẹ. Đúng là có cái kẹt đá rất kín ở đúng chỗ mẹ bảo. Sao mẹ biết chỗ ấy?
- Hôm... hôm... đ... đi... ca... cải... tá... táng.. tì... tình... cơ... cờ... thấy... thấy...
Bà Phượng lấy vạt áo lau mồ hôi cho con.
- Co có a... ai... the... theo... co... con... khô... không? . . .
- Không, không có ai theo hết, con đi đường tắt.
Vợ chồng ông Cường tới đem theo hai hộp sữa, ngồi với bà Phượng hết buổi trưa rồi lại đi làm. Hai người cảm thấy đỡ lo. Bà Phượng có vẻ đang khỏe dần.
Nhưng vào khoảng xế chiều, bà Phượng xuống bếp, bước đi còn loạng choạng, ý chừng bà muốn ra sân, thì bỗng ngã lăn nơi ngưỡng cửa. Đang thái rau cho lợn.
Loan nghe tiếng động vội chạy vào thì thấy mẹ nằm vật dưới nền bếp, mắt nhắm nghiền. Em lay gọi mẹ. Bà Phượng vẫn nằm bất tỉnh. Em quýnh lên chẳng biết phải làm gì. Em chạy ra định sang nhà bác Cường, nhưng sực nhớ vợ chồng bác Cường giờ này đều đang ở cơ quan, lại chạy vào với mẹ. Em mếu máo lay gọi mẹ:
- Mẹ ơi!Mẹ ơi!
Mẹ em như cái xác không hồn.
Loan chợt vọt ra sân sau, ngắt một chiếc lá đưa lên môi. Em thổi điệu nhạc báo nguy, thổi gấp gáp, hối hả.
Lát sau, họa sĩ Phan Thạch có mặt. ông cùng bé Loan vực mẹ em lên giường. Bà không chết, chỉ hôn mê.
Nghe bé Loan kể lại sự tình, ông vội chạy vào phố gọi điện thoại cho ông Cường ở Ty Xây dựng. ông Cường liền gọi điện tới lãnh đạo bệnh viện thành phố mà ông có quen từ thời kháng chiến, xin xe cấp cứu.
Sau một tuần nằm viện, bà Phượng đã thuyên giảm nhưng không thể phục hồi. Bà bị chảy máu não, liệt nửa người. Bệnh viện bó tay.
Bà Phượng ra viện trong tình trạng ấy.