Biên Giới
Linh Bảo
Tùng xuống tàu từ Yokohama. Cùng rời bến với anh, có một ông Linh mục và các nữ sinh Nhật sang Pháp học vẽ. Các cô Nhật này tuy cũng thuộc hạng “ giai nhân”, nhưng anh không có cảm tình mấy, nên không muốn làm thân.
Tàu đến Hong Kông, lại thêm một lớp hành khách hạng ba mới lên . Các cô thiếu nữ Trung Hoa kênh kiệu một cách khó thương. Khách đàn ông, thì một số sang Anh tìm việc làm và hễ mở đầu câu chuyện là không thể thiếu được ba tiếng chửi thề, được gọi là “ tân tam tự kinh”, làm cho anh không hiểu tiếng Tàu cũng phải hiểu. Vì thế, Sheroo nổi bật hẳn lên.
Sheroo là một cô gái miền Tây Bắc Ấn Độ, nên da nàng không pha màu cà phê đậm như các cô Ấn Độ miền khác. Hôm đầu mới lên tàu, Sheroo mặc quốc phục: áo trắng tay ngắn và chiếc Shari màu gạch non có hoa vàng viền dưới gấu. Tóc nàng đen và mắt cũng đen một cách êm dịu lạ lùng.
Tùng chỉ nhớ lúc đầu mới gặp nàng, anh có một cảm giác rất bằng lòng. rất thoải mái dễ chịu. Tùng không hiểu mình bằng lòng cái gì, bằng lòng sự gặp gỡ, hay là cảm mến người con gái lạ kia.
Một hành khách nói đùa rằng nếu ai đi trên tàu thủy một tháng mà không thể làm quen một người bạn mới nào, thì đời không còn làm ăn gì được nữa, chỉ còn cách vào nhà tu kín mà thôi. Tùng không đến nỗi thế. Hầu hết mọi người đều có thiện cảm với anh. Tùng quen tất cả, nhưng Sheroo là người anh nói chuyện nhiều nhất. Một lý do nữa, là nàng nói thạo tiếng Anh hơn những cô gái khác.
Khi tàu đến Singapore, anh và Sheroo cùng đăng tên vào đoàn du lịch của hãng tàu tổ chức. Có hai đoàn: một đi xem thành phố Singapore, ăn quà, mua sắm lặt vặt trong thành phố, và một đoàn đi xa hơn, đến tận Johore, thủ đô của xứ Mã Lai. Tùng và Sheroo cùng ở đoàn thứ hai, làm cho Tùng thấy gần và mến Sheroo hơn, vì trong khi các cô gái khác chỉ thích xem phố và ăn quà, mua sắm, thì Sheroo chịu khó đi xa, chịu tốn tiền để xem những cảnh khô khan nhưng tăng gia kiến thức..
Đoàn du lịch bắt đầu đi xem cung điện của vua Sudan Mã Lai trước, kế đến vườn bách thú và Đài Chiến Sĩ trận vong. Đài này, theo lời người hướng dẫn nói, là đài kỷ nịệm hai mươi bốn nghìn binh sĩ của tất cả các thuộc địa Anh, đã chết trong các trận đánh với Nhật để bảo vệ Tân Gia Ba. Cuối cùng, xem Mohamed Ali Mosque, một trong những đền thờ của đạo Hồi Hồi.
Lúc sắp bước chân lên đền, Tùng lưỡng lự không biết có nên cởi giày ra như những người khác hay không. Lúc đi, anh không ngờ có cái vụ cởi giày, nên không thay tất mới. Tùng tưởng là phải đi bộ nhiều lắm, nên vẫn mang đôi tất cũ đã thủng mấy lỗ, bây giờ làm anh ngượng với Sheroo. Thấy mọi người đã vào cả, Tùng đành tắc lưỡi một cái, rồi cởi giày theo đúng luật lệ của dân bản xứ. Sheroo còn đứng lại ở cửa lớn chờ anh. Tùng chỉ đôi tất, mỉm cười bảo:
- Cô xem, khổ thế đấy. Thiếu người sửa túi . . .
Sheroo nói:
- Để về tầu, tôi . . .
- Cô vá hộ nhé?
Sheroo lắc đầu cười:
- Còn lâu! Tôi cho anh mượn kim chỉ. Phải tập làm cho quen!
- Quen để làm gì?
- Để sau này vá cho vợ chứ! Còn ai làm việc ấy hộ cho anh nữa! Vợ mình chứ vợ ai mà ngại.
Thấy Sheroo tinh nghịch, Tùng cũng trêu lại:
- Thế mà tôi định để dành cho cô vá đấy! Nếu cô không biết, tôi xin dạy miễn phí, bảo đảm hai giờ thành công, giỏi hơn thầy nữa là khác!
Sheroo bĩu môi:
- Còn lâu!
Hai người cùng cười. Bây giờ, Tùng không còn ngượng ngùng gì về đôi tất rách nữa. Anh nói rất nghiêm trang:
- Tôi nhất định không vá đôi tất rách này, vì trong cái thời buổi rất “ đắt đỏ” khan hiếm thứ đàn ông thông mình, đây là một cái quảng cáo rất tốt, tỏ ra rằng kẻ mang nó cần một người “ hiền nội trợ”, và biết đâu chả có người thấy đôi tất rách của tôi mà “mủi lòng”, rồi thương lây đến “ kẻ sĩ “ này chăng!
Sheroo có vẻ chế nhạo:
- Tôi chưa thấy ai “khiêm nhượng” hơn anh. Trong một câu, vừa tự xưng mình là người thông minh, vừa ra điều kiện cưới vợ phải là người “ hiền nội trợ”. Nếu lỡ gặp phải cái thứ chằn tinh đội lốt mỹ nhân thì sao?
- Tôi không tin cô thuộc loại ấy. Và ví dụ như phải chăng nữa, tôi cũng không sợ!
Sheroo lại bĩu môi:
- Còn lâu!
Tùng nhìn Sheroo với cái nhìn hăm dọa, như con hổ đã nhìn thấy mồi ngon, trước khi vồ lấy nhai ngấu nghiến, còn vờn quanh để tăng thêm khao khát.
Sheroo cũng nhìn lại một cách khiêu khích, như con mồi được nằm yên trong một cái cũi sắt chắc chắn an toàn . dù thấy kẻ địch đến múa men trước mặt cũng không hề run sợ, vì đã biết trước nếu hắn ta vồ mình, là giờ phút hắn ta bước vào “ tử địa”.
Cô hướng dẫn mời mọi người đứng quanh gần cô và bắt đầu làm phận sự. Cô cất cao giọng, giảng giải bài học thuộc lòng cô phải giảng hàng trăm nghìn lần trước mặt du khách:
- Những tín đồ Hồi Hồi, mỗi ngày thứ năm phải đến làm lễ tại đền thờ này. Trước khi bước chân lên đền, phải rửa mặt và chân tay. Vì thế, trước mặt đền, phải xây hàng chục cái máy nước mới đủ dùng.
- Cái đài cao, chạm trổ và giác vàng này, là để cho nhà sư lên giảng kinh Koran mỗi tuần lễ.
- Mời quý vị xem. Tất cả đá Cẩm thạch lót dưới sàn, trên tường, và trên trần đền thờ, đều được chở từ Ý Đại Lợi đến. Tấm thảm quí dưới chân quí vị, là thảm Ba Tư.
- Đây là toàn bộ Kinh Koran chụp hình lại.
- Bản đồ những chiếc đồng hồ treo trên vách kia là để chỉ những giờ phải cầu nguyện. Mỗi ngày năm lần ở nhà, và mỗi tuần phải đến điện một lần.
- Đây là . . . Đây là . . .
Cô hướng dẫn vừa đi vừa kể. Mọi người theo sau lưng cô, mắt cứ nhìn lên ,nhìn xuống, quay phải, quay trái theo ngón tay cô chỉ. Sheroo lùi lại sau cùng, hỏi một ông sư đứng cạnh:
- Cô ấy bảo chỉ cầu nguyện 5 lần một ngày thôi, tại sao lại có những chín cái đồng hồ?
Nhà sư mỉm cười, vui vẻ trả lời:
- Năm lần theo lệ thường, còn bốn lần kia là phụ trội trong những ngày lễ đặc biệt.
Thấy ông sư có vẻ muốn giảng cả bộ kinh Koran, Sheroon cảm ơn rồi vội vàng chạy theo các bạn, lên xe về bến .
Hành khách ở Singapore lên tàu, phần đông là người Ấn Độ. Bọn họ xoa lên người một thứ dầu rất nặng mùi. Dần dần, sân tàu gần như bị chia làm đôi. Nhóm Người Ấn Độ đi đâu là những người khác tránh dạt cả ra. Và mãi đến lúc ấy, Tùng mới nhớ tóc Sheroo cũng có mùi dầu tương tự . Anh không dám thở mạnh để nhận xét xem nó giống mùi gì mà chỉ thoáng qua một chút trong không khí, cũng đủ làm cho người ta thấy nôn nao khó thở. Có người nói cho Tùng biết rằng dầu ấy làm cho da và tóc họ được bóng lóang và thêm đen, thêm đẹp. Tùng nghĩ thầm, may mà Sheroo chỉ xoa một ít lên tóc, nếu nhiều quá chắc anh hết dám đứng gần.
Thấy Tùng không rời Sheroo, các bạn anh chế nhạo:
- Có người phải coi chừng, trái tim sắp rụng đến nơi! Không hiểu nghe Sheroo nói chuyện bằng cái tiếng Anh giọng Ấn Độ ấy thì có thú vị gì. Nghe mười hiểu một.
Tùng trả lời:
- Phải, các “ ngươi” là giống “ thông minh vặt”, nghe một hiểu mười, còn “ ta” thích nghe mười hiểu một, như thế mới đủ “ huyền bí ly kỳ”.
Tàu càng đi các bến xa, hành khách lên càng đông và màu da càng đen thêm. Qua khỏi Bombay, sóng bắt đầu to và gió dữ dội. Phần đông hành khách đều bỏ cơm, nằm yên trong phòng. Phòng ăn cũng như sân tàu vắng vẻ yên tĩnh hẳn lại. Thấy Sheroo vẫn lên sân, Tùng trêu ngay:
- Nếu tất cả hành khách đều như cô, thì hãng tàu phải đóng cửa sớm.
- Tôi có làm gì thiệt hại cho hãng đâu?
- Từ hôm cô lên tầu, tôi chưa thấy cô vắng mặt trong phòng ăn một bữa nào.
- Đầu óc bóc lột giỏi như anh mà không đi buôn, thật là mai một cả thiên tài.
- Thôi, xin đủ ạ. Nói thực chứ Sheroo không mệt sao?
- Mệt lắm chứ, nhưng phải gắng chịu để làm gương cho kẻ khác bắt chước. Thế nào, hôm nay có phải thân tặng cho anh hai viên thuốc say sóng “Sealeg” nữa không?
Tùng nói lãng:
- Thôi, chúng ta nói chuyện khác đi, đừng để lạc đề nữa!
Sheroo mỉa mai:
- Thế anh cứ nói chuyện nghiên cứu hóa học của anh đi. Ai bắt anh phải đổi chuyện, mà kêu lạc đề ầm cả lên.
- Không, tôi muốn nói chuyện gì khác hơn nghề của tôi. Chẳng hạn như, tôi rất sung sướng vì Sheroo không ăn “bằng tay” như những người Ấn Độ khác.
- Ở nhà, tôi cũng ăn như mọi người, nhưng khi có khách lạ, hay là trước mặt anh chẳng hạn, tôi mới dùng đến các thứ “ khí giới” dao thìa ấy.
- Thế tại sao nhiều người Ấn Độ không ăn thịt bò?
- Những người theo đạo Phật như chúng tôi, tin rằng tất cả mọi sinh vật đều biết đau đớn cũng như người, nên chúng tôi chỉ ăn rau và hoa quả. Chúng tôi uống sữa của bò, nên yêu bò như mẹ, con có bao giờ ăn thịt mẹ không?
- Thế cô không sợ một ngày kia bò sinh sản nhiều quá, sẽ cai trị loài người?
Sheroo cười:
- Thì đã làm sao chưa? Cùng lắm là “ hầu hạï” bò, dẫn bò đi tắm, quét dọn chuồng bò, trồng cỏ cho bò ăn chứ gì! Đối với bò thì chúng ta đã thành nô lệ từ lâu rồi nhưng không nhận đấy thôi.
Một sĩ quan trên tầu đi ngang qua chỗ hai người đứng dừng lại nói:
- Tối hôm nay, tám giờ có chớp bóng. Phim hay lắm, cô nhớ lên xem.
Người sĩ quan đi rồi, Tùng nhìn theo mỉm cười. Sheroo nói:
- Trông nụ cười của anh có vẻ “ bất lương” lắm.
Tùng vẫn cười:
- Tôi kể chuyện cô tích cô nghe nhé: Có một tiểu thư nọ đi tầu biển, người ta xem thấy nhật ký của cô ta viết như thế này:
“ Ngày thứ nhất: Thuyền trưởng là một thanh niên rất đẹp trai”.
“ Ngày thứ hai: Anh ta nói, nếu tôi không đáp lại tình yêu, thì anh ta sẽ đánh đắm tầu, tất cả hành khách sẽ chết đuối, không còn một ai sống sót”.
“Ngày thứ ba: Tôi đã cứu tất cả hành khách và thủy thủ hơn ba nghìn người”.
Sheroo cười ngất:
- Đối với tôi thì .. . còn lâu! Tôi là người không biết “ hy sinh”, dù là hy sinh cho chính tôi cũng vậy!
- Thế cô sống để làm gì?
- Sống để làm gì à? Sống để . . . trêu tức thiên hạ! Ngán chưa?
Tùng chỉ ngoài biển xa hỏi:
- Cô có thấy gì không?
- Quái vật của Đại Dương, lạ lùng gì?
- Cố nhiên là cô phải quen lắm. Cùng họ Quái mà, Cô có tin là nếu tôi có người vợ như cô, thì đàn Quái Ngư kia chắc chắn sẽ được một bữa điểm tâm rất ngon lành.
Sheroo bĩu môi:
- Còn lâu!
Sau buổi nói chuyện với Sheroo, Tùng thấy hoàn toàn thất vọng. Đúng là giữa anh và cô gái Ấn Độ này có một biên giới vô hình ngăn cách. Tùng không thể yêu bò như mẹ, không chịu được mùi “dầu thơm” hôi nồng nực, không thể ăn bốc, ăn cay như các đồng hương của nàng được. Anh là một người tận tụy với khoa học, suốt ngày vùi đầu trong phòng thí nghiệm để tìm những phương thuốc mới, tân tiến nhất. Anh đi sang Đức mục đích để nghiên cứu
thêm những dược chất lạ, còn Sheroo chỉ “ đi chơi”. Sheroo “ đi chơi” trong giấc mơ cũng như trong cuộc đời, trên đường đời, nàng không thấy một việc gì đáng gọi là quan trọng cả. Anh xây dựng, trong khi Sheroo phá hoại. Anh làm cho đời bớt đau thương, còn Sheroo “ sống để trêu tức thiên hạ”. Hai người như đi trên hai con đường song song,trông thấy nhưng không bao giờ gặp được nhau.
Như một người quân tử, xử sự một cách rất ”quân tử”, Tùng tự lý luận: thôi để cho Sheroo yên. Vả lại, chính mình cũng không thực yêu Sheroo cơ mà! Vì nếu yêu thì mình đã làm hết cách, dù là “vương đạo” hay “ bá đạo” cũng được, để có nàng. Dù cho Sheroo có trốn chạy đến tận chân trời góc biển nào, dù “ còn lâu” cho đến ngày tận thế, dù Sheroo có tài trêu tức đến đâu mình cũng không tức, không bị nàng gạt đi một cách nhẹ nhàng như thế. Mình không yêu, mình không yêu”.
Lòng tự ái được thỏa mãn, Tùng yên lòng và vui vẻ như một người “ không yêu” thực sự.
Những ngày cuối cùng trước khi cập bến Marseilles, trời rất đẹp. Tất cả hành khách đều lên sân chơi, nhưng nét mặt mọi người đã bắt đầu hiện ra những xúc cảm khác nhau. Thôi thế là hết những ngày ăn rồi ngồi ngắm biển và tán dốc. Người đi học , kẻ đi làm, Từ đây họ sẽ đi tung ra các nơi khác. Mai đâyphải lo bài vở, thi cử, lo tranh đấu, lo phát triển, lo làm lợi cho mình, làm không hại kẻ khác, bao nhiêu là “ kiểu mẫu lo” đều tập trung cả vào một chuyến tầu.
Tầu đến bến Marseilles ,bến cuối cùng, Tùng từ giả Sheroo một cách vui vẻ, bình thản.
Anh trở về với công việc quen thuộc: phòng thí nghiệm, với những chai lọ ngổn ngang và lại vùi đầu vào sách vở. Tùng tưởng làm như thế anh có thể quên những kỷ niệm vui nhẹ êm đèm và nhất là tưởng mình quên được Sheroo. Tùng kiêu hãnh như người vừa chiến thắng một trận rất vinh quang, dù không có kẻ địch. Anh bằng lòng mình, như một phú ông vừa nhịn tiêu tiền một trăm đồng để bỏ thêm vào ngân hàng cho đủ số hai mươi triệu! Bằng lòng một việc làm khá vô ích.
Sự thực, hình ảnh Sheroo vẫn theo Tùng đến phòng thí nghiệm . Anh càng cố quên, Sheroo hình như càng cố trêu tức anh thêm. Đôi mắt tinh nghịch của nàng hiện ra giữa các con số, chữ tắt, làm anh thỉnh thoảng lại đãng trí và để mình chìm đắm trong nhớ nhung. Tùng nhớ đến từng cử chỉ, lời nói, từng cái chớp mắt, từng mẩu chuyện của anh với Sheroo. Một hôm anh hỏi nàng:
- Nếu có người nói yêu cô, cô sẽ trả lời thế nào?
- Láo hết, không tin.
- Nhỡ thật?
- Thật thì cho họ chết.
- Chết như thế nào?
- Chết trẻ, chết già, chết tự nhiên, chết miễn cương, thiếu gì cách chết.
- Thế còn cô?
- Cũng chết chứ sợ gì ai! Chết tầm thường, chết đặc biệt, chết vui, chết buồn, chết khô, chết héo, chết sung sướng trong tay người yêu, hay là chết vì ghét nhau, chưa biết, còn phải đợi xem “ hồi sau phân giải”.
- Nhưng tôi không ghét Sheroo đâu!
Sheroo trề môi, hất hàm cười bảo:
- Còn lâu!
Lúc ấy, anh cho là Sherro rất dễ ghét và điên. Nhưng bây giờ, thấy hình như trong cái điên của nàng cũng có ít nhiều chân lý thực: đằng nào cũng chết, mà ai cũng chết! Nếu đã như thế, tại sao anh không chọn cách chết vui vẻ, chết dễ thương, chết trong tay người yêu một cách sung sướng?
Tùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao mình đã có thể gàn được đến thế. Một mùi dầu lạ thoáng trong mái tóc Sheroo thì có nghĩa lý gì, mà cũng đủ làm thành một biên giới chia rẽ hai tâm hồn. Với Tùng, bây giờ giá Sheroo xoa dầu cả người cũng không sao. Một bể tắm đầy xà phòng có thể rửa sạch tất cả mùi dầu lạ kia, cũng như một tình yêu chân thành, tuyệt đối, có thể thay đổi hẳn tính coi rẻ đời của nàng.
Khi Tùng tìm ra chân lý, thấy mình đã nghiện Sheroo, nghiện cả những mẩu chuyện trái tai của nàng, khi Tùng thấy thời gian và không gian, cũng như tất cả những sự trái ngược của anh với Sheroo đều không thể làm thành biên giới, thì Sheroo đã ở tận một chân trời nào! Sheroo vẫn còn đang “đi chơi” với hai chữ “ còn lâu” luôn luôn ở trên môi nàng. Còn Tùng vẫn ở nguyên một chỗ trong phòng thí nghiệm của anh, và thỉnh thoảng, các thứ thuốc anh chế lẫn lộn lại làm anh say sưa tưởng như mùi thuốc mê vương vương trong mái tóc người mình thầm yêu.