Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người đập áo sông Năng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 449 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người đập áo sông Năng
Dương Bình Nguyên

Ngôi nhà nằm trong một không gian kỳ lạ. Không phải là một khu vườn, chẳng đủ rộng để hình dung như một trang trại. Bốn bề là những tán cây trái, không hàng lối. Bờ rào là những tàn hoa hồng dại mọc bốn mùa, hoa thao thức nở, đêm hương hoa dắt lối vào tận trong màn. Chái nhà là loại cây kỳ quái có cái tên khó nhớ, ẩn dật. Bà ngoại bảo, nó có một thứ mật rất đặc biệt, người say rượu nhai rễ cây sẽ hết say và thấy ngọt, nhớ mãi không thôi. Dân xứ này có ai là không uống rượu. Mẹ tôi khi sinh được bà ngoại lấy cái tô múc cơm vừa chín tới chan với rượu bà bắt ăn vài thìa. Ăn vậy cho giải độc, khỏi bị hậu sản. Lũ đầu trọc bọn tôi chưa kịp lớn để biết cách uống rượu đã say mèm trong mỗi ngày giỗ chạp. Bà ngoại mấy chục năm úp men, nấu rượu, mùi bỗng rượu thoang thoảng thơm suốt bốn mùa nơi cuối bếp. Ông ngoại mỗi sáng tỉnh dậy, mời các bác cùng chòm chén rượu, hút điếu thuốc lào. Bệnh tật từ đấy mà ra nhưng bệnh tật cũng từ đấy mà khỏi. Chuyện nhật thường như cái nùi rơm xó bếp.

Nhà bà ngoại hất mặt lên núi. Sáng sớm mây quẩn xuống chuồng khỉ, sương ướt đẫm cả sân trước sân sau. Nhà sàn của bà có bốn mái. Một mái cho chim sẻ kêu xéo xoét mùa thu. Mái kia cho chim bồ câu, chim cu gáy tung hoành ngang dọc. Hai mái còn lại mưa phủ, nắng phơi, rêu mốc tràn thân ngói. Cầu thang nhà bà màu đen xỉn, trông như mấy khúc củi cháy dở, lên bậc cao nhất là phải bỏ dép rửa chân. Ngày thường, bà dậy sớm, mang ống mai đi lấy nước về hâm rửa mặt. Rồi lên rừng chặt cây chuối non về thái bằng con dao phay cũ, nước thép sáng lóa. Bà bảo, cây chuối lành từ củ cho tới ngọn. Thân non đem trộn rau sống cũng được, nấu canh chua cũng ngon mà xào với thịt sóc thì lên hàng đặc sản. Hoa chuối đỏ rực khắp rừng, đi bẻ bi về, thái mỏng, làm nộm. Tết đến, bà lên rừng chọn những tàu là xanh mướt, to bản dọc xuống về hơ chín gói bánh. Thường ngày bà đẵn chuối về thái, lấy chày tay giã nát để quấy cám cho đám lợn con. Ngày nghỉ hè, tôi về nhà, bà bảo dọn lại cái cối giã gạo cũ để người giã, người vun chuối cho nhanh nát. Mấy chục năm, đầu chày bóng loáng. Giờ không ai giã gạo nữa, nhưng bà vẫn giữ lại, để mùa hè có tôi giã chuối, mùa đông Tết đến tôi vế giã bột nếp cho bà gói bánh ngải, bánh dợm. Cái cối như là di vật cuối cùng của ông ngoại. Sau đận lên rừng lấy thân gỗ pho làm chày, về đục đẽo cái cối, lắp ngai cho bà giã gạo, ông bỏ đi theo làm nứa xuôi bè với người ta. Đi mãi cũng chẳng về. Bà ngoại mấy năm đi tìm không thấy, bà về ngồi nhìn cái cối gạo, chảy nước mắt. Từ bấy, bà tâm tình với cái chày cối gạo. Đêm đêm bà mang rượu mật gấu ra bóp chân, đem rượu chuối hột ra uống chữa đau lưng. Tôi về, bà đưa cái nậm rượu bảo, có uống tí chút cho nó nóng người lên. Tôi nhấp môi, rượu ngọt lừ. Bà cười, lũ chúng mày không ăn thua gì cả, uống như con gái. Nhưng thôi cũng tốt, nát rượu như thằng bố mày bán cả gia sản, bán cả vợ.

Mẹ tôi đi lấy chồng lúc mới mười bảy. Bố tôi sau khi bán đồ đạc, mấy mẫu ruộng, vài cánh rừng cho người họ khác đem nướng vào chiếu bạc thì nản nản, lại thấy xấu mặt với gia đình nhà vợ. Bố tôi cũng lặn ngụp đời thương lái xuôi về Thái Nguyên, Bắc Giang gì đó. Hai năm sau, tôi chập chững bước lên bặc thang nhà sàn thì có người đàn ông đến, rúi vào tay mấy gói kẹo to tướng. Quả là ăn kẹo ngọt thật, cảm giác rất khác lạ so với mấy đầu muỗm mùa gặt của mẹ. Ông ta bảo, bố tôi đã nợ mấy triệu bạc. Mẹ tôi cười nhạt, ông ấy đi lâu lắm rồi, chẳng liên quan gì đến nhà tôi cả. Ông khách không có ý ngại, bảo “Thì cô cứ đi theo tôi, đến bảo lãnh anh ấy về. Anh ý đang bị người ta trói kia kìa”. Mẹ tôi lật đật đi nhưng không lật đật về. Mẹ có xe đưa. Dùng dằng đâu cỡ ba năm, mẹ tôi lên xe xuôi đèo. Thế là mọi chuyện sạch sẽ và không ồn ào. Bà ngoại mất sạch, may còn cái mun cháu ngoại, láo như ranh và thò lò mũi xanh. Bà bảo, mày có đi thì tao cho đi theo luôn. Lúc đầu, tôi leo tót lên cây dừa đầu cổng: “Điên à? Không đi đâu”. Sau này mỗi lúc tức mình, bà chửi: “Sư bố ranh con, lúc ấy nó theo con mẹ nó có phải mình rảnh nợ không?” Tôi ở lại, học hành lớt phớt, tính đi đào quặng kiếm tiền chứ nghĩ gì đâu xa vời như bây giờ. Trong núi, người ta trúng ục, tiêu tiền như phá mả. Giàu xụ, nuôi cả bầy khỉ như vườn bách thú. Tôi mang con khỉ đi bán, bà ngoại giằng lại: “Của ông mày đấy, ranh con ạ”. Con khỉ đít đỏ kêu choen choét, ghét không chịu được. Tôi bảo: “Cháu bỏ học đi làm quặng”. Bà bảo: “Mày thích thì cứ đi. Nhiều ruộng, lắm trâu như bố mày còn chẳng biết đường giữ nữa là cái ngữ oắt con như mày. Khôn ngoan không lại với giời đâu.” Tôi vẫn một mực đi làm quặng. Hôm sau vào núi, nghe tiếng uỳnh một phát, mấy chục mạng người không kịp ngáp, yên lặng nằm lại dưới mấy tấc đất. Tôi mật xanh mật vàng lao về với bà. Bà chép miệng: “Cái ngữ mày không học hành cho tử tế, bám vào ông nhà nước, không chết nhăn răng tao không làm cái giống người”. Tôi không nói gì, xếp lại mấy cuốn vở nhàu nhĩ. Thì học hành cho mát mặt với đời. Thi khối C, tạm ổn. Bà tôi cười, mép vương dài vệt cốt trầu: “Nó vẽ vượn vào giấy thi thế mà cũng đỗ đại học”.
Từ bấy là xa miên miết. Bả thị thành cuốn lấy biết bao nhiêu đứa nhà quê. Mùa hè năm thứ nhất, tôi mang cả mấy chục bài thơ về nghỉ hè. Thơ chả ăn được. Nhưng nó làm cho cái nhà sàn vui lên hẳn. Đêm đêm rúc rích con trai con gái vui như trẩy hội. Cái xóm này, con trai con gái đi đêm với nhau là chuyện thường tình. Bởi thế mới có những bà già ngồi đập áo bông bên sông, ngóng miên miết về cuối con nước mà nhớ, mà nghĩ vẩn vơ. Biết bao nhiêu đứa con đã sinh ra bên bờ sông này. Chúng không cần có bố. Mẹ chúng tự cắt rốn, nuốt nửa bát cơm chan rượu, vài tháng tuổi địu con đi phát rẫy. Lên rẫy, ngoắc vòng vào hai chạc cây, ru con ngủ. Dao quắm dài mẹ phát, mẹ xua đi mấy con rùi hôi rình đục đất ăn vụng sắn. Dao quắm mẹ dài lắm, mẹ đuổi cả những thằng đàn ông vo ve như ruồi. Mẹ nuôi con lớn. Con là con gái mẹ dạy con kéo sa quay sợi, dạy con thái chuối mỏng, nuôi lợn béo để làm vốn về nhà chồng. Con là con trai mẹ dạy con chọn cây gỗ pho về làm chầy cối gạo, chọn thân cây thừng mực về đốt nước bánh tro, chọn đám nghiến thân già đốt về làm ván bưng nhà sàn, chọn cái ruột mèo dài về làm dây nỏ bắn con chim đại bàng. Mẹ không dạy con trai tán gái nhưng con trai tự biết. Thế nên những buổi tối mùa hè là những buổi tối rúc rích, những tối mùa đông là những tối rù rì, ngồi tẽ ngô hạt, trông cái chõ rượu rồi nắm tay nhau. Hè rúc rích năm thứ nhất, tôi trông rượu thay bà ngoại. Một cô gái tóc mượt và mắt ướt rượt. Cô tên là Tần. Bà ngoại đi uống rượu cúng ma khô bên làng về, khục khặc ho ngoài cổng. Tôi đưa Tần ra cầu thang phía sau. Hôm ấy trăng sao mà đẹp.
Hè năm thứ hai tôi về, nhà có thêm hai con người. Bà ngoại bảo, tao đón nó về đấy. Tần nhìn tôi thản nhiên: “Em mang con về ở với bà cho đỡ vất vả”. Tôi không nói gì, thật ra cũng chẳng nên nghĩ nhiều. Tần thái chuối thay bà ngoại, tôi vẫn giã bằng cái cối cũ rích, cối chày lỏng lẻo và ọp ẹp nhưng vẫn sáng lóa. Tần nuôi con một mình, tôi thấy mệt mệt, cũng không hỏi chuyện gì. Được một tuần tôi lượn mất. Bà đưa xuôi cầu thang: “Mày là thằng mất dạy”. Tôi bảo: “Tại bà, chứ có liên quan gì đâu”. Bà tát vào mặt tôi: “Đừng về nữa”.
Tôi vẫn cứ về. Mùa hè cuối cùng trước khi bước vào cuộc đời công chức, tôi mang cô gái tôi yêu về nhà. Tần đón tiếp cô như một thượng khách. Cô bảo: “Chị gái anh xinh phết”. Tần bảo: “Cô cậu cứ nghỉ ngơi, đường xa chắc mệt”. Thằng oắt con thò lò mũi xanh giống bố như đúc, leo tót lên cây bứa già cỗi: “Điên à, biến nhanh lên”. Cô gái tôi yêu ngồi cạnh bà ngoại, mắt nhóng lên cái vấn tóc cũ rích và đôi môi nứt nẻ vì trầu thuốc của bà. Bà bảo: “Con yêu thằng Toàn lâu chưa?”. Cô gái cười tươi: “Dạ, cũng nửa năm”. Bà tiếp: “Nó có hứa hẹn gì không?”. “Dạ, sao lại phải hứa hẹn. Cháu yêu anh ấy”. Bà ngoại cười: “Tình là cái chi chi”. Cô gái vẫn chưa dứt cái nhìn về phía những lọn tóc bạc quấn trong làn vải nâu non. Mẹ cô không thế, mẹ cô vẫn thích kiểu tóc mì tôm tràn lan bây giờ trên đầu các cô thiếu nữ mới ra trường, mới đi làm muốn quyến rũ đồng nghiệp và được lòng sếp. Mẹ cô trang điểm mỹ phẩm Hàn Quốc và đi dép sandale cao gót. Như cô, mẹ rất đẹp và sắc sảo hơn người. Cũng là phụ nữ, cách nhau hai trăm cây số, hình ảnh đã xa vời vợi, biết tìm làm sao một tiếng nói chung? Cô bảo: “Nếu chúng cháu cưới, bà ra phố ở với cháu nhé”. Bà ngoại cười, chẳng nói gì. Hương rượu nếp làm mặt bà đỏ au, mà sao mắt ầng ậng. Thằng oắt chạy vào lòng cụ, giơ cái tay sưng vù vì bị ong vò vẽ đốt. Bà hốt hoảng đi lấy dầu cao hổ. Còn lại nó với cô gái. “Cháu tên là gì?” - Cô làm quen. “Hỏi làm đ. gì?”. Cô khựng lại, rồi cười độ lượng, trẻ con không bố vốn vậy, mười bà mẹ thì đến chín phẩy chín chiều con như chiều vong. “Cháu không được hư nhé, cháu tên là gì nào. Nói đi, cô cho kẹo đây này” - Cô giơ ra đám kẹo chocolate bằng đồng xu. Mắt thằng bé sáng rực. Vừa nói nó vừa giật lấy, nhồm nhoàm nhai, nó bảo: “Tên là Giảo”. “Mẹ cháu tên là gì, bố đâu?”. Thằng bé chạy tót vào trong nhà: “Cụ ơi, con mẹ mắt xanh kia là công an, nó hỏi như trên tivi ấy, sợ lắm”. Bà ngoại bạt tai nó: “Hỗn nào, cô ấy là bạn...”. Bà khựng lại, rồi rối rít xoa dầu lên tay thằng bé. Ong vò vẽ độc lắm, đốt sưng mọng. Đêm nay thì nhức phải biết. Tôi leo lên rẫy. Tần đang làm cỏ mố. Lúa mố mùa này tốt bời bời, cũng theo đó mà lồng vực, cỏ lác rồi thạc dạc mọc tràn lan. Tần bảo: “Lên làm gì, cỏ cứa đứt tay”. Tôi bảo: “Tần không giận chứ?”. Tần cười nhạt: “Phận tôi vậy, giận để thấy đời thêm nhục ra. Tôi thương bà ngoại, chứ cứ như ngữ anh, tôi mang con trôi sông lâu rồi”. Tần vừa làm cỏ mố, vừa tiện tay cắt những đọt thạc dạc non, về trộn với chuối nấu cám lợn. Kỳ thực thì Tần vẫn rất đẹp, tóc mượt và dàimiệt mài tưởng như nhọc nhằn chỉ đủ sức làm sờn vai áo. Tôi bảo: “Tôi thật nông nổi”. Tần cười: “Còn tôi thì ngu, thằng cu Giảo hôm qua nó chửi tôi, sao mà mẹ ngu thế, mẹ đuổi bố con đi để mẹ phải tắm cho con suốt ngày thế này à. Tôi mắng nó, bố mày bị người ta thả trôi sông từ tám đời rồi, đợi cậu mày về tắm cho. Hôm nay anh về, mang ra sông gội cho nó cái đầu cho sạch cứt trâu. Trẻ con, nó chẳng biết gì đâu”. “Tần để nó láo quá, chửi mắng lung tung”. “Giỏ nhà ai quai nhà ấy, tiếng tăm của anh từ bé còn để lại, tôi biết cả mà”. Đã thấy Tần rơm rớm nước mắt. Tôi thôi không nói, nhìn tay Tần đang thoăn thoắt giật cỏ. Tôi len qua những đám cỏ lác. Mùa hè, đứng giữa khoảng thênh thang của núi, của đồi, thấy cái miền tĩnh lặng này thật kỳ diệu. Chỉ khi tôi chưa ra đi, thung lũng quặng này còn là một vùng lổn nhổn những đất đá và những cái hố sâu hoắm, chất chứa trong nó đủ thứ thổ tả của mọi loại người. Tạp nham và đầy bất trắc. Vậy mà quặng hết, người bỏ đi, vài năm trở lại đã thấy ngập tràn lau sậy, những thân gỗ nhỏ đang tung hoành mạnh mẽ. Những chiếc lông chim ri trên nền rơm vàng và tiếng lúc lắc mõ của lũ trâu đang mùa thong thả. Và từng bầy chim chao cánh trong nắng, líu ríu đậu trĩu cả những ngọn giang. Có lẽ đã từ lâu lắm, từ khi chạy trốn khỏi miền rừng này, tôi mới thấy được chút yên lành của gió và nắng, thấy hương thơm sực nức của hoa ong vàng. Ngày còn trẻ dại, tôi vẫn thường leo lên ngọn đồi này, nhìn thoai thoải sang phía bên kia, thấy những bóng nón lấp lóa nắng đang gập mình cấy lúa trên những mảnh cong vắt của ruộng bậc thang. Tôi từng tưởng tượng rất nhiều và thầm nghĩ ra trong mấy chục chiếc nón ấy, sẽ có một người là mẹ. Thai gian vắt rêu lên thềm nhà, vắt tầm gởi lên cây pho đỉnh dốc, vắt mây lên mái tóc bà tôi. Chỉ có mẹ tôi là không bao giờ quay về. Và thung lũng này, căn nhà này vẫn vậy, hiền lành như sương chiều, như khói mỏng
Cái vùng đất tưởng như đã thành máu thịt, mọi đường đi lối lại ngỡ như những vết chỉ tay nay thành như mới mẻ, thành lạ lẫm quá chừng. Tôi lang thang dọc lối, bỏ mặc hoa cỏ trĩ bám chịt hai gấu quần. Một cảm giác thật khó tả, khiến mọi ý nghĩ bị đứt quãng và lan man trong những khoảng ký ức mông lung. Luôn luôn là bây giờ và ngày trước, mọi thứ xen cài nhập nhằng. Bỗng nghe tiếng “phựt”, tôi giật bắn mình. Trước mặt tôi không xa, một khoảng đất rộng, hai con rắn hổ chúa đang giương mào, đầu ngóc dựng và mắt thao láo. Chúng đang rình miếng và quần nhau. Một cảm giác lạnh buốt vuốt mạnh nơi sống lưng. Ngày nhỏ, ông ngoại hay kể, những ngày nắng đẹp, răën hổ mang chúa thường quấn đôi trên cỏ, quần nhau tơi bời rồi mỗi con mỗi hướng. Những con cái bụng mang dạ chửa một mình, nuôi con một mình và lột xác vắt vẻo trên cành cây. Không ai biết con đực đi đâu, nhưng đến mùa kết đôi, bằng sự thính nhạy đặc biệt của bản năng, chúng lại dò tìm được tín hiệu và lại quay về với nhau, quây quần và đoàn tụ. Còn với bà ngoại, mọi câu chuyện đều phải mang màu huyền thoại. Bà kể, ông hổ chúa trên núi Giếng to như cái chày cối gạo. Ngày trước, người làng theo vết ông lên núi, vết ông trườn từ núi xuống sông uống nước đã thành vệt nhẵn thín, vệt dài tròn như vết hươu đi. Hôm ấy trời nắng to, ông hổ chúa xuống song tắm, quẫy ùm ùm như trẻ con dìm nhau. Có người theo vết mà lên núi, cuốc đất lấp miệng hang. Ông tức giận, quẫy rung chuyển cả cái núi Giếng. Nghe nói, người ấy sau bị hùm vồ, mất xác. Khi người làng thấy thì mối đã đắp kín cái thân trên, phần thân dưới không còn thấy dấu. Bà ngoại chậc lưỡi, vẻ kinh hãi vẫn còn vương trên nét mặt: “Ông hổ chúa báo oán đấy, đừng có đùa”. Ngày đó nghe biết vậy, nhưng chưa khi nào tôi thôi cái ám ảnh sợ hãi khi nhìn thấy con vật có đôi mắt thao láo và cái lưỡi lướt nhanh như tia chớp, phun trả phì phì và nhất là làn da bóng lưỡng, bắt nắng sáng như gương chiếu. Từ bé, bà đã bảo tôi nhát gan. Nhìn thấy con rắn hoa cỏ mình vằn vện như tắc kè đã khóc thét. Ông rắn ráo lừ dừ, ông hổ mang chì hôi như cú, ông dọc dưa mình dài như đòn gánh, ông cạp nong khoang trắng khoang đen... Tất cả đã là nỗi ám ảnh. Bà bảo, ông nhắm rượu với thịt rắn cho nhiều vào để rồi thằng cháu nhìn con rắn hốt hơn hốt cọp... Tôi cứng chân, dường như mọi cảm giác đã tê liệt. Bỗng một con rắn nhướng cái đầu có mào về phía tôi. Loài rắn kỳ lạ, chúng có một linh giác đặc biệt về phía kẻ thù. Cái lưỡi thè ra thụt vào và đôi mắt thao láo của nó nhìn tôi trừng trừng. Có cảm giác như chúng đang định quăng mình về phía kẻ phá đám. Bỗng một con dao quắm quăng vèo từ phía sau tôi. Con rắn lao theo đường dao. Tần kéo tay tôi chạy thục mạng trở lại: “Anh dại thế, mùa này rắn hổ chúa quấn nhau. Nó dữ lắm đấy. Đánh nó là thần phạt đấy, bà ngoại bảo thế”. Tần nắm tay tôi, vừa thở vừa chạy. Về đến bãi cỏ mố, như quá mệt, Tần vấp phải gốc cây ngăm, ngã nhào về phía trước. Theo quán tính, tôi đổ ập lên người Tần. Về sau, khi quay lại thành phố, quấn quýt với những vòng quay của công việc, tiệc tùng, tôi mới nhận ra rằng, mình đã mắc lỗi với Phan không chỉ một lần. Còn khi ấy, mọi thứ đã trở thành sương bay trên đầu, thành gió gọi trên ngọn cây. Để về sau, rất lâu sau, tôi nhận ra rằng, chưa bao giờ mình thoát gọn ra khỏi vòng kiềm tỏa của bản năng. Tần đang ở đây, bầu ngực căng tràn và mắt ướt, môi mọng. Vẫn là Tần của năm năm về trước, hừng hực đấy, mãnh liệt đấy nhưng cũng thật thuần khiết, dịu dàng. Tôi quấn chặt lấy Tần, theo bản năng. Chúng tôi đã sống hết mình, mạnh mẽ và trọn vẹn. Trên cỏ. Giữa núi đồi và nắng chiều.
Sau tất thảy, Tần vội vã đắp quần áo lên người tôi và rũ lại tóc. Tần bảo: “Anh về đi, tắm cho thằng cu Giảo. Còn cô ấy nữa. Đàn bà, nhục thật”. Tôi cun cút đi xuống, người nhẹ bẫng như bị rút sức. Không vui, chẳng buồn, đầu óc lộn xộn những ý nghĩ vụn vặt. Thằng bé răng sứt và cái tay sưng vù vì ong đốt đang ngồi với bà ngoại. Bà đang thái mớ rau bầu khai màu tím tái. Con gà lục tục nhốt trong lồng, cái mào ánh lên đỏ chói. Tôi hỏi: “Phan đâu?”. Bà ngoại ngước mắt lên: “Cô ấy đâu đó, hình như lên đồi”. Tôi gọi: “Giảo, đi tắm”. Thằng oắt mắt tròn mắt dẹt: “Tắm sông á?”. Tôi củng đầu nó: “Tắm sông, cho ông cụ non tồng ngồng một bữa để con gái nó thấy hết giống má nhé”. Thằng oắt khanh khách cười: “Thế chú là bố cháu à?”. Tôi giật mình: “Sao thế?”. “Mẹ cháu bảo, khi nào bố về sẽ cho đi tắm sông”. Tôi lấy túi quần áo ra, tiện tay mang theo cái điện thoại. Quần áo của Phan thơm nồng nàn nước hoa, lây lan sang mớ quần áo của tôi chưa một lần ủi. Thằng oắt nhìn cái điện thoại, hỏi: “Có chơi được điện tử không?”. “Chơi bắn máy bay nhé” - Tôi vừa dò tìm games vừa bảo nó. Nó sướng rên lên, cầrn cái máy điện thoại như báu vật vừa đi vừa hô chíu chíu. Bến sông con gái con trai tràn cầu giặt, trâu quẫy khúc dưới, người tắm khúc trên. Vẫn như trước, bình tĩnh đám bà già đập áo bông đem phơi. Họ nhìn tôi, không cười. Tôi cất máy điện thoại vào túi quần, quăng thằng bé xuống sông rồi nhào vào lòng nước mát. Chẳng có cái vòi hoa sen nào mơn man da thịt được như nước sông Năng. Thằng oắt giẫy nước đành đạch, kêu la um xùm. “Chú là bố cháu thật à?” - nó vẫn đeo bám bằng được. Tôi dìm đầu nó xuống nước: “Tập lặn đi, làm rái cá nhé”. Nó nhoi đầu: “Chú đểu lắm, có phải là bố thì bảo một câu”. Tôi nhìn thằng bé, láu lỉnh lắm nhóc con ạ. Nó nhao lên bám cổ tôi sau cái gật đầu. Nó như một phiên bản của tôi cái ngày mặt mũi xanh lét màu chàm ngồi trên cầu thang đợi mẹ đi tìm bố. Cái tiếng “bố” vỡ ra trong cổ họng thằng bé. Và tôi thấy mình như đang trôi đi.

Nhá nhem tối, Tần hấp hoảng đi gọi chúng tôi về. Bỗng nhảy dựng trong túi quần một cái tin nhắn. Tự dưng phập phù một đọt sóng làm gì. Là Phan. “Em về trước đây, anh tệ thật”. Tần cõng con trên vai, không nói gì. Tôi ngồi một mình trên phiến đá sát mép sông. Bến giặt áo bông ngập trong ánh chiều đỏ sậm. Sông Năng miệt mài, sông Năng của muôn đời với những bà già ngồi giặt áo màu hoa mận hoa đào. Và những người đàn ông xuôi bè, như tôi, có mấy ai ngoái đầu nhìn lại những đốm tóc phất phơ theo dáng người còm cõi mỗi mùa đi. Tôi quăng cái máy xuống nước, thấy đời mình như những đọt sóng điện thoại, lúc hừng hực no đủ, lúc khánh kiệt xác xơ và cũng có lúc lơ mơ như lúc cái tin của Phan dội đến. Tôi lơ mơ đi trong đời sống, để đến giờ tôi phải đứng giữa ngã ba.

Mùa hè cuối cùng khá mỏi mệt. Tôi nghỉ một tuần rồi lên thành phố, đi làm cho một công ty quảng cáo. Bữa cơm tiễn tôi, thằng bé quấn quýt như sợ mất bố. Tần im lặng như vốn thường ngày vẫn vậy. Hơn mọi khi, tôi biết rằng Tần rất đẹp.
Đêm cuối ở nhà, tôi ngồi lặng lẽ bên thềm. Hương hoa hồng dại ngập tràn cảm giác. Bà ngoại ngồi uống rượu trong bếp, mùi rượu nếp thơm nồng. Tiếng bà ngoại nhỏ dần trong đêm: “Kệ cha nó, con ạ. Đàn ông đi mãi cũng không qua được gấu áo đàn bà đâu”. Rồi bà vừa đun cám vừa hát, tiếng hát bà khê khê mà vang xa:

Thân noọng như toong chinh cằn khuổi
Than pì như toong cuổi nà lườn
Toong cuổi cắt lìa mừ liền héo
Toong chinh thác tình kéo nhằng kheo...


Tạm dịch:
Thân em như lá dong bên bờ suối
Thân anh như lá chuối trên sân
Lá chuối ngắt lìa cành liền héo
Lá dong phơi trên đèo vẫn xanh.


Tôi ngồi cùng trăng lên. Cả khu vườn đung đưa trong gió và ánh trăng vắt vẻo trên những tàn lá già. Mọi thứ gần quá, thân thiết quá, như những ngón tay liền kề với nhau. Bếp tắt, trăng tà, sông vẻ như cũng thôi ầm ì tiếng nước vỗ bờ đá. Tôi nhìn lên những ngọn núi trước nhà, chúng đứng như người đứng, câm lặng và thản nhiên. Có một hơi thở âm ấm, một đôi tay dịu dàng đang đậu tren vai tôi. Đôi tay chẳng nói gì, đôi tay dịu mát. Chúng tôi ngồi im lặng, hai vai tựa vào nhau. Hôm sau, tôi xách va li bước qua then rào cổng của bà ngoại. Thằng bé vẫn đang say ngủ trong vòng tay mẹ. Tôi đi. Những con đường rất nhỏ, mòn vệt dấu chân người, sao chúng giống nhau đến thế, đến khúc quanh cũng giống nhau. Và cả những cái ổ gà. Tôi nhìn những người đàn bà cần mẫn đập áo bông bên bến đá. Này sông Năng, sông sao mà miệt mài. Còn tôi này, sao mà tôi giống những người đàn ông xuôi bè, xuôi qua biết bao nhiêu bến đập áo bông?

Hà Nội, 3-2003



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 915

Return to top