Trái cấm
Lise Mey
Tôi sinh ra trong một ngôi nhà - hạ đến thì nóng như đổ lửa, đông về lại lạnh tái tê. Tôi lớn lên giữa ngút ngàn những vườn nho, gia sản bốn đời của dòng họ chúng tôi. Ngày sinh nhật lần thứ Sáu, tôi được nếm hớp rượu nho đầu tiên - Một năm trọng đại”, cha tôi đã nói thế vì năm đó cha trúng mùa. Các hầm đều ngập tràn thứ rượu nho thơm tho, ngọt ngào.
Năm tôi tròn mười lăm tuổi thì có một người đàn ông lạ, từ Paris về sinh sống ở vùng chúng tôi. Ông ta thực tình chẳng biết gì về rượu nho và chỉ thưởng thức những loại rượu nhãn mác lòe loẹt. Ông ta đã mua lại toàn bộ vườn và nhà của Pradel - Hắn ta rồi sẽ cuốn gói thôi - cha tôi đoán.
Tôi thì chỉ dám đứng từ xa ngó người láng giềng. Ông ta sống một mình và hầu như không chuyện trò với ai bao giờ. Có lẽ ông ta đang lo học cách trồng nho. Năm ấy thời tiết thật tuyệt vời, suốt hè tịnh không có một cơn giông bão nào đi qua xứ nho của chúng tôi. Nho ra chùm trĩu nặng, đẫm mọng nước và óng ả dưới ánh mặt trời. Cha tôi đứng nhìn khu vườn của ông hàng xóm với vẻ ghen ghét lắm. Xưa nay trong vùng, cha tôi luôn là người thu hoạch đầu tiên và rượu nho của gia đình tôi nổi danh nhiều đời vì vị ngon và cha tôi, hẳn không đời nào để cho dân thành thị chân ướt chân ráo qua mặt được mình. Năm đó, ông hàng xóm thất mùa. Ông chẳng biết gì về nho. Ông đã thu hoạch quá trễ. Cha tôi lại lẩm bẩm: “Hắn rồi phải cuốn gói thôi! - Từ lâu, cha đã ngắm nghía mua đứt luôn vườn nho nhà Pradel.
Năm tôi Mười Tám, giật được mảnh bằng tú tài thì cha tôi qua đời. Cùng năm đó, lần đầu ông hàng xóm được mùa. Tôi trở về nối nghiệp gia đình. Thời gian thấm thoắt trôi… Tôi quyết định đem rượu nhà đi thi thố và đã thành công vượt bực. Rượu của ông hàng xóm Francois cũng rất ngon nhưng không được hưởng ứng. Ông không bực tức mà chỉ nói khẽ: “Tôi đã chuẩn bị thi tài từ năm năm qua. Một ngày nào đó, tôi sẽ thành công - Giọng ông thật tự tin, nhưng tôi đọc được trong mắt ông một nỗi buồn nho nhỏ. Tôi chìa tay: “Janie. Chúng ta là hàng xóm mà - Ông tránh nhìn tôi. Trong vùng, người ta bảo François thích sống cô độc, nhưng tôi nghĩ đơn giản là ông ta nhút nhát. Ông chẳng giao du với ai, ngoại trừ dăm câu chuyện ngắn ngủi về vườn nho, thu hái và rượu… Ông yêu thương vườn nho còn hơn người chồng yêu vợ. Dần dần, xung quanh cũng quen với lối sống của François và ông đã được cộng đồng chấp nhận.
Tôi vốn ương bướng. Tôi muốn biết thêm nữa những điều ẩn chứa sau vẻ lạnh lùng của ông. Tôi viện đủ mọi cớ để có mặt bên khu vực của ông. Chẳng bao giờ ông mời tôi vào nhà, cho đến buổi chiều tháng Tám ấy. Trời ì ầm nổi giông.
- Lại là cô nữa!
Tôi ráng nặn một nụ cười thật tươi.
- Tối nay hội trồng nho họp tại toà thị chính. Em nghĩ là chuyện này có thể làm ông quan tâm.
Ông ta lắc đầu:
- Không hề, mà cô cũng thừa biết điều đó. Tôi không hiểu sao cô cứ cố sang đây? Tôi chẳng có gì để mời cô đâu.
Ông ta chẳng buồn đóng cửa và tôi lẽ ra đã phải bỏ đi trước thái độ lạnh nhạt đó. Nhưng tôi vẫn đứng nguyên trước mặt ông ta, nhìn thẳng vào đôi mắt u buồn kia và nuôi thêm chút hy vọng. Cuối cùng, Francois lầm bầm:
- Cô có muốn uống chút gì không?
- Vâng, cảm ơn ông.
Ông ta đưa tôi vào nhà và pha một tách café, đặt trước mặt tôi mà chẳng buồn mở miệng mời tôi ngồi. Ngoài kia sấm rền vang, chớp rạch chằng chịt như muốn xé toang bầu trời.
- Tôi nghĩ là mưa bão thế này, sẽ bất lịch sự nếu để cô về. Cô có thể ở lại đây chờ ngớt gió, nếu cô muốn. Tôi có chút việc dưới hầm rượu.
- Ông có thể cho em đi cùng không?
Ông ta chặn ngay lại.
- Không!
François là một con gấu thực sự, còn tôi thì lại là con ngốc… Sau vụ này, tôi quyết định không liều lĩnh thế nữa. Tôi thật khờ khi hy vọng moi được chút thiện cảm từ người đàn ông ấy. Với ông ta, có lẽ tôi chỉ là một con bé quá tò mò và ương ngạnh.
Mùa thu hoạch bắt đầu sớm hơn dự kiến. Chúng tôi quá thiếu nhân công dù đã thuê thêm nhiều người mới. Chúng tôi phấp phỏng lo không hái xong nho kịp thời hạn. Bên François thì đã đâu vào đấy, khi ông thu hoạch xong là lúc chúng tôi còn đến hai luống nữa. Mây bắt đầu vần vũ và tôi thực sự cuống quít. Bỗng chừng non chục người xuất hiện trước nhà tôi.
- Ông François bảo chúng tôi sang giúp cô mà.
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì họ đã lao vào việc. Ơn Chúa, trời tối xuống thì mọi việc đều hoàn tất. Sấm vẫn động ì ầm, song cũng không ngăn nổi thợ hái nho ăn mừng vụ mùa thành công. Những món ngon cổ truyền được bầy ra nóng hổi. Rượu vang được mở tràn trề. Cuộc nhậu thật ồn ĩ. François không bao giờ tham gia những cuộc vui thế này. Tôi rảo bước sang nhà ông và giật chuông liên hồi. Cửa sổ bật mở. Có tiếng nói vọng ra:
- Các vị cần gì xin cứ tự nhiên. Rượu và đồ nhắm sẵn sàng trong kho cả đấy. Xin chào. Chúc vui vẻ!
- Em đây, Janie mà. Em muốn cảm ơn ông.
Cửa sổ đóng lại, cửa đi bật mở.
- Mời cô vào.
François mời tôi vào phòng khách và rót cho một ly cô-nhắc.- Cô còn trẻ lắm Janie ạ, lại xinh xắn nữa. Vô số đàn ông sẽ hạnh phúc hơn nếu được người như cô quan tâm, nhưng tôi khác họ. Đúng là tôi thích cô lắm, nhưng xin đừng hy vọng gì ở tôi.
Tôi nhấp một chút rượu để lấy can đảm.
- Chúng ta có thể làm bạn với nhau.
François cả cười:
- Cô lại tin vào tình bạn đơn thuần giữa người đàn ông và người phụ nữ à?
- Vâng, tôi trả lời vẻ tự tin, nhưng lại thầm trách mình đã lỡ bước chân sang đây.
- Tôi thì không! Cô biết tại sao không?
Ông ta kéo ghế lại gần tôi và uống hớp rượu, rồi bắt đầu kể:
- Trước đây có một chàng trai ngây thơ và mơ mộng, cha chàng ta có rất nhiều bạn bè trồng nho. Một mùa hè, ông ra nảy ra ý định đưa cậu con trai duy nhất đến nhà một người bạn.
- Đấy là ông phải không? - Tôi hỏi, thật hồi hộp.
- Phải đó, Janie. Khi ấy tôi hai mươi. Còn cô chỉ là một bé con. Bạn cha tôi có loại rượu danh tiếng trong vùng. Ông ấy rất bận nên để cho vợ giúp tôi giải đáp những thắc mắc về nghề trồng nho. Bà ta tên Katleen… Là người Ireland, nhưng lại thiết tha yêu mảnh đất này…
- Bà nam tước Pradel? - Tôi buột miệng.
***
François dường như chẳng chú ý đến tôi. Ông đang tự kể cho chính mình câu chuyện của mười năm về trước.
- Katleen khi ấy đã ba mươi. Tóc hung đỏ, mắt nâu và mỗi sáng sương còn chưa tan hết, nàng đã kiêu hãnh trên lưng con ngựa ô đi dạo. Bao trái tim phát cuồng lên vì người thiếu phụ kiều diễm này. Nàng nhiều lần mời tôi đi cùng, dọc bãi cát, ven rừng thông… Cô cứ tưởng tượng cảm xúc của một chàng trai trẻ chưa biết mùi đời… Katleen thì quá đẹp, quá rành rẽ. Nàng chỉ dạy cho tôi nhiều điều, phạm lỗi cùng tôi mà không mảy may e ngại, hối tiếc gì. Và mỗi khi chúng tôi trở về nhà, nàng lại chạy đến bên chồng như thể giữa chúng tôi chẳng hề có gì xảy ra…
Ngây thơ, tôi những muốn hoàn toàn có được Katleen, tôi khát khao được thức giấc cùng nàng - nhưng Katleen thì không. Nàng gọi tôi là học trò của nàng. Mùa hạ qua đi, tuy rất đau buồn, tôi vẫn buộc phải trở về Paris vì cha mẹ, bạn bè và lo chuyện học hành. Hẳn tôi đã quên được Katleen nếu như Giáng Sinh năm ấy nàng không viện cớ đi mua sắm và ghé vào thăm chúng tôi. Cha mẹ tôi vui mừng hết đỗi. Tôi thì khổ sở che giấu tình cảm của mình. Một đêm, Katleen tìm đến phòng tôi. Sáng ra, mẹ tôi đuổi Katleen, còn cha tôi thì quyết tâm giữ kín chuyện mà ông gọi là tai nạn nho nhỏ . Tất cả mọi người đều đồng ý không bao giờ nhắc đến chuyện đó. Mặc cho tôi có đau khổ hay không. Miễn là danh dự được bảo toàn nguyên vẹn. Người bạn của cha tôi không phải hay biết gì về thói xấu của vợ. Tôi được đưa đi Anh Quốc với hy vọng mọi chuyện sẽ ngủ yên trong quá khứ.
François cầm ly rượu và nhấp thêm một hớp. Ông run lên vì xúc động. Ông đã không bao giờ quên nổi Katleen. Hồi nhỏ, có lần cha mẹ tôi đã kể về thảm kịch xảy đến với vợ chồng Nam tước Pradel. Một tai nạn xe hơi, tôi tin thế.
- Thế ông có gặp lại bà ta?
François lắc đầu. Ông bật khóc.
- Không. Khi ở Anh Quốc về, tôi được tin Katleen đã mất. Vì tai nạn, một tai nạn xe hơi tầm phào vào thời điểm mọi người vui vẻ mừng mùa thu hoạch. Hôm đó Nam tước Pradel quyết định đãi vợ một bữa tiệc thật ngon. Họ ra đi từ sớm. Nhưng chẳng bao giờ đến nơi được. Khúc ngoặt, đường trơn, chiếc xe trượt đi…
Tôi còn nhớ… Chiếc xe bốc cháy và lực lượng cấp cứu không thể làm gì được nữa. Sau đó nhiều năm, khu đất của Nam tước Pradel bị bỏ bê, một người trong dòng họ được thừa kế nhưng ông ta không ham nho chút nào. Cha tôi cũng từng định mua phần vườn nho nhưng những người còn lại của dòng họ Pradel lại muốn bán cả nhà - và số tiền đó vượt khả năng của chúng tôi. Cha tôi chỉ còn biết ngậm ngùi đứng nhìn cỏ dại mặc sức tung hoành.
- Kỷ niệm về Katleen vẫn ám ảnh tôi và rồi mùa hè nọ, tôi đã trở lại. Khi nhìn thấy ngôi nhà, tôi biết rằng tôi phải đến sống ở đây, mua lại khu đất này. Vì nàng. Tôi không biết gì về nho, nhưng tôi yêu thích vì nàng từng yêu thích. Trước đây, rượu vang của nhà Pradel đã từng có tiếng tăm, vì Katleen, tôi quyết giành lại uy danh đó.
François đặt ly rượu xuống, ra hiệu cho tôi đi theo, dọc hành lang tới hầm chứa những chai rượu tuyệt hảo. Vùng tôi, nhà nào cũng để dành những chai rượu quý như thế cho các dịp lễ lớn.
- Hàng năm, đến ngày mất của nàng, tôi lại lấy ra một chai và ngồi uống một mình. Năm nay, cô có thể ngồi uống cùng tôi nếu muốn, Janie ạ.
Nói đoạn, ông đi đến những hàng chai mờ bụi, nhẹ nhàng kéo ra một chai và với lấy hai cái ly.
- Ta hãy uống để nhớ đến Katleen. Nàng vẫn nói: “Rượu vang là máu của đất - Katleen đã thuộc về mảnh đất này. Nàng phải thương yêu chồng, nhưng tôi tin rằng từng có khoảnh khắc nào đó, dù chỉ thoáng qua, nàng cũng đã yêu tôi. Tôi không hối tiếc gì. Giờ đây, tôi thấy sung sướng được sống trên mảnh đất mà nàng từng sống.
Ông ta chợt nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Uống đi Janie, trông cô cũng hao hao giống nàng.
Ông chạm ly với tôi. Ngoài sân, buổi tiệc đang tưng bừng. Ngày mai, thợ hái nho sẽ đi khỏi khu đất nhà Pradel. Ngày mai, Francois sẽ lại quay về với sự cô độc, theo đuổi bóng ma kỷ niệm của Katleen. Ông đặt tay lên vai tôi:
- Về nhà đi Janie. Đêm nay là đêm để vui vẻ, để tận hưởng. Tôi không thích hội hè.
- Hãy đi với em. Ta đến chào đám thợ hái nho.
- Không, tôi phải nghĩ đến nàng. Cách đây mười năm, nàng đã qua đời.
- Đi…
Tôi kéo ông ra phía cửa, buộc ông lắng nghe âm thanh vui nhộn của đàn gió. Những người thợ hái nho, nhiều người đã già - sù sì như những gốc nho, có người trẻ măng như lá nho non dưới nắng, tất thảy đột ngột ngừng nhảy, đứng sững nhìn François xuất hiện ở bậc cửa. Tôi kéo ông ra bàn ở giữa sân. Đó đây râm ran những câu chúc, câu chào:
- Chúc ông năm mới tốt lành!
- Nhờ ông mà rượu vang nhà Pradel lại có tiếng tăm.
François chớp mắt. Buồn vui lẫn lộn. Điệu valse trỗi lên réo rắt. François thoáng ngần ngừ rồi quay sang tôi:
- Tôi không biết mình còn nhảy được không, nhưng tối nay đâu phải là một tối bình thường? Em vui lòng nhảy với tôi chứ, Janie?
Gió nồng đượm mùi nho, làm ta choáng say cả đầu óc lẫn con tim. Tôi chợt nghĩ đến Katleen, người đẹp Ireland từng yêu mến mảnh đất này, về dư vị không gì phai nhạt nổi của Trái Cấm mà bà đã vô tình hay cố ý cho François nếm thử.
François thầm thì vào tai tôi:
- Katleen cũng rất yêu lễ hội này. Nàng bảo: “Đêm nay không được nghĩ đến chuyện ngủ. Đây là đêm để quên đi mọi nhọc nhằn bởi ngày mai, mùa nho mới lại bắt đầu, và đất lại vì ta - thảo thơm cho những mùa quả ngọt.
Nguyễn Thanh Liêm dịch