Đường chân trời
Tử Anh Anh
Trong bọn ba người ấy thì anh là người lớn tuổi nhất. Và một tên con trai tóc cháy khét lẹt, đôi mắt sâu hoắm như muốn nhấn chìm tất cả mọi cái nhìn đối diện. Thằng ấy tên Vũ. Còn lại là một đứa con gái tên Biển, da bánh mật, hàm răng trắng đều như hạt bắp, mũi thấp, trán dồ.
Mà theo con mắt thẩm mĩ không cao lắm ở làng chài này thì chiếc mũi ấy cũng thuộc loại “quí tộc” rồi. Trán dồ được liệt vào loại có trí óc, sáng sủa, thông minh tuy nhìn nó hơi thô kệch một chút. Cả ba đã sống với mùi tôm cá, mùi mồ hôi pha nước biển và vị hanh nồng của những buổi trưa nắng chói chang.
Nắng đổ lửa xuống biển, xồng xộc. Biển và Vũ lơn tơn đi mua kem mút. Que kem ở làng chài này bé tẹo. Nhưng là thứ cực kì hấp dẫn! Với những đứa háu ăn như Vũ thì một que chưa đủ nó nhét kẽ răng. Thế nhưng nhìn con bé mút kem ngon lành quá, ngon như khi người ta đói rã ruột mà gặp được miếng cơm nguội, nó đã nhường luôn que kem của mình cho Biển. Cái thằng con nít đó chẳng rõ tại sao mình lại “cao thượng” quá vậy, mặc dù cho rồi trong lòng cũng tiêng tiếc! Nếu trong cái túi quần bạc màu kia có thêm vài tờ bạc nó dám đem mua kem hết mút cho đã thèm! Tiếc là cái túi ấy chỉ toàn cát là cát. Nhưng con bé chưa nếm thử sự “cao thượng” trị giá một que kem của thằng bạn thì bị thằng Cá Mập chồm tới giựt phắt. Cá Mập nhai ngấu nghiến que kem trước con mắt sũng nước của Biển. Hai nắm tay thằng Vũ cung lên nhắm thẳng nắm đấm vào mặt thằng láu cá kia. Nhưng cuối cùng hai nắm tay đó nằm bẹp dưới đất. Cá Mập nhanh chân gạt giò Vũ khiến nó té chổng vó, cái ý định nện cho thằng kia một trận cũng tan thành mây khói. Cá Mập vò cái bụng đen sì, cực bẩn, quẹt mồ hôi tứa vòng quanh cổ, cười cực đểu.
- Hê... hê... Về xin mẹ cho bú tí đi nhóc con, yếu mà bày đặt ra gió!
Rồi nó đá một túm cát thốc lên, quay ngoắt bỏ đi, hả hê với chiến lợi phẩm vừa tọng hết vào trong bụng. Thình lình một cánh tay túm lỗ tai nó kéo lại, đau quá, nó giãy như đỉa phải vôi. Cũng may cái đầu nó trọc nhẵn không còn cọng tóc nên không bị túm đầu quay như dế. Anh hiện ra cao to dũng mãnh như một hiệp sĩ. Giọng anh oang oang như sóng gầm.
- Biến! Còn làm cái trò đó nữa là tao “oánh” cho bể mông, nghe chưa?
Anh hỏi Vũ, thằng này đang phun phì phì mớ cát còn dính trên miệng.
- Nó con nhà ai vậy? Miệng còn hôi sữa mà đã giở thói lưu manh rồi, hư hỏng!
- Nó ở xó xỉnh nào chả biết. Ỷ to con rồi hống hách, thấy ghét!
Biển thôi không khóc nữa, méc anh:
- Nó là Cá Mập đó! Vừa xấu vừa dữ như... ma!
Vũ gật gù, phải phải, nó xấu ma chê quỉ hờn, mà lại đi ăn giựt nữa, đúng là đồ...
Anh xoa đầu hai đứa nhóc, vỗ về.
- Thôi bỏ đi, nó cũng ăn hết rồi, đâu có đòi lại được. Nhìn cái mửng đó chắc là không có tiền mới vậy. Anh mua cho hai đứa cây khác, đi nào!
Trong mắt hai đứa con nít, với những que kem hay những viên bi sặc sỡ anh mua trên về cho, thì anh đã đứng vào hạng người “giàu có”. Đáp lại lòng ngưỡng mộ của hai “thiên thần xứ biển” - anh hay gọi chúng như thế, anh chỉ tủm tỉm cười, giấu nhẹm những vết chai sần to đùng trong lòng bàn tay. Và cả những cái thở dài.
Biển thập thò sau lưng anh, rồi không cưỡng được nữa, nó túm lấy vạt áo đẫm mồ hôi mặn chát của anh lau nước mắt. Nước mắt trẻ con thường không có lí do cụ thể rõ ràng nào cả. Anh mở giọng vỗ về.
- Nín đi! Sắp trổ mã con gái rồi mà mít ướt vậy con trai nó cười cho thúi đầu đó bé!
- Nhưng anh không cười là được rồi!
Rồi nó ôm lấy eo anh cứng ngắc, nài nỉ:
- Mai mốt chờ Biển lớn lên anh cưới Biển nghen!
Anh sững người nhìn con bé rồi bật cười ha hả.
- Cô bé ngốc ơi! Lúc bé lớn thì anh đã già, xấu xí như con ma, làm sao cưới bé được!
Con bé lắc đầu nguầy nguậy, giậm chân bình bịch:
- Nhưng ông già cũng phải có vợ chứ! Cưới bé xong, anh sẽ lái thuyền thúng đưa bé đi khắp mặt biển, bé sẽ rải đầy hoa xuống biển, đẹp lắm!
Anh nhăn mặt khổ sở:
- Nhưng có một chỗ bé không đến được.
- Chỗ nào hả anh?
- Đường chân trời. Nó ở tít đằng kia kìa. Chỗ tiếp giáp với mặt biển. Nhưng mình không bao giờ đến đó được.
- Sao kì vậy anh?
- Vì lúc đó anh già rồi, còn sức đâu chèo thuyền đưa bé tới đó!
Con bé lại òa khóc. Thằng Vũ xộc tới kéo Biển ra, rồi thằng nhóc cởi phăng chiếc áo, giúi vào tay con bé.
- Cho mượn nguyên cái áo luôn nè, tha hồ lau nước mắt. Biển đừng có ôm eo ảnh cứng ngắc như vậy được không? Bực mình quá!
Anh ngạc nhiên nhìn Vũ. Thằng nhóc ngồi thụp xuống. Đôi lông mày tụm lại như hai con đỉa đeo trên mặt. Dấu hiệu của một sự nổi giận đáng sợ!
Con bé vẫn không thôi nói về giấc mơ người lớn của mình. Những đêm sáng trăng, bọn ba người rủ nhau ra bãi nằm ngửa ngắm “người đẹp” (anh gọi chị Hằng ấy mà!). Anh bảo nếu “người đẹp” chịu khó bước xuống trần gian thì anh sẵn sàng đi hỏi cưới! Thằng Vũ cười đau cả khúc ruột, bảo anh điên! Những đêm ấy là kỉ niệm đẹp nhất trong tuổi thơ của con bé. Nhưng rồi miền kí ức đẹp đẽ ấy không thể kéo dài hơn được nữa. Anh bỏ đi biệt tăm sau một trận bão cát điên cuồng. Chẳng ai biết anh đi đâu. Xóm chài bảo nhau ra biển tìm, dù chỉ để nhìn thấy anh trong lớp cát sâu hun hút cũng yên lòng.
Biển lớn lên với những tháng ngày dài đăng đẳng. Nước mắt cô bé rót xuống bãi cát thành một vệt dài. Chỗ ấy không bao giờ mọc ra một cái hoa nào cho anh biết đường tìm về, như truyện cổ tích vậy. Con bé cũng biết vậy. Vũ không cam tâm nhìn cảnh ấy. Nó nghiêng vai qua, nhẹ nhàng.
- Cho mượn vai áo nè, đừng khóc nữa, biển đã mặn lắm rồi!
- Vũ biết anh ấy đi đâu không? Đường chân trời. Ảnh đi tới đường chân trời đó!
Vũ cũng nhớ anh. Nhưng sự ích kỉ trong lòng thằng con trai đã đè bẹp nỗi nhớ ấy. Nó không chịu được mỗi khi Biển nhắc tới anh.
- Đường chân trời xa lắm! Ảnh không về đâu!
- Vậy mà ảnh hứa sẽ về với Biển. Ảnh nói dối!
Biển buồn buồn, nhưng không khóc. Nó nắm tay Vũ, đôi bàn tay thằng con trai cũng đã gắn đầy những cục chai sần, thô ráp.
* * *
- Mai Biển đi rồi, Vũ có nhớ Biển không?
- Sao lại không? Làm như quên một người là dễ lắm vậy! Nhưng tui sợ Biển cũng hứa lèo như anh ấy!
Biển mỉm cười:
- Biển đã hứa lèo Vũ bao giờ chưa? Biển lên thành phố học rồi về, đâu có đi tới đường chân trời mà sợ không về được!
Biển nhìn sâu vào mắt Vũ, mỉm cười đầy tự tin. Ánh mắt ấy vẫn sâu hoăm hoắm như muốn nhấn chìm mọi tia nhìn đối diện. Nhưng ít ra vẫn thấy yên lành hơn đường chân trời xa tít mù nơi vô định mà lâu nay Biển chỉ có thể nhìn thấy bằng ảo giác.
Tử Anh Anh - TP.HCM