Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Giọt mưa trên lá

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4503 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giọt mưa trên lá
Trần Quang Huy

Chương 1 & 2

Tôi đang sống trong những lối mòn, sáng trưa, chiều tối, cơ quan, nhà cửa, những thói quen không bao giờ là pháp luật thành văn mà có sức mạnh như nước dội trên thác xuống, những tập tục mà màu sắc chói lọi như cầu vồng và những lề thói dữ như miệng hùm. Tôi tưởng mình đang ở một nơi nào đó trong giấc mơ. Hàng cây sau sau thật duyên dáng, ẻo lả mà cường tráng, mùa đông không trụi lá nhưng đã ngả hẳn sang màu phớt vàng. Mỗi lần nhìn hàng cây sau sau, những chiếc lá hình trái tim có những chấm vàng sặc sỡ reo trong gió lạnh là tôi lại nhớ đến cánh rừng mỏng manh có cái lán của mấy đứa con gái bọn tôi ở. Lá cây đổ vào đến tận cửa, một chút gió nhẹ thoảng qua thôi là những chiếc lá vàng kia biến thành đàn bươm bướm, mùa thu không còn mấy nhưng mùa đông chưa kịp tới. Nhưng thôi, không lại sa vào những nỗi niềm bất tận, vô cùng mà ở đấy cảm xúc của tôi cứ nhão nhoét như bùn.
Mùa nào đối với tôi cũng dài. Và ngày cũng như đêm, như mãi ở đâu xa, như tận miền thiên khải. Như cổ tích, như nỗi nhớ của thời con gái chưa chồng. Lê thê, chậm chạp, không muốn cựa quậy nhúc nhắc gì nữa, nó cũng lạnh lẽo và vô lối như mùi văn hóa hãnh tiến. Tôi phảng phất nhớ Quỳnh Giao, con gái tôi, nó đã mười sáu tuổi, theo những đứa bạn con nhà giàu đi chơi Trà Cổ.
Tôi không chờ đợi cái gì cả, sáng trưa, chiều tối, nhà cửa cơ quan, nhàm chán như người ta ăn phải cháo thiu. Tôi chờ đợi cái gì không? Có lẽ có, tôi chờ đợi tuổi già.
Sao tôi sợ sự lãnh đạm thế? Lãnh đạm của đồng loại, lãnh đạm của thời gian, lãnh đạm của phương thức sản xuất. Nhà vắng hoe, may nó chỉ có mười lăm mét vuông. Một bộ bàn ghế tiếp khách nhỏ, một cái giường, một cái tủ, một cái bàn viết kiêm luôn bàn trang điểm, đã choán hết mười mét, nếu không tôi sẽ tưởng mình sống giữa mặt trăng.
Mà sao các căn hộ đều giống nhau một cách lạ lùng. Này nhé, hai mươi căn hộ của cái dãy này, hai mươi căn hộ nữa của dãy kia, và cũng hai mươi căn hộ của nhiều dãy nữa, mái đều lợp một loại ngói xi măng sóng, màu bạc phếch, loại màu tượng trưng cho sự khốn cùng, lỡ có sờ tay vào là nó tự mục ra thành cám. Tường ngăn giữa các cuộc đời với nhau đều xây loại tường mười, ở giữa có cái trụ to tổ bố. Và không có căn hộ nào có trần, từ dưới nhà nhìn thóc lên mái ngói và khi có giông gió, những hạt mưa được rơi thẳng từ trên trời xuống giường nằm.
Còn phía trước, mặt tiền, bất luận ông nào bà nào, nhà ai cũng được có một cửa chính, một cửa sổ, người so đo tính toán đến mấy cũng phải hài lòng về sự công bằng giữa những khung cửa ấy. Sự công bằng thể hiện cả ở những cánh cửa đều đóng không công phu gì lắm, tưởng như một người không biết gì về mộc cũng đóng được. Và vân vân cái giống nhau nữa.
Đấy là lúc đầu, mẹ con tôi được chia một gian, tôi thấy hai mươi phòng, cộng với hai mươi phòng, cộng với nhiều lần hai mươi phòng nữa, cũng y chang nhau đến mức buồn cười và đến mức rơi nước mắt. Đấy là lúc đầu, tôi còn cười được, về sau thì không thể cười được và cũng không thể khóc được.
Tất nhiên, sự giống nhau có tính thời đại ấy sẽ có rất nhiều cái lợi. Đầu tiên là sự phân phối. Cùng diện tích cùng kiểu cách, cùng chất liệu và cùng hướng gió hướng nắng thì kén chọn làm quái gì, đâu chẳng như đâu. Cái lợi thứ hai là cư dân của nó được dịp hiểu biết nhau một cách tường tận, nhà ai hôm qua có khách, khách là người như thế nào… Dường như cách bài trí tối ưu chỉ có một và ai cũng tìm được đến với nó. Cạnh cửa sổ là cái bàn trà, cạnh cái bàn trà là cái tủ, phía trong cái tủ là cái giường đôi…
Lúc đầu tôi rất xét nét và ác cảm với sự giống nhau đó, có khi tôi lẩn thẩn như kẻ dở hơi đi ngó nghiêng từng nhà, tìm sự khác nhau, tìm sự xê dịch khập khiễng giữa chúng nhưng tôi thất vọng và cứ phát khùng lên vì không trả lời được những câu hỏi mà mình tự đặt ra cho mình: tại sao mọi thứ lại cứ cố để giống nhau?
Quỳnh Giao xin mẹ đi một tuần, tôi bảo con thấy cần thiết ở mấy ngày thì con ở. Nói thế là bởi vì tôi rất hiểu tính con bé. Từ hai ba năm nay, tôi có một thói quen ngọt ngào mà không giống ai là nhìn ngắm con gái tôi lớn lên. Ngắm nó cười ngắm nó đi, ngắm nó hành xử với bạn bè, ngắm cái chất con gái trong nó ngày một óng mượt để đo xem nước mắt tôi được một phần bao nhiêu của đại dương. Mẹ tớ, nó giới thiệu tôi với bạn nó. Mẹ cậu trẻ và đẹp thế kia ư? Không, Quỳnh Giao còn đẹp hơn tôi nhiều, tôi mê nó, nó lung linh, kỳ ảo, nó nóng lạnh, ngang dọc đến tận cùng của nó, không chơi vơi và đạo đức giả như thế hệ tôi, hoặc như Nguyên, như mối tình của tôi và Nguyên, người đàn ông đã gây cho tôi những đau khổ như núi và cũng làm cho tôi yêu anh như núi.
Tôi ngồi vào bàn trang điểm, nhìn vào đôi mắt đen láy trong gương. Tôi mê hoặc đàn ông, biến họ thành con chó vẫy đuôi rối rít trước chủ và khinh bỉ bọn họ bằng đôi mắt. Đàn bà thường có đôi mắt đẹp, mắt tôi cũng như họ, đen láy và sang trọng. nhưng tôi hơn họ, tôi rất hiểu mình, mắt tôi có tình hơn. Đó là ưu thế của tôi, những người đàn bà khác, có lẽ cũng đẹp như thế, thậm chí đẹp hơn, nhưng ánh mắt của họ vô cảm, hoặc hời hợt, hoặc có màu sắc kinh doanh, có nhiều tham vọng về mọi thứ trên đời. Tôi chỉ thoa phớt một tý phấn lên má và một tý son lên môi, thế thôi, tôi vẫn là tôi nhưng đã đậm đà lên một cung bậc mới, đầy quyền uy, đầy ma lực. Thêm một tý mùi thơm của phấn, thêm một tý đung đưa biến ảo của giọng nói và bước chân, tự nhiên tôi sẽ là Nữ hoàng. Tôi thích làm Nữ hoàng nhưng lại cực ghét đám thần dân bợ đỡ và quỳ lụy mà chính họ lại coi là một phương thức tồn tại cao cả nhất, một biểu hiện về ý thức vươn tới, cầu tiến, ý thức người cập nhật nhất, hiệu quả nhất.

2
Giờ này là giờ tôi rất buồn, hay bị những nỗi nhớ hành hạ, hay bị tổn thương, hay tủi thân vì sự trống trải và cô đơn, là lúc thấy lòng mình hoang dại, thông thốc gió lạnh và khăn tang trắng. Tôi sợ nhất những giờ phút này, khoảng giữa chiều, hơi trượt sang phía hoàng hôn một tý. Tôi đi ra phố không có mục đích gì ngoài mục đích khoe mình đẹp. Tôi thích những cô gái đẹp, nhìn xem, có mê ly không, đôi má phớt hồng, miệng bao giờ cũng như bông hoa hàm tiếu, mái tóc óng ả, bước đi dù không muốn làm dáng cũng thướt tha. Thời đại không có mỹ nhân là thời đại dịch hạch, những con bệnh hấp hối đã chối bỏ cái đẹp. Còn tôi, tôi mê những cô gái đẹp, họ biết gìn giữ những cái quý giá mà trời cho họ, thậm chí đa số trong bọn họ còn tỏ ra nâng niu chăm chút cho cái sắc đẹp của mình quá. Mà cũng phải thôi, họ chỉ có sắc đẹp là tài sản quý giá nhất, bên cạnh một cái đầu rỗng không, thì thử hỏi làm sao họ không yêu chiều mình được? Tuy nhiên có những cô gái thông minh nhưng họ lại là kẻ bất hạnh nhất. Cái cần mù mờ thì những cô gái thông minh lại nhìn ra tách bạch nhất để nói trắng là gì, đen là gì, hữu là gì, vô là gì, cái người ta cần che giấu, đậy điệm thì các cô lại lôi tuột nó ra giữa thanh thiên bạch nhật, gọi toáng toàng toang cái tên cúng cơm của sự vật, điều đó làm cho không biết bao nhiêu bọn đạo đức giả mất mặt. Trong nửa nhân loại là các đức ông chồng thì không ông nào chấp nhận mình kém thông minh so với vợ mình, bất tài vô hạnh hơn vợ mình, thế là các cú đòn thù bắt đầu tung ra, kẻ có gan thì đấm, kẻ không có gan thì bỏ đi lang thang hoặc lao vào các quán rượu rẻ tiền để say và để nói cho vơi nỗi ấm ức tích tụ trong lòng.
- Chị uống gì?
Tiệm cà phê thật ấm, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ngoài kia là gió, là rét, vào đây thấy lòng lắng lại, giống như con thuyền đã tìm được chỗ ẩn nấp, sóng và gió đánh tơi tả cả bốn bên, người thuyền trưởng rách nát cả hy vọng đã trở thành quá khứ. Tôi chọn một chỗ ngồi cho thích hợp với thân phận nhỏ mọn của mình và tránh được sự quấy rầy của những cặp mắt phàm tục, đó là một góc về phía đường, gần lò sưởi, đối diện với cửa ra vào, lại có thể tha hồ nhìn ngắm cái thác nước nhân tạo. Đó là một mảng tường ghép đá ong xù xì, dưới chân là cái bể nước được tạo dáng như một con cá sấu, trong đó có hòn giả sơn, cây cối được trồng trong chậu nhưng hết sức rậm rạp. Nước trong bể trong veo, được thoát ra một đường nước nào đó không nhìn thấy. Cái khác lạ của bể nước làm cho tôi thích thú là từ trên đỉnh cao của bờ tường đá ong có một dòng nước hình nan quạt đổ xuống bể, dòng nước không mạnh vì Hà Nội đang thiếu nước nhưng nó cũng đủ gây ra trong tôi cảm giác về một con suối. Tôi duyên nợ đa đoan với những con suối rừng như thế nào, sẽ nói sau. Bây giờ tôi đang muốn nhấm nháp cảm giác bằng lòng với mình và vị đắng cà phê một cách dịu dàng.
- Cho tôi một cốc đen nóng.
Tôi bảo với cô gái mặc váy ngắn cũn và đôi môi tô hơi đậm. Tôi như cô gái thì tôi không bao giờ dám mặc một cái váy ngắn như vậy vì cặp đùi của cô ấy không những không thẳng mà còn nần nẫn, chỉ được cái gợi nhục cảm, bọn đàn ông nhìn vào đều không kìm nổi cái liếm mép.
Có lẽ tôi là người khách đặc biệt ở cái quán cà phê này. Và cũng có lẽ tôi dị biệt quá, khác thường quá, ê, mọi con mắt đều dồn vào tôi. Mấy cặp trai gái, độ hai mươi tuổi, ăn mặc bất cần đời. Một đôi nữa, chàng độ năm mươi, nàng ba mươi, phấn son loè loẹt, không phải là vợ chồng, là tình nhân. Vợ chồng giờ này không ai đưa nhau ra quán cà phê ngồi làm gì. Mươi thằng Tây con đầm ngồi rải rác các bàn, từng đôi hoặc ba bốn đứa một, đó là bọn Tây ba lô đi du lịch ở khách sạn hạng bét, ăn thịt chó và uống bia hơi vỉa hè. Dù sao tôi vẫn thích bọn nó hơn loại mũ cao áo dài người sặc mùi nước hoa nhưng lương tâm đen thui.
Có lẽ đúng là tôi rất đặc biệt. Trong cái đám giả vờ trầm tư hay đúng ra là trốn cái thóc mách của người đời, chỉ có tôi là một mình, một thiếu phụ xinh đẹp, một mình với tách cà phê. Chúng nó đang nghĩ mình là gì kia chứ? Đang buồn, đang cô đơn, đang muốn tìm bạn? Cũng có thể chúng nó nghĩ mình tồi tệ hơn… Tôi ngắm thác nước và rải một cái nhìn bâng quơ trên đầu đám tạp nham ấy. Thôi kệ, tôi đang rất thích một buổi chiều đầu đông như thế, hơi rét một chút nhưng nắng thì rất vàng, nghĩa là rất Hà Nội. Tôi không muốn làm hỏng nó, những cái nhìn của thiên hạ có đáng gì. Lâu rồi, tôi mới tìm được cho mình một lối ứng xử với thiên hạ mà tôi nghĩ là mình đã phát hiện ra nó, đó là mặc thiên hạ nghĩ về tôi như thế nào mặc lòng, tôi quyết không quan tâm đến điều đó, tôi làm những gì mà tôi cho là đúng. Và buổi chiều thần tiên này cũng vậy, mùi thơm cà phê đang sấy khô cảm xúc của tôi mà nó vốn quá ướt, sắp thiu chảy vì sự nhàm chán vô vị nhạt thếch của những tài năng và sự công bằng xã hội.

Chương 3 & 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 328

Return to top