CHIẾC LÁ XANH
Thích Nữ Viên Quang
Chúng tôi đến vừa kịp lúc động quan. Lúc nầy, trời chưa sáng hẳn, chỉ đủ để nhìn thấy tấm bảng bên trên mái nhà: “Vãng Sanh Quán”.
Thầy sám chủ đọc bài kệ tiếp dẫn Tây phương với giọng thật buồn. Thầy đã bước ra đường, đoàn người lặng lẽ theo sau, tiếng niệm Phật cất lên. Một đám tang không kèn trống…
Sáu người đạo tùy đã nhấc chiếc quan tài ra khỏi Vãng sanh quán, quay về phía bàn Phật cho quan tài xá ba xá rồi ra đi. Trời đã sáng hẳn, người ta có thể thấy rõ bảng cáo phó. Người mất tên là NT. Tôi lẩm bẩm một mình “Hưởng dương 20 tuổi”. Con số ấy làm tôi giật mình. Gương mặt người chết trong hình còn quá trẻ, vẫn mỉm cười một cách lạc quan và đầy tự tin như khi còn sống.
Một chiếc lá vô tình rơi vào cái khay ngay trước tấm hình người chết - một chiếc lá xanh. Tôi ngạc nhiên nghĩ thầm: “Tại sao không phải là chiếc lá vàng mà là chiếc lá xanh rụng đi?”.
Sư tỷ nhanh tay định lấy chiếc lá vứt đi. Tôi đưa tay ngăn lại:
- Đừng bỏ nó. Hãy đưa nó cho em. Chiếc lá này rất có ý nghĩa đấy !
- Tại sao?
- Dùng để quán vô thường.
Mắt đượm buồn, sư tỷ cúi xuống nhìn chiếc lá hồi lâu như suy nghĩ lời tôi nói rồi trao nó cho tôi.
- Thật vậy em ạ ! Thân phận con người cũng giống như chiếc lá nầy.
Tất cả mọi người đều đã lên xe. Chiếc xe nhà đòn chở quan tài theo sau. Giờ nầy, đường phố hãy còn vắng. Chẳng mấy chốc, xe đã ra ngoại thành, hướng về phía Bà Quẹo. Giấy vàng bạc giả đầy cả hai bên đường chứng tỏ đây là thế giới riêng của người chết. Trong nghĩa trang, vô số chữ vạn và thánh giá nhấp nhô như đón chào người mới đến.
Tất cả mọi người đều xuống xe. Riêng chiếc xe nhà đòn chạy thẳng lên nhà hỏa táng. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi nầy. Đến thế giới cuả người chết. Không khí mới u buồn và rờn rợn làm sao! Hàng cây run rẩy, chân tôi cũng run rẩy. Hàng cây ướt sương đêm rơi xuống, nước mắt tôi cũng sắp rơi…
Mọi người đã đứng thành hai hàng ngang để Thầy sám chủ làm nghi thức hỏa táng. Cũng với giọng tụng kinh trầm buồn ấy…. Thời gian như ngưng hẳn, không gian dường bất động….Rồi bài kinh cầu nguyện cuối cùng cũng đã xong. Người ta rải hoa đầy cả quan tài. Tôi đứng đấy, lòng trống rỗng, mắt ráo hoảnh nhìn quan tài từ từ hạ xuống….
Có tiếng thút thít khóc, rồi vỡ ra…. Hình ảnh chiếc lá xanh lại hiện lên trước mắt tôi.
Mọi người tập trung trước lò thiêu chờ đợi. Không khí thật ngột ngạt.Mùi xác chết thiêu như còn phảng phất đâu đó làm tôi chợt rung mình. Sư tỷ đưa mắt ra hiệu cho tôi đi ra phía sau lò thiêu. Không một bóng người. Cái im lặng bao trùm đến đáng sợ, củi vứt bừa bãi. Một ông cụ già – có lẽ là người phụ trách lò thiêu ngồi bất động trên một khúc cây lớn. Chúng tôi cố tạo tiếng động nhưng ông không quay lại. Chúng tôi im lặng nhìn nhau tiến về phía cái quách nhỏ bị vứt bên đường. Tôi giật mình khi ánh mắt chạm phải hai cái lò thiêu nho nhỏ mà từ xa trông giống như hai cái bếp. Tro than đầy cả lối đi. Đó là lò thiêu dành cho các em bé yểu mệnh.
Thế rồi giờ hành lễ bắt đầu. Người phụ trách lò thiêu chất củi vào lò, tẩm xăng vào quan tài rồi đóng sầm cửa lại ghi hàng chữ lớn: “Ca 1, NT”. Mỗi người tay cầm một cây hương, đầu cúi thấp….Thầy sám chủ đã cho lửa vào lò. Tôi nhìn trừng trừng vào quan tài đang bén lửa. Chiếc lá xanh run rẩy trong tay tôi. Tôi chợt hiểu:”Người ta có thể chết khi tuổi còn rất trẻ, kể cả khi mới sinh ra”. Tiếng kinh cầu nguyện bay vút lên cao….Tôi đứng đấy không biết đã bao lâu, tay vẫn cầm chiếc lá xanh, ánh lửa chập chờn sau làn nước măt, cổ nghẹn cứng. Nước mắt làm ướt cả áo tràng. Tôi khóc vì ai? Khóc vì người bạn xấu số hay khóc vì tôi. Có lẽ khóc cho cả hai. Chỉ một cơn cảm lạnh người ta có thể chết dễ dàng như chiếc lá xanh gặp cơn gió phải rụng đi. Vô thường quá, tứ đại đã hoàn tứ đại, cát bụi trở về cát bụi rồi. Tôi nghĩ đến lúc rồi đây sẽ có ngày nầy đến với tôi. Và chính tôi chứ không ai khác sẽ nằm dài trong quan tài như khúc cây vô dụng rồi sau đó chỉ còn lại “chút tro tàn lạnh tanh”. Sự thật là thế, mọi người rồi ai cũng thế cả. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao khi chứng kiến cảnh sinh, già, bệnh, chết ở bốn cửa thành, Đức Phật đã quyết định xuất gia.
Tôi vẫn đứng đấy, đứng làm gì không biết, nhưng tôi nghĩ mình cần phải đứng nơi đây. Để thực chứng chăng? Có lẽ thế. Vì đây là sự thật không thể chối cãi. Bỗng có tiếng gọi lớn:
- Q ! Về mau, mọi người đang chờ đợi em ngoài xe, đứng đấy làm gì?
Tôi ngơ ngác thật sự. Nhìn lại không còn ai bên cạnh tôi. Như vậy là xong một đời người ư? Tôi đưa mắt ngạc nhiên nhìn sư tỷ. Sư tỷ như hiểu ý:
- À ! Em mới đến đây lần đầu tiên phải không? Thôi đi về. Bây giờ mới có 7 giờ, 11 giờ sẽ có người đến lấy cốt.
Tôi càng ngơ ngác hơn. Sư tỷ không nói gì, nắm lấy tay tôi vừa dắt đi vừa lấy khăn lau nước mắt cho tôi.
- Em không hiểu tại sao người ta có thể dễ dàng chết khi còn quá trẻ như vậy?
- Ôi ! Em đừng nói từ “Chết” nghe ghê qúa. Hãy nói là “Mất đi” hay “Qua đời” gì đó !
Tôi cố chống chế bằng cách đọc một câu thơ của Shakespeare thay cho câu trả lời: “Có gì trong một danh từ ? Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi”.
Không khí bỗng trở nên vui vẻ. Sư tỷ nói tiếp:
- Em nói đúng, dù cho gọi là “Mất đi” , “Qua đời” , hay “Vô thường” gì cũng là một, là sự chết, chỉ khác nhau cái danh từ thôi. Thế nhưng, nếu lỡ mai sư tỷ chết trẻ như vậy em có khóc không?
- Không ! Em sẽ không khóc khi sư tỷ mất.
Sư tỷ tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Vì sao ?
- Lúc nãy em khóc vì em chưa hiểu. Xưa nay khi nói về người chết em chỉ nghĩ đến người già. Cho đến sáng nay, khi thấy chiếc lá xanh lìa cành em mới giác ngộ ra rằng bất kỳ ai cũng có thể chết vào bất kỳ lúc nào. Sự thật là thế. Thế thì việc gì phải khóc? Chi bằng ngay giờ phút hiện tại, ãy sống sao cho xứng đáng, làm tròn bổn phận và công việc mỗi ngày. Như thế là tu giới, tu định, tu huệ, đó là cách báo Tứ trọng ân, đó là điều hạnh phúc.
- Thật không ngờ em tiến bộ đến thế ! Thế mới xứng đáng là người học Phật chứ !
- Đừng khen em. Hãy khen chiếc lá nầy !
Chúng tôi bước lên xe. Hàng cây lúc nãy không còn run rẩy, đôi chân tôi cũng vậy. Những hạt sương trên chiếc lá đã được mặt trời chiếu rọi biến đâu mất, như nước mắt tôi được thực tại tuệ giác soi chiếu đã khô đi. Tôi nhủ thầm: ”Sự thật là thế Q ạ ! Có ngày rồi mi sẽ nằm trong quan tài nhưng không biết là khi nào”. Rồi với ý nghĩ “lạc quan” ấy, tôi quay lại nhìn “thành phố của người chết” một lần nữa rồi mỉm cười bước đi….
Chiếc lá xanh vẫn còn nằm trong tay tôi….
Nó đã hết run rẩy.
(Nhớ về đám tang của một bạn đồng tu – VQ viết năm 1994)