Trường Đời – Vận Người!
Trần Huy Thuận
Hôm ấy vừa bắt đầu tiết học thứ hai. Bỗng dưng, mấy cảnh binh do một thầy trên văn phòng dẫn xuống, xuất hiện đột ngột trước lớp, làm chúng tôi hoảng hồn! Sau khi hai thày trao đổi gì đó với nhau, ba người đàn ông vũ trang từ đầu đến chân, tiến thẳng vào trong lớp. Đến chỗ bạn Trần Văn Bình – một học sinh lớn tuổi nhất lớp, họ dừng lại. Chúng tôi hồi hộp theo dõi từng hành vi của mấy người “khách không mời mà đến”. Nhưng khi thấy Bình bị trói, dẫn ra khỏi lớp, thì dường như mọi người chúng tôi đều đã đoán được nguyên cớ! Mới hôm qua, trong giờ học nhạc, thầy giáo có nêu vấn đề: mỗi học sinh hát một bài mà mình ưa thích. Mọi người hào hứng hưởng ứng. Bạn hát bài này, bạn hát bài kia, vui nhộn lắm! Khi đến lượt mình, Bình thưa với thầy:
- Dạ thưa thầy, con chỉ nhớ mấy bài hát “Kháng chiến” thôi, có được hát không ạ?!.
Đương nhiên là thầy giáo đồng ý. Vậy là Bình hát, càng hát càng bốc, càng bốc càng hăng; làm không khí lớp học sôi sục hẳn lên.
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc!...”
Đa số chúng tôi không dám hòa theo, nhưng cảm phục và khoái chí lắm! Trong mắt mỗi chúng tôi lúc ấy, Bình là một thần tượng vừa lớn lao vừa gần gũi, lại rất đỗi thân thương!
&
Chuyên trên xẩy ra vào năm cuối cùng của thời kỳ Pháp tạm chiếm, chỉ mấy tháng trước khi Nam Định được giải phóng! Không khí mừng chiến thắng tràn ngập đường phố, tràn ngập sân trường, tràn ngập tất cả các lớp học sau hòa bình, khiến chúng tôi không còn nhớ gì đến thần tượng của mình, Bình – người bạn đồng môn bị chính quyền cũ bắt giữ ngày nào!.. Phải mấy tháng sau, mọi người mới biết Bình đã bỏ học. Chúng tôi đoán già đoán non, chắc bây giờ Bình đang đảm trách một công tác gì đó của cách mạng! Một người trẻ tuổi mà gan dạ đến thế cơ mà!..
Cuộc sống cứ thế cuốn đi với biết bao sự kiện mới mẻ. Cùng với sự đổi thay chung, cá nhân mỗi chúng tôi cũng đã đổi thay. Có người tiếp tục con đường học hành, có kẻ phải lặng lẽ rẽ ngang, tìm công việc kiếm sống. Rồi có người trở thành nhà quản lý, nhà lãnh đạo,... nhưng cũng có bạn suốt đời trung thành với bộ áo quần công nhân, xám đen dầu mỡ! Thậm trí có bạn đến tuổi ngoài sáu mươi, vẫn lận đận trong bộ quần áo lao động, để kiếm sống !.. Buổi họp mặt đồng môn đầu tiên, tổ chức ở nhà một bạn, có khoảng hơn hai chục thành viên về dự. Mới xa trường ba chục năm, mà gặp lại nhau đã thấy có nhiều đổi khác. Mỗi người một tâm sự, mỗi người một nghề nghiệp, mỗi người một hoàn cảnh sống,... Nhưng bất ngờ nhất, lại là anh chàng già nhất lớp, thần tượng ngày nào của chúng tôi: Trần Văn Bình! Trong khi chúng tôi vồ vập ôm lấy nhau, mừng vui khôn xiết, mỗi khi nhân ra một người bạn học cũ; thì có một người cứ ngồi lặng lẽ phía cuối căn buồng. Anh có khuôn mặt vuông vức và dáng người chắc nịch, với nước da tai tái mầu tro,... Trông quen lắm, nhất là đôi mắt – vâng đôi mắt sáng quắc, rất giống một người!.. Bống ai đó reo lên:
- Bình! Trần Văn Bình!..
Vâng! Người có đôi mắt sáng quắc không thể lẫn vào đâu được ấy, chính là Trần Văn Bình, thần tượng của chúng tôi thưở học trò! Chúng tôi hỏi anh đi đâu, làm gì trong bằng ấy năm trời mà nay mới gặp? Anh khẽ mỉm cười:
- Mình chả đi đâu cả! Mình vẫn sống ở đất Nam Định này suốt từ bấy đến nay. Làm công nhân đốt lò hơi tại nhà máy Chuối (tên gọi dân giã của nhà máy thực phẩm xuất khẩu Nam Định những năm 60 thế kỷ trước).
Thế đấy, thần tượng Trần văn Bình, một học sinh bị cảnh binh chính quyền cũ bắt vì có những hoạt động chống đối, lại chỉ là công nhân đốt lò hơi nhà máy chuối? Không thể tin được! Nhưng, đấy lại hoàn toàn là sự thật!..
&
... Mãi sau này, trong lần dự đám ma một vị nguyên phó chủ tịch tỉnh, có một bà hỏi tôi: hình như anh có chơi với anh Trần văn Bình, công nhân máy Chuối? Tôi ngạc nhiên nhìn bà. Bà giải thích, tôi nhận ra anh, vì hôm trước có gặp anh ở lễ an táng anh Bình. Rồi bà thở dài:
- Khổ thân anh ấy! Chết đột ngột, chẳng kịp trối trăng gì. Đến giấy tờ chứng nhận có hoạt động trong kháng chiến, bị địch bắt, cũng chẳng biết để đâu! Các anh là bạn cũ, các anh nên giúp chị ấy và các cháu xác minh lại cho vong linh anh Bình được mát mẻ nơi chín suối! Thế ra bà cũng là một trong số những thanh niên Nam Định thời đó, có tham gia hoạt động nội thành!
Tôi nói với bà:
- Chị ơi! Tôi là bạn anh Bình thật, nhưng tôi đâu có hoạt động kháng chiến? Chỉ biết, biết rất rõ việc cảnh binh địch bắt anh tại lớp học thôi. Biết có thế thì giúp gì được hở chị? Người đàn bà im lặng. Không biết chị có nghe rõ điều tôi trình bầy, hay chị đang nghĩ về một vấn đề khác, về một thân phận khác; một thân phận không hoàn toàn giống như Trần Văn Bình, nhưng cũng vô danh, hư ảo như thần tượng một thời của tụi học trò chúng tôi?!.
- Chắc là phải đi tìm những người khác! Những người khác! Nhưng những người khác nào? Người không có vị trí xã hội như chị, như tôi, thì có chứng thực cũng vô giá trị; kẻ lên ngồi ghế cao xa, tầm nhìn lại bị che khuất, hẳn là không thể thấy được những thân phận mong manh như Bình, như nhiều người chúng ta? Tìm đâu? Vâng, tìm đâu?!.
Ôi! Trường Đời – Mệnh Người! Không biết đâu mà lường!...
Bất giác, đám nhạc hiếu cử bài “hồn tử sỹ” não nùng, làm tôi bừng tỉnh! Đám tang vị lãnh đạo tỉnh đã tới hồi làm lễ truy điệu! Như một cái máy, tôi làm theo mọi người: hơi cúi đầu, mặc niệm vong linh người đã khuất!
Đã người thiên cổ ai ngờ
Người năm xưa ấy, hồn giờ nơi đâu?!.
Vâng! ... người năm xưa ấy, Trần Văn Bình ơi, hồn bạn giờ nơi đâu???