Bệnh viện!
Buổi chiều nắng vàng rực. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, Khả Nhu đang ngồi dựa vào thành giường. Phía sau nàng là một chiếc gối mềm mại đỡ lấy tấm lưng bé nhỏ thon thả. Nàng đã tỉnh táo nhưng đôi mắt đang băng kín vì vết thương chưa lành. Cánh tay phải của nàng cũng được băng một mảng băng lớn, cánh tay trái có vài chỗ xước nhẹ.
Rất may là người lái đã kịp thắng xe lại, mà nàng vẫn bị hất tung lên đầu xe... nếu không... thì hậu quả sẽ còn tệ hại đến mức nào nữa... làm sao mà biết được.
Cô y tá có khuôn mặt dễ thương với trang phục trắng toát ngồi bên Khả Nhu nhẫn nại đút cho nàng từng muỗng súp. Thấy Khả Nhu đột nhiên im lặng, cô y tá tên Oanh mở lời:
- Khả Nhu à, chị đang suy nghĩ gì nữa đó?
Đôi môi Khả Nhu thoáng động đậy:
- Sao cô biết tôi đang suy nghĩ?
- Chị ở đây đã hai tháng rồi, em chăm sóc cho chị mỗi ngày... ít nhiều cũng đoán được.
Mỉm cười, Khả Nhu gật đầu:
- Đúng là tôi có suy nghĩ... tôi nghĩ mình đã vô cớ quấy rầy anh Thiếu Sơn quá nhiều. Gây vạ cho anh ấy rồi còn phải để cho anh ấy nuôi dưỡng nữa.
Nhướng mắt nhìn Khả Nhu, y tá Oanh cười khúc khích:
- Em có một nhận xét khách quan này không hiểu chị có muốn nghe không?
- Nhận xét gì vậy... cô nói đi.
- Chị ăn muỗng xúp này đã.
Khả Nhu hé miệng húp lấy muỗng xúp sau cùng. Cô y tá Oanh vui vẻ để cái chén nhỏ xuống bàn rồi nắm tay Khả Nhu nói thật khẽ vừa đủ nghe:
- Anh Thiếu Sơn... có vẻ quan tâm tới chị lắm đó.
- Tại sao cô nói vậy?
Bị hỏi bất ngờ, Oanh ấp úng:
- Tại vì... chị à, nói thật nha, em là phái nữ nhưng suốt thời gian chăm sóc chị, em còn cảm thấy thông cảm với chị huống hồ chi anh Thiếu Sơn... chị không có biết đâu, anh quan tâm đến chị lắm, có ngày đến đây hai ba lần, nhưng ngồi ở một góc đó nhìn chị. Anh Thiếu Sơn xin em đừng nói cho chị biết nên em không nói... Em cũng đã kể hết hoàn cảnh của chị cho anh Thiếu Sơn nghe rồi.
Rời lưng khỏi chiếc gối dựa, Khả Nhu có vẻ khó chịu chồm tới. Cô y tá này quả thật là lắm lời. Chuyện gì của Khả Nhu tâm sự cô ấy cũng kể hết cho Thiếu Sơn nghe. Cảm giác xấu hổ làm nóng bừng cả mặt Khả Nhu. Nàng giận dỗi:
- Cô có thấy làm như vậy là quá đáng không? Rất may là tôi chưa có nói gia đình tôi ở đâu... nếu không, có lẽ cha mẹ tôi đã tức giận đến giẫy ra chết rồi.
Oanh phụng phịu nhưng rồi lại mỉm cười. Nàng không thể giận một "bệnh nhân" như Khả Nhu trong tình trạng này. Vì tâm lý của không lúc nào ổn định. Oanh đến rót nước vào ly rồi trao tận tay Khả Nhu, nói:
- Nếu chị cho rằng em quá đáng thì em xin lỗi chị, chị uống nước đi.
Khả Nhu uống hết ly nước mát thì cơn bực tức cũng hạ xuống. Nàng từ tốn hỏi:
- Cô Oanh à, đến bao giờ tôi mới thấy được.
- Phải đợi đến lúc cắt băng.
- Nếu không lầm thì còn hai ngày nữa cắt băng có phải không?
- Đúng vậy!
Khả Nhu bỗng buồn lặng:
- Có khi nào... tôi mãi mãi không thấy ánh sáng nữa không?
Câu nói vô tình của Khả Nhu làm cho y tá Oanh sững sờ đứng chôn chân một chỗ. Chút thương cảm lại bừng dậy trong lòng, Oanh nhè nhẹ lắc đầu rồi nhìn Khả Nhu không chớp. Bao suy nghĩ cứ ùa về mãnh liệt trong đầu Oanh:
"Chị Khả Nhu, giữa tôi với chị là hai người xa lạ, nhưng qua thời gian chăm sóc chị, có thể nói là tôi cảm mến chị nhiều. Hơn nữa, cùng là phái nữ nên tôi đồng cảm với chị và yêu thương chị. Tôi cũng có tình yêu nhưng may mắn hơn chị. Còn chị tại sao lại phải quá khổ như vậy? Ở trên đời lại có những người đàn ông đốn mạt như vậy sao? Tình yêu, vẫn là tình yêu, nhưng sao người hạnh phúc, còn chị lại đáng thương như vậy? Nghĩ đến ngày mai của chị, tôi thật đau xót và không cầm được nước mắt".
Nghĩ ngợi và cố nén tiếng thở dài, y tá Oanh nhè nhẹ đến bên cửa sổ. Ráng hồng bên ngoài tuyệt đẹp. Nàng định quay vào nói cho Khả Nhu nghe nhưng lại im lìm câm nín. Lại thở dài, y tá oanh nhớ đến câu chuyện giữa bác sĩ và Thiếu Sơn mà nàng đã vô tình nghe được. Bảo thẳng thừng rằng đôi mắt của Khả Nhu mười phần thì chỉ có hai phần hy vọng. Chính câu nói này đã làm cho Thiếu Sơn buồn trông thấy rõ. Có tiếng của Khả Nhu vang lên kéo Oanh về thực tại:
- Cô Oanh, cô Oanh à! Cô đâu rồi?
Oanh quay vội lại:
- Em đây nè, chị cần gì?
- Cô ở trong phòng mà sao im lặng?
Oanh bối rối:
- Em... em bận nhìn ra cửa sổ.
- Ngoài ấy có gì? Những đám mây, sóng nắng... và còn có gì nữa?
Nắm tay Khả Nhu, Oanh dìu nàng đến gần cửa sổ nói nhỏ:
- Ngoài mây, gió và ánh nắng, còn có màu xanh của cây cỏ...
- Vậy đã mấy giờ rồi?
Oanh nhìn đồng hồ:
- Bốn giờ, chị có muốn đi dạo không?
- Không! Đứng ở đây cũng được rồi.
Oanh vẫn cận kề bên Khả Nhu và rỉ rả kể cho "bệnh nhân" của mình nghe đủ điều...
Thời khẳc trôi qua thật nhanh. Độ nửa tiếng sau bên ngoài có tiếng gõ cửa thật khẽ. Đoán ra âm điệu đó là của Thiếu Sơn chẳng sai, Oanh kề sát bên tai Khả Nhu:
- Anh Thiếu Sơn đã đến. Em dìu chị trở lại giường nha.
Khả Nhu khẽ gật đầu. Nàng quay lại ngồi dựa vào thành giường như lúc ban đầu. Dọn dẹp vài thứ lặt vặt xong Oanh thốt lên:
- Vào đi !
Cánh cửa xịch mở,Thiếu Sơn trịnh trọng bước vào, trên tay duy nhất chỉ có một nụ hồng bạch thật to. Trao cho Oanh, Sơn lặng lẽ đến ngồi xuống ghế. Oanh thích thú đứa đóa hoa vào mũi Khả Nhu:
- Hôm nay chị có một nụ hồng bạch đó nha! Có thơm không?
Thay cành hoa mới vào bình xong, Oanh kiếm cớ:
- Sẵn có anh Sơn, xin trông hộ giùm bệnh nhân em có việc ra ngoài một chút.
Khả Nhu hơi động đậy nhưng rồi lại ngồi im. Thiếu Sơn chuyển ánh mắt hiền từ nhìn Oanh cảm kích:
- Cô Oanh à, tôi cám ơn cô nhiều lắm.
Oanh ra đến bên cửa bèn dừng lại:
- Cám ơn gì anh Sơn, phận sự của tôi mà... cô ý tá có vui vẻ thì bệnh nhân mới mau bình phục chứ!
Oanh nói nhanh và lui ra cũng nhanh, cánh cửa đóng lại.
Một chút im lặng nặng nề trôi qua. Thiếu Sơn âm thầm nhìn Khả Nhu, ánh mắt chàng trìu mến.
Còn Khả Nhu thì lúng túng, thấy tay chân thừa thải. Nàng bấu chặt hai tay vào chiếc gối để trước ngực. Nhận thấy Khả Nhu bối rối, chàng mở lời trước:
- Khả Nhu đã khỏe hẳn chưa vậy?
- Tôi đã khỏe, nhưng mà... tôi rất là áy náy... vì vừa gieo vạ.. lại vừa làm phiền anh.
Thiếu Sơn mỉm cười rời khỏi chiếc ghế tiến đến thật gần bên giường Nhu:
- Đừng có nghĩ quẩn nữa, hãy lo cho sức khỏe của cô trước đã. Còn việc "ơn nghĩa" hãy để từ từ tính sau. À! Căn nhà trọ của Nhu tôi đã cho người dọn dẹp và khóa lại kỹ càng rồi. Tiền nhà cũng trả trước vài tháng dùm cô luôn. Tạm thời không có gì để lo nữa.
Nghe nhắc đến căn nhà trọ, Nhu nghe lòng đau nhói. Hình ảnh hôm nào lại hiện về khiến nàng lên cơn hoảng loạn.
- Còn ai ở trong nhà đó không vậy? Nếu có, hãy đuổi họ ra dùm tôi. Hãy đuổi dùm tôi!
Thiếu Sơn lao đến nắm chặt hai tay Khả Nhu kềm lại cho nàng đừng giẫy giụa:
- Khả Nhu, đừng có xúc động như vậy. Nếu cô có một chút nể tình tôi thì hãy nghe lời tôi. Trong ngôi nhà đó không có ai cả. Những gì đã xảy ra với Nhu... đã qua hết rồi... Đừng nhớ nữa..
Khả Nhu cảm nhận được trong lời nói của Thiếu Sơn có một chút gì đó gần gũi đáng mến, nàng quờ quạng hai tay kêu lên:
- Thiếu Sơn!
- Tôi đây! Tôi đang đứng cạnh bên giường của cô đây.
Khả Nhu nghẹn ngào:
- Nếu anh có nghĩ đến tôi... thì hãy... ngồi xuống đây đi... và đừng ngại.
Thiếu Sơn nhìn Khả Nhu rồi ngửa cổ nhìn thẳng lên trần nhà. Trong lòng chàng trong thoáng chốc có những biến động mãnh liệt, chàng thật sự muốn trở nên gần gũi với cô gái nhỏ nhắn này vì nàng vừa rất đáng thương vừa lại đáng yêu. Nhưng rồi có những lúc chàng muốn rằng phải xa nàng thật xa, phải giữ với nàng một khoảng cách nhất định. Chàng lo sợ gần gũi sẽ mang lại cho Khả Nhu những cảm giác êm đềm ngắn ngủi, nhưng rồi sau đó khổ đau sẽ lại tràn đầy. Chính xác hơn, Thiếu Sơn lo ngại rằng sẽ có lúc mình vô tình trở thành một nỗi khổ to lớn cho Khả Nhu. Những gì mà Thiếu Sơn biết được về cô gái nhỏ này khiến Thiếu Sơn phải suy nghĩ. Chàng cho rằng bấy nhiêu đó khổ đau là đã đủ quá rồi không nên gây thêm một chút nào nữa cả.
Tiếng của khả Nhu lại vang lên khẩn khoản:
- Thiếu Sơn! Anh đang suy nghĩ gì vậy?
Thiếu Sơn cố cười thành tiếng thật thoải mái cho Khả Nhu yên lòng, rồi ngồi thẳng lên giường gần sát bên đôi chân duỗi thẳng của Khả Nhu, thiếu Sơn nói:
- Không có suy nghĩ gì. Tôi đã ngồi rồi đây.
Và Thiếu Sơn cởi mở:
- Khả Nhu à, chỉ cần cô đừng nghĩ ngợi quanh quẩn nữa thì anh không có gì phải lo lắng. Hãy cố giữ sức khỏe cần thiết cho mình và cần chuẩn bị chu đáo về tâm lý để hai ngày nữa bác sĩ sẽ mở băng mắt cho cô.
Khả Nhu mỉm cười bẽn lẽn:
- Thật ra, anh tốt với tôi quá sức tưởng tượng rồi đó.
Thiếu Sơn nhìn khả Nhu đăm đăm. Chàng nhìn như xuyên thấu cả tấm băng trắng trên mặt của nàng. Cảm nhận được một nét đẹp hài hòa khả ái dù có bị che khuất bởi tầm băng trên mặt nhu, Thiếu Sơn bỗng nghe lòng lắng dịu. Hình ảnh hôm nào trên phố bỗng có một cô gái bất thần lao vào xe chàng lại hiện về thật rõ. Nàng đã gây cho Sơn một phen thất kinh hồn vía. Chợt mỉm cười, Sơn thốt lên:
- Khả Nhu! Cô vừa ngốc lại vừa điên nữa đó!
Đôi chân mày của Khả Nhu chau lại, nàng ấp úng không hiểu:
- Tại sao vậy? Tại sao anh nói tôi vừa ngốc lại vừa điên?
Sơn hơi lo nên cười phân giải:
- Xin đừng giận nhé Khả Nhu. Tôi nói như vậy là cũng vì quá nghĩ ngợi về cô đó thôi. Đau khổ, đó là chuyện thường tình mà dường như không ai không có lần vướng phải. Nhưng tôi không sao hiểu nổi - trông cô có bản lĩnh kiên cường như vậy mà lại xử sự dại dột như thế...
Đôi môi xanh xao của Khả Nhu lại động đậy, nàng hỏi:
- Căn cứ vào đâu mà anh bảo tôi có bản lĩnh kiên cường?
Sơn rất muốn nói ngay nhưng anh ngưng lại rào đón:
- Nói ra không giận chứ?
- Không!
Chỉ cần một tiếng "không" Thiếu Sơn nói hết theo ý nghĩ của mình.
- Bởi vì cô dám phản đối, dám vượt qua một bức tường vừa dầy vừa kiên cố mà cha mẹ cô đã sắp đặt sẵn để thực hiện theo tiếng gọi của con tim. Như vậy không phải là kiên cường thì là gì? Tôi một lần nữa lại không thể hiểu nổi, trong lúc hoạn nạn cô đã bỏ quên chí kiên cường của mình ở đâu rồi? Tại sao cô không nghĩ rằng, một lần nữa bản chất ấy sẽ giúp cô chiến thắng hoàn cảnh. Thay vì dũng cảm vượt qua, cô lại ủy mị tự sát. Đó chính là sự nông nổi, sự ngu ngốc nếu không nói điên loạn có phải không Khả Nhu?
Không còn đường nào để chối. Con người này đã nói không sai một mảy may nào, cứ y như là chính anh ấy đi trong bụng mình ấy... Nghĩ thế, Khả Nhu chợt mỉm cười:
- Anh nói rất đúng! Không ngờ.5. Anh phân tích đúng tâm trạng của người khác đến như vậy? Dẫu sao, tôi cũng đã nợ anh quá nhiều, nếu muốn đền đáp thật khó lòng đền đáp được.
- Cô có ý gì vậy Khả Nhu? Lời nói của cô có gì uẩn khúc?
- Tôi sợ, mình không thấy lại được. Lúc đã mù lòa, không biết sẽ làm gì để sống.
Thiếu Sơn nhăn nhó đau xót:
- Tại sao cô lại nghĩ như vậy?
- Tôi linh cảm như thế!
Thiếu Sơn cắn chặt môi, đưa tay bóp nhẹ nơi vầng trán. Viễn cảnh một Khả Nhu mù lòa lăn lóc gió sương, vất vơ, vất vưởng kiếm sống trên hè phố vô tình làm cho Thiếu Sơn đau nhói. Nếu nói đó là một sự trừng phạt của số kiếp thì thật là bất công, tàn nhẫn. Nàng đã làm gì nên tội đâu. Dù muốn dù không, lương tâm của Thiếu Sơn cũng không cho phép chàng để xảy ra tình cảnh ấy, phải giúp nàng, dù mình không cố ý gây nên thương tích này, vẫn phải gánh lấy. Đó là một việc làm vui vẻ tự nguyện, chứ không phải là một kiểu gánh trách nhiệm bị bắt buộc.
Trở nên thoải mái, phấn chấn vì một ý nghĩa tuyệt vời, Sơn long lanh ánh mắt nhìn Khả Nhu rồi nhè nhẹ nắm lấy đôi tay nàng. Giọng của Thiếu Sơn êm êm như gió thoảng:
- Khả Nhu! Em không muốn trở về gia đình thật sao?
Khả Nhu hơi ngớ ngẩn vì tiếng "em" đổi cách xưng hô ngọt ngào của Sơn, nhưng Khả Nhu vẫn để yên bàn tay mình cho thiếu Sơn nắm. Nàng trả lời:
- Có lẽ không nên về nữa!
Bàn tay của Sơn xiết mạnh hơn, giọng chàng thành thật hơn.
- Khả Nhu! Hai ngày nữa băng mắt của em sẽ được mở ra. Nếu thấy rõ được thì cần cảm tạ trời đất đã phù hộ... còn ngược lại... thì em đừng vì điều đó mà quá đau buồn... Bởi vì, một ngày nào anh còn sống thì em sẽ không phải bơ vơ, cô độc với đời. Anh sẽ giúp đỡ,lo lắng cho em tất cả.
- Em làm sao có thể trở thành một gánh nặng cho anh được chứ? Em không đồng ý, không chịu đâu! Thiếu Sơn, cảm ơn anh đã quá tốt với em, Khả Nhu này không nghĩ rằng sẽ bơ vơ, vất vả trên đường đời đâu. Anh đã từng nói em rất kiên cường cơ mà. Em sẽ không bỏ quên nó nữa đâu, em sẽ dũng cảm vượt qua tất cả - em tin như vậy.
- Khả Nhu !
Thiếu Sơn kêu lên thống thiết. Khả Nhu trước mặt chàng bất động như pho tượng, làn da trắng xanh xao, Thiếu Sơn bậm nhẹ đôi môi rồi nói khẽ:
- Hãy hiểu cho anh một chút và hãy nghe anh nói thật lòng đây. Nếu em vẫn dứt khoát với những ý nghĩ như thế thì anh... anh sẽ đau khổ và không yên suốt cuộc đời này đó.
Khả Nhu giật thót người lên như chạm phải điện. Nàng định gào lên, phủ nhận lời Thiếu Sơn, nói rõ ý nghĩ của mình nhưng không còn can đảm, không còn lời lẽ.
Tay vẫn trong tay, Thiếu Sơn im lặng ngắm nhìn cô gái nhỏ đã vô tình tràn vào tay chàng. Căn phòng càng lúc càng im ắng. Sơn không nói nữa, Khả Nhu cũng im lìm. Tâm tư của cả hai cùng lắng đọng thật sâu theo thời gian và không gian tĩnh mịch. Tay vẫn trong tay. Máu trong huyết quản lúc như dừng lại lúc như chạy vội. Giữa hai người càng lúc càng như ngột ngạt. Một sự ngột ngạt thích thú.
o0o0o0o0o
Hai ngày sau, băng mắt của Khả Nhu được mở ra. Nàng nhẹ nhàng hé mở đôi mắt to đẹp từ lâu khép kín. Một thứ ánh sáng mờ ảo rất nhẹ lọt vào mắt Khả Nhu. Có một lớp màng mỏng bao phủ quanh mắt nàng khiến nàng phải cố gắng hết sức giương mắt để nhìn. Tiếng của y tá Oanh vang lên thúc giục:
- Khả Nhu, trước mặt chị là anh Thiếu Sơn đó, chị có thấy không, có thấy không hả?
Khả Nhu mường tượng thấy bóng một người trước mắt, rồi sau đó, trong đôi mắt mở to ráo hoảnh của nàng bao phủ một màu đen. Nước mắt chảy tràn ra, Nhu bụm mặt rên rỉ:
- Tôi không thấy gì cả!
Có tiếng uất nghẹn của oanh, tiếng than thở của vị bác sĩ, và rồi đôi tay quen thuộc của Thiếu Sơn đặt mạnh lên vai nàng như an ủi. Hiểu được điều gì xảy ra qua sự lặng im đáng sợ này rồi, Khả Nhu nấc lên ngả vào lòng Thiếu Sơn khóc mùi mẫn:
- Thiếu Sơn! Em không thấy được có nghĩa là sẽ mãi mãi sống cảnh mù lòa... Có phải vậy không anh? Có phải vậy không?
Khả Nhu khóc tức tưởi trong lòng Thiếu Sơn. Nàng chỉ cảm nhận rằng mình được ôm trong lòng Sơn thật chặt, thật sát. Ngoài ra, chàng không nói được lời nào.