Ông Bà Cụ Đakao
Vân Hải
Mỗi tuần một buổi nhóm chợ ngoài trời, tôi đều thấy ông bà cụ đó đi loanh quanh mua xắm. Nhìn hai cụ đi bên nhau, tôi chắc chắn đây là một gia đình hạnh phúc. Hai cụ rất đẹp lão, vẻ phúc hậu và phong lưu. Điều nổi bật làm tôi chú ý ngay là cả hai cụ đều có nụ cười rất tươi và rất hiền từ. Tôi cũng rất chịu cái gu ăn mặc của các cụ. Giản dị mà vẫn đẹp mắt. Trẻ trung mà không lố bịch. Nhất là cụ Ông hay mặc quần jean, đi giầy basket, khoác áo blouson vải nếu hôm nào có chút gió mát. Nhìn cụ phục sức như thế, không ai dám bảo cụ đã gần tám mươi tuổi. Không thấy quá trẻ so với đôi lông mày bạc dài rủ xuống phía đuôi mắt, mái đầu hói gần hết tóc, chỉ còn một vòng tròn phía sau đầu, giống mấu thầy tu dòng Franciscain. Khi nào trời lạnh, cụ khoác áo măng-tô dạ xám xẫm, quấn khăn cổ, đội mũ nồi, lúc đó mới thấy vẻ già nua.
Cách mặc của bà cụ ít trẻ trung hơn, nhưng rất giản dị. Quần tây xám hay nâu, đậm hay nhạt mầu tùy mùa lạnh hay mùa hè. Choàng trên vai cái khăn lụa. Áo sơ mi dài tay cùng màu, thường được cụ bỏ ra ngoài quần « để che cái bụng nó xổ ». Cụ hay cười mà nói thế, tay để trên bụng, vuốt xuôi xuống:
- Từ ngày sang đây, tôi mới ăn mặc như thế này, chẳng ra tây cũng chẳng ra ta. Các bà văn minh thấy tôi ăn mặc thế này, chắc chê tôi nhà quê? Tôi thì nghĩ tươm tất là được rồi. Vả lại thời buổi này, được may mắn như mình đã là phúc đức lắm rồi, xá gì cái bề ngoài nữa.
- Chỉ có người đua đòi xe xua và bề ngoài mới cần cái...bề ngoài cụ Ơi. Cụ thấy không, cháu còn trẻ mà ăn mặc cũng giản dị như cụ vậy thôi. Ai chê cười mặc ai. Nhiều lúc nực cười cụ ạ, vừa thấy mặt mình, chưa chào hỏi đã nhìn từ đầu tới chân mình đánh giá. Thậm chí có người còn nhào cả vào người mình lật áo lên xem mác gì, hàng vải ra sao, tốt xấu thế nào, rồi hỏi ngay rằng mua ở đâu. Hễ nghe nơi bán là chỗ xưa nay nổi tiếng thì có vẻ ngán, mà nghe bình dân thì chê bai, rẻ rúng ra mặt. Cho nên khi nào hỏi, cháu trả lời hai nơi, một là ...chợ rệp, hai là Lafayette. Thế là cụt hứng. Hết khen và cũng hết chê. Có giỏi cứ ra hai nơi đó mua. Vài lần như thế là tởn mặt cháu, hết dám hỏi, cụ ạ.
Bà cụ bật cười. Nụ cười hiền lành. Đoạn cụ điềm đạm nói:
- Cô còn trẻ nên còn nóng tính. Chúng tôi thì chẳng để ý gì đến lời khen tiếng chê nữa.
- Với mấy người ấy phải dữ như thế mới được cụ ạ. Có lần cháu mặc cái áo tơ tằm, quà của chị cháu ở Việt Nam ấy mà. Khi nghe nói là quà Việt Nam, họ tương ngay một câu « ối, áo xoa Việt Nam ấy à? chỉ đáng 10 đồng bạc ». Mười francs ấy mà cụ. Thế có giận không chứ? Đối với họ chỉ có đồng tiền, chẳng tình chẳng nghĩa gì hết. Nhiều khi lẩm cẩm, cháu cứ nghĩ sao họ không vất mấy tính xấu đó xuống biển, trong rừng cho rồi, hay bỏ lại ở Tân Sơn Nhất, khi lấy máy bay tị nạn sang đây. Chịu khó mang theo một lô tính xấu, rồi lại học thêm một mớ tính xấu ở đây. Thật là khổ tâm hết sức. Như cái vụ Ôm hôn. Mặt thì mít đặc, mà cứ hơn cả đầm. Mà phải còn trẻ bảo rằng nhiễm tính đầm. Đằng này nước phèn Việt Nam rửa mấy cũng chẳng phai. Gớm, mới nghĩ thôi cháu đã nổi mề đay cụ ạ.
Bà cụ cứ nghiêng cả người đi mà cười. Rồi nửa trách nửa không:
- Cô cũng khó tính quá nhỉ?
- Không khó tính đâu, thưa cụ. Thẳng tính thôi. Rởm thì cháu nói rởm. Chứ cụ bảo cháu phải nói sao bây giờ?
Khi trời rét ít thấy cụ bà. Những lần đó tôi đều hỏi thăm.
- Bà nhà tôi trông thế nhưng yếu lắm. Đường xá cô thấy, lại trơn ướt. Nhỡ một cái thì khốn. Nên, thôi, để bà ấy ở nhà. Tôi chỉ mua mấy thứ lăng nhăng, loanh quanh một chút rồi về thôi.
Gần như lần họp chợ nào, hai cụ cũng ghé mua chút hàng cho tôi. Cụ bà cứ mừng thật may có quán của tôi bán thức ăn và đồ dùng á đông. Không phải đi métro đến tận quận 13 trong Paris, vừa xa vừa mất thì giờ. Nhiều khi tôi biết hai cụ chẳng cần đến mà vẫn ghé mua, dù chỉ một chút xíu. Hình như hai cụ có ý mua giúp thì phải.
Những lần đầu, tôi mới đến bán ở chợ này, hai cụ đứng chơi hơi lâu. Hỏi gia cảnh tôi và kể về gia đình cụ. Khi nghe kể chồng tôi chết trong tù cải tạo, thì bà cụ biến sắc mặt. Tôi thấy cả một trời thương cảm trong đôi mắt già long lanh lệ. Lòng tôi chợt mềm đi và tự nhiên tôi nhớ tới mẹ tôi. Cũng nét mặt thảng thốt, nhợt nhạt, đau thương đó, cũng thái độ im lặng, âm thầm chia xẻ đó, mà cũng đủ nói lên hết nỗi xót xa.
- Thế cô đã có cháu nào chưa?
Giọng bà cụ nhẹ nhàng, như sợ đụng vào vết thương trong tôi.
- Dạ có. Cháu có hai đứa. Một trai một gái. Con trai cháu 17 tuổi rồi, em nó 14. Con nhỏ không biết mặt bố nó. Cháu có bầu thì bố nó đi tù cải tạo. Gọi là cải tạo cho mỹ miều để lừa gạt đấy cụ Ơi ! Nhân dân miền Nam ai chẳng hiểu là đi tù. Đó là hình thức trả thù. Chồng cháu bị đem ra Bắc. Có nhắn cháu mang con đi. Cháu cứ do dự mãi. Chẳng lẽ bỏ chồng ở lại? Cho dù không được thăm nuôi, chẳng được nhìn mặt nhau bao nhiêu năm trường. Nhưng anh ấy còn sống, làm sao cháu nỡ bỏ đi? Vì cháu vẫn hy vọng có ngày chồng cháu ra tù. Dù hy vọng rất mong manh. Thế rồi cháu được tin chồng cháu chết. Chết vì đói, vì rét, vì bịnh không thuốc men, không săn sóc, chết vì bị hành hạ từ thể chất đến tinh thần. Chết như thế là chết oan cụ ạ. Cho nên linh thiêng lắm. Có lẽ đã phù hộ nên ba mẹ con cháu thoát ngay lần đầu vượt biên. Cụ còn lạ gì, có người đi năm lần bẩy lượt mà không thoát. Tán gia bại sản, chưa kể tù tội mọt gông, phải chạy vàng mới ra tù. Sang đây, cháu toàn gặp may mắn.
- Vâng, tôi biết cảnh đó. Các con tôi, cũng có người nếm cơm tù cộng sản rồi. Nói thật chẳng gia đình nào mà không bị ly tán, kể từ khi chúng nó về. Đến cả người dân sự, chỉ có một việc không may là làm cao cấp trong chính quyền cũ, cũng tù mọt gông, đừng nói ai khác.
Cụ cười buồn khi nói đến chữ « không may ». Cụ tiếp:
- Người ta già cả rồi nữa. Về hưu từ đời nào rồi. Chỉ vì thật thà, thơ ngây, vì là người tử tế mà cô, nghe kêu gọi ra trình diện, thế là dẫn xác ra. Rõ khổ. Nó có chừa ra đâu, cũng bị tóm đi. Rồi đi luôn. Vợ con cứ ngớ ra. Thật là dại dột. Mà tụi kia cũng thật là táng tận lương tâm. Thật là đểu cáng. Nói xin lỗi cô nhé! Chúng nó lừa tuốt tuột cả. Kể từ thời Pháp, thời các ông Quốc Dân Đảng hay trước nữa cơ ấy chứ. Lừa xong rồi thì chúng mách lẻo cho thực dân Pháp, thế là chết cả nút. Có ông cụ bạn nhà tôi, về hưu lâu rồi. Trước là luật sư. Ông cụ này thì không ngây thơ đi trình diện. Nhưng nửa đêm chúng nó xông vào nhà bắt đi. Bà vợ cứ khóc ngất đi mà chúng mặc kệ. Cứ xồng xộc lôi ông cụ đi. Cũng tròm trèm 70 rồi chứ trẻ trung gì đâu. Khổ thế. Nhà chỉ có hai vợ chồng. Các con đi thoát hồi 75 cả. Tưởng già thì yên thân. Vả lại làm luật sư chứ có giết ai? Ai ngờ chúng bảo rằng đã kết án nặng một đứa là Việt cộng. Bây giờ chó nhẩy bàn độc, cô hiểu chứ, chúng bắt trả thù. Mất gần 10 năm trời đấy cô ạ. Ra tù đã gần 80t. Kinh khiếp không cô? Bà cụ Ở lại nuôi chồng. Các con gửi tiền nuôi mẹ. Cũng may bị nhốt ở Phan Đăng Lưu hay loanh quanh miền Nam nên bà cụ còn thăm nuôi được. Nghe nói bác ấy vừa ra tù và sắp đi đoàn tụ với các con ở Canada. Thôi ông trời vẫn có mắt.
Bà cụ thở dài, nét mặt xa vắng.
- Ông trời mà có mắt thật thì tiêu diệt lũ quỷ đó đi.
Từ nãy đến giờ im lặng, cụ Ông giận dữ chêm vào. Đôi mắt long lanh ánh lửa.
- Rồi ông xem, ông trời có mắt chứ chẳng không đâu. Lũ ma quỷ ấy rồi sẽ tiêu tan nay mai thôi.
- Không hợp lòng trời, chẳng hợp lòng dân, hai thứ đó đều không có, mà sao chưa tan, kể cũng lạ thật!
Ông cụ gật gù như nói riêng với mình.
Tôi cứ vừa bán hàng vừa chuyện trò như thế mỗi khi hai cụ đến quán. Có lần các cụ hỏi đến con tôi. Tôi khoe chúng nó học giỏi. Hai cụ tươi cười mừng rỡ như chính cháu cụ tiến bộ.
- Các cháu vẫn nói được tiếng Việt chứ?
- Dạ, con của cháu còn Việt Nam lắm cụ Ơi. Chắc chồng cháu phù hộ cho đấy.
- Qúy quá ! Thế thì quý quá. Nhà cô có phúc đấy. Chắc chắn ông nhà phù hộ cho cô.
Rồi bà cụ không ngớt dặn dò:
- Cô cứ tiếp tục ăn hiền ở lành, cư xử tử tế đi. Trời Phật không bao giờ phụ lòng người tốt đâu cô ạ!
Cụ đặt bàn tay lên cánh tay tôi vỗ nhè nhẹ. Tôi nhớ cụ có hai bàn tay ấm áp, lòng bàn tay đỏ hồng như son.
Có khi hai cụ chỉ mua ở hàng tôi một món gì đó, không mua gì nơi khác. Mục đích để giúp tôi và có cớ đi loanh quanh cho thấy mặt người, những khi các con các cháu đi làm, đi học, chỉ đến thăm vào cuối tuần. Nhưng cũng có khi hai cụ khệ nệ mang mấy túi ny lông nặng. Vẫn không quên ghé hàng tôi mua đồ á đông. Nói vài câu thăm hỏi. Khoe rằng sẽ có các con cháu về chơi cả ngày. Sẽ làm món này món nọ cho cả nhà. Những lúc đó thấy cụ bà vui như tết, lăng xăng thu thu dọn dọn mấy túi xách và cứ giành với cụ Ông:
- Ông đưa cho tôi xách bớt cho. Ai lại cứ đòi xách hết. Rồi lại trẹo cả tay. Tôi xách được chứ có què đâu mà không chịu chia cho tôi?
Quay sang tôi, cụ bà tươi như hoa nói như giảng giải:
- Ông ấy cứ đòi xách hết, mà nặng như thế, cô xem. Tôi cứ bảo ông ấy giống ông sư Giác Viễn trong truyện kiếm hiệp gì ấy. Cô có đọc truyện đó không?
- Thế là cụ cũng đọc kiếm hiệp đấy à?
- Vâng, thì cũng đọc cho vui ấy mà. Truyện gì mà có ông sư Giác Viễn với lại ông Nói Không Được gì ấy. Tôi chẳng biết là Nói Không Được hay là Không Nói Được. Tôi cứ nhầm mãi.
Bà cụ cười rung cả người.
Cụ Ông ít nói, lẳng lặng cân nhắc rồi đưa cho cụ bà một hai túi nhẹ.
- Đấy, bà xách mấy túi này được rồi. Muốn xách thì cho xách nhé. Nhưng mà Nói Không Được hay Không Nói Được, đố bà.
Cụ Ông cười cười, hiền lành nhưng dí dỏm.
Rất nhiều lần, từ xa, tôi thấy hai cụ khoác tay nhau đi. Có khi thì cụ bà chỉ cho cụ Ông tránh chỗ bẩn trên vỉa hè vì cụ Ông còn mải nghiêng đầu đọc một tít lớn trên một tờ báo trước cửa tiệm sách báo. Có khi thì cụ Ông dắt tay cụ bà đỡ bước leo lên hè phố hơi cao hay lồi lõm. Hoặc khi sang đường, lúc nào, cụ Ông cũng có cử chỉ đã đi vào thói quen là che chở cho cụ bà. Nhìn hai cụ săn sóc nhau từng li từng tí, nói với nhau bằng những lời lẽ giản dị mà vẫn gói ghém biết bao nhiêu tình nghĩa, tôi thấy cả một trời hạnh phúc trong cuộc sống của các cụ. Hạnh phúc thật là giản dị mà sao nhiều người chẳng phát giác ra điều đó. Tôi cũng nhận thấy cái tình, cái nghĩa thắm thiết, sâu đậm của người á đông chỉ còn tồn tại ở một số cặp vợ chồng già, như đôi ông bà cụ này. Bây giờ, những giá trị tinh thần đó giảm bớt, phai lạt khá nhiều bởi nếp sống cho là văn minh, tiến bộ, bởi nếp sống máy móc, chụp giựt ở xứ người và cả ở trong nước, nơi mà giá trị đồng tiền được đề cao hơn gì hết, nơi mà thái độ bất lương ngự trị khá phổ biến.
Bẵng đi cả tháng trời, không thấy hai ông bà cụ đi chợ. Tôi băn khoăn ngóng nhìn phía xa nơi các cụ hay đi tới. Mặc dù chỉ quen biết thế thôi vào mỗi buổi chợ, nhưng tự nhiên tôi đã coi ông bà cụ như người thân thiết, gần như cha mẹ tôi đã khuất bóng. Lòng tôi bồi hồi lo lắng. Tôi có cảm giác không vui. Tôi đoán chừng một trong hai cụ đau ốm gì đây. Nghĩ tới đó, lòng tôi chợt lo lắng.
Quả nhiên tôi đoán không sai.
Vào một buổi chợ, chỉ thấy một mình cụ Ông đi tới. Ngay từ xa, tôi đã thấy cụ già hẳn đi. Lụ khụ. Vẫn ăn mặc như xưa. Bước đi bềnh bồng, không vững, dáng đi khom xuống, đôi vai xuôi. Khi cụ đến gần, tôi xúc động thật sự. Mặt cụ hốc hác, xanh xao. Đôi mắt buồn man mác. Đôi lông mày bạc trắng như rủ xuống thấp hơn. Chỉ nhìn thôi tôi đã không dám lên tiếng hỏi. Tôi nghĩ rằng có thể cụ bà không chỉ ốm đau nặng.
Tôi chưa lên tiếng chào, cụ đã nói, giọng thong thả, nhưng thật buồn rầu:
- Bà nhà tôi bỏ tôi đi rồi!
Cụ chỉ nói thế thôi rồi đứng im. Buồn bã. Tôi nín thở. Hình như tim tôi ngừng đập trong tích tắc đó. Lúng túng, vụng về, tôi gợi chuyện:
- Cụ bà mất rồi ư? Thật hả cụ? Chết chưa!
Im lặng một chốc vì tự nhiên tôi không biết phải nói gì. Cứ thừ người ra. Liên tưởng đến mẹ, nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Đang lúc tôi xụt xịt và tìm khăn giấy thì cụ Ông chậm rãi tiếp:
- Bà ấy sướng, sướng hơn tôi nhiều. Bà ấy đi như đi ngủ. Cuối tuần gặp đầy đủ con cháu. Đang vui vẻ. Đêm chủ nhật, rạng thứ hai, tự dưng kêu đau tay, nhức đầu. Tôi dậy xoa dầu cho rồâi bảo để sáng ra kêu bác sĩ tới. Ai ngờ sau đó bà ấy ngủ luôn, không dậy nữa.
Tự nhiên tôi đâm ra nhớ bà cụ ghê gớm. Nhớ nụ cười hiền hậu, tươi tắn. Nhớ giọng nói đôn hậu, dịu dàng. Nhớ dáng dấp giản dị mà sang trọng, không hề quê mùa chút nào như cụ đã nói. Tôi không biết nói sao với cụ Ông. Tôi chỉ đành nói xuôi chiều:
- Thật tội nghiệp quá! Nhưng mà như thế...cụ bà thật là sung sướng. Chẳng đau ốm gì là sướng nhất. Bố mẹ cháu còn đau ốm ít nhất vài tháng mới mất.
- Bà ấy sướng, sướng hơn tôi.
Ông cụ nhắc lại câu nói lúc nãy. Có lẽ cụ muốn nói rằng kẻ ở lại mới là kẻ khổ hơn. Do dự giây lát, rồi cụ chào tôi:
- Thôi tôi chào cô. Tôi dọn về nhà con gái út tôi rồi. Chúng nó không muốn tôi ở đây một mình. Hôm nay ghé về đây lo thủ tục giấy tờ, nhân tiện ghé qua cho cô hay. Thôi chào cô nhé. Chúc cô làm ăn phát tài. Cho tôi hỏi thăm các cháu.
Tôi lại lúng túng xoay xoa? tìm lời:
- Cháu xin chia buồn với cụ. Vâng, cụ về nhà các anh chị ấy là phải. Cảm ơn cụ. Cụ ráng giữ sức khỏe nhé. Lúc nào có dịp, cụ nhớ ghé cháu.
- Cảm ơn cô. Vâng tôi vẫn ráng giữ sức khỏe đấy chứ. Khi nào có dịp tôi không quên ghé thăm cô đâu.
Ông cụ cười. Nụ cười héo hon, thật gượng gạo. Rồi cụ quay đi. Lưng khom, vai trĩu nặng u buồn. Bước chân run rẩy. Lần đầu tiên từ ngày quen biết hai cụ, tôi mới chợt nhận thấy tuổi tác già nua nơi cụ.
Rồi từ đấy, không bao giờ tôi gặp lại ông cụ nữa. trong những buổi chợ sau này, đôi khi chợt thấy bóng ai, tôi cứ ngỡ là bóng dáng hai cụ. Khi là cụ bà với nụ cười hiền hậu, khi là cụ Ông với dáng dấp trẻ trung, khoẻ mạnh. Nhưng không. Chỉ là người thoáng giống mà thôi. Lâu lâu lòng tôi lại đột nhiên nhớ nhung như nhớ người thân thích.
Ngần ấy ngày tháng quen biết, nhưng hai bên không ai biết rõ tên tuổi ai. Hai cụ chỉ biết tôi tên là Vân và tôi chỉ biết hai cụ ngày trước ở Đakao.
Từ đấy, mỗi khi nhớ đến hai cụ, tôi lại thầm gọi Ông Bà Cụ Đakao.
Hết