Ngày trăng tròn lẻ. Tháng Trung thu Năm Đại Bảo thứ 3.
Người hai lưỡi bảo là ngày Sao Thổ phạm vào Thái âm.
Người ngắn lưỡi nói Sao Chổi mọc ở phương Tây.
Người dài lưỡi bảo có tinh vượn đen ăn mặt trời, ngày Nhật thực, nếu không yểm kỹ sông Nhị đang nảy vàng ròng sẽ ngừng.
Động đất.*
*
*
Quảng trường chợ Cửa Đông không còn cảnh tơ lụa, lĩnh, gấm, giấy dó, bát sứ, tiền đồng Thiệu Bình ... bày bán, thay vào đó là một dãy cọc lim được chuyển về từ Thanh Hóa. Gọi là cọc nhưng to như những cột cái, vốn là của dâng của dân đất tổ để các đại thần dùng làm cột nhà. Thái bình đã ngần ấy năm, những khai quốc công thần lẽ nào không đáng được dựng những dinh to thự lớn? Lòng dân ở đâu cũng vậy chứ không chỉ Lam Sơn, luôn biết ơn những người xả thân vì nước.
*
*
*
Từ canh tư Thị Lộ đã dậy. Nói đúng ra là nàng không ngủ kể từ khi bị bắt. Từ trước nữa kia. Từ hôm vua băng. Đêm ấy cả vua và cả nàng đều đã không ngủ..Nhưng hôm nay, nàng không ngủ vì nàng cố hình dung, cố ước ao để gương mặt rất đỗi thân yêu của quan Hành khiển hiện ra trước mắt nàng. Mà không được... Chàng giận thiếp chăng?/ Không/ Giận Nguyên Long chăng/ Không/ Chàng chưa viết xong, chưa thật hài lòng với Lam sơn ký sự chăng/ Không...Vậy...Vậy hay chàng không còn yêu thiếp như ngày xưa chăng?...
Thị Lộ ứa nước mắt. Đấy không phải là tiếng của Nguyễn Trãi. Hoàn toàn im lặng. Nàng độc thoại một mình. Phu quân của thiếp. Lẽ nào chàng không hiểu cho thiếp. Dù có thế nào đi nữa thiếp vẫn là đàn bà nông nổi. Thiếp vẫn lộ mình ra để lọt vào tầm ngắm của Nguyên Long. Thiếp vẫn ham hố chức tước. Chàng ơi, Lễ nghi học sĩ chẳng phải chính chàng cũng nói là rất xứng với thiếp đó sao? Chẳng phải chính chàng, từ chàng mà thiếp mới có ngày mở mặt sao?... Không! Không! Không! Không, chàng đừng tin lời ai cả. Hãy tin thiếp. Bên Nguyên Long đêm ấy thiếp nói say sưa lắm, thiếp biết nhan sắc sẽ lộng lẫy mỗi khi như thế. Nhưng thiếp làm gì có thời gian để ... làm chuyện ấy. Và Nguyên Long cũng đâu chỉ muốn ở thiếp chuyện ấy. Chàng! Thiếp tin rằng chàng không muốn nghe và không cần nghe những lời này của thiếp. Tâm hồn chàng không bao giờ để cho ba cái chuyện này làm vẩn đục. Chàng đã cho thiếp được kề cận thuyền rồng, chẳng phải chỉ là việc chàng thi hành phép quân thần mà thực lòng chàng cũng tin ở đấng quân vương. Nguyên Long có thể mê tửu sắc ở những chỗ, những lúc chỉ gặp những tửu sắc tầm thường. Còn với thiếp, Nguyên Long yêu đấy mà trọng đấy. Cho thiếp ở lại kinh thành, phò tá quân vương từ bấy lâu nay là bởi chàng cảm thông, và chàng không nghĩ đấy là việc sẽ tổn thương đến tình phu phụ - nếu thiếp và Nguyên long có đi quá đà. Nhưng... Đêm ấy... Thiếp thăng hoa lắm. Như một thần đồng. Miệng của thiếp mà tư tưởng của chàng. Những lời thiếp nói hôm ấy từ chữ của chàng mà ra. Chữ nào chữ ấy, ý nào ý ấy tuôn trào. Như suối chảy đêm trăng, như gió thổi trên ngàn, như chung đồng ngân, như âm thanh đàn đá...
*
*
*
Tiếng xích va vào cửa ngục cắt đứt những lời nức nở của Dâm thị. Tiếng cai ngục nhỏ nhẹ: “Thưa bà. Đã đến giờ rồi”. Nói xong anh ta cụp mắt xuống. Xương sống anh lạnh buốt hệt như cái ngày bị rắn cắn trên núi Chí Linh. May mà có cỏ giải độc của Mường Mộc nên còn sống đến bây giờ. Khi nói câu ấy anh đã chót nhìn. Nhan sắc của Dâm thị quả là có một không hai. Đã bị giam gần 2 tuần nay mà vẫn còn nguyên vẻ “chim sa cá lặn”. Thảo nào mà 2 người đàn ông tuấn kiệt đến vậy mà cũng không cầm được lòng.
Dâm thị đứng dậy. Nàng đã kịp một ý nghĩ. “Cái chết nào có đáng gì. Ta đau là đau cho thế thái. Vậy thì đừng lộ. Hãy cao đầu lên. Chết như một kẻ hài lòng...”. Nàng khoan thai đứng dậy: “ Cho phép ta chải đầu chứ?”. “Vâng thưa... đại học sĩ”. Anh ta lại giật mình vì cách thưa gửi của mình. Bây giờ đâu còn như thế. Phải gọi là Dâm thị.
*
*
*
Dâm thị định tìm lược nhưng lập tức nhớ ra rằng trong ngục tù làm gì có lược. Nàng lùa năm ngón tay vào tóc. Chỉ vuốt nhẹ một tí là mềm óng, suôn sả, thả xuống bờ vai như mây như tơ. Xong. Nàng nói “Cảm ơn ông. Xin ông nếu có thể...nếu quan Hành khiển ...được tha bổng... xin ông nói với ngài rằng: nếu chết đi tôi chìm trong hoả ngục hay trong bùn lầy với rắn rết thì thôi còn nếu tôi qua được vạn kiếp luân hồi thì vạn kiếp ấy tôi cũng chỉ một niềm kính yêu ngài, thương xót và mê say ngài...”. Người cai ngục nhìn trước nhìn sau rồi nói : “Thưa... bà... hôm nay bà sẽ gặp Ngài... Xin bà... nếu ở trần gian hay nơi địa ngục, dưới đáy giếng hay trên chín tầng mây, gặp Ngài, xin bà cũng nói hộ tiểu nhân một lời tạ tội. Bà biết cho, cái khóa này, cùm này , xích này, việc làm này cũng không phải do tiểu nhân muốn có mà được, muốn không mà được. Nó là số phận. Như số phận của bà, của Ngài, của tất cả mọi sinh linh. Hôm nay phiên bà hôm mai phiên người khác. Hôm nay xiềng xích bà ngày mai có người sẽ bị xiềng xích... Chuyện của đời đời kiếp kiếp...”
Dâm thị cảm thấy trong lòng nở ra đôi chút. Nàng đưa mắt lần cuối cùng nhìn nơi ngục thất. Bước đi của nàng không còn nặng nề. Nàng cố hình dung gương mặt quan hành khiển. Muôn vàn lần xin chàng tha tội cho thiếp. Cái tội làm cho chàng bị vạ. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, lời đồn đã đúng. Nàng bỗng buốt giá toàn thân. Được yêu nhau lúc sống và được cùng nhau lúc chết. Còn gì hơn nữa cho danh giá một đàn bà. Nhưng tê tái làm sao, chàng bị vạ thê thảm cả ba đời. Xin giời cho voi giày, ngựa xé, đày tấm thân này vạn lần trong lửa nóng, trăm vạn lần trong nước đá để mà tạ chàng. Trời cao đất thẳm có nghe lời con chăng chớ? Nàng suýt bật khóc nhưng lại nín thinh khi tiếng nói ban nãy vẳng đến. Hãy chết như một kẻ hài lòng.
*
*
*
Đã quá thu mà trời vẫn oi nồng. Mấy năm nay mất mùa liên tiếp, sâu bọ chất chồng. Nhiều tin đồn không còn biết đâu là hư là thực. Nói nhỏ với nhau thì bảo tại vua ngày càng kém đức. Nói to với nhau thì bảo tại nạn tham ô hối lộ. Ngơ ngác hết thảy. Ba mươi tám cây cọc đã được chôn đứng thành hai hàng dài ở khu vực trung tâm bãi chợ. Mỗi hàng 19 cây. Đám lính cầm giáo đi giữa hai hàng cọc. Không ai có thể đoán được bên trong những mộc khiên áo giáp và mặt nạ kia là những đôi mắt và quả tim nào. Xót thương hay hả hê... Dân chúng nghển cổ. Những kẻ ngồi hàng đầu hoan hỉ. Rồi đây con ấy sẽ phải chết trong nhục nhã. Bao nhiêu lâu vì nó mà con mắt Thánh thượng, con mắt của quan Hành khiển chẳng nhìn vào ai. Ơ đời, có hai thứ đáng thèm nhất, đáng ao ước nhất cho người đàn bà là đôi mắt của thẩm mỹ và trái tim của quyền lực thì nó chiếm trọn cả hai. Bây giờ thì hết nhé. Thôi nhé. Con rạc rày kia. Hết trò đem bùa mê thuốc lú ra dụ khị đàn ông nhé. Sao lại là trói là chém, là cho nó được buộc vào cây gỗ? Vẫn là sang cho nó quá. Phải băm vằm nó trong đống cứt thối mới đáng tội của nó... Những người ngồi phía sau ho khan.
Có tiếng nức nở nghẹn ngào bị nút lại trong vạt áo: “Cây gỗ thì to, vòng tay những đứa bé thì nhỏ, lại nắng như thiêu thế này...chưa chém đã chết mà sao còn chém..? Trời ơi là trời. Sao lại giết cả trẻ con?..”
Tiếng voi bước nặng nề. Đất dưới chân bỗng nhiên như phụt lên một làn khí độc. Thị Lộ bước ra, nàng vừa kịp nhìn thấy Ức Trai, nhìn thấy ánh sáng của trái tim nàng, nguồn sống của nàng, gốc của nhan sắc và trí thông tuệ của nàng, nàng vô cũng thoả mãn. Không ai có thể lý giải sự thỏa mãn ấy của nàng. Thế nào cũng đúng mà thế nào cũng trật. Song, chỉ là một khoảnh khắc. Cái nhìn của Thị lộ trở nên u tối. Nàng tan nát cả cõi lòng khi thấy những đứa bé, những người đàn bà hiền hậu-vợ của những thân nhân nhà ức Trai...Vì mình. Vì mình. Vì mình. Tiếng rít của chính nàng, tự bên trong nguyền rủa nàng. Vì mày. Vì mày. Vì mày. Vẫn là tiếng của chính nàng rủa nàng. Sau một hồi nguyền rủa bản thân, nàng ngửa mặt lên trời. “Muôn xin trời cao. Con chẳng đáng được cất lời, chẳng đáng là kẻ được mở mồm xin chàng, xin ba họ nhà chàng tha thứ. Con xin giời, Người muôn lượng hải hà, Người thương xót cả những kẻ tội lỗi nhất. Xin người đứng ra xin tha thứ hộ con...và bù lại ngài dìm con 37 lần của 37 kiếp trong dầu sôi, lửa rát...”.
Chém...
Chém...
... Ba mươi tám tiếng chém là ngần ấy cái đầu lăn xuống dưới đất. Còn lại một cái. Tóc dày quá. Lưỡi dao ngọt là thế mà chỉ đứt cái da cổ. Tóc rơi lả tả xuống dưới đất. Có tiếng hít hà tiếc của: “Đa dâm mà thế này ư? Cái gì cũng đáng giá”. Tiếng hô chém lần thứ hai, nghe không sang sảng như trước. Người đao phủ run lên khi nâng dao. Có người nghe rõ tiếng ông ta tha thiết: “Xin bà. Xin bà hãy cộng tác, giúp cho con một lần nữa thôi là xong việc. Con không chịu được nữa rồi...”. Đôi mắt của Thị Lộ cũng trở nên dịu dàng và tha thiết: “Ta cũng mong như vậy, để được cùng lúc với phu quân của ta...”.
*
*
*
Như chợ vỡ. Đám đông ào lên. Không biết ai sẽ chạy ra còn ai thì đang muốn chạy vào? Có ba người đàn ông bị xéo bẹp vì cúi xuống tìm kiếm cái gì đó. Lại có ba người đàn ông bị gẫy xương. Một người đàn ông, ngồi dưới ba người đàn ông ấy ôm khư khư hai cái thủ cấp trong cái bọc vải. Cho đến khi tan cuộc người đàn ông ôm thủ cấp đang định nói gì với ba người kia thì bị họ xua đuổi. “Ông hãy đi đi. Không cứu được chúng tôi nữa đâu. Cốt giữ được hai cái đầu của họ thôi mà. Chúng tôi chết cũng hài lòng...Ơ lại cõi đời này để sống, ông đã biết phải làm gì rồi đấy...”.
Nhìn máu của họ đã hoà vào máu của những tử tội, nhìn vẻ mặt hài lòng của họ người ôm thủ cấp vội vã quay đi.
*
*
*
28 năm sau.
Tư Thành mồ hôi đầm đìa. Ngài ngồi bật dậy. Định gọi quan thái giám nhưng lại thôi. Đã mấy tuần nay Ngài bỗng nhiên thấy muốn ở một mình. Hôm đầu do mưa to chưa nghe được. Hôm nay Ngài nghe rõ tiếng phụ thân. Một linh cảm nào đó không cắt nghĩa được khiến Ngài đoan chắc đấy chính là tiếng của Nguyên Long, cha Ngài, đức Thái Tông huyền thoại của Đại Việt, Vạn Xuân và của chính phụ thân Ngài. Người mà mẹ Ngài, Đức Quang Thục Ngô thị đêm ngày nhớ thương, xa xót. Xa xót nhưng đồng thời Hoàng thái hậu cũng vẫn nói với Ngài rằng, việc băng hà vào lúc nào của con người là việc của trời. Hoàng thái hậu luôn nhỏ nhẹ khuyên nhủ Ngài, phải nhớ câu thuận thiên thừa vận. Ngay cả cái việc bà bị mang cái nỗi nhơ nhuốc năm nào bà cũng thấy đó là thử thách của trời. “Con ơi, làm sao hiểu được ý trời? Công đức của con làm sao dám sánh với Tiên đế vậy mà ngôi báu, mẹ nằm mơ thấy trời sẽ dành cho con hẳn ba mươi tám năm cơ đấy...”.
Lau ráo mồ hôi, trấn tĩnh lại, Tư Thành nghe phụ thân nói: “Con hãy tìm, cùng với cái võng cha nằm hôm ấy, sẽ thấy một chiếc lá bồ đề có 38 đường gân. Bao giờ nước mắt của con đủ để chiếc lá ấy chìm ngập hẳn trong đó thì nó sẽ phát ra thanh âm. Tựa như cái máy ghi âm của bọn người sau này ở kỷ 20, chiếc lá ấy ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện của ta và Thị Lộ ở vườn vải. Phải! Chỉ có ta và nàng thôi. Ta rất yêu nàng...Còn nàng thì...”
- Quan học sĩ, khanh còn nghĩ gì thế mà không lại gần trẫm. Chẳng lẽ khanh không biết vì khanh mà trẫm đến vườn vải này...
- Muôn tâu thánh thượng, xin thánh thượng đừng nói thế... Thánh thượng đi qua đây để đến Côn Sơn, để...
- Phải rồi! Phải rồi, tất nhiên việc nước là hệ trọng, ta cần nói chuyện với thái phó của ta. Nhưng chẳng lẽ ta không thể có được một chút riêng tư cho ta sao? Chẳng lẽ ta không có quyền nói câu mà ta cần nói với người mà ta yêu dấu chăng?...
- Muôn tâu thánh thượng! Người đã có trong tay hàng ngàn cung tần mỹ nữ, trẻ trung xinh đẹp. Xin thánh thượng hiểu cho thần thiếp...
- Khanh không cần nói ta cũng biết, khanh là vợ yêu của Ức trai, nhưng...chẳng lẽ ý muốn của ta không phải là tất cả sao? Hàng ngàn người đẹp ư, vẫn còn thiếu khanh đó. Hôm nay, ta đổi khanh lấy tất cả, khanh nghĩ thế nào?
- Thưa bệ hạ. Tuổi thần thiếp đã gấp đôi của họ...Vả lại...
- Ta biết. Ta biết. Ta trông thấy nàng từ khi ta còn bé lắm. Nàng không thấy mười một tuổi ta đã không để mẹ ta phải buông rèm nhiếp chính mà thế sự vẫn bình an đó sao. Tuổi tác đâu phải là...Trời cho nàng, cũng như cho ta: làm chủ thời gian.
- Thưa bệ hạ...
- Thôi, đừng gọi ta như thế. Đến bên ta đi. Trong màn trướng này không có ai ngoài chúng ta. Cách màn trướng này một dặm không có thái giám, vệ sĩ, thị tì... ta muốn nàng hôm nay... và ta đã không cho chúng bén mảng rồi.
- Cảm ơn bệ hạ. Thần thiếp muôn lần cảm ơn bệ hạ. Nhưng... Nhưng... chẳng lẽ không thể để đến mai được sao?
- Thế còn hôm nay?
- Hôm nay... Thưa...
- Thôi đừng thưa nữa. Khanh... Em... Nàng... Người trong mộng của ta... chỉ có hai ta, không dùng phép quân thần, không bắt tuân theo lễ nghĩa, chỉ có ta và nàng. Tình yêu! Nàng!... Ta cũng tin rằng nàng chưa biết thế nào là yêu. Nàng kính chồng nàng cũng như ta, ta thì... chiều thói hư tật xấu của ta và của nhân tình. Chúng ta hãy yêu nhau... hôm nay. Chẳng lẽ anh đã nói thế mà em còn bắt anh phải chờ đến mai chăng? Hay là nàng... không yêu ta?
- Nguyên Long...thiếp yêu Nguyễn Trãi...
- ...Ta cũng yêu Nguyễn Trãi...Ta biết, nếu không yêu Nguyễn Trãi thì khanh đã không có bài thơ bán chiếu ở Tây Hồ... Bài thơ ấy ta còn nhớ rõ. Nhưng ... bây giờ ... trước tình yêu của ta, cũng là trước tài năng của ta, con người ta... chẳng lẽ nàng không xúc động?
- Thiếp yêu Nguyễn Trãi... và thiếp ngưỡng mộ... hoàng thượng.
- Chỉ ngưỡng mộ thôi sao? Ta không tin... ánh mắt của nàng... khoé môi của nàng, màu má của nàng... mà... đã ngần ấy thời gian nàng và Nguyễn Trãi đã không cùng ở kinh thành này? Nàng đừng dối lòng và đừng giấu ta.
- ...
- Nào lại đây?
- Không để đến mai được sao?
- Thế còn hôm nay?
- Nguyên Long kính yêu. Chẳng bao giờ có dịp chúng ta được riêng với nhau. Thiếp muốn được trò chuyện với Bệ hạ. Những chuyện mà bệ hạ đã nhiều lần hứa sẽ nghe thiếp nói.
- ....
- Thiếp vô cùng biết ơn bệ hạ đã ban cho được nói. Nếu nói rồi... thì thiếp sẽ... và sau đó thiếp có phải chết... vì tội phụ bạc... thiếp cũng vô cùng mãn nguyện... thiếp thấy...
- Thôi, được rồi. Nàng nói đi! Ta nghe nàng đây! Ta nhớ ra rồi hôm trước sau khi cho Lương Đăng lui, ta muốn hỏi nàng về lễ nhạc. Ta còn muốn hỏi nàng, tại sao ta giao việc ấy cho Thái phó, Thái phó lại dâng biểu chối từ? Chẳng lẽ việc ấy không xứng với ngài? Chẳng lẽ Ngài lại kênh kiệu cả với ta?
- Thưa bệ hạ. Là người trọng vương pháp, thái phó không bao giờ dám thế. Song, cũng là vì vương pháp mà thái phó không thể tùy tiện. Lễ nhạc lấy xã hội làm gốc, lấy chính khí làm nền tảng. Đâu phải một chốc một nhát. Kiến giải về điều đó, phu quân của thiếp khác hẳn Lương Đăng. Lẽ thường, nếu tiểu nhân được tin dùng thì quân tử phải ở ẩn.
- Khanh... khanh... định luận tội trẫm chăng?
- Tâu bệ hạ! Thiếp đáng tội chết.
- .... Thôi được rồi... Đừng giận dỗi... Nàng càng giận dỗi thì nàng lại càng làm ta... ham muốn! Nàng nói tiếp đi... Chẳng lẽ nàng quên những việc trẫm đã từng làm? Chẳng lẽ ta không có công mà chỉ có tội?
- Tâu bệ hạ. Công bệ hạ như trời biển. Trước là nối nghiệp tiên đế, xã hội thái bình, bên trong chế định được quyền thần, bên ngoài dẹp tan di địch. Trọng đạo, dụng nho, mở khoa thi chiêu hiền đãi sĩ... Nhưng...
- Nhưng sao?
- Nhưng Bậc thiên tử thay trời hành đạo không so với ai mà phải so với chính mình. Bệ hạ có thể còn hơn được nữa! Cái hơn ấy, trước là cho dân cho nước... sau là cho... thiếp... được... mãi mãi có người để mà ngưỡng mộ... yêu đương.
- Ta phải làm thế nào?
- Ngôi trời có được rất khó khăn. Có được nó rồi phải luôn xem trọng thần khí, phải rèn giũa đức độ, phải dùng thiên tư sáng suốt vào việc lớn. Phải biết hy sinh cái nhỏ. Có thế những lời giáo huấn mới có cơ thâm nhập.
- Chẳng lẽ trẫm đã... Có gì sai quá, khanh có thể chỉ cho trẫm thấy được chăng? Trẫm tưởng mình vẫn...
- Bệ hạ không quên những gì đã học từ Tiên đế, từ Thái phó và các bậc Hiền nhân nhưng... từ không quên đến nhớ để hành xử nó còn cả một quãng dài. Bệ hạ vẫn chẳng tin dùng bọn gian nịnh, giết hại bề tôi cũ đó ư...?
- Ai? Trẫm đã giết ai không đáng tội giết?
- Lê Sát và những bậc công thần, những người như Lê Sát...
- Hừ... Lê Sát cho đến nay luôn thích dậy dỗ trẫm, cậy có công từ hồi theo tiên đế, chuyên chế lộng quyền, có lúc còn gây áp lực với cả trẫm.Tội ấy quyết không tha! Ngoài chuyện ấy nếu không còn gì nữa thì trẫm muốn khanh kết thúc cuộc nói chuyện này?
- ... Nếu tránh được chuyện ấy thì cái gần không khuất lấp nổi cái xa... Không đáng tội mà đầu đã rơi máu đã chảy thì sinh ra nỗi sợ không đáng có. Lời nói thật vì sợ mà không thốt ra. Không có lời nói thật, sẽ không có thái bình.
- ... Thôi... đủ rồi. Quên Lê Sát đi... Ta muốn khanh nói ý kiến của khanh về lễ nhạc, về... văn hóa. Tại sao hôm trước khanh dám ngăn cản ta phong thưởng cho bọn cầm ca? Khanh há chẳng biết thưởng phạt là đầu mối của sáng tạo?
- Thưa bệ hạ. Nếu thưởng phạt là đầu mối của sáng tạo thì thưởng phạt phải đúng. Hôm ấy, chúng hát rí reo. Bình dân mà rí reo thì không đáng phạt. Nhưng ...
- Nhưng sao? Đó chẳng phải dân ca sao? Khanh hãy nói xem nào? Trẫm muốn gìn giữ, phát huy những gì gọi là bản sắc? Dân ca chẳng là bản sắc sao?
- Thưa Bệ hạ. Vâng. Lời bệ hạ vừa nói đúng là một khuôn vàng. Nhưng chỉ bản sắc không thôi thì nghèo nàn... Ý của thần thiếp là... phải vừa dân ca vừa trên dân ca hai quãng để có hàn lâm, để hoà nhập và tương đương với nhân loại. Rí reo như hôm nọ là cái dưới dân ca nửa quãng, lại được bày ra trước mặt thánh thượng và cộng đồng như vậy là đẩy dân ca xuống thành dâm nhạc. Chấp nhận điều đó, ban thưởng cho điều đó là...
- A...á... Khanh...dám... nói trẫm ngu?
- Thần thiếp đáng tội chết.
- Mà...thôi...khanh đứng lên đi... nói tiếp đi... Nói về chạm khắc! Chẳng phải khanh muốn đổi từ không vảy thành rồng có vảy sao. Khanh vẫn nói về hài hòa, vẫn nói phải trọng, phải giữ những biểu tượng mà tiền nhân đã dựng? Rồi khanh lại đòi sửa đổi mẫu tượng của rồng? Chẳng phải khanh cũng mọc vảy ra để thách đố lòng ghen ghét?
- Thưa bệ hạ. Vâng đời Lý thì rồng không vảy. Thần thiếp xin bệ hạ chuẩn tấu cho làm rồng có vảy không phải là thần thiếp dám tâu điều tuỳ tiện. Hài hòa là rường cột của sức mạnh, nhưng chỉ chú trọng hài hòa mà không đặt thêm một dấu ấn thì gà không biết gáy sáng, vận khí trở nên tù đọng. Đất trời rộng lớn, đã thành biểu tượng thì muôn đời tồn tại, chẳng cái nào khuất lấp được cái nào. Như thế chẳng phải nhà có phúc sao?
- Ta nghe Đinh Phúc tâu, khanh còn dám bàn đến việc Y, Lý? Khanh không biết rằng khanh không chỉ làm mếch lòng tất cả những người tâm phúc của trẫm mà cả thiên hạ thì dễ chết sao?
- Thần đáng tội chết. Y, Lý cũng là việc của đàn ông. Nhưng bọn Y- Lý ngày nay chỉ nói cái ngọn, chú trọng cái ngọn nên bệnh không chữa được mà tiền thì tốn. Sở dĩ Hoa Đà, Biển Thước chữa khỏi nhiều người vì các ông ấy tìm ra cái gốc của bệnh.
- Gốc của bệnh nằm ở đâu?
- Văn -Y- Lý- Số. Ai sâu chuỗi được cả bốn thứ ấy thì thấy được cái gốc của nó.
(...Tiếng “băng” như bị kẹt ....tiếng “băng” rít... không nghe rõ lời).
- ...ái khanh... Nàng có yêu ta không?
- ...
- Nàng có biết ta muốn gì lúc này không?
- ...
- Ta muốn giết nàng biết chừng nào.
- ...
- Ta muốn giết nàng! ... Lê Sát mắc một nửa tội so với nàng mà ta đã chém. Không phải chỉ chém cho riêng ta vui mà ta còn mưa vui cho bọn hầu cận ta, giúp ta gìn giữ ngôi báu... Đàn bà như nàng, cái gì cũng biết thì phải chém... Không chém thì loạn...! Nàng xúc phạm ta, xúc phạm cánh đàn ông chúng ta quá thể.
- Thần thiếp đáng tội chết.
- ...
- Nàng có yêu ta không?
- Thần yêu Nguyễn Trãi và... đã từng...nhưng ...bây giờ...
- Bây giờ sao?
- Thần thiếp có thể nói thật được không? Bệ hạ đã mơ thấy lá gan của mình bao giờ chưa?...
- Thế còn gan của khanh?
- Tâu bệ hạ... gan của thiếp ư? Bây giờ, vào cái lúc bệ hạ đòi giết vì ganh ghét đố kỵ thì... thần thiếp coi thường bệ hạ... Nhưng... Thưa... Nguyên Long yêu quý của em. Tuổi trăng tròn lẻ em mê Nguyễn Trãi. Càng lớn em càng say ngài. Em yêu ngài cho đến chết vẫn không bao giờ hết yêu và cũng không yêu hết được. Ngài như sao khuê vằng vặc. Tình yêu của em dẫu có thế nào cũng chỉ là dâng lên mà không dám đợi được vẹn toàn...
- Ư...hừ...
- Dẫu có thế nào cũng không dám đợi được thỏa thuê. Song song với tình yêu ấy em cũng yêu hoàng thượng. Hoàng thượng không chỉ là ... hoàng thượng. Còn cả hào quang... bao quanh. Thiếp cũng vẫn là một người đàn bà. Thiếp yêu cả hai... trong một...
- Láo... láo... Ta chưa định nghe lời của khanh mà khanh đã khi quân. Thế cho nên chẳng ai có thể, dù là rất thích, cũng không có thể, cũng không muốn nghe văn nho nhà các người... Khanh cười ư?... Chẳng phải riêng ta, riêng những người giữ trách nhiệm cai trị mà chính văn nho các người cũng có ai nghe ai đâu. Có ai nhận ai là lẽ phải đâu..? Hừ! Ta hỏi khanh? Từ khi nào bắt đầu khanh dám nói với trẫm những lời như thế. Há khanh không hiểu như vậy mà không chém là khơi nguồn cho tội bất kính sao? Thời những lời như thế không bị mất đầu còn xa lắm... Khanh tưởng trẫm không biết sao? Khanh tưởng trẫm muốn làm theo ý mình, dù là ý tốt cũng được cả sao? Còn thù trong giặc ngoài phải tính. Khanh có làm vua đâu mà khanh biết?
- Muôn tâu thánh thượng! Vâng... Thần thiếp không biết. Nhưng cũng không phải là không hiểu... Nhưng... Thưa thánh thượng... Có bao giờ mà hết được thù trong giặc ngoài? Thần thiếp biết có điều chướng mà không nói ra thì tự cho là chưa phải đã tận trung và tận... yêu. Giờ nói xong dẫu có chết cũng cam lòng... Hôm nay dũng khí đã tiếp sức để thần thiếp nói ra điều ấy.
- Ở đâu ra cái dũng khí ấy? Khanh sắp về tới Côn Sơn chăng, cậy vào lòng mến của ta với Thái phó chăng?
- Dũng khí dựa vào lòng trung quân, ái quốc của thiếp vốn có từ khi mới lọt lòng, vào thành thật của bản thân và vào sự sủng ái của thánh thượng ban cho thiếp lúc sớm mai...
- ... Khanh lừa trẫm sao nổi. Khanh nói được trẫm sủng ái mà khanh lại dám chối từ lời đề nghị của trẫm?
(Tiếng “băng”kẹt...kẹt một hồi, rít lên một lúc... rồi hết...)
Tư Thành nghe hết cuộn băng lá. Ngài đứng dậy sửa soạn lên triều. Nhưng nghĩ thế nào ngài lại sai thị vệ mài mực và mang gấm đến. Đoạn ngài vén tay áo. Bái quỳ. Nâng bút lên trời ba lần rồi quỳ hẳn xuống. Viết... Chiếu thư ban: trả lại 2 danh tính, lấy làm mẫu gương cho cả thần và dân cho bây giờ cho mai sau. Rồi sai nghệ nhân đúc tượng 36 người oan uổng đặt trong hoàng miếu.
*
* *
499 năm sau. Ở kỷ 20. Chỗ chôn hai thủ cấp bỗng mọc lên một cây bồ đề. Cây bồ đề này vừa giống vừa không giống các cây bồ đề trong vùng. Khi lá xanh, cả vùng như có tiếng nhạc. Khi lá rụng, thân cành nhựa chảy ra như máu. Và cứ ngày trăng tròn lẻ thì khắp bầu trời tràn ngập ánh sáng của sao khuê.