Chiếc Cadillac
Curtis White
Gã nọ có một chiếc Cadillac. Đó là một con Caddy quái vật đồ sộ màu xanh lục, vốn là một con xe siêu hạng (nó từng là niềm kiêu hãnh thực thụ của gã), nhưng giờ đã quá già nua. Nó chảy dầu tong tỏng ra khắp cổng gara, sécmăng mòn. Vì thế, nó ăn dầu nhiều đến nỗi gã nghĩ có lẽ phải treo một cái phễu luồn qua ghế trước để mỗi khi lái xe gã tiện rót STP hết lít này đến lít khác cho cái đồ rách chuyện này. Chưa hết, cái điều hoà của nó chảy ướt sàn, và đến mùa xuân ấm áp, những loại nấm kỳ quặc mọc lên um tùm trên thảm lót. Việc chứng kiến chiếc xe từ chỗ mới tinh và đắt tiền biến thành một vật cũ kỹ và gây phiền nhiễu thoạt đầu dĩ nhiên khiến gã vô cùng thất vọng. Nhưng rồi gã nhận ra rằng chiếc Caddy dạy gã một bài học thú vị về việc gửi gắm giá trị của mình vào đồ vật, những thứ không chỉ mang tải và tự thân là những điều phù phiếm, mà còn có xu hướng - à, không - chắc chắn phải tiêu tan. Thế là gã giữ lại con quái vật, bởi vì nó đã già, đã hom hem, và bởi vì nó biết nói với gã, bằng cái giọng xanh lục, rành mạch, không hề nhầm lẫn, một châm ngôn quan trọng ở đời. Mà nó vẫn còn có thể lặc lè tuần một hai lần đến cửa hàng tạp hoá, dù vừa đi vừa vãi rắm ra đen kịt cả đường.
Nhưng, xin kể tiếp. Bỗng một hôm, chiếc xe bị đánh cắp ngay ở ngoài cổng gara! Mặc dù chạy lặc lè và nấm mọc đầy thảm, nó vẫn hấp dẫn nhờ vẻ ngoài hào nhoáng (xe California vẫn nổi tiếng là không mọt). Khi ông hàng xóm của gã biết chuyện, ông ta chạy sang (phải nói thêm, vừa chạy vừa ngoái lại không biết bao nhiêu lần để ngắm chiếc xe của mình, chiếc Chevy Vega mới coóng, chạy tít, mà bây giờ ông ta đột nhiên thấy ra vấn đề hơn hẳn trước khi xảy ra vụ trộm). Ông ta nói:
- Tôi rất tiếc khi nghe chuyện xảy ra với con xe Caddy cũ của bác. Tôi không thể tin được rằng bọn thanh niên mất dạy này lại ăn trộm nó.
Gã nhìn ông hàng xóm và bảo:
- Ông ạ, tôi chẳng biết chuyện này là may hay rủi nữa. Chiếc xe đã đến lúc tống ra bãi rác rồi. Mỗi khi đi đâu xa xa, tôi đâu có dám dùng nó. Tôi ngạc nhiên là làm sao bọn trộm có thể xoay xở để chiếc xe chịu đánh rắm ra mà đi được khỏi khu nhà. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy nhơ nhớ những điều chiếc Caddy đã dạy tôi.
Ông hàng xóm nhìn ông ngỡ ngàng.
- Đ. mẹ, ông không được một bài học nữa đó sao? Bọn trẻ con mất dạy ăn trộm chiếc xe hơi của ông ngay trước cổng!
Mấy tuần sau, cảnh sát gọi điện thoại cho gã, báo họ đã tìm thấy chiếc Caddy trong bãi xe cũ gần đó, và gã có thể đến nhận về. Thế là gã đi xe buýt đến bãi xe và tiến thẳng tới chỗ chiếc Caddy. Gã thò đầu vào trong, ngửi mùi ẩm mốc quen thuộc của tấm thảm Pacific Mist, rồi nhăn mặt, cười. Đúng nó rồi, đúng chiếc xe của tôi. Nó đang nói với tôi: “Sinh đơn độc, chết đơn độc, giữa là một cơn mơ”. Chiếc xe không hề gì. Gã mừng rỡ. Nhưng gã còn có nhiều điều để mừng rỡ hơn thế nữa.
Chủ bãi xe rất buồn bực vì vô tình bị tên kẻ trộm đưa vào hồ sơ cảnh sát. Anh ta muốn bồi thường cho gã - dành cho gã “một cơ hội may mắn” để mua xe mới và đắt tiền, nhưng gã hoàn toàn dửng dưng với những lời mời giảm giá giải phóng kho bãi và vay tiền lãi suất ưu đãi đặc biệt. Thế là anh ta cho gã một chiếc Plymouth Barracuda đã qua sử dụng, dáng thể thao, chạy vẫn còn rất tít, một chiếc xe khiến gã nhớ lại tuổi trẻ ăn diện ngày nào. Mới đầu, gã sợ nó sẽ là thứ buộc gã phải chăm chút. Nhưng những ký ức ngọt ngào và ý nghĩ rằng ông hàng xóm sẽ không bao giờ thôi rên rỉ nếu gã bỏ qua cơ hội nhận chiếc xe cho không này cuối cùng đã thuyết phục được gã.
Ông hàng xóm hết sức kinh ngạc về vận may của gã.
- Tôi không thể nào tin được - ông ta nói - Ông bị mất trộm xe, rồi không những ông nhận lại được, mà còn nhận một chiếc mới giá trị gấp đôi hoặc hơn gấp đôi chiếc xe bị mất! Đ. mẹ, số ông đúng là quá đỏ.
Ông hàng xóm của gã chợt nhận ra là chiếc Barracuda khiến cho con Chevy Vega của ông ta (dù có lẽ mới hơn) trở nên thô lậu. Chẳng hạn, chiếc Vega không có bốn bánh dạng thể thao. Và ông ta còn hai năm trả góp nữa mới hoàn toàn là chủ con xe thô lậu của mình.
Nhưng rất lạ là chính gã cũng không yên ổn, gã thậm chí cảm thấy lo lắng về vận may của mình. Gã tự hỏi phải chăng chiếc Barracuda choáng lộn này chỉ là một cái bẫy đỏng đảnh khác giống như chiếc Caddy trước kia. Thực lòng, gã không muốn lại phải bận tâm về những vết xước, không muốn phải quát tháo những ai đỗ quá sát xe mình. Chắc chắn gã không thấy thú vị gì việc hưởng những ngày nghỉ cuối tuần trong gara với một xô nước xà phòng, chiếc bình xịt dầu bóng và nỗi lo lắng vì một phụ tùng nào đó. Nó có bị gỉ không? Hình như có một vết xước ở thành bên phải, phía sau? Lạ thật, tôi biết, nhưng gã này đúng là khác người. Gã không nghĩ những gì tôi và anh thường nghĩ. Gã là người hiểu rằng mỗi khi côngtơmét nhảy thêm một dặm đường là chết đi một ít. “Mình sẽ không bao giờ còn đi lại dặm đường ấy nữa. Chiếc xe này vừa lao thêm một dặm để đến với bãi rác” - Và những ý nghĩ đó không phải vì bệnh hoạn. Trên thực tế, gã cảm thấy những ý nghĩ đó đem lại cho mình một sự an ủi. Kiếp trước chắc gã phải là một con quỷ.
Vài tuần lễ sau đó, con trai gã (thật đáng buồn là thừa hưởng rất ít sự thâm thuý của gã) mang chiếc xe đi chơi. Một cuộc đi chơi không xin phép với chiếc chìa khoá điện lấy trộm, với thằng bạn không được phép chơi, mang theo một thùng liquor mạch nha Olde English 800 bị cấm uống. Nó có bằng lái xe nhưng chưa thực sự lái thạo để có thể phóng con ngựa chiến nhanh như thế. Thế là tai nạn xảy ra với nó và thằng bạn, cứ như là định mệnh. Thằng con gã húc cái xe khốn kiếp đó vào một gốc cây. Nó đã ngà ngà say và không nhận ra đoạn đường vòng “Có quá nhiều chỗ cua - nó phàn nàn - con chỉ nhầm có đúng một chỗ” và đâm vào một cây tuyết tùng già (một cây tái sinh, nhưng tái sinh đã năm chục năm và quá đủ to để làm nát bét thân thể thằng bé). Rất may, đó chỉ là một cú đâm sượt, làm chiếc xe trệch hướng, chứ không phải là một cú đâm thẳng. Thằng con gã và bạn nó không chết, mặc dù cả hai đều gẫy mấy cái xương, mặt rách toạc, máu chảy toe toét, khiến cho tất cả các bà mẹ trong bán kính một trăm dặm hoảng hồn.
Ông hàng xóm, lúc đó đang cắt cỏ trong sân, với nhu cầu thường trực được an ủi, chúc mừng của mình, vội chạy sang chia buồn với gã (thực ra ông ta muốn nhìn xem chiếc Baracuda của gã bị bẹp rúm như thế nào hơn là muốn chia buồn). Nhưng gã nói: “Tôi không biết phải nghĩ thế nào. Thằng con tôi sẽ mau lành thôi. Chiếc xe thì ném vào bãi sắt vụn. Tôi không thể sửa nó, bởi vì tôi không mua bảo hiểm tai nạn cho xe, nhưng tôi càng mừng vì không còn phải bận tâm về nó. Vả lại, nếu tôi để nó lặc lè ra vào ngõ thêm vài năm nữa, nó có thể buộc thằng nhỏ nhà tôi phải lại chuyện vừa rồi. Ai biết được, thế là may hay rủi”. Ông hàng xóm lẩm bẩm lui ra, cắt ngang bãi cỏ để về nhà, ngang qua chiếc Vega bóng loáng đến phát sợ của mình.
Hai năm sau, con trai gã đến tuổi đi lính. Nó nhận được giấy báo của ban tuyển quân, nói rằng đã đến lúc nó phải phụng sự tổ quốc, ở Việt Nam. Thế là thằng nhỏ tội nghiệp đến nơi tập trung cùng với hàng trăm thằng nhỏ tội nghiệp khác. Nhưng thằng con gã không đủ sức khoẻ, bởi vì hai đầu gối nó có hơi giống đầu gối thật nhưng cũng chẳng khác khoai tây nghiền mấy tí. Tất cả là nhờ chiếc Baracuda và cây tuyết tùng. Một lần nữa, gã lại nhìn vào những sự kiện xảy ra và nói - Nếu thằng nhỏ nhà tôi không đâm chiếc Barrracuda vào gốc cây, có lẽ lúc này nó đang trên đường tới Việt Nam. Nhưng bây giờ thì nó có thể đi học đại học, nếu như người ta nhận nó với điểm GPA 1,95. Đó là điều tuyệt vời.
Khi gã nói vậy, quy luật trớ trêu của vũ trụ đã lại xoay sang hướng khác. Vào trường đại học, cậu thanh niên gặp gỡ với phong trào hippies, tham gia đốt thẻ quân dịch, dự các buổi biểu diễn ở Fillmore West và uống phải những thứ thuốc mở mang ý thức. Với cái ý thức đã được mở mang này, nó về nhà lên lớp bố nó về chủ nghĩa đế quốc, về những tổ hợp công nghiệp chiến tranh, về CIA, về sự đạo đức giả của thế hệ bố nó, và vô số những chuyện chết tiệt khác. Thế là, một lần nữa, gã lại hoàn toàn không dám chắc về chuyện may/rủi. Gã còn tự hỏi sao thằng con gã không bị đưa đi đánh nhau ở Việt Nam. Hay chết quách khi đâm vào cây tuyết tùng. Hay chưa từng được sinh ra! Nhưng gã đã trở nên thông thái về chuyện chẳng có gì là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu trên đời. Vì thế, thay vì tóm lấy cái đuôi tóc như đuôi ngựa của nó và giã cho nó một trận, gã quyết định xây một cái phòng sưởi nắng phía sau nhà. Nắng California tươi tắn tràn ngập trong phòng. Gã trang trí căn phòng bằng những loại cây cảnh (trong đó có có một chậu bonsai tuyết tùng cổ thụ!) và một cái ghế thấp lè tè. Chiếc ghế hướng ra một cái miếu nhỏ, nơi lão gắn cái đầu khắc khổ của chiếc Caddy cũ. Mỗi lần gã nghĩ rằng một điều tốt hay xấu xảy đến với mình, gã lại vào căn phòng, ngồi ngắm cái vỉ đầu chiếc Caddy. Có lúc cái vỉ trông giống như mõm một con thú ăn thịt đang gầm gào, giận dữ. Có lúc, nó giống như một cái mặt nạ nhiều răng cười nhăn nhở trong những vở hài kịch. Có khi nó hoà trộn cả hai.
Vì vậy, gã rất hay bật cười. Điều đó rất hay và chẳng làm hại ai, trừ việc ông hàng xóm có thể nghe thấy tiếng gã cười. Ông ta không biết gã cười gì, nhưng ngờ rằng gã cười ông ta. Điều đó khiến ông ta phát điên. Ông ta nghĩ phải dùng súng bắn tỉa để bắn cho gã một phát qua cửa kính căn phòng chập chờn bóng người kia (điều đó sẽ là thử nghiệm cuối cùng cho triết lý của gã). Nhưng ý định của ông ta lúc nào cũng chỉ gần đến lúc thực hiện. Ông ta đứng ngồi không yên. Nhưng ông ta không làm được. Thay vào đó, ông ta chất đồ đạc lên chiếc Vega choáng lộn, nơi tương lai mờ mịt vẫn ngủ yên, bán nhà và mua một chỗ vừa hoàn thiện trong khu mới ở Walnut Creek để sống cùng với hàng ngàn người khác, để khi những chiếc Chevy Vega của họ tàn tạ và đánh rắm đen kịt ra đường, họ có thể chửi rủa chiếc xe, nhà sản xuất và số phận sao mà tồi tệ.
Khi nghe tin ông hàng xóm chuyển nhà, gã không biết đó là hay hay dở. Nói cho cùng thì…
Ngô Tự Lập dịch