Thư gởi người đã chết
Trần Thị Uyên Ngọc
Chị Uyên Ngọc là cô giáo. Tốt nghiệp Trường Sư phạm/Qui Nhơn. Bài viết của chị là những dấu hỏi đau xé lòng của hàng trăm ngàn thiếu nữ trong giai đoạn lịch sử khốc liệt nhất của đất nước. Tiếng kêu bi thương ấy, chúng tôi đã sao lục được, trên tập san Văn số đặc biệt “Thương nhớ Y Uyên” (số 129, phát hành ngày 1-5-1969) và xin trích nguyên văn gửi đến quý độc giả Thư quán bản thảo để cùng chia sẻ với những đau thương, những chịu đựng quá mức của các thiếu phụ trong thời chiến tranh Việt Nam.
Thư quán bản thảo
Tuy Hoà, ngày 22-3-1969
Anh Uy của em,
Vẫn ngồi lại đây với bộ óc mênh mông suy nghĩ. Anh đi rồi sao Uy? Như thói quen không nhớ không được, thân xác anh bây giờ sắp rã trong lòng đất, thật thế rồi phải không Uy? Anh đành bỏ em lại sao? Hay anh du hành ở một tinh cầu nào khác như em gái anh đã nói, phải rồi, cô ấy an ủi vậy thôi chứ làm gì có chuyện đó. Cô đơn và hụp lặn trong thương nhớ, em làm sao có nghị lực, mất anh rồi còn ai mà nói chuyện, bắt nạt mỗi khi em có ý nghĩ quấy, hình hài anh đâu để mà gần em cho em nũng nịu. Con đường của chúng mình còn đó mang đầy kỷ niệm của hai đứa đi bên nhau, anh nói bô bô, em cười phụ hoạ. Anh kể chuyện vui, em lắng nghe, nghe thế giới chỉ có hai đứa mình; chân bước chậm, những ngọn gió nhẹ thổi qua như mơn trớn, đường vắng thưa người thỉnh thoảng vài chiếc xe lính chạy ngang qua mang theo sau đám bụi mờ, em vẫn mang trong mình chiếc áo len đỏ, rộng thùng thình, anh co người trong chiếc áo ấm “măng tô” chân mang đôi dép lẹp xẹp, nghịch ngợm đá những chiếc lon nhỏ lăn trên mặt đường. Em ngô nghê hát nhỏ: “Những đêm trời trăng lên tròn tròn… Gió đưa ngàn cây lên xào xạc…” Anh cười tít mắt nói, nghe tình cảm hơn những bài ca thường hát. Hai đứa ghé vào quán nước đầy bóng mát gần chợ, em do dự, vào mắc cỡ quá, anh nhăn mặt bực mình, uống hớp nước nhìn anh trìu mến: “nom tóc anh bờm xờm”, anh tiếp lời, “em anh giống liêu trai”.
Căn nhà mang số 45 đường Phan Ðình Phùng hôm anh về phép nôn nao tìm đến giữa đám bạn gái luôn luôn trêu chọc, em hiện ra trước mặt anh, chúng mình nhìn nhau sau thời gian xa cách, bây giờ sung sướng và thiêng liêng sao ấy.
Em như bàng hoàng, sự hiện diện đột ngột không đưa đón, còn gì cảm động bằng, chúng mình như trút hết bao nỗi nhớ thương trong ánh mắt, em bỗng nhiên mắt cỡ vì ý nghĩ gặp người yêu sẽ nói được nhiều để kể lể công thương nhớ. Anh rõ ràng trước mặt: “sao gầy thế”, giọng hỏi đầy lo lắng, không trả lời em đang quan sát anh đây mà anh không biết, nè, mái tóc của anh ngắn trông lạ quá, lính tráng làm da anh đen thêm, làm cho gương mặt mang vẻ mạnh, mà sao anh không mặc áo quần của lính mới cho em “chiêm ngưỡng”, anh dễ ghét quá, hai đứa nhắc lại cho nhau những kỷ niệm trong thư, anh bảo, anh không kể chuyện lính cho em nghe để chứng tỏ tình yêu phong phú, ba ngày phép của anh như đua nhau chạy làm cho mình bàng hoàng phải xa nhau. Anh đổi về Phan Thiết. Nỗi nhớ thương như tỉ lệ với thời gian. Anh đi rồi, em lủi thủi một mình với thành phố nhỏ với những lá thư kể nỗi nhớ thương. Em than buồn, anh gửi cho em người bạn thân trông coi, em mắc cỡ quá, anh làm như em quá bé nhỏ. Anh Ðiềm cười chúng mình đó. Lỡ anh Ðiềm tha em đi sao? Tình yêu của anh là tình yêu thiên thần, là lòng tin tuyệt đối. Anh sợ em buồn vì vắng anh. Anh bảo: “Em ngơ ngác như con ngựa tía, phải giữ mình nghe cô, khôn lên chút ít để cho anh yên lòng”. Ðường đường một đấng cô giáo, hét ra lửa, tụi học trò phát sợ anh không biết sao? Anh chưa thấy cái vẻ oai của em đó.
Những chiều tan học, con đường đầy nắng nhạt và mát chạy dài từ trường Bình Tịnh trở vào ngã Năm mang đầy bước chân em, lòng nặng trĩu suy tư. Những buổi chiều thường buồn, em thả bước trên những con đường dài nhìn người qua đường miễn cưỡng, em đang sống với ý nghĩ cho anh, cho em, cho chúng mình, tình yêu của chúng mình đẹp quá, gần em anh thường chọc quê em đó, xa cách, anh lại lo lắng hỏi han cho sức khoẻ, những hội ngộ, những xa cách, những hứa hẹn tô điểm cho tình yêu của chúng mình. Không có anh, những buổi trưa nắng rảnh rỗi, em trèo cây trứng cá, leo trèo là cái vốn sẵn có từ nhỏ để bây giờ bị anh trêu là em “cao nhất”. Anh lại có ý nghĩ rất ham, rất người lớn: “Tại sao em không có một đứa con với anh để bồng bế cho bớt cô đơn khi vắng anh”. Em đỏ mặt, “anh khỉ quá, coi chừng với em đó nghe không? Nghèo mà ham”. Con đường kỷ niệm được kéo dài thêm từ đường Lê Lợi đến nhà ga xuống Nguyễn Huệ rồi qua Trần Hưng Ðạo, nhà sách Tân Tiến nơi hò hẹn đón đưa vào những buổi trưa trời nắng, đúng 2 giờ 30 em nhé, dáng anh cao cao tiến về phía em, miệng mỉm cười mang đầy vẻ thương yêu. Hai đứa lại đi bên nhau trên những mặt đường soi rõ hai chiếc bóng dài. Chiếc xe lam với vạt áo lụa dài theo gió vướng qua phía chân anh khi chúng mình cùng đi một chuyến. Ngồi đối diện với khuôn mặt lầm lì, kiểu cách, yên lặng nhìn đi nơi khác, những ngón tay vàng đậm vì khói thuốc. Vườn hoa Diên Hồng, nơi chúng mình chia tay, anh vẫn còn vẻ dùng dằng không chịu bước để đợi cho em quay mình, đi trước. Hôm anh về phép hai đứa bịn rịn chưa muốn rời nhau, lần tiễn đưa đó không ngờ là lần tiễn đưa cuối cùng để không bao giờ em được tiễn đưa anh nữa.
Anh Uy, em đau lòng quá, viên đạn vô tình cướp mất anh, tàn nhẫn quá, con người sao không có lương tri nỡ hãm hại lẫn nhau, tranh giành quyền lợi nghe nó buồn thảm như cái chết của anh. Bạn bè anh không muốn kể cho em nghe cái chết đó, em có đủ can đảm mà anh, em sẽ chấp nhận cho nó lọt vào tai, vào tâm tư, vào thớ thịt…
Mất anh rồi thiệt không Uy? Hay chỉ là một giấc mơ tầm thường để khi tỉnh dậy anh vẫn còn đó, chúng mình đang còn ở trên thế gian này. Anh biết không, em đang cô đơn và đang hụp lặn trong nỗi cô đơn hãi hùng.
Nhận được điện tín do anh Học đánh về, em bật cười với ý nghĩ sao anh nghịch ngợm quá, muốn người ta lên Phan Thiết chơi thì cứ nói thẳng đi, rõ bày chuyện. Hàng ngày anh vẫn mong em lên trên đó. Anh tham lam lắm, ghét anh ghê, thôi kệ, cho điện tín vào hộp và tiếp tục đi may áo với một cô bạn. Nhưng sao ý nghĩ về anh bắt đầu gặm nhấm. Gặp anh Mang Viên Long trên hè phố, em trình bày điện tín và cười, anh Long tư lự: “tôi có nghe đài nói hình như có trận đánh ở Phan Thiết vừa rồi, tôi lo cho thằng Uy quá”. Thật không anh Long? Em đi như chạy. Về đến nhà, thật thế không Uy? Người em bỗng có cảm giác khác lạ, cái gì dâng tận cổ… Sắp trào ra… Mắt em ráo hoảnh, không, em không tin. Tờ nhật báo nằm trước mặt với mục phân ưu. Thực không Uy? Anh đã chết rồi sao? Anh vừa mới về thăm em với gương mặt gầy gầy, dáng cao cao, mái tóc ngắn, giọng nói quen thuộc như còn ở bên tai… Em ngơ ngác bên đám học trò và bè bạn thân thuộc.
Anh vĩnh viễn xa em rồi. Thân xác anh nằm trong lòng đất. Ðời sao phi lý, anh vừa đang nói chuyện với em, thư anh gửi còn đó, lá thư gửi hôm 1-1 với những câu nói vu vơ giận hờn, với mục hứa hẹn anh sẽ về, sẽ về Tổng cục Chiến tranh Chính trị, sẽ về với em trong ngày Tết.
Người ta độc ác. Thượng đế bất công, cướp cả tình thương. Tâm tư em kêu gào quằn quại giữa tiếng nấc, thân thể em tê dại như viên đạn xoáy vào ruột gan anh để cho anh tắt thở, giây phút cuối cùng không có ai, không có em, chỉ có những bộ mặt quái ác, sát nhân, đang muốn ăn thịt, xé cho được cái thân thể thân yêu đó.
Nâng niu tấm thẻ bài mang tên Nguyễn Văn Uy có một cái gì cứ ấm ức dâng lên, mắt mờ dần, nhìn loại máu A Rh+. Còn gì nữa? Anh chết đi, thế là hết. Anh Uy, anh chết đi để lại cho em chừng ấy sao? Thân xác anh nằm ở lòng đất, cho em cô độc, cho em đang ở biên giới của một tình yêu mờ ảo không có lối đi. Anh xa em rồi, xa không khoảng cách. Em muốn hình hài mình tan biến để hoà mình vào thế giới hư vô.