Gió lạc mùa
Trần Thị Kim Oanh
Mẹ ơi, thế là đi một đời con Nhím. Chỉ trong một đêm cả lão ta và hắn đã cướp mất cái ngàn vàng của cuộc đời con. Con tên là Nhím, cũng là tên cúng cơm mẹ đặt cho con.
Bi kịch hiện tại
Mẹ bảo đời người kỳ lạ lắm, hỉ nộ ái ố đều gắn chặt với cái tên. Mẹ mới đặt tên con là Nhím. Mẹ mong mỏi con có đủ gai góc để chống chọi với vô vàn cạm bẫy giăng mắc trong đời. Nhưng chiều nay con Nhím con của mẹ đã bị sập bẫy.
Một cái bẫy được tráng bằng đạo đức và lòng ban ơn thì phận đàn bà như mẹ con mình làm sao mà lường được. Thế nên khi lão Sang gọi con vào phòng nhổ tóc bạc cho lão như mọi hôm, con vẫn hồn nhiên vận nguyên bộ quần áo lửng màu mỡ gà bằng vải mút xoa luyn mà mẹ may dạo nọ.
Con rất thích mặc bộ quần áo đó. Thì mẹ đã chẳng dặn con rằng quen sợ dạ lạ sợ quần áo. Nhà mình tuy nghèo nhưng không hèn. Con ra ở nhà cha nuôi thì phải ăn mặc sạch sẽ, thơm tho để người ta không thấy mình hèn.
Gió chiều lồng lộng. Thổi tung cả cái rèm cửa màu xanh biêng biếc của nước biển. Con ngồi ngược sáng. Lão ngồi xoay mặt vào con. Chao ôi, cái ánh nắng chiều chết tiệt. Lão dường như nhìn thấy cả đám lông măng mới phun lên he he nơi con. Rồi lão ngước nhìn lên. Ánh mắt trân trân dừng lại nơi đôi nhũ màu phớt hồng.
Tại con chưa biết mình đã lớn lên. Tại mẹ cũng chưa bao giờ dạy con khi nào thì phải mặc áo nịt ngực. Lúc nào con cũng nghĩ mình là con Nhím con của mẹ. Nhưng nửa năm ở nhà lão, từng ngày từng giờ lão đã nhìn thấy con lớn lên.
Bơ sữa, thịt thà, cá mú lão dỗ cho con ăn giờ ngấm qua da thịt. Thành thử da con giờ trắng ngần, mơn man như trứng gà bóc. Đôi môi đỏ thắm… Gió lại thổi mạnh quá mẹ ạ. Hất tung cả tấm rèm trên cửa EURO window rộng thênh, đẹp như tranh mà có nằm mơ mẹ cũng không bao giờ thấy được. Lão nhanh tay kéo rèm lại.
Căn phòng trở nên tĩnh lặng một cách đáng sợ. Đoạn này thì con đã nhìn thấy trên phim rồi mẹ ạ. Là hôm nọ lão bỏ nhầm mấy cái đĩa sexy vào vỏ đĩa ca nhạc nên con mới được xem. Hóa ra lão cố tình nhử con. Lão bảo xem sướng lắm.
Hóa ra lão chẳng thích ngủ với đàn bà. Lão nói từ ngày con bước chân vào nhà lão, lão đã rình con như mèo rình mỡ. Giờ lão không rình, cũng không thèm chờ nữa. Lão đã chán ngán hàng đêm phải lắc lắc cái ấy một mình.
Giờ con phải để cho lão thỏa mãn. Lão sẽ cho tiền. Thật nhiều tiền. Chắc chắn con sẽ phải cần rất nhiều tiền, lão bảo thế. Vì lão vừa kịp cho con hay một tin khủng khiếp: Mẹ bị ung thư dạ dày, đã di căn.
Gió lại giật mạnh hơn mẹ ạ. Mấy cái cửa phòng nhà lão lắp toàn đồ xịn thế mà cũng lắc rầm rầm. Lão ta bế thốc con lại bàn. Bàn tay thô ráp của lão vần vò ngực con đau nhức. Lão từ từ kéo cái quần lửng của con…
Nửa đêm, hắn mò về nhà. Hôm nào hắn cũng đi ra khỏi nhà từ nửa ngày hôm trước tới nửa đêm hôm sau mới về. Mọi lần hắn tự mở cửa. Thảng lắm hắn mới kêu con.
Hôm nào kêu là hôm ấy có chuyện. Hắn không say người mềm như bún thì đám bạn búa xua của hắn cũng đứa nôn đứa mửa tùm lum, đứa lắc đầu giậm chân giật đùng đùng như rô bốt bị trẻ con lên hai điều khiển. Bỗng dưng hôm nay hắn kêu con mà lại không có chuyện.
Không thấy hắn say. Mấy đứa bạn thần kinh đó cũng không bâu theo hắn về nhà. Khi con mở cổng hắn cũng lại nhìn con trân trối. Hắn kêu: bé có mùi gì lạ quá ta.
Có lẽ hắn là người từng trải, lõi đời nên đã ngửi thấy mùi đàn ông trên cơ thể con, đã nhận ra cái luồng gió vừa tách đôi, xuyên suốt thời thiếu nữ của con ấy. Thế nên hắn tức. Mặt hắn phừng phừng. Cả cái vẻ mệt mỏi, đau đớn, cả sự thẹn thùng cố hữu của một đứa con gái vừa bị biến thành đàn bà đang hằn trên khuôn mặt con càng khiến hắn bị kích thích.
Hắn tì con vào tường, chỗ tối nhất khuất sau cánh cổng rồi nham nhở: Thứ nhất, bé lẽ ra là vợ của anh. Thứ hai, bé đã bị lão già đó ăn thịt rồi, giờ để anh ăn một lần nữa có mất gì của bé đâu!
Nói rồi hai cánh tay của hắn ghì chặt hai vai con, lưỡi thọc sâu vào miệng con khiến con chẳng thể nào thoát ra được. Bình thường hắn luôn trong tình trạng phê thuốc hoặc rượu nên chỉ đủ sức đỡ tấm thân còm nhom, dặt dẹo ấy đứng lên nằm xuống đã là may lắm.
Nhưng hôm nay hắn không phê thuốc cũng không nghiện rượu. Bởi thế hắn tỉnh. Hắn ham hố, hùng hục vì hắn ý thức được con còn sạch sẽ hơn ngàn vạn lần so với mấy đứa con gái trong lũ bạn thần kinh của hắn, ăn tập thể, ngủ tập thể, hoan lạc cũng tập thể mà chẳng bao giờ dùng đến OK hay Trust…
Giờ thì thân thể con bỏng rát, tê dại. Chỉ còn vì mặn của nước mắt là đang chảy thôi mẹ ạ.
Quá khứ đẹp đẽ
Mẹ kể, càng lớn mẹ càng xinh đẹp. Hồi bé mẹ chưa kịp quấn hơi của bà thì đã tòi ra một lũ em sin sít bằng nhau. Ông ngoại là phế binh hạng nặng, cụt một chân, một tay và một mắt bị hỏng. Bà ngoại đẻ đến người thứ chín thì bị hậu sản mà chết.
Mẹ phải bỏ học giữa chừng năm lớp năm để đi chăn dê. Sáng sáng mẹ lùa đàn dê vào núi, vừa đi vừa đếm từng con một. Thực ra không cần đếm mẹ cũng nhớ nhưng ông ngoại bắt phải thế. Ông bảo không làm thì thôi đã làm việc gì thì phải chuyên tâm, cần mẫn mới thành đại cục.
Mẹ không hiểu đại cục tiểu cục làm sao nhưng nhờ trời đàn dê của mẹ con nào con nấy béo nẫn. Mẹ cũng là một con người rất đa cảm. Mẹ rất thích mơ mộng và rất hay mơ mộng. Mẹ hát bất cứ ở đâu và hát cực hay.
Nhưng ở trong nhà, đi trên đường hay leo lên núi mẹ cũng chỉ thích hát mỗi một bài “bèo giạt mây trôi… tính tang tình” khiến ông ngoại nhiều phen nổi khùng lia cả cái nạng gỗ vào mông mẹ.
Mẹ không chịu thua. Không cho mẹ hát to thì mẹ hát lẩm nhẩm, hát thầm ở trong đầu. Chỉ cần nhắm mắt lại là mẹ thấy tiếng hát của mình vút cao, bay đi tìm người quân tử. Thì ra mẹ đã đến tuổi cập kê rồi.
Một ngày, bố và ông bà nội của con mang sính lễ đến dạm hỏi. Chuyện đại cục thế mà không cho mẹ biết. Mẹ nói với ông ngoại: Bố mà nhận lễ của người ta là bố đã bán rẻ con gái của mình rồi. Bố chỉ mê đàn dê của nhà nó chứ mê gì nó.
Ai chả biết bố con từ bé đã nghịch rạch giời rơi xuống. Chín tuổi đã liều gan đi ăn trộm oản chuối xôi gà cúng ma mới bên kia nghĩa địa về chén rồi chui vào ống cống nằm ngủ nên mới bị người ta không biết người ta lăn ống cống khiến vĩnh viễn bị khoét một mắt lún một bên não.
Khi nhà bố con giàu lên, giàu nứt đố đổ vách thì mắt của bố con cũng được thay bằng mắt giả trông như thật nhưng một bên não thì không có chất gì làm cho cứng lại được nên nửa thân trên của bố con giống như đứt hết giây thần kinh néo cứ lật phà lật phật.
Thế nhưng thời buổi nhu cầu tinh thần bị đặt dưới bát cơm manh áo thì bố con để ý đến ai mà chẳng được, huống chi là đứa con gái nghèo kiết xác như mẹ. Mẹ cự lại không được.
Mở mắt là mẹ nghe ông ngoại chửi như xé vải. Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Rồi ông ngoại khóc. Người bình thường khóc mẹ đã mủi lòng, huống hồ ông ngoại con cụt một chân, một tay và nước mắt thì chỉ còn rỏ xuống được một bên.
Vì chuyện đó mà mẹ khóc rưng rức liền ba đêm. Đến đêm thứ ba thì có đoàn cải lương về làng biểu diễn. Mẹ liền lấy cớ đi xem hát để thoái thác chuyện cưới hỏi.
Thực chất mẹ làm gì có tiền mua vé vào cổng. Mẹ chỉ ngồi chầu rìa bên ngoài nhưng phải đi thật sớm, chọn mỏm đất cao nhất để nhìn thì mẹ cũng đã nhìn thấy người đóng vai nhà vua trong tích chèo Tấm Cám thật đẹp. Hôm sau mẹ liền đi thật sớm.
Mẹ muốn nhìn thấy nhà vua không mặc áo gấm thêu hoa, đầu không đội mũ rồng thì có còn đẹp không. Ngồi mãi mẹ chẳng thấy người ta đâu, buồn quá mẹ lại hát bèo dạt mây trôi… tang tính tình… cá lượn. Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ…
Chưa dứt câu thì mẹ nghe tiếng vỗ tay từ sau lưng. Mẹ quay lại. Mẹ sững người nhận ra nhà vua. Nhà vua bảo mẹ: Em hát hay thế sao không thử xin tuyển vào đoàn? Nhưng em xấu. Em mà xấu?! Nhà vua cười phá lên, nhìn mẹ như có lửa đốt.
Một lúc có tiếng loa thông báo sắp đến giờ biểu diễn. Nhà vua vội vàng nắm tay mẹ, vội vàng nhìn sâu vào mắt của mẹ, vội vàng bảo: Ngày mai lại chờ anh ở đây nhé! Anh tên là Sang. Sang nhà vua, Sang trượng phu quân tử.
Đêm cuối cùng nhà vua không có vai diễn. Mẹ và nhà vua dắt nhau ra bãi khoai Đồng Tu tâm sự. Giăng sáng và gió lành lạnh. Những vồng khoai lang gồ lên trông giống như những con sâu róm khổng lồ che chắn một cách kín đáo.
Nhà vua cẩn thận rải tấm ni lông xuống rãnh khoai rồi kéo mẹ ngồi xuống. Cơ thể măng tơ, căng tròn của mẹ run lên khi nhà vua lần sờ từng khuy áo và chạm vào ngực. Anh không diễn à? Mẹ lên tiếng trước. Không diễn anh mới ra đây được chứ! Nhà vua thầm thì.
Ngày mai đoàn anh lại đi chỗ khác rồi. Nghe nhà vua nói vậy lòng mẹ buồn rười rượi. Mẹ nhìn hút vào khuôn mặt của người ta. Một khuôn mặt đẹp, vuông vức, phong trần và đa tình lắm. Không hiểu sao lúc ấy mẹ sợ nhắm mắt lại khuôn mặt ngây ngô và thân hình lật phật của bố con sẽ hiện ra bóp chết niềm cảm xúc đẹp đẽ của mẹ. Nhưng người ta không để ý. Người ta đỡ mẹ nằm xuống. Mặt đất mát rượi. Da thịt của mẹ cũng mát rượi…
Tiếng cười ré lên bẩn thỉu và man rợ khiến cả mẹ và người ta chồm dậy. Bố con xông đến túm ngược tóc của mẹ. Đồ gái đĩ! Bố mày nhận lễ của nhà tao cho mày ngủ với giai à?
Nói xong bố con quay sang ông ngoại: Đấy, con đưa bố đến bắt quả tang gái ngủ lang nhé. Giờ bố định xử lý thế nào? Con đập chết thằng này bố nhá. Ông ngoại rên rỉ. Tôi xin anh! Con dại cái mang, chuyện này chỉ anh biết, tôi biết. Giờ anh về đi. Ngày mai tôi sẽ đưa nó sang nhà cho anh.
Bố con đi rồi ông ngoại quay sang người ta nhỏ giọng: Anh hãy mang con Mẫn đi đi! Càng xa càng tốt. Nhưng người ta đã vội quỳ mọp xuống: Con xin bố! Bố tha cho con. Con yêu em Mẫn nhưng… Không để người ta kịp nói hết câu ông ngoại đã gầm lên: Vậy thì cút! Mẹ nhìn theo cái bóng người ta bỏ chạy nghiêng ngả, khóc như mưa.
Con là con đẻ của bố con nhưng lại giống người ta như lột. Ngay sau hôm đó bố con liền làm một cái lễ mọn để cưới mẹ về. Đám cưới mà trông như đám ma.
Cô dâu đi theo chú rể, ngó theo chú rể mà như ngó vào cõi phù du. Về đến nhà đúng hai mươi bảy ngày bố con không đụng vào người mẹ. Đến ngày thứ hai tám, nhìn thấy máu của mẹ bố con cười lên khùng khục biết chắc không có giọt máu của thằng khốn đó liền lao vào mẹ… Mẹ kinh hãi.
Mẹ cắn môi đến tróc từng mảng. Ngày nào cũng duy nhất một cảm giác rát ràn rạt xâm chiếm người mẹ. Thế là mẹ nghĩ đến người ta. Càng hận mẹ càng nghĩ. Cuộc sống đồng sàng dị mộng ấy đã khiến mẹ biết nằm im khi mỗi lần bố con hùng hục trèo lên. Con ra đời được một năm thì bố con chết.
Tương lai dè sẻn
Con Nhím vừa chạy vừa nhớ lại. Hôm đó nếu nó không lẻn vào nhà hát sớm thì đã không bị ông ta phát hiện. Sao cháu vào được đây? Cháu trốn. Ngày nào cháu cũng trốn vé thế này à? Vì cháu thích hát.
Ông ta ngắm kỹ con Nhím. Miệng nhỏ, mũi thanh, mắt bồ câu tròn đen láy. Cả ba đêm đoàn diễn vở Lan Điệp con Nhím đều ngồi sát cạnh cánh gà, miệng mấp máy theo mấy trường đoạn mùi mẫn với vẻ mặt đam mê đến thờ thẫn.
Rồi ông ta vẫy con Nhím vào thử giọng. Chao ôi! Có lẽ gần mười lăm năm rồi kể từ khi bà vợ ông bỏ ông và thằng con còn đỏ hỏn qua bên Mỹ giờ ông mới được nghe một giọng ca mùi đến vậy.
Ông ta bần thần cả người. Một vết đứt của quá khứ dường như được chắp lại khiến mắt ông rưng rưng lệ. Bởi vậy nghe con Nhím ca xong một lúc lâu ông ta mới vỗ đùi đánh đét. Con ơi, giọng con hiếm vậy ở nhà hoài của. Con theo chú đi hát, chú sẽ cho con được làm đào chính.
Ông ta kêu con Nhím bằng con giọng ngọt như mía. Nhưng con Nhím gạt phắt. Mẹ cháu còn ốm. Người ta nói mẹ cháu bị loét dạ dày, sắp bục hết lục phủ ngũ tạng rồi. Thế nhà cháu ở đâu? Bên kia cánh đồng.
Con Nhím đi trước, ông ta theo sau. Đấy là chú đòi theo đấy nhá. Đi hết bãi khoai này thì đến nhà cháu. Sao nhiều mộ thế á? Thì người chết nhiều mà, có khi gần ngang bằng người sống ấy chứ.
Ai cũng bảo khoai lang làng cháu ngọt hơn khoai lang làng khác vì được bón bằng xương người đấy. Thì mộ cứ nằm san sát thế kia không vùi đất lên mà đánh vồng trồng ngô trồng khoai thì những người sống ăn bằng không khí à?
Con Nhím cứ huyên thuyên. Nó không để ý ông ta chỉ ứ hừm cho qua chuyện, thỉnh thoảng hỏi vài câu chiếu lệ. Vừa về đến ngõ con Nhím suýt đụng phải mẹ nó từ trong nhà đi ra. Mẹ đang định tìm con. Sao muộn thế? Là chú này! … Ai vậy? Mẫn! Em là mẹ…?
Chiếc đèn hoa kỳ trong tay mẹ con Nhím rơi choang xuống đất. Mẹ nó đã nhận ra người đàn ông đó là Sang, Sang nhà vua, Sang trượng phu quân tử.
Không lay chuyển được con Nhím ông Sang đành xuống nước với mẹ nó. Cho nó theo tôi! Coi như tôi có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Tôi sẽ đỡ đầu cho nó. Nó cũng thông minh và đa cảm giống em nhưng chắc sẽ không khổ như em đâu. Tôi có thằng con trai trạc tuổi nó.
Mình đã lỡ duyên rồi… mai mốt tôi sẽ tác thành cho hai đứa. Nghe người ta nói thế bao nhiêu hận thù trong lòng mẹ con Nhím tan biến. Mẹ nó quả là người đa cảm.
Đàn bà mà đa cảm lúc yêu sâu sắc nhưng lại nhẹ dạ vô cùng. Cuối buổi đó khi con Nhím vô buồng chuẩn bị hành lý, nó còn nghe tiếng mẹ nó cự lại với người ta: Nói đi là đi luôn à?!
Trong nhà hát tối đó, chừng đã khuya lắm nhưng thằng Vĩnh vẫn thúc giục mọi người thu dọn phông màn. Thi thoảng thằng Vĩnh lại đảo mắt về phía cánh đồng. Tối nay con gà mà nó chỉ cho ông già đi chăn không sang thì kế hoạch đào mỏ của nó coi như đổ bể.
Con cần mỗi ngày hai tép! Thằng Vĩnh đưa ra điều kiện với ông Sang như vậy. Ông Sang là cha đẻ của thằng Vĩnh nhưng ông sợ nó hơn sợ cọp. Vì thằng Vĩnh biết hết mấy trò túm vú vỗ mông của ông với mấy con đào nhí nên nó dọa ông không rủ được con bé mắt bồ câu tròn đen lay láy đó về cho nó vờn thì nó sẽ rình hiếp.
Thế nên vừa thấy bóng con Nhím nép sau ông Sang thằng Vĩnh liền chạy ra đón. Dô đi, dô đi bé! Đưa túi đồ đây anh cất cho. Đến hai giờ sáng thì xe của đoàn chuyển bánh.
Con Nhím ngồi sát cạnh thằng Vĩnh. Nó cảm giác râu cằm thằng Vĩnh đang cạ vào má nhồn nhột. Tay thằng Vĩnh luồn lên lưng, vòng qua ngực và dựng lại nơi hai cái ti cưng cứng như trái cau non của con Nhím.
… Vậy là con Nhím đã ở nhà ông Sang được sáu tháng. Công việc hàng ngày của nó là lau dọn nhà cửa. Những chuyện nho nhỏ thế thì không sao. Con Nhím vừa làm vừa ca vài ba câu vọng cổ nhoáng cái là xong. Nó chỉ ngại nhất việc kêu thằng Vĩnh dậy mỗi sớm.
Đầu tiên là chăn màn quần áo. Thằng Vĩnh vứt cực bừa bãi. Thì dọn cũng không sao. Con Nhím nghĩ vậy. Tương lai của nó sẽ là một đào chính chứ đâu phải một ô sin. Nhưng con Nhím sợ nhất mỗi lần giặt quần áo cho cha con nhà thằng Vĩnh.
Những chiếc quần xịp bám đầy những thứ trông như mũi dãi trẻ con mà con Nhím phải đựng dạng cả hai chân, xả rầm rầm cái vòi nước dùng để rửa bồn cầu vào đũng quần rồi lấy móng chân cái di thật mạnh mới bong ra làm nó tởm mãi.
Nhớ đến những công việc ấy con Nhím lại buồn nôn nữa. Trời sắp sáng chưa không biết? Quãng nửa đêm tới giờ nó phải chạy được gần năm cây số. Đường sá vắng tanh.
Còn sót một vài thằng bay đêm về muộn lượn xe cái vèo qua người con Nhím hát vống lên: em ơi sáu mươi năm cuộc đời. Con Nhím sợ quá chạy dạt vô vệ đường.
Không sợ sao được. Xưa đường hẹp chẳng mấy ai chết. Giờ đường rộng thênh người lại chết ngang ngửa trong chiến tranh. Đi bộ cũng chết. Leo lên vỉa hè, núp vô nhà chờ xe buýt mà ô tô tải còn bò lên cán chết nữa là. Lúc này con Nhím mà bị làm sao mẹ nó chắc cũng không sống được. Nghe nó dạ dày của mẹ nó đã bị cắt đi hai phần ba. Tóc rụng trụi lủi. Sự sống chỉ còn chờ từng khắc.
Mẹ nó không muốn cho con Nhím biết. Cả đời mẹ nó đã toàn bão bùng giông gió. Con Nhím giờ đây giống như một ngọn gió mát lành đem lại từng khắc thời gian cho mẹ nó. Nhưng hỡi ôi, con Nhím rùng mình chợt nghĩ, nó chỉ là một cơn gió đi lạc mùa.