Chôn chặt niềm riêng
Koizumi Yakumo
Trước đây đã lâu lắm, có Inamuraya Gensuke là một nhà buôn giàu có ở xứ Tamba. Nhà này có một cô con gái tên là Ô Sônô. Ô Sônô rất xinh đẹp và thông minh sáng dạ, cha nàng thấy nếu chỉ cho con gái theo học với các bà thầy ở chốn quê mùa thì tội nghiệp cho nàng, nên mới cho nàng, cùng vài người đầy tớ theo hầu, lên Kyoto để học phép tắc, trau dồi công dung ngôn hạnh của giới thượng lưu thanh nhã với quý bà ở chốn đế đô. Sau khi được dậy dỗ chu đáo, Ô Sônô được gả cho Nagaraya, là một nhà buôn quen biết với cha mình, và sống hạnh phúc được đâu độ bốn năm. Hai vợ chồng sinh được một mụn con trai, nhưng lấy chồng được bốn năm sau thì Ô Sônô bị bệnh qua đời.
Buổi tối sau khi cử hành tang lễ xong xuôi, đứa con trai nhỏ mách rằng đã thấy mẹ nó về ở trên gác. Người mẹ chỉ nhìn con mà nhoẻn miệng cười, chẳng nói chẳng rằng, làm đứa con sợ hãi bỏ chạy. Có mấy tên người nhà đi lên gác, vào căn phòng cũ của Ô Sônô, thì thấy bóng người mẹ hiện ra trong ánh sáng của ngọn đèn nhỏ thắp trước bàn thờ, ai nấy đều giật mình. Họ thấy hình như nàng đứng trước chiếc tủ đựng quần áo đồ dùng của nàng. Đầu và vai nàng thì còn trông thấy rõ, nhưng phần thân thể từ lưng trở xuống gót chân thì mờ nhạt.Cái bóng ấy lờ mờ phản chiếu trong gương như thể hình ảnh của nàng, lại trong suốt như dáng hình in trên mặt nước.
Người nhà thấy thế sợ hãi, bỏ ra khỏi phòng, xuống nhà thì thầm to nhỏ.
Bấy giờ mẹ chồng của Ô Sônô mới bảo rằng
-Đàn bà con gái thường yêu quý từ những vật dụng lặt vặt hàng ngày của mình, nên Ô Sônô cũng rất yêu quý những vật dụng của nàng. Có lẽ nàng trở về tìm những món đồ ấy. Người chết làm như vậy là thường, nếu không đem những thứ của họ lên chùa nơi thờ họ, là không được. Nhà ta nay cũng phải đem những đồ dùng của Ô Sônô lên chùa thì có lẽ hương hồn của nàng mới được nghỉ yên.
Nghe rồi mọi người đều bảo nhau là hãy làm như thế ngay. Thế là sáng hôm sau, họ đem hết quần áo đồ dùng của Ô Sônô lên chùa, trong tủ trống trơn không còn sót một thứ gì nữa. Thế nhưng đêm hôm sau Ô Sônô vẫn trở về, và vẫn đăm đăm nhìn vào tủ như trước. Đêm kế tiếp, rồi đêm kế tiếp, Ô Sônô vẫn còn trở về hằng đêm, làm cho cả nhà ai nấy đều hoảng sợ.
Mẹ chồng Ô Sônô bèn lên chùa, kể hết sự tình cho vị hòa thượng trụ trì ngôi chùa nghe, để thỉnh lời khuyên của ngài. Đó là một ngôi thiền tự, vị sư trụ trì là hòa thượng DaiGen, người có sở học rộng mênh mông. Ngài nói:
-Chắc là trong chiếc tủ ấy hay ở gần đó có vật gì mà cô ta rất bận tâm lo lắng.
Bà mẹ chồng già đáp
-Nhưng thưa ngài, các ngăn tủ đều trống trơn, trong tủ chẳng còn gì nữa ạ.
Hòa thượng bảo :
-Vậy thì để ta đến nhà bà và ở trong phòng ấy canh chừng, xem có cách nào không. Trong lúc ta đang canh chừng, bà nhớ dặn gia nhân không ai được vào phòng, cho đến khi ta lên tiếng gọi.
Chiều xuống, hòa thượng Daigen bèn tới nhà ấy. Chủ nhà đã sắp sẵn cho hòa thượng ở trong phòng. Hòa thượng một mình vào phòng ngồi tụng kinh. Đồng hồ điểm giờ Tí, rồi quá nửa đêm, vẫn không thấy gì hiện ra. Nhưng chẳng mấy lúc, có bóng của Ô Sônô đột nhiên hiện ra trước tủ, nét mặt buồn bã, đôi mắt cứ chăm chú nhìn vào chiếc tủ.
Hòa thượng bèn đọc thần chú, rồi xướng pháp danh của Ô Sônô để nói chuyện với bóng nàng:
-Ta đến đây để giúp con. Con hãy lại gần đây. Chắc là trong chiếc tủ này có vật gì làm con rất bận tâm phải không ? Để ta tìm vật ấy cho con nhé ?
Đầu của cái bóng lay động, ra chiều đồng ý. Bấy giờ hòa thượng bèn đứng lên, mở ngăn kéo trên cùng của tủ. Trong ngăn kéo trống trơn. Ngài lại mở ngăn kéo thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, để ý tìm tòi cả phía sau và phía dưới ngăn kéo, lại tìm thật kỹ trong từng ngăn một, nhưng ngài chẳng tìm thấy gì cả. Thế nhưng cái bóng của O Sono trước sau như một, vẫn cứ buồn rầu đăm đăm nhìn vào chiếc tủ. Hòa thượng nghĩ bụng “Không biết ta phải làm gì bây giờ đây.”
Bất giác, một ý tưởng chợt hiện lên trong óc ngài :“ Hay là ở phía dưới tấm giấy lót đáy ngăn kéo có giấu cái gì chăng”. Ngài bèn giở giấy lót đáy của ngăn kéo trên cùng, nhưng không thấy gì. Lại giở giấy lót đáy ngăn kéo thứ hai, rồi thứ ba, nhưng vẫn không thấy gì cả. Thế nhưng, đến ngăn kéo thứ tư, thì cái mà ngài đã tìm thấy dưới tấm giấy lót đáy ngăn kéo là một bức thư. Hòa thượng quay hỏi
-Đây là cái đã làm con bận tâm phải không ?
Bóng của Ô Sônô hướng về phía hòa thượng với ánh mắt yếu ớt đăm chiêu hướng về bức thư
Hòa thượng lại hỏi
-Ta đốt bức thư này cho con nhé ?
Cái bóng cúi rạp xuống trước mặt hòa thượng.
Hòa thượng hứa:
-Ta sẽ đem về chùa đốt ngay đêm nay. Ngoài ta, sẽ không ai được đọc bức thư này.
Cái bóng liền nhoẻn miệng cười, rồi biến mất.
Hòa thượng theo cầu thang xuống nhà. Lúc người nhà đang lo lắng đợi ở tầng dưới trông thấy ngài thì trời cũng vừa hửng sáng. Hòa thượng bảo mọi người
-Không có gì phải lo cả. Cô ta không bao giờ hiện ra nữa đâu.
Bức thư được đem đốt. Đó là một bức thư tình mà Ô Sônô đã nhận được khi đến Kyoto trau dồi công dung ngôn hạnh. Nhưng trong bức thư ấy viết gì thì chỉ có một mình hòa thượng biết mà thôi. Và bí mật ấy của nàng sau đó đã được chôn kín theo cùng với hòa thượng, khi ngài qua đời.