Tên thật: NGUYỄN QUANG BÌNH Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam Công tác tại Toà án nhân dân huyện Đồng Văn Tỉnh Hà Giang Điện thoại: Cơ quan: 0219 856120 Di động: 0975727506 Email:321nguyenbinh@gmail.com
CHIA TAY VỚI ĐÁ
Buổi chiều, trong bữa ăn, bố hỏi mẹ: - Có đợt chuyển nhà xuống vùng thấp, trong xóm nhiều hộ đã đăng ký, mình có chuyển không? Mẹ im lặng với tay lấy cho Mai bát mèn mén. Mai chẳng hiểu gì hỏi bố: - Vùng thấp là vùng nào ạ? Bố chưa kịp trả lời nó đã hỏi tiếp: - Tại sao nhà mình phải chuyển xuống vùng thấp ạ? - Mọi người không còn ai ở đây nữa à?... Tôi đá chân nó một cái, nó hiểu ý không hỏi nữa. Mẹ đưa bát cho Mai. Nó đón lấy chưa ăn ngay, bưng bát ngóng. Bao nhiêu hộ đã đăng ký? - Mẹ hỏi bố. - Khoảng hơn mười hộ xin chuyển ngay. Còn một số nấn ná đợi thu hoạch ngô xong rồi mới chuyển. - Nơi ở mới thế nào? - Thuận lợi hơn về nguồn nước và đi lại. - Còn nhà cửa thế nào? - Nhà nước làm sẵn, mình chỉ việc đến ở. - Nhà thì có thể chuyển nhưng còn nương rẫy, đi xa thế làm thế nào được. Mai, ăn đi! - Mẹ giục nó. - Nghe nói xuống dưới ấy Nhà nước còn cho ruộng để làm... Tôi không mấy quan tâm đến câu chuyện giữa bố và mẹ nên ăn xong vội buông bát đứng dậy đi tìm thằng Sình để khoe con quay mới. Ra đến cửa thấy trời xâm xẩm tối định không đi nữa nhưng nghĩ ở nhà chẳng có gì vui nên lại đi. Vừa đi tôi vừa ngửa cổ nhìn trời, bao la một màu mờ đục, thảng loặc có cánh chim xập xè về tổ. Màu khói bếp đã không còn rõ nữa. Nhà thằng Sình như đang mờ dần vào màu tím của núi rừng. Đi được nửa đường chợt không còn hứng thú đi tiếp nữa, tôi ngồi xuống tảng đá ngắm mặt trăng đang lên sau dãy núi, một thứ ánh sáng dìu dịu mềm mềm lan toả trong không gian. Tiếng lá rừng vẫy gió rung động. Những chú dế bắt đầu kẽo kẹt từng nốt nhạc dạo đầu. Bàn tay tôi tỳ trên đá chớm lạnh, vậy là sương bắt đầu rơi. Phía dưới kia có cả một vùng u tối và hun hút sâu, những bụi cây mang trên mình hình thù kỳ quái, tôi bất chợt rùng mình khi cơn gió tràn qua. Và sợ, tôi cũng không hiểu mình là sao nữa, tôi sợ bụi cây, tôi sợ tất cả những gì nhìn thấy, chúng giống đàn thú dữ đang chuẩn bị vồ ngấu ngiến con mồi. Phía trên là dãy núi cao lừng lững. Nếu không có đám nương đã được dọn sạch cỏ là yên bình thì những khối đen trên kia đã lăn ào xuống chỗ tôi ngồi. Xung quanh im ắng đến rùng rợn. Căn nhà phía trước mờ ảo trong làn sương khói, ánh lửa bếp lập loè sáng tối như những con ma đói lượn lờ... Chỉ còn có chị Hằng là hiền lành đáng tin cậy nhưng chị ở cao quá, xa quá!... Sự sợ hãi bao trùm không gian, tôi không còn đủ can đảm ngồi đó nữa mà quáng quàng rời khỏi tảng đá chạy về nhà. Sáng hôm sau tôi ra trường học. Từ ngày cô giáo Hoa chuyển đi không thấy ai về dạy, cái chữ trong xóm ít dần. Vài đứa liều mạng đi bộ vượt qua dãy núi sang bên Xè Pạ mới được thêm vài con chữ ngoằn ngoèo, vài buổi sau không thấy đứa nào vượt núi đi học nữa, con chữ ở xa quá muốn đến gần cũng không dễ gì. Trường học đã từng là nơi đánh yến, đánh cù, đá cầu, nơi tổ chức hội hát giao duyên, ném pao và hội vỗ mông vào dịp tết. Trường học bây giờ mục ruỗng, hoang tàn, tường đất sạt lở toe toét, mái gianh sụp xuống trồi ra mấy cây xà vắt ngang, Sình và Lử đang ngồi vắt vẻo trên đó. Từ ngày có kế hoạch hạ sơn cái xóm này vắng hẳn, nhiều người đã ra đi. Nơi ở mới thấp hơn, bằng phẳng hơn, giàu có và đỡ nhọc nhằn hơn. Đã có một thời gian dài nơi này là lãnh địa riêng của chúa đất Sùng Xúa Chư, ông ta thuê thợ bạt đá xếp thành bậc từ con đường mòn lên tận cửa dinh thự. Dinh thự được làm bằng những tảng đá lớn, vuông vức, đục đẽo cẩn thận và to nhất vùng. Ông ta có tới bố bà vợ và gần hai trăm người hầu. Đất đai khi xưa còn tốt, nhát cuốc bổ xuống cái bụi còn bay lên mù mịt, hạt giống rơi xuống là được quả đem về. Mùa hè ngô xanh lút đầu người. Mùa đông hoa cải vàng trải thảm, hoa tam giác mạch trắng tím kéo dài từ sườn núi bên này sang sườn núi bên kia. Rồi còn sắn, dong giềng, củ mài vô khối. Bây giờ cái đất ít lắm, nhát cuốc bổ xuống lại nẩy lên vì va vào đá, cái bụi chưa bay lên đã bị gió cuốn đi mất. Tra hạt ngô xuống cái cây ngoi lên èo uột, vàng ệch. Nhiều nhà chưa qua tết đã hết cái ăn, phải xuống tận huyện xin nhà nước cứu đói mới đợi được đến mùa vụ. Khi có dịp ngồi bên nhau mọi người lại ước cái thời ngô sắn đầy nhà lấp cả lối đi, bước chân phải rón rén, giờ đây bước chân được thoải mái nhưng lại thấy nhói đau trong lòng. Hình như đá mỗi ngày một lớn, nó ăn đất để lớn lên thì phải, thành ra cực nhọc cứ ngày càng chồng nặng lên đôi vai con người. Nắng hôm nay đẹp quá, óng vàng, trong vắt chan hoà khắp nẻo. Lác đác trong xóm vài bóng người đi lại. Số đông đã chuyển đi từ sáng sớm. Sự yên vắng nghe lòng nao nao đến lạ. - Nhà mày có chuyển đi không, Chơ? - Bất ngờ Sình hỏi. Tôi chưa trả lời, trèo lên cái xà ngồi cạnh nó. - Chúng mày có thấy buồn không? - Tôi hỏi hai đứa nó. - Buồn vì cái gì? - Lử hỏi lại. - Buồn vì xa nơi này. - Có gì phải buồn kia chứ, - Lử trả lời. - Ở dưới kia đi học gần hơn, ở nhà đẹp hơn, có nhiều bạn hơn, nhiều trò chơi hơn thì có lý do gì mà phải buồn. Tôi không nói nữa. Lử cũng im lặng cùng phóng tầm mắt ra xa nơi có vài người đang dọn những đồ đạc cuối cùng của mình để ra đi. * Mấy ngày sau, bố nói: - Ta chuẩn bị chuyển nhà. Nơi ở mới đẹp lắm. - Được chuyển nhà rồi! - em Mai reo lên. - Bao giờ nhà mình chính thức chuyển đi? - Mẹ hỏi. - Khoảng vài hôm nữa. - Bố trả lời. - Nhà ở mới thế nào? - Mẹ hỏi tiếp. - To hơn, đẹp hơn nhà ta đang ở. Bố nói rồi vội vã đi ra ngoài. Tự dưng tôi thấy lòng mình như có gì đó trĩu xuống. Vậy là cuối cùng vẫn phải chuyển đi... Dẫu rằng đã đoán trước được ngày này sẽ đến nhưng sao tôi vẫn thấy hụt hẫng, bâng khuâng, ngơ ngẩn. Tôi đến nhà Sình định báo với nó. Nhà nó vắng hoe, trống trơn. Chẳng cần nghĩ nhiều tôi cũng biết gia đình nó đã chuyển đi. Buồn u ám. Tôi lững thững ra ngôi trường cũ, giật mình nhận ra lối đi đã bị cỏ mọc tràn gần kín, đám đất bị bọn chơi giẫm cho nhẵn thín đã thành nhà của vài ổ kiến, ổ mối. Cơn gió đi qua cũng khô khốc lạnh lùng. Hôm chuyển nhà bố tôi nhờ thêm vài người đến giúp. Đồ đạc được chất lên lưng bốn con ngựa. Tôi chẳng phải làm gì. Bố mẹ đã thu dọn các thứ từ nhiều ngày trước. Bé Mai tự nhiên trầm hẳn, không nói cười đứng thu lu một góc khác hẳn với sự nhảy nhót, quậy phá thường ngày. Mẹ thu nốt vài thứ lặt vặt cho vào quẩy tấu. Căn nhà lạnh dần trong hoang vắng. - Mai, đi thôi! Mẹ gọi Mai khi nó cứ đứng lì ở góc hè nhìn mọi người chất các thứ lên lưng ngựa và chuẩn bị ra đi. - Đi thôi, con! Mẹ vẫy tay gọi bé Mai một lần nữa nó mới nhấc chân bỏ lại góc hè đi theo mọi người. Đi một quãng xa bé Mai vẫn ngoái đầu nhìn ngôi nhà cũ, cái mái gianh đã bị mưa làm xói lở nhiều chỗ, ở trong nhà còn bắt được cả ánh nắng lọt vào. Nắng lên. Từng sợi nắng óng vàng trải xuống sườn núi và rừng cây. Tiếng ngựa gõ móng vào đá. Tiếng gió thổi. Tiếng chim hót. Và im lặng từng bước chân người. Hết con đường đá, tôi nhìn lại, cảnh vật bỗng cô đơn, nắng cũng buồn heo hắt. QUÊ MỚI Sau khoảng ba giờ đi bộ đến một thung thổ khá bằng phẳng. Đứng trên cao nhìn xuống nó giống như một cái chảo khổng lồ, viền chảo là những dãy núi ghé sát vai nhau cao ngất, lòng chảo có cánh đồng lúa xanh rì, có dòng sông, có con đường lớn đi qua và dãy nhà dọc theo hai bên đường, kéo dài đến tận chân núi là màu óng vàng của những bắp ngô đã bóc bẹ đang khoe mình dưới nắng... - Đây là quang cảnh nơi chúng ta sẽ ở. Lời bố làm tôi giật mình, tôi cứ tưởng bố đi tít phía xa không ngờ bố ở ngay sát cạnh phía sau. - Ôi, đẹp quá! - Bé Mai reo lên khi ánh mặt trời đi ra khỏi đám mây. - Đẹp thật! - Mẹ nói Tôi cũng định nói gì đó nhưng đã bị mẹ và em Mai nói mất rồi nên lại đành im lặng. Mọi người cùng đi vào con đường mòn dốc nghiêng về phía dòng sông. Càng đi xuống cái lòng chảo dường như càng rộng ra. Những bắp ngô phơi nắng toả ra một mùi thơm dìu nhẹ. Chị gió thỉnh thoảng ào qua xô đẩy những cây ngô va vào nhau rào rào. Bất chợt bố hỏi tôi: - Con thấy nơi ở mới thế nào? - Đẹp ạ! - Tôi trả lời. - Thật không? - Bố hỏi lại. - Vâng. Có núi có sông, có dải đất bằng, có đường đi lại... Tôi trả lời bố bằng mấy lời trong câu chuyện mà cô giáo Hoa đã kể cho cả lớp nghe đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Thật không ngờ tôi có thể trả lời bố bằng một câu hoa mĩ đến vậy. Bố nhìn tôi nở một nụ cười. Trong quan niệm của người Mông xa xưa vốn không tồn tại những điều tôi vừa nói. Họ quan niệm nơi nào không có ba thước đất bằng, không có ba ngày sáng mới là chỗ ở của người Mông. Vùng đất bằng là của người Tày, người Kinh. Nghe bà kể lại thì xa xưa tổ tiên của người Mông là ở vùng Hoa Nam trù phú, đất đai của họ kéo dài tít tắp, một con ngựa tốt chạy ba tháng ròng chưa hết con đường chính đi sang đất khác. Người Mông đã từng trồng lúa nước và ăn cơm trắng. Sau này do những biến cố lịch sử, sự tranh chấp của các dòng tộc, sự cát cứ của người Hán, người Mông bị dạt xuống phía Nam. Vùng đồng bằng phía Nam người Việt đang chiếm giữ. Duy chỉ còn vùng núi cao, thâm u đá núi và rừng cây là vẫn còn bỏ trống. Người Mông liền giữ lấy vùng đất này. Và chính nơi đây đã cho họ sự sống, yên ổn làm ăn. Trong tâm thức người Mông đánh giá nơi núi cao này mới đích thực là đất của người Mông, là quê của người Mông. Trong câu hát truyền lại: "Người Mông cũng có quê, quê người Mông ở Mèo Vạc." Mèo Vạc là một vùng núi non trùng điệp, có tới tám chín phần là đá, đất chỉ đọng lại một chút ở thung sâu và vũng núi. - Con có thích nơi này không? - Bố hỏi khi đi vượt lên trước tôi. - Thích ạ! - Tôi trả lời. Nói vậy thôi chứ thực tình trong lòng tôi lúc ấy vẫn chưa hình dung ra được cuộc sống khi cả gia đình tôi chuyển xuống quê mới sẽ như thế nào, tốt đẹp hơn ra làm sao. Sự thân thiết với xóm cũ làm tôi thấy buồn nhiều hơn vui. Sự lạ lẫm thường làm cho con người ta có cảm giác chơi vơi, trái hẳn với miền bình yên của sự thân thuộc. Mẹ bỗng bật cười khi quay lại nhìn tôi. Chắc lúc ấy trông tôi phải khôi hài lắm. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ, tưởng tượng xem những ngày tới sẽ làm gì ở quê mới. Tôi tự đặt ra cả trăm tình huống rồi tự tìm cách giải quyết. Tôi cứ miên man nghĩ như vậy từ đi đầu đã bị tụt lại phía sau lúc nào không hay. Mẹ và em Mai giục tôi mấy lần đi nhanh hơn nữa nhưng không hiểu sao chỉ được một đoạn tôi lại bị tụt lại. Sau này mới thấy những điều mình đã nghĩ lúc ấy là vớ vẩn không thực tế. Phía trước có tới mười mấy ngôi nhà mới chắc chắn, mái lợp phibrôximăng, xung quanh tường được thưng bằng ván gỗ. - Nhà chúng ta kia kìa! - Bố nói và chỉ vào một ngôi nhà ở giữa, bên cạnh có một khe nước chảy qua. Nhìn qua bề ngoài đã thấy ngôi nhà mới đẹp hơn rất nhiều so với ngôi nhà cũ ở trên núi. Vách vẫn còn thơm mùi gỗ khác hẳn với mùi ẩm mốc của tường trình đất. Bố lấy chìa khoá mở cửa. Bé Mai chạy ào vào trong nhà xem xét. Một lúc sau nó chạy ra khoe: - Nhà mới đẹp lắm! Bố mẹ và mấy người đang dỡ các thứ từ trên lưng ngựa xuống nhìn nó cười. Mẹ mang chiếc quẩy tấu vào trong nhà, tôi cũng theo vào. Ngôi nhà mới bên trong sáng gần như bên ngoài chứ không tối thui như ngôi nhà cũ. Mẹ bỏ các thứ trong quẩy tấu ra đặt cạnh bếp sưởi. Bố và những người đến giúp khuân đồ đạc vào trong nhà. Tôi đã nhìn thấy cái giường, không biết bố tôi đã mua nó khi nào, đây là cái giường đầu tiên gia đình tôi có từ ngày tôi biết nhớ, cái giường được đóng cẩn thận, rộng và tuyệt đẹp. Tôi cũng không hiểu sao người Mông khi có tiền mua sắm rất nhiều thứ, nhưng cái giường là nơi để ngủ thì lại được làm rất tạm bợ, thường thì chỉ là những tấm ván kê, nếu nhà nghèo thì dùng tre hoặc nứa kết lại và cũng chỉ hẹp toen hoẻn một người nằm đã chật. Bây giờ gia đình tôi có cái giường đẹp và rộng, tôi thấy lạ. Một lúc sau có vài người đến thăm, bố tôi lấy rượu ra mời. Tiếng cười nói rộ lên! Đêm đầu tiên nằm trong căn nhà mới, giường mới, chỗ nằm mới thêm mùi gỗ làm tôi khó ngủ. Tiếng gió thổi ầm ù ngoài vách. Tiếng nước chảy nơi đầu nhà dội lại. Tiếng ô tô nặng nề xiết bánh xuống đường,... Những âm thanh lạ cứ vang vọng trong đầu tôi, phải chăng đây là âm thanh của quê mới?!