LÒNG CHA
Rabindranath Tagore
Trí Hải chuyển ngữ
Tiểu sử : TAGORE RABINDRANATH hay Thakur (1861-1941). Nhà thơ, nhà văn, triết gia, nhà giáo dục, nhạc sĩ, hoạ sĩ, đạo diễn, nhà văn xứ Bengal. Giải thưởng Nobel năm 1913. Sinh và mất tại Calcutta.
Xuất thân địa chủ giàu có. Lớn lên trong một gia đình theo đạo Bà-la-môn có văn hoá, thích nghệ thuật và ưa cải cách xã hội. Tagore sớm say mê văn hoá cổ. Sau khi học ở nhà trường một cách thất thường và du học ở Anh một thời gian ngắn, và quản lý một số đồn điền của cha mẹ, do đó biết rõ đời sống thiếu thốn của nhân dân. Tập thơ đầu xuất bản năm 29 tuổi. Sau đó viết đủ thể loại. Mở trường Santiniketan (nơi ở thanh bình), năm 1921, trường này trở thành một trường đại học quốc tế để truyền bá và thực hiện những lý tưởng truyền thống của Ấn Độ, về văn hoá và đức độ. Tagore luôn luôn chú ý đến những vấn đề chính trị và xã hội, tham gia hoạt động chống chủ nghĩa thực dân và chống sự bóc lột, đặc biệt đối với nông dân. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Tagore đi nhiều nước trên thế giới (phương Tây, Mỹ, Đông Á, có qua Sàigòn) để truyền bá lý tưởng hoà bình và hoà hợp giữa các dân tộc. Năm 1930, thăm Liên Xô : tập Thư Từ Nước Nga (Rashijar T****hi, 1930) phản ánh sự phấn khởi của Tagore khi thấy nhiều lý tưởng của mình được thực hiện ở đây, do đó có thêm sức mạnh để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát xit.
Mấy tháng trước khi chết, Tagore lên án chủ nghĩa đế quốc trong tập luận văn Cuộc Khủng Hoảng của Nền Văn Minh (Sabhjatar Sankat, 1941). Tagore là nhà văn viết bằng tiếng Bengali lớn nhất, và có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn học Ấn Độ và Bengladesh. Nhiều tác phẩm viết thẳng tiếng Anh, nhưng đa số viết bằng tiếng Bengali, rồi tự dịch hoặc người khác dịch sang tiếng Anh. Tagore để lại 1000 bài thơ, 24 vở kịch, 8 tiểu thuyết, 8 tập truyện ngắn, trên 2000 bài hát, rất nhiều tiểu luận.
Tác phẩm chính : GORA (1910) – ( tiểu thuyết mô tả những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình tư sản ở Calcutta, các khuynh hướng tôn giáo truyền thống, thân Anh…) và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Hoàng hôn của thế kỷ (Shatabdir Surdsha, 1899) - tập thơ về bản chất dã man của chủ nghĩa đế quốc. Khi tinh thần ta được giải phóng (Dshedin Tshaitanja Mor, 1937) – thơ lên án bọn phát xít trong nội chiến Tây-Ban-Nha. Thơ trữ tình của Tagore diễn tả sự thông cảm thần bí với thiên nhiên và những cảm xúc đơn giản. Tiểu thuyết mang ý thức xã hội sâu sắc. Luận văn có tư tưởng rõ ràng, minh bạch. Tagore có tài sử dụng châm biếm. Nội dung sáng tác mang tính chất nhân đạo, yêu nước, có tính quốc tế. Tagore tin vào tiến bộ của con người. Tagore đại diện cho văn học tư sản tiếng Bengali hiện đại tiến bộ. Thi phẩm hay nhất là tập Ca dâng lên (Gitanjali, 1910) gồm 103 bài.
Mini, bé gái năm tuổi của tôi, có lẽ không sống được nếu không nói ba hoa suốt ngày. Tôi nghĩ suốt đời cô bé đã không phí một phút giây nào im lặng. Mẹ nó thường không hài lòng về điều ấy, và thường ngăn cô lại, nhưng tôi thì không. Với Mini, im lặng là chuyện bất thường, và tôi không thể chịu đựng lâu. Bởi thế, câu chuyện giữa tôi và cô bé luôn luôn sinh động. Chẳng hạn một buổi sáng, khi tôi đang viết dở một chương tiểu thuyết thì cô bé lẻn vào, cầm lấy tay tôi mà nói :
- Cha ! Lão bộc gọi con con chó là con muông. Lão không biết gì cả, phải không cha ?
Tôi chưa kịp giảng giải, thì cô bé đã chuyển sang một vấn đề khác.
- Cha nghĩ sao, cha ? Bộc nói có con voi trong những đám mây, vòi nó phun nước, và thế là trời mưa. Có phải vậy không cha ?
Trong khi tôi đang tìm cách trả lời câu này, bé đã hỏi một câu khác :
- Cha ! Mẹ và cha bà con ra sao nhỉ ?
Tôi cố lập nghiêm bảo :
- Ra chơi với Bộc đi, Mini. Cha đang bận.
Cửa sổ phòng tôi trông ra đường. Cô bé đã ngồi xuống dưới chân tôi, cạnh bàn viết và đang chơi một mình. Tôi đang suy nghĩ rất lung để viết. Bỗng cô bé Mini vùng chạy lại cửa và reo lên :
- Ông Cabul, ông Cabul !
Và quả thế, ngoài đường dưới kia, một người đàn ông miền Cabul đang tiến bước. Y mặc bộ quần áo trông có vẻ nghèo nàn và dơ dáy, buộc một thắt lưng dài, lưng mang chiếc bị, tay cầm những hộp nho khô. Không biết cô bé nghĩ gì khi thấy người này, nhưng cô bắt đầu gọi ông thật lớn. Ngay lúc ấy lão ta quay lại và nhìn lên cô bé.
Cô bé thấy vậy thất kinh hồn vía, chạy bay đến nấp bên mẹ. Cô tin chắc thế nào trong chiếc bị mà lão đang mang cũng có hai ba đứa trẻ con như cô. Người hàng rong ấy đã vào đến cửa và mỉm cười chào tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là mua một món gì đó, vì Mini đã gọi y vào nhà. Tôi mua ít vật dụng, và chúng tôi khởi sự nói chút đỉnh chuyện chính trị. Khi sắp từ giã, bỗng hắn hỏi :
- Còn cô bé đâu rồi, thưa ông ?
Nghĩ rằng nên làm cho Mini hết sợ hão huyền, tôi cho đem cô bé ra. Cô đứng bên ghế tôi, nhìn chòng chọc vào người Cabul cùng chiếc bị. Y biếu cô cả đậu phụng và nho khô, nhưng cô nhất định không để bị dụ dỗ. Cô càng bám riết lấy tôi và càng nghi ngờ lão thêm.
Đấy là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lão Cabul và cô bé. Tuy nhiên, vài hôm sau, khi đi ra có tí việc, tôi giật mình thấy Mini ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh cửa ra vào, đang cười nói với lão Cabul ngồi dưới chân. Suốt đời, cô chưa bao giờ được ai ngoài cha cô, đã nghe cô một cách chăm chú như vậy. Cái túi áo của cô đã đầy ắp đậu phụng và nho khô của người khách lạ. “Sao ông cho nó làm gì thế?”, tôi nói, vừa rút tiền trả cho lão. Ông thản nhiên nhận tiền cho vào túi.
Một giờ sau trở về, tôi mới thấy tai hại của đồng bạc tôi đưa ra. Người Cabul đã đưa cho Mini, và khi mẹ nó thấy đồng bạc, bèn vồ lấy cô bé :
- Con lấy đồng bạc ở đâu, bé ?
- Ông Cabul cho con ! Mini hớn hở đáp.
- Ông Cabul cho con ! Mẹ nó thét lên – Mini, sao dám lấy bạc hở :
Vừa lúc ấy tôi đi vào cứu cô bé thoát nạn bị đòn. Tôi tiếp tục điều tra về đôi bạn.
Tôi khám phá đấy không phải lần đầu họ gặp nhau. Người Cabul đã đánh tan sự sợ hãi của cô bé bằng cách đút lót thật nhiều đậu phụng và nho khô.
Đến nay hai bên đã thành đôi bạn thiết. Họ có nhiều trò đùa mà họ rất khoái. Mini thường ngồi trước lão Cabul, nhìn xuống vóc dạng khổng lồ ấy với vẻ đường bệ của một bà chủ tí hon, khuôn mặt cười lên rạng rỡ, và cô hỏi :
- Ông Cabul, ông Cabul, ông đựng cái gì trong bị ấy ?
Và ông lão sẽ trả lời bằng giọng mũi của người thượng du :
- Một con voi !
Không có gì đáng tức cười lắm, vậy mà họ hoan hỉ làm sao. Và riêng tôi, cuộc chuyện trò giữa một đứa trẻ với người lớn luôn có vẻ gì đó rất quyến rũ.
Rồi người Cabul, để khỏi thua bạn, bắt đầu hỏi lại cô bé :
- Còn cô, này cô bé, bao giờ thì cô về nhà ông nhạc ?
Hầu hết các cô bé Ấn Độ đều sớm nghe danh từ ấy, nhưng chúng tôi thì không bao giờ nói những chuyện như thế với con gái, cho nên trước câu hỏi ấy, cô hơi bối rối. Nhưng cô không muốn để lộ sự lúng túng của mình, và đã hỏi lại :
- Còn ông có về đấy không ?
Đối với giai cấp người Cabul này, thì từ ngữ về nhà ông nhạc lại có nghĩa là nhà tù, nơi họ được ăn ở miễn phí. Người ấy bèn trả lời :
- Ô, tôi sẽ đánh vỡ mặt ông nhạc ra !
Vừa nói lão vừa nắm tay hăm doạ một viên cảnh sát vô hình. Mini nhíu mày, rồi cười lên như nắc nẻ. Lão cũng cười theo phụ hoạ.
Đấy là vào những buổi sáng đầu thu, mùa các vua chúa ngày xưa lên đường viễn chinh dẹp giặc. Còn tôi không rời khỏi góc nhà quê hương, nhưng vẫn để tâm hồn phiêu du khắp chân trời góc bể. Mỗi khi nghe địa danh một nời nào, hồn tôi đã vươn tới chỗ ấy, và bóng một người xứ khác đến trên đường cũng khiến tôi dệt nên những giấc mơ xa xăm về quê hương của anh ta ở cuối chân trời, nghĩ đến những cuộc đời giang hồ lãng tử. Những xứ lạ hiện lên trong trí tôi càng sống động, có lẽ vì cuộc sống hiện tại của tôi quá giống với cỏ cây. Tiếng gọi viễn du réo rắc trong tôi, tựa hồ tiếng sóng triều gào thét. Bởi thế, trông thấy người Cabul này, trí tôi liên tưởn ngay đến những vùng núi non cằn cỗi trên cao, chen chúc với mây trời. Tôi mường tượng những đoàn lạc đà chở hàng đi trên sa mạc, những thương gia lưng đeo vũ khí hộ thân đang tiến về hướng bình nguyên. Tôi thấy và thấy trong trí tưởng…
Nhưng giữa lúc ấy, luôn luôn mẹ Mini sẽ xen vào, tha thiết dặn tôi phải “coi chừng lão ấy”. Bà rất dè dặt mỗi khi nghe tiếng huyên náo ngoài đường, hay thấy người vào nhà, và luôn đi đến kết luận, một là kẻ cướp, hai là kẻ say, hoặc rắn hổ mang, bệnh sốt rét, phong cùi. Sau bao nhiêu năm kinh nghiệm giữa trường đời, bà vẫn chưa thắng lướt được nỗi sợ hãi triền miên trong lòng bà. Bởi thế, bà luôn luôn nghi ngờ về người Cabul, và thường van nài tôi phải coi chừng lão ấy. Nếu tôi cố xua đuổi nỗi sợ hãi vô căn cứ của bà bằng cách cười lớn, thì bà nghiêm mặt hỏi với dáng điệu rất trịnh trọng :
- Thế trẻ con không bao giờ bị bắt cóc ấy à ? Thế không phải ở Cabul còn có bán nô lệ ư ? Một người đàn ông to lớn bắt một đứa trẻ xíu không được hay sao ?
Tôi nói, không phải là không được, nhưng không lẽ nào có chuyện như thế. Tuy thế bà vẫn lo sợ. Nhưng vì nỗi sợ hãi ấy thật bâng quơ, nên không lý gì để cấm đoán lão vào nhà. Sự thân thiện giữa đôi bạn - một khổng lồ, một chim chích – vì thế vẫn tiếp tục không bị ngăn cản.
Hàng năm vào giữa tháng giêng, Rahman – tên người Cabul ấy, thường về xứ một lần, và khi sắp về, y thường rất bận rộn đi các nhà để thâu tiền nợ. Năm nay, tuy vậy ông vẫn còn thì giờ đến thăm Mini. Một người khác rất có thể nghi ngờ lão có mưu toan gì đấy, vì khi không tới được buổi sáng, lão cũng tới vào buổi chiều.
Ngay cả tôi, đôi khi cũng thấy chột dạ chút đỉnh lúc bắt gặp bóng người to lớn ấy đứng trong góc phòng của tôi. Nhưng khi Mini hớn hở reo lên “ông Cabul, ông Cabul” và đôi bạn khởi sự những trò đùa thường lệ, thì tôi lại yên tâm ngay.
Một buổi sáng vài ngày trước khi lão về nhà, tôi đang chữa lại bản thảo trong phòng viết. Trời rất lạnh. Qua song cửa, ánh mặt trời chiếu vào sưởi ấm hai chân tôi. Lúc ấy vào khoảng tám giờ, những khách bộ hành đi đường đang trùm khăn lạnh. Bỗng chốc tôi nghe ngoài đường huyên náo. Nhìn ra thì thấy Rahman đang bị còng ty dẫn đi giữa hai người cảnh sát, sau lưng là một lũ trẻ tò mò. Áo quần Rahman dính đầy máu, và một trong hai cảnh sát đang cầm một con dao. Tôi vội bước ra hỏi xem có chuyện gì. Từ mỗi người một ít, tôi được biết rằng một người lối xóm đã nợ Rahman tiền mua một cái khăn quàng, nhưng lại chối, bảo không từng mua nó. Trong lúc cãi vã, Rahman đã đánh người kia. Bấy giờ , trong cơn tức giận, phạm nhân chửi rủa đối phương đủ điều. Và điều tệ nhất đã xảy ra. Nhưng bỗng chốc từ hiên nhà tôi, Mini đã xuất hiện với tiếng reo thường lệ “Ông Cabul, ông Cabul”. Gương mặt người Cabul rạng rỡ lên khi nhìn thấy cô bé. Hôm nay lão không mang chiếc bị, nên cô bé không thể nói về con voi với lão. Bởi thế cô hỏi sang câu thứ hai :
- Ông về nhà ông nhạc ấy à ?
Rahman cười lớn bảo :
- Chính thế, bé ơi !
Rồi thấy câu trả lời không làm cô bé thích thú, lão đưa hai bàn tay bị còng lên :
- A ! Đáng lẽ tôi đánh cho vỡ mặt ông nhạc, nhưng tay tôi bị còng rồi.
Bị kết tội cố ý giết người, Rahman ở tù nhiều năm. Thời gian trôi nhanh, Rahman đã bị quên lãng. Công việc thường ngày trong chỗ ở thường ngày vẫn tiếp diễn, nên chúng tôi không bao giờ nghĩ đến một người thượng du nghèo khó đang chịu tù tội trong ngục thất. Cả đến cô bé Mini cũng đã quên mất người bạn cũ của nàng. Càng lớn, nàng càng có nhiều mối quan hệ với bạn gái, và không còn vào phòng làm việc của tôi như trước. Bởi thế tôi rất hiếm dịp nói chuyện với con.
Nhiều năm trôi qua, lại một mùa thu trở về. Chúng tôi đang sửa soạn hôn lễ cho cô gái Mini của chúng tôi. Đám cưới sẽ cử hành trong một dịp lễ. Với Mini, về nhà chồng, có nghĩa là ánh sáng của ngôi nhà cũng sẽ đi theo, để lại cha nàng trong bóng tối.
Buổi mai ấy thật tươi sáng. Sau những ngày mưa, không trung như đã được rửa sạch và ánh sáng mặt trời trông như ánh vàng ròng. Những tường gạch cũ kỹ ngoài đường phố cũng sáng lên dưới ánh nắng trong vắt. Từ rạng đông, những hồi còi đã vang lên báo hiệu hôn lễ. Mỗi hồi còi làm cho tim tôi rộn ràng muôn mối, đồng thời cũng làm tăng nỗi đau buồn của tôi trước cảnh chia ly. Mini sẽ về nhà chồng đêm ấy. Trong sân, lọng che rợp đất. Những đèn lồng và lục lạc được treo khắp các phòng và hiên nhà. Khắp nơi người ta vội vàng hối hả. Tôi đang ngồi trong phòng một mình tư lự thì bỗng một người đi vào lễ phép chào, và đứng trước mặt tôi. Đấy là Rahman, người Cabul dạo nọ. Ban đầu, tôi không nhận ra lão, vì lão không mang bị, mảng tóc dài đã được hớt cao, và vẻ cường tráng năm xưa không còn nữa. Nhưng khi lão mỉm cười, tôi lại nhận ra ngay.
- Ông về lúc nào thế, Rahman ?
- Tôi được thả tối qua.
Những lời ấy làm tôi hơi choáng. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với một người nào từng cố ý đã thương đồng loại. Lòng tôi đau nhói khi nhớ ra điều này, vì tôi nghĩ ngày ấy sẽ tốt hơn nếu hắn ta đừng xuất hiện.
- Hôm nay nhà có việc, và tôi đang bận. Có lẽ ông có thể đến vào một dịp khác chăng ?
Lão liền quay đi, nhưng khi ra đến cửa, lão ngập ngừng bảo :
- Thưa ông, tôi có thể thăm cô bé một lát ?
Lão tin tưởng rằng Mini vẫn còn bé xíu như ngày xưa. Chắc lão mường tượng cô bé sẽ chạy ra hớn hở gọi “ông Cabul, ông Cabul” như dạo nào, và họ sẽ cười đùa với nhau như trước.
Quả vậy, cũng như những ngày xưa, hôm nay lão cũng mang đến ít đậu phụng và nho khô gói kỹ trong bọc giấy. Những thứ ấy không biết làm thế nào lão kiếm được trong lúc mới ở tù về.
Tôi lặp lại :
- Nhà có việc, ông không thể gặp ai hôm nay cả.
Lão sa sầm nét mặt, và nhìn tôi với vẻ thèm muốn số phận của tôi, đoạn nói một lời chúc tụng rồi đi ra. Tôi hơi thương hại, muốn gọi lão trở vào. Nhưng lão đã tự ý quay trở lại, đến cạnh tôi và nói :
- Thưa ông, tôi đã đem lại chút quà này biếu cô bé. Ông có thể trao lại dùm tôi ?
Tôi nhận gói quà, định trả tiền, nhưng ông ngăn lại :
- Ông thật quý hoá. Xin ông hãy nhớ đến tôi là đủ. Đừng cho tôi tiền. Ông có một cô con gái. Tôi cũng có một bé gái giống như thế ở quê nhà. Tôi nhớ con tôi, nên mang quà tới cho cô bé, chứ không phải để hòng kiếm chác gì đâu.
Nói xong, lão sờ tay vào túi trong, lấy ra một mảnh giấy dơ dáy, mở ra vuốt thật thẳng bằng cả hai tay trên mặt bàn. Mảnh giấy in hình một bàn tay nhỏ xíu. Không phải một bức ảnh, hay bức hoạ, mà chỉ là dấu mực in một tay bé con trên tờ giấy nhàu nát. Hình bàn tay của con gái lão, lão đã luôn mang theo bên trái tim mình, từ khi lão đến xứ này bán hàng rong năm này qua năm khác.
Mắt tôi ướt đẫm. Tôi quên rằng lão là một người thượng du nghèo khó, còn tôi…. Ồ không, tôi có gì hơn lão ? Lão cũng là một người cha.
Bàn tay in của cô bé con lão ở vùng thượng du quê nhà xa xăm của lão, nhắc tôi nhớ đến con tôi. Tôi cho gọi ngay Mini vào. Cô bé đang mặc chiếc áo cưới bằng lụa đỏ, trang sức kiểu cô dâu, rụt rè tiến đến bên tôi. Người Cabul dường như kinh ngạc trước sự xuất hiện này. Lão không thể làm sống lại tình bạn ngày trước. Cuối cùng lão mỉm cười :
- Cô bé, có phải cô sắp về nhà ông nhạc đấy không ?
Bây giờ thì Mini đã hiểu nghĩa danh từ “ông nhạc”, nên không trả lời, đỏ mặt đứng trước lão, với vẻ e lệ của cô dâu mới. Tôi nhớ cái ngày họ gặp nhau lần đầu, và lòng tôi se lại. Khi con tôi trở vào nhà trong, Rahman thở dài buồn bả, ngồi phịch trên sàn nhà. Có lẽ lão bỗng nhớ rằng con gái lão cũng phải lớn lên nhiều, torng thời gian lão xa quê. Lão sẽ phải làm quen với cô bé trở lại. Chắc chắn lão không còn gặp lại một cô bé như ngày lão từ giã ra đi. Ngoài ra, biết đâu lại không có bao nhiêu chuyện xảy đến cho nàng sau mười mấy năm xa cách.
Tiếng còi lại vang lên, ánh mặt trời dịu của mùa thu lan khắp không trung, Rahman ngồi trên mảnh đất này mà tưởng như thấy trước mặt một miền núi khô cằn của quê hương. Tôi lấy ra một xấp bạc, và bảo :
- Rahman, hãy về quê với con gái ông đi. Cầu nguyện cho cuộc hạnh ngộ của cha con ông sẽ đem lại cho con gái tôi nhiều may mắn !
Sau khi biếu lão món tiền, tôi đã giảm bớt nhiều lễ lạc, như không thể bắt điện, cũng không thể mướn ban nhạc giúp vui, và điều này làm nhiều bà thất vọng. Nhưng với tôi, buổi hôn lễ thật rực rỡ hơn lên, khi nghĩ rằng ở miền đất xa xăm kia, có một người cha biệt tích tha phương đang được trở về gặp lại đứa con gái dấu yêu.