Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Người Ấy

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 516 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Ấy
Hồ Thị Hòa

Đến gần ngã tư, hắn cho xe đi chậm lại, tránh va vào những người đi ngược chiều. Hắn ghé xe vào trong vạch phân chia ranh giới. Đám người đi cạnh hắn chìm trong tiếng ì ầm của tắc nghẽn, những ánh mắt đều trở nên vô cảm, những cử động máy móc tuân theo hai màu xanh đỏ trên cột đèn.
Hắn không thể lý giải tại sao, vào cái giây phút ấy, hình ảnh người ấy bất chợt hiện ra trong óc hắn.
Trong ký ức hắn, cho đến bây giờ, suốt hai mươi tám năm, người ấy chỉ mặc độc một bộ đồ duy nhất: chiếc áo cánh bằng vải thô màu trắng, cái váy dài chấm mắt cá chân bằng vải sợi đen. Hắn có thể không nhớ kỹ đôi dép, nhưng hẳn là một đôi dép cao su theo kiểu cũ bằng dép lốp, cái thứ dép mà bây giờ người ta chỉ còn tìm thấy trong các bảo tàng ở thành phố hay trong các phiên chợ quê. Nhưng đó cũng không phải là một đôi dép ấn tượng gì cho cam. Cũng có thể đó là một đôi dép nhựa nam, màu vàng đậm hay một đôi dép nhựa nam nữa, có thể thế, tuy không chắc chắn lắm, màu nâu. Cũng có khi, đó là đôi dép cũng là màu vàng kia đã bị đứt quai, được dùi lỗ và xâu rút lại bằng lá chuối. Giải pháp này có vẻ đúng hơn cả, vì đã rất nhiều lần hắn nhìn thấy những người già như thế đi những đôi dép như thế, và những bàn chân cũng tương tự như thế, những bàn chân không phân biệt được giới tính bởi các vết nứt ở gót cứ toác cả ra mà máu vẫn không chảy, các vết nứt và chai dày có màu vàng, cứng đơ như một chất kỳ quặc chưa bao giờ hắn có thể gọi tên.
Song ngoài chiếc áo màu trắng đó, người ấy có mặc chiếc nào khác nữa không? Có thể là một chiếc áo màu nâu có chấm trắng li ti cũ kỹ chăng? Thế còn mùa đông thì người ấy mặc gì? Hắn cố hồi tưởng lại một hai mùa đông mà hắn nhìn thấy người ấy. Người ấy đã ngồi trong cái bếp thấp lè tè, nơi cái máng hứng nước mưa chạy ngang dưới mái, ngay bên ngoài của sổ, đọng những bồ hóng đen kịt. Ở tại cái bếp ấy, vào mùa đông, người ấy mặc gì. Hắn không nhớ nổi. Hình như chưa bao giờ một bộ quần áo mùa đông của người ấy còn lưu giữ lại trong ký ức hắn. Hắn còn nhớ rõ cái bếp ấy cấu trúc như thế nào; chẳng hạn có hai cái cửa, một cửa mở vào nhà trên và một cửa thông ra vườn, cả hai cửa đều cao một mét, hắn đi ra đi vào thoải mái nhưng người lớn thì phải khom lưng lại. Cái bếp, cứ khoảng năm người đứng là không nhúc nhích được, nền bằng đất sét màu đen, lồi lõm, có những rãnh nứt nhỏ chạy li ti ngang dọc. Một đống phi lao khô cùng với lá tre vàng khô, lá ngô và những thứ lá khác kêu giòn rạo. Mỗi lần hắn vào bếp, người ấy thường ngồi quay lưng lại phía hắn, người ấy cầm một ống tre đã cháy sém một đầu, ghé sát mặt vào cái bếp tro cao bằng hai viên gạch xếp và thổi phù phù. Có khi lửa bỗng cháy bùng lên nhưng cũng không hiếm khi, tro bay mịt mù trong bếp. Người ấy khẽ nhắc hắn đóng cửa bếp lại tránh bụi tro bay lên nhà. Vào những thời khắc ấy, hẳn là hắn đã nhìn thấy một nồi cơm trên bếp, một nồi canh đã nhắc ra kiềng (hình như là canh rau đay nấu tép), và hắn thường để ý đến một cái nồi nhỏ nhất. Trong cái nồi bé đó thường có thịt hoặc cá.
Như vậy là hắn không quên cách bài trí của cái bếp, thậm chí hắn có thể tả lại căn buồng cạnh bếp và những căn buồng lớn hơn mà hắn còn nhớ vào những trưa hay xế chiều. Nắng chiếu xiên xiên qua bức liếp tre những luồng ánh sáng nhạt, soi rõ những hạt bụi bay li ti trong không gian. Nhưng hắn muốn nhớ lại nhiều hơn thế, chẳng hạn, hắn đã trò chuyện gì với người ấy, vào năm hắn bao nhiêu tuổi, và người ấy nói gì với hắn. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ hắn biết nói chuyện với người ấy. Hắn nhớ hình như câu đầu tiên người ấy nói với hắn là "Đừng có hét oang oang như thế, các cháu!". Khi ấy, khi hắn và mấy đứa em họ rủ nhau tất thảy cùng ngồi lên một cái võng và xang đi xang lại rồi hét váng nhà. Và người ấy đã mắng bọn hắn như thế đó, nhưng khi đó người ấy đang làm gì, trong góc nào của ngôi nhà? Dưới bếp chăng, nếu là dưới bếp thì người ấy đang làm gì? Có phải vào cái khoảnh khắc đó người ấy đã ngồi bên chân giường và đang cho con dấm ăn chuối tiêu, hay đang bắt rận cho mèo. Không phải, nếu người ấy bắt rận cho chó, mèo thể nào bọn hắn cũng đã xúm vào bắt hôi và chia nhau thành lượt để ném vào cái bát mẻ đựng than nóng cho nó nổ đôm đốp, những con rận béo mẫm, nhiều khi gọi là con ve chó vì mình nó màu xanh và trông hết sức ngu đần vì không có khả năng tự vệ. Hoặc những con rận dẹt, nhiều chân bám vào các khóe chân con vật, hoặc gian nhất là rận  mèo. Hắn vẫn nhớ, sau tiếng mắng mỏ của người đó, bọn hắn lại cười oang lên và  người đó rì rầm một hai câu mắng mỏ nữa, nhưng rốt cuộc là tiếng mắng mỏ ấy từ đâu phát ra?
Có thể hắn đã nói với người ấy nhiều lần cái câu: "Cháu chào bà". Tuy nhiên, hình như không hơn nữa, hoặc nếu không cũng chỉ đại loại là những câu vô thưởng vô phạt như vậy. Hắn đã bao giờ hỏi thăm người ấy hơn chưa? Thế giới của người ấy, hắn biết gì khác hơn ngoài mấy người anh em trai của người ấy thi thoảng đến thăm vào những dịp giỗ tết?
Rồi hắn nghĩ đến chuyện ngày hôm nay, ở tòa soạn, hắn đã cãi nhau với cái phe cánh ấy, cái phe cánh hết sức lạc hậu và bảo thủ. Họ có năm con người trong cái nhóm đó. Hắn còn biết tường tận gia cảnh của họ như thế nào, con cái họ hư hỏng, chích hút, giỏi giang hay đang du học tận đâu ra làm sao. Bên hắn cũng có cánh của hắn, gồm hai cặp vợ chồng và một cậu đang độc thân. Gia cảnh của mấy người này hắn cũng biết hết, hắn còn biết đến cả họ hàng của họ nữa. Thậm chí hắn còn biết tường tận chị vợ của bạn hắn có những bệnh gì, chữa bao lâu chưa khỏi.
Đúng là có một lần, khi hắn đi ngang qua ngưỡng cửa, khi ấy hắn chừng mười sáu tuổi, hắn nhìn xuống nhà bếp và thấy bên cạnh người ấy là một bà già nhỏ bé, miệng đã móm gần hết, khuôn mặt tròn thon, tóc bạc trắng nhìn hắn cười. Hai người ngồi trên bậu cửa gỗ dùng tay tước tước những chiếc lá chuối khô. Hắn nói:"Cháu chào bà". Rồi hình như người ấy đã nói: "Đây là bà Ngoan bạn của bà". Bạn của bà, hắn đã kinh ngạc làm sao trong phút giây ấy? Hắn thấy ngạc nhiên làm sao. Hắn còn thấy hơi tức cười nữa. Hắn tự nhủ: "Bạn của bà, bạn của bà, nghe kỳ lạ làm sao".
Bây giờ thì người ấy đã già lắm. Lần gần đây nhất hắn về, hắn lại nói "Cháu chào bà" rồi ngồi xuống bên cạnh người ấy. Hình như người ấy đã mọc thêm một lớp da khác, hoặc là  có nhiều da hơn trước, vì như vậy thì ở cánh tay mới tạo được những đường gấp của da hệt như những nếp mịn màng mà hắn nhìn thấy trong những phiên bản chụp trang phục thời Phục hưng. Hắn cũng không nhớ là đã nói với người ấy điều gì, nhưng có một đôi lần người ấy đã khóc mếu máo, có khi tiếng khóc làm hắn đau nhói. Hắn muốn nói với người ấy một điều gì đó, nhưng rốt cuộc hắn im lặng. 
Hắn còn nhớ mỗi lần đi xa về, hắn lại gửi cho người ấy năm mươi nghìn đồng. Thi thoảng hắn mua về cho người ấy đôi ba cái áo mới, song người ấy hầu như không bao giờ mặc. Tất cả đều mới quá, người ấy để dành.  Nhưng có một lần duy nhất trong đời, người ấy tỏ ra thích cái áo khoác màu tím mà hắn đang mặc trên người. Đó là một chiếc áo hàng thùng giá bảy mươi nghìn. Người ấy nói cái áo đẹp và ấm, ấm hơn tất cả những cái áo của người ấy. Hắn nói: "Nhưng cái áo này chỉ dành cho người trẻ, bà ạ". Kỳ thực hắn không biết cái áo đó dành cho người bao nhiêu tuổi, điều quan trọng là tết năm đó hắn có thể mặc nó với chiếc quần bò hắn có từ hồi mùa hè để ra mắt một đám bạn mới.
Có một dạo hắn bỗng quan tâm đến việc khi hắn trở thành một bà già, hắn sẽ phục sức như thế nào để vừa đủ đẹp, lại sang trọng và giản dị, trí thức. Hắn là một phụ nữ châu Á, như vậy thì quãng bốn năm mươi tuổi, hắn không thể mặc đồ màu đỏ và mặc váy ngắn như những khách du lịch được nữa. Vậy thì hắn có thể mặc một chiếc áo lụa chăng, đi một đôi dép nhẹ nhàng như dép lưới? Một vài lần trên phố, hắn thấy một số người già ăn vận theo lối như thế và hắn tự nhủ, mình có thể lựa chọn cách này. Nhưng rất có thể khi hắn già mọi sự sẽ khác và khi ấy cơ thể hắn đã béo ra khiến cho hắn không thể mặc áo xẻ tà kiểu Nam Bộ nữa. Hắn cũng tưởng tượng ra cảnh hắn ngồi trên một chiếc ghế mây, loại ghế có thể ngả nghiêng ra sau - nhưng hẳn sẽ không ngả nghiêng lắm - có thể là trước hiên nhà, ánh nắng chiếu vào góc tường. Và hắn đọc sách, chỉ có điều, hắn chưa hình dung nổi hắn sẽ đọc loại sách nào khi đó.
Người ấy có thể là một bà nông dân. Song ngoài những khung cảnh được tái hiện trong đầu hắn, hôm nay, khi quành xe qua ngã tư, hắn có thể biết gì hơn về người ấy. Có thể, hắn biết người ấy đã khóc khi bố hắn bỏ học để nhập ngũ vào năm mười bảy tuổi (hắn tình cờ đọc được điều này trong cuốn nhật ký ố vàng của bố), và còn  khóc nhiều mỗi lần gia đình nhắc đến bố hắn. Nhưng trọn vẹn ký ức không đủ tái hiện một chân dung. Hắn chỉ nhớ được những mảnh ghép, song hầu hết, trong sự kiện nào người ấy cũng chỉ đóng một vai phụ, nơi hắn và những xúc cảm của hắn đóng vai trò cốt yếu.
Lâu lắm, phải ở trong những cuộc trò chuyện thân quen mới có một người nào đó hỏi: "Ông bà cháu còn không?". Có thể đó là câu hỏi của bố mẹ chồng hồi hắn vừa mới về làm dâu, hắn đã trả lời: Con còn bà nội.
Nhưng khi hỏi đến tuổi thì hắn ngắc ngứ, hình như hắn đã nói sai cho người ấy cả chục tuổi.
Hà Nội, 6/2004
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 795

Return to top