Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nhân Sự Không Có Bí Mật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 335 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhân Sự Không Có Bí Mật
Oscar Wilde

Một buổi chiều tôi đang ngồi bên ngoài quán cà phê Hòa Bình, theo dõi cuộc sống tráng lệ và tiều tụy của Paris và vừa uống rượu vermouth tôi vừa ngạc nhiên vì bức tranh toàn cảnh lạ lùng bao gồm cả sự xa hoa và cảnh nghèo khổ đang diễn ra trước mắt tôi, tôi nghe có ai gọi tên mình. Tôi quay lại và thấy ngài ( 1 ) Murchison. Chúng tôi đã không gặp nhau từ khi cùng rời trường Đại học cách đây gần mười năm nên tôi vui mừng được gặp lại anh và chúng tôi thân ái bắt tay nhau. Khi ở trường Đại học Oxford chúng tôi là bạn rất thân. Tôi hết lòng quý mến anh, anh rất đẹp trai, rất cao thượng và rất ngay thẳng. Chúng tôi thường nói anh sẽ là người tuyệt vời nhất nếu anh đừng lúc nào cũng nói sự thật, nhưng tôi nghĩ thật ra chúng tôi khâm phục anh hơn vì tính chân thật của anh.

Oscar Wilde
Tôi nhận thấy anh đã thay đổi nhiều. Trông anh có vẻ lo lắng , hoang mang và hình như đang nghi ngờ chuyện gì. Tôi cảm thấy đó không phải là căn bệnh hoài nghi hiện đại, vì Murchison là người kiên quyết nhất của Đảng Bảo Thủ và tin tưởng vào Thánh Kinh cũng nghiêm chỉnh như tin vào Thượng Nghị Viện Anh, cho nên tôi kết luận rằng đó là chuyện tình cảm và hỏi anh đã lập gia đình chưa.
“ Tôi chưa hiểu hết phụ nữ.” anh trả lời.
“ Gerald thân mến,” tôi nói , “ phụ nữ sinh ra là để cho người ta yêu chứ không phải để hiểu.”
“ Tôi không thể yêu một người tôi không tin tưởng.” anh trả lời.
“ Tôi tin chắc anh có một điều bí mật trong đời , Gerald ạ.” tôi tuyên bố .“Hãy kể tôi nghe đi”.
“ Chúng ta hãy lên xe đi dạo,” anh nói “ ở đây đông người quá. Không , đừng đón cái xe ngựa màu vàng, màu nào khác cũng được – đó , cái xe màu xanh sẫm cũng được.” và chỉ vài phút sau chúng tôi đã ngồi trên xe chạy nước kiệu trên đại lộ về hướng Madeleine.
“ Mình đi đâu bây giờ?” tôi hỏi.
“ Ồ, nơi nào anh thích! ” anh trả lời , “ Tới nhà hàng ở Bois đi, chúng ta sẽ ăn tối ở đó, và anh sẽ kể tôi nghe mọi chuyện của anh”.
“ Tôi muốn nghe anh kể trước .” tôi nói “Hãy kể tôi nghe điều bí mật của anh .”
Anh rút từ trong túi ra một chiếc hộp nhỏ bọc da dê thuộc có khóa bạc và đưa cho tôi . Tôi mở ra . Bên trong là hình của một phụ nữ. Cô ấy cao và mảnh khảnh , đẹp lạ lùng với cặp mắt to mơ màng và mái tóc buông lơi. Trông cô ấy giống như một người có khả năng biết trước tương lai. Trên người cô khoác những loại lông thú đắt tiền nhất.
“Anh nghĩ sao về gương mặt đó?” anh hỏi, “ Có đáng tin được không?”
Tôi nhìn kỹ bức hình. Đây có vẻ là gương mặt đang che giấu một sự bí mật, nhưng tôi không thể nói bí mật đó là tốt hay xấu. Vẻ đẹp đó được hình thành từ nhiều điều bí mật . Khoa tâm lý sẽ nói vẻ đẹp ấy không phải là giả tạo và nụ cười mơ hồ chỉ phớt nhẹ qua môi ấy quá phức tạp nên không thể coi là ngọt ngào thật sự được.
“Nào,” anh nóng nảy kêu lên .“ Anh sẽ nói gì? ”
“ Cô ấy là nàng Gioconda mặc áo lông chồn hắc điêu.” Tôi trả lời .“ Hãy kể tôi nghe mọi chuyện của cô ấy. ”
“ Lát nữa đã,” anh nói “ sau khi ăn tối” và bắt đầu nói về những chuyện khác.
Khi bồi bàn mang cà phê và thuốc lá đến , tôi nhắc Gerald lời hứa của anh. Anh đứng dậy, bước tới lui trong phòng hai ba lần rồi buông người xuống một chiếc ghế bành và kể tôi nghe câu chuyện sau:
“ Một buổi chiều,” anh nói , “ tôi đang đi dạo theo đường Bond vào khoảng năm giờ. Có rất đông xe ngựa đang chen chúc nhau và giao thông gần như tắc nghẽn. Sát bên vỉa hè là một chiếc xe độc mã màu vàng không hiểu vì sao lại làm tôi chú ý. Khi tôi đi ngang qua, ở cửa sổ xe hiện ra gương mặt tôi đưa anh xem lúc chiều , nàng đang nhìn ra ngoài. Gương mặt ấy đã mê hoặc tôi ngay lập tức. Suốt đêm đó tôi nghĩ đến nàng và cả ngày hôm sau nữa. Tôi đi lang thang lên xuống khu phố đó, liếc nhìn vào từng chiếc xe và mong đợi chiếc xe độc mã màu vàng; nhưng tôi không thể nào tìm được ma belle inconnue ( 2 ), và cuối cùng tôi bắt đầu nghĩ nàng chỉ là một giấc mơ. Khoảng một tuần sau tôi đến ăn tối với bà de Rastail. Bữa tối được ấn định vào tám giờ, nhưng lúc bảy giờ rưỡi chúng tôi đã có mặt trong phòng khách. Cuối cùng người hầu mở cửa và thông báo tên phu nhân Alroy. Đó chính là người phụ nữ tôi đang tìm kiếm. Nàng bước vào rất chậm, trông giống như một tia sáng trăng viền đăng ten xám và tôi vui mừng khôn xiết khi được yêu cầu đưa nàng đến bàn ăn. Sau khi ngồi xuống tôi vô tư nhận xét: “Tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy bà ở đường Bord cách đây ít lâu, thưa phu nhân Alroy.” Nàng tái mặt đi và khẽ nói với tôi: “ Xin ông đừng nói to như thế, người ta có thể nghe ông nói đấy.” Tôi cảm thấy khốn khổ vì đã mở đầu một cách tồi tệ và vội lao vào đề tài về kịch nghệ Pháp. Nàng nói rất ít, luôn luôn bằng giọng nói trầm trầm giàu nhạc điệu và hình như nàng sợ ai đó đang lắng nghe. Tôi đã yêu cầu nàng một cách say đắm , ngốc nghếch và bầu không khí bí mật không thể giải thích được bao quanh nàng càng kích thích sự tò mò dữ dội của tôi. Khi nàng đi khỏi ( nàng rời khỏi ngay sau bữa ăn ) , tôi hỏi nàng tôi có được phép đến thăm nàng không. Nàng do dự một chút , liếc nhìn quanh xem có ai đứng gần chúng tôi không rồi nói: “Vâng, ngày mai lúc năm giờ kém mười lăm.” Tôi nài nỉ bà de Rastail kể tôi nghe về nàng nhưng cũng chỉ biết nàng là một góa phụ có một căn nhà đẹp ở đường Park và vì bà ta hăng hái bắt đầu một bài bình luận về những góa phụ như để minh họa cho những cuộc hôn nhân dang dở, tôi kiếu từ về nhà.
Ngày hôm sau tôi đến đường Park thật đúng giờ, nhưng một người quản gia bảo tôi phu nhân Alroy vừa đi vắng. Tôi buồn rầu và rất hoang mang đi đến câu lạc bộ, sau khi đắn đo một lúc lâu, tôi viết cho nàng một lá thư xin một cơ hội vào một buổi chiều khác. Nàng không trả lời trong nhiều ngày, nhưng cuối cùng tôi nhận được một lá thư ngắn viết nàng sẽ ở nhà vào lúc bốn giờ ngày chủ nhật và có thêm một dòng tái bút lạ lùng: “Xin ông đừng viết thư cho tôi ở địa chỉ này nữa, tôi sẽ giải thích khi gặp ông.” Vào ngày chủ nhật nàng tiếp tôi vô cùng duyên dáng, nhưng khi tôi từ giã nàng nài nỉ tôi nếu có lúc nào viết thư cho nàng hãy gửi thư đến “ Bà Knox , phụ trách thư viện Whittaker, đường Green”. “ Có những lý do” nàng nói ,“ khiến tôi không thể nhận thư tại nhà của chính mình.”. Suốt mùa đó tôi gặp nàng nhiều lần và không khí bí mật luôn bao quanh nàng. Đôi khi tôi nghĩ nàng đang bị một người đàn ông nào đó khống chế, nhưng nành có vẻ khó gần đến mức tôi không thể tin được điều đó. Tôi thật khó lòng rút ra một kết luận vì nàng giống như một trong những khối pha lê lạ lùng người ta thấy trong viện bảo tàng, có lúc trong suốt, có lúc mờ mịt như bị mây mù che phủ. Cuối cùng tôi quyết định cầu hôn nàng; tôi đã mệt và chán sự bí mật không dứt nàng áp đặt lên tất cả những lần tôi đến thăm nàng và những lá thư tôi gửi cho nàng. Tôi gửi thư đến thư viện xin được gặp nàng vào thứ hai sau đó lúc 6 giờ. Nàng đồng ý và tôi vui sướng như bay bổng trên mây. Tôi yêu nàng say đắm bất chấp sự bí mật của nàng , đã có lúc tôi nghĩ tôi yêu nàng vì sự bí mật đó. Không, thật ra tôi yêu bản thân nàng. Sự bí mật đó đã làm phiền tôi , khiến tôi muốn phát điên . Tại sao số phận lại dẫn đường cho tôi chứ ?”
“ Anh đã khám phá được bí mật ấy?” tôi kêu lên .
“ Đúng vậy”, anh trả lời “Anh có thể tự xét đoán lấy.”
“ Đến ngày thứ hai, tôi đến dùng cơm trưa với chú tôi và khoảng bốn giờ thấy mình đang đi trên đường Marylebone. Như anh biết, chú tôi sống ở khu công viên Regent . Tôi muốn đến đường Piccadilly và đi đường tắt băng ngang qua nhiều con đường nhỏ nghèo nàn. Đột nhiên tôi thấy phu nhân Alroy ở phía trước, mặt che mạng rất dày và đang đi rất nhanh. Đến căn nhà ở cuối con đường , nàng bước lên mấy bậc cấp, rút ra một chiếc chìa khóa và mở cửa bước vào. “ Đây là sự bí mật của nàng.” Tôi tự bảo mình và vội vã đến xem xét căn nhà. Nó có vẻ là một căn nhà cho thuê . Trên bậc cửa là chiếc khăn tay nàng đánh rơi. Tôi nhặt lên bỏ vào túi. Rồi tôi bắt đầu nghĩ xem nên làm gì. Tôi kết luận rằng tôi không có quyền do thám nàng và tôi trở lại câu lạc bộ. Lúc sáu giờ tôi đến thăm nàng. Nàng đang nằm trên ghế sô pha , mặc một chiếc áo dài bằng vải mỏng mịn, cài móc với vài viên đá mặt trăng, loại đá nàng luôn luôn đeo. Trông nàng thật đáng yêu.“Tôi rất mừng được gặp ông.” nàng nói, “ Cả ngày hôm nay tôi không ra khỏi nhà.” Tôi kinh ngạc nhìn nàng chằm chằm và rút chiếc khăn ra trao cho nàng.” Bà đã làm rơi nó ở đường Camnor chiều nay, thưa phu nhân Alroy.” tôi bình tĩnh nói . Nàng nhìn tôi kinh hoàng nhưng không cầm chiếc khăn. “ Bà làm gì ở đó?” tôi hỏi. “Ông lấy quyền gì tra hỏi tôi?” “ Quyền của một người yêu bà.” tôi trả lời. “Tôi đến để xin bà hãy nhận lời làm vợ tôi.” Nàng úp mặt vào hai bàn tay và khóc nức nơ . “ Bà phải nói cho tôi biết.” tôi nói tiếp. Nàng đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói:” Thưa ngài ( 1 ) Murchison, tôi không có gì để nói với ngài.” “ Bà đến đó để gặp một người.” tôi kêu lên “ Đó là sự bí mật của bà.” Nàng tái mặt đi đến mức trắng bệch và nói: “Tôi không đến đó gặp ai cả.” “Bà không nói thật được sao?” tôi hét lên. “Tôi đã nói rồi.” Nàng trả lời . Tôi nổi điên lên, điên thật sự; tôi không còn biết mình nói gì, nhưng tôi đã nói những điều khủng khiếp với nàng. Cuối cùng tôi lao ra khỏi nhà. Ngày hôm sau nàng gửi cho tôi một lá thư, tôi để nguyên không mở ra gởi trả lại cho nàng và tôi đi Norway với Alan Colville. Một tháng sau tôi trở về và điều đầu tiên tôi nhìn thấy trên tờ báo buổi sáng là tin phu nhân Alroy chết. Nàng bị cảm lạnh khi đi xem Opera và chết năm ngày sau vì sung huyết phổi. Tôi đóng cửa tự nhốt mình không gặp ai nữa. Tôi đã yêu nàng vô cùng, tôi yêu nàng đến điên cuồng, trời ơi , tôi đã yêu nàng biết bao!”.
“ Anh đã đến con đường đó và vào căn nhà đó?” tôi hỏi.
“ Phải” anh trả lời.
“ Một ngày kia tôi đến đường Cumnor, tôi không thể chịu đựng sự nghi ngờ dằn vặt tôi được nữa. Tôi gõ cửa và một phụ nữ vẻ mặt đáng kính ra mở cửa. Tôi hỏi bà ấy có phòng nào cho thuê không. “ Ồ, thưa ông,” bà ấy trả lời,“ mấy căn phòng khách đã có người thuê, nhưng tôi không gặp tiểu thư ấy đã ba tháng và vì tôi chủ yếu sống bằng tiền cho thuê mấy căn phòng đó, ông có thể thuê chúng.” Có phải vị tiểu thư này không?” tôi đưa tấm hình cho bà ấy. “Đúng là cô ấy rồi, chắc chắn đấy.” Bà ấy kêu lên “ Khi nào cô ấy trở lại, thưa ông?” “ Cô ấy đã chết.” tôi trả lời . “ Ồ thưa ông, tôi mong là không phải như vậy!” bà ấy nói . “Cô ấy là người thuê nhà tốt nhất của tôi. Cô ấy trả tôi ba guinea ( 3 ) mỗi tuần chỉ để thỉnh thoảng ngồi trong phòng khách của tôi.” “ Cô ấy gặp một người nào đó ở đây?” tôi nói, nhưng bà ấy đoan chắc với tôi là không hề có chuyện đó, là cô ấy luôn luôn đến một mình và không gặp ai cả.” “ Vậy cô ấy làm chuyện quái quỷ gì ở đây?” tôi kêu lên “ Cô ấy chỉ ngồi trong phòng khách, đọc sách và đôi khi dùng trà.” người phụ nữ trả lời . Tôi không biết nói gì nữa nên đưa cho bà ấy một đồng sovereign ( 4 ) và bỏ đi. Nào, anh nghĩ xem tất cả những chuyện này có ý nghĩa gì? Anh có tin người phụ nữ đó nói thật không?”.
“ Có.”
“ Vậy thì tại sao phu nhân Alroy lại đến đó?”
“ Gerald thân mến,” tôi trả lời .” phu nhân Alroy chỉ là một phụ nữ mắc bệnh nghiện sự bí mật. Cô ấy thuê những căn phòng đó để có được niềm vui đi đến đó với mạng che mặt và tưởng tượng mình là nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết. Cô ấy say mê sự bí mật, nhưng bản thân cô ấy chỉ là một con Sphinx( 5 ) không có bí mật gì trong lòng.”
“ Anh thật sự nghĩ vậy à?”
“ Tôi chắc chắn như vậy.” tôi trả lời.
Anh lấy chiếc hộp bọc da dê ra, mở hộp và nhìn tấm hình. Cuối cùng anh nói :“ Có lẽ nào? ”
---------------------
_ 1 : lord : ngài , tướng công ( tiếng để xưng hô với người quý tộc , người có chức tước lớn )
_ 2 : ma belle inconnue : người đẹp không quen biết
_ 3 : guinea : đồng ghi nê ( tiền vàng của nước Anh xưa , trị giá 21 shilling )
_ 4 : sovereign : đồng xôvơren ( tiền vàng của Anh trước đây , giá trị một pao )
_ 5 : Sphinx : tượng sư tử đầu người đàn bà ở Ai Cập , thường tượng trưng cho sự bí mật .
1 / Oscar Fingal O Flahertie Wills Wilde ( 16 / 10 / 1854 – 30 / 12 / 1900 ) là một nhà văn viết truyện ngắn , nhà thơ , và nhà soạn kịch Anglo-Irish ( kết hợp giữa Anh và Ai-len ) Ông là một trong những nhà soạn kịch thành công nhất vào cuối thời đại Victorian ở London , và một trong những người nổi tiếng nhất vào thời của ông vì tính hóm hỉnh thông minh và ngang ngạnh . Ông đã phải chịu đựng một sự suy sụp bi thảm và bị bắt giam sau khi bị kết án trong một phiên tòa nổi tiếng về “ sự trái với khuôn phép hiển nhiên” vì đồng tính luyến ái .
Sau khi được thả năm 1897 , ông sống ở Berneval , gần Dieppe . Ông viết "The Ballad of Reading Gaol" , bày tỏ sự quan tâm của ông về điều kiện thiếu nhân đạo trong nhà tù . Ông chết vì viêm màng não ngày 30/11/1900 , nghèo khổ , trong một khách sạn rẻ tiền ở Paris lúc 46 tuổi .
________________________________________________________________________
2 / Oscar Wilde sinh ở Dublin , Ai len , ngày 16 / 10 / 1854 . Ông đã học ở trường Đại học Trinity , Ai len và Đại học Magdalen , Oxford và được xem là một sinh viên xuất sắc . Năm 1878 bài thơ Ravenna của ông được giải thưởng Newdigate . Ngay sau khi rời trường Đại học quyển thơ đầu tiên của ông được xuất bản . Ông đến London sống năm 1879 .
Ông cưới Constance Lloyd , con gái một luật sư Dublin giàu có năm 1884 và họ có 2 con trai . Wilde viết truyện thần tiên cho các con của ông , sau này được xuất bản với tựa đề “Vị hoàng tử hạnh phúc và các truyên thần tiên khác .”
Sau khi kết hôn 11 năm , Wilde bỏ vợ và bắt đầu một quan hệ đồng tính luyến ái với Alfred Douglas . Tháng 5 / 1891 , Wilde bị truy tố va bắt giam theo luật Chống Tội Phạm . Ông phải lao động 2 năm ở tòa đại hình London . Thật đáng buồn là mẹ ông chết trong khi ông đang ở trong tù .
Năm 1817 sau khi được thả , Wilde đến sống ở Pháp . Một năm sau ông viết The Ballad of Reading Gaol , một bài thơ lấy cảm hứng từ những kinh nghiệm khi còn ở trong tù . Thời gian ở tù đã huỷ hoại nặng nề sức khỏe của ông và ông chết ngày 30/11/1900 ở Paris , 3 năm sau khi ra khỏi tù . Ông được chôn ở nghĩa trang Pere Lachaise ở Paris , trong một ngôi mộ do Epstein thiết kế .



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 765

Return to top