Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nhà Văn Nhớn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 314 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nhà Văn Nhớn
Phan Ngọc Danh

Tuần trước trong buổi hội thảo “Trí thức & Quê hương” ở Quận Cam, tôi tình cờ gặp lại thằng bạn cũ, lão Tâm. Tay bắt mặt mừng, ồn ào như vỡ chợ, cuối cùng nó nằng nặc đòi tôi phải ghé nhà chơi bởi lâu quá chúng tôi không có dịp gặp nhau. “Tao dạo này bận lắm, không có thì giờ nhiều, mày thông cảm...” Tôi tìm cách thoái thác. “Không, mày phải đến, gần đây thôi, ngồi chơi năm mười phút cũng được.” Nó năn nỉ.

*****
Quả vậy, tôi bận thật. Từ ngày bắt đầu luyện giọng bằng cái máy Karaoke mấy năm về trước, rồi đi “show” từ nhà này sang nhà khác, tôi bận rộn không thể tả được. Lắm lúc chẳng có thì giờ để chia xẻ công việc nhà với vợ con. Tôi bị “đặt cọc” trước cả mấy tuần liền. Dạo đó nhà nào cũng sắm máy Karaoke bởi nó là cái mốt, một cái gì đó chứng tỏ phong cách trong gia đình. Vào phòng khách thấy dàn máy Karaoke cũng như hồi xưa thấy cái đàn piano, hay cái vợt tennis treo trên tường, hay cái xách samsonite trong tay. Phải chức sắc, cỡ tướng tá mới có được. Cơm nước xong, có khách thì mời khách, còn không thì vợ chồng con cái xúm nhau vào, nhìn màn ảnh rồi hát theo. Tiếng rằng hát, nhưng thật ra là đánh vần. Có đứa đánh vần chậm, la toáng lên, "Mẹ, ngừng lại, đợi con..." Thế là ông bố chen vào, "Chậm lại, đợi nó kẻo nó lại khóc... tội nghiệp!" Nhưng nói nào ngay, cũng nhờ cái máy đó mà biết bao nhiêu đứa trẻ biết đọc tiếng Việt. Một công hai chuyện, vừa vui vừa có dịp gia đình quây quần.
Tôi cũng vậy. Mới đầu tôi hát trong nhà, rồi đến hát ở nhà người bạn. Người bạn thấy tôi hát được mà lại thích hát, thế là anh ta giới thiệu tôi đến nhà người bạn của anh ta. Từ bạn, rồi bạn của bạn, đến bạn của bạn của bạn... Rốt cuộc tôi đi hát cùng khắp. Vì là một trong những kẻ tiền phong của phong trào Karaoke nên tôi vô tình trở thành “giáo sư luyện giọng” cho những người mới tập hát, "giáo sư đánh vần tiếng Việt" cho bọn choai choai. Khi đã chín mùi, tôi tự gọi là đi “trình diễn” chứ không phải đi hát, gọi thế bình dân quá. Hội hè đình đám nào cũng thế, chủ nhà quyết phải mời tôi cho kì được. Thế là trong buổi tiệc tùng của gia chủ, tôi mở máy, cầm micro, nhìn theo màn ảnh rồi trình diễn. Họ khen tôi hát xuất sắc, nhưng vì phải nhìn màn ảnh mới hát được nên tôi không để ý là từ khai vị cho đến tráng miệng, họ có nghe nhạc hay không, hay là cứ lai rai món này qua món nọ. Rồi trong một dịp trình diễn nào đó có vài người yêu cầu, khuyến khích tôi “ra đĩa.” Bởi lẽ, theo như họ nói, tôi có giọng hát khá “chất lượng,” cần được thâu âm để truyền bá rộng rãi.
Thấy tôi lý luận, năn nỉ mãi, vợ tôi chịu chi ra cả nghìn đồng để tôi đi thu băng. Mười bài. Tụi phòng thu khá tốt, lại kiên nhẫn nữa. Chúng mất với tôi gần cả tuần mới lấy của tôi được vài trăm bạc. Thêm bớt, sửa này sửa nọ, in bìa, chọn ảnh... cuối cùng tôi cũng có được một tác phẩm để đời. Vác về nhà một thùng bự với 500 CD trong đó, tôi khoe bà xã, “Đấy, em thấy không? Anh cũng là ca sĩ, chẳng qua mình không chịu ‘tiếp thị’ nên không ai biết đến đấy thôi!” Thấy bà ta không tỏ vẻ mừng rỡ gì, tôi tiếp, “Phải chi hồi xưa em để cho anh đi hát... tại em cứ sợ anh nổi tiếng rồi lăng nhăng này nọ... bây giờ... gần sáu mươi...”
Sau đó tôi tìm người để “biếu.” Bất cứ giây phút nào tôi cũng tự hỏi người này, người nọ đã nhận được CD của tôi chưa! Ở xa tôi gởi bưu điện, ở gần tôi lái xe, chẵng ngại phiền hà. Thân sơ, xa gần gì cũng được, miễn là có tên và địa chỉ là được rồi. Dạo đó trong mọi câu chuyện với bất cứ ai, tôi đều khôn khéo chuyển đề tài để nói về nhạc sĩ này, ca sĩ kia, để rồi cuối cùng đành phải “khiêm nhượng” biếu cho người ta một CD. Trong khi người ta còn ngần ngại không biết nên nhận hay không, tôi chỉ thẹn thùng chứ không mỉm cười tự mãn là đã bắt được một “con nhạn.” Tôi có thói quen đi đâu cũng không quên đem theo trong người vài đĩa. Lãng tai cũng biếu, điếc tai không sao, biếu luôn, không nghe được thì xem hình hoặc giữ làm kỷ niệm. Rộng rãi thế mà cũng không vơi được bao nhiêu.Về sau tôi để luôn cả cái thùng CD trong xe cho khỏi phải mất công tìm kiếm cây viết để ghi tên, địa chỉ của người mới quen. Thằng tây hàng xóm cũng được biếu một đĩa để “thưởng thức” văn hóa Việt Nam. Phân phát mạnh tay đến thế mà cả mấy tháng sau tôi vẫn không tống khứ hết được bao nhiêu. Thấy cái thùng nằm lù lù trong xe mà không cách nào giúp nó vơi đi, tôi khổ tâm lắm. Sẵn dịp có thằng mất dạy lái xe ẩu cắt ngang trước mặt, tôi dơ ngón tay lên chửi nó vài câu rồi tiện tay cầm một đĩa ném mạnh về hướng của nó cho bõ ghét. Làm đến thế mà cái thùng CD hầu như vẫn còn đầy ngập.
Tối hôm đó, trằn trọc mãi không sao ngủ được. Thao thức đến gần sáng, tôi lẳng lặng mở cửa xe, vác cái thùng CD dấu lên trên trần nhà trong garage. Sau đó tôi ngủ ngon giấc.
Một thời gian sau, chán ngấy Karaoke, tôi tập tành viết truyện. Ồ, nói cho ngay, thật ra tôi vẫn còn thích hát hò, đi “show.” Nhưng vì bấy giờ phong trào đó đã trở nên quá thông thường. Ai cũng mua máy, cũng hát được, mà lại hát hay mới chết tôi chứ! Cùng với máy móc quá tối tân, bọn trẻ sau này hát cứ y như ca sĩ thứ thiệt. Kỹ thuật thu băng cũng phát triển không kém. Bọn thu âm sửa giọng tài tình như bác sĩ sửa mũi, cắt mắt. Riết rồi giọng ai cũng Sĩ Phú, Thái Thanh cả. Chịu chi tiền thì ai cũng có thể có một cái CD 10 bài, hát đúng giọng ông này bà kia, chứ không phải chua hay dở hơi như thường ngày. Cũng bởi vậy nghề ca sĩ của tôi mai một. Sau bữa trình diễn cuối cùng, tôi tuyên bố giã từ làng ca nhạc, thề không đi hát Karaoke nữa. Bà chủ nhà mủi lòng, mời tôi đĩa kem flan gọi là chia buồn cho một ca sĩ tuy chưa có tên nhưng sớm có tuổi. Ra tới xe, thấy bụng cồn cào tôi mới ân hận, ham hát quên cả ăn.
Đã hơn nửa thế kỷ nay, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy viết truyện dễ dàng chứ không như hồi học tiểu học, trung học. Nhớ thuở ấy, bảo tả con trâu là tôi cuống cuồng lên, chẳng biết tả cái gì trước. Cái sừng trước hay cái đuôi trước? Nhưng bây giờ, già quá rồi, tôi mới thấy cứ viết tưới sượi ra là xong. Mới đầu tôi viết như viết nhật kí, nghĩ sao viết vậy. Dần dần tôi méo mó, lắt léo tí đỉnh, tìm câu kết cho trớ trêu hoặc để thả lỏng nửa chừng, chẳng đâu ra đâu cả, thế là coi như tôi đã có một “tác phẩm,” sâu sắc nhưng khó hiểu. Lắm lúc chính tôi cũng không hiểu nổi, phải nhờ vợ tôi giải thích. Sẵn có thư điện toán (email) tôi gởi cho những người quen biết. Họ không yêu cầu tôi cũng cứ gởi; họ phản đối thì tôi bảo tại cái ngón tay táy máy bấm lộn, xin lỗi rồi thôi. Trong số người nhận, có người khen, có người chê. Người nào chê, tôi không gởi nữa. Về sau, ai cũng khen tôi viết hay, chẳng còn thấy ai chê. Có người gọi tôi là “nhà văn nhớn,” hay “ưu tú,” nhưng tôi thích được gọi là “nghệ sĩ nhân dân,” nghe kêu hơn nhiều.
Thế là sau hai năm ròng tôi cũng viết được mươi bài truyện ngắn. Máu ham nổi tiếng của tôi bùng lên, tôi năn nỉ bà xã cho ít tiền xuất bản. Nghe nói đâu in năm trăm cuốn chỉ trả có hơn ba nghìn.
“Ba nghìn! Lạy Chúa tôi, ông có biết ba nghìn là bao nhiêu không?” Vợ tôi trợn tròn con mắt, há hốc mồm rồi hỏi lại tôi.
“Thôi mà bà, tôi già rồi, có một tác phẩm để biếu bạn bè, số còn dư để lại cho con cháu, sau này chúng nó biết cái tài nghệ của tổ tiên, ông bà...” Tôi dịu giọng, trấn an.
“Rồi ông tính vất đi đâu cho hết năm trăm cuốn sách đó? Bà con bạn bè chỉ có một nhúm... chả lẽ tống hết vào thùng rác ‘recycle bin’ à?” Bà ấy ngừng nói để bớt giận, rồi lấy hơi, “Thế cái thùng CD hồi trước ông ném đi đâu? Cũng cả bạc nghìn, tôi còn nhớ, chứ ít gì cho cam! Hát thì như gà cồ bị thọc huyết, văn viết thì toàn ba cái chuyện rởm đời. Cốt chuyện thì... rắc rối, bố cục thì... lỏng lẻo, hỏi ngã loạn cào cào, mà bạ ai có thư điện toán cũng gởi, không biết sợ làm phiền người ta. Vậy chứ lỡ có ai chê là than người ta không trí thức, chẳng biết gì về văn chương, chữ nghĩa. Còn họa hoằn có người khen thì về nhà hí ha hí hửng, đòi đi ăn ngoài ăn trong. Đúng là thơ mình vợ người mà không biết! Lấy ông đã mấy mươi năm tôi rõ quá mà. Giá mà ông tài giỏi như chồng người ta... thì con mụ già này đâu phải vất vả như...”
“Thôi mà bà...” Chịu không nổi nhiếc móc, tôi cắt ngang lời bà ấy. “Bụt chùa nhà không thiêng, chúng nó mỗi lần gặp tôi vẫn nói đi nói lại là tôi... có tài. Họ nói riết khiến tôi phải tin là họ nói đúng. Họ còn khuyên tôi in ra rồi bán ở các đại lý chứ đừng biếu không, uổng lắm. Khi đã biếu rồi thì không in lại để bán được. Họ nói, tiền nhuận bút huê hồng mình ăn dài dài. Có khi đến đời con đời cháu mình còn được hưởng nữa là đằng khác...”
“Thôi, ông dẹp cái trò văn nghệ văn gừng của ông đi cho tôi nhờ, chỉ có tốn tiền. Người ta cười cho vào mũi mà cứ tưởng mình tài hoa, văn chương chữ nghĩa đầy bụng. Gì thì gì, chứ một cắc tôi cũng không có...” Nói là làm, vợ tôi nhất định không cho tôi in sách.
“Thôi bà ạ, tôi ra sách, bà cũng được nở mặt nở mày với chị em, chúng bạn. Người ta khen bà có chồng văn hay chữ tốt thì bà cũng được hãnh diện vậy. Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bà không nghe người ta vẫn nói như vậy ư? Vả lại, bà bỏ tiền để tôi in sách chứ có phải để rượu chè bài bạc gì đâu! Hơn nữa, sau này công thành danh toại thì thế nào chẳng... kiệu chàng đi trước, võng nàng...”
“Thôi, thôi, ông dẹp cái trò dụ dỗ con nít ăn cứt gà đó đi... đã nói là không có tiền... Biết bao nhiêu chuyện phải chi tiêu, ông có biết không?”
*****
Sau khi bước vào nhà, lão Tâm mời tôi ngồi chơi trong phòng khách. Lão xin lỗi để ra sau nhà pha nước hay sửa soạn bánh trái gì đó. Trong khi chờ đợi tôi tò mò bước tới xem dàn máy hát khá “xịn” của lão. Một chồng đĩa CD được sắp xếp theo thứ tự trên ngăn tủ và được phân loại rõ ràng. Trong ô CD có tựa đề “Đĩa dư, không dùng” tôi chợt thấy một hình ảnh gì quen quen. Nửa tò mò nửa nghi ngờ tôi thò tay kéo cái CD. Trời ơi! cái đĩa CD mà tôi đã biếu lão cách đây mấy năm. Giấy dầu bọc vẫn còn nguyên si, chưa bóc. Thì ra lão chẳng hề nghe tôi hát ra sao, hoặc tò mò xem trong nắp đĩa có viết những gì! Hóa ra cái tiểu sử của đời tôi, quê quán, năm sinh... mà tôi đã viết rất chi tiết trong phần giới thiệu ca sĩ... nào lão có đọc!
Nghe tiếng sột soạt sau lưng tôi vội đẩy cái CD vào chỗ cũ rồi quay lại đón ly nước lão Tâm mời. Ngồi nói chuyện bâng quơ với lão nhưng tôi không dấu được nỗi bất bình khi thấy tác phẩm của mình bị người bạn thân bỏ bê, coi như đồ phế thải. Tuy nói chuyện nhưng trong đầu tôi nhiều ý tưởng chua xót lờn vờn, nhảy nhót. Tại sao lão, nếu không nghe thì quẳng nó vào thùng rác, chứ để trong đám “Đĩa dư, không dùng” thì khác gì chưởi cha tôi quá! Tốn cả bạc nghìn để in ra chứ phải ít đâu! Hoặc giả nếu có người khác nhìn thấy thì họ sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Sắp tôi vào hạng ca sĩ đẳng cấp gì? Karaoke hay sao? Quá bất mãn với thái độ của lão, tôi ậm ừ vài câu cho qua chuyện rồi đứng dậy cáo từ. Lão cố níu kéo thế nào tôi cũng một mực than thở quá bận, không ở lại được lâu. Vì nhà xa, tôi xin phép được dùng cái toa lét trước khi ra xe.
Vừa ngồi xuống cái bàn toa lét tôi đã chú ý một chồng sách cũ nằm bừa bãi dưới đất. Ơ kìa! Cuốn sách gì như thể cuốn truyện ngắn của tôi! Ừ đúng rồi, tôi nhớ là có biếu lão một cuốn. Nhưng tại sao cuốn sách của tôi lại nằm đây? Chẳng lẽ lão đọc truyện của tôi trong khi “tọa thiền” mỗi sáng hay sao? Nhưng thôi, tôi nghĩ, vậy cũng được, mỗi người mỗi ý, mỗi thói quen, không nên trách người ta. Dẫu sao lão Tâm cũng có đọc truyện của mình, tôi nghĩ vậy nên thấy an ủi phần nào. Như một phản ứng tự nhiên tôi cầm nó lên, mở ra để xem lướt lại tác phẩm xương máu, để đời của mình. Nhưng trời ơi! Bìa thì toàn là số điện thoại, gạch ngang gạch dọc lung tung, mà bên trong... ai xé rách nát thế này? Người ta xé toạc bừa bãi mấy tờ giấy trông giống như các bà bán cá bán tôm ngoài chợ xé giấy để bọc hàng, chùi dao. Thôi, khiếp quá, tôi không dám nghĩ là ở đây họ chùi cái gì!
Quá bực mình, tôi đứng dậy ra chào lão Tâm rồi mở cửa bước ra sân. Tới ngoài sân, bắt tay lão, tôi sực nhớ là không biết mình đã giật nước hay chưa!
“Lái xe cẩn thận nghen, ông nhà văn nhớn!”
 
Tháng 10, năm 2004
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 952

Return to top