Vài ba thế kỷ trước, chắc Hà Nội không nhiều màu xanh cây lá như bây giờ, chứng cứ là khu phố cổ nằm gọn trong quận Hoàn Kiếm bây giờ, mới cách đây khoảng 50 năm không có một bóng cây xanh, từ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bè, Cầu Gỗ, Hàng Mắm, Hàng Bạc, chợ Đồng Xuân v.v....
Chỉ có một cây đa ở phố Hàng Bông gọi là cây đa Cửa Quyền và số nhà 85 Hàng Gai có một cây đa nữa.
Những bóng xanh của dâu da xoan Hàng Bè, Cầu Gỗ, những sấu của Hàng Bạc, những xà cừ của chợ đồng Xuân.... là mới trồng được vài ba chục năm nay mà thôi.
Khi thành phố Hà Nội được quy hoạch thì mới có những con phố thẳng tắp ra đời như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trần Phú v.v... mà cây xanh có tuổi trăm năm đang là những hàng cây tuyệt đẹp của Hà Nội.
Còn di tích là Hà Nội rất nhiều đình chùa, đền miếu. Theo phong tục truyền thống, mỗi danh lam và thắng cảnh bao giờ cũng phải có bóng cây, là cây đa, cây gạo, cây muỗm... những loài cây thường xanh, trường tồn, bất chấp gió mưa bão bùng.... vì thế mà Văn Miếu đang rợp bóng cây, mà Quán Thánh có hàng muỗm um tùm dăm trăm năm tuổi và hai cây hoa đại trong sân bái đường Văn Miếu do thân phụ của nhà thơ Nguyễn Du trồng khi trùng tu và xây dựng cụm di tích Hồ Gươm với Đài Nghiên Tháp Bút, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba... (tiếc thay cây đã cỗi, bị đổ vào tháng 6-1998 và đựơc trồng bằng cây mới thay thế mang từ Hà Tây về ngày 7-9-1998). Có một cây sung già bên Hồ Gươm cũng mới chết, vào ngày 7-11-2001 vừa đây làm bao người tiếc nhớ.
Hà Nội từng có những loài cây đẹp đi vào văn học nghệ thuật như hoa sữa thơm ngát vào những đêm cuối thu, cứ mơ hồ lãng đãng trong sương mỏng trên đường phố Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo.... có loài cây tên hơi xấu nhưng lại mộng mơ, đó là cây cơm nguội, lá vàng mùa thu, đến mùa xuân đầy nõn lộc tưng bừng làm ta mát rượi con mắt, tấm lòng. Phố Lý Thường Kiệt, phố Hàm Long, trước cửa UBND Thành phố.... (thực ra tên của cây cơm nguội là cây Sếu- đừng nhầm với cấu Sấu).
Phố Trần Hưng Đạo, phố Trần Phú và nhiều phố khác, có hai bờ cây xanh tuyệt đẹp, lá mướt, tán tròn, bốn mùa rười rượi. Đó là những cây sấu, cây già chen vai cây trẻ... đứng như những tiêu binh, những nhân chứng về thời gian của Hà Nội.
Nếu mùa xuân hoa Sữa nở tưng bừng, trắng muốt như tuyết, như bông nõn, như mây hoa nhài bên cạnh Nhà Hát Lớn, phố Phan Chu Trinh, đường Hoàng Hoa Thám, trong Bách Thảo, thì cuối xuân hoa gạo lại đỏ hồng như đuốc ở ven Hồ Gươm (một cây) ở Viện bảo tàng lịch sử, trong Văn Miếu và sang tháng 4, 5 cây vông bên Hồ Gươm cũng xoè những bó đuốc khổng lồ làm chói lọi màu nắng mới của Thăng Long...
Phố Lò Đúc còn gần năm chục cây Sao đen, cao vút, cành thưa, đứng như những lực sĩ trăm năm nay không đổi thay tư thế. Từng có những đàn cò hàng vạn con chiều chiều từ các đầm hồ lân cận về trú ngụ, bay lên trắng xoá mây trời trên phố ấy. Tiếc sao lâu nay, cò đi biệt không về, chỉ còn bầu trời cao vợi bốn mùa nơi phố từng có lò đúc tiền một thời xa ấy.
Trên phố Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn và rải rác đôi nơi còn thưa thớt trên 40 cây me ăn quả mà một thời Hà Nội có rất nhiều cây me, cây sấu như thế nên mới có thành ngữ chỉ những đứa trẻ bơ vơ cù bơ cù bất là dân "trèo me, trèo sấu". Lá me lăn tăn nhỏ hơn lá muồng vàng, còn nhỏ hơn nữa so với lá phượng vĩ (chính xác phải gọi là xoan tây). Loại me này khác những cây me keo trong những làng quê trồng làm hàng rào, càng khác lá cây me có gai cho lá để đánh giấm nước rau muống luộc vào cữ chưa có sấu, chưa có thanh trà, chưa có chanh cốm.
Ven Hồ Gươm là nơi tập trung nhiều liệu nhất. Có lẽ đây là thế hệ liễu thứ ba hoặc thứ tư gì đó, vì liễu trước cách mạng đã hy sinh khi toàn quốc kháng chiến. Lớp thứ hai bị cơn bão khoảng năm 60 bẻ trơ trụi, gần đây mới được trồng lại, và có khoảng trên 40 gốc liễu, nhiều nhất là quãng đất trông sang hàng Khay, nơi từng có quán hoa hình vòng cung theo hình đất lượn của Bờ Hồ chỗ đó.
Xà cừ là cây mọc nhanh, chóng lớn có lẽ vì thế mà rất nhiều đường phố đang có những cây xà cừ (còn gọi là lim trắng) lực lưỡng, thân to vài người ôm, lá um tùm, năm nào cũng phải tỉa bớt cho nhẹ mà chống bão. Chính loại cây này có rễ ăn ngang và nông, nên nó cũng bị đổ nhiều nhất mỗi khi có bão đổ về Hà Nội.
Hà Nội có mấy cây đề lịch sử đáng ghi nhớ.
Chùa Một Cột tức chùa Diên Hựu có một cây đề do tổng thống nước cộng hoà Ấn Độ tặng Hồ Chủ tịch, tách từ cây đề tổ nơi Phật Thích Ca đắc đạo, đem trồng nơi đây và đã thành cổ thụ. Một cây đề nữa cũng từ cây đề tổ, đích thân Hồ Chủ tịch mang từ Ấn Độ về trồng tại sân chùa Trấn Quốc, Hồ Tây, ngôi chùa có từ thời Tiền Lý, cổ nhất Việt Nam. Ngoài ra, chỗ đài phun nước Bờ Hồ, nơi có tên chính thức là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi từng được gọi là Bãi Giáo, vì quân Pháp chặt đầu người Việt Nam rồi bêu đầu ngay nơi đó để cho dân chúng phải khiếp sợ. Cũng có nhiều cây đề dải dác như phố Trần Nhân Tông còn gọi là phố Nhà thương mắt, có một rặng đúng mười cây đề, hoặc vườn Chi Lăng, sân Văn Miếu, đường Điện Biên.... những cây đề chí ít cũng hàng trăm tuổi, lá hình tim, cuống nhỏ, hễ gió thoảng nhẹ cũng reo lên như ca hát.
Cây đa Bác Hồ trồng nơi công viên Thống Nhất, nay gọi là công viên Lê Nin dã xum xuê, chia năm chia bảy chạc thấp, trẻ bé có thể đùa chơi quanh gốc, trèo lên chạc ba mà không sợ ngã.
Đường Hùng Vương, hàng chò đã vươn cao, chỉ tiếc nó không hợp với thuỷ thổ Hà Nội nên chậm lớn dù đã được chăm sóc khá chu đáo. Cùng với nó là hàng hoa ban tím, cây cũng đã ra hoa nhưng không vườn rộng. Có người gọi đó là cây móng bò, có hai thuỳ lá, nếu gấp lại nó chỉ trồng khít lên nhau.
Đường Thanh Niên cũ là đường Cổ Ngư đi giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, cũng có một rặng ban tím ấy. Hà Nội thơ mộng và trữ tình, Hà Nội tràn bóng xanh cây cối thì đường Thanh Niên là con tàu xanh không bao giờ đắm, con tàu từng là kỷ niệm của rất nhiều đôi trai gái Hà Nội, có lẽ từ thủa họ còn trai tráng, thiếu nữ này đến lớp con họ, cháu họ, chắt họ đi lại trên con đường xanh ấy của Hà Nội thiết tha.
Có một đường phố gần như cây đa là chủ yếu. Những cây đa này là đa búp, nhưng không hiểu sao, hơn 40 cây ấy cứ cằn cỗi, vươn mình mà không cao lên được, không như cây đa trong nhà khách Chính Phủ phố Ngô Quyền, cây đa trước cổng Quán Thánh, cây đa nhà Bò, cây đa vườn Găng Đi, cây đa thò bàn tay bừng lá xanh xuống mặt Hồ Gươm mà đùa chơi....
Phố hơn 40 cây đa này chính là phố Điện Biên, từng có tên là phố Cột Cờ, có lẽ gần với nơi ông tổng đốc Hoàng Diệu xưa sống chết với Hà Nội, đã tự treo cổ trên một cành đa gần đâu đó khi Hà Nội thất thủ về tay quân Pháp. Phải chăng hồn những cây đa này còn vương vấn nỗi cảm thương nên nó chia sẻ nỗi buồn với thời gian, nó không muốn lớn hơn nữa.
Hà Nội là thành phố cây xanh, dù rằng nếu so với nhiều thành phố của một số nước khác thì còn kém xa (có nơi có đến 40 m2 cây xanh trên mỗi đầu người, còn Hà Nội chỉ có 2m và gần đây, phong trào trồng cây tết mùa xuân mới có con số khoảng từ 4 đến 5m2 mỗi đầu người. Thế cũng đã là quý. Có thành phố, thị trấn trên nước ta, trời nắng chang chang như đổ lửa, mới thấy cây xanh quý giá như thế nào. Hà Nội có những đường phố, ngay cả tháng sáu ta đi cũng không cần đội mũ, càng thấy giá trị của những chiếc ô, chiếc dù biết sống, biết sinh trưởng này...
Thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó, Hà Nội và nhất là bờ Hồ Gươm không còn một bóng cây nào, chắc sẽ có nhiều người phát điên lên mất. Ta sẽ thở bằng gì? Ta sẽ sống như thế nào trong không khí sặc sụa khói xe, khói nhà máy, bụi bặm, tiếng ồn...?
Năm mươi năm trước, dân số nước ta mới trên hai chục triệu vì những lời hiệu triệu thời ấy thường nói: "Hỡi hai nhăm triệu đồng bào..". Nay đã gần tám chục triệu, gấp ba lần. Vấn đề giữ gìn bảo vệ môi trường đã phải được đặt ra một cách cấp bánh. Hà Nội, may thay, ngoài cây xanh là một yếu tố quý giá thì nhiều việc khác cũng đã được chú ý để thành phố luôn "Xanh-Sạch-Đẹp.." trước hết, đó là cây xanh quý giá đi đâu, đến phố nào chúng ta cũng được gặp màu xanh, được màu xanh che chở mến thương...
Trăm năm nữa, chưa biết Hà Nội sẽ ra sao, số dân là 5 triệu hay 10 triệu? Còn bây giờ, nội thành mới hơn một triệu, cây xanh đã là muôn phần quý giá, việc tu tạo giữ gìn hàng ngày là điều cần thiết, bởi nó cũng là thiết thực với mỗi người hàng giây hàng phút hàng giờ....