Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Hai Nhà Nghề

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 680 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hai Nhà Nghề
Nguyên Hồng

Ðã lâu tôi không làm cái nghề nhào lộn ấy nữa để kiếm cơm ăn. Nhưng, một đôi khi, nghe tiếng thanh la inh-ỏi, hay tiếng phèng phèng khua ran, hay những điệu kèn đu-đủ rè rè, tôi lại thấy lòng náo nức. Một cái gì mềm yếu trong thâm tâm tôi bị rung động lúc bấy giờ, và một cái gì chua xót làm tê dại linh hồn tôi. Lập tức, tôi phải đi xa chỗ tụi trẻ làm trò kia, hoặc cho chúng một vài hào để chúng đi nơi khác biểu diễn tài nghệ.
Thưa các bạn, những bạn đã từng nếm qua các vị ngọt bùi, cay đắng của một nghề tự do trong sạch nào, chắc các bạn phải từng có những phút giờ bùi ngùi như tôi, sau khi các bạn bỏ nghề ấy, bỏ hẳn nghề ấy.
Một kỷ niệm cũ dù êm đềm, sáng suốt, hay thảm khốc, tối tăm, bao giờ cũng xúc động lòng ta hơn là những sự lo âu, mừng rỡ của tương lai dẫn đến. Nhất là những kỷ niệm ấy lại thuộc về thời kỳ thơ ấu của ta, cái thời kỳ rất yêu dấu, rất nên thơ, vì chan chứa cảm tình.
Một ngày xuân đã qua, lâu lắm rồi, một ngày xuân sáng và ấm, nghề nhào lộn đã khắc sâu vào tâm khảm tôi những dấu vết không thể mờ nhạt được.
***
Dạo ấy, bọn trẻ con cặn bã đặt cho tôi cái tên kép: Nhân-đen vì tôi, hết năm này sang năm khác, lang thang trong nắng, mưa và gió bụi, có một nước da bóng nhẫy, mùi gỗ lim cũ đóng bàn học trong những nhà trường. Chúng lại còn gọi tôi là Nhân-đu-đủ, vì tôi kiếm tiền của thiên hạ rất dễ dãi bằng những bài kèn "la-mát", "mạc-xây-e", "ma-đơ-lông" vân vân, thổi với ba ống đu-đủ.
Trước kia, đi theo tôi có một thằng bé kém tôi hai tuổi. Nó không biết thổi kèn, không biết ca những bài cải lương mà bây giờ người ta cho là chướng tai vô cùng, nhưng nhào lộn giỏi. Tôi gặp nó ở chợ nhà quê, vùng Hà-Ðông dắt thuê cho một ông già mù. Thấy nó kháu khỉnh, mắt sáng, miệng cười luôn, tóc hung hung xoăn xoăn như tóc tây, lại tinh lanh, chỉ xem tôi nhào lộn vài lần mà đã bắt chước uốn cầu vòng đi bằng tay được, tôi liền dỗ nó bỏ ông cụ ăn mày.
Cùng tôi lang thang nay đây mai đó được hơn một năm, tới khi biết làm nhiều trò, thì nó bỏ tôi, đi kiếm tiền một mình. Tại dạo ấy tôi ốm yếu luôn, không thể nhào lộn nhiều được và ca hát, thổi kèn hay như trước. Mấy ngày đầu, tôi buồn rầu và nhớ nó chẳng khác gì một người anh có đứa em gái nhỏ chết ở dọc đường khi cùng nhau đi tha phương cầu thực.
Nó bỏ ông già, vì sống với ông, khổ sở, bệ rạc quá. Nhưng làm bạn tôi, được tôi quý mến, có cái gì cũng chia sẻ cho, mà nó đánh "rơi" ngay tôi khi tôi cùng quẫn, hỏi sự bội bạc ấy còn gì khốn nạn hơn? ấy là tôi không nghĩ đến công phu luyện tập cho nó thành một nhà nghề khéo, giỏi.
Tuy bị một phen lừa lọc, tôi vẫn cố gắng tìm kiếm một đứa bé kháu khỉnh, khôn ngoan như nó, để truyền cho các cách múa lộn rồi cùng đi kiếm tiền. Nhưng gần hai năm, tôi chẳng chọn được đứa nào hết.
Cuối năm thứ ba, tôi càng ốm yếu hơn... rồi sang xuân năm thứ tư, tôi bắt đầu đi sâu vào một quãng đời thiếu thốn, khổ sở vô cùng.
Tiếng hát của tôi đã khàn khàn! Tiếng kèn không vang to và ngân dài như trước. Ði bàn tay chỉ được bốn, năm thước. Nhiều lúc, trên dây thép, tôi phải bỏ dở trò vì thấy đầu bốc nóng, ù tai, quáng mắt.
Nghề làm xiếc của tôi đến thời kỳ cùng mạt rồi!
*
* *
Tôi bỏ Hải Dương về Hải Phòng chính lúc người đời đương vui mừng đón chào xuân mới. Bởi cái tỉnh nhỏ với vài dãy phố vắng vẻ kia, đến một thành phố không sầm uất lắm nhưng cũng đông dân cư, tôi hy vọng sẽ kiếm được một món tiền kha khá, đủ cho tôi chuộc lại ít quần áo gán nợ cho hàng cơm và cắt vài chén thuốc.
Xe lửa qua khỏi cầu Phú Lương lại bắt đầu chạy rất nhanh, lắm lúc đến quãng đường vòng tưởng như sắp chồm ra ngoài đường sắt. Bấy giờ ánh nắng vàng tươi đã láng khắp bầu trời không gợn một vệt mây đen và khắp vùng quê lặng lẽ trong một thứ hơi gì mong manh ướt lạnh.
Tới khi mặt trời lên cao, phải che tay nghiêng mắt mới nhìn được, và gió lồng lộng tung cát bụi lầm, tôi thấy đâu đâu cũng như có những mầu sắc gì rực rỡ và những tiếng gì trong sáng.
Từ cánh đồng mạ bao la nổi sóng xanh rờn, từ những mắt nước thỉnh thoảng rùng lên như tấm nhung nõn nà căng trùng, từ những chòm cây phấp phới, lấp loáng, đến những đàn chim yên lặng xoãi cánh bay về những lũy tre bơ phờ, hết thảy đều như nó rỡn vì vui mừng, vì sung sướng.
Lòng khấp khởi của tôi phút chốc bừng bột; tâm trí tôi trở nên tươi sáng, những cái gì mới mẻ, ấm áp lan rộng trong linh hồn tôi, tôi không còn nghĩ đến hơn một tuần lễ vừa qua, nằm liệt trong một quán trọ bẩn thỉu, không được ai săn sóc, trái lại, còn bị hắt hủi, xua đuổi.
Ngày đầu xuân bao giờ cũng xóa bỏ hết những sự buồn bã, chán nản đến ám ảnh người ta, làm cho người ta lây sự vui sướng của vạn vật và ham thích sống. Nhìn cảnh vật rực rỡ dưới ánh nắng một giờ một chói lọi, tôi cảm thấy có thể gặp những ngày đầy đủ như năm nào, hay hơn cũng có. Không phải vì nhờ cái nghề làm xiếc và ca hát này, mà vì một sự may mắn gì bỗng đến.
Xuống ga Hải Phòng, tôi đeo túi vải đi lên Ngã Sáu, rẽ qua Ngõ Cấm. Thấy không có mấy đám bạc và trẻ con tụ họp chơi đùa, tôi lên phố Ðầu Cầu. Phố này gần bót, nên rất ít xóc đĩa và súc-sắc. Tôi phải đi lên phố Khách. Ðến đây tôi đứng lại, vì chỗ tôi định diễn trò ấy có ba đám xóc-đĩa, người lớn, trẻ em chen chúc nhau, vòng trong vòng ngoài.
Ðặt cái túi vải xuống thềm gạch tháo miếng vải vàng để lợp mui xe ra, quẳng nốt chiếc mũ dạ tàng rúm ró ra giữa vòng, đoạn rút chiếc kèn bằng ba ống đu đủ, tôi phồng má lên, thổi một hơi kèn.
Cũng như lần trước, trăm nghìn lần trước, điệu kèn nhà binh ca khúc khải hoàn kia đã kéo đến chung quanh tôi một số đông người.
Tôi hởi dạ, ngẩng mặt lên trời cao và sáng, lấy hơi thổi nốt đoạn cuối.
Sao hôm nay tiếng kèn vang to thế? Tại tôi khoan khoái, nức lòng chăng? Hay bởi trong người tôi nhẹ nhõm vì luôn mấy ngày nghỉ ngơi và ăn rất ít? Khi đó, nếu dư tiền tiêu xài, tôi quyết hiến không cho đám người đông nghịt quây tròn lấy tôi tất cả những bài kèn và những trò nhào lộn điêu luyện của tôi, để hưởng cái khoan khoái thấy nhiều kẻ thưởng thức tài nghệ của mình.
Tiếng kèn ngừng, dưới ánh mặt trời nóng ấm, tôi từ từ đưa ngang tay gạt mồ hôi trán. Một giọt rớt xuống mắt tôi, xót quá! Tôi phải dụi hồi lâu bằng chiếc khăn bông giắt ở cạp quần thâm cộc có nẹp trắng. Cơn sốt lai nhai làm cho tôi nhọc mệt và rét run không được, đến giờ là hết!
Tôi trải miếng vải vàng ra giữa thềm gạch, mặc chiếc maillot đỏ dòng dọc xanh, và lấy ở túi vải ra những dây thép, những cọc tre, và hai quả bóng quần. Bắt đầu tự lúc này tôi được người ta chú ý đến một cách sốt sắng.
Vây chung quanh tôi có tới hơn trăm người. Nhiều nhất là trẻ con hí hởn trong những bộ quần áo mới, đến các phu phen ế việc, những thằng nhỏ, con sen, và vài tốp đàn bà nhà quê.
Tôi đã đi ngược bằng tay ba, bốn bận. Muốn cho người xem sướng mắt hơn, tôi đổi sang trò uốn cầu vòng, uốn con tôm, uốn cong người để cắn đồng xu cắm xuống đất và nhặt mùi soa. Càng phấn khởi tôi càng không thấy mệt nhọc. Tôi trổ hết tài nhào lộn trên mặt đất.
Bao nhiêu tiếng vỗ tay, tiếng reo hò cất lên không ngớt. Trong lúc ấy, người lớn và trẻ con tưởng chừng như đã lạc vào được một rạp xiếc nào. Họ không ngờ tôi, một đứa trẻ đi làm trò một mình, lại tài giỏi đến thế, làm họ khoái trá đến thế. Trời! Sự khoái trá vui thích tăng thêm sự tươi tốt của ngày đầu xuân êm đềm trở lại trong đời họ.
Nhưng... tôi bắt đầu thở bằng tai sau trò tung cầu trên dây thép. Sau ba phút biểu diễn trò ấy, nhảy xuống đất, tôi nhao hẳn người đi, và khi ngẩng đầu lên, mắt tôi tia ra những đốm sáng, trong tai tôi như có muỗi nhỏ sa vào.
Tôi phải đứng lặng một hồi lâu, và, chợt tôi nhận ra một cái gì, một sự phung phí vì kiêu ngạo nếu không phải vì dại dột.
ánh nắng đã trở nên gay gắt. Mồ hôi trán tôi càng vã ra. Tôi rút khăn lau qua mặt nóng bừng, đoạn vươn vai thở hắt mạnh ra một cái. Tức thì, bao nhiêu sự nhọc mệt mất hết, xác thịt và tâm trí tôi lại nhẹ nhõm phẳng lặng như thường.
Ðời sống cấm ngặt tôi không được một giây nào chán nản và ủy mị, phải luôn luôn hoạt động, hớn hở hơn là ánh nắng tưng bừng nô rỡn với muôn loài.
Không ngờ rằng tôi sắp sửa xin tiền, bọn phu xe và vài người quần chúng áo dài thúc giục:
- Hay quá! Làm nữa đi.
- Làm nữa đi, kìa người xem càng kéo đến đông kìa!
- Thế nào chả được nhiều tiền.
Có kẻ giọng quả quyết:
- ít nhất là hàng hào.
Tôi mỉm cười, trật chiếc mũ nồi đội lệch trên đầu ra, thong thả đi lại chỗ người nói sau cùng, lễ phép thưa:
- Vâng, tôi xin làm nữa, nhưng xin ngài và các ngài hẵng thưởng cho ít nhiều.
Những nét mặt tươi tỉnh của hắn ta phút chốc đổi thành những nét cau có. Hắn lắc đầu một cái, ngoảnh mặt đi, lùi bước. Giá là kẻ làm trò khác đã kèo nhèo xin, nhưng tôi đây có chút ít học vấn, biết tự trọng và khinh bỉ kẻ không biết tự trọng, tôi chỉ nhìn hắn bằng đuôi con mắt rồi chìa mũ đi xin người khác.
Tiếng vỗ đùi đèn đẹt làm tôi chán ngán. Tôi phải đến xin người thứ ba. Tuy ăn vận bảnh bao nhưng chàng nào cũng túi không. Ðến người thứ tư, thứ năm, thứ sáu... thứ mười rồi thứ mười mấy chả rõ, cũng túi không.
Rồi những phu phen và đám đàn bà nhà quê lảng dần. Còn lại mấy chục đứa bé... suýt soát... tuổi tôi giương những con mắt thao láo nhìn.
Ngay bấy giờ những tiếng nhạc đồng xoang xoảng từ đầu phố vẳng tới. Tôi kiễng chân lên trông: một thằng bé để tóc hớt kiểu móng lừa, quần vải áo xanh thô, chân dận hài sảo, vừa đi vừa tung đôi dao sáng loáng vừa lắc một chuỗi nhạc đồng. Kêu gọi người xem, anh nhà nghề này dùng những hát lố lăng, giọng lè nhè:
- Sế cô pa lý sềnh ế ề ê... Sề cồ pà lỷ sềnh ể ề ề... ể ề ề...
Lũ trẻ con bỏ ngay tôi, chạy lại xúm xít quanh thằng bé. Tốp đàn bà nhà quê và phu phen cũng kéo đến liền. Phút chốc trên thềm hè trơ khấc mỗi mình tôi, mà đằng đầu phố đông nghịt những người.
Thằng bé múa dao hởi dạ, tung thêm một con dao nữa, và ráng sức ném nhanh hơn, vừa lắc mạnh cho nhạc càng vang to. Giọng hát lố lăng của nó như cố dướn cao lên:
- ế ề ê... ế ề ê ... sế cô pa lý sềnh ế ề ê... sể cổ pà lý sềnh ế ề ề ... ể ề ề...
Hơn lúc nãy bội phần, đám người xem, vẫn đám khán giả cũ của tôi, reo hò ầm ĩ.
Thằng bé múa dao bỗng dừng tay. Nó rút cái khăn bông cũng giắt ở cạp quần ra, lau mồ hôi trán, và tháo bình nước đeo ở sau lưng, tu một hơi dài. Mặt nó đỏ bừng đã dìu dịu. Nó cởi chiếc áo cụt tay ném phắt xuống đất, mặc một chiếc xích sắt vào một đôi dao:
- Các ông các pà tứng lôi ra, tứng lôi ra.
Dứt lời, nó cầm chắc hai con dao có chuôi nối dây xích rồi hắt một con dao khác lên. Con dao này vừa rơi xuống, thằng bé không bắt bằng tay, nó lấy một chuôi dao cầm chắc trong tay hắt bắn chuôi dao kia lên.
Ðồng thời, một lưỡi dao sáng loáng vọt lên theo.
Nguy hiểm hơn, không dùng chuôi dao nữa, nó dùng đoạn xích căng thẳng hất cả hai con dao trước khi và sau khi lộn mũi rơi xuống.
Nó tung thật nhanh, mắt nó sáng ngời lấp lánh như những lưỡi dao ấy, vầng trán bóng rô hẳn ra cũng nhịp theo.
Trò nhào lộn và tung cầu của tôi trên dây thép đã nguy hiểm nhưng đem so sánh với trò múa dao của anh nhà nghề người Tàu này còn thua kém xa.
Nếu không cứng tay, nếu không tinh mắt, nếu chỉ nghĩ lảng đi một giây, hai mũi dao sắc, nhọn kia sẽ cắm sâu hoặc trên đầu, hoặc giữa mặt.
Những tia máu sẽ vọt lên! Những tia máu mà tài múa dao đã cho nó!
Tiếng nhạc rung càng ròn rã, tiếng hát lố lăng càng kêu gọi thêm được một số đông người thua bạc đến xem. Hai lưỡi dao tung lên, rơi xuống nhanh quá đỗi, chỉ còn là những làn chớp loáng.
Thằng bé này quả là một nhà nghề đặc sắc, một con cưng của sông hồ. Tôi quên hẳn mình đương cần phải kiếm tiền nuôi miệng bữa chiều nay và những bữa ngày mai, tôi thẫn thờ trông anh bạn trôi dạt ấy trổ hết tài năng.
Chuỗi nhạc đồng rung lên một hồi thật dài rồi ngừng tiếng. Phập, bốn lưỡi dao chập cả lại vào lòng bàn tay phải. Thằng bé múa dao quỳ một gối xuống đất, cúi đầu chào tất cả người xem.
Cánh tay phải nó chuỗi thẳng ra, bốn mũi dao ấy đỡ lấy một giỏ mây xinh xắn. Nó yên lặng chờ những xu hào...
Không thể nói nhanh tới chừng nào, những cảm giác chua cay, đau tủi ran lên khắp tim tôi. Tôi không thể cầm lòng nhìn thằng bé cũng dạn dày vì lang thang kia quỳ lâu thêm một phút nữa, chìa giỏ xin tiền những người xem không tiền và không giàu lòng thương lảng dần dần ra những chỗ khác.
Trời! Hai đứa bé nhà nghề chúng tôi đã phô diễn hết tài năng trong bao giờ để sau cùng đổi lấy những cặp mắt lãnh đạm của mọi người.
Tôi vội chạy lại, đỡ thắng bé múa dao kia dậy; tôi muốn nói với nó một câu gì nhưng cổ họng đã nghẹn ứ mất rồi.
Báo Ngày Nay, 1938



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 297

Return to top