Dưới bóng cây đa
Trọng Đạt
Làng tôi đang sống trong cảnh thanh bình từ bao đời nay, bỗng y như đất bằng nổi sóng, quê hương tôi đang nhiên lại bị dày vò sâu xé vì chiến tranh cách mạng.
Thực dân Pháp đã quàng xiềng xích nô lệ lên đầu lên cổ nhân dân tôi bắt đầu từ năm 1862. Quân Nhật hồi khởi đầu Thế Chiến Thứ Hai ép thực dân phải cho chúng vào đóng quân, chúng tôi lại phải chịu cảnh một cổ hai chòng, chúng bóc lột xương tủy đã gây lên nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Nhật đảo chính Pháp được mấy tháng rồi đầu hàng Đồng Minh. Bọn thực dân ngoan cố theo chân quân Anh đến giải giới quân Nhật để lại tiếp tục đô hộ đất nước tôi. Quân Tầu sang giải giới Nhật nhưng lại cứ ở lì ra không chịu về. Việt Minh cướp chính quyền, họ cho Pháp vào Hà Nội, Hải Phòng để đuổi quân Tầu về nước. Rồi bất đắc dĩ Việt Minh tấn công quân Pháp tại Hà nội ngày 19 tháng 12 năm1946 nhưng yếu thế phải rút về hậu phương trường kỳ kháng chiến. Họ đã rút đi nhưng vẫn lẻn về hoạt động nên làng tôi hay bị bọn thực dân từ Hà Đông về khủng bố bắn giết, tra tấn cướp bóc , tàn phá quê hương tôi.
Cái giai đoạn tranh tối tranh sáng ấy thật là khủng khiếp ghê rợn. Mạng người không bằng con trâu, con bò, con lợn. Bọn sát nhân bắn giết tự do y như những kẻ ngoài vòng pháp luật. Chúng tôi lại chịu cảnh một cổ hai chòng thêm lần nữa: Đêm đêm thỉnh thoảng Việt Minh lẻn về giết người hay bắt người đem đi thủ tiêu biệt tăm biệt tích. Ban ngày bọn thực dân trên tỉnh về khủng bố, bắn giết dã man. Cả Việt Minh lẫn bọn thực dân Pháp cướp nước đều chủ trương bắt lầm, giết lầm còn hơn bỏ sót. Và rồi biết bao nhiêu tang thương, đau khổ lại đổ lên đầu quê hương tôi, cái xã thôn hiền lành ấy.
Hồi ấy mới lên bẩy, lên tám nhưng tôi còn nhớ rõ. Tôi đã được chứng kiến nhiều lần những cảnh khủng bố tàn bạo của bọn thực dân và bọn Việt Gian tay sai khát máu, chúng thường bắt dân làng tụ tập dưới gốc cây đa để xem chúng hành hạ tra tấn những người tình nghi vô tội. Đã hơn nửa thế kỷ qua nhưng tôi không thể nào quên được những tấn thảm kịch ghê hồn ấy, những lần chúng bắt dân làng tụ tập dưới bóng cây đa, nhiều lần lắm . . nhưng tôi chỉ nhớ được vài lần.
Cây đa nằm ngay dưới chân đê, gần đấy là con đường dốc rộng thoai thoải từ trên đê đi xuống, và cách đấy một quãng là đường bậc thang bằng đá đi thẳng xuống một khoảng sân dài lát gạch gọi là chợ Dốc Đình, một chợ nhỏ họp hàng ngày gồm những hàng đậu, rau, bánh đa. . . Bên cạnh đó là trường học, cây bàng trong sân trường mặc dù không được to lớn bằng cây đa nhưng cũng lâu đời lắm. Đầu trường học là một cây nhãn thấp bé và xanh tốt nơi hành nghề của bác phó cạo. Cây đa không biết có tự bao nhiêu đời, nó cao ngất và xum xuê với những chùm rễ chằng chịt đến mười người ôm quanh gốc cũng chưa xuể.
Tôi nhớ một buổi sáng bọn Tây Trắng, Tây Đen, Viêt Gian tay sai về làng khủng bố, chúng bắt cả làng tụ tập dưới bóng cây đa để xem chúng hành hạ tra tấn những những kẻ tình nghi vô tội. Hôm ấy hàng trăm người ngồi đen nghịt quanh gốc cây im thin thít, sợ hãi. Gia đình tôi ngồi ở phía gần dốc đê, tôi thấy một thằng Tây Đen cầm cái gậy to, dài dơ lên thật cao rồi giáng xuống lưng một người đàn ông, tiếng kêu vang dội quanh khắp gốc đa:
. .Độp. . . độp . .độp !
Nó bắt ông ấy cúi rạp người xuống, ông người xóm dưới. Tôi thấy ông cứ yên lặng chịu đau không kêu la tiếng nào. Tiếng gậy đập trên lưng người vẫn vang lên đều đều dưới bóng cây đa y như tiếng chày giặt áo dưới bờ ao:
. .Độp! . độp! . độp!.
Mẹ tôi thì thào nói với chúng tôi:
- Nó đánh chết ông ấy mất!
Một lúc sau tôi lại thấy nó đánh người khác, đánh lâu lắm! Tiếng “độp, độp, độp” vang lên đến tận chân đê, ngoài tiếng gậy đập trên lưng người chỉ có tiếng gió rít vi vút trên các cành cây và tiếng lá rơi xào xạc.
Rồi một lần nữa, bọn Thực Dân khát máu về làng bắt chúng tôi lại tụ tập cùng với hàng trăm dân làng dưới gốc đa. Hôm ấy thấy chúng bắt một số thanh niên vào trong trường học để tra hỏi thẩm vấn, những người nào bị đưa ra gốc nhãn là đã có tên trong sổ đen, cuốn sổ bọn tay sai đang ghi tên những người bất hạnh này. Hồi ấy người ta gọi thằng Phước, thằng Số, thằng Hùng. . là những tên tay sai uống máu người không tanh.
Gia đình tôi lần này ngồi ở phía dốc đá ngay dưới chân đê. Bỗng một tràng liên thanh rít lên ghê rợn xé tan bầu không khí yên lặng:
. .Đoàng . đoàng. . đoàng .! .
Lá cây rụng lả tả.
Tự nhiên chúng bắn một tràng lên ngọn lên cây đa. Mẹ tôi thì thào:
-Tại người ta cứ nói chuyện nhiều quá nên nó ghét nó bắn cho mà sợ!
Một chị bán đậu phụ đi ngang. Mẹ tôi gọi chị ấy mua một bánh đưa cho tôi. Và mẹ tôi bảo:
- Chùi tay vào quần con ạ!
Hôm ấy chúng bắt cả chục người đi theo lên Hà Đông. Sau này thầy tôi kể lại có một ông khổ quá cứ lải nhải xin:
- Các ông làm ơn bắn cho tôi một phát!
Ông ấy cứ lải nhải mãi nó tức nó cho một phát, thế là xong đời. Mỗi lần về làng chúng đều bắt đàn ông thanh niên bỏ vào nhà tù ở Hà Đông, Hà Nội. Mấy ông chú tôi đã bị giam nửa năm hoặc cả năm, có ông sợ không dám ở nhà quê, phải dọn nhà lên Hà Nội.
Một buổi sáng nọ chúng tôi thấy gà kêu quang quác ngoài vườn, chạy ra thì thấy ông lý trưởng cùng mấy anh trai làng đuổi đánh gà nhà tôi. Ông lý bắt gà để đãi bọn Tây Trắng Tây Đen về làng sách nhiễu. Thầy tôi nói mãi ông lý mới trả lại cho một con gà trống đã bị đập chết, ông bảo anh thanh niên bằng giọng nhân nghĩa:
- Thôi cho ông ấy con gà sống!
Hôm ấy chúng về làm sổ sách gì đấy, không thấy đánh đập ai, không nghe nói bắt bớ ai. Ông lý trưởng và ban tổ chức bầy cỗ bàn linh đình cho chúng đánh chén thỏa thuê. Họ lấy bàn ghế trong trường học ra bầy cỗ bàn, Tây Trắng Tây Đen nhồm nhoàm nhai xôi thịt. Dân làng cũng tụ tập quanh gốc đa và tại chợ Dốc Đình nhưng không đông bằng những lần trước.
Thời gian trôi nhanh quá, thấm thoắt đã hai năm qua, từ ngày ông Bảo Đại về làm Quốc Trưởng và thành lập Chính Phủ Quốc Gia do Pháp bảo hộ, an ninh đã được vãn hồi, không còn nạn Tây Trắng Tây Đen về làng càn quét, Viêt Minh cũng rút sâu vào hậu phương trường kỳ kháng chiến, làng tôi lại thanh bình như xưa. Tôi đã đi học trường làng. Hồi ấy ra chơi lâu lắm, cả giờ đồng hồ. Bọn học trò số thì lên vệ đê chơi, số ở trong sân hay bên gốc cây bàng, còn tôi và một đám khác hay ra gốc đa. Chúng tôi chơi ú tim hay bịt mắt bắt dê vui lắm. Trong bọn có thằng cu Tị là nghịch nhất, nó bị thầy giáo đánh như cơm bữa, nó hay leo trèo rễ cây đa y như Tạc Giăng đu bay! Có lần nó chui vào trong hốc cây rồi tái mặt chạy ra thở hổn hển bảo:
- Chúng mày ơi, con rắn! Nó có cái mào y như mào gà sống ấy!
Người ta bảo đó là Ngài đấy, Thần cây đa đấy! Từ đó chúng tôi không dám vào gần hốc cây đầy những bình vôi ấy nữa. Ngọn cây vẫn cao ngất như tự bao giờ, tán xanh của nó tỏa rộng che chở cho những người khách bộ hành, kẻ lỡ độ đường. Nay gốc cây không còn là nơi bọn thực dân tụ tập dân làng để hành hạ khủng bố nữa nhưng là chỗ để bọn trẻ nô đùa, vui chơi, chạy nhẩy. . Dưới gốc trẻ con rong chơi, trên ngọn đủ các loại chim, nào sáo sậu, sáo đá, quạ khoang, chim khách. . .kêu ríu rít bay lượn nhởn nhơ hết cành này sang càng khác dưới bầu trời xanh biếc, chúng cũng làm tổ đầy trên các cành cây mà không sợ ai trèo lên phá. Bóng cây đa cũng là nơi dân làng hay tổ chức hội hè đình đám, nhất là ngày hội rằm tháng giêng nào cờ bạc sóc đĩa, tài sỉu, quán hàng, bánh trái. . Có nhiều khách phương xa tận Hà Đông, Hà Nội cũng về chơi. Có lần trong ngày hội, một cành cây khô to lớn rơi xuống trúng vai con trai ông Vít gẫy xương phải võng đi nhà thương.
Tôi vui chơi dưới gốc đa được mấy năm, học hết lớp ba tôi lên lớp nhì ở trường nhà thờ đạo cuối làng, năm sau lên lớp nhất học ở làng bên mấy tháng. Từ đấy thỉnh thoảng tôi cũng có dịp trở lại gặp gỡ cây đa, người bạn thân yêu. Rồi năm 1954 tôi lại theo thầy mẹ và anh chị em tôi vĩnh viễn giã từ quê cu,õ ra đi không bao giờ trở lại. Tôi vĩnh biệt cây đa từ độ ấy, tôi xa lìa cây đa thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua, nửa thế kỷ thật quá đủ để đem theo biết bao cảnh nương dâu bãi bể:
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Qua những hình ảnh từ quê tôi ở bên kia vòng quả đất đến với tôi, cây bàng trường học vẫn còn, nhưng cây đa năm ấy bây giờ còn đâu! Dưới gốc cây nay chỉ thấy toàn là những mái nhà ngói đỏ san sát như bát úp nhưng cây đa vẫn còn sống mãi trong ký ức tôi, hình ảnh cây đa cao ngất với những cành lá xum xuê trên ngọn và rễ cây chằng chịt dưới gốc sẽ bất vong bất diệt, đời đời sống mãi trong trí nhớ tôi.