Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1525 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực
Khải Nguyên HT

II. MỰC LÀM NHIỆM VỤ GIỮ NHÀ

  Mực được ông nội của Bé, vốn là bộ đội biên phòng cũ, luyện cho mấy ngón nhà nghề của chó tuần tiễu. Chú tỏ ra khá thông minh. Cả nhà quí chú, chẳng ai đánh mắng bao giờ. Mực chỉ bị một cái phiền nhỏ: hàng năm, chú phải tiêm phòng dại hai lần. Kim tiêm đâm vào thì buốt quá đi rồi. Nhưng Bé vỗ về khéo lắm nên cái đau, cái sợ cũng chóng qua.


      Mực vừa làm bạn với Bé, vừa giữ nhà. Cả hai việc đều quan trọng; việc nào Mực cũng làm một cách tự nguyện, chẳng chờ ai ra lệnh cả.


      Không một người lạ nào vào đến ngõ mà qua được cái mũi và đôi tai của Mực. Kìa! Mực đang nằm trên thềm, đầu gác lên hai chân trước, hai mắt khép. Chắc chú đang ngủ. Không phải! Chú vừa ngửng đầu, dỏng tai lên. Chú chạy tót ra sân, kêu lên mấy tiếng dõng dạc: “Gâu! gâu! Đi đâu? Đi đâu?” rồi đứng án ngữ lối vào nhà, sủa cầm chừng chờ chủ ra phân xử. Khi chủ khẽ gọi: “Mực! Mực!” là chú hiểu: “Được! Được! cho vào được”. Chú bèn hơi cúi đầu xuống, vẫy đuôi phất phơ vài cái theo lối xã giao của người nhà chào khách rồi tránh ra cho khách đi vào. Nhưng chú chưa bỏ đi ngay. Chú còn lượn nửa vòng quanh người lạ như để nhận dạng rồi mới yên tâm về chỗ cũ nằm. Chú không có cái lối lèm bèm, tẹp nhẹp của mấy chó nhách bên hàng xóm: có khách lạ vào chưa chi đã cuống cà kê sủa om lên. Nếu người ta có vẻ rụt rè thì xô vào sủa té tát, đinh tai nhức óc; thậm chí chủ đã ra lệnh bảo thôi vẫn cứ làm già, ra cái điều ta đây mẫn cán. Nhưng nếu người ta cứ mạnh dạn đi vào thì lại cụp đuôi, vừa sủa vừa lùi dần, rồi chui tọt vào gầm giường đứng chửi ra càng nhăng nhít loạn xạ. Lại còn giở trò cắn trộm nữa chứ. Rõ là khác xa với phong thái đàng hoàng của Mực. Cố nhiên là Mực chẳng sủa cắn người quen bao giờ, nhưng có phân biệt đối xử. Với người chỉ gọi là quen thôi thì chú đứng hơi xa hít hít mũi đánh hơi, ve vẩy đuôi rồi lảng đi. Nhưng các khách quen hãy coi chừng, chớ quá chân vào những vùng cấm. Trong những trẻ hàng xóm hay chơi với Bé, có một cậu không được lịch sự lắm, thấy Mực ta chẳng có vẻ gì để ý bèn “vui chân” mon men ra gốc ổi cạnh nhà bếp. Nhưng lần nào cu cậu cũng bị giật mình vì tiếng quát: “Gâu! Gâu! Đi đâu?”. Ngoảnh lại, đã thấy Mực kề ngay sau lưng. Cu cậu chỉ còn cách đánh bài lỉnh. Với người quen thân thì chú quẫy đuôi rối rít, rúc mõm vào quần áo khách, cọ mình vào chân khách, rồi lon ton chạy trước dẫn đường tới tận bậc thềm. Mực lại có linh tính đặc biệt. Chú sinh ra và lớn lên khi cha của Bé vẫn ở nơi xa.Mực chẳng được biết dáng người, hơi hướng của ông chủ lớn luôn luôn vắng nhà đó. Vậy mà cái lần ấy, Bé đang chơi trong sân bỗng thấy một chú bộ đội, mũ đeo sao, giày da, một cái ba-lô con cóc to sù sau lưng, từ ngoài ngõ đi thẳng vào. Bé vừa “cháu chào chú ạ” thì Mực đã kêu “hực” một tiếng phóng từ trên thềm nhà xuống. Chú chững lại mấy giây rồi vẫy đuôi, ban đầu còn vẫy một cách dè chừng, sau vẫy cuống lên, chạy phởn quanh người lạ, miệng ư ử khe khẽ có vẻ mừng rỡ. Thì ra người lạ là cha của Bé được về phép. Ông nội nói: “Con Mực nhà ta thì nuôi cho đến già, chết đem chôn tử tế, không bán hoặc cho ai cả .”


      Mực còn được cả nhà quí vì thành tích sau đây: Đận ấy, bố bị thương phải nằm viện nơi xa. Cả nhà muốn đi thăm nhưng vướng chuyện trông nhà. Ông nội quyết định: “Đồ đạc quí thì gửi đi. Giao nhà cho con Mực. Nhờ bà con, láng giềng thỉnh thoảng ngó qua”. Suốt nhiều ngày, Mực một mình canh giữ một cơ ngơi. Đến bữa, chú sang nhà hàng xóm đã được gửi gắm trước. Ăn xong, chú trở về ngay. Ban đêm, chú năng đi tuần còn hơn cả khi có chủ ở nhà. Mọi người tấm tắc: “Hiếm có con chó nào tốt nết như thế!.

<< 1- MỰC TRỞ THÀNH BẠN CỦA BÉ NHƯ THẾ NÀO? |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 384

Return to top