Nụ Cười Dấu Mặt
Thượng Dỹ
Ông Luận dắt xe ra khỏi nhà, chị Hà - con gái ông - còn nói với theo:
- Ba cứ thư thả đã. Con nói được là được mà! Gấp gáp gì hổng biết nữa. Tại ba hay lo vậy chớ, ý con là cứ đợi anh Bình về xem sao...
Ông Luận dừng lại, quay ngoắt nhìn Hà, giọng gay gắt:
- Mà thằng Bình chừng nào về? Bữa nay là hạn chót người ta trả lời mình. Mày nói đợi nó về xem là... xem cái giống gì?
Chị Hà giật mình, đưa tay che miệng rồi giả bộ ho húng hắng. Chị lí nhí giả lả:
- Thì xem là... là có cần thiết để gởi thằng cu Quân nhà mình vào cái lớp có tăng cường tiếng Pháp ấy không, hay là...
Ông Luận chừng như không còn chịu được, giọng quả quyết:
- Nó không vào đó thì vào đâu? Trường gần nhà, lại là trường chuẩn, sáng tao dẫn bộ cháu tao đến đó, chiều đón về như đi tập thể dục vậy. Tiện trăm bề, đơn giản có vậy, gì đâu mà cần thiết với không cần thiết. Vợ chồng bay cứ cái kiểu ăn nói cầm chừng đó hoài. Thôi, ra đóng cổng lại giùm, ở đó mà dang ca. Ba đi à!
Ông Luận với tay khép hờ cánh cửa sắt lại, rồi vẫn cái thao tác cổ điển, ông giậm chân ba bước trước khi nhảy phốc lên yên vị trên lưng con ngựa sắt ông mua ở cửa hàng bách hóa tổng hợp với tờ giấy giới thiệu đóng bốn, năm cái dấu son đỏ chói hồi vợ ông chưa sinh Hà.
Hà đứng nhìn theo bóng cha hồi lâu, bất giác buông tiếng thở dài. Tội nghiệp ông cụ, đã sắp sang cái tuổi cổ lai hi rồi mà vẫn chưa rũ được nợ đời. Hết nợ con giờ lại nợ cháu! Cả một đời đi dạy, đến tuổi được cho nghỉ mà ông hình như vẫn còn thấy chưa thể cho phép mình được “an bần lạc đạo”. Từ chuyện trong nhà đến chuyện ngoài phố. Việc gì đến với ông cũng đều “đặc biệt quan trọng” thành ra ông rất nghiêm túc, rất cực. Có điều càng vất vả lo toan thì lại càng thấy ông như khỏe ra, mà đó chính là điều Hà không mong mỏi gì hơn vì chị rất thương cha.
Mẹ mất từ hồi chị mới lên mười, đối với Hà, ba chị vừa là người cha rất nghiêm, vừa là người mẹ dịu dàng, là người thầy tận tụy, có khi cũng là người bạn tâm đắc, đáng tin cậy nữa. Ông chỉ cái tội là thẳng ruột ngựa và hay cả tin. Chuyện gì ông tin là đúng, là tốt thì ông quyết làm theo tới cùng, làm cho đến nơi đến chốn, không phải bàn tới bàn lui gì hết. Không ít lần chị thấy ông buồn rũ ra như người mất hồn, nói lảm nhảm những điều không ai hiểu là chị biết ngay ba chị đang bị tổn thương vì một chuyện khuất tất gì đó mà sự ngay thẳng, trong sáng trong con người ông ấy không lý giải nổi. Nhưng đó là nhất thời thôi vì chưa bao giờ thấy ông ấy đầu hàng hay buông xuôi trước một trở lực nào.
Hà rất lo và không muốn cha mình phải thường xuyên đụng mặt với những rối rắm cuộc đời. Mà những rối rắm ấy, ác thay ngày càng có những diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng, với những nghịch lý kỳ quặc mà nhiều người cùng thời với ông khó lòng sống chung với nó được. Chính vì vậy mà hồi nãy, suýt nữa chị đã buột miệng nói cho ông biết một sự thật rất phiền toái mà vợ chồng chị cố giấu ông. Thôi, hãy để cho ông yên.
Hôm chị đi Phú Quốc về, anh Bình có to nhỏ với chị: Còn mấy ngày nữa mới khai giảng năm học mới, vậy mà cả tháng nay ở thành phố này chuyện chạy trường, chạy lớp cho con, đặc biệt là đối với các lớp đầu cấp đã trở thành một vấn đề thời sự nóng hổi. Một cơn sốt có khi còn hơn cả chuyện sốt nhà, sốt đất nữa. Bây giờ đi đến đâu cũng nghe người ta hỏi thăm nhau về cái chuyện ấy. Riêng cái trường ở ngay phường này nghe nói chỉ được phép mở năm lớp 1; mỗi lớp nhận 30 em theo qui định, vị chi là 150 em mà đã có gần 500 hồ sơ xin vào học. Ai lại chẳng muốn con em mình được ngồi vào trường chuẩn, trường chất lượng cao. Trên cảng, trên hải quan cũng ùn ùn kéo xuống. Người ta chạy mà mình chỉ đứng nhìn thì chỉ thiệt cho con.
Hà đùa chồng:
- Vậy là mấy cái bài phóng sự của anh về dạy thêm, học thêm tràn lan, về trật tự kỷ cương trong nhà trường đem bỏ xó hết sao?
Bình xởi lởi với vợ:
- Thế em không chạy mà được mới lạ à!
Bình nói hôm dự họp giao ban bên thành phố, anh có nói vui với mấy sếp: “Tình hình kiểu này chắc thằng cu nhà em phải ngồi ké cái lớp tình thương của ông ngoại hắn quá!”. Mấy sếp cười thông cảm, sếp nào sau đó cũng rỉ tai: “Để đằng này nói cho một tiếng, yên tâm nhé!”. Chuyện nhỏ, vậy mà anh phải nhắc đi nhắc lại với vợ nhiều lần: “Cấm cho ông cụ biết nhé, đổ bể ra kỳ lắm nghen”.
* * *
Cô giáo Ngọc bóp trán ra chiều suy nghĩ lung lắm! Chưa bao giờ cô bị đặt trước một tình huống khó xử như lúc này. Chỉ còn có mỗi một chỉ tiêu, đã sàng lọc hết nước rồi mà không biết làm thế nào từ chối năm trường hợp này. Năm trường hợp mà chỉ có mỗi một hồ sơ đã nộp là của cháu ngoại ông Luận. Theo nguyên tắc và các ý kiến chỉ đạo của ngành thì trường hợp này là hợp lệ. Nhưng...
Anh Khoa là cấp trên trực tiếp của cô, là người duyệt danh sách cuối cùng. Chị Mai bên nhà đất là sếp của anh Nam, chồng cô. Ông Tâm tuy nghỉ hưu nhưng lại là cha vợ của anh Chiến trên thành phố. Hay như chị Dung, anh Tín ở Sở X. Thật là trăm thứ rối rắm, biết nhận ai và từ chối ai đây. Toàn là chỗ nhờ vả, ăn chịu thì miệng mồm nào dám nói là không nhận.
Nếu phải làm phương pháp loại dần thì bắt đầu từ ai trước đây. Cô Ngọc đứng bật dậy, rời bàn làm việc, làm vài động tác thư giãn để may ra nghĩ được một giải pháp tối ưu nhất. À! Ông giáo Luận. Phải bắt đầu từ ông giáo Luận. Ông này tuy công trận nhiều nhưng đã nghỉ hưu, lại chẳng có vai vế gì, nói ai thèm nghe. Với lại, hồi sắp có quyết định nghỉ hưu, ông này cứ do dự mãi, đến lúc có ý kiến ở trên mới chẳng đặng đừng mà đề bạt cô thay thế chớ có ơn nghĩa gì.
- Khỏe hả, cô giáo!
Cô giáo Ngọc giật mình. Mải lo cân đong đo đếm mà ông giáo Luận đến lúc nào cô chẳng hay. Cô bối rối nhưng cũng kịp ra vẻ mừng rỡ, đon đả:
- Thầy, thầy tới lâu chưa? Em Hà với cháu bé vẫn khỏe hả thầy?
Cô giáo Ngọc kéo ghế mời ông Luận ngồi. Vừa quay đi lấy cái phích nước, vừa nghĩ bụng: Chết thật! Nước đã tới trôn, làm thế nào bây giờ? Mấy ông bà trên đó cứ làm khổ mình, giờ này mà vẫn chưa thấy mặt mũi hồ sơ của ai hết. Hỏi ra thì cứ trả lời là để bổ sung sau. Chả lẽ con cháu gì đó mà đến tên họ cũng chờ bổ sung. Tam thập lục kế, phải giục hưỡn cầu mưu thôi.
- Thầy à, giờ chót chỉ còn một suất mà có đến mấy cái hồ sơ kia. Ban trung tâm nhà trường đang phân tích, cân nhắc rất căng thẳng bên phòng hội đồng đó. Kẻ tám lạng, người nửa cân. Khó lắm, khó lắm...! À, cháu ngoại thầy tên Võ Trần Minh Quân chớ gì? Dà, dà để em sang xem sao.
Cô giáo Ngọc lẹ làng tránh sang phòng bên, đóng sầm cửa lại. Cô bấm cái điện thoại di động lia lịa:
- A lô! Anh Khoa hả? Rốt cuộc thì đứa cháu nhà anh tên gì vậy? Sao? Võ Trần... Minh Quân à! Được rồi, được rồi, nhất định phải ưu tiên cho anh chớ ai vào đây... Có gì đâu, chào anh nghe!
- A lô! A lô! Sao? Lại Võ Trần... Minh Quân nữa hả?
... Trời ơi, không thể tin nổi! Hóa ra cả năm trường hợp đều là cháu ông giáo Luận. Hay thật! Có khi mình lại vớ bở. Nhận vào chỉ mỗi thằng nhóc con mà có đến mấy chỗ chịu ơn mình. Vừa được tiếng là đối xử với ông giáo có tình, có lý, vừa tạo thêm được sự khắng khít với những mối quan hệ qua lại đủ thứ. Một mũi tên mà bắn trúng đến năm sáu con chim kia, sướng không!
Cô giáo Ngọc trở về phòng hiệu trưởng bằng những bước nhảy của con chim sáo. Lòng cô bỗng nghe rạo rực. Mặt cô hớn hở đến mức cả ông Luận cũng phải ngạc nhiên, giọng ông thoáng run run:
- Sao, sao cô giáo? Thằng cháu tôi...
- Em quyết, em quyết hết! Mà em phân tích cũng thấu tình đạt lý lắm, ai người ta chẳng nghe!
Phải ưu tiên cho thầy là vì thầy đã có nhiều cống hiến cho nhà trường, cho sự nghiệp giáo dục nhé! Thầy là người có công dìu dắt, đào tạo đội ngũ thành nòng cốt nhé! Thầy mãi mãi là tấm gương sáng cho bọn em noi theo nhé! Tóm lại, thầy là số một.Ông giáo Luận bàng hoàng. Trước khi đến đây, ông đâu có ngờ sự việc nó to tát đến thế. Cuối cùng rồi thì thằng cháu ngoại ông cũng được nhận vào. Tình nghĩa vậy thôi, còn gì bằng.
Ông Luận cười, cô Ngọc cũng cười. Nhưng khi ông giáo chưa bước ra khỏi cổng, cô đã vội giấu nụ cười phía sau cánh cửa vì chả lẽ mình tự cười mình.
Còn ông Luận, ông vẫn tâm đắc cùng với nụ cười mãn nguyện của mình: vậy là đạo lý và sự công bằng vẫn còn nguyên đó, ở những môi trường sư phạm lành mạnh này bởi những đồng nghiệp hậu sinh khả úy của ông kia.