Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Ông Thầy Nóng Tính

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 32494 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ông Thầy Nóng Tính
Nguyễn nhật Ánh

Chương 4

Câu nói của nhỏ Diệp cứ theo ám ảnh Quý ròm suốt. Nhỏ Diệp bảo "Anh Tiểu Long học với anh giỏi lắm hai bữa là cùng!". Lúc giận, Quý ròm cho là nhỏ Diệp cố tình nói xui. Nhưng khi bình tĩnh lại, nó cảm thấy nhận xét u ám của em mình không phải là không có cơ sở. Chính Tiểu Long cũng từng nhăn nhó "Học với mày chẳng ăn thua gì! Mày quát tháo ghê quá!". Như vậy, quả nó mắc phải cái tật ưa la lối thật! Nếu nó không bỏ được cái tật tai hại đó, không khéo mọi chuyện hỏng bét chứ chẳng đùa!
Càng nghĩ ngợi Quý ròm càng cảm thấy lo lắng. Nó đã lỡ tuyên bố hách xì xằng với nhỏ Diệp rồi. Nếu chẳng may Tiểu Long bỏ học sau đúng hai bữa, nó sẽ chẳng mặt mũi nào ra oai với đứa em gái tiên tri của mình nữa.
Quý ròm rất lấy làm lạ về mình. Trước nay nó cứ nghĩ nó là một đứa hiền lành tử tế. Ở lớp các thầy cô cũng bảo vậy. Nhưng Tiểu Long và nhỏ Diệp lại cứ nhất định bảo nó là... hung thần, ức thật!
Hay chính mình là "hung thần" mà mình không biết! Quý ròm nhíu mày tư lự. Từ trước đến giờ, Quý ròm đã từng giải hàng ngàn câu đố hóc búa trên khắp các mặt báo nhưng hôm nay, lần đầu tiên nó trầm ngâm đi tìm lời giải cho bài toán về chính mình.
Loay hoay nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Quý ròm dần dần yên tâm trở lại. Nó phát hiện ra dù sao nó vẫn là đứa hiền lành tử tế đúng như nó đinh ninh xưa nay. Chỉ khi nào kèm cho ai đó học thì nó mới đâm ra cáu gắt, quạu quọ. Và sở dĩ như vậy chính là do tính nôn nóng mà ra. Giảng bài cho người khác, nó cứ muốn người ta hiểu ngay tắp lự những điều nó vừa nói. Bởi vì vừa nói xong câu một, nó đã chực chờ nói tiếp câu hai đang nằm phục sẵn nơi cửa miệng, và đằng sau câu hai là câu ba câu bốn câu năm đang nằm xếp lớp, nhong nhóng đòi tuôn ra. Vì vậy, giảng giải xong mà người nghe không hiểu hoặc hiểu chậm là nó cảm thấy bứt rứt khó chịu hệt như có ai đang trói tay trói chân nó lại. Thế là nó gắt ầm lên chứ có quái gì đâu!
Hiểu ra nhược điểm của mình, cặp lông mày Quý ròm từ từ dãn ra. Nhưng rồi chúng bỗng nhíu ngay lại. Ừ nhỉ, biết thì biết thế nhưng sửa chữa đâu có dễ, nhất là phải sửa chữa ngay trước khi Tiểu Long kịp ôm tập lò dò dẫn xác tới!
Quý ròm phấp phỏng lắm. Trong một hai ngày ít ỏi còn lại, nó cố bắt mình tu tâm dưỡng tánh. Nhỏ Diệp nói gì, nó cũng nhịn. Anh Vũ la gì, nó cũng im. Ba mẹ và bà mắng nó, nó nhoẻm miệng cười như một đứa con hiếu thảo sẳn sàng nhận lỗi khiến mọi người cứ trố mắt lên, tưởng có một thằng Quý nào khác đang sống trong nhà mình thay cho thằng Quý ưa làu bàu mọi bữa.
Dẫu vậy, Quý ròm vẫn chưa được yên bụng. Nó cứ sợ chẳng may nó không giữ bình tĩnh nổi mà quát tướng lên. Tiểu Long sẽ "hô biến" ngay tút xuỵt. Mà ai chứ với thằng Tiểu Long, lẩn trốn chính là nghề ruột của nó.
Ðể đề phòng mọi bất trắc, hôm đầu tiêng Tiểu Long ôm tập đến học chung, Quý ròm nghiêm trang giao hẹn:
- Ðã học là phải học đến cùng à nghen!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Học đến cùng là sao?
Quý ròm vung tay:
- Học đến cùng tức là học đến... khi nào chết thôi!
Mặt Tiểu Long méo xệch:
- Học gì dữ vậy?
- Ừ, vậy đó! - Giọng Quý ròm lạnh lùng - Mày đồng ý thì học, không thì thôi!
- Vậy thì tao không học!
Câu trả lời dứt khoát và ngoài dự đoán của Tiểu Long làm Quý ròm chưng hửng:
- Sao lại không học? Bộ mày khùng hả?
- Mày khùng thì có! - Tiểu Long nhăn nhó vặc lại - Tao chỉ đi học đến chừng nào tốt nghiệp ra trường rồi đi làm, sau đó còn lấy vợ sinh con, chứ chẳng lẽ lẽo đẽo theo mày học mãi đến già?
- Trời đất! - Quý ròm phì cười - Ðó là tao chỉ nói ví dụ thôi! Ý tao muốn nói là đã học với tao thì phải học liên tục đến nơi đến chốn, dẫu xảy ra bất cứ chuyện gì cũng không được bỏ ngang xương, hiểu chưa?
Lời giải thích của Quý ròm khiến Tiểu Long an lòng được chút chút. Nhưng cái câu "dẫu xảy ra bất cứ chuyện gì" làm nó không khỏi chột dạ. Nó nhìn Quý ròm bằng ánh mắt cảnh giác:
- Mày bảo "chuyện gì" là chuyện gì?
Bị vặn vẹo thình lình, Quý ròm mỉm cười lấp liếm:
- Cũng chả có chuyện gì đâu! Ðó là tao nói phòng hờ vậy thôi!
Nghe Quý ròm nói vậy, Tiểu Long không tiện hỏi tới hỏi lui nhưng khi ngồi vào bàn nó cứ dáo dác đảo mắt nhìn quanh làm như nền nhà dưới chân nó sắp sửa nứt toác tới nơi vậy.
Mặc kệ thằng bạn của mình láo liên dò xét, Quý ròm mở cuốn sách hình học để sẵn trên bàn ra, gật gù bảo:
- Ngày mai có tiết toán của thầy Hiếu! Vậy hôm nay mình ôn môn hình trước!
Tiểu Long lập tức quên ngay nỗi lo về một tai họa vô hình đang rình rập đâu đó. Nó sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn và loạt soạt mở tập.
Quý ròm hít một hơi dài, trịnh trọng:
- Mình sẽ bắt đầu bài học hôm nay bằng định lý Thales trong tam giác...
Quý ròm chưa nói dứt câu, Tiểu Long đã hoảng hốt cắt ngang:
- Không được, không được! Khoan học bài đó đã!
- Mày có ngồi im đi không! - Quý ròm quắc mắt - Học trò gì mà thầy giáo mới nói nửa câu đã nhảy vô ngồi chồm hổm trong họng rồi!
- Nhưng...
Tiểu Long nhăn nhó định phân trần nhưng khi thấy Quý ròm ra oai ghê quá, nó ngập ngừng không dám nói hết câu.
- Nhưng sao? - Quý ròm nheo mắt hỏi.
Tiểu Long gãi đầu:
- Nhưng trước khi học về định lý Thales, mày ôn giùm tao mấy bài về tứ giác và đa giác đã!
Yêu cầu của Tiểu Long làm Quý ròm không khỏi ngạc nhiên:
- Mấy bài này học từ hồi đầu năm kia mà?
Tiểu Long thu nắm tay quệt mũi:
- Thì tao có bảo là học từ cuối năm đâu! Nhưng mà tao chả hiểu gì cả! Thầy Hiếu giảng, tao cứ ù ù cạc cạc!
Thú nhận của Tiểu Long làm Quý ròm sững sờ. Mặc dù biết Tiểu Long học rất kém môn toán nhưng nó không tưởng nổi thằng bạn to xác của mình lại mất căn bản đến như vậy.
- Mày nói thật đấy hả? - Quý ròm sửng sốt hỏi lại.
- Thằng này lạ! - Tiểu Long chớp mắt - Chứ tao nói dối mày làm gì!
- Thôi được! - Quý ròm tặc lưỡi - Thế hình thang và hình bình hành khác nhau như thế nào, mày có phân biệt được không?
- Cái này thì tao biết!
Mắt Tiểu Long sáng lên. Rồi không đợi Quý ròm giục, nó hí hửng đáp ngay:
- Hình bình hành lúc nào cũng nghiêng nghiêng một bên như người vẹo cột sống còn hình thang thì nằm chẹp bẹp, đầu nhỏ đít to...
- Ối trời ơi! - Tiểu Long nói chưa dứt câu, Quý ròm đã ôm mặt tru tréo - Ðây là môn toán chứ có phải môn tập làm văn tả người đâu mà vẹo cột sống với lại đầu to đít teo!
Tiểu Long đỏ mặt:
- Thì mày bảo tao phân biệt sự khác nhau mà lại!
Quý ròm hừ giọng:
- Chỉ trong những tiết mục tấu hài người ta mới phân biệt như mày thôi! Gặp thầy Hiếu, mày trả lời như vậy chỉ có nước ăn "trứng ngỗng"!
Bị Quý ròm chê tối mày tối mặt, Tiểu Long ngồi ngẩn người ra. Nó chẳng dám mở miệng bào chữa nữa, chỉ im lặng thè lưỡi liếm cặp môi khô khang.
- Xem đây nè! - Quý ròm vừa vẽ hình trên giấy vừa nói - Hình thang là gì? Ðó là một tứ giác có hai cạnh song song! Mày có thấy nó song song không?
Bị hỏi thình lình, Tiểu Long hơi khựng một chút rồi lật đật đáp:
- Thấy! Thấy!
Quý ròm gục gặc đầu:
- Còn hình bình hành thì có tới hai cặp cạnh song song với nhau lận! Dòm vô đây đi! Mày có thấy các cạnh của nó song song với nhau không?
Một lần nữa, Tiểu Long lại lắp bắp:
- Thấy! Thấy!
- Vậy bây giờ mày phân biệt được sự khác nhau giữa hai hình này chưa?
- Chưa.
- Trời ơi là trời! - Sự "chậm tiêu" của Tiểu Long khiến Quý ròm nổi điên - Vậy chứ trên cổ mày là cái gì vậy?
Không hiểu tại sao "ông thầy" lại hỏi một câu lạc đề như vậy như Tiểu Long vẫn thật thà đưa tay lên mò mẫm nơi cổ:
- Ðây là sợi dây chuyền! Mẹ tao bảo đeo dây chuyền bằng bạc sẽ không bị trúng gió!
Quý ròm đỏ mặt tía tai:
- Ai hỏi sợi dây chuyền của mày làm gì! Tao hỏi là hỏi cái đầu mày kìa!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Cái đầu tao sao?
Quý ròm nheo mắt:
- Nó làm bằng chất gì mà sao tao giảng hoài nó vẫn không hiểu?
Mãi tới lúc này, Tiểu Long mới biết nãy giờ Quý ròm đang ra sức giễu cợt mình. Nó đâm cáu:
- Thì nó cũng làm cùng một chất như cái đầu mày thôi!
Ðòn phản kích bất thần của Tiểu Long khiến Quý ròm giật nảy trên ghế:
- Á à, mày dám ăn nói với thầy giáo bằng cái giọng như thế hả?
Tiểu Long xụ mặt:
- Ai bảo mày nói trước!
Thấy tên "học trò" dám cả gan đốp chát lại mình từng câu một, Quý ròm càm bầm gan. Nó nghiến răng trèo trẹo:
- Nhưng tao khác! Tao...
Ðang gân cổ, chợt thoáng thấy nhỏ Diệp thấp thoáng ở cửa phòng, cái đầu đang bốc hỏa của Quý ròm bỗng nhiên nguội ngắt, hệt như xe chữa lửa xịt nguyên một vòi nước lạnh. Giọng nó lập tức mềm hẳn đi:
- Tao... tao... đâu có định nói nặng nói nhẹ gì mày! Thực ra tao chỉ muốn mày học khá lên thôi!
Tự nhiên thấy Quý ròm đổi "tông" ngọt xớt, Tiểu Long chưng hửng. Nó nghệt mặt ra một hồi rồi đưa tay quệt mũi, ngượng ngập nói:
- Thì tao cũng đâu có nói gì mày!
- Thôi, bỏ qua đi! - Quý ròm tỏ ra rộng lượng - Bây giờ mày nghe tao giảng lại nè!
Hai đứa lại châu đầu vô tờ giấy.
Lần này Quý ròm cố ghìm cơn nóng nảy. Nó giảng từ tốn, chậm rãi. Và sau mỗi câu, nó đều dừng lại để cái đầu óc rù rờ của bạn mình đủ thì giờ "nghiên cứu", tiếp thu.
Chính nhờ vậy mà Tiểu Long dần dần nắm được bài học. Thực ra Tiểu Long đâu phải là đứa kém cỏi. Nhưng nó chỉ lanh lẹ về chân tay, còn phản xạ đầu óc thì tương đối chậm chạp. Chậm chạp chứ không phải đần độn. Nghĩa là đối với nó, tiếp thu cái gì cũng phải nhẩn nha từng chút một. Nói từ từ thì nó hiểu. Còn nói ào ào, nó nghe không kịp thì mọi sự đều hóa thành công cốc. Quát tháo, nó càng quýnh, càng quên tuốt tuồn tuột.
Vì vậy, từ lúc Quý ròm nhẫn nại giảng tới giảng lui, thôi còn luôn miệng giục giã, Tiểu Long cảm thấy đầu óc mình sáng ra dần.
Nhưng Quý ròm không phải là đứa có thể đóng vai tử tế được lâu. Nó làm ra vẻ dịu dàng, nhẫn nại được một hồi đã bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy.
Nhất là khi giảng về các định lý đảo, thấy Tiểu Long trả lời quờ quạng, nó cứ cựa quậy liên tục như bị ai trói chặt vào lưng ghế.
- Một tứ giác có hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm của mỗi đường thì đó là hình gì?
Học liên tục một lèo mấy tiếng đồng hồ, lại phải thường trực căng óc ra "tiếp thu" để khỏi bị Quý ròm "xỉ vả". Tiểu Long đã thấy mờ mắt. Trong khi đó "ông thầy" sau một hồi ăn nói khoan thai nhẹ nhàng đã dần dần lộ vẻ sốt ruột cứ hỏi ngược hỏi xuôi hỏi lui hỏi tới khiến nó càng cuống.
- Tứ giác có hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm hả? - Tiểu Long gãi đầu, ấp úng hỏi lại.
- Ừ! - Quý ròm nhìn chằm chằm vào mặt Tiểu Long - Ðó là hình gì?
Tiểu Long liếm môi:
- Hình gì hả? Ðó là... hình thang cân!
Quý ròm đổ quạu:
- Hình thang cân cái đầu mày!
Vừa buột miệng, Quý ròm chợt giật mình quay đầu nhìn quanh. Không thấy bóng dáng nhỏ Diệp đâu, nó yên tâm quay lại gằn giọng:
- Ðó là hình bình hành chứ hình thang cân cái mốc xì gì!
Rồi không để Tiểu Long kịp phản ứng, nó hùng hổ hỏi tiếp:
- Còn tứ giác có một cặp cạnh đối song song và bằng nhau thì đó là hình gì?
Nhìn bộ mặt đỏ gay như tôm luộc của "ông thầy", Tiểu Long hoảng vía. Không kịp nghĩ ngợi, nó bối rối đáp bừa:
- Hình... hình... thang cân!
Nó chắc mẩm vừa rồi là hình bình hành thì bây giờ nhất định là hình thang. Nào ngờ Quý ròm quát tướng:
- Thang cân cái khỉ khô! Cho ma quỷ bắt cái hình thang cân của mày đi! Bộ mày chẳng biết cái hình tứ giác nào ngoài hình thang cân hết hả?
Mặt Quý ròm bừng bừng, hai lỗ tai như xịt khói. Tiểu Long vã mồ hôi, chống chế một cách yếu ớt:
- Thì tại tao nghe mày bảo hai cạnh bằng nhau...
- Hai cạnh bằng nhau thì đã sao! - Quý ròm nóng tiết cắt ngang - Hai cái tai lừa của mày cũng bằng nhau vậy! Chẳng lẽ đó cũng là hình thang cân?
So sánh của Quý ròm làm Tiểu Long xám mặt. Nó mím môi đứng dậy:
- Bữa nay học thế đủ rồi! Tao đi về đây!
Nói xong, nó quơ vội mấy cuốn tập trên bàn, lầm lũi đi ra cửa.
- Này, này...
Quý ròm hoảng hốt gọi với theo.
Nhưng Tiểu Long không đáp, cũng chẳng quay đầu lại. Nó lầm lì đi tuốt.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 234

Return to top