Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chuyện kể ngày mưa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 437 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện kể ngày mưa
Đỗ Thanh Vân

Mưa. Mưa. Mưa. Mưa thế
Cho người ta tìm về với nhau.


1. Bà cụ ngồi bên bậc thềm. Đếm những chiếc lá rơi. Một. Hai. Ba. Bốn. Năm. Sáu. Bảy. Nhạt nhòa. Thằng Út ít của bà đi đâu mất chưa thấy về. Ai lo cho nó ăn. Ai lo cho nó ngủ. Nó ngây ngô thế, gặp ai người ta cũng đánh cũng chửi cho thì sao?

Chẳng ai hiểu được lòng bà. Những đứa con của bà - là anh chị của thằng Út - bọn nó đều đã yên ấm đâu đó trong cái thành phố ồn ã này. Những bà mẹ khác cũng chẳng thể hiểu được lòng người mẹ như bà. Vậy là bà đã kiên trì ngồi đây mà đếm lá. Phải chi đếm đến chiếc thứ một trăm thì thằng con trai bé nhỏ tội nghiệp của bà sẽ biết đường mà về được tới nhà.

Bà giận lắm. Hôm ấy bà mệt quá, bà thấy người nhọc nhừ như vừa ốm dậy, thế là bà nghĩ, mình phải đi khám bệnh xem sao. Nhưng bà không thể để nó ở nhà một mình, lại càng không thể dẫn nó theo. Nhờ hàng xóm cũng không ổn vì phần nhiều họ trông vì nể bà, nhưng họ ghê, họ sợ, nên chẳng chóng thì chầy họ cũng mặc kệ nó ra sân vọc đất cát. Tính mãi, bà gọi điện cho thằng con cả, bảo nó sang trông em. Nó đã hứa như đinh đóng cột rằng nó sẽ sang ngay. Yên tâm, bà quày quả ra đầu ngõ gọi chiếc xe ôm, trong lúc thằng Út còn đang ngủ mê.

Khi về đến nhà thì đã ra như thế này.
Nhà cửa trống tênh, vắng lạnh. Bà gọi điện ngay cho thằng cả.
- Sao con không trông em? Nó đi đâu mất rồi?
- Thế nó không đi với mẹ à? Con sang không thấy ai nên nghĩ mẹ dắt nó theo rồi. Bận quá nên con quay về công ty luôn. Sao thế ạ?
- Sao trăng gì? Mẹ về chẳng thấy nó đâu. Khốn khổ thật.
- Chắc nó đi đâu chốc chốc lại mò về thôi. Mẹ đi khám thế nào? Con đã điện trước sang cho thằng bạn con bên bệnh viện rồi đấy, nó ra đón mẹ chứ?
- Có. Có. Thôi. Mẹ đi tìm thằng Út đây.
- Dạ. Có gì mẹ nhắn con nhé.

Bà cúp máy mà nghe lòng buồn. Sinh ba đứa con. Hai trai một gái. Thằng cả đã lập gia đình yên ổn vợ con chục năm nay. Con gái thứ hai cũng đang mang thai đứa sau. Chỉ duy thằng Út dở ngây dở dại cứ vào vào ra ra làm khổ bà. Hai đứa đầu lúc nào cũng dạ dạ vâng vâng rồi mất biệt không thấy tăm hơi. Bà gọi mãi, đợi mãi, rồi thành quen, tự mình làm lấy mọi thứ, mà theo cách gọi thân mật pha lẫn trách cứ của mấy ông bà hội viên hội người cao tuổi của phường gọi, là bà-già-độc-lập-nhất-xóm!

Bây giờ biết tìm nó ở đâu?
Bà đứng dậy. Ngó ra sân. Lại ngó lên trời. Không chừng sắp mưa tới nơi, mà thằng con bà... Bà dợm dợm một lúc rồi dứt khoát đi ra cổng, thẳng tiến đầu ngõ. Bà gặp cô hàng cơm bình dân.
- Cô có thấy thằng Út đâu không, cô ơi!
- Bà. Con đứng bán từ sáng đến giờ có thấy đâu. Nó lại đi đâu rồi hả bà?
- Ừ. Thế cô bán hàng. Tôi đi đây.
- Vâng. Bà đi.
Cô hàng cơm vừa xới tơi cơm trong cái nồi to đùng, vừa đánh hông, chép miệng nhìn theo.
- Trời mưa bây giờ. Bà lão khổ quá!
Định nói gì nữa nhưng cô lại thôi, vì khách trong hàng chẳng ai hưởng ứng gì. Xì xụp xì xụp ăn uống, xỉa răng.

Bà cụ đi lơ ngơ. Anh ơi. Chị ơi. Cô gì ấy ơi. Ông ơi. Bà ơi. Có thấy thằng con tôi đâu không? Nó khờ dại lắm. Nó chẳng biết đâu là đường về. Có ai biết nó ở đâu không? Con của mẹ. Con ơi.

Bà đi một thôi một hồi. Trời vần vũ chuyển mưa. Gió bụi thốc lên từ mặt đường. Người ta đi như bay. Nội nhìn xuống lòng đường bà đã thấy chóng mặt. Lòng bà cồn cào. Nếu mưa giông có sấm có chớp, thằng Út sẽ ra sao. Nó sợ sấm chớp từ bé. Bà vừa đi, vừa neo vịn vào tường các nhà ven đường. Bà muốn khóc. Nước mắt người già kiệm quá lăn răn nơi khóe mắt. Bà vốn không tin thần Phật. Bà chỉ tin vào cái lẽ ở đời, ai càng sống lâu càng biết nhiều. Mẹ của bà cũng đã từng nói thế: sống cho biết, sống cho biết. Biết từng ấy năm tháng đằng đẵng, niềm vui duy nhất của bà là những đứa con: thằng cả, con hai, bây giờ là thằng Út. Cái niềm vui cuối cũng là cái lo toan theo mãi cho đến khi bà nhắm mắt họa ra mới rời. Vậy mà bây giờ bà đang lầm rầm khấn viện. Chỉ cần được nó về, còn gì thì bà cũng chịu.

Tự dưng bà thấy khó thở. Bà tự xoa xoa ngực. Trái tim mỏi đang kêu gào. Bà cũng muốn kêu gào. Để yên cho bà đi tìm con. Ngoài bà ra nó còn có ai nữa đâu. Ngoài nó ra bà còn trông chờ gì nữa đâu. Gió dữ. Lất phất mưa. Rồi hạt nhỏ hạt to kéo nhau xuống rào rào rào rạo. Bà nép vào một mái hiên cửa khóa then cài, mưa tạt từng cơn. Từng vụng nước miệng cống sôi lên long bong. Bà co mình vào, nhỏ nữa, nhỏ nữa, người già dẻo xương, nhỏ nữa, nhỏ nữa, hai tay ôm lấy gối. Con ơi. Con đang ở đâu. Mưa gió thế này. Lạnh lẽo thế này. Con đừng mà vào nhà ai rồi người ta chửi mắng, người ta đuổi ra. Con có đói cũng đừng có vào hàng tiệm người ta mà bốc ăn. Mẹ khổ quá. Con cố tìm về đến nhà. Mẹ con mình sống đừng phiền đến ai nữa. Mẹ khổ quá.
Mưa réo rắt xỉa xói. Bà già. Mẹ thằng điên. Mẹ thằng điên.

2. Bà cũng chẳng nhớ nổi làm thế nào mình về được đến nhà. Giờ đây, nằm trên giường. Thấy quần áo đã thay thớm, ngay ngắn dưới chăn. Lại còn thoang thoáng mùi dầu gió. Có lẽ bao nhiêu năm sống đơn lẻ với thằng con khù khờ, bà đã có cho mình một bản năng hoàn hảo. Bản năng ấy khiến bà mò được về nhà, khiến bà biết tự lau người lau tóc, thay áo quần, tự đánh gió, tự chui vào giường nằm, trong lúc đầu bà vẫn đang mơ mơ màng màng.

Con của bà. Bà định nhổm người dậy ngay. Nhưng thân thể kêu gào. Nằm xuống. Nằm xuống đi bà già. Bà cũng muốn kêu gào. Kệ tao. Mặc kệ tao. Cho tao dậy tao đi tìm con. Rồi chúng nó chiến thắng. Bà nằm mọp xuống lưng dán vào giường. Có tiếng chuông điện thoại. Bà khó nhọc với tay lên kéo ống nghe luồn qua thành màn vào giường.
- Mẹ đây.
- Con gọi điện thoại mấy lần. Mẹ đi đâu thế? Thằng Út về chưa?
- Mẹ đi tìm nó. Em nó vẫn chưa về.
- Gay thật. Mai con chở bọn nhỏ đi học, rồi sang sớm. Vợ con cũng đang cảm cúm nằm rên hừ hừ sốt cả ruột.
- Phải tội nó. Con cứ ở nhà lo cho vợ con. Nhà neo người. Mẹ không sao. Mai mẹ nhờ hàng xóm đi tìm. Không được nữa thì con đăng báo đăng đài giúp mẹ.
- Vâng. Thế thôi, mẹ nghỉ.

Bà gác máy. Nhìn ra ngoài trời thấy tối sầm. Bà dụi mắt mấy lần, kèm nhèm nhìn ra lần nữa. Thôi đúng là tối mất rồi. Bà thiếp đi bao lâu cũng không biết nữa. Thật khốn khổ. Nó đói từ sáng đến giờ. Thật khốn khổ. Bà nhọc người quá cũng chẳng thiết ăn uống gì. Bây giờ làm sao.

Mưa đã tạnh. Hơi đất lạnh ẩm bốc lên ngây ngây. Mấy con gián tranh thủ nhà lạnh lạo xạo mò mẫm dò đường. Thi thoảng phía ngoài có tiếng lóc cóc lóc cóc mì gõ.

Bà nằm gác tay lên trán. Cái dáng nằm này là của bà ngoại, của mẹ truyền lại đến nay. Ai cũng bảo sửa đi, đừng thế, cả đời khổ tâm. Bà cũng biết thế nhưng chẳng sao sửa được. Cứ nằm xuống thì thấy tay thừa thãi làm sao. Bà nằm thiêm thiếp, thấy mọi chuyện nửa gần nửa xa ùa về xôn xao. Bà nhớ tới bố bọn trẻ, một ngày mưa, ướt lướt thướt mang theo về nhà không phải mớ cá, mớ tôm, mà là hẳn hoi một người đàn bà cũng tím tái vì lạnh. Hàng xóm nói ra nói vào. Hội nhỏ hội to kéo xuống họp tới họp lui. Cả nhà nhất trí im lặng cam chịu miễn bình luận. Người đàn bà ấy hiền lành nhút nhát độ chừng nửa năm, sinh ra một thằng cu con sài đẹn, cùng lúc với bà sinh thằng Út béo mũm như con lợn con.

Hai đứa trẻ sinh cách nhau độ tuần lễ mà khác nhau như nước với lửa. Thằng kia, thằng cu Tài, vừa đen, vừa gầy, khóc ngằn ngặt suốt ngày, nghiến đầu vú mẹ như nghiến dây chão. Thằng Út thì hiền lành, rất nhộn, ăn dễ ngủ khỏe, thun thút thun thút. Qua kỳ ở cữ , bà trở ra đồng làm. Tuần đầu bình thường. Đến những ngày tiếp theo, mỗi khi về bà lại thấy lòng quặn đau, khi thì thằng Út khóc ngặt nghẽo vì đói, khi thì bị kiến cắn sưng chân. Chồng bà - ừ, cứ gọi là chồng bà, bảo rằng phụ nữ vớ vẩn điêu toa. Người đàn bà kia thì ngoắt mồm lên khóc mếu: Chị cứ vu vạ cho em. Thằng cả lầm lầm lì lì. Còn con hai, có lần khóc mà kể cho bà nghe, những chuyện như trong cổ tích dì ghẻ con chồng. Bà đành nhẫn nhịn. Cho đến hôm đương giữa buổi, bà quày quả bỏ về xem con bú mớm thế nào, thì thấy mụ đàn bà ấy đang ngắt nhéo thằng bé bầm tím, khóc đến chết ngất.

Sau một trận long lở nhà cửa, bà gói ghém dắt díu ba đứa con về ngoại. Năm sau, điều tiếng nhục nhằn quá, bà gom vốn góp hàng lên thành phố. Từ đó đến nay kiếm sống qua ngày nuôi con. May mà có ông cậu ruột ở nước ngoài gửi tiền về giúp, lại để cho căn nhà nhỏ mà bà đang sống đây. Ông cậu, cả bố mẹ đẻ, cả bố mẹ chồng, cả chồng đều mất lâu rồi. Bà không thiết về quê, về còn gì đâu? Còn người đàn bà ác đức đó, chắc cũng già yếu lắm rồi, với thằng con đầu đường xó chợ, bán hết cả ruộng vườn để đánh đu cùng bọn con trai làng rỗi nghề.

Hai đứa đầu lớn lên, học hành tinh thông đĩnh ngộ. Chỉ có thằng Út, mãi không thấy nói cười. Bà lo lắm. Cho đến giờ gần ba mươi tuổi đầu, nó vẫn ngây ngô như đứa trẻ. Bà giận. Bà giận tất cả. Bà có thể chịu đựng được mọi khổ nhọc, nhưng đây là con bà, một đứa trẻ. Tội lỗi này cứ thế mà theo bám bà, u uất cuộc đời con bà.

Bây giờ con đang ở đâu? Trời lạnh và tối như thế này. Chị con đang có mang đi lại còn mệt, huống đâu lo toan cho con. Anh con còn vợ con nó kìa, cháu con còn nhỏ, chị dâu con đang ốm kìa. Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rằng giữa cái thành phố đông đúc ồn ào này, hai mẹ con mình nương vào nhau mà sống đừng phiền hà ai kia mà. Con hư quá. Mẹ giận con quá.

Một tiếng sấm khô nổ lên ròn rã. Ôi. Thằng Út ít của mẹ. Mẹ mắng thế chứ mẹ không giận con đâu. Mẹ đang giận chính mẹ. Giận cái thân thể kêu gào của mẹ. Im hết đi lũ chúng mày để tao đi tìm con tao. Im hết đi. Con ơi.

 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 924

Return to top