Mùa mưa
Nghiêm Lương Thành
Tây Nguyên,
Tháng 7,
Mùa mưa đã vào sâu mà sao mặt đất vẫn khô khốc. Cầm một hòn đất lên tay, thấy nóng hầm hập, tựa như có hơi thở của gió Lào; bóp vụn ra; phần bột đất nhẹ tơi theo không khí bay toả ra, xộc vào mũi, nóng khé cổ; phần còn lại lọt qua kẽ tay rơi lả tả, vô hồn. Đất vốn là gốc sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật mà sao cảm thấy thiếu vắng sinh khí.
Nẵng rát, chói chang. Bầu trời cao cứ xanh ngằn ngặt, không một gợn mây. Thảng hoặc mới có một sợi gió mỏng mảnh, không đủ lay động cả một ngọn cỏ.
Những cánh rừng khộp thở dốc, gần như kiệt sức. Những vạt cỏ vàng úa, táp nắng, xác xơ, kiệt lả. Ngay tán lá của những cây Kơ nia vốn đượm mát, dẻo bền là thế cũng bắt đầu trở nên tai tái, rũ cụp, thoi thóp và khắc khoải.
Thỉnh thoảng lại có một vài người mẹ miệng ngậm tẩu, mình để trần, trên ngực lõng thõng đôi bầu sữa "thi gan cùng tuế nguyệt". Những chiếc váy đen họ mặc đã sờn bạc, đường chỉ đỏ viền nơi gấu đoạn mất đoạn còn, lua tua, phập phồng theo từng bước chân trên con đường đất đỏ lổn nhổn sỏi cát dẫn vào rừng. Người nào cũng mang trên lưng một chiếc gùi rỗng không và một con dao đi rừng nắm chắc trong lòng bàn tay mảnh mai, răn reo xạm nắng. Họ đi kiếm cái ăn cho con.
Không một tiếng chim. Chẳng có lấy một âm thanh sột xoạt. Lũ thú rừng cũng đã tìm đường vào sâu tít trong rừng già, ngược lên thượng nguồn mong tìm được chút nước uống cầu sinh.
Những bản cưa xăng, những chiếc máy kéo, những chiếc xe Reo, những chiếc máy nâng, những đoàn ô tô sơ mi rơ moóc dài ngoẵng đã từng đi qua đây, lấy đi, chở xuống các thành phố, cảng biển những cây gỗ lớn đại ngàn và để lại phía sau chúng những chói chang nắng lửa, đỏ đọc đất đai.
Dưới tán cây to một người ôm ven đường, có một toán người đang ngồi nghỉ, êm đềm tránh nắng. Không rõ từ bao giờ, gốc của cây đã bị lột trọn một khoanh vỏ. Nghe nói, người ta thường làm như vậy cho nhựa sống của cây không thể dâng lên từ gốc mà đi nuôi dưỡng cành lá, cây tất sẽ chết khô và đấy là lúc đem dao búa đến hạ cây đem về dùng. Thế mà, không hiểu có một sức mạnh kỳ diệu nào đó khiến cây vẫn xanh tươi, xùm xoà, toả bóng che mát cho toán người ngực áo đang mở phanh, lao xao trò chuyện, nói cười vô tư kia.
Xa hơn, về phía triền một quả đồi lớn, một bãi đất mới rộng hoác hơ đang dần hình thành. Một lũ máy ủi trùng trục, vàng khè, ầm ì phun khói diezen, thi nhau nạo xục, san phẳng, gạt phăng đi từng lớp thảm thực vật mầu mỡ sinh chất; có lẽ để xây dựng một công trình văn hoá gì đó. Bên rìa bãi, còn sót lại một cây dầu còi cọc, mảnh khảnh, đang xoà cái tán ốm o của mình, trong nỗi lo lắng vô vọng, cố che chở cho một cỗ máy ủi mấy trăm sức ngựa cao to lừng lững được người thợ nào đó đỗ vào tránh cái nắng bỏng buổi trưa.
Ngược lên phía tây, ở chân một vạt đồi nhỏ khuất sau quả núi trông giống đỉnh Phú Sỹ nhưng không có tuyết, là một nương ngô đã bị khô cháy. Có vẻ chủ của nó đã từ lâu không còn ngó ngàng gì đến đây. Giữa đám đồng loại đã bị khô cháy ấy, vẫn còn sót lại một thân ngô thấp bé, loeo khoeo, gầy guộc. Giữa những nách lá khắc khổ, úa vàng của nó vẫn nhận ra một cái bắp còi cọc, phía trên loi thoi những sợi râu màu nâu bạc phếch. Cái bắp, dù là còi cọc, dù được sinh ra từ một thân ngô gầy guộc loẻo khoẻo, bé mọn, đang phải vận hết phần sức lực cuối cùng của mình chống lại cái chói chang khốc liệt kia, cũng vẫn được bao che đầy đủ bằng những lớp áo mỏng mềm, hiền dịu. Tại sao vậy ? Đơn giản là vì nó có mẹ. Người đàn ông đứng trước cây ngô, nghĩ đến người mẹ của mình và hai giọt nước mắt tự nhiên cứ ứa ra. Hỡi bà mẹ thiêng liêng và cao quý, hãy nhận lấy những giọt nước mắt của con trai mình; đó là phần tinh tuý nhất của lương tri và trái tim con trẻ, là thứ phần thưởng phàm tục tinh khiết nhất, toả sáng lấp lánh, dành cho người Mẹ !
Đến đây, người đàn ông nhớ tới cái thân cây ven đường đã bị ai đó lấy đi khoanh vỏ, nhớ tới cái tán lá ốm o của cây Dầu khẳng khiu rìa bãi, bất giác thốt lên hai tiếng: Mẹ ơi !
Năm ấy đã có một con lũ quét tràn qua vùng này. Thân ngô đổ rạp dưới một lớp bùn mỏng. Mùa sau, người dân địa phương nhận ra, trên vạt đồi nhỏ ấy, đã mọc lên một vạt ngô xanh mướt, tươi tốt lạ lùng. Đến khi bắp đã chắc hạt, bẻ về ăn thử. Thấy có hương thơm vị lạ, họ bèn lấy giống. Từ đó trở đi, người dân vùng ấy chỉ trồng trỉa giống ngô này. Họ bảo tuy năng suất không cao, nhưng thơm thảo và, hơn nữa, lại có khả năng chịu khô hạn rất cao, người nông dân không phải lo bị đói nữa.
*
Mùa xuân đi qua để lại hoa thơm trái ngọt và đoạn kết ngọt ấm cho những khúc tình ca. Đàn ong đi qua để lại những mùa quả núc nỉu, trĩu chịt cùng những bọng mật kết hương từ muôn loài hoa đồng nội ...
Cơn bão đi qua để lại hoang tàn đổ nát. Con lũ quét đi qua để lại sói lở, xụp trôi và bùn lầy đè lấp bên dưới nó tất cả những gì của một cuộc sống vốn đã chật vật, lao lung.
Còn con người đi qua thì để lại gì ?
Gia Lai, 08 tháng 7 năm 2005