Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Đại ca

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 736 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đại ca
Hoàng Nguyên

Đại ca đi rồi. “Đại ca đang ngồi trên tàu chạy rì rì qua đèo Hải Vân tuyệt đẹp nhưng cũng đứng tim”- đại ca nhắn máy cho nó như thế.
Thế là đại ca ra đi mà chẳng thèm gặp nó, tính đại ca là thế, chẳng thích làm phiền mọi người hay nói đúng hơn là tính tình, sở thích của đại ca luôn chẳng giống ai.
Đại ca còn rất trẻ, chỉ hơn nó hai tuổi. Đại ca là rồng, rồng chưa hóa thân, nghĩa là rồng đất. Nói đúng ra là con trùn, cái con thân trơn nhờn nhờn bằng chiếc đũa ăn người ta hay đào lên mang đi dụ mấy con cá.
Đại ca cũng “quỉ toi” dữ lắm chứ chẳng hiền lành gì nên nó gọi là đại ca, một phần cũng bởi khi nó gọi “sư huynh” đại ca nhảy tưng tưng lên như con nít la làng không chịu; vì hai tiếng “sư huynh” nghe nó quân tử và cao cả, hiền lành quá, không đúng với bản chất của đại ca, đại ca thích gọi là “đại ca” nghe nó “đại bàng” hơn.
Đại ca còn một biệt danh khác: “cùi bắp”. Mỗi lần nó gọi “cùi bắp” đại ca cứ tít đôi mắt hí, cái mũi tẹt ra hênh hếch cười khoái chí. Đại ca chẳng giống ai bởi khi mới lọt lòng đại ca đã có cái tên chẳng giống ai.
Có lần đại ca đi theo nó vòng vo với mấy người bạn mới, có người hỏi đại ca tên gì, đại ca không nói tên mà kể cho mọi người nghe một câu chuyện thế này: “Trên một chuyến xe buýt nọ vào một chiều lâm râm mưa. Trên xe có một cô gái ăn mặc rất mốt, áo cánh, váy màu ngắn không thể ngắn hơn nữa. Mọi người đều hướng mắt về phía cô gái, trong đó có ánh mắt thao láo thèm thuồng muốn... nhểu nước miếng của một tên đàn ông khoảng ngoài 40. Bắt gặp ánh mắt ấy, cô gái hất gương mặt xinh xắn về phía người nọ bảo: “Ông có thích xem chỗ “sinh em bé” của tui không? Nếu thích ông chỉ cần cho tui 200.000 đồng tui cho ông xem thoải mái, bao lâu cũng được nhưng phải đưa tiền trước!”.
Trên xe người im lặng, kẻ động viên người đàn ông đưa tiền với lập luận cô gái không thể nào “lừa” bấy nhiêu người như thế được, có muốn chạy cũng không khỏi. Người đàn ông đưa tiền xong bảo cô gái, hối: “Nào, cho xem nhanh lên!”. “Đợi một tí”, cô gái ngắm nghía lại y phục, vuốt lại những nếp nhăn trên chiếc váy rồi nắm ở gấu váy như muốn kéo lên, mọi người trên xe căng thẳng... Cô gái chợt la toáng lên và chỉ ra phía ngoài xe: “Kia kìa, chỗ tui sinh em bé kia kìa, nhìn cho rõ nghen để nói tui gạt!”. Mọi người cùng hướng theo ngón tay cô gái chỉ, hóa ra đó là một bệnh viện phụ sản đang đông đúc kẻ ra người vào...”. Mấy người bạn cười hinh hích về cái sự “háu ăn” của anh chàng kia nhưng không quên vặn vẹo:
- Cha nội này xạo khiếp, hỏi tên gì lại kể chuyện châm biếm!
- Ai bảo xạo, tên tui ở chi tiết mở của câu chuyện đó!
Té ra tên của đại ca trùng với tên của một bệnh viện phụ sản nổi tiếng, theo đại ca tự “quảng cáo” là một cái tên nghe là “mắc đẻ”.
Đại ca học trước nó hai năm nhưng cùng trường cấp ba, cùng một trường đại học rồi cùng về làm việc ở tỉnh. Đại ca giảng dạy ở trường chính trị tỉnh, nó công tác ở tòa soạn báo tỉnh, có thời gian rảnh là hai anh em lại cùng ngồi quán cà phê đọc báo hoặc cười hăng hắc về những mẩu chuyện đại ca phóng đại lên từ hiện thực cuộc sống xung quanh.
Tuy nhiên những dịp như thế rất ít vì ai cũng tối mặt tối mũi với công việc. Cả hai cùng xa nhà, đại ca đi làm trước nên chạy đôn chạy đáo mua được căn nhà trả góp với giá gần trăm triệu, nó thì ở nhà trọ, cả hai cùng ăn cơm bụi. Hôm nào đại ca hay nó rảnh thì tranh thủ nấu bữa cơm trưa thật đơn giản để hai anh em cùng ăn ở nhà đại ca, cả tuần có được một hai lần như thế.
Đại ca bầy hầy phát khiếp. Không tới thì thôi, tới là nó cắm đầu cắm mũi vào dọn dẹp. Giáo án, tài liệu, bài kiểm tra của học viên, quần áo, sách báo và cả thức ăn cứ bày khắp nơi từ phòng khách tới tận... nhà vệ sinh! Nó cằn nhằn, đại ca cười bảo: “Anh đang thiếu cái máy phơi đồ mà chưa dám mua, biết sao không? Tại chưa có ai phát minh ra cái máy phơi đồ không cằn nhằn!”.
Tiền góp mua nhà mỗi tháng phải đóng gấp rưỡi tiền lương đại ca lãnh ở trường, vì thế đại ca phải “chạy vòng ngoài”: viết báo, sửa chữa, cài đặt rồi mua bán máy vi tính, làm lịch khi gần tết, kể cả đánh máy vi tính thuê và một đống các việc khác làm được miễn không phạm pháp. Dành dụm được kha khá, đại ca hùn hạp với bạn mở công ty dịch vụ máy tính rồi lại tham gia công ty tư vấn xây dựng cùng một người bạn thân khác.
Đại ca là giảng viên môn triết học, là bí thư liên chi đoàn của trường chính trị, là chủ nhiệm của lớp cán bộ Đoàn - lớp trẻ nhất ở trường chính trị. Mỗi dịp 8 - 3, 30 - 4, 27 - 7, 22 - 12... đại ca đứng ra tổ chức chương trình giao lưu, thi thố tài năng giữa các lớp trong trường. Xin kinh phí chưa được duyệt, đại ca bỏ tiền túi ra làm. Đại ca bỏ vài ba triệu tổ chức cho các đoàn viên trong liên chi đoàn đi tham quan, giao lưu với các tỉnh trong khu vực, cho liên chi đoàn mua quà đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng...
Những người cùng cơ quan có người thán phục, có người khó chịu bực bội nhưng cũng có người rất nể cái kiểu dám nói dám làm của đại ca. Mới tuần trước, đại ca bỏ tiền triệu tổ chức cho liên chi đoàn đi giao lưu, tuần sau đại ca không có 3.000 đồng ăn sáng phải chạy vào cơ quan “ứng” chị thủ quĩ. Mọi người cùng cơ quan nhìn đại ca với ánh mắt ngơ ngác: “Không hiểu nổi thằng này!”.
Nó thì nó hiểu vì nó biết quan niệm của đại ca là tiền rất cần nhưng tiền kiếm được dồn đống đó chết có mang theo được đâu, kiếm tiền để có thể làm được những gì mình thích, đơn giản vậy thôi!
Nó chỉ nghe người ta hay nói là kẻ này, người kia sống “hai mặt” chứ chưa bao giờ nghe nói ai đó sống “nhiều mặt”, nhưng đại ca là thế! Nó hiểu đại ca thật nhưng cũng nhiều lúc nó cảm thấy đuối sức trước cách sống, cách nghĩ, cách làm của đại ca. Bỏ ra gần triệu bạc mời học viên cả lớp đi ăn đại ca không tiếc, nhưng đại ca “có ý kiến” từng ngàn một nếu chị thủ quĩ phát lương hay ai đó “tính nhầm”. Đại ca bảo không tiếc tiền nhưng phải dùng đúng chỗ!
Có lần ngồi quán cà phê với đại ca có một chị nọ ở bàn kế bên cứ nhìn đại ca miết. Lúc lâu sau thì chị ta đứng bật dậy đi về phía bàn nó và đại ca ngồi, hỏi:
- Xin lỗi, tôi nhớ là đã gặp chú (vì chị ta có vẻ lớn tuổi hơn đại ca) ở đâu rồi nhưng cố nhớ không ra, làm phiền chú chút chi tiết...
- Có cần lắm không chị?
Rồi đại ca không nỡ đùa dai với người phụ nữ tỏ rõ sự thành ý trên gương mặt:
- Chắc chị gặp em ở trường chính trị?
Người phụ nữ ồ lên một tiếng đầy ngạc nhiên:
- Trời ơi, thầy! Thầy ăn mặc lạ quá nên em nhìn không ra... - chị tủm tỉm cười.
Vậy đấy, chắc mọi người không tưởng tượng nổi cái “lạ” tạo nên sự ngạc nhiên cho người phụ nữ kia là gì. Ở trường, đại ca ăn mặc chỉn chu bao nhiêu thì khi ở nhà hay ra đường đại ca lại “bê bết” bấy nhiêu. Đại ca đến trường trên chiếc “giấc mơ hai”, sơmi, cà vạt... tất cả đều thẳng thớm; còn những lúc ngoài trường thì ngay cả những người phục vụ ở quán cà phê “ruột” của đại ca cũng không tưởng tượng nổi. Bởi ai có thể nghĩ một “tên” thanh niên quần bò bạc thếch, đôi lúc te tua ở gối, ở mông, áo thun nhăn nheo lốm đốm chỗ trắng chỗ đen, chạy chiếc xe đạp hay ghé vào uống cà phê, gác chân lên ghế đọc báo mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật là một thầy giáo của trường chính trị?!
Cũng có một vài lần người cùng trường bắt gặp đại ca với cách ăn mặc chẳng giống ai như thế nên có ý kiến trong các cuộc họp cơ quan nhưng đại ca cũng chẳng vừa:
- Chẳng lẽ là giảng viên của trường chính trị thì không được mặc áo thun, quần bò? Không được chạy xe đạp cà tàng? Không được ngồi gác chân lên ghế đọc báo...? Pháp luật cấm điều ấy chăng? Chừng nào tui trộm cướp, móc ngoặc, tham ô của công, nhận tiền mua đề của học viên, nhận lời để học viên dẫn đi nhậu, karaoke ôm, nhận card điện thoại mệnh giá 300.000 đồng của học viên còn chê ít thì khi đó có kỷ luật tôi cũng chẳng nói gì!
Sau một hơi phát biểu “bốc lửa” của đại ca thì đâu đó trong cuộc họp có những người chợt chùng lòng, cắm cúi nhìn xuống mặt bàn nhưng không yên như có kiến bò trong người. Như chưa thỏa mãn, đại ca còn đổ nỗi ấm ức vào nó: “Đời là thế, có kẻ cứ thấy người khác hơn mình, khác mình là trong lòng cứ tức anh ách. Khối thằng quần áo bảnh bao, mặt mày nhẵn nhụi, lúc nào cũng đạo mạo tỏ ra ta đây đạo đức đầy mình nhưng có làm được gì cho ai ngoài chuyện ăn lương nhà nước, nhậu nhẹt, rồi gái ghiếc... Thấy mấy thằng như thế gớm không chịu nổi!”. Từ đó không ai có ý kiến ý cò về cách ăn mặc ngoài nhà trường của đại ca nữa!
Nó được cơ quan cho đi học trung cấp lý luận chính trị. Ở cơ quan vài người bảo nó lo gì cứ tà tà mà học, thích nghỉ đi viết bài thì cứ “cúp” bởi nó có “quới nhân” ở trường. Nó cũng hấp hới trong lòng, không phải chuyện học tà tà mà chuyện nó có thể “cúp” vài ba hôm đi cơ sở thu thập thông tin viết bài “kiếm cơm” trong thời gian đi học.
Đại ca gọi điện cho nó: “Cùi thơm! (đại ca gọi nó như thế). Mày có vào học không thì bảo? Muốn học lại hả!”. Đại ca cúp máy! Khổ thế đấy! Nó ước gì không có người quen ở trường thì hơn. Nó có cảm giác như chẳng học viên nào bị chủ nhiệm lớp điểm danh hằng ngày gắt gao như nó, và cũng chẳng học viên nào bị giảng viên hỏi bài, yêu cầu phát biểu nhiều như nó... Nó cảm thấy khổ sở vô cùng, giận đại ca đến nỗi không thèm nhìn mặt. Đại ca bảo: “Thời gian là vàng ròng đó “con” ạ! Đi học vì kiến thức chứ không phải vì cái bằng, học “cà chớn” như “cùi thơm” thì nghỉ cho rồi! Tùy!”. Nó cố gắng đi học, chỉ nghỉ... trọn số tiết cho phép để không phải bị cấm thi!
Môn đầu tiên học rồi thi là môn triết do đại ca đứng lớp. Mấy anh chị cùng lớp biết nó với đại ca thân nhau nên “đặc phái” cho nó “nghía” đề. Nhưng chẳng hiểu sao nó lại không muốn làm cái việc ấy, mà cũng chẳng đủ dũng khí làm. Nó trả lời với lớp: không. Hôm sau vào lớp nghe mọi người xì xầm tối qua mời đại ca đi nhậu, đại ca có tới và nhậu tưng bừng. Tự dưng nó nghe như có gì đó sụp đổ dưới chân, không thèm gặp đại ca nữa.
Thi, kết quả cả lớp đa số điểm cao, chỉ vài người điểm thấp như nó, đủ đậu. Đại ca nhận xét bài thi, khen ngợi những bài điểm cao, yêu cầu những người điểm thấp cố gắng củng cố kiến thức lý luận hơn nữa, trong đó có nêu tên nó. Tự ái, tủi thân, quê với mọi người xung quanh, nó càng kiên quyết không nhìn mặt, không quan tâm tới đại ca nữa.
Gặp đại ca cũng không thèm chào, kể cả ở trường, chỉ đại ca nhìn nó với đôi mắt hi hí, cười. Nó chợt nhớ theo tướng số những người mắt hí là nham hiểm lắm, chắc đại ca cũng vậy, từ trước tới giờ sao nó không nhận ra nhỉ?! Lúc gần đây thấy đại ca hay chở cô giáo trẻ mới về trường, người yêu của đại ca là bạn thân của nó, bây giờ đại ca quăng ở xó nào nhỉ? Thôi rồi, đại ca cũng thuộc “típ” lăng nhăng. Đại ca của nó không còn nữa!
Gần kết thúc môn thứ hai, ban cán sự lớp công bố chuyện tiền nong. Thủ quĩ lớp bảo tiền đóng lần trước còn vì hôm đi nhậu thầy “xinhê” với chủ quán thế nào mà chủ quán nhất quyết không nhận tiền thủ quĩ đứng ra trả, bảo có người trả rồi! Chị thủ quĩ “nhận định” là đại ca trả. Quĩ vẫn còn nên môn này lớp khỏi phải đóng “quĩ đen”.
Nó gọi điện, máy reo nhưng đại ca từ chối nghe. Tưởng đại ca giận nó không thèm bắt máy, nó cố gọi lần nữa, điện thoại vẫn reo và sau đó vẫn là tín hiệu từ chối nhận cuộc gọi. Nó mém... khóc thì nhận được tin nhắn, đại ca bảo đại ca đang qua đèo Hải Vân, đang ở “vùng 2” bắt máy tốn tiền lắm, tiết kiệm cho nó vì nó đi học không viết được nhiều... Đại ca đi ôn và thi cao học ở Hà Nội. Tàu đang rì rầm “bò” lên đèo và đại ca bảo có cảm giác ngày càng được lên cao, lên cao... Đại ca nhìn đủ thứ xung quanh, phía trên, bên dưới... Tất cả đều đẹp tuyệt!
HOÀNG NGUYÊN



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 205

Return to top