"Nếu có một người con gái nào đó yêu ta, thì ta xin hồi hướng tình yêu này về với Tam Bảo." Danh ngôn!
Sáng thức dậy, mới chuẩn bị bước ra cửa chính thì mắt tôi đã bắt gặp một câu "danh ngôn" viết bằng mực tím nét to như đầu ngón tay trỏ. Chữ mầu tím nhạt của nước trái mồng tơi, viết trên một biểu ngữ làm bằng giấy vở học trò dán lại với nhau treo lủng lẳng phía trên khung cửa. Không biết vị "thiền sư" nào mà đạt đạo tới mức nầy. Mới thoáng đọc qua, tôi vội vàng nghĩ bụng như thế. Thời những năm 1960 ở Huế thì triết gia, thiền sư, nghệ sĩ, sinh viên mới ra lò, học trò thi hỏng và văn nghệ sĩõ lang thang... thường hay lẫn lộn và chạm trán nhau trong những quán cà phê và trên những góc đường phố xá. Bởi vậy, coi chừng! Một câu nói bằng những từ ngữ mới lạ, bí hiểm, tối tăm xướng lên nghe rất kêu nhưng đọc hoài không hiểu ... có khi lại đượm mùi triết lý và rất có khả năng -- biết đâu được -- là lời dạy minh triết cao xa của các trường phái siêu thực, trừu tượng, hiện sinh hay siêu... linh tinh gì đó.
Người tự trọng ra đường không nên xả rác bừa bãi, cũng như người khôn ngoan không nên khinh suất những câu văn hoặc những lời nói ngớ ngẩn. Biết đâu ý tại ngôn ngọai của một đấng triết nhân nào đó vừa mới hạ sơn độ thế cũng không biết chừng! Trong tinh thần "cẩn tắc vô ưu -- cẩn thận hơn hối hận" đó, câu "danh ngôn" treo trên cửa cứ lảng vảng trong đầu tôi từ nhà đến trường.
Quái lạ, đấng thiền sư nào mà lại có cái "công án" cao siêu đến như thế? Thường những người theo đạo Phật chỉ dám đem chút công đức tu hành của mình để hồi hướng, chứ ai lại đem tình yêu của người yêu dấu cho ta mà "cúng" tổ bao giờ. Nếu có chăng một quả táo tình yêu thì quả táo đó là phương tiện để chia sẻ và nhận biết tình yêu chứ tự nó không phải là tình yêu. Tình yêu là một cảm giác trực tiếp giữa hai người. Tách ra khỏi một trong hai người thì tình yêu không còn hiện hữu, hoặc chỉ còn lại là một cảm giác luyến ái đơn phương. Làm chi có chuyện cúng dường hay sang nhượng tình yêu một cách kinh tế thị trường nóng hổi như thế nhỉ!
Cái "vấn nạn" danh ngôn buổi sáng chưa có câu trả lời thì chiều đến đã có một câu danh ngôn khác treo trên tường phía cửa hông. Cũng trên giấy trắng học trò, viết bằng than trong bếp. Danh ngôn dạy rằng: " Thà có một người vợ hiền vừa đẹp vừa giàu, còn hơn có một người vợ ác vừa xấu vừa nghèo!" Thật là chí lý một cách... chạm điện! Khỏi cần cãi chày, cãi cối cù cưa như thầy bói trong ca dao tướng số: "Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông. Số cô có vợ có chồng. Sanh con đầu lòng chẳng gái thì trai!" Câu nầy thì khỏi cần có tên trong từ điển danh nhân cũng biết tỏng là... đại danh ngôn!
Căn nhà xuất hiện hai câu danh ngôn trứ danh nầy không phải là hàn lâm viện, mà cũng chẳng phải nhà ma Liêu Trai. Đấy chỉ là một căn nhà gạch cũ nghe nói là được xây cất từ thời vua Hàm Nghi còn ở Tân Sở. Nhưng khi tôi đến ở trọ (phải nói là xin ở chùa đúng hơn) thì cái "nền cũ lâu đài bóng tịch dương" nầy đã được sửa chữa lại khá nhiều. Ngôi nhà nằm đầu đường Võ Tánh, đối mặt với quán chè ông Thân bên kia đường dẫn tới trường Nguyễn Du. Sát nách bên trái là chùa Phước Điền của thầy Chân Trí và bên phải là cầu Đông Ba ngó qua cầu Gia Hội.
Ngôi nhà thuộc về hai ông bà cụ già hiền từ và tốt bụng. Bà cụ buôn bán ở chợ Đông Ba từ thời con gái. Hai ông bà rất mực thuần thành trong việc tu hành cho nên ngoài phiên chợ thì bà cụ lên chùa và ông cụ thì ở nhà tụng kinh. Khi nào nghe tiếng gõ lộp cộp trên bàn thì biết là ông cụ đang ngủ gục nên thay vì gõ mõ thì ông... gõ bàn. Lũ con trai nghịch ngợm trong nhà vẫn gọi đó là "nhịp đàn rơi hồn bướm mơ tiên" của ông cụ.
Tôi là một trong năm chàng trai Huế ở trọ nơi ngôi nhà nầy vào những năm biến động nhất của Huế. Sự biến động khi sôi trào, khi dật dờ âm ỉ cho đến Tết Mậu Thân 1968 thì tất cả đều bị cuốn phăng và cái trầm lặng của Huế được trả lại bằng sự lặng lẽ của điêu tàn.
Năm chàng trai Huế đêm đêm chia nhau mảnh giang sơn nhỏ hẹp của bộ phản gõ đen kê giữa nhà và cái rương đựng đồ có mặt bằng dùng làm giường ngủ. Ngủ rương thì thong dong hơn nhưng coi chừng bị rệp. Ngủ phản có thể gặp nạn nhân mãn nhưng được cái đại lợi là nếu lỡ có trăm con muỗi lọt được vô mùng thì cũng chia đều mỗi mạng vài chục con.
Gã cao niên nhất trong đám là anh Quảng. Anh là người duy nhất được bốn tên tình nguyện coi mình là cấp dưới gọi bằng "anh" ngọt xớt. Bốn đứa còn lại thì có toàn quyền được tôn xưng nhau bằng "mầy-- tao" hay "cậu -- mình" hoăc xưng tên, xưng "Anh-- tui" một cách linh họat vô tư thoải mái! Anh Quảng là tấm gương... tráng thủy ngân không đều cho bọn đàn em noi theo. Anh học chung văn khoa với tôi nhưng chỉ gặp nhau ở chứng chỉ Ngữ học Việt Nam. Ngày ngày lên giảng đường không bỏ sót một giờ. Anh ghi "nốt" cả tiếng giáo sư nuốt nước bọt. Kính cận thị lên độ nhanh hơn chứng chỉ tốt nghiệp, nhưng vẫn nghe anh phàn nàn làm bài bị eo xèo ít điểm. Anh ăn cơm muối mè gạo lứt theo phương pháp Osawa nên dù chỉ làm prề-xẹp-tơ dạy kèm, tháng lãnh mấy trăm bạc còm, anh vẫn còn dư tiền đem tặng cho cô nhi viện Tây Lộc. Không bạn gái, chẳng bạn trai; không rượu, không trà, không cà phê thuốc lá. Một lối sống thanh tân và khiết trinh như thế làm cho anh Quảng thành một lọai "á thánh" trong lũ chúng tôi. Trong năm đứa, chỉ có anh Quảng là không hút thuốc, nhưng gặp đứa nào khui bao thuốc mới là anh không bỏ lỡ cơ hội: "Tao lấy xâu hai điếu để lượm tàn thuốc cho tụ bây vứt lung tung." Đến khi tụi nầy túng quẩn, hết thuốc, không tiền mua là lúc anh Quảng mới giở móng vuốt ra làm tình làm tội đám chúng sinh tham sân si: "Tau ra giá: Một điếu chùi bàn, hai điếu quét nhà, ba điếu chùi câu tiêu..." Trừ gã Thứ có thuốc Ruby Quân tiếp vụ hút dài dài, ba đứa còn lại bị ma khói hành hạ đành phải ngoan ngoãn đầu quân sở vệ sinh cho anh Quảng.
Nhân vật độc đáo thứ hai trong đám chúng tôi là cậu cả Soạn. Cậu là con trai độc nhất của ông bố hiền lành làm nghề thợ vàng và bà mẹ là tiểu thương chơ Đông Ba. Vì là con một quý hiếm như trái bí ngô bự chát treo đầu giàn bằng cái cuống tòng teo, nên ba mẹ cậu sợ khó nuôi và bị bắt lính âm binh bất tử nên dạy cậu kêu mẹ bằng "Vú" và kêu ba bằng "Chú". Cậu cũng có cái tên cúng cơm thuộc giới chó, mèo gì đó cho ma quỷ chê, nhưng may mắn ít được thông dụng hơn là tên cả Soạn. Cả Sọan có riêng phòng ngủ, phòng chơi, có người giúp việc trong ngôi nhà khang trang trên đường phố Chi Lăng, nhưng chỉ ghé về nhà ăn và thay quần áo hằng ngày. Hắn vẫn mê cái không khí "ngủ rệp" của chúng tôi hơn là không khí "con nhà" của hắn. Sọan học sư phạm ban văn chương nên tài nói trạng và nói tếu cũng nhất nhì trong đám.
Nhân vật thứ ba là Thứ, sĩ quan Đà Lạt. Không hiểu mới ra lò mà bị thương bị nhớ gì đó nên Thứ không xông pha ngoài chiến trường mà lại về làm ở trung tâm huấn luyện Văn Thánh. Anh ta cũng áo trận đeo lon, nhưng ngày hai buổi đi về như công chức. Đây là một nhân vật tương đối đàng hoàng trong đám lộn xộn. Ít nhất hắn cũng có quần áo ủi hồ, ăn mặc trơn tru chải chuốt, tóc tai húi ngắn hơn anh em. Thứ khác với anh em là ăn nói thẳng băng, khỏi cần phiền hà nhờ quý ngài như Khổng Khâu, Bờ La Tô, Xô Cờ Rát, Xạc Tơ Rơ, Mát Xít, Kăng Kiết... gì đó làm chứng cho những vụ nói trạng tự do không sợ bị phạt vạ.
Nhân vật thứ tư trẻ tuổi nhất là Dũng. Hắn học lớp đệ nhất trường Quốc Học. Nhà trung lưu buôn bán ở Ngã Giữa, đối diện với rạp hát bội Đồng Xuân Lâu và phòng vẽ tranh của họa sĩ Ngọc Duy Đặng Ngọc Lựu. Dũng là anh cả của đám em lố nhố gần một tá nên tạm di cư về với mệ ngọai là chủ nhà nơi chúng tôi đang ở để yên tĩnh mà học hành.
Và nhân vật thứ năm là tôi, từ làng lên Huế ở trọ đị học. Tôi vừa đi học vừa dạy thêm Anh văn "English for To... quơ" hai lớp đệ thất và đệ lục ở trường trung học tư thục Phan Sào Nam do cụ Lâm Tọai "tiến cử" vào.
Năm chàng trai Huế ở chung nhà nhưng cơm nước hàng ngày lại ăn năm chỗ khác nhau. Mỗi đứa có một hoàn cảnh riêng, một lối suy nghĩ độc lập. Trừ Dũng còn là học sinh năm cuối trung học, còn tất cả đều tự coi mình đã trưởng thành nên từ nếp suy nghĩ đến phong cách xử sự với nhau vừa có vẻ tự trọng, chững chạc của các nhà "hiền triết" vừa hồn nhiên, vui nhộn và trẻ thơ của đám giặc học trò.
Mãi cho đến khi hai câu danh ngôn vừa giới thiệu trên đây được niêm yết, cuộc chiến tri thức nhằm chứng minh "Đời là bể khổ hay đời là bể sướng" giữa anh Quảng và cậu cả Soạn diễn tiến vẫn chưa phân thắng bại. Đêm đêm, trước giờ đi ngủ, anh Quảng cầm cục phấn trắng đứng trước tấm bảng đen treo trên tường nhà vẽ ra những đoạn đường đau khổ của kiếp người. Trong lúc đó cậu cả Soạn nắm viên phấn đỏ trong tay. Hễ anh Quảng vẽ một đoạn "khổ" bằng phấn trắng thì hắn vẽ ngay một đọan "sướng" bằng phấn đỏ. Thí dụ như anh Quảng vẽ một đoạn khổ của mẹ hiền mang nặng đẻ đau, thì lập tức Soạn nối một đọan sướng của thời mẹ cha yêu đương hoan lạc. Anh Quảng vẽ đoạn "con là nợ , vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo" thì lập tức cả Soạn vẽ đoạn "Con là hoa nở, vợ là tiên nga, cửa nhà là hạnh phúc." Cái biểu đồ sướng khổ nầy e sẽ kéo dài bất tận nếu không có một đêm, anh Quảng bắt đầu mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm đã đọc lén nhật ký của anh. Chính tên thủ phạm nào đó đã nhẫn tâm đem cái câu danh ngôn "hồi hướng tình yêu về với Tam bảo" mà anh đã trân trọng viết vào nhật ký như lời thề của Kinh Kha trên sông Dịch ra rao bán!
Nghe hỏi, thằng cả Soạn và thằng Dũng khúc khích cười. Soạn lém lĩnh hơn:
- Tưởng chi hay ho mới lạ chứ cái câu hồi hướng tình yêu gà mờ đó đã được Krishnamurti nói từ khuya rồi.
Anh Quảng hết hồn, không biết tại vì bỗng dưng anh cũng có tư tưởng lớn như triết gia Krishnamurti hay tại anh học nằm lòng đâu đó rồi ăn cắp văn lúc nào không hay để thong dong ghi vào nhật ký. Nửa tin nửa ngờ, anh tra vấn Soạn:
- Mi nói câu đó của Krishnamurti thì ở sách nào?
Thằng Soạn lên lớp anh Quảng:
- Nói chuyện văn chương triết học mà lên giọng như phòng nhì hỏi cung tội phạm kiểu đó thì ai mà thèm chơi.
Anh Quảng nôn nóng đi tìm chân lý nên nguội điện ngay:
- Thôi được rồi, tau năn nỉ. Mi thấy Krishnamurti viết câu nầy ở sách nào?
Soạn càng làm già:
- Anh phải xin lỗi bọn nầy về việc nghi ngờ đọc trộm nhật ký trước đã tui mới nói.
Anh Quảng sắp ngộ đạo đến nơi rồi nên cũng không chấp:
- Cũng được, tau xin lỗi là đã nghi ngờ tụi bây đọc trộm nhật ký.
- Xin lỗi là xin lỗi, không có chuyện "cũng được"
- Tau xin lỗi mấy đứa bây. Chừ nói đi!
Thằng Sọan làm ra vẻ quan trọng. Trầm ngâm hút một điếu Bastos xanh, uống một ngụm nước trà Cực Phẩm Danh Trà mới chẫm rãi nói:
- Dòng 5 trang 282 trong tác phẩm "Tình Yêu và Hạnh Phúc" của Krishnamurti!
- Tên nghe lạ hoắc! Tau đọc hết danh mục tác phẩm của Krishnamurti nhiều lần rồi nhưng chưa bao giờ nghe tên tác phẩm nầy.
- Tác phẩm chưa xuất bản.
- Chưa xuất bản thì làm sao mầy đọc được?
- Trên báo.
- Báo nào?
- Báo nào có mục văn học nói về Krishnamurti.
- Thằng ba xạo!
- Úi dà! Bể học mênh mông, bể tình lai láng. Bơi trong biển tình, lội trong biển học mà không chịu ngóc đầu lên xem bến ở phía nào thì càng yêu càng yếu, càng học càng lùi thôi. Hì hì.
Sau đó Soạn và Dũng tiết lộ bí mật với tôi là tụi nó đã đọc lén nhật ký của anh Quảng. Sở dĩ anh chàng Quảng đã buông một câu "danh ngôn" tiết liệt về tình yêu như thế vì nàng Tín Hương trong lớp dự bị Văn Khoa vừa đi lấy chồng đốc tờ. Anh Quảng viết trong nhật ký là từ lâu anh vẫn âm thầm đơn phương ấp ủ hình bóng người đẹp Tín Hương và tôn vinh cô em như một nàng thơ, một hình bóng vô nhiễm, không vương mang vết hằn trần gian, dầu chỉ là dăm ba hạt bụi trần. Thế nhưng cuối cùng, nàng tiên đã về với trần gian và chịu lấm bụi... lấy chồng! Anh Quảng thủ tiết đi tu, dầu chỉ là tu bằng một câu rất chi là "hồm bướm mơ tiên" trong nhật ký!
Con trai Huế kế thừa nguồn tình của Huế. Trái tim nóng, cái đầu nóng mà dáng vẻ bên ngoài vẫn lạnh như mưa Huế mùa đông. Bởi vậy, con trai Huế có khả năng làm người tình ấm áp trăm năm, nhưng ít có khả năng làm nhà chính trị lạnh lùng với cái đầu băng giá. Huế là đất thánh của một điệu sống ẩn trong cây lá, thoảng mùi nhang trầm trong tiếng chuông sớm tối. Nên Huế là quê hương của những phong trào yêu con người và đất nước. Huế hợp với vương quyền vì mọi sự, kể cả gió và dòng sông, cứ trôi đi chầm chậm. Huế không đuổi kịp với tốc độ thời đại nên khó mà trở thành điểm nóng lâu dài để duy trì quyền lực... Muốn bương chải với đời thì rứt áo Huế mà ra đi. Đi để có ngày về lại khẳng định một tình yêu đã thành chủng tử ươm mầm sâu trong đất. Những xứ thơ trên trái đất nầy bao giờ cũng thế. Vườn Tình Tagore, Lâu Đài Shakespeare là những cứ điểm của trái tim. Và dòng sông Hương cũng là dòng Tiền Đường, nhưng không oan nghiệt mà đoàn viên tròn trịa một cách rất... Nguyễn Du.
Đến Huế có hai cái đáng yêu là con gái Huế và phong cảnh Huế. Có hai cái đáng ghét là con trai Huế và thời tiết Huế. Có lẽ biết thế nên phần đông đàn bà con gái Huế thường rất điệu, không dám ho hen. Nói to sợ ho nghe tiếng nên khi mô cũng nói "dzỏ dzỏ" vừa đủ người thương nghe hiểu hay chẳng hiểu gì càng hay mà chỉ cần biết "làm thinh là tình đã đẹp!"
Con trai Huế nổi tiếng là "thâm" vì cái... đức thâm trầm không dám mở miệng. Ngôi nhà trọ của chúng tôi có 2 cửa sổ nhìn qua bên hông chùa Phước Điền của thầy Chân Trí. Hông chùa thành xưởng làm nhang mà Huế gọi là hương. Nghề làm nhang cũng giống như nghề chằm nón, đòi hỏi bàn tay khéo léo và mềm mại nên thuộc về thế giới của mấy "o con cấy". Thế giới người nữ của Huế là một thế giới vật lý có sự xung động và giao thoa của cảm xúc và ngôn ngữ vô hình mà "cao vời" khó tả. Một mình thì nàng Huế nào cũng dễ thương, hai mình thì dễ mến, nhưng ba mình trở lên thì bắt đầu dễ... sợ. Thầy nào dạy trường Đồng Khánh rồi thì biết. Trời Huế lạnh cá rô chết cóng mà vào lớp nghe tiếng cười khúc khích đầy bí hiểm của đám con yêu bánh nậm ẩn tàng đâu đó sau mấy dãy bàn cũng đủ làm thầy thoát mồ hôi hột. Thế giới của quý cô nương làm hương chùa Phước Điền cũng phong phú không kém gì thế giới nữ sinh Đồng Khánh. Từ sau hai khung cửa sổ có mấy hàng dây leo viền quanh, các chàng nhà tôi chiếm độc quyền quan sát. Chỉ có mình anh Quảng đã lỡ nguyện "hồi hướng tình yêu" nên tỉnh bơ coi đàn bà cũng như khúc xương sườn của mình. Còn lại bốn đứa chúng tôi đều là đám chúng sanh đầy bụi trần nên vẫn ngắm các em qua lỗ châu mai của tầm mắt.
Cho đến một ngày đầu thu, sau rằm tháng bảy thì giới quan sát bắt đầu xôn xao vì có hiện tượng lạ. Đó là sự xuất hiện của con chim có dáng hoàng oanh trong rừng chim sẻ. Một nàng mặc áo dài trắng nữ sinh, tóc thề, cỡi xe vélo solex chợt hiện, chợt biến trong đám hương nữ làm nhang. Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng, nên cả đám đều đồng ý gọi nàng cỡi xe máy nổ đó là nàng "Vê Lô". Nàng Vê Lô xuất hiện làm thay đổi cả cán cân lực lượng trong nhà nầy. Hình như đốt xương sườn của anh Quảng có hơi bắt đầu cựa quậy nên mơ hồ đâu đó, những tên quá quắt kia cũng bắt gặp ánh mắt của anh Quảng chiếu cố đến nàng Vê Lô đang hồi cực thịnh.
Nàng Vê Lô đến muộn màng nhưng đủ kiếm quang để làm mờ những nàng làm nhang. Từ sau hai khung cửa sổ êm đềm mà nổi sóng, những đôi mắt viễn vọng kính khám phá hành tinh đang phát sóng với tần số cực đại mà em Vê Lô vẫn vô tình không hay biết. Đến tuần thứ hai thì cánh cửa đôi dòng tiểu sử về thân thế và sự nghiệp của em từ từ hé mở. Em tên là Lê Thị Mãọ, học lớp 11 trường Bán Công, nhà ở Phường Đúc. Về điểm nầy thôi cũng đủ làm các chàng trai Huế nhà tôi tức anh ách. Tại sao một nhân vật địa cầu xinh đẹp thế kia mà ông già em lại nỡ lòng nào để đặt cho em một cái tên ít nên thơ làm vậy. Cái tên, những cái tên hay ho, những ám ảnh Huyền Trân Tông Chúa, Tôn Nữ Quỳnh Giao... cũng là một phần linh hồn tên gọi người con gái Huế. Tóc mây phải thoảng mùi chanh bồ kết. Củ sắn mà còn thơm mùi lá dứa, huống chi tên người đẹp như buổi đầu Xuân mà thiếu đi một âm ba gọi nắng.
Còn cái trường cũng là góc lai lịch nữ sinh! Bí kíp để truy tầm người đẹp thời tôi đi học thì có "Nhứt Đồng Khánh, nhì Răng Đa, ba Mai Khôi... " là nơi có thế giới nữ sinh mê cung. Còn Bán Công, Thành Nhân... và các trường khác đều là xôi đậu, nam nữ học chung, chưa được lọt vào nội hàm kính chiếu yêu của Tôn Ngộ Không thời tân tiến.
Trong mười tiêu chuẩn để làm nên người đẹp tiêu biểu đất thần kinh thì ngay hiệp đầu, nàng Vê Lô đã yếu đi hai điểm do tên và trường học chưa thuộc hàng "danh gia tử đệ"! Còn những nét khác như giọng nói, dáng đi, cách nhìn, lối nghĩ thì phải còn chờ... thẩm định. Cái đẹp là một cách nhìn tổng hợp của thiên tiên trên trời và con chuột mù dưới đất. Nàng Vê Lô xuất hiện đầy đủ dáng vẻ của một "giai nhân nan tái đắc!"
Trừ anh Quảng là người đứng bên tê dãi ngân hà để nhìn người đẹp, còn lại bốn chàng trai Huế bắt đầu mơ mộng. "Một thoáng tương phùng bên ngọc nữ. Còn hơn mãn kiếp mộng vu vơ!" Thi hào cả Sọan đã tẩn mẩn chuốt thơ như thế đó. Còn những thi sĩ khác trong nhà thì mới nhú hồn thơ.
Cái dễ ghét nhất của con trai Huế là ở chỗ nầy. "Thương em không dám vô nhà; chạy quanh cửa ngõ hỏi gà bán không!" Bày tỏ ân tình khó khăn còn hơn rao bán chính mình suốt mười hai bến nước.
Những người nói cứng mà nghĩ mềm thường hay âm thầm làm những việc dại dột. Từ sau khung cửa sổ, tôi có thể thấy em Vê Lô đẹp một cách sáng tạo đến mê hồn. Áo dài trắng làm dáng em trinh nguyên và vô nhiễm ; áo dài xanh da trời ước mơ và vẫy gọi; áo dài hồng lãng mạn và kiêu sa. Rồi một sáng Chủ nhật, em mặc đồ Tây, áo pull mầu Bordeaux quần jean đen bó sát người. E rằng thiên tài Michelangelo có tái thế cũng không diễn tả, khắc họa hết những nét đẹp cuốn hút của em. Cái gã Huế dại dột trong tôi chết đuối trên cạn từ cái sớm mai hồng huyền hoặc đó.
Quên hết! Tôi viết thư tình. Những bức thư tình hay nhất thường bắt nguồn từ những mối tình đơn phương nhất vì chỉ có cái bóng lẻ loi của thế giới bên ni mới ôm choàng hết cái thế giới bên tê. Viết, đọc, xé. Nháp đi viết lại bao lần mới thành một bức thư tình tàm tạm vừa ý. Mỗi chữ phóng ra là mang theo cả tâm tình cảm xúc. Và cũng chỉ có cảm xúc tưởng tượng mơi thật là cảm xúc trọn vẹn nhất. Cầm được tay nhau thì cảm xúc đã chia hai.
Thư gởi đã ba ngày. Tôi ăn ngủ không yên. Cả dãy lầu Morin trường văn khoa không bằng một bụi tre của đường vô nhà em trên Phường Đúc. Tôi quên. Tất cả cần nhớ hiện ra rõ mồn một là hình ảnh tưởng tượng: Em cầm thư tôi trên tay.
Một tuần, rồi mười ngày đi qua. Vẫn im lặng. Tôi yên chí con sông buồn ngủ và thế giới nầy mất hết tinh anh nên dòng sống mới vô tình và yên lặng đến như vậy. Từ sau khung cửa sổ, tôi có thể thấy Vê Lô vẫn đi về như cũ, nói cười như không. Đời em vẫn vô tư như chẳng hề có một biến cố thư tình. Tôi bỗng giận đời đen bạc và tự xếp mình vào hàng nhân vật "lớn" của những kẻ bị phụ tình. Tôi nghĩ về em Vê Lô một cách cay đắng. Rất băn khoăn về số phận của một trong những lá thư tình hay nhất Việt Nam, tôi bỗng lạnh người khi tưởng tượng về trường hợp không may. Ai biết được chữ ngờ, nếu em đem thư tình của tôi làm nhật trình chuyền tay nhau cho cả lớp, cả trường, rồi cả thành phố cùng đọc thì còn gì là tôi nữa. Tôi vội vã lục lại các bản nháp. Bản nháp thứ nhất ký tên: Một người ái mộ em. Bản nháp thứ hai: Một người thương em. Bản thứ ba, thứ tư cũng ký toàn những tên... bí mật một tuồng như thế. Với sự sung sướng của một người bệnh biết mình chưa từ trần, tôi mím miệng quyết vươn lên để giữ thế đứng của con nhà sinh viên văn khoa là kể từ nay không yếu đuối trước sự cám dỗ của tình yêu. Sự quyết tâm mới ban hành buổi sáng thì xế chiều bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Cửa mở. Nàng Vê Lô ngần ngại đứng trước cửa với một cô bé thợ làm nhang đi theo, đứng xa xa. Tôi cố nén sự xúc động tình cảm yếu đuối mà sáng nay tôi đã đọan tuyệt. Khí tiết của kẻ sĩ xông lên rần rật trong tôi. Rất lịch sự mà cũng đầy lạnh lẽo và xa lạ, tôi hỏi:
- Xin lỗi, o... à, à... chị, chị muốn hỏi ai?
Nàng Vê Lô bối rối, vân vê cái khăn cuốn trong lòng bàn tay nói không ra câu:
- Dạ tui... dạ em xin hỏi có người viết thư...
À! Lại ra là màn điều tra lai lịch cái tên khỉ gió đa tình đa lụy nào đó hả. Chẳng rõ có một gã khùng nào đó lên tiếng trong tôi như thế. Tôi trả lời nhấm nhẳn theo lệnh của gã khùng đó:
- Người đó tên chi?
Giọng Vê Lô lại càng nhỏ hơn:
- Dạ... dạ tui, dạ em cũng không biết!
- Chị không biết thì làm sao tôi biết đuợc.
Vê Lô ngó quanh như cầu cứu. Đôi mắt nai ngơ ngác đẹp vô cùng, nhưng chàng hiệp sĩ mù rất Huế trong tôi cứ xâm lấn bờ cõi bắt tôi phải lạnh lùng nhìn một đám mây bâng quơ không biết ở thời nào.
Vê Lô nín thinh, rồi thở dài nhè nhẹ. Em chào từ biệt:
- Dạ, thôi... khỏi phiền. Xin cám ơn...
Em cúi đầu trở ra trong nắng. Tôi muốn chạy theo em, muốn gào lên: "Anh đây, anh đây!" Nhưng có những cửa Ngăn, cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Ngọ Môn và những dãy hoàng thành rêu phong từ trong vô thức chận lại. Tôi đứng tần ngần nhìn đợt nắng cuối cùng tan dần trên ngọn cây mà lòng buồn rười rượi. Bọn thằng cả Soạn, thằng Dũng, thằng Thứ, anh Quảng đã về đến nơi nói năng ồn ào như vỡ chợ. Thế nhưng khi tách ra từng đứa một thì có lẽ cũng như nhau. Mỗi đứa con trai Huế là một gã khôn nhà dại chợ... tình. Muôn thuở.
Trần Kiêm Đoàn
Mùa Anh Đào Cali 2005