Khi tôi xuất gia theo dòng tu sĩ Swâmi, một hôm Sri Yukteswar có nói với tôi chuyện khá bất ngờ:
- Con có cảm thấy thiếu một người vợ hiền để săn sóc con trong lúc tuổi già chăng? Con nghĩ rằng một người gia trưởng làm một công việc hữu ích để nuôi dưỡng vợ cọn, há lại không được đẹp lòng Thượng Đế sao?
Tôi phản kháng trong sự kinh ngạc:
- Bạch sư phụ, Sư phụ đã biết rằng ước vọng duy nhất của con trong kiếp này là xuất gia tầm đạo kia mà!
Sri Yukteswar cười lớn một cách cởi mở đến nỗi tôi hiểu rằng người chỉ muốn thử thách tôi mà thôi. Đoạn, Sư phụ nói một cách chậm trãi:
- Con hãy nhớ rằng người nào từ bỏ những bổn phận thế gian, phải biện minh cho thái độ của mình bằng cách đảm đương những trách nhiệm nặng nề đối với một gia đình đông hơn nhiều, đó tức là đại gia đình nhân loại.
Tôi vẫn thường nôi cái lý tưởng giáo dục có thể phát triển tất cả mọi khía cạnh của nền giáo dục thông thường, nó chỉ phát triển xác thể và trí tuệ. Những giá trị tinh thần và tâm linh là những điều kiện thiết yếu của hạnh phục, lại hoàn toàn thiếu hẳn trong những chương trình giáo dục chính thức. Tôi bèn quyết định thành lập một trường học đem cho họ trở nên những người tài đức, vẹn toàn. Tôi bắt đầu thâu nhận bảy thiếu sinh ở Dihika, một thành phố nhỏ ở tỉnh Bengale.
Sau đó một năm, nhờ lòng hào hiệp giúp đỡ của vị quốc vương Kasimbaxar, tôi đã có thể dời lớp hợc của tôi đến Ranchi, và lớp học càng ngày càng đông học trò. Ranchi, thành phố của tỉnh Bihar cách Calcutta độ hai trăm dặm, có một khí hậu tốt lành được liệt vào hàng những nơi khí hậu lành mạnh nhất ở Ấn Độ. Hoàng cung Kasimabzar ở Ranchi được đổi thành học đường mới của tôi, mà tôi đặt tên là Thiếu Sinh Học Đường. Theo lý tưởng giáo dục của các vị chân sư thời cổ xưa ở Ấn Độ, các đạo viện giữa vườn trung tâm giáo dục ban bố cả hai nên học vấn thế tục và giáo dục tâm linh.
Tại Ranchi, để dạy ban tiểu học và trung học, tôi thiết lập những chương trình gồm cả các môn canh nông, kỹ nghệ và thương mại, không kể những môn kỹ luật thông thường. Các học sinh cũng học những phương pháp Yoga về tập trung tư tưởng và tham thiền và một môn thể dục mệnh danh Yogada, mà tôi đã khám phá những nguyên tắc đại cương vào năm 1916.
Sau khi năm học đầu tiên mãn khóa, những đơn xin gia nhập học năm sau lên đến số hai nghìn thiếu sinh. Nhưng trường học chỉ có đủ chổ nội trú cho độ một trăm học sinh và những lớp mới cho học sinh ngoại trú được tổ chức thêm sau đó.
Tại học đường, tôi phải lo săn sóc những trẻ thiếu nhi và giải quyết những vấn đề gay go về phương diện tổ chức. Những lời nói của đức Christ thường trở lại trí nhớ của tôi: "Ta nói thật cho các ngươi biết, người nào vì ta và chánh nghĩa của ta mà từ bỏ nhà cửa, hay anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay đất vườn của họ sẽ nhận được ngay trong đời này nhiều gấp trăm lần những nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng cùng với những sự khủng bố ngược đãi của thế gian, và trong đời sau họ sẽ được sự sống trường cửu muôn đời".
Sri Yukteswar bình luận những lời ấy như sau:
- Người hành giả đã từ bỏ hôn nhân và cuộc sống gia đình sẽ đổi những nỗi lo âu phiền lụy của một tiểu gia đình và của những hoạt động trần gian để đảm đương lấy một trách nhiệm lớn lao hơn, là phụng sự nhân loại, trong công trình này y thường đụng chạm với sự hiểu lầm của người đời, những trái lại, y sẽ nhận được phần thưởng là một sự an lạc bên trong thuộc về tính chất thiêng liêng.
Có lần cha tôi đến Ran chi để thăm tôi sau một thời gian im lặng kéo dài, vì tôi đã làm trái ý cha tôi khi tôi từ chối không nhận một địa vị của người dành cho tôi trong Công ty Hỏa Xa. Cha tôi nói:
- Con hỡi, cha đã thông cảm sự chọn lựa của con. Cha sung sướng mà thấy con hoạt động giữa những thiếu nhi vui tươi và hồn nhiên. Cha nhìn nhận đó mới là chí hướng của con, thay vì những văn phòng của Công ty với những bản đồ vô tri bất động.
Cha tôi chỉ một nhóm độ mười hai thiếu nhi đang quanh quẩn bên cạnh tôi:
- Cha chỉ có tám người con, nhưng cha hiểu những gì con đang kinh nghiệm!
Trường có một khu vườn độ hai mươi sáu mẫu, tại đây các giáo viên và học trò cùng làm việc trong những lớp học lộ thiên, dưới bóng mát của các cây cổ thụ giữa một khung cảnh thiên nhiên đầy thú vị.
Vào năm 1946, trường đã sống được hai mươi tám năm. Một trong những quan khách tai mắt đến viếng trường, trong năm đầu tiên, là tu sĩ Pranabâ, "vị tu phân thân" ở Bénarès. Tu sĩ lấy làm vô cùng cảm động mà thấy những lớp học lộ thiên dưới bóng mát của cây cối sầm uất, và những thiếu nhi tật ngồi tham thiền mỗi buổi chiều dưới gốc cây giữa cảnh thanh u tịch mịch. Tu sĩ nói:
- Tôi lấy làm sung sướng mà thấy lý tưởng giáo dục thanh thiếu niên do đức Lahiri Mahâysaya chủ trương, được đem ra thực hành tại trường này. Cầu xin ân huệ của sư phụ ta đến với con.
Một thiếu niên đứng gần bên tôi lúc ấy bèn hỏi vị tu sĩ:
- Bạch đại đức, sau này con có thể trở nên một tu sĩ chăng? Con có thể hiến dâng cuộc đời con cho Thượng Đế chăng?
Tu sĩ Pranabâ mỉm cười một cách nhẹ nhàng, và phóng tầm nhãn quang nhìn về tương lai:
- Con hỡi, khi con trưởng thành, có một vị hôn thê rất đẹp sẽ chờ đợi con.
Quả thật, người thiếu sinh về sau đã thành gia thất say nhiều năm ước nguyện xuất gia để theo dòng tu sĩ Swâmi.
Ít lâu sau cuộc viếng thăm của tu sĩ Pranabâ, tôi theo cha tôi đến tịnh thất của tu sĩ ở Calcutta. Khi đó, lời tiên tri của tu sĩ thốt ra từ nhiều năm trước mới trở lại ký ức của tôi. Hồi đó người đã nói rằng:
- Tôi sẽ gặp lại con và cha con một ngày về sau.
Khi cha tôi bước vào phòng của tu sĩ, người liền đứng dậy và ôm chầm lấy cha tôi một cách rất trọng hậu và quý mến.
- Bhagabati, anh nên tự hào về cái phước lớn của anh. Anh há chẳng rằng con anh đang lao mình vào lòng của đấng Vô cùng?
Tôi ngượng thầm vì được khen tặng dường ấy trước mặt cha tôi. Tu sĩ Pranabâ mà tôi đã gặp với một vóc dáng mạnh khỏe lực lưỡng trong cuộc viếng thăm lần đầu ở Bénarès trước đây, nay đã có vẻ già nhiều, tuy người vẫn còn đi đứng ngay thẳng. Tôi hỏi và nhìn tu sĩ ngay vào tận mắt:
- Bạch đại đức, đại đức có cảm thấy sự già nua đến gần hay chăng? Khi xác thân yếu dần, sự chiêm ngưỡng Thiêng Liêng có bị thương tổn chút nào hay chăng?
Tu sĩ mỉm cười một cách êm ái:
- Đấng Thiêng Liêng còn gần tôi hơn bất cứ lúc nào!
Sự quả quyết mãnh liệt này gây một ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn tôi. Người nói tiếp:
- Tôi vẫn thụ hưởng hai món hưu bổng: một của Bhagabati và một của Thượng Đế!
Vừa đưa một ngón tay chỉ lên trời, tu sĩ liền rơi vào trạng thái xuất thần đại định và gương mặt người chiếu diệu một vầng ánh sáng thiêng liêng huy hoàng: thật là một cách trả lời hùng biện nhất.
Nhận thấy phòng của tu sĩ Pranabâ chứa đầy những chậu cây, và những hột giống, tôi hỏi những thứ ấy để dùng làm gì? Tu sĩ giải thích:
- Tôi sẽ rời khỏi Bénarès một cách vĩnh viễn để lên dãy Tuyết Sơn, tại đó tôi sẽ lập một đạo viện cho các đệ tử tôi. Những hột giống này là để sản xuất các loại rau trái. Các đệ tử tôi sống rất giản dị, và dành hết tất cả thời giờ cho việc tu luyện. Ở đời còn gì cần hơn nữa?
Cha tôi hỏi tu sĩ có định trở về Calcutta một ngày gần đây không? Tu sĩ đáp:
- Không bao giờ. Theo lời tiên đoán của Đức Lahiri Mahâsaya, năm nay là năm mà tôi phải rời khỏi đất Bénarès mến yêu của tôi đển lên dãy Tuyết Sơn, tại đó tôi sẽ bỏ xác trong kiếp này.
Nghe đến đó, tôi rưng rưng hai giòng nước mắt, nhưng tu sĩ vẫn mỉm cười trong yên lặng. Người có vẻ rất ung dung tự tại như một con người con yêu của Được Phật Mẫu, đặt vận mạng mình trong bàn tay của ngài. Một người Yogi chân chính, đã đạt tới sự giác ngộ tâm linh, không còn sợ những năm tàn tháng lụn. Người có thể đổi mới những tế bào trong thân thể mình tùy ý, tuy nhiên, đôi khi người cũng không màng trì hoãn sự tàn phá của thời gian mà cứ để cho nghiệp quả tự do hành động và dứt tuyệt ngay trong kiếp sống hiện tại, để không còn phải lo trả trong một kiếp khác.
Vài tháng sau đó, tôi gặp một người bạn cũ tên là Sanandan, đệ tử của tu sĩ Pranabâ. Y vừa khóc vừa nói:
- Sư phụ tôi không còn nữa. Sau khi đã thành lập đạo viện gần Rishikesh, người dạy chúng tôi trong tình thương. Khi chúng tôi đã yên nơi chỗ và đang tiến bộ mau chóng dưới sự hướng dẫn của người, thì một ngày nọ Sư phụ mở tiệc lớn đãi một số đông người ở Rishikesh. Tôi mới hỏi lý do vì sao Sư phụ lại làm như vậy thì người nói:
- Đó sẽ là một dịp long trọng cuối cùng của Thầy. Lúc đó, tôi không hiểu hết ý nghĩa những lời nói của Sư Phụ. Ngày đại nhật hôm ấy, Sư phụ tôi dặn mua rất nhiều lương thực. Chúng tôi đãi ăn hơn hai ngàn người. Kế đó, sư phụ ngồi lên một bật thềm cao và ứng khẩu thuyết pháp về đấng Tuyệt đối. Thuyết pháp xong, trước mặt mọi người, Sư phụ day qua phía tôi lúc ấy đang đứng bên cạnh người và nói với một giọng mạnh mẽ lạ thường:
- Con hãy sẵn sàng, Sanandan, Thầy sắp bỏ xác.
Sau một cơn im lặng vì ngạc nhiên, tôi la lên:
- Bạch sư phụ, đừng, sư phụ đừng làm thế!
Đám quần chúng, ngạc nhiên trước câu chuyện lạ lùng đó, trố mắt nhìn chúng tôi một cách tò mò. Sư phụ mỉm cười nhìn tôi, nhưng nhãn quang của người đã hướng về cõi vô cùng. Người đáp:
- Con đừng ích kỷ, và đừng nên sầu thảm vì sự ra đi của Thầy. Bây giờ con hãy vui lên vì Thầy sắp trở về với đấng Tuyệt đối!
Trong một hơi thở dài, sư phụ nói thêm:
- Thầy sẽ tái sinh trở lại một ngày gần đây. Sau khi đã trải qua một thời kỳ ngắn ngủi trong một niềm Phúc Lạc vô biên, Thầy sẽ trở lại thế gian để theo đức Bâbâji. Không bao lâu, con sẽ được biết Thầy chuyển kiếp ở đâu và vào lúc nào linh hồn Thầy lại khoác lấy một thể xác mới.
Sư phụ lại kêu lên:
- Sanadan con hỡi, Thầy từ giã thể xác bằng đệ nhị pháp môn Kriyâ Yoga!
(Pháp môn Kriyâ Yoga cấp đẳng thứ nhì, do đức Lahiri Mahâysaya truyền dạy, giúp cho người hành giả rời khỏi và trở về thể xác tùy ý muốn. Những tu sĩ Yogi tiến hóa cao dùng pháp môn này để bỏ xác một cách có ý thức vào lúc từ trần, mà họ luôn luôn biết trước)
Khi ấy, Sư phụ mới nhìn về đám đông người và đưa tay làm một cử chỉ ban ân huệ. Sau khi đã thu thập tinh thần nhìn về bên trong theo phép hồi quang phản chiếu, người bèn ngồi yên bất động. Chính vào lúc mà quần chúng tưởng rằng người đang lọt vào trạng thái đại định xuất thần, thì Sư phụ đã bỏ xác và hòa hợp linh hồn với Đại Thể vô biên của vũ trụ. Các đệ tử đến sờ vào thân mình sư phụ, vẫn còn giữ tư thế liên hoa, nhưng xác thân đã lạnh, linh hồn người đã thoát lên cõi giới trường tồn bất diệt.
Tôi bèn hỏi Sanandan về địa điểm tại đó Sư phụ y sẽ tái sinh trở lại. Y đáp:
- Đó là một điều bí mật mà tôi không đước tiết lộ cho bất người nào. Sau này có lẽ anh sẽ tự mình biết được điều đó bằng cách này hay cách khác.
Về sau, tu sĩ Keshabâ cho tôi biết rằng tu sĩ Pranabâ ít năm sau khi tái sinh trở lại, đã đến Badrinârayan, trên dãy Tuyết Sơn, để gia nhập nhóm đệ tử cao cấp của đức Bâhâji.
- Các em đừng lội xuống ao. Các em hãy tắm bằng các lấy gáo dội nước lên mình mà thôi.
Tôi dặn các thiếu sinh trường học Ranchi của tôi, khi các em cùng với tôi đi dạo lên một ngọn đồi gần bên, cách đó độ mười hai cây số.
Trên đồi có một cái ao đầy nước vó vẻ hấp dẫn, nhưng khi nhìn thấy ao, tôi có cảm giá rờn rợn một cách bí mật, không thể giải thích lý do. Phần đông các thiếu sinh nghe theo lời khuyên của tôi, nhưng có vài em bị quyết rũ bởi nước trong và mát, khi các em vừa lặn xuống ao thì những con rắn liền vây phủ chung quanh, để thoát thân các em phải hối hả nhảy vọt lên bờ một cách thật buồn cười.
Tắm xong, tôi đưa các thiếu sinh lên đồi và chúng tôi dùng bữa ăn trưa trên bãi cõ. Ngồi dưới bóng mát của một cây to, tôi bị các em vấn nan với nhiều câu hỏi, và các em tưởng rằng tôi có nhiều linh cảm thiêng liêng sau vụ bị rắn rượt dưới ao. Một em hỏi tôi:
- Bạch Thầy, sau này con có thể nào xuất gia tu hành theo Thầy được không?
- Không, tôi đáp. Cha mẹ em sẽ bắt em về, và sau này em sẽ lập gia đình.
Em không tin, và liền phản đối kịch liệt:
- Con chỉ bị bắt về khi nào con chết.
Nhưng sau đó vài tháng, cha mẹ em tới trường bắt em về, mặc dầu em kháng cự mãnh liệt. Về sau, em ấy đã lập gia đình.
Sau khi tôi đã trả lời nhiều câu hỏi, một thiếu sinh tên là Kashi độ mười hai tuổi, mối bắt đầu hỏi tôi. Em là một học trò giỏi và được mọi người thương mến.
- Bạch Thầy, số mạng của con sau này ra sao?
- Em sẽ qua đời một ngày gần đây.
Câu trả lời này vô tình từ miệng tôi thốt ra mà tôi không cưỡng lại được. lời tiên tri bất ngờ và chẳng lành đó làm cho tất cả nhóm thiếu sinh đều xúc đôïng và buồn thảm. Tôi hối hận trong âm thầm và từ chối không trả lời thêm những câu hỏi khác nữa.
Khi trở về trường, Kashi đến tìm tôi trong phòng riêng.
- Bạch Thầy, nếu con chết, Thầy có tìm lại con chăng khi con tái sinh trở lại, để dìu dắt con trên đường đạo?
Em vừa nói vừa khóc nức nở.
Tôi bắt buộc phải từ chối việc nhận lãnh một trách nhiệm nặng nề như thế về phương diện huyền linh. Nhưng trong những tuần lễ sau đó, Kashi cứ theo nài van xin tôi một cách khẩn thiết đến nỗi tôi phải bằng lòng chấp thuận để an ủi em. Tôi nói:
- Được rồi, nếu Thượng Đế chịu giúp Thầy, Thầy hứa sẽ cố gắng hết sức để tìm lại em.
Trong những tháng nghỉ hè, tôi phải đi một chuyến du lịch ngắn hạn. Rất buồn vì không đem Kashi đi theo, tôi gọi em vào phòng và căn dặn em đừng bỏ trườngđi đâu, mà phải ở lại trong bầu không khí tâm linh tốt lành của trường. Tôi cảm thấy rằng nếu em đừng về nhà trong những tháng hè, em có thể tránh khỏi điều tai họa đang chờ đợi em.
Khi tôi vừa rời khỏi Ranchi, thì cha của Kashi đã đến trường. Trong suốt hai tuần lễ, y cố gắng thuyết phục Kashi hãy trở về nhà thăm mẹ ở Calcutta trong bốn ngày, và hứa sẽ đem em trở lại trường. Kashi từ chối không chịu đi. Sau cùng người cha nói rằng y sẽ nhờ cảnh sát can thiệp để bắt em trở về. Lời hăm dọa đó làm cho Kashi phân vân, và sợ rằng điều đó sẽ gây tai tiếng không tốt cho trường, em đành phải chịu vâng lời.
Vài ngày sau, tôi trở về trường và khi tôi nghe nói Kashi đã bị cha đến bắt đi, tôi liền hối hả đáp chuyến xe lửa đi Calcutta. Khi đến nơi, tôi thuê một chiếc xe ngựa. Khi cỗ xe đi qua cầu Howrah trên sông Hằng, thì... lạ thay, tôi thấy cha của Kashi đang mặc đồ tang. Tôi bảo người phu xe ngừng lại, tôi nhảy vọt ra ngoài xe và phóng đến trước mặt người cha vô phước.
- Kìa, ông già sát nhân! Tôi kêu lên với một giọng hơi vô lý, ông đã giết chết học trò của tôi!
Người cha đã hiểu sự lỗi lầm của mình khi cưỡng bách con y trở về Calcuta. Trong những ngày đầu tiên về ở thành phố này, Kashi đã ăn nhằm thức ăn bị nhiễm trùng, làm cho em mắc bịnh thời khí và đã trút linh hồn.
Tình thương của tôi đối với Kashi và lời hứa của tôi sẽ tìm lại em khi em đầu thai trở lại, ám ảnh tôi ngày đêm. Bất cứ tôi đi đâu, tôi đều thấy gương mặt của em hiện ra trước mắt tôi. Tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm một cách sốt sắn tuyệt vọng cũng như tôi đi tìm mẹ tôi vậy.
Tôi cảm thấy rằng, nếu Thượng Đế đã cho tôi có một lý trí, tôi có thể xử dụng nó theo một chiều hướng nhằm mục đích khám phá những luật huyền bí cai quản sự tác động của một linh hồn ở bên kia cửa Tử, như vậy để trắc nghiệm cái khả năng và bản lĩnh mà tôi đã thu thập được nhờ pháp môn Yoga. Từ nay Kashi là một linh hồn, rung động với những ước vọng chưa được thỏa mãn, một điểm linh quang phưởng phất trong số hằng triệu những linh hồn khác trên cõi Trung giới. Giữa tất cả những âm ba rung động toát ra từ vô số linh hồn khác, tôi làm cách nào để có thể tiếp nhận sự rung động của linh hồn Kashi?
Sử dụng một bí thuật Yoga, tôi tập trung tất cả tình thường của tôi đến linh hồn Kashi xuyên qua bí huyệt của Linh Nhãn nằm ở giữa hai chân mày. Dùng hai bàn tay và các ngón tay làm những dây "ăng ten", tôi đi xoay vòng ở một chỗ trên hai bàn chân để định phương hướng do đó tôi phải tìm ra linh hồn đã nhận được thông điệp của tôi. Bằng cách đó tôi hy vọng nhận được một sự trả lời, trong trường hợp này, tôi dùng bí huyệt ở quả tim làm cái trạm thu thanh vô tuyến.
(Các nhà đạo sĩ Yogi đã từng biết rằng ý chí con người, phóng ra từ chỗ bí huyệt ở giữa hai chân mày, có thể dùng làm phương tiện di chuyển cho những luồng sóng tư tưởng. Khi cảm giác được tập trung một cách nhẹ nhàng vào bí huyệt ở quả tim, bí huyệt này sẽ có tác động như một trạm vô tuyến thu thanh có thể tiếp nhận những thông điệp của những người khác, dầu họ ở gần hay ở cách xa. Trong trường hợp thần giao cách cảm, những rung động tinh vi của tư tưởng được truyển đi từ bộ óc này sang bộ óc khác xuyên qua chất dĩ thái cõi trung giới (tế nhị hơn nhiều), và chất dĩ thái hồng trần (nặng trọc hơn), tạo nên những luồng sóng từ điển và kế đó đổi thành những luồng sóng tư tưởng trong trí của tiếp nhận thông điệp này).
Trực giác cho tôi biết rằng Kashi không bao lâu sẽ đầu thai trở lại thế gian, và nếu tôi cứ tiếp tục kêu gọi không ngừng, thì linh hồn em sẽ đáp ứng. Tôi biết rằng tôi sẽ cảm xúc được một cách chắn chắn mọi phản ứng của Kashi trên những ngón tay, bàn tay, trên lưng và thần kinh hệ của tôi.
Không hề nản chí, tôi kiên tâm thực hành bí thuật Yoga kể trên suốt sáu tháng trường kể từ ngày Kashi qua đời. Một buổi sáng, tôi cùng với vài người bạn đi chơi ở khu Bowbazar tại Calcutta là một khu rất đông người. Như thường lệ, tôi đưa bàn tay lên và lần đầu tiên, tôi cảm thấy có sự trả lời. Một sự rung cảm truyền khắp thân mình tôi khi tôi phát hiện ra một luồng điện chạy trong mấy ngón tay và hai bàn tay tôi. Luồn điện ấy liền truyền lên óc tôi thành một tư tưởng cụ thể và kêu gọi liên tiếp:
- Con là Kashi, con là Kashi đây. Thầy hãy đến với con!
Khi tôi thu thập tinh thần vào chỗ bí huyệt ở quả tim, thì cái tư tưởng ấy trở nên rõ ràng gần như có thể nghe được. Tôi nghe giọng nói hơi khàn khàn đặc biệt của Kashi lập đi lập lại lời kêu gọi của em luôn luôn không ngừng. Tôi nắm lấy cánh tay của một người bạn trong nhóm, là Prokash Das, và mỉm cười với y một cách hứng khởi.
- Hình như tôi đã tìm ra chỗ đầu thai của Kashi!
(Một linh hồn trong trạng thái tinh khiết, có thể biết rõ tất cả. Linh hồn Kashi nhớ rõ mọi đặc điểm của mình hồi còn sống và bắt chước giọng nói khàn khàn của em thuở xưa để cho tôi dễ nhận ra).
Tôi bèn xòe mười ngón tay và đi xoay vòng ở một chỗ trên hai bàn chân tôi để định hướng. Các bạn tôi và người đi đường thấy thế đều buồn cười. Khi tôi vừa đi rẽ vào một con đường nhỏ, thì tôi cảm giác được luồng điện giật nhè nhẹ lăn tăn trong những ngón tay tôi. Tôi thử quay đầu đi ngược chiều để qua một lối khác, thì nguồn điện lại ngưng bặt. Tôi bất giác kêu lên:
- A! Linh hồn Kashi chắc là nằm trong bụng một người mẹ cư ngụ tại con đường này!
Khi chúng tôi đến gần con đường nhỏ nói trên, thì những rung động lăn tăn của luồng điện mỗi lúc càng mạnh thêm và càng rõ rệt hơn trong hai bàn tay tôi. Tôi có cảm giác dường như một viên đá nam châm hấp dẫn tôi từ phía tay mặt của con đường nhỏ này. Khi đi vừa tới cửa một nhà nọ, một sự xúc cảm thình lình xâm chiếm lấy tôi. Tim đập mạnh vì hồi hộp, tôi vừa nín thở vừa gõ cửa với ý nghĩ rằng sự tìm kiếm kiên nhẫn và lạ kỳ của tôi sắp sửa thành công!
Một người gia nô ra mở cửa, và cho biết có chủ y ở nhà, ngay lúc ấy người chủ nhà cũng vừa bước ra để gặp tôi. Tôi không biết phải mở lời như thế nào cho tiện, vì câu hỏi của tôi trong trường hợp này có vẻ như một sự tò mò.
- Thưa ông, có phải bà có thai độ chừng sáu tháng nay?
- Thưa phải.
Nhìn thấy tôi là một tu sĩ xuất gia khoác bộ áo vàng sậm, chủ nhà lễ phép hỏi:
- Xin đại đức cho biết vì sao đại đức biết như vậy?
Tôi bèn kể chuyện về Kashi, và lời hứa của tôi. Người chủ nhà lấy làm ngạc nhiên, và tin lời tôi nói.
- Bà nhà sẽ sinh ra một con trai, nước da trắng, gương mặt hơi rộng bề ngang, và có những khả năng tâm linh khá phát triển.
Tôi nói thế vì tôi chắc rằng đứa bé sẽ giống Kashi như đúc!
Về sau, tôi đến thăm đứa bé, mà cha mẹ nó đặt tên là Kashi. Em bé này giống một cách lạ thường người thiếu sinh yêu mến của tôi ở Ranchi. Khi em vừa thấy tôi, em liền có cảm tình ngay, tình yêu mến thuở xưa lại bộc lộ một cách mãnh liệt hơn trước.
Năm em lên mười tuổi, em bé ấy viết thơ cho tôi, lúc ấy đang ở bên Mỹ, và bày tỏ sự mong ước nồng nhiệt của em là theo con đường tu hành. Tôi liền gửi gấm em cho một vị minh sư trên dãy Tuyết Sơn, vị này hiện nay đang hướng dẫn Kashi tái sinh, và huấn luyện em trên đường Đạo.