Có câu chuyện vui đại khái thế này: trên một chiếc du thuyền, mấy ông bạn ngồi tán chuyện gẫu. Ông người Nga bảo có lẽ phải vứt bớt chai rượu Vodka xuống biển. Ông Cuba nói phải thảy đi vài thùng xìgà. Ông Mỹ thì thở dài đánh sượt, rằng cần quăng bớt mấy anh Mexico!
Hôm qua lái xe đi học về tự dưng tôi nhớ tới mẩu chuyện đó, chợt cười giòn tan một mình vì nghĩ rằng nếu là tôi, tôi sẽ thảy phứt một quả núi xuống biển. Bởi ở đây cũng chẳng có ai phát hiện sự biến mất của quả núi xui xẻo ấy.
Tại sao nhỉ? Hóa ra hôm qua tôi mới thấy nơi tôi ở có nhiều núi quá. Phải chăng khi người ta sống, làm hết chuyện này đến chuyện khác, cứ lặp đi lặp lại miết như thế mỗi ngày mà không có sự xáo trộn đáng kể nào đó thì thường không ý thức về những thứ tồn tại chung quanh? Hay do tôi chậm chạp trong việc quan sát, thu nhận ở môi trường mới?
Thật ra hồi năm ngoái khi mới khăn gói chuyển về vùng này, tôi thích có mà thất vọng cũng có. Thích vì thấy núi vòng quanh, dãy dãy tầng tầng. Thất vọng vì núi trọc lóc chẳng có cây cỏ chi cả, trông liên tưởng đến Hỏa Diệm Sơn của Ngưu Ma Vương. Rồi hình như tôi chẳng nghĩ gì nữa từ ngày thứ hai, thứ ba khi mọi thứ đâu vào đó trong căn phòng mới và tôi bắt đầu vào nếp học nhanh chóng thường lệ.
Có gì thú vị trong mỗi ngày qua của tôi? Có chăng thì chỉ thú vị cho riêng tôi, kể lại e rườm tai. Song má tôi cứ nằng nặc bảo tôi ghi rõ nếp sinh hoạt hằng ngày cho má nghe. Tôi dạ vâng cho qua chuyện rồi tảng lờ luôn vì chẳng thấy có gì quan trọng. Nhưng má cứ nhắc đi nhắc lại mãi.
Tôi chợt thấy mình vô tâm quá. Má nhớ tôi nên má thích được nghe những điều mà người khác có thể cho là tẻ nhạt, song đối với má không tẻ nhạt chút nào vì đó là chuyện của con gái má! Nhớ quá thì phải nghĩ, mà nghĩ thì chẳng lẽ cứ hồi tưởng hình ảnh tôi cách đây ba năm trong ngôi nhà bây giờ tôi đã xa tít mù khơi? T
rong khoảng cách ba năm ấy, chắc phải có ít nhiều thay đổi. Con gái cưng của má thay đổi chẳng lẽ má không biết à? Chuyện vô lý đến thế sao? Ngày nhỏ chỉ cần một cái răng sữa của tôi mới mọc, má đã săm soi mừng rỡ. Rồi cái răng sữa đó còn trụ vững vàng trong lợi thì răng vĩnh viễn đã nhú cộm lên làm má hết hồn. Má còn biết đến từng thay đổi gì nữa chứ đâu phải chỉ là chuyện tí ti như cái răng, cọng tóc của tôi.
Bây giờ tôi vừa tới cái tuổi hăm, phải khác đi theo lẽ thường tình. Tôi có khác đi mà má tôi không hay à? Tôi là cô công chúa, là cái bông hoa non của má, là bài thơ má đặt vần từ ngày tôi nhắm tịt mắt quẫy đạp trong bụng má, là mùi hương ngan ngát của những buổi trưa mùa thu yên tĩnh trong đời má kia mà!
Vậy tôi xin bắt đầu câu chuyện trong một ngày của tôi. Sáng nghe đồng hồ reo tất nhiên không phải là một thứ hạnh phúc cho dù được mô tả bởi bất kỳ ai từ bất kỳ châu lục nào. Tiếng reo xuyên thẳng qua mền, xói vào tai, đặc biệt làm tôi “đau khổ” hơn vào những ngày mùa đông khi có sự tương phản quá lớn giữa bên trong cái mền ấm áp và bên ngoài kia băng giá.
Lúc ấy tôi không đủ thời gian để triết lý rằng sống trong đời khó lắm thay vì người ta phải liên tục đấu tranh với bản thân mình mỗi ngày, ngay trong từng chuyện nho nhỏ như thế này. Tôi chỉ có non nửa giờ đồng hồ để sửa soạn vì 8 giờ vào lớp. Tôi dậy lúc 7 giờ, và phải lái xe hết nửa tiếng mất rồi.
Hồi còn học phổ thông ở ngôi trường cách nhà mươi phút đi bộ, tôi hay ước ao được giống như Maika, đi đâu chỉ bay vèo tới nơi (dĩ nhiên không được quên sạc pin kỹ lưỡng từ đêm hôm trước). Bây giờ tôi bắt gặp mình vẫn còn nghĩ đến điều tương tự để được nướng thêm nửa tiếng mỗi sáng.
Ở xứ sở vội vàng này, nói đến ăn sáng như là một thứ xa xỉ. Nhưng tôi vẫn ăn sáng, có khác là tôi phải tự chuẩn bị lấy chứ không phải như hồi ở quê nhà được má đem vào tận giường năn nỉ hoặc dọa nạt bắt ăn.
Tôi vừa bỏ đồ ăn vào microwave hâm, vừa bỏ cà phê vào máy. Tôi làm quen và chuẩn tới mức khi cái microwave kêu “te”, đồ ăn vừa nóng thì cái máy pha cà phê thôi kêu lọc ọc, báo hiệu xong nhiệm vụ. Bữa ăn sáng thường khó nuốt trôi song phải ráng chứ không học bảy tiếng ở trường có khi chẳng rảnh mà ăn cái kẹo.
Tuy có mái tóc dài nhất trường nhưng tôi chỉ việc chải sơ là xong. Má cho tôi để tóc dài từ nhỏ. Nói “cho” là phải lắm vì đối với má không dễ gì có đủ điều kiện được để tóc dài. Tội nghiệp em gái tôi lỡ có mái tóc sợi nào sợi nấy giống rễ tre già, lại còn biếng chải nên lúc nào cũng bù xù.
Em tôi chưa đi đã chạy, cả ngày thoắt đầu xóm cuối ngõ, mồ hôi nhễ nhại. Em vuốt mớ tóc quết vào trán lên, vừa thở phù phù, vừa năn nỉ má cho để tóc dài giống chị Hai, song má tôi vốn lòng dạ cứng rắn, lại thấy mái tóc bê bối đó thì càng không lay chuyển. Cứ theo đúng hạn kỳ, má nhất định cắt tóc cho em, để rồi sau đó em nước mắt nước mũi với mồ hôi tèm lem, rì rị cả buổi tối.
Tôi nằm đọc sách, tai không khỏi vướng cái tiếng ỉ eo đó, thấy thương em vừa không khỏi hú vía vì tôi may mắn có mái tóc không cần chải mà vẫn cứ chảy mượt xuống lưng. Kỳ nghỉ đông vừa rồi tôi về nhà người cô ở California chơi, thấy tóc tôi dài quá cô hăm he cắt bớt một gang tay.
Tôi sợ xanh mặt, thổ lộ rằng tóc tôi được chấm là dài nhất trường. Cô thấy tội nghiệp nói thôi để kỳ này tôi quay lại trường đo xem mái tóc dài nhì trường là bao, rồi cô sẽ canh chừng cắt sao đủ dài hơn nó một tí, để tôi không bị mất danh hiệu dễ thương kia. Thôi, không còn thời gian để ngồi đó tủi thân tí chút, tôi khoác lẹ ít nhất hai lớp áo rồi một tay xách cái cặp, tay kia cái laptop, miệng ngậm chìa khóa xe. 7 giờ rưỡi rồi kìa!
Tôi đề xe cho nóng máy. Vẫn biết phải để chừng năm phút mới tốt cho xe, nhưng cái xe chưa nóng máy tôi đã nóng ruột, chừng một phút là lùi xe ra chạy vù đi mất. Bữa nay trời lạnh quá, băng đóng cứng trên cửa kính không thấy đường mà chạy. Tôi miết ngón tay vào từng cái hình bông tuyết xinh xẻo, hẳn là tuyết rơi vào giữa đêm khi tôi đang ngủ say. Tôi lại phải quành vào nhà hứng thau nước nóng ra tạt cho băng tan.
Tôi bảo cái xe: “Thích nhá, sáng ra được tắm nước ấm rồi nhá!”. Nhiều người ở xứ này tuyên bố là họ ở trong xe còn nhiều hơn ở trong nhà. Tôi chưa đến nỗi thế. Hồi mới biết lái, có vài lần tôi táng nó vào tường trong khu đậu xe làm hai bên sườn với cái đuôi nó có vết trầy. Tôi xuýt xoa, chẳng phải tiếc mà vì nghĩ chắc nó đau lắm, nhưng nó đâu có giận hờn chi cô chủ cẩu thả, vẫn miệt mài theo tôi, tối về thì nằm ngoài sân lạnh lẽo chẳng một lời than.
Mỗi lần tới nơi, khóa cửa xe xong, máy báo tự động kêu “è”. Nó tạm biệt tôi đấy, tôi cũng “bye bye”, nhưng dĩ nhiên nói nho nhỏ kẻo lỡ ai nghe tưởng tôi khùng. Tôi cưng xe của tôi lắm. Có lần tôi tính hun nó nhưng chẳng biết đôi má nó nằm ở chỗ nào! Phải chăng cái gì ở gần, ở lâu cạnh mình rồi cũng nảy sinh gắn bó yêu thương.
Lái xe lòng vòng ra tới đường chính thì tôi hết tiếc nuối cái giường ấm của tôi. Trừ hôm nào quá lạnh, thường tôi thích kéo kính xuống dăm ba phút để thở không khí ban mai nơi thung lũng tôi ở. Y chang sáng nào như sáng ấy, một cụ già chạy ngược về hướng tôi từ phía công viên, thêm một vài cặp vợ chồng lớn tuổi khác nối đuôi đằng sau.
Mấy cô cậu nhỏ cắp cặp đi bộ đến trường. Nắng sớm nhuộm vàng vài đỉnh núi xa. Những đỉnh núi cao xa hơn nữa còn phủ từng rẻo tuyết trắng. Hôm nay mới giữa mùa xuân, đến khoảng cuối xuân tuyết sẽ tan và chảy vòng vèo xuống, sẽ đem theo ít đất thịt làm cho những đỉnh núi vốn thoai thoải lùn lùn càng lùn thêm.
Nhìn con đường phía trước vòng qua dãy núi có vẻ đông, tôi lo bị kẹt xe. Hễ kẹt là trễ cả tiếng đồng hồ, vừa sốt ruột khi chỉ lái nhích từng tí, vừa lo bị mất bài giảng, vừa phải hát luôn miệng cho đỡ chán. Nắng đã tràn xuống con đường vòng qua eo núi làm trong xe cũng ấm lên. Tới trường rồi. Tới vừa đúng giờ thế này những bãi đậu gần lớp học thế nào cũng đầy, tôi biết phận lái ra phía xa hơn.
Có lần bạn bè hỏi đường đến trường tôi khi họ sắp được phỏng vấn. Tôi chỉ họ theo lối này, quẹo đó, rẽ kia, rồi đến đường Sunset Way thì cứ đi hoài cho đến khi hết đường. Trường tôi nằm bên tay trái, nếu nổi hứng mà lái dấn thêm sẽ đâm đầu xuống thung lũng ráng chịu! Sáng nào tôi cũng không quên lướt mắt nhìn xuống thung lũng trước khi vào trường rồi ở riết trong ấy cả ngày.
Vào những buổi sớm mùa thu, thung lũng mờ sương mênh mang như khói tỏa, tôi trông xuống tưởng tượng ông trời đang nấu cháo. Cháo trắng đặc hẳn hoi nhé! Nhưng hầu hết các ngày trong năm, trời trong sáng không vẩn tí mây, săm soi bốn phương tám hướng, đến tận phía sau những rặng núi cũng không tìm thấy một sợi mây!
Lúc này tôi nghĩ làm họa sĩ chắc chẳng khó mấy, chẳng hạn muốn vẽ bầu trời thế này, tôi cứ lấy màu xanh lục pha thật loãng, dùng cọ quét đại tứ phía chẳng cần để ý đậm nhạt, sáng tối gì cả, dĩ nhiên đừng quá đà tô luôn cả núi bằng màu xanh ấy. Có lẽ nếu không được trường phái ấn tượng nhìn tới thì chắc cũng có bà con với trường phái hiện thực.
Tôi ngồi gần cô bạn Ấn Độ tên Sangati. Ngày xưa tôi nói nhiều kinh khủng, nhưng từ khi ở cạnh Sangati tôi thấy mình điềm đạm quá chừng! Những lúc bài nhiều mà Sangati cứ nhìn thẳng mặt tôi nói lộp độp lọt đọt hoài, tôi bị nhức đầu và thật sự chóng mặt. Bù lại cho cái miệng chúm chúm Ấn Độ điển hình và nói nhiều đó, Sangati hết lòng hết dạ với tôi.
Lớp học tôi hình tròn có năm dãy ghế ngồi, bục giảng ở giữa với năm màn hình lớn trên cao hướng về những dãy ghế ngồi của chúng tôi. Thầy cô đứng giảng phải xoay vòng liên tục để nhìn đủ mặt cả lớp. Mỗi dãy ghế ngồi thông với một cánh cửa mở ra căn phòng nhỏ, nơi dành cho việc học nhóm.
Ngày nào tới trễ, tôi thập thò đứng trong phòng nhỏ, ra hiệu cho Sangati, cô nàng lập tức canh lúc thầy xoay qua phía khác thì ngoắc tay, tôi lẹ làng chuồn vào, vừa kịp thầy quay tới thì tôi đã ngồi đó ghi chép hệt như những sinh viên chăm chỉ đúng giờ khác. Có đồ ăn ngon Sangati luôn gói ghém đem cho tôi, thành ra bây giờ tôi đâm ghiền thức ăn Ấn Độ.
Buổi chiều ra về còn thú vị hơn buổi sáng. Bầu trời không còn hiền dịu đơn sắc xanh nhạt. Đằng sau dãy núi phía này, nền trời hồng nhẹ từ đỉnh núi, rồi phớt lên màu xanh nửa lá cây, nửa lam. Dãy núi sát bên ngược lại, bắt đầu từ màu xanh rồi chuyển dần lên màu hồng. Những ngọn núi đứng xa hơn có màu tím, hoặc xanh thẫm. Cứ thế nguyên thành lũy núi non bao quanh thung lũng sáng rực rỡ trong những gam màu khác nhau.
Gió luôn thổi thốc tháo trước hoàng hôn, gạt mây nằm tứ tung ở mỗi góc trời, làm như ông trời tự nhiên làm biếng, chỉ lo ngóng tới giờ đi ngủ mà chẳng chịu quét nhà. Mây liên tục che nắng ở các góc khác nhau. Đôi lúc cả thung lũng im trong bóng râm trong khi một trái núi sáng rực lên.
Hay ông trời nổi cơn nghịch ngợm cầm đèn pha chiếu sáng quả núi ấy chơi? Mặt trời rốt cuộc chịu chìm xuống sau dãy núi phía tây. Những rặng núi in rõ mồn một lên bầu trời hóa ra có hình dáng cương quyết nhưng thô thiển, như được đẽo bởi đôi tay của một điêu khắc gia khao khát sáng tạo một tác phẩm khổng lồ, hao tổn không biết bao công sức nhưng lúc gần hoàn thành thì kiệt sức, chẳng buồn gọt giũa những chi tiết tỉ mỉ cuối cùng nữa. Nhìn cứ giống như là cảnh giả. Người ta thường ví một phong cảnh đẹp như tranh, hoặc một bức tranh đẹp như thật. Thôi tôi cứ nhắm mắt thiên vị bảo rặng núi lúc này đẹp, chỉ đơn giản đẹp chứ không giống gì hết.
Vừa về đến nhà, tôi vội nấu chút canh cơm gì đó. Nếu bài vở không dồn nhiều, tôi leo lên giường ngủ một hai tiếng mà không sợ bị má la “con gái ngủ ngày”! Những bữa tinh thần thể dục thể thao chiến thắng, tôi chạy bộ ra công viên. Dọc đường thế nào tôi cũng đáp lại chỗ này chỗ kia săm soi những bông hoa dại hiếm hoi nấp trong đám cỏ ở xứ sở sa mạc này.
Vậy là gần hết một ngày của tôi. Những giờ còn lại của buổi tối, tôi học bài. Trong non nửa thời gian học bài đó tôi nghĩ ngợi mông lung, nhớ ba má, nhớ em, nhớ nhà, loanh quanh dọn dẹp hoặc tưới chậu hoa.
Tôi chợt nhớ đến vườn hoa của má tôi nơi quê nhà. Ngày đó tôi và em gái tôi rất thích trồng hoa, nói chung là thích bắt chước làm bất cứ cái gì má tôi làm. Má khoành riêng ra đâu hai mét vuông đất cho hai chị em. Tôi bèn lấy gạch cặm một hàng ngăn đôi mảnh vườn nhỏ xíu đó cho mỗi đứa “hùng cứ” một bên. Tôi trồng gì, nhóc con kia trồng nấy: hoa mười giờ, hoa dừa, hoa sam...
Mỗi đợt hoa tàn, hai đứa tách hạt phơi khô, gieo tiếp. Tôi luôn xúc động khi thấy những cây con mới đâm chồi, hai cái lá non nớt bé xíu xanh nhạt nhú lên, rồi nhanh chóng phổng phao. Sáng sớm mới ngủ dậy, hai chị em chạy ngay ra vườn đếm xem đứa nào có hoa nở nhiều hơn.
Nhà tôi ở trọ nơi đây chẳng có lấy một bóng cây, đất sa mạc khô cằn ngày càng rắn lại dưới cái nắng thiêu đốt qua mỗi mùa hè. Tôi mua một chậu cây nhỏ xíu bằng cái ly uống nước, không biết loại dây leo tên gì, chẳng bao giờ nở hoa. Dù sao những chiếc lá hình ngôi sao cũng xinh xắn và mát mắt.
Tôi nâng niu từng mầm non đang rướn mình, săm soi từng kẽ lá. Cái cây ỷ được cưng càng yểu điệu bò vòng quanh, khẽ khàng đụng lên những cuốn sách tôi dựng gần bên. Lần nọ tôi đi Texas chơi, nó ở nhà buồn đến khô héo, mặc cho tôi kiên nhẫn tiếp tục tưới nước ba tháng liền.
Sẵn dịp hôm qua dọn dẹp tủ lạnh phát hiện ra một củ hành nảy mầm, tôi thế đỡ vào chậu, tự an ủi thôi có chút màu xanh cũng được, lỡ tuần nào không rảnh lái xe đi chợ Việt Nam cách nhà hơn 30 cây số thì có hành nấu canh.
Tôi hay đi ngủ trễ, khoảng 1, 2 giờ sáng. Giấc mơ của tôi hay lẫn lộn người và cảnh ở quê nhà, nơi có gia đình thân yêu của tôi, với hiện tại ở đây chỉ mỗi mình tôi, nhiều khi vô lý, lãng xẹt đến mắc cười.
Tôi sẽ gửi bài này cho má đọc, để má biết tường tận một ngày của tôi - một ngày và núi - để má vui và đỡ nhớ tôi.
Hoa Kỳ, giữa mùa xuân 2005