Hôm sau xe quay về Sài Gòn với đám tù nhân bị nhà tù Đà Nẵng chê bỏ. Người ta trùm kín cửa sau, mặc xác chúng tôi ngộp thở. Tôi hoàn toàn mù tịt với quang cảnh hai bên đường. Chúng tôi hết nhẵn cả bánh trái. Còn chút nào dư, Mai bím và tôi đã chia cho anh em mỗi đứa một miếng. Người ta không cho chúng tôi ăn, không cho chúng tôi uống. Chúng tôi khát rã họng, khát khô cổ. Vì cơn khát, nhiều thằng đã chết đêm qua, số còn sống no đòn đang ngắc ngoải trên xe. Chúng nó nằm ngửa, chân tay dang ra và miệng há hốc. Mai bím thử làm một chuyện cứu khát, nhưng thất bại. Nó rặn hoài, rặn hoài mà nước đái không chịu chảy. Một vài đứa đã nhắm mắt, trước khi cố thè lưỡi, rên rỉ thèm nước. Chúng tôi “báo cáo” cả chục lần, bộ đội lờ đi hoặc tiếng nói của chúng tôi yếu quá, bộ đội nghe không rõ. Mãi chiều tối, xe mới dừng. Bộ đội mở tấm màn bố, dùng xô nhôm múc nước dưới ruộng, hắt lên ào ào. Cũng chỉ được năm xô. Chúng tôi nằm sấp, úp mặt xuống sàn xe liếm nước. Tấm bố lại trùm kín. Và xe lăn bánh.
Người ta tranh thủ thời gian, chạy cả ban đêm. Vì xe kín mít, chúng tôi mất phần quà cáp khi qua những nơi đông dân cư buôn bán. Chúng tôi nằm chờ chết đói, chết khát. Nói đúng thì chúng tôi nằm… khắc phục. Chúng tôi mệt mỏi, kiệt sức rồi, không đủ hơi báo cáo bộ đội mình sắp chết nữa. Lúc nào, thấy nước tạt lên mới biết mình còn sống và cố xoay mình, úp mặt liếm nước chưa kịp thấm khô trên sàn xe. Phải mất hai ngày, một đêm chúng tôi mới đến cổng khám Chí Hòa. Thủ tục nhập trại lần này dễ dàng, nhanh chóng. Xe vào sân khám, vào vòng sân thứ hai. Tấm bố vén lên. Ô khóa mở. Cửa sắt bung ra. Người ta bảo chúng tôi khẩn trương nhảy xuống.
Thêm năm thằng chết trên đường về! Những thằng còn sống đều té khuỵu khi nhảy khỏi xe. Bình thường thôi. Chẳng ai xúc động về những cái chết khốn nạn của những thằng suốt đời khốn nạn. Chúng tôi xếp hàng đôi, lảo đảo vào cái lò bát quái như bọn cô hồn qua cửa địa ngục. Và, chúng tôi lại được đẩy vào cái phòng mà mấy hôm trước chúng tôi đã rời đi. Hai mươi lăm thằng tù nhãi ranh sống sót trở lại. Cái xe kia chắc là nhập trại khác nơi chúng đã xuất trại. Cửa phòng chưa kịp đóng, chúng tôi đã nhào tới hồ nước, uống không biết chán, uống căng bụng lết chẳng nổi. Sau đó chúng tôi nằm ngủ với những cái dạ dày đầy nước lũ. Tôi thức dậy sớm nhất, trước giờ kẻng khua. Dưới ánh đèn vàng khè, tôi nhìn những người bạn tù nhãi ranh của tôi, không dám tin rằng chúng nó còn sống. Nhân loại, tôi nghĩ, từ khi có nhà tù và có tù nhân đã chưa bao giờ có thứ tù như tôi, thứ tù bị nhà tù chê bỏ mà vẫn bị tù! Tôi vừa đi một chuyến xuống địa ngục không tìm thấy trong kinh sách, cái địa ngục của khẩn trương, khắc phục ấy đã nuốt đi ba mươi lăm thằng nhãi ranh ngon lành. Đấy, phải chăng, cũng là niềm bí ẩn của một đời sống cùng trên trái đất?
Tôi lay Mai bím. Nó mở mắt.
- Đi nữa hả, mày?
Tôi lắc đầu:
- Không, nhưng mày nên dậy.
- Dậy là đéo gì?
- Dậy nói chuyện cho tao bớt sợ.
Mai bím ngồi dậy, dựa lưng vào tường:
- Sợ quá rồi, bây giờ đéo sợ nữa. Đủ má, nó hành hạ mình hơn con nít hành hạ khỉ Sở Thú!
Tôi nói:
- Tao nghi còn có thằng chết.
Mai bím nghiến răng:
- Nghi con cặc, chết hết rồi. Đi nữa là chết hết.
Nó nhìn tôi:
- Tao bị tù mười mấy lần lận, đéo đi lao cải lao muống chi hết. Nằm khoèo vài tháng là chê nhà tù. Đủ má, giờ bày trò lao cải, đưa con nhà người ta đi thảm hơn chở chó chở heo. Đủ má, khát thấy mẹ nó bắt khắc phục!
Tôi nắm tay Mai bím:
- Đừng cằn nhằn, mày!
Mai bím gỡ tay khỏi tay tôi:
- Đủ má, khát đi uống thì nó lùa về đấm đá là đủ, lại bắn chết người ta.
Mai bím nguyền rủa lung tung beng. Nó lải nhải tới lúc kẻng điểm báo thức. Bọn nhãi lục tục thức dậy đi đái. Chúng nó đái xối xả, đái như ngựa. Tôi hỏi Mai bím:
- Sao mày không bắn?
- Đói quá phê có thể chết.
Tính ra, chúng tôi đã nhịn đói ba ngày. Nhưng Chí Hòa vẫn phát cơm đúng bữa, không có ngoại lệ gì cả. Bọn nhãi hết ham ngủ. Chúng nó ngồi thừ người. Bấy giờ, cả lũ thấm đói. Rất may không đứa nào nâng cao tỷ số chết! Phòng giam im lặng, nghe cả tiếng muỗi vo ve. Chúng tôi ngồi bất động. Tới mười giờ, người ta phát chén, muỗng, xô chậu. Và cơm canh vào. Cảnh tượng chia cơm canh rất… trật tự. Một mình Mai bím chia cơm và tôi chia canh. Mời hoài, bọn nhãi mới chịu lết đi lấy phần. Chúng ăn một cách mệt mỏi, chán nản. Nhiều đứa không ăn hết phần cơm. Ăn xong, bọn nhãi lăn kềnh xuống ngủ, đợi cơm chiều. Bữa cơm chiều đã có phần hồ hởi, chúng đớp sạch bách rồi tắm gội, giật quần áo, văng tục, chửi thề. Khi đèn lên, bọn nhãi tụ tập quanh cái bình điếu của Mai bím. Tất cả tin chắc mình còn sống. Và thành tích cay đắng được kể lại say sưa. Những lằn roi điện hằn trên thân thể được đem ra khoe. Những vết tím bầm của báng súng được phơi bày.
Rồi khói thuốc bay và sinh hoạt phòng trở lại ồn ào như cũ. Chúng tôi ở ô hai tuần lễ dưỡng sức, thằng nào cũng phấp phỏng chuyến đi sắp tới. Công dân vỉa hè sợ đi lao cải xanh mặt. Tèo tép hết dám nhí nhố. Nó ớn đến già vụ trốn chạy vừa qua. Nó nói rằng nó nằm cạnh một thằng trúng đạn mà nó thoát. Nó bảo giá trúng đạn chết còn sướng hơn sống. Tèo tép cứ chép miệng tiếc rẻ hoài cái đêm ở biển Nha Trang.
Cuối tháng mười một năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, người ta lượm ở đâu được hai mươi thằng nhãi, tống chúng vô phòng tôi. Những thằng nhãi này mới lên bảy, lên tám. Mai bím thở dài:
- Mẹ, sắp lập bản danh sách mới.
Tèo tép chửi thề:
- Đủ má, lại đi nữa, đói nữa, khát nữa, chết nữa.
Chẳng cần đợi lâu, người ta đã phát một tờ giấy lớn và cho mượn cái bút, bắt Mai bím lập danh sách. Tôi làm công việc thư ký. Danh sách gồm bốn mươi lăm đứa. Lập xong danh sách, người ta mở cửa phòng bảo chúng tôi, mỗi lượt hai đứa, ra hành lang hớt tóc. Bây giờ nhà tù cách mạng mới nhớ đến những mái tóc ổ quạ của chúng tôi. Bốn tháng rồi, tôi có mái tóc híp-py rậm rạp, dài thoòng. Cũng may, chấy chưa thích lập chiến khu trên đầu chúng tôi. Thợ nhà tù dùng tông đơ lưỡi thưa của Trung Quốc, chuyên hớt lông ngựa, lông cừu, đẩy tóc chúng tôi cao tít, lởm chởm. Chỉ hớt tóc chứ không cạo mặt. Tôi xin hớt trọc, thợ không dám hớt. Họ bảo hớt trọc là chống đối! Nhà tù cách mạng lạ lắm. Để râu, để tóc dài là chống đối. Hớt trọc là chống đối luôn. Hớt vừa vừa thôi. Hớt lem nhem kiểu vẽ đảo Côn Sơn, Phú Quốc sau gáy và bấm trán thẳng tắp là… cải tạo tốt! Danh từ bây giờ lạ lắm. Đi tù là cải tạo. Khổ sai là lao động. Lấy cung là làm việc. Thẩm vấn là chấp pháp.
Tôi không có gương để soi xem bộ mặt mình nó biến thành mặt giống gì. Đành nhìn mặt mình bằng mặt người khác. Và thấy một nỗi buồn lênh láng. Cắt tóc đẹp đẽ, gọn gàng rồi, người ta phát cho chúng tôi mỗi đứa một bộ đồ tù màu xanh nhạt, dặn chúng tôi tắm gội sạch sẽ, sáng mai mặc quần áo mới để tiếp phái đoàn thanh tra. Chúng tôi được học một bài hát mà chúng tôi đã học và chế hàng chục thứ lời lếu láo. Hôm nay phái đoàn thanh tra tới năm người. Toàn nón cối, dép râu và đeo túi xà cột. Cán bộ quản giáo hô “nghiêm”. Chúng tôi đứng nghiêm. Thực ra, chúng tôi bơi đứng trong những bộ đồ tù của người lớn. Mai bím đã được “học tập”, nó dõng dạc nói:
- Chào phái đoàn kính mến!
Phái đoàn vỗ tay. Chúng tôi vỗ tay theo. Cả làng vỗ tay. Mai bím lấy giọng:
- Như có bác Hồ… hai, ba…
Chúng tôi hợp ca:
- Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.
Việt Nam
Hồ Chí Minh
Việt Nam
Hồ Chí Minh
Chúng tôi hát ba bốn lần chậm, nhanh, vỗ nhịp. Phái đoàn thanh tra khen tốt. Một vị thanh tra lên lớp:
- Các em là những người có tội với Đảng với Nhân dân, nay phải tích cực cải tạo để trở thành những công dân tốt của xã hội chủ nghĩa. Về sớm hay về muộn là do các em. Hễ tiến bộ nhanh về sớm, tiến bộ chậm về muộn, không tiến bộ không về. Chúc các em khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn, lao động cải tạo tốt để sớm về sum họp gia đình.
Vị thanh tra vỗ tay. Chúng tôi vỗ tay nữa. Ông hỏi:
- Có em nào đạo đạt ý kiến gì không?
Tèo tép dơ tay:
- Như cháu không có gia đình thì về vỉa hè được chứ?
Vị thanh tra đáp:
- Cháu sẽ về nông trường, công trường sản xuất làm giàu mạnh cho tổ quốc. Em nào có nguyện vọng gì, muốn gì?
Mai bím dơ tay:
- Em muốn xin hộp quẹt để hút thuốc lào!
Vị thanh tra không trả lời. Phái đoàn rời phòng. Cánh cửa khép cái rầm giận dữ. Chúng tôi vỗ tay cho vui. Không khí náo động khởi sự. Mỗi đứa nói một câu theo ý mình.
- Có bác Hồ trong này mới vui.
- Thành công đéo gì mà còn bắt chúng ông?
- Về vỉa hè mới khoái, về nông trường làm củ lõ gì!
- Thuốc lào mới muôn năm!
Bọn nhãi bình phẩm, khích bác loạn xà ngầu. Có đứa dám nhại lời bài vừa hát rất hỗn láo. Mai bím tẽn tò nhất. Nguyện vọng của nó là hộp quẹt đã bị lờ đi. Nó chửi đổng:
- Đụ má, hộp quẹt đéo cho, tiến bộ cái khổ nào. Ông mê hộp quẹt, không ham đoàn tụ gia đình. Mẹ, móc túi, cướp giật là tốt chó gì.
Mặc dù nói xỏ xiên, chửi láo lếu, chúng nó vẫn khen Ban thanh tra vì nhờ Ban thanh tra thăm phòng nên bữa ăn sáng nay có thịt heo kho, có xương nấu bắp cải. Chúng nó mong Ban thanh tra viếng phòng đều đều. Cao hứng chúng nó lấy muỗng gõ bát hợp ca bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” Từ hôm đó trở đi, bài hát ca ngợi bác Hồ được rống lên những lúc gãi ghẻ hay những lúc đói thuốc lào. Hầu như, bọn nhãi đã quên nỗi sợ đi lao cải. Danh sách nộp lâu rồi, chưa thấy kêu tên. Mỗi thằng tù là một vị tiên tri. Đứa thì quả quyết sẽ đi lao cải vì ông thanh tra đã “diễn văn” lao động cải tạo tốt. Đứa thì cá sẽ không đi lao cải nữa vì không nơi nào nhận tù con nít. Thú thật, tôi chán cái phòng tù hắc ám này rồi. Đi lao cải hay ở lại Chí Hòa cũng vẫn ở trong tù tối tăm không có ngày mai. Chỉ còn mong về. Nhưng trở về mút mít như ngọn đèn chài biển xa. Tôi không ngờ đời tôi khốn nạn thế.
Tự nhiên, tôi trở thành kẻ có tội với Đảng với Nhân dân một cách lãng nhách. Về hay không là do tôi. Tôi muốn điên đầu với chữ nghĩa cách mạng. Làm sao tôi biết tôi tiến bộ? Làm sao tôi có thể bắt người ta nghe tôi, rằng, tôi không tiến bộ vì tôi chẳng có tội với ai? Người ta bắt tôi nghe, không cho tôi nói. Người ta bắt tôi khát, không cho tôi uống. Người ta bắt tôi chết, không cho tôi sống. Loài người độc ác quá. Loài vật đâu có nhà tù. Con hổ chỉ vồ con nai, con hoẵng ăn thịt dần. Loài người khôn hơn nên nham hiểm hơn. Tôi phải xin lỗi Mai bím mới được. Nó chẳng độc ác tí nào.
- Vũ!
- Gì?
- Mày nhớ nhà đấy à?
- Không.
- Vậy tốt, nhớ quá sinh bệnh là chết mất xác là hết về nhà.
- Mai bím.
- Chi nữa?
- Tao xin lỗi đã bảo mày độc ác.
- Tao có cãi tao không độc ác hồi nào? Tao nhận tao độc ác mà.
- Mày không độc ác.
- Tao độc ác.
- Không.
- Ờ, cũng chẳng sao. Mà mày nên tập hút thuốc lào cho đỡ nhớ nhà.
Mai bím khe khẽ hát “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây.” Nó vỗ nhẹ vai tôi:
- Khi phê quên hết mọi sự. A, Vũ ạ!
- Gì?
- Ông Chúa sẽ buồn lắm.
- Chúa nào?
- Chúa tao sẽ làm tặng mày. Tao khắc Chúa, ông nào cũng buồn cả, tụi nó khen tao đấy. Ức ghê, chưa xoay được khúc dây đồng hay cái căm xe đạp.
- Từ từ.
- Mày phải có ông Chúa mà hủ hỉ. Mày không thích chơi với đứa nào nên mày buồn. Tao kiếm ông Chúa cho mày chơi.
Mai bím nhận xét đúng. Ngoài nó, tôi không chơi với đứa nào. Mai bím có cái gì khác lạ mà bọn nhãi không có. Tôi hy vọng, tôi ước ao, trên bước đường tù đày, luôn luôn được sống cạnh Mai bím. Nó cũng muốn thế. Để bảo vệ, che chở tôi. Mai bím khoái làm hiệp sĩ.
- Vũ ạ, tao hầm tụi nó quá sức. Về với vỉa hè lần này, ông sẽ chỉ kiếm bím bộ đội ông nạo cho bỏ ghét. Tao thề không móc túi dân thường nữa, họ cho mình quà bánh khiến tao ân hận.
- Mày sẽ không về vỉa hè.
- Vậy về đâu?
- Về nhà tao.
Mai bím lảng chuyện:
- Lần này đi mình phải thủ nước, mày ạ!
Tôi gật đầu. Mai bím bỏ đi chỗ khác. Một ngày giữa tháng mười hai, người ta tới phòng gọi tên chúng tôi. Bọn nhãi nháo nhác. Đời sống ở đâu cũng bất ổn, kể cả nhà tù. Lao cải chưa hết, chưa thấy nên chưa sợ. Nhưng đường đi lao cải thì đã biết và sợ ớn xương sống. Tất cả đều sợ khát. Khốn nỗi chẳng có bình chứa. Mai bím xúc kỹ lưỡng bình điếu, múc đầy nước. Nó còn số túi ny lông, phát cho anh em đổ nước rồi lấy dây thun buộc chặt. Tù nhãi ranh, nói theo danh từ dân vỉa hè, là con bà Phước, nghĩa là mồ côi, không ai thăm nuôi. Do đó, thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi sợ khát hơn sợ đói. Hàng chục đứa đã chết đạn vì khát ở Đà Nẵng. Chúng tôi phải lo thân chúng tôi.
Sáng hôm sau, chúng tôi rời phòng. Mai bím bảo tôi cầu nguyện Chúa giúp chuyến đi bình an. Thằng này khoái dụ người khác cầu nguyện Chúa. Nó có thể thành con chiên yêu dấu nhứt của Chúa, nếu nó còn sống trở về chịu phép thánh tẩy. Như lần trước, chúng tôi thoát cái lò bát quái, ra vòng sân sát đó. Xe vận tải chờ sẵn. Người ta phát cho mỗi đứa một nắm cơm. Vậy là đi gần thôi. Tôi yên dạ. Bộ đội điểm số và bảo chúng tôi lên xe. Chúng tôi quen trò này rồi, chấp hành mệnh lệnh nghiêm chỉnh. Mai bím và tôi vẫn ngồi sau xe. Bộ đội nói:
- Các em cố gắng giữ trật tự trong khi xe chạy nhé.
Anh bộ đội này có vẻ dễ chịu. Mai bím hỏi:
- Đi xa không, anh bộ đội?
- Tối đến nơi.
- Đâu lận?
- Phước Long.
- Lần này còn trở lại Chí Hòa không, anh?
- Đi luôn, ở đây tới ngày nhà nước khoan hồng cho về.
Chúng tôi đi Phước Long. Người ta đã nói huỵch toẹt thế. Cần quái gì phải giữ bí mật. Tù nhãi đáng chi quan trọng. Tấm vải bố kéo xuống kín mít. Xe nổ máy, lăn bánh trên lớp đá răm, rời khám Chí Hòa. Liệu tôi đã nói vĩnh biệt cái lò bát quái được chưa? Thêm lần nữa, tôi qua những con phố quen biết. Mai bím vén khẽ tấm bố. Tôi nhìn mọi người xem có gặp ai quen, có gặp mẹ tôi, em tôi. Tôi lại thất vọng như tôi đã thất vọng. Chú Tường chắc đã viết thư về nhà tôi. Mẹ tôi còn sống sẽ nhận thư và sẽ đi tìm tôi. Thưa mẹ, mẹ tìm con ở đâu? Danh sách người ta không chịu ghi địa chỉ, tên cha mẹ thì làm sao mẹ lãnh con về? Mẹ hãy tin rằng con vẫn sống, vẫn can đảm chịu đựng mọi nghịch cảnh để trở về với mẹ với em yêu dấu.
- Vũ, mày rành đường đi Phước Long không?
- Hơi hơi, tỉnh này gần biên giới Miên.
- Mình phải qua đâu?
- Bình Dương, Đồng Xoài, Bù Nho, Phước Bình…
- Vậy là mình lên rừng sau khi xuống biển.
- Tao nằm ngáo nhé! Chắc chiều tới Phước Long.
Xe đến ngã tư xa lộ Hàng Xanh, quẹo trái. Thẳng đường này, xe qua cầu Bình Triệu đi Bình Dương. Tấm vải bố không được phép kéo lên, tôi đâm ra chán ngắm cảnh và cũng xoay một chỗ nằm. Hình như chỉ có một xe đi lao cải Phước Long, tỉnh được giải phóng đầu tiên ở miền Nam. Hồi mất Phước Long, tôi biết. Trường học treo cờ rũ ba ngày. Ai ngờ, cả miền Nam, hai năm sau, bị quân cách mạng ngốn sạch. Và tôi bị ngốn luôn. Tôi nằm, gối đầu lên túi xách, vắt tay ngang trán nghĩ vẩn vơ. Trời hôm nay không mấy nắng nên xe bớt hầm nhưng đường xấu, xe chạy không nhanh. Chẳng hiểu chú Tường nói có ngoa không. Người nào viết truyện về tôi, nhân loại sẽ khóc hết nước mắt. Tôi nhớ lại đêm đầu tiên ở sân Hoa Lư và đêm thứ hai ở bến xe mới Đà Nẵng mà giật mình. Mới chỉ là khúc ngắn ngủi của cuộc đời, tôi sẽ trải qua bao nỗi đắng cay, thống khổ để làm người, nói theo chú Tường. Tự nhiên tôi rơi xuống đáy sâu của thù hận. Nhưng tôi sẽ chẳng thù hận ai, thù hận vô tích sự. Chúa phải thương thôi vì tôi tin chắc, thời thơ ấu của Chúa không cơ cực bằng tôi. Chúa cho và Chúa đòi lại những sợ hãi trong con và cho con can đảm để con sống trọn đời con.
Buổi trưa, xe ngừng một tiếng để tài xế, lơ, bộ đội ăn cơm. Chúng tôi cũng ngồi dậy ăn cơm, uống nước. Tuyệt nhiên, người ta không hỏi han gì chúng tôi nữa. Tấm vải bố cứ phủ kín một cách trơ trẽn. Nó không biết xúc động. Hết giờ nghỉ, xe lại chạy. Chúng tôi không cảm thấy nóng nực, ngộp thở. Nhưng lạ lắm, tất cả chúng tôi bắt đầu lành lạnh. Chúng tôi đã ở vùng khí hậu khác. Bây giờ tháng cuối mùa đông, miền Phước Long lạnh rồi. Xe càng gần Phước Long bao nhiêu, càng lạnh bấy nhiêu. Chẳng hiểu sao, tâm hồn tôi bớt se sắt. Có lẽ, tôi nhớ cái mảng mục mà ông thanh tra đã vất xuống dòng sông nước lũ: “Tiến bộ nhanh, về sớm.” Nhà tù có phải là thước đo từng ly từng tấc kiên nhẫn của con người?
- Đến đâu rồi, Vũ? - Mai bím hỏi tôi.
- Sắp đến nơi, - tôi đáp bừa.
Mai bím ngồi bật dậy.
- Chuyến này đi ngon lành ghê. Có Chúa của mày phù trợ đấy.
Tôi nói:
- Chúa của mọi người.
Mai bím vén hé tấm vải bố. Tôi nhìn rõ cây cầu và tên của nó: Cầu Daklung. Cầu bắc ngang Sông Bé. Xe qua cầu Daklung chừng mười mấy cây số thì ngừng trước một cổng trại. Đó là trại Phú Văn. Chúng tôi ngồi trên xe, hồi hộp chờ bước xuống cái nhà tù lao cải. Tất cả đều mong Phú Văn bớt chăm hơn Chí Hòa. Sau một vài thủ tục nhập trại, xe chạy vào sân trại. Tấm vải bố vén lên, cửa mở, chúng tôi xuống xe, xếp hàng đôi cho cán bộ trại đếm. Rồi chúng tôi ngồi thật lâu. Bọn tù cũ ngồi trong nhà nhìn chúng tôi, chỉ trỏ, ra hiệu thân ái. Toàn là nhóc con. Trông chúng nó đen đúa, mạnh khỏe mà phát thèm.
- Tao gặp phen rồi. - Mai bím hoan hỉ khoe tôi. - Thằng này dân Đồng Khánh.
- Khẽ mồm chứ. - Tôi cảnh cáo Mai bím.
- Đây khác Đà Nẵng.
- Phải cẩn thận.
Bộ đội dẫn độ chúng tôi từ văn phòng ra xe. Xe quay đầu, rời trại. Chắc họ về thị xã ăn uống, nghỉ ngơi. Cán bộ trại gọi tên chúng tôi, dẫn chúng tôi vào một căn nhà làm bằng tre lồ ô, lợp lá, sàn đất và dặn:
- Cấm liên hệ linh tinh. Lát nữa sẽ phát cơm nước. Ăn xong đi ngủ, chờ biên chế rồi bắt tay vào sản xuất.
Cán bộ dặn dò xong, bỏ đi. Mai bím xoa tay vui vẻ:
- Địa ngục mãi rồi cũng phải thiên đường chứ bộ.