Dòng văn học chữ Nôm có ba nữ sĩ tài ba: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, và Bà Huyện Thanh Quan; mỗi người một vẻ, đã tô điểm cho văn học Việt nam những nét tuyệt vời. Hồ Xuân hương, với nét trẻ trung tươi mát, tạo thêm tính lạc quan yêu đời; Đoàn Thị Điểm, với lòng chung thủy thắm thiết, đã nêu cao truyền thống của người phụ nữ Việt nam nghĩa tình sâu đậm ; và bà Huyện Thanh Quan, với sự đoan trang, kiên nghị, hoài cổ, đã tạo thêm nghị lực trung trinh, lòng yêu mến trân trọng quá khứ của tiền nhân và gia đình. Tương lai nằm trong quá khứ, chúng ta thêm thấu hiểu và kính trọng Nữ sĩ khi đọc lại những dòng thơ chứa đầy tâm sự của bà, những bài thơ giúp ích cho chúng ta xây dựng tương lai khi đã nhớ thương, yêu mến những di sản của cha ông.
Nếu có thể ví Văn chương chữ Nôm như một kho tàng chứa đầy châu ngọc, thì với tài năng kiệt xuất của mình, Bà Huyện Thanh Quan đã chọn lọc và gọt dũa những viên ngọc để kết thành vương miện cho Nàng Thơ. Trên vương miện đó, số châu ngọc tuy không nhiều, nhưng thật đẹp, thật quý. Tạo nên dáng vẻ yêu kiều tôn quý cho một Nàng Thơ đài các, uy nghi, khiến bao người trầm trồ chiêm ngưỡng. Bao thế hệ yêu thơ sau này, đã như giới thi sĩ của đất Thăng Long xưa, sẽ mãi mãi bày tỏ lòng ngưỡng mộ tri ân khi nhìn vào vương miện của bà đã làm cho Nàng Thơ trong lâu đài Văn Hoá Việt, một công trình rực rỡ của một Nữ Sĩ đoan trang đầy tài năng và đức hạnh trong dòng văn học Việt Nam.
---
1.Có sách viết tên ông Huyện là Lưu Hân, Lưu Huân, hay Lưu Nguyên Ân. Nhưng căn cứ theo gia phả họ Lưu ở làng Nguyệt Áng, ông có tên gọi Lưu Ôn.
2. Cũng có sách cho rằng bài "Chơi khán đài xuân" là của Bà Huyện Thanh Quan, còn bài "Cảnh chiều hôm" chỉ là bản thảo của bài "Chiều hôm nhớ nhà", nên số bài thơ vẫn là 6.
3. Như câu "Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày" trong bài thơ "Thề non nước" của Tản Đà, có người đề nghị sửa thành "suối khô. " mới thấy rõ sự chờ mong của suối. Hoặc nhà phê bình Hư Chu, trong câu thơ của Tản Đà: "lác đác Hồ Tây chiếc lá rơi, Trăng khuya vằng vặc bóng theo người", ông đã đề nghị đổi "Hồ Tây" thành "Tây Hồ", sẽ êm tai hơn vì có nhạc điệu.
4. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, tr 367 - nxb Đồng Tháp .
5.Cũng Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, tr 367 - nxb Đồng Tháp
6.Trần Thị Băng Thanh, Tạp chí văn học số 1, năm 1991