Ra khỏi cổng bệnh viện, định băng qua đường. Hạo bỗng gặp Ðạt đi trờ tới. Hạo nói giọng không buồn, không vui:
Ðịnh vào trong ấy à? Sao không đến nữa?
Ðạt ném mẩu thuốc tàn xuống lề đường bập bềnh xác lá chết trên dòng nước mưa cống rãnh chưa tháo kịp, đáp hờ hững:
- Ờ, cũng định thế.
Hạo cười nụ méo xệch:
- Ði kiếm ly cà phê có hơn không?
- Ờ, đi thì đi!
Quần Jean bạc phếch. Áo khoác nhàu nhượi. Cây dù xếp kẹp bên nách và chiếc túi xắc đeo xệ bên vai. Cả người Ðạt như bọc trong sự lặng lờ, toát ra vẻ lặng lờ nom phát chán. Rủ rồi Hạo chợt hối sao không để hắn biến đi đàng nào thì biến, mắc mớ chi phải giây vào. Nghĩ thế nhưng Hạo không đành lòng.
Sánh vai nhau đi xuôi vỉa hè một quãng rồi họ băng qua đường, vào cái quán cà phê dựa kề mé sông.
Quán ế khách. Cô chủ quán ngồi sau quầy vừa đọc tiểu thuyết vừa ngáp vặt. Nghe cái búng tay đánh tróc rất bụi của Hạo, nàng ngẩn lên:
- Ủa anh Hạo, than vẫn còn, vài ngày nữa mang tới nhé.
Hạo cau mày gắt:
- Than với củi. Sao hễ thấy mặt tôi là cô nhắc than thế?
Cô gái cười tỉnh khô:
- Thế anh chả bán than là gì?
- Hai cái đen, lẹ lên.
Tiếng nhạc nổi bập bùng. Giọng hát quen thuộc của Hà Thanh vang lồng lộng trong bầu không khí đắm hơi nước. Dư âm cơn mưa từ buổi sáng vừa tạnh chưa tan bay hết, giờ lại gờn gợn trong lời một ca khúc mưa. “Em đến thăm anh một chiều mưa!”
Khoảnh khắc trước, Ðạt như thả hồn theo những cánh mây phiêu lãng bay qua vòm trời màu thiếc, bây giờ anh chàng mơ màng nhúng chìm hồn vào khúc ca.
Ðạt ngỡ Hà Thanh đang hát riêng cho một mình Ðạt nghe. Tiếng hát sủi tăm, tiếng hát chao cánh bay lượn như là cái cớ mỏng manh để bao kỷ niệm lắng sâu đâu đó tận cùng tâm khảm chợt vật vờ mưng ngợp.
Kỷ niệm óng ánh từng giọt sương, đọng mờ ngoài cửa kính mùa thu xa nào từ tàng gác hai em nhìn thấy anh đứng đợi dưới tán lá trạng nguyên đỏ rười rượi trước ngõ, nhưng em nhất định không xuốn, bởi đang bận... giận. Là ánh trăng non đêm mùa hạ rong qua phố chập chùng bóng người nhòa bóng cây, đi cạnh nhau thỉnh thoảng ta như lạc mất nhau. Là chút nắng hanh làm áo vàng thêm trăm buổi chiều em bâng khuâng chờ anh tới dưới tàng cây muối già trong công viên, chiều nào lá cũng rụng đầy vuông cỏ hẹn. Là những giọt mồ hôi li ti dễ thương trên chót mũi em ngày đầu năm theo nhau bước lên mấy chục bậc cấp chùa Linh Mụ hái lộc, thở không khí hạnh phúc mà hào hễn như hít nhằm khí độc tai ương. Là triệu triệu giọt mưa rập ràng hát hoan ca ngoài hành lang thư viện vắng, lúc em nhắm mắt trao đôi môi tẩm hương huyền bí cho anh để bắt đầu nghi lễ của sự thuộc về, sự ràng buộc...
Tiếng hát, kỷ niệm đan rối nhau bay qua Ðạt tựa qua ải qua đèo. Cái còn và cái mất lặn lặn chìm chìm, rồi bỗng vỡ tan hư hão.
Tiếng hát chẳng gợi gì ở Hạo cả. Hạo vẩn vơ nhìn ba bông hải đường nhụy vàng cách hồng thắm thò ra ngoài miệng chiếc túic xắc của Ðạt để trên bàn, nom ngơ ngác tựa ba đốm lửa không phát hơi ấm mà tỏa hương lạnh lẽo. Thoáng ngập ngừng, đoạn Hạo vói lấy cánh hoa ra cầm tay, ngắm nghía như thể xem chúng là hoa thật hay giả.
Cô chủ quán mang cà phê ra đặt xuống bàn, dợm quay bước. Hạo đưa cành hoa về phía nàng nói giọng bông phèng:
- Bạn tôi có mấy bông hoa định tặng người đẹp, nhưng hắn run quá không dám nói, này cầm đi Băng Sâm!
Cô gái - mặt mày phấn son tươi rỡ. Phấn thoa hơi lạm dụng nên tưởng chừng chỉ cần một làn gió phất qua có thể rơi lả tả từng mảng – nhìn vẻ mặt trầm lắng của Ðạt mủm mỉm cười, mắt ánh tia dò hỏi. Thấy chàng trai vẫn làm thinh, Băng Sâm chơm chớp mắt điệu đàng:
- Có đúng là anh muốn tặng Sâm không?
Ðạt găm lặng tia nhìn xuống bàn như không phải lắng nghe tiếng hát nữa mà đang nghe từng giọt cà phê rời đít phin rơi buồn nản xuống đáy tách. Băng Sâm lườm Hạo:
- Anh là chúa nói bậy. Anh ấy đâu thèm tặng em.
Hạo nhăn nhở cười:
- Thì tôi tặng cô, không được sao?
Biết rõ mình cũng là một loại hoa thường mọc... sau quầy, bên cạnh cái tủ kính chưng thuốc lám cô gái cầm cành hoa vuốt ve ra chiều trìu mến, ra vẻ nàng cũng thuộc loại người rất mực yêu hoa. Nàng thỏ thẻ:
- Nhưng hoa của ai mới được cơ chứ?
Hạo nhún vai buông thõng:
- Của hắn. Hắn định mang tặng một người nhưng giờ khôn gtặng nữa. Không bao giờ tặng nữa. Có phải thế không Ðạt?
Ðạt nhấc phin ra bàn, cho đường vào tách, lặng lẽ uống, lặng lẽ đốt thuốc nhả khói, coi như hai người ở cạnh đang nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ xa lạ nào đó. Ðạt không hiểu, không muốn hiểu.
Một đôi trai gái vào quán. Băng Sâm mang theo cành hoa đi về phía họ, rồi biến mất sau quầy.
Hết chịu nổi sự lặng lờ câm nín của Ðạt. Hạo dấm dẳng:
- Ðạt à, mi vẫn chưa bỏ được cái trò tự mê hoặc mình ấy sao?
Tiếng hát vụt nghẹn. Kỷ niệm bay biến. Ðạt vừa sực tỉnh:
- Trò gì?
- Lúc nãy nếu không gặp tao, mi lại mang hoa hải đường vào bệnh viện phải không nào?
- Cũng đâu có sao!
- Bây giờ ở đấy ai cũng bảo mi bị bệnh tâm thần.
- Kệ họ.
Không định xẵng giọng. Hạo bỗng nghe giọng mình vụt cao lên một cách riết róng:
- Bây giờ là cuối thế kỷ hai mươi, chả còn ai lãng mạn kiểu cổ điển như mi đâu.
Ðạt lừ đừ:
- Rõ rồi. Tao là thứ đồ lạc hậu.
Hạo uống ngụm cà phê đậm đặc không đường dịu giọng:
- Mi vẫn tin cô ấy còn quanh quẩn ở chiếc giường ấy sao?
- Có khùng mới tin vậy.
- Thế mang hoa vào để làm gì?
- Ðơn giản như là một thói quen chưa bỏ được!
Thói quen! Ðạt nói mà như mỉa mai, cay đắng. Hạo châm chọc:
- Lặp lại mãi, thói quen dù đẹp đẽ đến đâu riết cũng thành trò rởm.
- Ờ thì rởm! Ðể tao yên.
Lảng mắt nhìn ra mặt sông phẳng lặng dưới bầu trời mây xốp, Ðạt lại sẵn sàng chìm xuống tận đáy im lặng. Sông ơi, sông ơi! Người chết thôi thở đã đành. Người sống đang thở rồi cũng đến ngày tắt hơi. Chỉ có dòng sông là sống mãi, xuôi chảy mãi! Ðời người ngắn hơn đời sông. Sau cùng thì mọi buồn vui cũng sẽ theo sông trôi ra biển mịt mù thôi! Ý nghĩ bất chợt làm Ðạt muốn bật cười. Không cười nổi. Nhìn bạn trơ lì như thể rút trốn sau chiếc mặt nạ buồn. Hạo ngao ngán lắc đầu.
Bây giờ là cuối thết kỷ hai mươi, chẳng còn ai lãng mạn theo kiểu Ðạt nữa? Lãng mạn? Si tình? Tâm thần? Không, hình như Ðạt không cần biết mình đang ở trạng huống nào.
Chừng một tuần lễ sau đám tang Diễm. Vào một buổi chiều Hạo đang ngồi với Thu trong phòng bệnh, ngạc nhiên thấy Ðạt lững thững bước vào. Y phục khá chỉnh tề nhưng thần sắc phờ phạc rầu rĩ như người vừa trải qua một trận ốm liệt giường. Với bó hoa đồng tiền trên tay, Ðạt đến đứng lặng bên chiếc giường Diễm từng nằm. Giường không còn bỏ trống nữa mà đã được phân cho một người bệnh khác. Một bà cụ.
Trong đôi mắt mộng du của Ðạt lúc ấy hồ như Diễm vẫn còn đó nhưng đã hóa già lão đi.
Gương mặt lạ thiếp ngủ đóng khung trong vầng tóc bạc của bà cụ chẳng có nét nào gợi nhớ đến sự trẻ trung, vẻ đẹp kiều mị của Diễm xưa, vẫn mơ hồ gợi trong chàng trai thoáng liên tưởng mịt mờ về cái còn và cái mất? Ðạt sững sờ buông rơi bó hoa xuống chân bà cụ, thảng thốt đưa mắt nhìn Hạo như muốn hỏi:
- Tại sao Diễm lại hóa ra một bà cụ thế này?
Hạo không đọc thấy câu hỏi cắc cớ ấy. Hạo chỉ cảm thấy gai ớn, bất an khi chạm phải tia nhìn đục lờ nọ, vội vã đến ôm vai Ðạt đưa bạn ra ngoài.
Tuy học chung một khóa trường Ðại Học Tổng hợp, hai đứa học khác lớp, chơi với hai nhóm bạn riêng, nên trước đây họ gần như không quen nhau. Từ ngày Thu chuyển phòng đến nằm cạnh Diễm, cả hai hay lui tới thành ra quen biết nhau, đâm ra có cái người ta thường gọi là tình bạn. Không thân cũng không sơ lắm.
Ðối với Thu, mối tình Ðạt - Diễm quá đẹp quá nồng. Nồng và đẹp đến độ nàng không bao giờ dám ước mơ mình có được vài miếng chứ đừng nói là cả một khối tình ngọt bùi như thế. Dưới mắt Hạo mối tình ấy không phải là chẳng đẹp. Có điều, cái lối tặng hoa mỗi ngày của Ðạt, sự mê đắm của chàng và nàng mỗi lần gặp nhau – theo Hạo – có cái gì đấy vừa mang tính ủy mị của những trang tiểu thuyết diễm tình, vừa cổ điển một cách bị lụy. Nghĩ thế nhưng chưa bao giờ Hạo nói cảm tưởng không vui ấy cho Ðạt nghe cả. Và mối tình đẫm nét cổ điển ấy tưởng đã chấm dứt khi Diễm không còn bị ám ảnh bởi những bóng lá long não lắt lay ngoài khung kính nữa, mà vĩnh viễn nằm dưới những vòng hoa tiếc thương tàn rữa, thì chiều ấy Ðạt lại đến.
Từ chiều ấy đến chiều hôm nay trong Ðạt có vẻ khá hơn chút đỉnh, tuy sắc diện chưa được tươi lắm. Hạo không ngờ là Ðạt vẫn rất tỉnh táo. Câu nhắc nhở về bệnh tâm thần vừa rồi của Hạo hàm ý trêu chọc, là báo động, hoặc thực tâm ái ngại.
Chán ngấy sự thinh lặng của bạn, Hạo nóng nảy bẻ gập mấy que diêm thả xuống bàn, thấp giọng:
- Ðạt à, thật tình tao không hiểu tại sao cái gọi là sự si mê trong mi lâu tàn đến thế?
Ðạt cười khẩy:
- Loại cục súc thô thiển như mi có lấy búa bổ đầu họa may biết đau. Mi có biết yêu ai bao giờ đâu mà biết đến sự sâu sắc của nỗi đau!
Bất ngờ bị đập một đòn nặng. Hạo hơi ngẩn người, đoạn cố lấp liếm sự gai sượng qua giọng nói xuề xòa:
- Nói mi đừng giận, cả vong linh Diễm cũng đừng buồn tao. Có lúc tao thấy mối tình của tụi bây nặng mùi cải lương bỏ mẹ. Màng sum vầy đã hết, giờ đến cảnh chia ly cũng sặc mùi tiểu thuyết. Chàng ôm hoa lang thang đến nơi nàng từng có mặt để đứng chết dở tưởng niệm những ngày vui ngắn ngủi đã qua. Cứ y như cái thời ông Alexander Dumas mô tả trong Trà Hoa Nữ tận bên trời Tây.
Ðạt cười nụ nửa bao dung nửa khinh miệt. Nụ cười đầu tiên từ lúc gặp Hạo:
- Cầu cho mi, cái thằng có trái tim điếc đặc đáng tội nghiệp, ngày nào đó bị điên đảo bởi một phát tên của ái tình mới trắng xác mắt ra.
Hạo hài lòng thấy Ðạt không còn ủ rũ lắm nữa. Bây giờ nom Ðạt hệt con gà ướt vừa được hong khô, lộ dần vẻ “hào hoa” trên lông trên cánh. Mắt loáng ướt chút mơ màng xa vắng. Hạo nửa đùa nửa thật:
- Cái phát tên mù ấy nếu có nhận tao chỉ nhận ở một người. Nhưng tới tận giờ phút này chưa có dấu hiệu gì cô nàng sẽ giương cung lên cả. Buồn thay!
Ðạt nói giọng sầu muộn, ê a tựa đọc kinh:
- Cầu cho ngày nàng giương cung lên bắn mi cũng là ngày tận thế. Nghĩa là cái ngày ấy có khi không bao giờ đến cả.
Hạo vui vẻ đệm:
- Amen!
Và, Hạo phá lên cười. Hạo thôi cười rồi chợt ngẩn người ra dáng trầm tư. Phát tên mù và ngày tận thế. Có bao giờ câu nói khơi khơi của Ðạt bữa nay thành lời rủa độc địa linh ứng không? Ðể mi cứ chạy long nhong như ngựa, thong thả như rùa đi qua mặt đất này cho đến lúc ra nghĩa địa vẫn không biết thế nào là sự điên đảo gửi từ một mũi tên ái tình! Sự điên đảo ấy hiện Ðạt đang phô diễn, trước mắt mi, trông rất gai và rất chướng?
Thốt nhiên, gương mặt thanh khiết như thể được sinh để cạnh những bông hoa chúc phúc, chúc lành và những trang sách mở im lặng trên lòng của Diễm chợt choán ngập tâm trí Hạo. Hạo bỗng ngượng thầm, tự hỏi phải chăng mình không có được một người nữ xinh dẹp như thế để “tôn thờ” nên đâm ra đố kỵ nhỏ nhen, nên tâm hồn vốn nghèo xơ xác càng cằn cỗi hơn, không cách chi phong phú bằng Ðạt để có thể hiểu Ðạt? Hắn bảo mình thuộc loại cục súc thô thiển là phải, phải lắm! Chẳng còn cụm từ nào chính xác hơn.
Thoáng buồn pha ân hận vụt đẩy Hạo đứng lên, đủng đỉnh bước lại phía quầy nói với cô chủ quán:
- Làm ơn trả lại mấy bông hoa phải gió lúc nãy lại đi cô em.
Băng Sâm chun mũi:
- Hay chưa. Sao bảo tặng người ta?
Cô gái vòng hai bàn tay đẹp với mười chiếc móng óng ánh nhũ hồng quấn quanh cái ly thủy tinh cắm cành hải đường như sẵn sàng giữ nó đến hơi thở cuối cùng. Cử chí ấy nóm rất đáng yêu nhưng Hạo lại suýt buột thốt, em không xứng đáng giữ những bông hoa này đâu khỉ ạ, đừng làm bộ làm tịch nữa! Câu nói giữ lại kịp bởi Băng Sâm ngước nhìn Hạo lừ lừ, ánh mắt tình tứ đến nao lòng. Hạo mỉm cười tinh quái:
- Thằng bạn của tôi đang rất cần. Những bông hoa hắn dành cho một người trẻ và đẹp như cô...
Băng Sâm nóng nảy cướp lời:
- Sao không tặng phứt cho rồi, còn bày đặt mang tới đây?
- Cô ấy đã biến thành... ma!
Cô gái xoe tròn mắt:
- Ma?
- Ồ, cô ấy đã chết. Kìa cô ấy đang đứng sau lưng sắp đưa tay lên siết cổ Băng Sâm đấy!
- Áiii!
Cô gái kêu thé, giật nẩy mình quay ngoắt lại phía sau. Hạo lẹ làng cầm cành hoa đến đặt vào tay Ðạt:
- Xin lỗi tao đã phá đám mi. Ði đi Ðạt, tiếp tục hưởng cái thú đau thương của mi đi. Ðúng là tao chưa biết đau bao giờ nên lắm lúc ba lơn đôi khi hơi tàn nhẫn. Ðừng buồn tao!
Ngữ điệu không có gì là đùa. Hạo lại diễn tả sự ân hận bằng cái nhíu mày khá đạt. Lạ lùng nhìn thằng bạn có gốc gác sinh thành từ vùng giang hồ sông nước, tâm hồn hình như luôn luôn trơn lì in cái cọc chèo. Ðạt làu bàu:
- Mi đúng là thằng cục súc. Tặng hoa cho người đẹp rồi lấy lại thế coi chả lịch sự chút nào. Mang tới trả cho cô nàng, rồi quay lại tao sẽ bảo có đi hay không!
Hạo nửa tin nửa ngờ:
- Thật chứ? Mi không cần hoa nữa sao?
Ðạt buông thõng:
- Không cần nữa.
Ðã đến lúc ngấy tận cổ cái trò tặng hoa tới , đòi hoa lui lẩm ca lẩm cẩm, Hạo ném phăng cành hải đường ra cửa sổ trước đôi mắt ngơ ngác của bạn, đoạn chìa tay về phía Ðạt:
- Nào, chia tay. Sẽ gặp lại!
Ðạt nheo mắt nhìn vẻ mặt lạnh lùng nom rất thực nhưng rất buồn cười của Hạo, chậm rãi buông từng tiếng:
- Trong xắc tao không chỉ có hoa mà còn có rượu. Tao định sẽ nhấm nháp cô đơn một mìnmh ở một xó tối nào đó trong công viên trước bệnh viện đêm nay. Nhưng thôi, giờ tao muốn “chia lửa” với mi. Ðừng bỏ tao một mình, không nên. Rất có thể tao sẽ đâm đầu xuống sông ngồi đối ẩm, nhấm nháp cô đơn cùng Hà Bá.
Hạo ngập ngừng:
- Tao không quen uống rượu.
- Tao cũng có quen đâu. Nào, về cái “biệt thự nổi” của mi được chứ?
Hết hoa rồi tới rượu! Cái thằng yêu theo lối cổ điển này tiến bộ vượt mức nhỉ? Hắn làm quen với ông thần tửu lúc nào thế? Hoa, rượu. Cứ như đang ở giữa cõi non Bồng nước Nhược nào. Sao cái gì ở hắn cũng khang khác mình thế nhỉ? Hai đứa nếu có cùng nhảy chung một điệu múa chắc không thể rập ràng. Hai đứa lỡ hát chung một bài ắt bè trầm bè cao lổn nhổn không cách chi hòa giọng. Nếu hắn đánh trống và mình thổi kèn chắc chắn trống sẽ đánh xuôi và kèn sẽ thổi ngược. Ðể xem trong cái chân dung mình quen nhìn hắn còn có nét dị thường nào nữa! Hạo chu miệng huýt sáo tiếng ngắn?
- Ðồng ý! Mi tỉnh tao thấy rồi, còn say chưa biết ra sao? Mi có dám say một trận không?
- Say một trận túy lúy càn khôn và, kể từ ngày mai mi sẽ thấy tao không còn tiếp tục cái mà mi gọi một cách dung tục là trò tự mê hoặc mình nữa. Ðủ lắm rồi.
Hạo nghi ngờ:
- Có đáng tin không?
- Rất nên tin... con ạ!
- Tao chỉ sợ mi không dám say, không dám đoạn tang mối tình hiện mi đang đội trên đầu trên cổ.
- Say chứ! Mi không thấy trái đất lăn quay vì trái đất say à? Quay, là cách nhấm nháp cô đơn của trái đất.
Chưa uống, giọng Ðạt đã hơi bông bốc. Chẳng hưởng ứng nụ cười nửa miệng, và câu nói “thông thái, cô đơn diễn nghĩa” của Ðạt. Hạo đến bên quầy móc mấy tờ giấy bạc trả tiền cà phê. Băng Sâm nguýt và lườm, hai động tác thi triển nhuyễn đến độ tưởng chỉ có một.
- Thôi, cất đi, để trừ vào tiền bán than cũng được ông bán than ạ! Ông Hạo – Trương Chi ạ!
Giọng đỏng đảnh kéo dài cho thấy nỗi bực bội vì bị đòi lại cành hoa không phải ngắn. Hạo búng tay đánh tróc, câng câng hất hàm:
- Cũng được! Mai mốt trúng số tôi sẽ mua một trăm cần xé hoa mang tới chôn cô em luôn.
Băng Sâm nguýt dài:
- Xííí, dân bán than cũng bày đặt phách lối.
<center><b>oOo</b></center>
Hai đứa về đến “biệt thự nổi” khi chiều sà xuống mặt sông, ôm choàng lấy sóng trong vòng tay thắm thiết, lạnh căm. Sương mù bàng bạc trải những giải voan mỏng bay chập chùng xoá nhòa bờ bến. Trong màu hoàng hôn tím tái, sông Hương nom đẹp tựa người mệnh phụ hàng nghìn tuổi vẫn còn trẻ măng, che mạng, duỗi dài thân ngọc để đền đài phố chợ tha hồ nghiêng vai vói tay đòi bồng đòi đòi ẵm, vẫn nũng nịu không chịu cất mình khỏi đôi bờ cỏ mượt. Lác đác nhiều ngọn đèn đỏ dọc như mắt quỷ chong khắp các thuyền đò đậu nối quẩn quanh.
Hạo mở khóa cửa, chui qua vòm mui hình bán nguyện và khoang trong thắp đèn. Ánh sáng mờ ấm trải vàng lên chăn chiếu, mùng mền, sách vở xếp gọn trong một góc. Góc đối diện, trên hai cái bếp lò tro than còn ủ nóng bốc lên làn khói mảh là nồi cơm, xoong cá đang chờ.
Ðạt tò mò ngắm nghía thế giới nhỏ nhoi của một gia đình gói gọn trong lòng đò. Các thứ hình như không ở thế tĩnh, luôn luôn lắc lư bập bềnh theo nhịp sóng nhẹ mà âm ĩ, chuyển động không ngừng. Mùi nắng mưa lưu cữu quyện trong mùi mồ hôi, mùi khói... thấm đượm trong bán, trong vòm mui tản mạn thành thứ mùi khá đặc dị, không giống mùi trong những căn nhà trên phố.
Hạo lay hoay dọn chén đũa, cơm và cá ra chiếu. Nhìn nồi cơm tỏa khói nghi ngút, Ðạt kinh ngạc:
- Ðâu mà sẵn thế? Mi có cả người hầu nữa sao?
Hạo cười lấp lửng:
- Tao có một nàng tiên không phải giấu mình trong quả thị như trong truyện cổ tích mà là một con rái cá duới sông. Mỗi ngày lên nấu cơm, đun nước lúc tao vắn mặt.
Ðạt lấy từ túi xắc ra cái chai xị đầy ắp rượu màu vàng nâu, nói ngượng nghịu:
- Rượu ngâm thuốc Bắc trị chứng đau bụng, nhức mỏi của bà già, tao lén lấy một ít. Tuyệt ngon và đại bổ. Sao? Chuyện con rái cá hấp dẫn đấy, rõ ràng lúc nãy tao vừa thấy cửa khóa, nàng làm sao vào? A, ngốc thật, hẳn nàng thủ sẵn cái chìa thứ hai?
Mẹ kiếp! Sao mi nhạy với những chuyện lẩm cẩm quá vậy? Hễ cái gì có man mác chút hơi hướm tình tự là mi ngửi thấy ngay! Hạo rủa thầm. Biết có giấu quẩn quanh hẳn Ðạt cũng sẽ không buông tha câu chuyện có vẻ hứa hẹn lắm tình tiết éo le hấp dẫn. Thôi, cứ nói toạc cho hắn biết đi, hay ho đếch gì phải giấu? Ít ra hắn cũng không nghĩ mình nghèo đến độ không có được một... chuyện tình! Hắn giọng tĩnh khô:
- Tất cả mọi loại khóa trên thế gian này đối với cô nàng đều là đồ bỏ. Tao đổi khoá ba lần rồi, thỉnh thoảng nàng vẫn tới làm phúc như mi thấy. Tao đành chào thua.
Ðạt bất bình:
- Sao lại chào thua? Bộ mi không thích được cô nàng săn sóc sao? Hiếm có người tốt bụng vậy lắm.
Hạo rót rượu ra ly, nhăn mặt, nói bỗ bã:
- Tao chỉ thích gọi cô nàng là chị hay mẹ. Cô nàng lại muốn tao gọi bằng em. Bực mình ở chỗ đó. Thôi, nhậu đi!
Ðạt uống ngụm rượu nhỏ thở đánh khà:
- Một “biệt thự nổi”, một con rái cá không biết có xinh đẹp như nàng Mỵ Nương thuở xưa hay không, nhưng chắc chắn là rất đảm đang, thỉnh thoảng đến giúp việc bếp núc cho chàng. Nàng là chị, là mẹ, hay là em thì quan trọng gì đâu. Mi không xứng mang cái biệt danh Hạo – Trương Chi chút nào. Mi hạnh phúc gấp ngàn lần anh Trương Chi ngày xưa.
Hạo lí nhí:
- Tao có thích cái biệt danh ấy đâu. Tụi bay kêu bậy kêu bậy bạ riết thành tên.
Ðạt tiếp tục giọng hào sảng:
- Lên đênh sông nước. Sống như mi kể cũng thú Hạo à!
Hạo đáp xuôi vị:
- Ồ, thú thấy mẹ. Nhưng lắm lúc buồn muốn thấy cha luôn.
Nhác thấy ảnh Thu và ảnh bà mẹ lồng trong khung kính nhỏ treo cạnh cây sáo trúc - Hạo vốn mê thích và thổi sáo rất khá – trên vách mui. Ðạt trầm giọng ái ngại:
- Ủa quên, chị Thu thế nào rồi?
- Bỗng yếu rồi hóa khỏe. Có lúc tao ngỡ chị ấy sắp đi, hóa ra vẫn chưa. Có lẽ vì phổi chị không vướng phải ung thư như cô nàng của mi.
Cô nàng! Nghe nhắc tới cô nàng Ðạt suýt buông đũa. Dù sao bữa ăn vẫn tiếp tục. Hạo ăn theo lối nhanh lẹ của dân quen làm việc nặn. Ðạt ăn nhỏ nhẻ theo kiểu công tử... con nhà vườn. Nhưng Ðạt uống bạo hơn Hạo. Chẳng mấy chốc cả hai cùng ngà ngà hơi men.
Sau một lúc vun vít chuyện trên trời dưới đất, sau cùng, dĩ nhiên, câu chuyện xoay qua những hồi tưởng về Diễm. Hạo nghĩ đã đến lúc nên để Ðạt trút vơi bầu tâm sự nặng trình trịch trong lòng hắn họa may hắn bớt rầu, bèn ngồi im thít để chỉ một mình Ðạt nói.
Nói, kể lể là cách đẩy bật nỗi nhớ nhung, si dại ẩn chứa tù hãm trong lòng ra thành lời. Ðạt say sưa nói về những kỷ niệm của mối tình đầu non yểu. Ðạt đoan quyết dù có sống thêm hai kiếp nữa, không chắc tìm thấy được người tình nào tuyệt vời như Diễm. Truớc kia Ðạt chỉ coi Diễm hiếm quý như vàng ròng, giờ “tôn thờ” nàng in đức bà Maria hay đức Phật Quan Thế Âm cũng chưa thỏa dạ.
Kỷ niệm nào cũng quý. Trong hàng lô hàng lốc kỷ niệm nhập vào kho ký ức Ðạt. Hạo đặc biệt thích kỷ niệm ngày Ðạt - Diễm mới quen nhau nhất.
Hôm ấy bão rớt từ giờ thìn đến giờ ngọ, mưa to gió lớn, cây cối ngã đổ, dây điện đứt lung tung. Không về nhà được, hai đứa kẹt trong thư viện. Chàng bắt gặp nàng đứng ở một góc vắng vừa ngắm mưa qua cửa kính vừa nhâm nhi món quà vặt chờ bão tạnh và, chàng mở mắt lớn hết cỡ lặng lẽ, chết sững “nhâm nhi” nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường của nàng.
Phút định mệnh điểm đánh boong trong tim chàng lúc nàng bất thần quay lại, ngỡ ngàng thấy người dưng mặt mày chợt tái, cứ giương mắt háu nhìn mình ăn. Ngỡ người dưng đói bụng sắp xỉu, sau nửa phút ngập ngừng, nàng e dè mời chàng nửa chiếc bánh bích quy.
Từ đó chàng đâm ra thích bánh bích quy hơn mọi của ngon vật lạ khác, bởi vì sau nửa chiếc bánh ngọt bùi kia, hai đứa quen nhau.
Và, một ngày mùa thu cũng ở trong căn phòng đọc ấm cúng của thư viện ấy, chàng âu yếm đưa tặng nàng một cuốn tiểu thuyết giấu sẵn lời tỏ tình bên trong. Lời tỏ tình ngắn gọn tế nhị mà chàng nhờ những chữ in sẵn trong sách nói hộ mình.
Ở trang thứ mười của cuốn tiểu thuyết, chàng dùng mực đỏ khuyên tròn chữ “Anh” in sẵn ở một đoạn tự sự. Ðến trang thứ bảy mươi chàng khuyên tiếp chữ “Yêu” ở một câu đối thoại của nhân vật trong truyện và, ở trang gần cuối, chàng khuyên nốt chữ “Em” ở phần kết thúc câu chuyện.
Những chữ anh, yêu, em rải rác ở sách truyện nào cũng có. Ba chữ rời được đánh dấu riêng ban đầu gợi tò mò để rồi nối lại thành câu khi đọc xong sách. Dẫu lơ đãng thế nào ắt cũng nhận ra. Chàng hy vọng vậy và nàng đã nhận ra thật?
Và hôm sau nàng đáp lễ lại bằng một cuốn sách khác tặng chàng. Cũng với cách ấy, nàng khuyên tròn ba chữ nồng nàn kia theo lối đảo ngược. Em. Yêu. Anh. Thế là ổn!
Chăm chú nghe như uống lấy từng lời của Ðạt đến đây Hạo không thể im nín được nữa, bèn buông một câu cảm thán:
- Giỏi, giỏi lắm. Mi nghĩ ra cách tỏ tình thật tuyệt cú. Khỏi phải đờ lưỡi nói, hay mỏi tay viết thư.
Ðược khen, thay vì phổng mũi, Ðạt lại cười nhạt:
- Mi vẫn chê tao cổ điển, thế tỏ tình như thế có cổ điển lắm không?
Hạo chợt nghe lưỡi dính cứng vào vòm miệng, mất ba mươi giây Hạo mới ấp úng:
- À hơi... hơi hiện đại. Nói theo kiểu mê tín thì hai đứa, mi và Diễm là hai con mọt sách, ông thần sách phò hộ bây tỏ tình với nhau thì cũng chả có chi lạ.
Ðạt uống liên tiếp hai ngụm rượu, mắt úng nước như chực khóc:
- Tụi tao nhờ thần sách, còn mi sống trên sông chắc nhờ lão thần sông. Thế mi tỏ tình với con rái cá của mi ra sao?
Một thoáng Nga Mèo Hoang vụt qua trí lóe sáng tựa sao đổi ngôi, Hạo đỏ mặt đã hườm hườm vì rượu, nói như rặn:
- Tình đâu mà tỏ? Tình tụi tao là tình cận lân, tình láng giền sông nước, đâu phải tình gái trai.
Ðạt áy náy rất chân tình:
- Hóa ra tới tuổi này mi chưa có được một mảnh tình giắt lưng à?
Hạo nói dối ngon ơ:
- Không ham và tao cũng chả muốn. Kể tiếp đi chứ.
Ðạt lắc đầu:
- Mi đã không ham tình yêu thì kể làm gì. Như là kẻ ngoại đạo nghe giảng đạo phỏng có ích chi.
Hạo lúng túng, nài nỉ:
- Ờ, thì nghe đạo biết đâu tao sẽ thấm đạo, rồi ngộ đạo... tình như mi!
Ðạt rót rượu ra ly, nốc cạn, đoạn duỗi người nằm dài ra chiếu, ca cẩm:
- Càng kể tao càng muốn khóc quá.
- Cứ khóc thoải mái, tao không cười đâu.
Phải rồi! Khóc cho trôi hết mọi buồn vui ra sông. Ðời người ngắn hơn đời sông mà. Cuối cùng tất thảy mọi hệ lụy đều theo sông trôi ra biển mịt mù hết! Ðạt rầu rĩ nhủ thầm, óc váng men ngầy ngật. Ðạt nói tưng tửng:
- Mi cùng khóc với tao cho... vui nhé! Khóc một mình buồn lắm. Người ta song ca, mi và tao song... khóc!
Hạo cố pha giọng đùa vào câu nói thật:
- Buồn của ai người ấy khóc. Ðau của ai người ấy cứ việc rên. Ai lại đi khóc hay rên giùm. Không thực bụng. Ðạt à, tao cũng thèm có một nỗi đau như mi để được khóc một trận cho mắt đỡ khô mà không có. Nghe mi kể tao chợt thấy tâm hồn tao nghèo quá. Nghèo rớt mồng tơi. Nghèo cả nước mắt.
- Tim mi thôi điếc đặc rồi sao?
Chẳng nghe bạn trả lời. Ðạt tiếp tục kể những kỷ niệm về nàng. Kỷ niệm còn nóng bỏng in cục than trong ký ức chàng. Nó chỉ nguội khi nào được nhúng được tắm trong nước mắt?
Rượu cạn dần trong chai. Kỷ niệm và rượu trộn vào nhau làm ướt sũng giọng Ðạt, làm ràn rụa mắt Ðạt. Sau cùng thì Ðạt cũng khóc được. Nhìn bạn khóc, Hạo thấy Hạo trừng trừng nhìn vào khoảng rỗng không trong lòng mình với đôi mắt ráo hoảnh.
Ðạt khóc. Ðạt say. Ðạt lăn lộn ói mữa. Chẳng biết Ðạt có ói hết nỗi đau thương dành cho Diễm ra ngoài không? Ðêm lạnh lùng vỗ sóng quanh mạn đò và, Ðạt rơi tõm vào giấc ngủ sâu hun hút.
Ðạt ngủ say như chết. Hạo nhìn cái thây sũng rượu ngã dài sau phát tên hoài niệm bạo liệt, thốt rùng mình. Cầu cho sự điên đảo ngày mai sẽ từ bỏ hắn như hắn đã tuyên bố trên quán cà phê. Ngủ đi con, ngủ trên chính bãi nôn tanh lợm của chính mi vì mi đã quá bội thực ái tình! Ngày mai mi không đoạn tang nổi khối tình sầu của mi, ông sẽ đánh mi bỏ mẹ!
Hạo mỉm cười, tay chợt nắm chặt, mắt ánh vẻ man dại như con thú đang rình, chực chụp chiếc bóng mình đìu hiu trên vách đò. Mọi âm thanh vẳng từ phố xuống, từ các ghe thương hồ, đò rước “hoa” bán “hoa” quẩn quanh nghe ong óng, xa xôi như từ thế giới nào khác. Hạo im nghe cơn gió tuần du không mỏi ngoài sông thỉnh thoảng lùa vào vuốt nguội dần cơn say chưa kịp bốc.
Bất động mười lăm phút rồi Hạo chồm dậy dọn dẹp bát đĩa, quăng tõm cái chai không ra mặt nước, vừa vui vẻ rủa thầm vừa loay hoay lau rửa tóc tai mặt mày cho Ðạt, lấy chiếc áo sơ mị sạch của mình thay cho bạn, vo cái áo vây bẩn các thứ do Ðạt ói ra nhét giấu dưới sạp. Ðêm róc rách vỗ sông quanh mạn đò. Ðạt vẫn ngủ.
Ðịnh lấy cây sáo xuống thổi vài bài cho giãn gân cổ, thốt nhớ phải đưa Ðạt về. Chàng trai có trái tim điếc đặc lặng lẽ nhỗ sào, đưa đò ra giữa dòng, quay mũi về hướng Vỹ Dạ.