CÕI ÂM CÓ HAY KHÔNG ?
Minh Chi
Phật giáo không bao giờ có khái niệm cõi âm hay là âm phủ. Có thể đây là những từ ngữ của tín ngưỡng dân gian, hay là của Lão giáo, không phải Lão giáo của cuốn Đạo Đức kinh mà là một thứ Lão giáo dân gian hóa.
Nhưng để cho vấn đề rất phức tạp này được trình bày có hệ thống, thuận lợi cho quý vị, tôi xin phép trình bày qua ba mục lớn như sau:
- Thái độ của Phật giáo đối với vấn đề sống chết và đối với các thái độ khác.
- Các cõi sống khác nhau.
- Cõi trung ấm của Phật giáo có phải là cõi âm hay không.
1. Thái độ của đạo Phật đối với vấn đề sống chết.
Đối với vấn đề này, có thể có bốn thái độ và nhận thức khác nhau:
a. Thái độ của các nhà duy vật cổ cũng như hiện đại. Chết rồi là hết, không còn gì nữa; mọi chuyện xảy ra sau khi chết là chuyện tưởng tượng. Chủ thuyết này có thể dẫn tới một thái độ coi thường đạo đức, đề cao lối sống hưởng thụ, lối sống gấp.
b. Chủ nghĩa hoài nghi, thể hiện trong câu nói của Khổng Tử "Sống còn chưa biết thì biết chết làm gì?" hay là câu của triết gia Hy Lạp cổ đại Epicuya: "Khi tôi sống thì làm sao biết được chết là gì. Khi tôi chết rồi, lại càng không thể biết chết là gì".
c. Quan niệm của một số tôn giáo thần quyền. Người ta sống chết chỉ có một lần. Nếu sống tốt, theo đúng lời dạy của Thượng đế thì chết rồi sẽ lên thiên đàng cùng ở với Thượng đế. Nếu sống ác, trái với lời dạy của Thượng đế thì sẽ chết rồi xuống âm phủ ở với quỷ. Quan niệm như trên đối với một số người, (tôi không nói là đối với tất cả) dẫn tới một lối sống bức xúc, đầy mặc cảm, không rõ mình sống như thế này đã hợp với ý của Thượng đế hay chưa v.v...
d. Quan niệm sống, chết chỉ là hai mắt xích trong một chuỗi sinh tử dài vô tận, từ vô thủy cho đến ngày giải thoát tối hậu, con người đạt tới cảnh giới bất tử. Đây là quan niệm của đạo Phật và một số đạo giáo và triết thuyết ở Ấn-Độ. Người ta không phải sống và chết một lần. Có sống thì có chết. Chết là điều không tránh khỏi. Nhưng chết rồi lại sống một đời khác, và cứ như vậy luân hồi mãi cho tới ngày giải thoát tối hậu. Sự sống là bất diệt, nhưng nó mang nhiều dạng sống khác nhau ở các cõi sống khác nhau. Động lực của sự sống là nghiệp (Karma). Nghiệp thường được giải thích một cách đơn giản là hành động. Nhưng Phật Thích Ca từng giải thích nghiệp là tác ý, nghĩa là dụng tâm. Do đó, có thể giải thích nghiệp là hành động có dụng tâm. Khi đã có dụng tâm thì mọi lời nói hay hành động bắt nguồn từ dụng tâm đều là nghiệp. Trái lại, mọi lời nói hay hành động không có dụng tâm, đều không phải là nghiệp, theo đúng ý nghĩa Phật giáo của từ này. Có thể nói một cách khác, mọi hành động, lời nói có dụng tâm hay là có ý thức đều là nghiệp, và trở thành động lực góp phần tạo ra con người chúng ta, cuộc sống chúng ta đời này và đời sau. Nghiệp có tầm quan trọng như vậy đối với con người và cuộc sống con người, cho nên Phật, trong bài kinh "Tiểu nghiệp phân biệt" (Trung bộ kinh 3) đã định nghĩa:
"...Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình" (Trung bộ III. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, tr 381).
Nội dung câu Phật nói rất rõ. Người là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra, người cũng nhận lãnh đủ mọi quả báo do chính mình tạo ra đó không tách rời mình, do đó mà Phật nói nghiệp là quyến thuộc đích thực. Vì chết, không bà con quyến thuộc nào dù thân thiết đến đâu cũng không thể đi theo mình được, nhưng nghiệp vẫn đi theo mình, quyết định hướng tái sanh của mình trong đời kế tiếp: thân phận mình sẽ thế nào, làm người, làm loài trời hay là súc sanh... và cảnh ngộ của mình sẽ ra sao...Phật nói: nghiệp là điểm tựa. Ý nói, cuộc sống chúng ta dựa vào nghiệp để tồn tại như điểm tựa. Khi nghiệp lực nuôi dưỡng cuộc sống đời này hết thì chúng ta sẽ chết, cũng như cái đèn cạn dầu vậy. Cũng có sách Phật ví nghiệp như cái trục của bánh xe. Cuộc sống của chúng ta xoay xung quanh nghiệp như là cái bánh xe xoay quanh cái trục của nó vậy. Trong ba nghiệp: ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp; thì quan trọng nhất là ý nghiệp, tức là nghiệp do ý nghĩ có dụng tâm tạo ra. Chính cái ý nghĩ có dụng tâm này là cốt lõi, là thực chất của khẩu nghiệp, tức là nghiệp bằng lời nói, và thân nghiệp là nghiệp bằng hành động nơi thân. Kinh Pháp Cú mở đầu bằng các câu kệ:
* Bài kệ I ?
"Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo"
(Kinh Pháp Cú, bản dịch Thích Minh Châu, tr 11)
Ý tứ bài kệ trên rất rõ ràng:
Tâm ý trong con người là cái làm chủ. Nếu tâm ý là ác, bất thiện, dơ bẩn thì lời nói hay hành động cũng bất thiện, ác, dơ bẩn; và con người sẽ bị đau khổ tức thì, cũng như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe vậy.
Chính vì vậy mà người Phật tử thâm hiểu thuyết nghiệp hết sức chú ý tu tập tâm, khiến cho tâm mình ngày càng trở nên trong sáng, hoàn toàn thiện lành. Cũng kinh Pháp Cú dạy rằng, kẻ thù hại mình cũng không bằng cái tâm nghĩ bậy làm hại mình. Cha mẹ, bà con làm tốt cho mình, không bằng cái tâm nghĩ thiện đem lại lợi ích cho mình.
"Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân".
* Bài kệ 43:
Điều mẹ cha, bà con,
Không có thể làm được,
Tâm hướng chánh làm được,
làm được còn tốt hơn"
Như trên đã nói, thế giới vũ trụ này có muôn vàn sai biệt là do nghiệp của chúng sanh có thiện có ác, có lành có dữ, hay là thiện ác xen lẫn với những mức độ khác nhau. Đạo Phật không có quan niệm hẹp, trái đất là cõi duy nhất có sự sống; cũng không xem loài người là tối linh trong muôn loài, như đạo Khổng thường nói.
2. Các cõi sống khác nhau, các dạng sống khác nhau.
Qua các khái niệm tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, đại thiên thế giới, chúng ta biết đạo Phật chưa từng bao giờ xem trái đất chúng ta như là trung tâm của thế giới, của vũ trụ. Một tiểu thế giới được xem như là một Thái dương hệ, trong đó có trái đất. Một ngàn tiểu thế giới hợp lại, tạo thành một tiểu thiên thế giới; một nghìn tiểu thiên thế giới hợp lại thành một trung thiên thế giới; và một nghìn trung thiên thế giới hợp lại thành một đại thiên thế giới. Trong sách Phật có khái niệm tam thiên đại thiên thế giới, nhằm chỉ một quần thể ba nghìn đại thiên thế giới, mà có học giả hiện đại ví với những hệ tinh vân của thiên văn học hiện đại. Ở đây, chúng ta không thể bàn đến độ chính xác của các con số, nhưng điều đáng ghi nhận, ngay từ hơn 500 năm trước TL, đạo Phật đã có một quan niệm về không gian gần gũi với thiên văn học hiện đại.
Trên đây, đã nói về không gian. Bây giờ nói đến các cõi sống. Như đã nói trên, đạo Phật không xem cõi người là trung tâm điểm của thế giới, cũng không xem người là loài vật tối linh. Nói chung, đạo Phật chia các cõi sống ra làm ba cõi, tùy theo trình độ tâm linh. Nói luân hồi trong ba cõi, chính là nói luân hồi trong ba cõi đó. Ở cõi trời cao cấp nhất, gọi là cõi Vô sắc; chúng ta gặp những chúng sanh, thường xuyên ở trong thiền định, không có sắc thân như thân thể riêng biệt của chúng ta, mà chỉ sống cuộc sống tinh thần thuần túy. Cõi Vô sắc chia ra bốn cấp có trình độ cao thấp khác nhau.
Cõi thứ hai gọi là Sắc giới. Chúng sanh ở đây có sắc thân đẹp đẽ sáng chói, nhưng không có phân biệt nam nữ, vì ở đây không còn có lòng dục, tức là dâm dục.
Cõi Sắc giới này cũng chia thành nhiều cấp, ở đây không tiện bàn, vì không có thời gian.
Cõi thứ ba thấp nhất chính là cõi của những chúng sanh còn có lòng duc, tức dâm dục, cho nên có phân biệt nam nữ. Cõi người chúng ta nằm trong Dục giới. Cõi người không phải là cõi sống có trình độ cao nhất trong Dục giới. Có 6 cõi trời cũng nằm trong Dục giới, gọi là Lục dục thiên. Ở đây chúng sanh có thọ mạng dài hơn thọ mạng của loài người rất nhiều. Sách Phật đơn cử ví dụ của cõi trời thấp nhất trong sáu cõi trời nói trên, tức là cõi Bốn thiên vương, ở đây một ngày đêm bằng 50 năm ở cõi người. Do thời gian khác nhau giữa cõi trời và cõi người, cho nên tuy việc các loài trời đến thăm cõi người là có khả năng, nhưng thật là hãn hữu lắm họ mới đến. Thí dụ, sách Phật có nói tới một loài trời có tên là Quang âm thiên; khi trái đất mới thành hình và đã có điều kiện cho sinh vật ở được, thì có loài trời Quang âm thiên xuống đây. Thân hình họ chói sáng. Họ bay chứ không đi như con người. Họ nói chuyện giao tiếp nhau bằng ánh sáng, do đó mà có từ Quang âm. Giống người trời này về sau ăn thức ăn thô nặng, cho nên dần dần thân họ cũng trở nên thô nặng, không còn bay được, không còn chói sáng và dần dần chuyển thành thân người.
Nói chung, quyền năng của loài trời cao hơn quyền năng hạn chế của con người rất nhiều. Sách Phật nói tới con mắt của loài trời có thể nhìn qua vật cản, nhìn rất xa, gọi là thiên nhãn. Sách Phật cũng nói tới tai loài trời, có thể nghe rất xa gọi là thiên nhĩ.
Cõi sống cấp thứ hai trong Dục giới là cõi loài A tu la (Asuras). Loài Asuras tuy có quyền năng hơn loài người và không kém gì loài trời, nhưng chúng hay sân giận, hay sân chiến với loài trời. Có sách gọi họ là Hung thần. Đàn ông dung mạo xấu xí, nhưng đàn bà lại rất đẹp.
Cõi thứ ba về trình độ quyền năng là cõi người. Cõi trời có lòng dục, cõi A tu la và người được sách Phật xếp là ba cõi thiện, ba cõi lành. Dưới ba cõi này còn có ba cõi ác là cõi súc sanh, cõi quỷ đói và cõi địa ngục. Cõi súc sanh thì ai cũng biết và mục đích một phần. Quỷ đói là loài thường xuyên bị đói do sự mất cân đối trong cấu tạo cơ thể: bụng thì to như cái trống, cuống họng thì bé như cái kim. Địa ngục không phải cái ngục ở dưới đất, như danh từ địa ngục gợi ý. Địa ngục chỉ cho những cõi sống rất khổ cực, không thể đem so nỗi khổ cực của thế giới con người. Sách Phật nói tới những địa ngục khác nhau, như địa ngục nóng địa ngục lạnh, địa ngục Vô gián là địa ngục cực khổ nhất, cực khổ không xen hở nên gọi là Vô gián.
Sách Phật nói tới luân hồi trong sáu đường, tức là luân hồi trong ba cõi thiện và trong ba cõi ác. Thực ra, chúng sanh ở hai cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới cũng không thoát khỏi cảnh luân hồi, tuy rằng thọ mạng của họ có thể kéo dài hàng vạn, hàng chục vạn năm.
Qua phác họa nói trên về các cõi sống khác nhau theo Phật giáo, thì không có cõi nào là cõi của người chết cả. Vì vậy mà ngay từ đầu bài, tôi đã nói, trong đạo Phật không có khái niệm cõi âm hay âm phủ. Chết là cái tạm thời, sự sống là vĩnh hằng và thể hiện qua những dạng sống khác nhau, trong các cõi sông khác nhau, từ thấp tới cao. Người Phật tử hiểu đạo không lo âu về sự chết, vì đã có sống, có sanh ra, thì có chết. Người Phật tử có trí và hiểu đạo chỉ quan tâm khiến cho mỗi đời sống là một bước tiến trên con đường tiến bộ tâm linh không ngừng, dẫn tới sự giải thoát và giác ngộ tối hậu, là cảnh giới bất tử của bậc Thánh. Để kết thúc mục này, cho phép tôi dẫn chứng hai bài thơ Thiền của Thiền sư Tri Bát, Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cả hai vị này đều sống dưới đời nhà Lý.
Bài thơ của Tri Bát đọc như sau:
Hữu tử tất hữu sinh,
Hữu sinh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi,
Sinh vi thế sở hỷ
Bi hỷ lưỡng vô cùng,
Hỗ nhiên thành bỉ thử.
Ư chứ sinh tử bất quan hoài.
Dịch nghĩa:
Có chết thì mới có sanh (trở lại)
Có sanh ra thì có chết.
Chết thì người đời buồn,
Sanh thì người đời vui
Buồn vui là hai cái lặp đi lặp lại vô cùng tận,
Vì đối đãi nhau cho nên thành ra cái nọ đối với cái kia.
(Cho nên) đối với sanh tử, sống chết không có lo âu gì...)
Còn bài thơ của Từ đạo Hạnh đọc như sau:
"Thu lai bất báo nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian động phát bi,
Vị báo môn nhân hưu luyến trước.
Cổ sư kỷ đổ tác kim sư".
* Dịch ý:
Mùa thu về không báo thì chim nhạn cũng bay về,
Cười nhạt người đời hay bi thương
Nay ta bảo cho học trò đừng có thương tiếc (ta).
Ngày xưa ta đã từng làm sư, và đã nhiều đời ta lại làm sư.
Ý tứ của bài thơ của Từ đạo Hạnh là con người, lúc thọ mạng hết thì chết, cũng như mùa thu về thì chim nhạn cũng bay về. Ta cười nhạt người đời cứ thấy chết là bi thương. Nay ta bảo học trò ta chớ có lưu luyến ta nữa. Ngày xưa ta đã từng làm sư, và đã nhiều lần ta lại làm sư.
Hai bài thơ Thiền của hai Thiền sư đời Lý phản ánh tâm lý bình thản, siêu thoát của những Phật tử thâm hiểu đạo lý sống chết củ Phật giáo. Chết đối với họ không phải là về nơi yên nghỉ cuối cùng, mà là chuẩn bị tiến vào một cuộc sống mới, được họ chuẩn bị một cách có ý thức, bằng cả một cuộc đời, bằng từng giây phút của cuộc đời họ, bằng từng ý nghĩ, lời nói và việc làm của họ thiện lành, trong sáng.
Ở đây, người Phật tử có trí và hiểu đạo có hai sự chuẩn bị. Một là sự chuẩn bị lâu dài cho đời sống tiếp sau. Hai là chuẩn bị cho cái chết sẽ đến, mà họ muốn là nhẹ nhàng êm ả như lá thu rụng.
Cả hai sự chuẩn bị trên đều quan trọng, ảnh hưởng lẫn nhau. Một người cả đời làm điều lành, nói lời tốt, có tâm tư và ý nghĩ trong sáng thì khi lâm chung, thường giữ được sự tỉnh táo và ra đi một cách êm đẹp, sạch sẽ.
Trong vòng một tuần trước khi chết, họ thường biết là họ sắp chết, cho nên họ có thời giờ và điều kiện dặn dò lại mọi người trong gia đình. Họ thường xuyên nghĩ lại, nhớ lại những điều thiện họ đã làm trong đời, họ thường nằm mơ thấy những cảnh đẹp cho nên nơi tâm họ luôn an vui thoải mái. Đó là những điềm báo trước một đời sống kiếp sau rất tốt đẹp, có thể là ở cõi người hay là ở các cõi trời.
Sách Phật kể lại có những người chết mà trong nhà có hương thơm phảng phất, có ánh sáng lạ, thậm chí có cả tiếng nhạc du dương. Đây không những là điềm lành mà là điềm rất lành. Vua Trần nhân Tông sau khi thoái vị, xuất gia làm Tăng, trở thành vị Tổ sáng lập ra dòng Thiền trúc Lâm, cũng gọi là dòng thiền Yên Tử. Ông biết trước nhiều tháng ngày giờ ông qua đời, cho nên đã sắp đặt đâu đấy chuyện người kế vị ông làm Tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm, tức là Tổ Pháp Loa; lại có thời giờ đến vĩnh biệt bà chị, trước khi cùng với hai Tăng sĩ dìu dắt ông, leo lên ngôi chùa cao trên núi Yên Tử, ngồi nhập định mà qua đời.
Quyển "Thiền Uyển tập anh" là quyển sách sử xưa nhất chép tiểu sử các cao tăng Việt Nam có ghi chép chuyện một số nhà sư Việt Nam đã ngồi nhập định như vậy mà ung dung qua đời. Ở chùa Đậu, cách Hà nội khoảng 15km về phiá huyện Thường Tín, còn có tượng hai vị sư đã chết trong tư thế ngồi như vậy. Học trò của hai vị đã dùng sơn đen phủ lên nhục thân của hai ông.
Cách đây vài năm, các giáo sư, bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã khám nghiệm hai bức tượng "nhục thân" và xác quyết đó không phải là tượng bình thường mà là hai xác chết, phủ lên trên một lớp sơn đen dầy.
Nói tóm lại, chết không phải hết tất cả, chết là bắt đầu một cuộc sống mới; tốt đẹp hay là không tốt đẹp, là tùy theo nghiệp được tạo ra trong đời sống này. Cuộc sống thiện lành sẽ đem đến một cái chết êm ả, bình tĩnh và một cuộc sống đời sau cũng tốt đẹp hạnh phúc.
3. Cõi trung ấm hay trung hữu theo Phật giáo có phải là cõi âm hay không?
Theo đạo Phật, một số người không phải là tất cả, sau khi chết có thể trải qua một cuộc sống trung gian gọi là trung hữu hay trung ấm, trước khi tái sanh vào một cõi sống mới, với một thân phận mới.
Tôi nói một số chứ không phải tất cả mọi người là vì có những người chết thì lập tức tái sanh ngay hay là hoá sanh ngay qua một cuộc sống khác, với một thân phận khác. Hai loại ví dụ thường được sách Phật dẫn chứng nhất là những người sống cực ác, thì khi chết lập tức hóa sanh xuống địa ngục, cõi quỷ đói hay là súc sanh. Hay là những người trong đời sống rất thiện lành, khi chết cũng hoá sanh lên các cõi trời. Chỉ có những người sống cuộc đời thiện ác xen lẫn, thì thường chết rồi không tái sanh ngay mà trải qua một cuộc sống trung gian, tạm thời, được tin là nhiều nhất cũng không quá 7 tuần, tức 49 ngày. Người chết, trút bỏ cái thân làm bằng loại vật chất thô nặng, mang một cái thân khác, làm bằng loại vật chất tế nhị, với những giác quan đầy đủ như giác quan của người sống, nhưng cũng tạo bằng loại vật tế nhị ( mà sách Phật gọi là tịnh sắc hay sắc thanh tịnh), do đó mà giác quan của thân trung hữu hay trung ấm tinh tế và nhạy bén hơn giác quan của người sống rất nhiều. Họ thấy chúng ta được, nhưng chúng ta không thấy họ được. Họ có thể đi bình thường hay là có thể bay tùy ý. Thân trung ấm có thể bay qua hay đi qua các vật cản, không bị trở ngại. Do đó mà khi cha mẹ tương lai của thân trung ấm giao hợp, nếu đủ nhân duyên tương xứng, thì thân trung ấm đến nơi trong nháy mắt và chui vào bụng mẹ, kết thành bào thai một cách dễ dàng. Mặc dù họ thấy, nghe chúng ta, nhưng họ không thể giao tiếp với chúng ta như người sống với người sống được. Họ có cảm giác bất lực rất là bức xúc, khi họ muốn tiếp xúc với những người sống, thường là bà con thân thiết với họ. Cảm giác bất lực đó đi đôi với những quyền năng đặc biệt, mà họ có được nhờ cái thân thể tạo bằng loại vật chất đặc biệt tế nhị của họ. Họ nghĩ đến chỗ nào thì họ có thể đến chỗ ấy trong nháy mắt. Bay lượn, đi hay là bay qua vật cản, thấy nghe được ở tầm xa v.v...cũng là quyền năng thần thông, nhưng quyền năng này không phải được thành tựu do tu tập thiền định, mà là do nghiệp, do mang thân trung ấm, làm bằng loại vật chất tế nhị, cho nên bộ luận Câu Xá của Hữu Bộ gọi là nghiệp thông, nghĩa là quyền năng thần thông do nghiệp mà có.
Vì thân trung ấm còn lưu luyến gia đình cũ, với bà con, thân thuộc bạn bè cho nên họ hay quanh quẩn nơi nhà ở cũ, và nuôi dưỡng thân bằng mùi, mà sách Phật gọi là hương. Nghĩa là thân trung ấm không phải ăn những thức ăn bày trên bàn thờ, mà chỉ ăn cái mùi của những thức ăn đó mà thôi.
Tôi nghĩ rằng, cõi âm mà chúng ta nói như là cõi của người chết chính là cõi trung hữu hay trung ấm của Phật giáo. Cần nói thêm rằng, xung quanh vấn đề thân trung ấm đã từng có tranh luận trong giới Phật học, ngay từ trước tây lịch, trong thời gian mà lịch sử Phật giáo Ấn Độ gọi là Phật giáo bộ phái. Khoảng 100 năm sau khi Phật nhập niết bàn, thì Giáo hội Tăng già Ấn Độ không còn là một tổ chức thống nhất nữa. Lúc đầu, tách ra làm hai bộ phái lớn là Thượng tọa bộ (Theravada), chủ yếu gồm những Tăng sĩ lớn tuổi, là chức sắc trong Giáo hội cho nên bộ phái này mang cái tên "bộ phái của Trưởng lão", tức Thượng tọa bộ.
Bộ phái thứ hai gọi là Đại chúng bộ, tên chữ Sanskrit là Mahasanghanikas, bao gồm số đông Tăng sĩ trẻ, cấp tiến. Sau đó, từ hai bộ phái lớn trên, dần dần tách ra nhiều bộ phái khác, cuối cùng con số lên đến 18 bộ phái, cộng với hai bộ phái gốc, thành ra có đến 20 bộ phái. Nói chung, Thượng tọa bộ có tính bảo thủ hơn, nặng về bảo tồn giáo lý nguyên thuỷ của đạo, đúng như thời Phật còn tại thế. Còn Đại chúng bộ thì có tư tưởng cấp tiến hơn, chủ trương phát triển giáo lý nguyên thuỷ theo yêu cầu của thời gian và không gian. Các bộ phái tranh luận với nhau về hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề trung ấm thân. Thí dụ, Thượng tọa Bộ cho rằng, người chết lập tức tái sanh ngay, cũng như ngọn đèn này tắt châm sang ngọn đèn khác lại cháy ngay. Đó là quan điểm của Thượng tọa bộ, thấy rõ trong bộ luận cơ bản và danh tiếng "Thanh tịnh đạo luận" (Visudhimagga). Nhưng trái lại, bộ phái rất có thế lực, tách khỏi Thượng tọa bộ, tức là Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada), thì khẳng định là có thân trung ấm, trong bộ luận nổi tiếng "câu xá", mà tác giả là vị luận sư Đại thừa xuất sắc Vasubandhu (Thế thân)..Những mô tả về thân trung ấm được Vasubandhu ghi khá cụ thể trong bộ luận Câu xá (phẩm về nghiệp).
Gần đây, ở Mỹ có bộ phim mang đầu đề "The ghost" (con ma), thực ra là một bộ phim về thân trung ấm. Người bị chết, sau khi thành thân trung ấm, cứ ngỡ là mình vẫn còn sống, nhưng cảm thấy hoàn toàn bất lực không thể giao tiếp, nói chuyện được với người yêu cũ của mình, cũng như vói các bà con, bạn bè thân thuộc, mà mình vẫn gặp hàng ngày như khi mình vẫn còn sống vậy. Tuy vẫn thấy, vẫn gặp người quen, người yêu cũ, bạn bè, nhưng không tài nào giao tiếp hay nói chuyện với họ được.
Nói tóm lại, thân trung ấm dù tồn tại tạm thời trong khi chờ đợi tái sanh, cũng chỉ là một dạng sống như muôn vàn dạng sống khác; cho nên, chụp cho nó cái tên là "con ma" như cuốn phim Mỹ là không thích đáng. Chúng ta chờ đợi khoa học phát minh ra các phương pháp và công cụ để chúng ta có thể giao tiếp với các thân trung ấm, và chắc chắn là lúc ấy, nhiều vụ án hình sự được phanh phui dễ dàng.
* KẾT LUẬN:
Trong khi chờ đợi khoa học phát minh ra được công cụ và phương pháp giao tiếp với các thân trung ấm trong cõi trung hữu, thì mọi thông tin về sự giao tiếp giữa con người sống với thân trung ấm chỉ có thể là những sự kiện rất cá biệt, hiếm có, có thể do những điều kiện như sau:
1. Bản thân người đương sự đã tu tập thiền định đến trình độ đạt được một số quyền năng thần thông, trong đó có thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông, tạm dịch là mắt loài trời và tai loài trời. Có độc giả đã ví con mắt thịt của loài người như mắt một người ngồi trong nhà, xung quanh là bốn bức tường kín mít, chỉ trừ một lỗ nhỏ để cho con người nhìn qua đó. Và mắt loài trời đã được tác gỉa ví như mắt một người ngồi trên một tảng đá ở bờ biển, có thể nhìn xa tận chân trời góc biển (xem "The five eyes" (năm con mắt), T.Shen). Nhưng cuộc sống hiện đại rộn rịp hiện nay, đạt tới trình độ thiền định như vậy không phải là chuyện dễ. Vả chăng, nếu có người tu định đạt tới trình độ như vậy, thì họ lại không nói ra.
2. Có nhân duyên tiền kiếp đặc biệt khiến cho có sự giao cảm giữa người sống ở cõi người với những người đã chết, nhưng hiện đang sống ở một cõi sống khác, cao cấp hơn cõi người. Vì là thuộc một cõi sống cao cấp hơn, có quyền năng hơn chúng ta rất nhiều, cho nên họ có thể đến với chúng ta nhưng chúng ta không thể đến với họ đuợc. Họ có thể bày cho chúng ta cách thức làm như thế nào để họ giao tiếp với chúng ta. Nhưng đây là những trường hợp rất đặc biệt, giữa hai bên phải có những ân tình sâu sắc.
Tôi không thể tin là có một cõi sống đặc biệt dành riêng cho những người đã chết. Nghĩa là có các cõi sống khác nhau, nhưng không có một cõi nào của người đã chết cả. Không thể có cõi sống dành cho những người chết, đó là một mâu thuẫn ngay trong bản thân từ ngữ, một chuyện tưởng tượng, hoang đường. Đạo Phật công nhận có cõi sống trung ấm, nhưng đó là một cõi sống tạm thời, trung gian. Thân trung ấm cũng là một loại thân vật chất, tuy rằng đó là loại vật chất đặc biệt mà con mắt thịt của cõi nguời không thể thấy được. Nhưng đã là thân vật chất thì không thể tồn tại lâu được, nó cũng phải biến đổi và hoại diệt.
Khi mà khoa học chưa phát minh ra được những phương pháp và công cụ thích hợp để cho chúng ta có thể giao tiếp được với cõi trung ấm, thì chúng ta hãy chờ đợi. Mọi thông tin về cõi trung ấm, cũng như về các cõi sống khác, chúng ta không vội bác bỏ cũng không vội cả tin. Phải chăng đó là thái độ khoa học nhất hiện nay?