Đêm nguyệt thực
Trung Trung Đỉnh
Không muốn làm trái tim những người thân yêu thêm một lần rỉ máu, anh thương binh tàn phế quyết định không trở về. Những trải nghiệm khốc liệt nơi chiến trường bão lửa chưa thấm vào đâu so với những day dứt dằn vặt cứ âm thầm giằng xé lòng anh. Quyết định ở lại chiến trường xưa, xây dựng cuộc đời mới bằng sức lực còn lại của mình, tưởng chừng như vô tâm, bạc bẽo, nhưng thấm đẫm sự bao dung, lòng trắc ẩn và nhân bản. Bởi trong hoàn cảnh nào người lính cách mạng cũng không chỉ sống riêng cho mình.
Tôi được cơ quan phân công tới làng Plei-O-K, nơi cách đây hơn chục năm, hồi còn đánh Mỹ có nhiều dịp qua lại. Nhiệm vụ của tôi là phải viết được một bài báo, phản ánh kịp thời về sự đổi mới của bản làng sau mấy năm giải phóng. Làng nằm dưới thung lũng, xung quanh toàn đồng cỏ. Cách đó không xa là nông trường chăn nuôi của huyện M. Nơi đây có nhiều sự tích đánh Pháp và nhất là đánh Mỹ.
Từ huyện lỵ về làng phải đi bộ mất non một tiếng.
Lúc ấy đã hơn sáu giờ tối. Hơn sáu giờ tối trong thung lũng trời chuyển hẳn sang không khí ban đêm. Gió se lạnh. Tít xa chỉ thấy những mảng đồi và vô khối đường viền lấp lánh do lửa cháy rải rác trong các khe núi hắt ra. Những vệt khói chuyển động dưới bầu trời sao chi chít. Tôi háo hức bước trên đường cái về làng. Phía trước có tiếng reo hò huyên náo và tiếng chinh chiêng ầm ĩ. Có cả những tiếng gõ nghe loạn xạ không ra bài bản, nhịp điệu gì. Mới đầu tôi nghĩ, chắc làng đang hội hè hoặc có cuộc vui nào đó.
Nhưng càng tới gần càng cảm thấy không phải. Chẳng có cuộc vui nào lại nhiều tiếng gõ, tiếng hú, tiếng hò la đến vậy.
Tôi bước vào sân làng. Những bó đuốc sáng rực chạy vội vã từ nhà này sang nhà khác. Những tiếng hú nối nhau thảng thốt. Tôi chột dạ lo ngại. Không phải là làng đang vui mà rõ ràng đang có sự cố gì. Vì biết nói tiếng địa phương, nên tôi nghĩ, mình đến có thể giúp gì được bà con.
Tôi hăng hái vào làng và gặp vài người. Tôi chào bằng tiếng địa phương. Nhưng họ chỉ ngoái lại nhìn rất nhanh rồi quay đi, tiếp tục la hét và gõ vào những đồ dùng đang cầm sẵn trên tay. Ngoài sân làng, một người huơ huơ đuốc. Nhiều người cùng cầm đuốc xúm lại. Tôi thấy một cái bóng cao to trao cây đuốc cho chú bé rồi bắc loa tay, hú lên một tiếng rõ dài. Mọi người im phắc. Người đó đứng giữa vòng, chỉ lên trời nói rất to bằng tiếng Gia Rai. Anh ta giải thích cho bà con hiểu là, hiện tượng nguyệt thực chẳng qua do mặt trời, trái đất, mặt trăng quay đến một chỗ thẳng hàng nhau, rằng ánh sáng của mặt trời tỏa ra khuất bóng trái đất, nên ta chỉ thấy mặt trăng có chút xíu thế kia. Sau đó anh ta bắt ba em nhỏ đứng thẳng hàng, đứa đầu cầm đuốc, hai đứa sau đứng nghiêm. Nhưng anh không nhớ, cả vòng người quanh anh, hầu như ai cũng có đuốc. Và vì thế, ba cái bóng nhỏ nhoi của ba chú bé ngả nghiêng, chĩa ra nhiều phía. Dân làng ồ lên rồi tỏa ra hò hét, la ó. Tiếng chinh chiêng càng dồn dập hơn. Tiếng hú càng dài hơn. Tôi bất giác nhìn lên khoảng trời trước mặt. Một quầng sáng đen kịt như đang rung chuyển. Cái quầng đen phát sáng ấy gây cho ta cảm giác rùng rợn. Phía sau quầng đen, những ngôi sao sâu hút, le lói. Một mảnh ánh sáng sắc lẹm hơi cong, chập chờn hiện lên, như là rất rõ, lại cũng như là không thấy gì, khiến ta tưởng như đang bị loạn thị vậy. Tôi dụi mắt, nhắm chặt một lúc lâu. Khi mở ra, cảnh tượng vẫn y như cũ. Đây là lần đầu tôi thấy hiện tượng nguyệt thực trên cao nguyên.
Chợt có một cánh tay huých vào ba lô tôi, nhắc nhở bằng tiếng Gia Rai: "Sợ à! Sợ thì làm theo người ta đi!". Tôi quay lại. Người nhắc tôi đã nhảy lên sàn cửa, gõ tới tấp vào mảnh máy bay Mỹ treo trên chái hiên.
Tôi quay ra tìm người cao to vừa giải thích hiện tượng nguyệt thực. Nhưng sân làng đã vắng hoe. Tôi đang phân vân không biết chọn nhà nào để lên, thì thấy nhiều người ùa ra. Cái bóng cao to khi nãy bây giờ chạy trước, tới giữa sân anh lại hú, lại huơ đuốc. Một đám đông xúm quanh. Anh hô to, bảo mọi người tắt đuốc. Đêm trở nên huyền ảo với những bóng người và tiếng bàn tán xì xầm. Người ta bê tới cho anh một cái cối gỗ để làm bệ đứng. Anh nhẩy lên, châm một cây đuốc, rồi dõng dạc gọi tên ba em nhỏ. Ba chú bé tranh nhau đứng trước. Nhưng chỉ cần một cái khoát tay của anh, chúng rất nhanh về đúng vị trí của mình. Dân làng kéo lại chờ đợi. Dường như anh đang dồn hết tâm lực, cố dùng những lời ngắn gọn, dễ hiểu nhất để giải thích một hiện tượng thiên nhiên, không phải dễ gì người ta chấp nhận ngay được. Anh mặc quần đùi, áo lót! - loại áo do các thiếu nữ Gia Rai thường dệt tặng các chàng trai dũng cảm. Lẽ ra áo ấy phải mặc đồng bộ với chiếc khố có nhiều tua, nhiều đường hoa văn sặc sỡ. Chợt anh hú lên một tiếng ngắn gọn. Chú bé cầm đuốc vung mạnh rồi hạ xuống ngang người. Nó đứng trang nghiêm, hô to bằng tiếng Gia Rai: "Tôi là mặt trời!". Lập tức hai em đứng sau lần lượt hô: "Tôi là trái đất!" - "Tôi là mặt trăng!".
ánh đuốc hắt ba cái bóng dài chập vào nhau. Dân làng xúm lại chỉ trỏ, cười nói. Anh lại hú giật lên một miếng ngắn gọn nữa.
Mọi người nín lặng. Cái nín lặng đột ngột khiến tôi cảm thấy như có một sức mạnh của uy quyền. Sức mạnh mà dù muốn dù không ta vẫn phải làm theo.
Anh lại bắt đầu giải thích. Tôi thấy lần này có hiệu nghiệm hơn. Ba em nhỏ vẫn luôn miệng hô: "Tôi là trái đất!" - "Tôi là mặt trăng!".
Tôi đứng ở vòng ngoài, chờ dân làng tản ra sẽ bám theo anh. Nhưng chỉ loáng một cái, sau khi hỏi người đứng cạnh, biết anh là cán bộ văn hóa xã, thì anh đã không còn trên sân làng nữa.
Người ta chỉ cho tôi nhà anh. Một ngôi nhà không làm sàn duy nhất trong làng.
Trăng sáng trở lại, nhưng phía chân trời xa còn vương một đám mây đỏ thẫm. Mọi người đã ai về nhà nấy. Đâu đó có tiếng chinh chiêng và tiếng hát trầm. Nếu ta chú ý lắng nghe, có thể nghe rõ lời bài hát.
*
* *
Anh đang nằm trên chiếc giường tre nhỏ kê sát cửa, nghe tiếng động liền vùng dậy:
- Gì đấy? - Anh hỏi bằng tiếng Kinh.
- Báo cáo anh. - Tôi ấp úng. - Tôi là nhà... báo...
Anh vội vã ngồi dậy, bước vào nhà trong. Một lúc sau anh cầm đèn dầu ra với vẻ lúng túng. Tôi giả lơ vô tình, đặt ba lô lên thềm và bắt chuyện:
- Nãy nghe anh giải thích hiện tượng nguyệt thực hay quá! - Tôi nói tiếng Gia Rai, hy vọng được anh đón tiếp vui vẻ.
Chợt anh đánh rớt chiếc đèn xuống nền nhà, vỡ tan. Tôi vội bấm đèn pin giúp anh thu lượm mảnh. Bàn tay phải của anh chỉ còn ngón trỏ và ngón út, một bên má sạm đen, bên kia tấy lên có những chấm trắng. Chắc anh là thương binh, tôi nghĩ. Tôi cố giữ thái độ bình thường. Anh lầu bầu câu gì đó không rõ. Thoáng có mùi rượu. Từ lúc vào tới giờ, anh chưa hề nói với tôi lời nào, ngoài câu "gì đấy" bằng tiếng Kinh. Hai tiếng ấy bật ra không hề ngượng nghịu. Chắc anh ta thạo tiếng phổ thông, tôi nghĩ. Liệu tôi có làm anh khó chịu không? Tôi băn khoăn mở cặp lấy giấy tờ, định nhờ anh liên hệ giúp với các đồng chí lãnh đạo xã. Anh ném mảnh giấy vào góc nhà, kéo xê chiếc giường con ra hiên, nói:
- Đồng chí chờ tôi một tẹo.
Anh nói tiếng Kinh, theo giọng miền Bắc. Tôi chưa thấy ai là người Gia Rai nói tiếng Kinh sõi hơn thế. Cái từ "một tẹo" anh dùng, phải là người thạo ngôn ngữ đồng bằng Bắc Bộ lắm. Nhưng tôi lại nghĩ, chắc anh là cán bộ tập kết về. Điều ấy cũng có thể xảy ra. Tôi có tật, mỗi lần lên lại Tây Nguyên, được tiếp xúc với đồng bào là nói tiếng địa phương. Phần vì dễ gây được cảm tình với bà con. Phần nữa, đây là dịp ôn lại vốn từ mà tôi đã có.
- Chắc anh đã ở nhiều miền Bắc? - Tôi vẫn hỏi bằng tiếng Gia Rai. Anh lặng lẽ đặt chai rượu trên giường và hai cái ly nhựa. Anh rót đầy hai ly, không trả lời tôi mà nhận xét:
- Đồng chí nói tiếng quê tôi thạo đấy. Chắc là từng công tác ở đây?
Tôi khoe với anh là đã ở vùng này hồi đánh Mỹ. Rằng tôi đã từng được cử xuống làm cán bộ du kích một thời gian.
- Trước ông ở đơn vị nào? - Anh hỏi tiếng Kinh.
Không thể cứ một người nói tiếng Gia Rai, một người nói tiếng Kinh mãi được. Tôi trả lời:
- Trước tôi ở huyện đội M mà.
- ủa! - Anh reo lên - Thế những năm nào?
- Dạ, từ sáu tám.
- Từ sáu tám? - Anh tiếp. - Còn tôi là lính K5. Nhưng trước đó kia. Mà thôi nào, mời ông. Chúng mình coi như anh em bạn cũ nhau. Trăm phần trăm nhá!
Tôi cầm ly rượu ráng uống hết. Anh cũng làm một hơi. Tôi lấy mấy cái bánh mỳ mang theo mời anh. Anh cứ ngồi ngây ra, một lúc bỗng đứng dậy vào nhà. Tôi liếc theo. Anh ăn ở chu đáo, gọn ghẽ. Chợt có tiếng trẻ khóc và tiếng phụ nữ nựng con bằng tiếng Gia Rai. Anh ra, tôi lấy giấy công tác đưa anh. Anh chỉ xem qua, nói:
- Cán bộ xã đi họp trên huyện cả, chỉ còn mình tôi ở nhà vì vợ tôi mới sinh cháu trai khi sớm.
- Thế ạ. Xin chúc mừng anh chị! - Tôi nói. - Tôi hỏi thật: Hình như anh là người Kinh?
- Vâng. - Anh đứng dậy, linh hoạt hẳn. - Tôi là dân Bắc chính cống đấy ông ạ.
- Thảo nào...
- Hôm nay tôi lên chức bố, - Anh tiếp. - Lại là bố thằng cu. Mừng quá hóa ngơ ngẩn từ sáng tới giờ. Ông đến gặp dịp vui của tôi, cứ tự nhiên nhé.
Anh cười cởi mở rồi xoa xoa tay, chạy vào nhà trong với cái dáng tất bật đầy vui sướng. Tôi thấy miệng anh bị lệch, hàm răng trên không còn cái nào. Nhưng giọng vẫn bình thường. Anh vừa bước ra đã nghe tiếng chị gọi theo. Anh lật đật vỗ vỗ vai tôi mấy cái rồi quay lưng. Chị nói với anh bằng tiếng Gia Rai: "Ơ kìa, con gà đang muốn theo nước sôi nhảy ra khỏi nồi rồi!". Và chị bảo anh rút bớt củi trong bếp rồi lấy thêm rượu mời khách. Anh đề nghị chúng tôi uống rượu cần, nhưng chị bảo sợ người khách lạ cười. Anh ra hỏi, tôi đồng ý ngay. Anh lại quay vào. Có tiếng chị mắng yêu anh và tiếng cháu bé khóc.
Rồi lại lặng im.
Tôi cảm thấy lâng lâng, phần vì ly rượu vừa uống, phần vì lây cái vui của anh chị. Trăng giữa tháng sáng tới mức ta có cảm giác không gian rộng hẳn ra. Tôi rút cây kèn ác-mô-ni-ca ra thổi. Tôi thích thổi những bài dân ca Gia Rai. Những bản tình ca của người đi săn. Những khúc hát đối nhau của các chàng trai và các cô gái trong dịp hội hè. Những điệu nhảy mừng ngày mùa thắng lợi. Rồi tôi bỏ kèn, nghiêng người tựa vào thành giường hát. Chợt có bàn tay đặt lên vai tôi. Tôi ngừng lời. Anh bắt tay tôi bằng bàn tay lành và khen tôi hát tiếng Gia Rai khá chuẩn. Có tiếng chị nhắc:
- Ơ người khách mới! Hát đi cho con nít mình mau lớn.
Tôi cao hứng hát tiếp.
Anh đặt ghè rượu sát cửa, lấy lá ủ ra và cắm cần. Chị bê tới một cái rá con bốc khói. Thì ra nãy giờ anh chị luộc gà. Tôi chào chị bằng tiếng Gia Rai. Chị bẽn lẽn gật đầu. Anh lấy thêm đĩa rau thơm và muối ớt. Chị nắm tay tôi, bảo tôi ngồi xuống chiếu hoa - loại chiếu chỉ những nhà giàu xưa mới có. Anh nói:
- Cả ngày nay bà con mừng tôi hơn chục con gà, ba ghè rượu thơm, một gùi gạo nếp. Năm nay chúng tôi được mùa cả lúa ruộng lẫn lúa nương ông ạ.
Chị vít cần rượu cho tôi, mỉm cười nhìn tôi và anh uống chung một cang(1). Rồi chị vào nhà trong với cháu. Tôi cám ơn chị. Anh kéo tay tôi, bảo tôi đừng làm khách. Tôi hỏi anh về công việc làm ăn của địa phương, anh cười:
- Khi nào làm việc xin ông tha hồ phỏng vấn. Còn bây giờ ta vui, ta nói chuyện đời...
- Vâng! - Tôi vít cần rượu. - Xin chúc mừng anh chị! Chúc mừng cháu!
Tôi nghe rõ tiếng rượu chuyển trong ghè. Bỗng anh buông cần nói với vào nhà trong bằng tiếng Gia Rai:
- Ơ em. Tui muốn say rồi! Ngày vui uống chút cho say, được. Ngày thường uống say, không phải người Gia Rai xã hội chủ nghĩa đâu cán bộ phụ nữ nhỉ?...
Rồi anh cười to và buông cần chạy vào nhà đòi bắt tay chị, khiến chị cười rũ.
Anh bước ra với quả bầu đựng nước. Chúng tôi chế thêm nước vào ghè rồi đặt cang. Anh bảo tôi uống hết. Tôi vít cần thầm nghĩ, phải cố gắng. Anh nhẩy quanh ghè rượu cổ vũ tôi. Cả chị cũng nói vọng ra cổ vũ tôi nữa. Tôi đã làm hết bổn phận. Đến lượt anh, anh ngồi xếp bằng điềm tĩnh, hút rượu từ từ. Cục yết hầu trên cổ anh đưa lên đưa xuống đều đặn. Rồi anh buông cần, nói:
- Ăn thịt gà đi. Vợ chồng tôi ăn từ trưa, uống từ trưa rồi.
Tôi cầm cái đùi gà anh đưa và bắt chuyện:
- Hồi tôi vào huyện đội M này thì K5 các anh chuyển đi đâu nhỉ?
- Bọn tôi vào trong nước La Pà.
- Thế từ ấy anh có gặp ai bạn bè cũ không?
- Không.
Anh vít cần uống thêm rồi tiếp:
- Mà gặp làm gì...
- Sao vậy anh?
- Chẳng sao cả. Nhưng tôi thích thế. Mỗi người có một hoàn cảnh, một niềm vui, nỗi khổ khác nhau. Nhưng chúng mình - Anh kéo vai tôi tiếp - Chúng mình đều là lính - Mà lại là lính cách mạng. Tất cả cái vui, cái buồn chung, phải không ông?
- Đúng thế, tôi nói - Anh vào Nam năm nào nhỉ?
- Tôi vào sáu nhăm.
- Anh đã về thăm quê chưa?
- Chưa. Mà mình không về nữa, ông ạ. Mình ở đây suốt đời.
Anh lặng lẽ rút tẩu thuốc rồi vào nhà lấy nhánh củi đang cháy. Anh bập thuốc có vẻ khó khăn, nhưng đúng kiểu của người Gia Rai. Tôi cũng xin anh một ít thuốc, dùng giấy pơ-luya quấn hút. Chúng tôi dường như bắt đầu chuyển sang một không khí mới - không khí tâm tình của đồng đội. Anh ngồi xích gần tôi bảo đổ thêm nước từ quả bầu vào ghè. Rồi anh vít cần cho tôi, nói:
- Ông nên nhớ rằng, ông là người Kinh đầu tiên tôi tiếp từ khi bị thương đến giờ.
- Vậy ra anh...
- Chẳng ra sao cả, ông ạ. tôi vào Nam, đánh đấm được mươi trận. Không phải nói khoe, tôi đã ba lần được bằng dũng sĩ diệt Mỹ, một lần dũng sĩ diệt cơ giới. Hai năm liền chiến sĩ thi đua cấp Quân khu. Từ tổ trưởng nhẩy thẳng lên trung đội phó. Từ trung đội phó nhẩy thẳng lên chính trị viên đại đội. Tất cả những cái đó đều đáng nói, nhưng cũng đều không đáng nói phải không ông?
Bỗng anh quàng tay qua vai tôi. Tôi cũng quàng vai anh.
Tôi nói:
- Anh nói hay lắm!
Chợt anh buông tôi ra, đẩy mạnh vai, nhìn tôi như người lạ.
- Sao? Ông bảo tôi nói hay à? Tôi không nói hay mà tôi nói đúng! Giải phóng rồi, ông được xuống đồng bằng, ông được ra miền Bắc với vợ con ông, với người thân của ông. Vậy mà ông dám bảo tôi nói hay? - Anh lay mạnh vai tôi - Tôi nói cho ông biết - Anh tiếp giọng đứt quãng - Ông sướng hơn tôi nhiều! Ông may mắn... hơn tôi nhiều!
Mắt anh, qua ánh đèn sáp, đỏ sọc lên rồi mờ dần. Anh khóc. Tôi lúng túng không biết xử sự thế nào. Bỗng anh dụi mắt vào vai tôi rồi nhìn tôi chằm chặp. Môi anh mấp máy. Hai chúng tôi ngồi lặng thinh. Cái lặng thinh như có lỗ thủng. Trăng sáng ngằn ngặt. Có tiếng chị cựa mình và tiếng cháu bé khóc. Rồi thật bất ngờ, chị cất tiếng ru. Mà chị ru tiếng Kinh, theo đúng điệu của các bà mẹ miền Bắc:
à A... a... à... ơi... i - i...
Em xinh... cái dáng á... á-à-à cũng à... à-à... xinh... i - i...
Em giòn... cái tỉnh a... á... a tình tinh... a... cũng à... giòn... ả-à-à-ơi...
Tôi sững sờ cúi xuống. Chị đang ru con hay chị đang nhắc nhở chúng tôi? Chị đang ru con hay chị muốn góp điều gì cho vui câu chuyện? Anh bật cười to và sau đó trở lại trạng thái tỉnh táo hoàn toàn. Những người say rượu thường thế, tôi nghĩ. Thường có những phút tỉnh táo hoàn toàn. Anh đứng bật dậy chạy vào nhà trong lấy ra nải chuối đặt lên đùi tôi, nói:
- Ăn đi! Nhà tôi nó bảo chú ăn đi mà!
- Vâng, cảm ơn anh. Thế chị quê vùng nào nhỉ?
- Vợ tôi người Gia Rai, con Plei-O-K này. Trước công tác ở tỉnh, sau về huyện. Bây giờ thì về xã. Chúng tôi cứ rút dần vào cái tổ của mình ông ơi!
Anh cười rất hồn nhiên. Tôi hỏi:
- Anh dạy chị điệu ru con Bắc Bộ đấy à?
- Nhà tôi thích hát ru với lại thích hát chèo lắm.
- Thế anh có dạy chị hát chèo không?
- Có chứ - Anh vui hẳn - Tôi còn dạy chèo cho đội văn nghệ xã. Bà con Tây Nguyên nói chung rất thích hát chèo ông ạ. Đội văn nghệ xã tôi quyết đoạt giải hội diễn sắp tới đấy!
- Tuyệt lắm!
Chúng tôi cùng vui vẻ vít cần.
- Ông mà ở lại đây lâu lâu thì hay quá.
- Tôi sẽ ở chừng nửa tháng.
- Được đấy! Thế ông đã đánh đám trận nào chưa? Anh hỏi tôi.
- Dạ, cũng có nhưng chỉ đánh kiểu du kích. K5 các anh đánh thì khiếp lắm!
- Ôi dào! - Anh ngả người ra sau, nói. - Trước tôi là chính trị viên đại đội. Bây giờ là "chính trị viên làng" - Anh cười.
- Hồi bị thương, anh nằm bệnh viện nào đấy?
- Chả bệnh viện nào cả. Anh kéo vai tôi xuống, tiếp - Tôi nằm cái "bệnh viện Plei-O-K" này.
- Hay nhỉ!
- Hay gì ông? Các ông thì cái gì chả hay? - Anh chống tay ngồi dậy, tiếp. - Đùa chút cho vui chứ trận ấy, đơn vị tôi được trên giao là phải hốt ba cái đồn dân vệ trên trục đường quốc lộ. Hai kho đạn địch cách thị xã K ba mươi kilômét về phía Tây. Nhiệm vụ nhiều, lại phân tán mục tiêu. Đại đội tôi, thực ra chỉ còn hơn chục tay súng. Giờ nổ hiệp đồng với mặt trận không được cách nhau quá mười lăm phút. Tôi chỉ huy mũi chủ công, trực tiếp nắm tổ điểm hỏa diệt kho đạn địch. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, có thể nói như thế. Sau trận đánh, rút về gần tới khu rừng tập kết thì không may, chính ba anh em chúng tôi lọt vào ổ phục của địch. Tôi đi giữa, cậu Chung đi trước. Nó bị thương, tôi thoáng thấy thế. Nhưng nó vẫn phụt được một quả B40 rồi mới hy sinh. Thằng Châu cũng thế. Nó cũng bắn đâu được vài loạt AK. Tôi không hiểu sao lại bật tít vào bụi, cách đó đến gần chục mét! Hình như chúng tôi bị mìn và cả ĐK nữa. Tôi bị ngất khá lâu. Tỉnh dậy, sờ lên mặt chỉ thấy máu. Bàn tay phải bị thiến phăng mấy ngón, còn mặt tôi bị luồng lửa ĐK xoẹt qua! Vâng, chả hiểu sao lúc ấy tôi khỏe thế? Tôi kéo lê khẩu súng bên tay trái, bò quanh đó tìm Châu, Chung. Nhưng không thấy chúng nó đâu cả. Có thể chúng nó bị thương rồi địch bắt, lúc ấy tôi nghĩ thế. Cũng có thể chúng nó hy sinh rồi bị địch kéo xác đi! Tôi bò quẩn mãi, chỉ sờ mó thôi chứ mắt có thấy gì nữa đâu! Rồi cũng đến lúc phải tính, tôi bò theo linh cảm vào rừng. Không biết bao lâu nhưng đến khi mở được mắt đã thấy mình nằm bên đống lửa, chỉ có một khuôn mặt xương xẩu, già nua, râu tóc xồm xoàm cúi xuống. Người ấy dùng nước rễ cây tưới lên những chỗ bỏng và vết thương cho tôi. Sau này tôi biết điều ấy. Vâng, ông già vợ tôi bây giờ đấy. Hôm đó ông đi săn, vớ được tôi và cõng về cứu chữa. Ông già chỉ sống có một mình. Hai người con trai là du kích đã hy sinh, còn mỗi cô út thì công tác xa. Bà lão mới mất trước khi có mặt tôi vài tháng. Ông già sống lầm lì, suốt ngày chỉ nói vài câu cần thiết. Tôi khỏi rồi ở lại với ông, với dân làng. Tôi học tiếng Gia Rai, học việc của một người đàn ông Gia Rai. Tôi không về đơn vị nữa. Tôi về làm gì khi bàn tay không còn cầm nổi súng. Tôi về làm gì, tôi hỏi ông? - Anh lay mạnh vai tôi. - Tôi về làm gì khi đơn vị tôi, anh em đồng đội của tôi đang phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn? Ông ạ, gạo phải tính bằng tay, muối phải đong bằng nắp cù là, phải đếm từng hạt chia nhau. Mà nhiệm vụ chiến đấu thì cứ nối tiếp nhau liên miên.Tôi là cán bộ tôi biết. Một đại đội độc lập kiểu đơn vị tôi, lo được cho một thương bệnh binh khốn khổ lắm. Căng thẳng lắm. Vừa quần nhau với địch lại vừa phải bảo vệ thương binh, ông bảo đơn giản sao được? Mình thiếu thốn cắn răng mà chịu, kiếm măng, kiếm rau ăn quáng ăn quàng cho xong. Chứ thương bệnh binh mà thiếu, mà đói thì có tội với không những đồng chí mình, mà còn mang tội với Đảng, với dân nữa. Tôi về, mất đứt bốn năm đồng chí chuyên môn lo cho tôi. Hơn thế, sổ gạo, muối dự trữ phải trích ra chi cho tôi. Mà cái chính là tôi không cầm súng được nữa. Đúng thế. Tôi mà về, anh em mừng cho tôi nhưng lại phải lo cho tôi! Phải nai lưng ra gánh vác cho tôi. Tôi là cán bộ tôi biết ông ạ. Tôi về là chỉ để được thấy anh em mừng là mình còn sống thôi ư? Không! Tôi không về nữa. Thế thôi. Đồng đội hãy tha thứ cho tôi. Lúc ấy tôi nghĩ thế và tôi làm đúng theo ý nghĩ của tôi. Bây giờ cũng thế, tôi sẽ làm đúng theo tôi nghĩ...
Chợt có tiếng chị gọi. Anh chạy vào với chị. Một lúc sau quay ra, nét mặt có vẻ rạng rỡ hơn, anh túm tay tôi:
- Ông ạ, chúng tôi mới sinh cháu trai. Tôi vừa bảo nhà tôi sẽ đặt tên cháu là Thực. Rơ Lan Thực. Mẹ cháu họ Rơ Lan, lại sinh đúng bữa nay có nguyệt thực, đặt thế để nhớ ngày hôm nay được không ông?
- Tuyệt lắm! Xin chúc mừng anh chị. Chúc mừng Rơ Lan Thực!
Chúng tôi lại đổ thêm nước vào ghè và đặt cang uống chung. Tôi thấy anh có vẻ mệt nên bảo anh đi nghỉ. Anh cười:
- Ông mệt à? Nếu không thì lo gì tôi. Tôi đã trót nói với ông rồi! Tôi ở lại đây và thành người Gia Rai. Tôi không về quê nữa. Nhưng ông ạ, hồi còn chiến tranh, mịt mù tin tức còn có lý. Giải phóng rồi mà tôi không về. Mà tôi nỡ bỏ quê - Điều ấy lúc nào cũng dằn vặt tôi...
Bỗng anh kéo đầu tôi xuống hôn. Anh vò tóc tôi, tiếp:
- Tóc vợ cũ của tôi dày và đẹp lắm! Mỗi lần chải, cô ấy phải đứng lên giường mà buông tóc xuống. Vợ tôi đẹp nhất vùng, tôi dám nói thế. Cô ấy là kế toán hợp tác. Hôm về phép trước khi đi B, vừa xuống xe ngang đường, tôi gặp cô ấy. Chà, cô bé lên huyện có việc gì đó, lốp xe đạp bị xịt. Thấy có người dắt xe, tôi đặt ba lô lên phócbaga. Đi được một đoạn mới có hiệu sửa, tôi bảo vào vá xăm. Cô ấy cứ lúng ta lúng túng. Thì ra cô nàng hết tiền ông ạ. Tôi nhận trả cho. Sửa xong, tôi đèo cô ấy về. Đến gần làng thì gặp nguyệt thực. Tôi dừng xe đứng xem. Tiếng gõ nong nia, thúng mủng từ trong làng vọng ra nghe mà rùng rợn. Cô ấy nép sát vào người tôi mà thì thầm: "Gấu ăn mặt trăng!". Hơi ấm từ người cô lan sang khiến tôi ngơ ngẩn. Vâng, tôi đã nắm tay cô gái ấy từ lúc nào. Đến lúc trăng sáng lại, chúng tôi sực nhớ ra là mặc dù cùng quê, nhưng mới chỉ quen nhau được vài chục phút!...
- Hôm sau cô ấy đem tiền trả tôi - Anh ngừng một lát, rồi tiếp - làm sao có thể nhận tiền trong trường hợp như vậy, phải không ông. Nhưng kể cũng hay! Cứ đưa đẩy mãi hóa ra tình cảm. Rồi chúng tôi yêu nhau. Cứ như tôi về phép chỉ để gặp cô ấy, để cưới cô ấy. Xưa nay, ba anh em tôi đi đâu về cũng ở nhà ông chú. Bố mẹ tôi mất sớm vì nạn lụt. Chú tôi trông nom chúng tôi thay cha. Hồi ấy thằng em tôi đã đi nước ngoài. Cô út cũng đã lấy chồng, dạy học tận một tỉnh sát biên giới phía Bắc. Tôi định về nhà với chú thím chục ngày rồi lên ngược thăm em gái. Nhưng tình yêu đã níu chân tôi lại. Tôi cưới vợ, khoác ba lô sang nhà vợ ở, điện cho em gái về chơi. Vâng, tháng rưỡi phép cứ như trong mơ. Thời gian đối với tôi chưa bao giờ vụt nhanh đến thế. Khi quất ba lô lên vai chia tay vợ, chia tay làng xóm, lên xe rồi mà tôi vẫn thấy ngỡ ngàng...
- Rồi từ đó anh chị bặt tin nhau luôn? - Tôi hỏi.
- Không. Tôi là thằng chịu khó viết thư nhất đơn vị. Hành quân trên Trường Sơn vất vả là thế mà tôi vẫn gửi đều đặn mỗi tuần một lá. Đến đơn vị chiến đấu, bận hơn thì mỗi tháng một lá. Sau này vì quá căng thẳng, tôi gửi thưa dần, chỉ khi nào có dịp thuận tiện. Tôi cũng nhận được hai lá thư của vợ. Thế nhưng, từ ngày bị thương, từ ngày tôi quyết ở lại đây thì không thư từ gì nữa! Tôi đã thành người Gia Rai, thành người làng Plei - O-K này rồi. Mà đã thế thì thôi, thì còn thư từ làm gì? Tôi hỏi ông - Anh lay mạnh vai tôi - Tôi chỉ muốn - Anh tiếp - Ngoài bà con Plei-O-K ra, không ai nghĩ có thằng tôi trên đời này nữa. Hãy để cho vợ tôi, em tôi, chú thím và bà con dân làng quê tôi coi tôi là liệt sĩ. Có lẽ như thế tốt hơn. Tôi không có ý định lộ mặt ra, mặc dù nhiều lần tôi không chịu nổi. Ngoài nông trường chăn nuôi của huyện kia, khối anh em miền Bắc. Nhất là mấy sư đoàn bộ đội làm kinh tế gần đây lại càng đông. Vâng, đã vài lần tôi ra nông trường chơi, tới chỗ anh em bộ đội chơi. Họ không phát hiện ra tôi là người Kinh. Tôi lân la hỏi thăm, cũng gặp vài anh em cùng huyện. Có hai cậu cùng xã. Nhưng anh em còn ít tuổi quá. Hồi tôi đi B, chúng nó mới sáu, bảy tuổi. Tôi hỏi chuyện làng xóm rồi đến chuyện gia đình. Nhưng hai cậu đồng hương ấy chẳng biết gì cho rõ ràng cả. Họ hỏi sao tôi biết quê họ với lại quen nhiều người thế? Tôi bảo tôi có được ra Bắc học và sơ tán về vùng quê họ mấy tháng. Và thế là các đồng hương của tôi tin ngay! Một cậu bảo có biết "cái chị ấy" - tức là vợ tôi, và thậm chí biết cả "anh chồng chị ấy" - tức là tôi. Nhưng theo cậu ấy thì hiện nay anh ấy đã hy sinh ở chiến trường, còn chị ấy hình như vẫn ở vậy. Cậu kia lại bảo hình như chị ấy đã có con với ai đó. Trời đất, cái gì cũng hình như, hình như! Tôi không thể chịu được. Nhưng mà trách ai? Anh em người ta có việc của người ta. Mà dẫu tôi có hy sinh hay còn thì đối với họ cũng thế thôi. Tôi đã mời được hai cậu đồng hương về nhà chơi. Tôi cư xử với anh em theo đúng kiểu của người Gia Rai... Vâng, lúc gặp anh em thì tôi cảm thấy tôi đóng kịch không đến nỗi kém. Vậy mà sau đó chỉ có một mình với những kỷ niệm cũ, ông ạ, tôi không tài nào chịu nổi. Tôi như thằng tâm thần nhưng lại cũng rất tỉnh táo. Tôi nói dối ông già là được trên cử đi học hai tháng. Ông già bán con heo nái đang nuôi lấy tiền cho tôi, không hề nói gì. Thậm chí ông còn vui hơn thường ngày. Sau này tôi mới biết, ông già cũng tinh ý gớm. Ông bảo lúc ấy ông đếm được trong đầu tôi nghĩ những mưu mẹo gì? Tôi chỉ nghĩ là đi chừng hai tháng. Về quê, tôi định thế. Nhưng với kế hoạch không lộ mặt cho ai biết. Tôi thèm biết tình hình vợ và hai em tôi, với lại được đi trên cánh đồng làng trong cảnh thanh bình quá! Rồi tôi vào, nhất định thế. Tôi không bỏ ông già và dân làng Plei-O-K của tôi được. Có lẽ như thế tôi sẽ yên tâm hơn, phải không ông? Hôm ấy tôi đi sớm. Ra khỏi làng, trời còn mù sương, ngoái lại chỉ thấy những đốm lửa nhập nhòe. Tôi vừa đi vừa chạy tới bến xe thì sáng. Tôi chỉ mặc độc một bộ đồ bộ đội. Vâng, rủi cho tôi mà, cũng thật may cho tôi. Tôi lao vào xếp hàng mua vé. Chỉ còn hai người nữa đến lượt tôi thì bỗng cửa bán vé sập xuống. Hai chữ HếT Vé đập vào mắt tôi như một cái tát! Tôi bấm lòng chờ mua chuyến trưa. Tôi xếp đầu tiên và cố không nghĩ ngợi gì. Thời gian căng thẳng ấy rồi cũng qua. Cửa bán vé vừa mở tôi đã thọc tay, đưa tiền vào. Cô bán vé định bán thì một người nào đó, cũng từ phía trong phòng hỏi giấy. Tôi không có giấy tờ! Không có gì cả! Tôi bảo tôi là thương binh, đi thăm bạn cũng là bình thường! Người ta hỏi: "Thế thẻ thương binh của bác đâu?". Tôi đấm ngực: "Thế à? Tôi thế này mà cũng phải thẻ à?". Người ta vẫn nhẹ nhàng: "Vâng, đã là thương binh thì phải có thẻ thương binh, bác ạ". Tôi nuốt giận đi ra khỏi hàng. Tôi chộp mua một nải chuối bằng số tiền định mua vé nắm trong tay, không phải vì thèm ăn, mà tôi cứ mua, thế thôi. Tôi thấy một cháu bé chừng bốn, năm tuổi đứng nhìn. Tôi đưa cả nải chuối cho nó. Đứa bé bỗng khóc thét lên, còn mẹ cháu thì lao tới, ôm ghì lấy con. Tôi ngơ ngác giây lát và sực nhớ, mình không còn là người bình thường nữa! Tôi nuốt nỗi cay cực xuống ngực và cắm đầu đi! Rồi tôi nằm vật trong một bụi cây. Ông già lại cõng tôi về. Ông già theo dõi tôi, ông ạ. Ông bảo, tôi đi lọt thì cho đi, nhưng nếu không lọt sẽ có chuyện xấu. Ông già đắp lá rừng mát cho tôi. Rồi tôi cũng trở lại bình thường. Có đến vài tháng tôi không được khỏe lắm, đêm nào cũng nằm mơ. Thậm chí cả lúc thức, cả ban ngày nữa! Khi thì thấy thằng em tôi vào. Rõ ràng nó đang đứng ngoài cửa xách cái cặp sách ngày xưa nó vẫn đi học. Tôi chạy ra thì nó biến đâu mất. Tôi quay vào chỗ cũ lại thấy nó xuất hiện. Tôi ngồi im nhìn và nó cũng đứng ngoài cửa nhìn tôi. Tôi quát lên: "Sao chú lại đứng đó?" "Em vào tìm anh", nó nói nhẹ nhàng. "Không!" Tôi bảo nó: "Chú về đi. Về lo công chuyện của chú đi. Anh không còn nữa đâu!". - "Anh nói gì lạ vậy?", nó nói: "Anh vẫn còn sống. Hôm trước anh đã định về với chúng em kia mà!". "Không!". Tôi bảo nó: "Chú nằm mơ đấy!". "Chính anh đang nằm mơ" - nó nói - "Chính anh đang tự dối mình. Anh ngu lắm!" Nó dám bảo tôi thế. "Anh không biết rằng anh đang làm khổ chúng tôi, làm khổ chị ấy và chính bản thân anh nữa: - "Trời ơi", tôi bảo nó. "Chú được học rộng biết nhiều mà hiểu về anh hạn hẹp quá. Anh đã là liệt sĩ rồi. Anh hy sinh ngày giờ, năm tháng nào chắc chú đã biết. Chú đã từng cúng giỗ và khóc anh. Vậy mà bây giờ chú nỡ mắng anh như vậy? Người ta có nhiều cách biểu hiện lòng thương yêu. Khóc là một kiểu và chú mắng anh cũng là một kiểu. Nhưng chú ạ, anh đã hy sinh rồi. Chú hãy cứ tin như thế như chú đã từng tin bấy nay!..." - "Không được!", nó lạnh lùng đáp. "Anh còn sống, em biết. Và chính vì thế, anh đã làm khổ bao nhiêu người. Bây giờ đã đến lúc phải nghĩ lại. Đất nước hòa bình thống nhất rồi. Và anh đã góp một phần xương máu vào sự nghiệp chung. Bây giờ anh có điều kiện được hưởng hạnh phúc. Anh cứ về với bọn em đi! Anh về với chị dâu của chúng em đi!" - "Này", tôi bảo nó: "Chú im miệng ngay đi!". Tôi cũng phải ra vẻ cứng với nó. "Anh cấm chú không được nói năng như thế. Anh đã là liệt sĩ rồi. Nhất định đơn vị anh, bạn bè, đồng đội của anh đã làm chính sách đối với anh chu đáo" - "Không! Anh còn sống", nó vẫn một mực. "Anh hèn lắm! Anh không dám chấp nhận sự thật" - "Sự thật nào?". Tôi quát lên. Nó thì ngồi khóc, ông ạ. Em tôi nó khóc vì tôi là liệt sĩ thật rồi! Mà liệt sĩ không phải đã chết, rõ ràng thế. Tôi bảo nó: "Chú đừng tưởng, chú ạ. Chính liệt sĩ, chính những người anh hùng vô danh, những người không có tên tuổi; những người vì Đảng, vì dân vì tổ quốc - họ đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Họ hy sinh. Đúng! Nhưng hy sinh thì không phải là chết! Họ sẽ sống lâu hơn chúng ta. Chú đừng tưởng. Tôi phải nhắc lại với chú: chú đừng nghĩ chú được học rộng, biết nhiều mà hiểu thấu mọi nhẽ. Chú đừng mong tôi phải ân hận, phải nghĩ lại gì cả. Mỗi con người được sinh ra, nếu chúng ta muốn thành người tốt thì trước nhất, chú ạ. Trước nhất phải làm tròn bổn phận của mình...".
Anh buông tay, ngả người ra sau tiếp:
- Tôi nói nhiều quá phải không ông? Có lẽ tôi say rồi. Cũng có lẽ quá lâu chưa có dịp uống rượu. Hôm nay vui quá. Thằng con tôi ra đời. Tôi đặt tên cháu là Rơ Lan Thực. Lúc ông vào tôi đang nằm mơ nhớ cái đêm nguyệt thực ở quê.
Bây giờ thì anh ngả hẳn người vào lòng tôi. Một lúc sau sực tỉnh, anh tiếp:
- Những ngày sau tháng Ba năm Bảy lăm, chắc các ông sướng lắm nhỉ. Còn tôi, ông ạ! Tôi không dám cho phép mình tự ra khỏi huyện. Đó là nguyên tắc mà tôi đặt ra, là kỷ luật mà tôi không cho phép mình vi phạm. Có những đêm tôi cứ lẩn thẩn nhớ lại khuôn mặt từng anh em một trong đơn vị. Tôi điểm lại quân số những người đã hy sinh từ khi tôi vào đến lúc tôi bị thương. Tôi nhớ hết cả tính tình, khả năng từng người. Nói thật với ông, chỉ tính riêng đại đội tôi thôi, anh em mà còn cả sẽ thành lập gần đủ một tiểu đoàn với những tay súng kỳ cựu và dũng cảm. Có lần tôi mơ thấy tất cả anh em chúng tôi - những liệt sĩ cùng đơn vị - tất cả, dưới sự hướng dẫn của tôi. Anh em tập trung về làng Plei-O-K này để nghe tin tức trên đài giống như hồi còn chiến tranh chúng tôi vẫn làm. Đây, ông là nhà báo, chắc ông dễ thông cảm với chúng tôi. Lúc nào anh em cũng muốn biết tình hình thời sự. Mà phương tiện thông tin thì chỉ có mỗi cái đài của tôi. Báo chí thất thường và chậm lắm. Nhưng hiện nay thì đài của tôi đã gói kỹ rồi. Pin đắt lắm mà chẳng phải lúc nào cũng mua được! Ông bảo ông cho tôi pin hả? Thế thì hay lắm, chút tôi sẽ mở đài cho cả thằng con tôi nghe. Chắc khi con chúng mình lớn lên sẽ không còn thiếu pin nữa?...
Anh nhanh nhẹn cầm hai viên pin tôi đưa, chạy vào nhà. Sau đó không lâu có tiếng đài rọt rẹt. Chị nói vui với anh bằng tiếng Gia Lai:
- Không phải đài người ta cũng mới sinh con trai đâu, mà còn thức khuya để nói.
Anh cười hì hì:
- Đài không nói thì mình nói. Mình mới sinh con trai, lại gặp bạn cũ, thức cả đêm chắc cán bộ phụ nữ giận một nửa, thương một nửa nhỉ?...
Rồi anh bước ra. Chúng tôi đổ tiếp nước vào ghè và vít cần. Tôi gợi chuyện:
- Đã bao giờ anh kể chuyện ngoài Bắc cho chị nghe chưa?
- Có - Anh buông cần, nói. - Lúc chưa cưới, tôi kể hết. Cô ấy khóc. Sau này thì thôi. Nói làm gì nữa ông? Chúng tôi đều là những người muốn có hạnh phúc cả. Nhưng bây giờ cái làm tôi sợ nhất là chiêm bao ông ạ. Có lần tôi mơ thấy em gái tôi vào và khi tôi tỉnh, tôi vùng dậy. Thấy tôi có vẻ hốt hoảng, nhà tôi ôm ghì tôi. Tôi kể cho cô ấy nghe và cô ấy khóc. Tôi phải an ủi, giải thích mãi. Chiêm bao là chiêm bao, còn sự thật vẫn là sự thật phải không ông? Tôi không tin chiêm bao phản ánh đúng sự thật. Cô em gái tôi vào, tôi thấy thế. Nó dẫn theo cả một đoàn cháu gái. Tôi mừng quá, reo lên. Nó thì đẩy vai tôi ra, nói: "Bác còn sống đấy à?", nó dụi mắt và lao vào lòng tôi. "Anh đã hy sinh rồi em ạ", tôi bảo nó thế. "Vâng", em gái tôi tức tưởi. "Lúc nào anh cũng bảo anh đã hy sinh, đã là liệt sĩ! Thôi thì em tin anh. Nhưng sao anh là liệt sĩ mà chẳng phù hộ em? Cháu của bác đây. Bác xem lại đi, toàn cháu gái cả! Em sinh đến đứa thứ năm rồi mà vẫn toàn con gái. Các chị nhắc em phải kế hoạch. Nhưng vợ chồng em muốn có một cháu trai quá. Bác bảo bác là liệt sĩ, sao bác chả phù hộ vợ chồng em? Chúng em dạy học trên miền núi có chục năm hơn rồi mà vẫn chưa xin chuyển được về quê. Bác thì đã hy sinh, bác V công tác xa lắm, ai là người lo giỗ chạp, hương khói cho ông bà, cho bác?". Rồi lại cả vợ tôi nữa, ông ạ. Cô ấy cứ buông tóc xuống đất cho các cháu gái tôi tha hồ mà chải. Tôi đến thu lại thì cô ấy bảo: "Sao cả tháng giời ăn ở với em, em muốn có con, anh lại gạt đi. Anh bảo anh không muốn em vất vả mang thai, sinh con mà vắng mặt anh. Bây giờ anh là liệt sĩ, anh có biết em sống vò võ một mình buồn thế nào không? Anh bảo em đẹp ư? Trời đất, đẹp mà làm gì khi không có anh trên đời này nữa? Tóc dày, tóc xanh mà làm gì khi không có bàn tay anh luồn vào?..." Rồi cô ấy bảo tôi bạc. Rằng tôi sống như thế là không có hậu. Rằng ít ra cũng phải nghĩ tới vợ, tới em, tới công lao của bà con xóm giềng. Cô ấy bảo biết tôi còn sống, có một người mách với cô ấy thế. Vợ tôi không bao giờ tin tôi có thể chết được, ông ạ. Trước hôm đi B, tôi có nói đùa: "Nếu anh có lỡ việc gì...". Cô ấy gạt phăng ngay: "Anh im đi! Không được nói gở thế. Chẳng bao giờ có chuyện gì xẩy ra cả!". Bây giờ cô ấy nhắc lại với tôi điều ấy. Vâng, tôi nhìn vào mắt vợ tôi và cô ấy, cũng nhìn tôi chằm chặp. Tôi bảo: "Em hãy bình tĩnh. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và suy nghĩ...". Cô ấy thét lên: "Anh không phải là người khác! Anh là của em! Hãy về với em đi!". Tôi bảo: "Em hãy nhìn vào mặt anh đây. Hãy nhìn vào tay anh đây. Bàn tay anh không còn luồn vào tóc em được nữa. Môi anh cũng không còn bình thường để đặt lên đôi má lúc nào cũng như rắc phấn của em được nữa!". Có thể tôi nghĩ thế là sai. Nhưng tôi nghĩ thế nào thì tôi làm đúng như thế. ở đời, có những cái sai mà người ta cũng chấp nhận được. Nhưng em thì tùy. Em có quyền trách cứ tôi. Vì yêu em mà tôi xử sự với em không phải.
Bỗng anh ngửa cổ ra sau, nói:
- Không! Tôi là liệt sĩ rồi, ông ạ. Tôi là liệt sĩ như muôn ngàn đồng đội chúng ta là liệt sĩ. Em là vợ tôi, em là vợ liệt sĩ như muôn ngàn chị em có chồng đã hy sinh. Và điều ấy an ủi tôi. Em có quyền tự hào về tôi và cả về em nữa. Chúng anh, những liệt sĩ, em ạ. Chúng anh không sống cho mình và cũng không chết chỉ cho mình . Nhưng anh mắc lỗi vì có em trên đời này. Biết làm thế nào khác được? Tổ quốc đối với anh là em, là bà con xóm làng mình. Nhưng lại không phải chỉ có thế. Tổ quốc còn là ông già Gia Rai đã cứu anh, còn là bà con dân làng Plei-O-K này nữa. Tổ quốc là tất cả. Là Đảng mình, dân mình, là tất cả! - Anh vươn tới chụp mạnh vai tôi, lay lay - Tổ quốc là những đêm chúng mình xuống đồng bằng cõng muối, gùi gạo. Thèm đồng bằng quá. Thèm chui vào bếp lửa quá. Thèm được nghe tiếng ruộng lúa dẫm bùn, sặc sụa mùi phân quá. Thèm được nghe tiếng trẻ khóc, tiếng la rầy của mẹ quá. Thèm được phanh cúc ngực trên đồng hát nghêu ngao quá.
Chợt anh cắn mạnh vào cánh tay và sực ngẩng lên, nhìn tôi:
- Tôi đang nói chuyện với ông nhỉ? Thỉnh thoảng tôi cứ phải hoặc cắn vào cánh tay mình như thế. Hoặc đá vào cái gì đó cho rõ đau để biết mình đang tỉnh hay nằm mơ. Có lẽ thần kinh tôi yếu rồi. Nhưng tôi với ông là đồng đội, chúng mình hiểu nhau hơn. Từ ngày quyết định ở lại đây, tôi không nghĩ là tôi sẽ lấy vợ. Thật thế, thề có mặt trăng đêm nay! Tôi ở với ông già gần chục năm. Mãi năm kia ông già ốm nặng rồi qua đời. Cô út về chăm sóc và chịu tang. Chúng tôi lo cho cụ chu đáo đúng với phong tục của người Gia Lai. Sau đó tôi mới biết cô ấy đã có chồng và chồng cô cũng là liệt sĩ. Vâng, chúng tôi yêu nhau. Dân làng vun vén cho chúng tôi. Tôi được bà con tín nhiệm. Tôi đem hết năng lực ra làm những gì có thể làm được. Rồi tôi được vào Đảng. Đúng hơn, tôi được chi bộ và Đảng ủy xét cho sinh hoạt lại. Bây giờ tôi phụ trách công tác thông tin văn hóa xã, ông ạ. Đội chèo của chúng tôi không những đã vững vàng có thể nói như thế. Chúng tôi còn đang ra sức tập tành để hội diễn văn nghệ quần chúng sắp tới đạt được giải một cách bất ngờ...
Anh ngả hẳn người vào tôi nhìn trăng. Anh lại kéo má tôi hôn tới tấp. Rồi anh thì thầm:
Vừa rồi tôi đã nói gì với ông, tôi không nhớ nữa. Có lẽ tôi say. Nhưng hôm nay vui quá! Suốt từ sáng dân làng tới mừng cho vợ chồng tôi. Chả có gì phải ân hận nữa phải không ông? Thằng con tôi đã xóa đi mọi cực nhọc cho tôi. Ông nên nhớ rằng, tôi không có ý định thay đổi lại cuộc sống. Chỉ có một điều, ông có điều kiện, khi nào về quê tôi chơi, ông thăm dò giúp tình hình vợ và hai em tôi. Nhưng bằng giá nào cũng không được để lộ ra là tôi còn sống. Tôi tin ông, ông giúp tôi nhé. Chúng mình sẽ thư từ cho nhau. Mai tôi ghi địa chỉ cho ông...
Và anh nằm gối đầu lên đùi tôi ngủ. Anh ngủ ngon lành như không phải vừa rồi đã nói ra những điều sâu kín của đời mình.
*
* *
Sau chuyến công tác Tây Nguyên, tôi thu xếp xuống miền quê anh ngay. Trong thời gian đó, tôi ở nhà đồng chí chủ nhiệm, xuống các đội sản xuất lấy tài liệu. Lân la trò chuyện với bà con xã viên, tôi được biết chị P. Vợ anh, năm 1970 nhận tin chồng hy sinh. Người ta kể rằng, chị bị ngất nhiều lần khi nghe tin đó. Nhưng cũng như nhiều chị em có chồng hy sinh ở chiến trường, chị đã vượt qua . Chị lao vào công tác và được trên cử đi học đại học nông nghiệp tại chức. Năm 1975 chị tốt nghiệp và nhận công tác trên phòng nông nghiệp huyện. Năm 1977 chị lấy chồng, anh K. chồng chị cũng là bộ đội chuyển ngành. Họ đã có một cháu trai. Người ta còn kể rằng , anh K. hiền lành, rất chu đáo với vợ con. Xóm làng, mỗi khi nhắc tới tên anh đều được nghe những lời tốt đẹp. Tôi còn biết thêm, anh V. em trai anh đã về nước, hiện đang công tác ở một viện nghiên cứu khoa học của Trung ương tại Hà Nội. Cô em gái anh chuyển xuống gần anh V. Vợ chồng cô có hai cháu, một trai, một gái.
Sau khi rời hợp tác quê anh, tôi còn ghé phòng nông nghiệp huyện, định tìm gặp chị P. Nhưng chị đã đi công tác phong trào. Anh K. đang nghỉ phép, dẫn cháu về quê nội. Tôi rất tiếc không được trực tiếp gặp chị. Nhưng kể thế cũng có cái hay. Điều gì cần biết về chị tôi đã biết rồi. Và tôi cũng đã báo tin cho anh. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm dòng cuối là, trong câu chuyện này, tên anh, tên chị, tên những người thân của anh và cả quê hương cũng như vùng đất của anh đang sống, chỉ là những chữ cái tình cờ mà tôi đặt ra.
Hà nội, 10-1982