Chút Kỷ Niệm Thoáng Qua Trong Đời
Phan Xuân Sinh
Mùa hè năm đó vừa thi xong đệ thất, Ba tôi cho tôi về quê nghỉ hè. Quê nội tôi nằm ven bờ sông Thu Bồn. Tôi ôm chiếc va li nhỏ xíu đón xe đò mà lòng tôi như mở hội, bởi vì không quan trọng sao được khi mà tôi tưởng tượng đến cảnh đặt chân trước cổng làng, những chào hỏi thân thương của bà con hàng xóm với Nội tôi, những người thân trong gia đình chiều chuộng tôi như một cậu ấm, những đứa bé trạc tuổi tôi nhìn tôi với con mắt thèm thuồng. Ở tỉnh bao giờ cũng được quý trọng hơn là ở dưới quệ Không biết cái quan niệm ấy phát sinh từ đâu và bao giờ mà thuở ấy hình như là một định luật đối với những đứa bé như tụi tôi. Những ngày rong chơi thỏa thuê mà không cần phải nhìn qua sách vở, không còn phải sợ sệt đôi mắt lườm lườm của ông gia sư , kèm cho tôi học luyện thị Tôi bây giờ như một tội phạm vừa mãn hạn tù, tôi nghe nhẹ nhỏm hẳn, cái chuyện thi cử hình như đối với tôi không quan trọng. Rớt đệ thất trường công thì học đệ thất trường tư, có gì phải lo lắng.
Tôi mang va li vào tận nhà mà chẳng có ai haỵ Nội tôi đang bận rộn sau vườn, còn bà Tư vú nuôi đang loay hoay dưới bếp. Tôi đặt va li lên ghế rồi leo lên bộ phản gỗ nằm dài, giả vờ mỏi mệt để có dịp nũng nịu với Nội. Không ngờ tôi thiu thiu ngủ quên tự lúc nào, khi thức dậy tôi thấy Nội đang ngồi quạt cho tôi ngủ. Bà nhìn tôi với đôi mắt đầy âu yếm, một hình ảnh mà tôi không thể nào quên trong đời. Tôi mất mẹ từ lúc mới lọt lòng cho nên bên ngoại và bên nội đều thương tôi. Chính tình thương đó giúp tôi quên đi sự mất mát lớn, quên đi những mặc cảm mồ côi. Bà đem khăn ướt cho tôi lau mặt rồi ôm tôi vào lòng. Cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ tới Nội, tôi thấy thương bà và nhớ lại những ngày ấu thơ thật bình an, thật hạnh phúc trong một miền quê thanh bình.
Bà bắt tôi tắm rửa thay quần áo ăn cơm. Bữa cơm hôm đó có lẽ là một trong những bữa cơm ngon nhất trong đời tôi. Trong mâm chẳng có gì đặc biệt, một vài món sơ sài, nhưng lạ miệng tôi ăn được nhiều. Trong nhà Nội tôi trước đây có nhiều người , nhưng từ khi ông tôi qua đời, chỉ còn lại mẹ con bà Tư là vú nuôi Ba tôi thuở trước. Cô Hai con bà Tư lo việc lặt vặt trong nhà, còn bà Tư lo cơm nước. Chồng cô Hai là chú Kết, bây giờ chú làm thợ hồ ngoài Đà Nẵng. Bà Tư rất thương tôi, mỗi lần đi chợ bà đều hỏi tôi hôm nay thích ăn món gì để bà nấu. Tôi không biết sao lúc ấy bất cứ món gì bà nấu đối với tôi cũng ngon. Con gái cô Hai tên Hạnh, cháu ngoại bà Tư thua tôi khoảng hai tuổi. Hạnh học tới lớp ba trường làng thì nghỉ học để lo giúp đỡ cho mẹ những chuyện lặt vặt trong nhà. Năm đó tôi học hết lớp nhất thì Hạnh cũng vừa hết lớp ba bắt đầu nghỉ học. Có lần tôi hỏi Hạnh : " Sao nghỉ học sớm thế ? " . Hạnh trả lời một cách chân thật: " Mẹ bảo con gái học gì cho nhiều, sau nầy khó gả chồng ".
Một sự lo xa quá đáng, một quan niệm quá lỗi thời. Thế nhưng hầu hết những người trong quê tôi hồi đó đều nghĩ vậy, chỉ lo cho con trai học đến nơi đến chốn, còn con gái thì học qua loa cho biết chữ là tốt rồi. Suốt trong tháng hè còn lại, chỉ có Hạnh gần gũi tôi nhất. Một lần ra vườn nhìn lên cây ổi thấy một trái trên cao đã chín, tôi không biết cách nào để leo lên, thì Hạnh lập tức trèo lên hái xuống cho tôi. Đi chơi đâu Hạnh cũng lè kè theo tôi. Mỗi buổi chiều, tôi và Hạnh hay ra ngồi ngoài bờ ruộng nhìn mấy đứa chăn trâu thả diều. Tôi muốn chạy lại cùng chơi với họ nhưng Hạnh ngăn tôi lại. Tôi không hiểu sao Hạnh lại có thái độ kỳ cục như vậy. Về sau nầy tôi mới biết bà tôi dặn Hạnh không cho tôi chơi chung, sợ họ đánh tôi. Một lần tôi suýt bị trâu húc không nhờ Hạnh thì có lẽ tôi đã tan thây lúc đó. Tôi cầm đuôi con nghé đùa giỡn. Con trâu mẹ đang ăn cỏ đằng xa sồng sộc chạy tới tưởng rằng tôi đánh con nghé nên húc tôi. Hạnh kéo tôi nhảy vào sau cây rơm gần đó. Trâu mẹ húc vào cây rơm tan tành. Từ đó về sau nầy mỗi lần gặp trâu tôi lo tránh xạ Không biết ai nói lại chuyện nầy với cô Hai , chiều hôm đó Hạnh bị một trận đòn vì tội để cho tôi bị trâu rượt. Tội nghiệp cho cô bạn nhỏ của tôi. Lằn roi in trên chiếc mông nhỏ bé, ngày hôm sau Hạnh kéo quần cho tôi xem. Buổi trưa nào tôi và Hạnh cũng theo cô Hai ra bờ sông, chúng tôi tắm còn cô Hai giặt giũ áo quần. Khi tắm, Hạnh mặc nguyên áo quần, còn tôi thì mặc quần đùi. Có lần tôi hỏi cô Hai : " Sao không cho Hạnh mặc quần đùi như con?" , cô trả lời một cách cộc lốc: " Không được, con trai khác, con gái khác" . Tối hôm đó nằm với Nội tôi đem chuyện nầy hỏi lại, Nội tôi cười mắng tôi: " Không được hỏi bậy sau nầy biết" . Những ngày êm ả sống trong quê nội, mặc dù ngắn ngủi nhưng tôi không thể nào quên được. Sau nầy khi tôi lớn lên, chiến tranh cũng bắt đầu tàn phá khốc liệt, quê nội tôi cũng như trăm ngàn làng quê khác của Miền Nam chìm trong khói lửa mịt mù.
Rồi một tháng hè cũng qua, tôi xếp áo quần vào va li để chuẩn bị ra Đà nẵng đi học trở lại. Hạnh tới giúp tôi ủi áo quần. Tôi còn nhớ rõ chiếc bàn ủi than Con Gà cũ kỹ tự lúc nào, được Nội cất trong buồng đã rỉ sét. Cái tay cầm bằng gỗ bị hư từ lâu còn trơ lại thanh sắt, mỗi khi ủi phải dùng chiếc khăn lông xếp lại nhiều lần để khỏi nóng, thế mà hàng xóm cứ đến mượn mãi mỗi khi có đám tiệc quan trọng, cả xóm chỉ có chiếc bàn ủi đó. Hạnh cúi đầu vào bàn ủi không dám ngẩn mặt lên nhìn tôi. Hình như cái gì đó đã làm cho chúng tôi không nói được nên lời. Điều chắc chắn là chúng tôi không còn được rong chơi thoải mái như những ngày hè vừa quạ Hạnh không còn được dịp chiều chuộng tôi. Chiều chuộng người khác là một vinh hạnh lắm sao? Có lần tôi hỏi Hạnh : " Tại sao không để anh làm, mà Hạnh cứ làm thế cho anh?" . Chẳng hạn như lấy chén đũa, trải chiếu trên gường mỗi đêm trước khi đi ngủ. Hạnh trả lời : " Chuyện đó là của con gái, con trai không làm chuyện đó" . À, thì té ra từ nhỏ Hạnh đã được dạy những việc vặt vãnh trong nhà đàn bà phải lo, còn đàn ông lo chuyện đại sự. Nội tôi sau khi dặn dò bà Tư vài điều trông coi nhà cửa, dẫn tôi xuống đò để đi Đà nẵng cùng với tôi. Hạnh xách chiếc va li cho tôi tới bến đò. Trong lúc chờ đò sang, tôi và Hạnh không nói với nhau một câu nào. Hình như chúng tôi cùng hiểu ra rằng phút chia tay nào cũng buồn bã. Hạnh trao cho tôi chiếc va li trước khi tôi bước xuống đò, rồi Hạnh vụt chạy về nhà. Ngồi trên thành đò nhìn lại cánh đồng Hạnh đang chạy, mắt tôi rưng rưng muốn khóc. Bóng dáng cô bạn gái nhỏ bé của tôi cúi đầu chạy một cách lảo đảo, để trốn những giọt nước mắt cho tôi khỏi thấy chăng? Suốt trong mấy ngày sau tôi cũng còn cảm thấy buồn buồn.
Tháng ngày trôi qua, tôi ít có dịp trở về quê, vài ba năm mới trở lại một lần. Hạnh lớn hẳn lên, có những chút thẹn thùng, không còn tự nhiên như hồi còn bé. Chúng tôi cảm thấy có một sự cách biệt nên sự thân thiết không còn như xưa. Phải thành thật mà nói khi lớn lên Hạnh có một chút nhan sắc, nhưng có đượm một chút ít quê mùa của hương đồng cỏ nội. Tôi một đứa con trai mới lớn, nhút nhát và sợ sệt. Thành thử gặp nhau ngoài sự chào hỏi Hạnh, tôi cảm thấy rất ngượng ngập khi nói chuyện. Hạnh hiền hòa chất phác, ăn nói bẻn lẻn mất tự nhiên. Mỗi lần có dịp nói chuyện với Hạnh, tôi và Hạnh rất lúng túng trong những câu chuyện nhạt nhẽo, vì người nào cũng ấp a ấp úng, nói không mạch lạc. Có lẽ cái tuổi mới lớn của chúng tôi quá nhiều e thẹn, thật cần thiết lắm chúng tôi mới trao đổi chuyện trò. Đó là yếu điểm của tôi và Hạnh. Sau nầy tôi vẫn còn hối tiếc cho những cơ hội thuận lợi đó để tôi và Hạnh gần gũi nhau hơn. Một lần ở quê, trời nóng, tôi mang chiếc ghế ra ngoài sân ngồi hóng mát, tôi thấy thấp thoáng bóng Hạnh cuối sân. Tôi lưỡng lự mãi , cuối cùng tôi bước tới nói chuyện với Hạnh. Đó là lần thử nghiệm sau cùng, để tôi kiểm chứng thử xem giữa tôi với Hạnh có còn gần gũi được không. Hạnh đứng dựa lưng vào gốc ổi, tóc xỏa tung thật liêu trai. Tôi thấy Hạnh đẹp hẳn lên, tôi tới gần lên tiếng :" Hạnh khỏe không ? lúc nầy làm gì ? " . Hạnh trả lời nhỏ nhẹ: " Cám ơn anh, em vẫn khỏe, em bán hàng xén ngoài chợ " . Hàng xén gần như một loại tạp hóa mà nơi khác hay dùng. Tôi hỏi Hạnh đủ thứ và Hạnh cũng chỉ trả lời ngắn gọn. Tôi định nắm lấy tay Hạnh, nhưng quá nhút nhát tôi không làm được điều nầy, rồi nghỉ sao tôi lại thôi. Nếu như lúc ấy tôi cầm tay Hạnh, hôn Hạnh, thì chắc bây giờ cục diện giữa chúng tôi đã đổi khác. Tôi nhận thấy rằng tôi không nên tiến xa hơn, chỉ để lại cho Hạnh một nỗi khổ tâm. Lúc đó tôi còn quá trẻ, còn đi học. Ngược lại Hạnh đẫy đà như một thiếu nữ, cần phải có một tấm chồng ngay như quan niệm miền quệ Chúng tôi lúc ấy có một sự cách biệt, dù không nói ra vẫn thấy khó đi xa hơn, mà gia đình là hàng rào chắn kiên cố nhất. Tôi xin lỗi Hạnh để vào ngủ sớm, quả thật trong lòng tôi cảm thấy thương Hạnh nhiều hơn. Thương hay yêu Hạnh lẫn lộn không làm sao phân biệt được, nếu kéo dài thời gian, tôi không kềm hãm được lý trí, tôi sẽ để lại cho Hạnh một sự Oán trách sau nầy. Lạy chúa , tôi đã thắng được phút giây yếu lòng nhất. Trong đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được, đến tờ mờ sáng tôi xách gói ra bến đò về lại Đà nẵng. Tôi vội vàng đi như một cuộc trốn chạy, tôi trốn Hạnh hay đúng hơn là tôi trốn sự bỉ ổi sẽ chiếm ngự trong người tôi, nếu tôi ở lại thêm một ngày nữa.
Một năm sau đó bà Nội tôi mất, tôi trở về chịu tang, tôi lẩn tránh Hạnh. Viện lý do ban đêm mất an ninh tôi không thể ở lại được, chiều hôm ấy tôi lầm lủi ra về. Ngồi trên xe đò, lòng tôi buồn rười rượi. Tôi biết Hạnh sẽ khinh tôi, sẽ không tha thứ cho tôi, vì đột ngột ra đi như trốn tránh một cái gì đó ghê gớm lắm. Hạnh hiểu rõ điều nầy, nhưng Hạnh lại không biết một điều quan trọng, là tôi muốn Hạnh không vướng mắc vào chuyện tình cảm lăng nhăng của tôi.
Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt hơn. Quê tôi là nơi thường xẩy ra những cuộc giao tranh đẫm máu, nhà cửa xóm làng đều đổ nát tiêu điều. Nhà Nội tôi không tránh khỏi sự tàn phá đó. Tôi nghe tin Hạnh đã đi theo phe bên kia, sống tại vùng đất mất an ninh làm sao né tránh những cám dỗ của họ được. Tôi chỉ thương hại cho Hạnh, người con gái nặng nợ với quê cha đất tổ, gắn chặt với ruộng đồng. Sống giữa vùng lửa đạn, thì dù không muốn cũng phải đứng vào hàng ngũ của phe bên kia trên vùng đất họ kiểm soát. Rồi đến lượt tôi cũng bước vào lính, phe đối nghịch với Hạnh. Từ thuở ấy tôi bặt tin tức về Hạnh.
Đơn vị của tôi phục vụ là một đơn vị thiện chiến, đóng trên địa bàn Quảng Nam. Đôi chân của tôi đã đặt trên từng ngỏ ngách xóm làng trong các cuộc hành quân. Tôi đã tham dự nhiều trận đánh từ lớn tới nhỏ, trên phần đất đã chôn nhau cắt rốn nầy. Rồi một hôm, tôi nhận được lệnh hành quân lục soát, tọa độ được chỉ định thi hành là quê tôi. Cầm bản đồ trên tay nhìn vào địa danh quen thuộc, lòng tôi trỉu nặng. Tôi van vái đừng có cuộc đụng độ nào ở đây, vì bất cứ một cuộc đụng độ nào dù nhỏ cũng có người của họ hàng tôi. Đó là một điều đau lòng nhất đối với tôi. Khi máy bay trực thăng thả chúng tôi xuống, tôi không định hình được nơi nào là nhà của Nội tôi ngày trước, vì tất cả không còn một cái nhà hoặc cây cối, chỉ toàn thấy cỏ tranh. Trung đội tôi có nhiệm vụ tìm một căn hầm, mà theo tin tình báo có một ông Tỉnh ủy viên đang ở. Chúng tôi lục xét từ sáng đến trưa nhưng không tìm được. Trong thời gian nghỉ trưa để ăn cơm, tôi dẫn hai người lính cùng tôi đi tìm nền nhà cũ của Nội tôi ngày trước. Đứng trên nền nhà mà lòng tôi quặn đau. Cuộc chiến thật tàn ác, một nơi cách đây chỉ vài năm là một miền quê trù phú, bây giờ trở thành bình địa, không có một bóng cây. Nơi nhà nầy Ba tôi đã ra đời, hằng năm cha con tôi dù bận rộn ngày tết cũng phải về thắp nhang, lạy cúng ông bà, con cháu vào ra tấp nập. Bây giờ chỉ còn lại cái nền trơ trụi. Tôi nhắm hướng góc vườn nơi chôn Ông Bà tôi. Hai tấm bia bị gãy, tôi nhờ hai người lính dọn sạch cỏ tranh trên mộ, rồi tôi thắp nhang trên phần mộ của Nội tôi. Nước mắt tôi chảy ròng, nhớ lại những ngày còn bé, Ông bà tôi thương tôi nhất nhà, bởi vì tôi bất hạnh vì mẹ mất sớm.
Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm đến chiều, thì phát hiện một căn hầm. Mấy người lính lôi lên một người con gái còn trẻ. Họ dẫn tới trình diện tôi. Khi nhìn cô ta, tôi hoảng hốt: " Hạnh đó sao?" . Trời ơi, tại sao cuộc đời oan nghiệt với tôi đến thế, tại sao không phải là ai khác mà là Hạnh. Tôi là thằng sĩ quan cấp nhỏ, làm sao tôi che chở được cho Hạnh. Tôi chỉ có quyền bắt chứ không có quyền thạ Tôi ôm Hạnh trong tay mà nước mắt tôi tuôn dòng. Mấy người lính thấy tôi khóc họ lẩn đi ra ngoài. Làm sao tôi cứu em đây. Tôi phân vân mãi giữa trách nhiệm và giữa người thân. Nếu tôi thả Hạnh tôi sẽ mang tội lạm quyền, vì tôi tự ý thả người mà không có lệnh của thượng cấp. Còn nếu tôi bắt Hạnh thì tôi sẽ ân hận suốt đời, dòng họ tôi phỉ nhổ xem tôi là đồ vô loại. Tôi làm sao nhìn bà Tư người vú già đáng quý của Ba tôi, lúc nào Ba tôi cũng xem bà như mẹ ruột. Làm sao tôi nhìn vợ chồng Chú Kết cô Hai, người thân tín trung thành của gia đình tôi. Làm sao tôi trói Hạnh, bịt mắt và đưa lên trực thăng, như bao tù binh khác mà tôi đã bắt. Hạnh nhìn tôi trong ánh mắt uất hận, cứng cỏi như thách thức. Còn tôi, bao nhiêu đắn đo suy nghĩ đã làm rối bời tâm trí. Hạnh lạnh lùng và không hé răng một lời. Còn tôi, cả thân người nóng rang như lửa đốt. Lòng tôi đã chùng xuống. Tôi là người bại trận chứ không phải là Hạnh. Cuối cùng tôi quyết định thả Hạnh. Tôi chấp nhận mọi hình phạt, mọi tai họa ụp xuống đầu tôi. Tôi chấp nhận ra tòa án binh để nhận lãnh một bản án thật nặng chứ tôi không thể nào bắt Hạnh trong lúc nầy.
Trước khi thả Hạnh, tôi dặn dò: " Đừng dại dột vì không thể nào có may mắn lần thứ hai, thả Hạnh bây giờ anh sẽ lãnh một hình phạt vào những ngày sắp tới. Anh mong rằng Hạnh hãy từ bỏ tất cả về định cư vùng an ninh để làm lại cuộc đời" . Lời nói của tôi như một lời cầu khẩn, tôi mong rằng Hạnh sẽ được sống trong an bình. Thế nhưng sau khi được thả ra Hạnh lại trở về con đường cũ. Sau nầy tôi được một người trong quê cho biết sở dĩ Hạnh theo bên kia vì oán hận tôi, vì muốn trả thù nên chấp nhận đứng vào hàng ngũ phe đối nghịch. Không ngờ sau nầy Hạnh đã thành công trong việc chọn lựa nầy. Hành quân về, tôi lên trình diện đại đội trưởng trình bày mọi sự việc. Ông nhìn tôi đăm chiêu. Có lẽ ông cũng khó xử như tôi đã khó xử với Hạnh. Cuối cùng ông nói với tôi: " Có lẽ chúng ta sẽ thua Cộng Sản, bởi vì chúng ta tính toán bằng trái tim, mà họ thì tính toán bằng dao găm. Ta còn nặng lòng với người thân, còn họ thì nặng lòng với lý tưởng. Thôi, Thiếu úy về đi, có gì tôi với ông cùng ra tòa lãnh án" . Lời nói của ông có phải chăng là cời tiên tri sau nầy. Tôi nghĩ thế nào ông cũng báo cáo với Trung đoàn. Tôi sẵn sàng chuẩn bị bước vào quân lao. Thế nhưng ngày nầy qua ngày khác, tháng nầy qua tháng khác, chuyện của tôi chìm vào quên lãng. Trong một dịp vui, tôi đến gạ lại chuyện cũ và hỏi ông: " Thưa Đại úy, chuyện của tôi lâu quá sao chưa thấy An ninh quân đội gọi ?" . Ông vỗ vai tôi rồi trả lời: " Không có gì đâu, không ai biết chuyện nầy ngoại trừ anh và tôi. Còn mấy thằng lính bữa đó chúng nó thương anh lắm, không nói với ai đâu." . Ông là một con người mà tôi đã kính phục từ lâu. Gặp chuyện rắc rối nầy tôi lại càng kính phục ông thêm, cách giải quyết của ông rất nguy hiểm, nó có thể liên lụy tới ông, tới cuộc đời binh nghiệp của ông. Trong cương vị chỉ huy, Ông hiểu thuộc cấp và thường che chở họ. Bao giờ Ông cũng đứng vào lẽ phải.
Trong thế hệ của chúng tôi, khi vừa lớn lên là cuộc chiến đến hồi khốc liệt nhất. Những trường đào tạo sĩ quan và những trung tâm huấn luyện trở thành người lính, một năm ra trường không kể xiết, thế mà vẫn không cung ứng đủ cho chiến trường. Bạn bè gặp hôm nay, ngày mai có người đã chết. Tâm trạng của những thằng lính chiến thật vô cùng bi đát, tinh thần xuống rất thấp. Cái chết rình rập không biết lúc nào tới phiên mình. Nguyên nhân đưa tới sự suy sụp tinh thần có nhiều lý do, mà trong đó sự công bằng là một trong những lý do làm rạn nứt và sụp đổ tập thể quân đội. Con của các vị tướng lãnh có người nào chết tại chiến trường chưa? Hay chỉ có chúng tôi, những người thấp hèn cô thế thì mới được vinh hạnh chết cho Tổ Quốc, cái vinh hạnh không công bằng ấy không ai muốn nhận cả, thế nhưng thấp cổ bé họng chúng tôi đành phải chấp nhận. Rồi đến ngày Miền Nam sụp đổ. Những người chức trọng quyền cao phần đông đưa được cả gia đình an toàn ra nước ngoài, ít ai còn kẹt lại trong nước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng được phần lợi nhất. Còn những người không lượng được tình hình thì ở lại. Người nào chạy được thì thoát, người nào không chạy được thì bị lùa vào trại Cải tạo. Không ai tránh khỏi. Vài năm sau, một hôm đi trên đường Lê Lợi Sài Gòn tôi gặp lại Đại úy Lập, người Đại đội trưởng của tôi năm nào. Hai đứa dẫn nhau vào quán nhậu ở lề đường Thi Sách, ông kể cho tôi nghe những khổ đau ở những trại cải tạo từ Nam chí Bắc, Ông được thả ra thì được biết vợ con Ông đã vượt Biển đến Mỹ, không liên lạc được. Tôi hỏi Ông còn nhớ vụ tôi thả người con gái trong một cuộc hành quân không. Ông gật đầu. Tôi kể cho Ông nghe về Hạnh.,bây giờ Hạnh là Bí thư xã. Ông cười và nói với tôi : " Cũng may cho cậu, nếu ngày trước cậu bắt cô ta thì bây giờ chúng nó làm thịt cậu" . Hôm đó tụi tôi uống rượu thật say.
Bẳng đi một thời gian khá lâu, tôi sinh sống ở Sài gòn và có gia đình. Một hôm được tin Ba tôi đau nặng ở Đà nẵng tôi phải về gấp. Trong thời gian ở lại săn sóc cho Ba tôi, tôi được tin trước đó Hạnh và chồng cũng thường đến thăm . Không hiểu sao tôi muốn gặp lại Hạnh, với tính tò mò tôi muốn xem Hạnh bây giờ ra sao. Được mấy đứa em tôi cho biết Hạnh lúc nầy đời sống khá lắm. Một hôm đi uống cà phê với người bạn về, gặp lại Hạnh đang chờ tôi ở nhà, không hiểu sao tôi thốt lên: " Hạnh đó sao ?" , một câu mà trong cuộc hành quân năm xưa tôi đã hỏi Hạnh, một câu mà hai đứa tôi tràn trề nước mắt. Bây giờ cũng một câu hỏi đó nhưng trong tôi, trong Hạnh đều nở một nụ cười rạng rỡ. Hạnh mất đi cái nét ngây thơ của ngày xưa. Bây giờ Hạnh đứng tuổi mang một nét đẹp chửng chạt, ra vẻ một mệnh phụ. Đồng tiền đã thay đổi hẳn con người. Tôi không hỏi Hạnh về gia đình, về cuộc sống vì nhìn thấy con người tự mãn của Hạnh là biết ngay những thứ ấy dư thừa. Hạnh là một trong lớp người tư sản mới, cách phục sức, trang điểm rất thành thạo. Một con người quê mùa chất phác ngày nào, thịt da còn xanh mét sống trong những căn hầm bí mật, thiếu ăn. Bây giờ được thay da đổi thịt, có một đời sống sung túc, được hưởng mọi quyền lợi tột đỉnh của chế độ, nên con người thấy cũng phơi phới. Ngày xưa khi còn trẻ tôi thích lối se sua, chưng diện của phụ nữ. Bây giờ lớn tuổi thì ngược lại tôi thích nhan sắc tự nhiên như của Hạnh ngày mới lớn.
Hạnh hỏi tôi đủ thứ, chuyện vợ con, chuyện làm ăn, chuyện nhà cửa v.v.. và cuối cùng hỏi tôi có cần Hạnh giúp gì không. Tôi nhìn thẳng vào mắt Hạnh và tôi tự hỏi mình, có lẽ Hạnh muốn trả sòng phẳng món nợ mà trước đây Hạnh còn thiếu. Cái giá mà tôi đánh đổi lúc ấy thật vô giá. Tôi đem cả một đời trai của mình, một tương lai của mình để che chở cho Hạnh, tôi sẽ lãnh một bản án khá nặng nề vì trong khi trực diện với quân thù, tôi đã lạm quyền, bất tuân thượng lệnh. Bây giờ tôi ngửa tay xin xỏ một sự bố thí của Hạnh, ngửa tay nhận lấy vài lượng vàng, mà tôi biết chắc số vàng đó không phải do sự lao động cần cù, hay siêng năng buôn bán của vợ chồng Hạnh. Mà do quyền thế tạo ra, do bóp chặt yết hầu những người vô tội. Mặt tôi lúc đó đanh lại, lạnh lùng và tàn nhẫn. Tôi nghiến răng nói như tát nước: " Tôi cần gì ai giúp, tôi có thể nuôi thân tôi bằng đôi tay trong những công việc chính đáng, chứ tôi không thể nhận những đồng tiền không sáng sủa" . Hạnh khóc nức nở, ấm ức nói với tôi: " Em thề với trời, em phải làm bất cứ cái gì để sau nầy có cuộc sống hơn anh. Nhưng bây giờ thì em đã lầm, đã quá muộn. Mong anh tha lỗi nầy cho em" . Hạnh lau nước mắt và nói tiếp: " Khi còn trẻ, em nghĩ thế nào có ngày em cũng lay chuyển được anh, em sẽ thắng . Nhưng mỗi lần gặp anh, là mỗi lần em thua cuộc. Xin lỗi anh, em đã đặt anh vào một thế cờ đối nghịch. Gặp lại anh, em phải sửa soạn thật kỹ, để anh không còn chê em là quê mùa. Em phải làm cái gì có tiền để có dịp giúp anh. Nhưng bây giờ thì em đã hiểu, anh là người sống hoàn toàn với trái tim".
Cơn tức giận của tôi nguội ngay, tôi từ tốn trả lời với Hạnh : " Xin lỗi Hạnh, anh hồ đồ quá".
Tôi đưa Hạnh ra về, cùng đi với Hạnh một đoạn đường. Lòng tôi thấy lạnh lùng, không có một chút rạo rực hay quyến luyến. Hạnh đi bên tôi và nói ra một sự thật mà bao nhiêu năm không nói được. Hạnh thấy trả được mối thù đã gậm nhấm trong lòng từ lâu, nhưng theo Hạnh lý luận bao giờ Hạnh cũng là người chiến bại, cũng thua cuộc. Với tôi thì ít ra Hạnh cũng thỏa mãn lòng tự ái của mình. Bây giờ tôi mới nghiệm ra được một điều, hai chúng tôi không thể nào hiểu nhau được. Hạnh đang no nê với những vật chất đang có. Còn tôi nhìn những lợi danh như một trò chơi, bởi vì đời sống đã xô đẩy tôi trở thành một người cứng cỏi. Có chăng Hạnh còn lại trong tôi chỉ là một chút kỷ niệm thoáng qua trong đời. Tiễn Hạnh được một khúc đường, tôi bắt tay Hạnh giã từ, tôi về nhà và đêm đó tôi vội vàng thu dọn hành lý trở vào Sài gòn. Ngồi trên xe đò nhìn lại quê tôi lần cuối, nơi nầy sinh tôi ra nhưng đã đày ải tôi suốt cuộc đời. Nơi nầy tôi có Hạnh nhưng mỗi lần gặp nhau tôi hối hả trốn chạy./
Hết