Mã Đại Ngưu Định Hướng
Quý Đông Lương
Hôm đến thôn Mã Đại lấy tin viết bài cho tòa soạn, tôi lại gặp trưởng thôn này là Mã Đại Ngưu. Ông đang từ một quán ăn nhỏ bước ra, vừa đi vừa chùi miệng, mặt đỏ bừng bừng. Nhác thấy tôi, ông bước đến, kéo tay khẩn khoản mời vào quán uống rượu. Tôi thoái thác là mình đang có việc, nhưng ông nhất định không chịu buông tha: thôi mà, chẳng nhiều thì ít, chỉ cần làm vài ly cũng được, tôi có chuyện này cần đả thông tư tưởng với anh. Thế là tôi đành phải nán lại.
Ấu trĩ:
Sự việc nhìn từ một phía luôn có điều bất cập. Đó là những vấn đề lớn tồn tại ở nông thôn.
° ° °
Cách đây hai tháng, tôi đã đến thôn miền núi hẻo lánh này. Trước đó, tòa soạn liên tiếp nhận được mấy bức thư phản ánh tình hình trong thôn. Nào là thôn Mã Đại bây giờ càng ngày càng giống xã hội cũ, Mã Đại Ngưu còn địa chủ hơn cả địa chủ ngày xưa. Người ta kể ra một loạt tội trạng của trưởng thôn. Trong đó có một chuyện làm tôi không thể nào quên được.
Thư của quần chúng viết: Mã Đại Ngưu mới có cháu nội, nhưng cô con dâu lại không có sữa. Ông ta bèn tổ chức tuyển chọn một người trong thôn làm vú em cho cháu bú sữa, ai trúng tuyển sẽ được biếu hai cái bếp lò làm bằng xi măng, là vật tư xóa đói giảm nghèo cấp trên phân phát về cho thôn. Thế là tất cả đàn bà đang ở thời kỳ cho con bú trong thôn nhao nhao tranh nhau đăng ký. Hết bà này đến chị nọ, ai nấy đều ra đường vạch vú chờ đến lượt khám tuyển. Khắp thôn thoang thoảng mùi thơm của sữa mẹ. Tòa soạn cử tôi xuống điều tra. Tôi vừa đến đầu thôn, Mã Đại Ngưu đã biết tin, khăng khăng kéo tôi đi ăn cơm, nhưng tôi kiên quyết không nhận lời. Có điều, khi tôi bắt đầu lân la đi các nhà hỏi chuyện thì cả xóm chẳng ai dám hé răng nói gì hết. Thế là tôi bèn trực tiếp gặp Mã Đại Ngưu trao đổi. Ông ta không giấu diếm gì cả, bảo là có chuyện ấy thật. Có, nhưng không như chuyện anh nhà báo vừa nói đâu. Ở đây có cái vấn đề thứ tự trước sau, mà cái vấn đề trước sau này lại chính là vấn đề nguyên tắc đấy. Trước đó, tôi đã giúp cho phần lớn gia đình các bà ấy được hưởng chính sách xóa đói giảm nghèo, có thế rồi họ mới giúp lại tôi chứ. Con người ta có bao giờ quên ân nghĩa đâu, trên đài phát thanh chả luôn luôn nói rằng người cộng sản cũng bằng xương bằng thịt đấy ư? Mà thực ra khi giúp họ xóa đói giảm nghèo, chẳng qua tôi cũng chỉ giúp họ hoặc là một cái bếp lò thoát nghèo hoặc là một suất kinh phí lấy từ quỹ xóa đói giảm nghèo thôi, nhiều lắm thì cũng chỉ là cho thêm mấy bộ quần áo cũ rách dân thành phố các anh không dùng nữa đem quyên góp ủng hộ đồng bào, chứ có gì to tát, có gì phạm đường lối chính sách đâu. Sao mà được như các vị lãnh đạo trên thành phố các anh, vị nào chẳng có quyền phân phối hàng nghìn hàng vạn suất kinh phí xóa đói giảm nghèo.
Tôi bảo, đồng chí như thế là đã phạm khuyết điểm lấy vật tư xóa đói giảm nghèo trên phân phát cho thôn để phục vụ lợi riêng của mình. Mã Đại Ngưu tròn xoe mắt bảo, không thể nói thế được, anh không nắm vững tình hình thực tế đâu, hàng năm trên cấp phát vật tư xóa đói giảm nghèo về thôn này, mọi người đều lần lượt được chia tất. Như thế có gì đáng nói nhỉ? Tôi chỉ lấy cho nhà mình rất ít thôi. Cách phân trần của Mã Đại Ngưu làm tôi tròn xoe mắt vì ngạc nhiên - thật không ngờ ông ấy lại có thể giải thích như thế được.
Về cơ quan, tôi viết một báo cáo tham khảo nội bộ. Tài liệu này phát ra không lâu, nghe nói Mã Đại Ngưu mấy lần rêu rao sẽ “xin tôi tí tiết”. Về sau, ông ta lại nói với mọi người rằng chỉ có cái hạng nhà báo nhãi ranh rỗi việc nên mới vẽ chuyện nói tao là phần tử tham nhũng, như thế chẳng phải là đề cao vị trí của tao đấy ư, tao thì là cái thá gì so với bọn tham nhũng chứ! Có giỏi thì đi mà khui mấy cái vụ to to ấy, chứ khui chuyện hạng tép riu chúng tao thì chỉ làm người ta coi thường nó thôi. Nghe những lời lẽ ấy của Mã Đại Ngưu, tôi quả thật có chút phân vân, nhưng còn biết làm gì bây giờ!
° ° °
Mã Đại Ngưu đưa cốc rượu cho tôi và bảo, không choảng nhau thì không thành bạn, chỗ rượu này chảy xuống tới bụng thì chúng ta đã là bạn với nhau rồi đấy nhé.
Tôi cười cười, nói mình không uống rượu.
Ông bảo anh cứ nhấp một ti tí thôi, hay là chỉ chạm lưỡi vào rượu cũng được.
Thấy ông ta nhiệt tình như vậy, tôi bèn đón lấy cốc rượu, uống cạn một hơi. Ông vỗ tay, luôn miệng cảm ơn, cảm ơn.
Sau đó, ông tự rót rượu cho mình, vừa nhấm nháp vừa hể hả nói hôm nay thật vui, thứ nhất, tôi và anh xóa hết oán thù nhé, thứ hai, tôi vẫn là trưởng thôn nhé. Vừa mới được bầu lại xong cơ đấy!
Tôi hỏi, thật thế sao, trưởng thôn này vẫn là bác đấy ư? Ông gật đầu rồi kể: Trước ngày bầu trưởng thôn, tôi tổ chức một cú bầu sơ bộ. Tôi ra đề, nói bây giờ bà con đều muốn làm trưởng thôn cả, thế thì trước hết ta phải bầu sơ bộ cái đã, ai trả lời được câu hỏi của tôi thì người ấy được tham dự tranh cử. Nhà báo đoán xem tôi ra đề gì nào?
Tôi lắc lắc đầu. Ông uống cạn liền hai cốc rượu rồi mới nói tiếp: Tôi bảo bà con hãy nói xem, gà mái đen hay gà mái trắng, loại nào giỏi hơn? Tất cả bọn họ đều đớ người ta, đảo mắt nghĩ mãi mà vẫn cứ lắc đầu hoài. Tôi bèn nói, đấy nhé, các người muốn làm trưởng thôn thì các người lãnh đạo được ai kia chứ? Thế là họ đều rút lui, không tranh cử nữa. Thật ra họ chẳng rút lui thì cũng thế cả thôi, bảy chục phần trăm dân thôn này đều là người họ Mã, chức trưởng thôn này sao còn có thể để người khác làm chứ?
Nói đoạn, ông nhìn tôi rồi bảo, anh là người có văn hóa, nhất định anh phải biết gà mái đen giỏi hơn hay gà mái trắng giỏi hơn.
Tôi lắc đầu nói, chịu, không biết.
Ông bảo, anh định giỡn tôi hả. Nhưng ánh mắt ông đã hiện rõ vẻ đắc ý lắm.
Tôi bảo, quả thật là không biết.
Mã Đại Ngưu dướn người lên hỏi, anh thật không biết hử?
Tôi đáp, tôi thật sự chẳng biết.
Ông ngửng đầu nói, gà mái đen giỏi hơn.
Tôi hỏi tại sao. Ông bảo, gà mái đen có thể đẻ được trứng trắng, nhưng gà mái trắng thì lại cóc đẻ được trứng đen. Nói xong, ông khoái chí tựa lưng vào thành ghế, cười ha hả.
Tôi rót rượu, uống cạn một cốc nữa rồi bảo, vẫn cứ là gà mái trắng giỏi hơn.
Ông bật dậy, hỏi tại sao lại thế.
Tôi bảo, gà mái trắng đẻ được trứng gà trắng, nhưng gà mái đen lại không đẻ được trứng gà đen. Đấy chẳng phải là sự thật rành rành hai năm rõ mười sao? Gà đen mà còn không đẻ ra được trứng đen, cớ sao lại cứ khăng khăng đòi gà trắng phải đẻ trứng đen kia chứ?
Mã Đại Ngưu ngước mắt nhìn lên trần nhà, hai tay vò đầu, nghĩ ngợi hồi lâu rồi bảo đúng, đúng, đúng, đúng là cái lý lẽ ấy. Ông kéo tay tôi, nói, anh thật cừ, đúng là người có văn hóa có khác. Cơ mà cũng hay, cũng hay, thật may là anh không ở thôn quê chúng tôi, chứ nếu không thì thiên hạ này sao lại còn có những người như bọn tôi được chứ?
Nói đoạn, ông ta khăng khăng đòi phải cạn với tôi một ly nữa.
Hết