Tôn giáo cùng tồn tại trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội
Nguyễn Đức Lữ
Tôn giáo, tín ngưỡng đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử nhân loại ở mọi quốc gia, qua nhiều thể chế chính trị. Tuy thịnh suy mỗi thời một khác, nhưng vai trò và ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội không như nhau.
1 - Người Việt Nam, dù là dân tộc thiểu số hay đa số, có tôn giáo hay không có tôn giáo, theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, trong sâu thẳm của tâm hồn họ vẫn ẩn chứa niềm tự hào về nguồn gốc huyền thoại con Rồng, cháu Tiên của mình. Mọi người đều quý trọng mảnh đất thiêng liêng hình chữ S, mà ở đấy mỗi tấc đất đều thấm máu và mồ hôi của ông cha qua nhiều thế hệ dựng nước và giữ nước. Nơi ấy có hồn thiêng sông núi, có linh hồn ông bà tổ tiên kết đọng ở Đền Hùng - cội nguồn của dân tộc Việt. Vì vậy, việc gắn đạo với đời, tôn giáo với dân tộc để cho "nước vinh đạo sáng" luôn là tâm nguyện của mọi người bao đời nay, dễ gì để cho ai đó có toan tính phân ly, chia tách.
Ấy thế mà những người không mấy thiện cảm với người cộng sản và chủ nghĩa xã hội đã đối lập giữa người cộng sản với tín đồ các tôn giáo. Họ tung ra đủ những luận điệu, nào là vô thần và hữu thần như nước với lửa; chủ nghĩa xã hội không tương dung với tôn giáo; chủ nghĩa xã hội phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế; chủ nghĩa xã hội không phù hợp với nền văn minh Ki-tô giáo. Họ còn gán cho những người cộng sản đủ thứ xấu xa, đó là những kẻ vô Tổ quốc, vô gia đình và vô đạo. Thậm chí, họ còn đồng nhất người cộng sản với quỷ dữ..., rằng: cộng sản diệt công giáo, cố làm cho nhân dân quên thực dân Pháp chính là kẻ tử thù của công giáo, của cộng sản cũng như của toàn dân...
Thực tiễn quá trình thực hiện hai cuộc cách mạng: giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tự nó đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc trên. Từ trước đến nay và mai sau, những người cộng sản chưa bao giờ có ý định phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và cũng chưa khi nào có chủ trương chống tôn giáo mà chỉ chống những kẻ lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị phản động. Ngay từ "Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844", C. Mác đã viết: chủ nghĩa vô thần là phủ nhận Thượng đế và đặt làm định đề cho sự tồn tại của con người thông qua sự phủ định đó: nhưng chủ nghĩa xã hội như chính nó không cần đến cầu nối đó. Ph. Ăng-ghen đã từng phê phán gay gắt những phần tử tả khuynh vô chính phủ khi họ muốn ghi vào cương lĩnh của đảng công nhân việc công khai thừa nhận chủ nghĩa vô thần theo cái nghĩa là tuyên chiến với tôn giáo. Năm 1874, ông đã phê phán tuyên ngôn của phái Blăng-ki và cho rằng: tuyên chiến ầm ĩ của họ với tôn giáo là dại dột; rằng: tuyên chiến như thế là một phương pháp tốt nhất làm kích động thêm sự quan tâm của người ta đối với tôn giáo. Năm 1877, trong tác phẩm "Chống Đuy-rinh", Ph. Ăng-ghen lại lên án tư tưởng cách mạng giả hiệu của Đuy-rinh, khi ông ta chủ trương cấm tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội.
V.I Lê-nin cũng đã từng tỏ thái độ không đồng tình đối với những phần tử tả khuynh vô chính phủ muốn phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và những hành vi thô bạo của họ. Ông cho rằng: Đối với chúng ta, sự thống nhất của cuộc đấu tranh thực sự cách mạng đó của giai cấp bị áp bức để sáng tạo một cảnh cực lạc trên trái đất, là quan trọng hơn sự thống nhất ý kiến của những người vô sản về cảnh cực lạc trên thiên đường. Theo ông, điều mà người cộng sản cần và có trách nhiệm là: Đoàn kết họ lại vì cuộc đấu tranh thực sự nhằm giành lấy một cuộc đời tốt đẹp hơn trên trần thế.
Ở nước ta, ngay từ năm 1945, chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết. Năm 1951, trước luận điệu xuyên tạc của kẻ địch về nguy cơ cộng sản tiêu diệt tôn giáo, trong buổi kết thúc lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Người khẳng định: "Chúng tôi... xin nói rõ để tránh mọi sự hiểu lầm: ...về vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người"(1). Sau khi miền Bắc được giải phóng, một số bà con tín đồ các tôn giáo còn băn khoăn về sinh hoạt tôn giáo trong chế độ mới, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo; Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người, vì thế đồng bào có đạo rất an tâm. Ngày 10-05-1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?, Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại thái độ của người cộng sản đối với tôn giáo rằng: ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy.
Năm 1990, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định: tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX (năm 2003) khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc"(2). Người cộng sản không chỉ thừa nhận về sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội, mà còn thấy sự tương đồng nhất định về lý tưởng tôn giáo với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
2 - Tôn giáo với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học là hai hệ tư tưởng khác nhau. Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau. Cộng sản vô thần, công giáo hữu thần, nhưng cộng sản và công giáo vẫn có chỗ giống nhau, cả hai đều phản ánh khát vọng về sự giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, nô dịch và nghèo khổ.
Những nhà sáng lập ra học thuyết Mác - Lê-nin thừa nhận: "Trong lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kỳ có những điểm giống đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại... Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ"(3). Thiên quốc chẳng qua chỉ là một chế độ xã hội trong đó không có sự khác biệt về giai cấp, không có tài sản tư hữu, không có chính quyền nhà nước tách biệt, đối lập với mọi thành viên trong xã hội và xa lạ với nó. Phải chăng, những đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản và thiên đường mà một số tôn giáo từng hứa hẹn về cơ bản là giống nhau về mục tiêu vươn tới. Phi-đen Cát-xtơ-rô cho rằng: "Những sự trùng hợp giữa Ki-tô giáo và chủ nghĩa cộng sản nhiều gấp vạn lần so với những trùng hợp có thể có giữa Ki-tô giáo với chủ nghĩa tư bản"(4).
Kế thừa tư tưởng của các nhà sáng lập học thuyết Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh rất chú ý khai thác điểm tương đồng giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, chính điều đó đã thu hút, tập hợp quần chúng có tôn giáo cùng toàn dân tích cực không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khi nói với đồng bào có đạo, còn ít hiểu biết về chủ nghĩa xã hội, trong những ngày đầu xây dựng xã hội mới, Hồ Chí Minh giải thích rất cụ thể, thiết thực và rõ ràng: Xã hội ngày càng lớn, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội. Người luôn tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa có trong tín ngưỡng, tôn giáo. Người cho rằng Phật Thích Ca, Chúa Giê-su và Đức Khổng Tử đều là những vĩ nhân của lịch sử, là bậc thầy. Họ đã từng hy sinh, phấn đấu cho hạnh phúc của con người, chống lại áp bức, bất công và luôn mơ ước về một xã hội tốt đẹp. Dù tôn giáo là "hạnh phúc hư ảo của nhân dân", nhưng sự hy sinh của các đấng bậc ấy cho ước mơ của con người là rất đáng trân trọng. Người cho rằng: Nếu Đức Giê-su sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ loài người. Ý tưởng này cũng giống như đối với Khổng Tử, khi Người viết: Cũng có khả năng là siêu nhân này chịu thích ứng với hoàn cảnh và nhanh chóng trở thành người kế tục trung thành của Lê-nin.
Trong bài viết đăng trên báo Sự thật năm 1949, đồng chí Trường Chinh - cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói rõ: cộng sản vô thần, công giáo hữu thần, thế nhưng cộng sản và công giáo vẫn có chỗ giống nhau. Lý tưởng cộng sản và lý tưởng của Chúa Cơ Đốc không khác nhau mấy. Chúa muốn người ta đừng lừa đảo, bóc lột lẫn nhau, Chúa muốn người ta tương thân tương ái. Người cộng sản cũng muốn thế. Trong khi đánh đuổi bọn độc tài, bọn ăn bám, bọn bóc lột, người cộng sản chính đã làm theo ý Chúa Cơ Đốc. Thật ra, có thể nói điểm tương đồng cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội và tôn giáo là tất cả vì hạnh phúc cho con người. Cùng quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam của thời kỳ đầu đổi mới, cho rằng: Phật Thích Ca khi thấy quần chúng lầm than, đau khổ đã từ bỏ ngôi báu tìm con đường cứu khổ của nhân loại và kết luận: "Mục đích của Giê-su và Thích Ca giống nhau ở chỗ làm việc thiện, việc đạo đức thể hiện lòng thương người nghèo, ghét xa hoa, phù phiếm, bóc lột, áp bức nhân dân lao động". Về đạo Cao Đài, đồng chí nêu, đạo này có nét độc đáo là: "Thờ nhiều vị: Các Mác, Lê-nin, Vích-to Huy-gô, Phật Thích Ca, Tôn Dật Tiên..." và họ: "Đều là những người yêu nước, thương người nghèo khổ, có tư tưởng tiến bộ"(5).
Ki-tô giáo khởi thủy là tôn giáo của người nghèo, của những người bị áp bức và nô lệ. Tôn giáo ấy phản ánh sự phản kháng của quần chúng cần lao đối với chế độ thống trị, bóc lột. Khởi thủy, đó là phong trào chính trị tiến bộ. Thực tế lịch sử đã chứng minh một số người sáng lập và lãnh đạo các tôn giáo là những người nguyện hy sinh vì người nghèo. Những phong trào mà họ khởi xướng ít nhiều đều phản ánh trào lưu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - một trong những tiền đề tư tưởng cho sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội khoa học sau này.
3 - Cả người cộng sản và người có tôn giáo đều có ước mơ về một xã hội tốt đẹp và phấn đấu để đạt được ước mơ đó, nhưng phương pháp để đạt mục đích ấy lại khác nhau. Những người cộng sản tìm thấy sự giải phóng trước hết trong hiện thực vật chất, thực tế, nhờ tinh thần con người, như V.I Lê-nin từng nói. Họ đem hết sức lực, trí tuệ để xây dựng "thiên đường" ngay trên cõi trần, còn chủ nghĩa cơ đốc đem sự giải phóng đó đặt vào mai sau, đặt trong "đời sống" sau lúc chết, đặt ở trên trời.
Như vậy, sự khác biệt giữa lý tưởng tôn giáo và chủ nghĩa xã hội cơ bản nằm trong khuôn khổ của thế giới quan cũng như phương pháp và lực lượng thực hiện sứ mệnh giải phóng con người. Tôn giáo hứa hẹn xã hội hoàn thiện ở "thế giới bên kia", trong khi những người cộng sản chủ trương thay đổi cái nhà nước ấy và xã hội hiện tại ấy bằng một xã hội khác cao hơn, công bằng hơn, trong đó, chế độ người bóc lột người sẽ bị thủ tiêu. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người cộng sản phủ nhận nhu cầu hướng tới "thiên đường" của quần chúng - chừng nào đồng bào có đạo còn có nhu cầu ấy. Sự khác nhau về nhận thức không tất yếu dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Nghĩa là, người có cũng như không có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định.
Nhân dân ta trải qua ba thập kỷ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với bao khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh; trong đó, có không ít tín đồ và chức sắc các tôn giáo. Năm 1975, đánh dấu một trang sử mới của lịch sử dân tộc - nước nhà thống nhất, giang sơn quy về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Hòa vào niềm vui chung của cả dân tộc với sự kiện lịch sử trọng đại này, đồng bào các tôn giáo cùng toàn dân đang nỗ lực thực hiện sự nghiệp xây dựng chế độ mới trên phạm vi cả nước.
Theo Hồ Chí Minh: cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một hai người, mà đã là việc chung thì phải vận động mọi người cùng đoàn kết tham gia gánh vác. Xây dựng khối đoàn kết dân tộc là trách nhiệm chung của toàn dân ta, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm: tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có trách nhiệm phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa V), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ là biểu tượng của khối đoàn kết toàn dân tộc mà còn là một tổ chức hoạt động đầy sức sống, tập hợp đông đảo nhất, rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi thành phần kinh tế, mọi cá nhân mong muốn phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"(6).
Hai mươi năm của sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta đã thu được những thành công quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có lĩnh vực tôn giáo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo được cải thiện, chức sắc và tín đồ các tôn giáo an tâm phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước và cùng toàn dân tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Là người Việt Nam, dù theo tôn giáo này hay tôn giáo khác; dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo; dù là dân tộc đa số hay thiểu số; dù ở trong nước hay định cư ở nước ngoài; dù có tham gia phong trào giải phóng dân tộc hay đã từng một thời lầm đường lạc lối... hẳn ai cũng đều mong muốn Tổ quốc yêu quý của chúng ta cường thịnh, non sông đất nước ta tươi đẹp, xã tắc bình yên, con người hạnh phúc, làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế. Khát vọng ấy đã, đang và sẽ mãi mãi là mẫu số chung, là sự tương đồng để đoàn kết mọi người mang dòng máu Lạc - Việt, để "Tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau". Muốn vậy, một phần rất quan trọng là phải "Tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo"(7).
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1995, t 6, tr 183
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 48
(3) C.Mác-Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 22, tr 663
(4) Về tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, t 1, tr 9
(5) Nguyễn Văn Linh: Đổi mới công tác quần chúng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 40 và 42
(6) Hội nghị lần thứ sáu Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa V), Hà Nội, tháng 3-2004, tr 58
(7) Văn kiện Hội Nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 53