Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> Đào Duy Anh ( 1904 - 1988 )

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 444 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đào Duy Anh ( 1904 - 1988 )
nhiều tác giả


 
Nhà nghiên cứu
Bút danh: Vệ Thạch
Nhà sử học, nhà nghiên cứu, hiệu là Vệ Thạch. Quê Khúc Thủy, Tả Thanh Oai, Thanh Oai, Hà Tây.
Tác phẩm:
- Hán Việt từ điển (1932 - 1936).
- Pháp Việt từ điển (Lê Văn Tân, Huế, 1936).
- Việt Nam văn hóa sử cương (1936).
- Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943).
- Trung Hoa sử cương (1944).
- Khổng giáo phê bình, tiểu luận (1943).
- Cổ sử Việt Nam (1955).
- Lịch sử Việt Nam (tập 1, 2; 1955).
- Lịch sử cổ đại Việt Nam (tập 1, 2, 3, 4; 1956).
- Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam (1958).
- Nguyên Trãi toàn tập (cùng soạn, 1969).
- Đất nước Việt Nam các đời (1964).
- Khóa hư lục (1974).
- Tự điển truyện Kiều (1974).
- Chữ Nôm nguồn gốc, cấu tạo, diên biến (1975).
- Nhớ nghĩ chiều hôm (hồi ký, 1989).

Đào Duy Anh - Ngậm đá lấp biển
Năm 1925, Đào Duy Anh đang dạy học ở Đồng Hới, chờ cơ hội thi tú tài. Nhờ việc Phan Bội Châu bị áp giải vào Huế an trí qua Đồng Hới mà Đào Duy Anh tỉnh giấc. Ông thấy không thể chôn vùi tuổi thanh xuân của mình ở một không gian nhỏ hẹp như vậy được, nên đã “treo ấn từ quan” vào Sài Gòn làm báo, một nghề mới rất hấp dẫn ở Việt Nam thời bấy giờ. Riêng đối với Đào Duy Anh, báo còn là công cụ quan trọng để đánh thức hồn nước.
Trên đường Nam tiến, Đào Duy Anh dừng lại ở Đà Nẵng và được Huỳnh Thúc Kháng giữ lại để ra Huế làm báo Tiếng Dân. Sau đó ông tham gia hoạt động cách mạng trong Tân Việt. Thậm chí còn được bầu làm Tổng bí thư của Đảng này. Rồi ông bị bắt và được thả. Ông thôi hoạt động chính trị và chuyển sang hoạt động văn hóa. Có thể nói, đây là bước ngoặt lớn trong đời Đào Duy Anh…
Có thể nói, thức nhận đầu tiên của Đào Duy Anh - Học giả là vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong chuyển giao và quảng bá các tư tưởng. Đây chính là những kinh nghiệm khi làm sách ở Quan Hải tùng thư. Có làm lược thuật, dịch thuật sách nước ngoài mới thấy sự thiếu thốn thuật ngữ, sự thiếu tường minh của tiếng Việt - một ngôn ngữ thiên về tổng hợp. Hơn nữa, ông còn thấy có một khoảng cách ngôn ngữ giữa hai thế hệ người trong xã hội Việt Nam bấy giờ. Thế hệ lớn tuổi chịu ảnh hưởng nhiều của nền học vấn cũ nên thông thạo các từ Hán Việt, nhưng lại không tiếp thu được những thuật ngữ khoa học xã hội mới đến từ phương Tây, còn thế hệ trẻ - những trí thức Tây học - lại thiếu thốn vốn từ Hán Việt. Đào Duy Anh muốn bắc một chiếc cầu giữa hai lớp người đó, xóa bỏ “khoảng cách thế hệ” trước hết về mặt ngôn ngữ, tạo ra một tiếng nói chung. Ông bỏ công ra làm bộ Từ điển Hán Việt và Từ điển Pháp Việt là nhằm vào mục đích ấy.
Cách làm từ điển của Đào Duy Anh rất đặc biệt. Ông chọn nhiều từ mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam và giải thích một cách cặn kẽ theo tư tưởng tiến bộ nhất thời bấy giờ. Bởi vậy, từ điển Đào Duy Anh là một hình thức truyền bá hữu hiệu những tri thức hiện đại. Sức sống lâu dài của từ điển Đào Duy Anh (thể hiện qua việc tái bản nhiều lần) chính là ở chỗ này.
Về cuối đời Đào Duy Anh còn làm Từ điển Truyện Kiều. Đây là một cuốn từ điển tác phẩm đầu tiên (và đến nay vẫn là duy nhất) ở Việt Nam. Đào Duy Anh không phải là người đầu tiên trong khoa từ điển học Việt Nam, nhưng ông là người biết nên làm vào lúc nào và nhất là biết làm như thế nào để đáp ứng nhu cầu bức thiết của thời đại. Đào Duy Anh là người quan tâm đến nhiều lĩnh vực. Hình như, với một cái nhìn mới nên ở đâu ông cũng thấy đấy là mảnh đất trống cần khai phá. Nhưng lĩnh vực ông quan tâm nhất là sử học, đặc biệt là cổ sử. Đào Duy Anh coi lịch sử là phương tiện tốt nhất để thức tỉnh hồn nước, đặc biệt là để nhận diện ở tầm học thuật cái vấn đề bức thiết Việt Nam, anh là ai?
Cổ sử Việt Nam với Đào Duy Anh có một sự hấp dẫn đặc biệt. Ông nghiên cứu Việt Nam tận nguồn để phân biệt đâu là yếu tố nội sinh, đâu là yếu tố ngoại sinh, để trên cơ sở đó nghĩ về những vấn đề lịch sử đương đại Việt Nam. Về nguồn gốc người Việt, ông đánh đổ những giải thích sai lầm của các nhà sử học thực dân. Ông cho quê hương đầu tiên của người Việt là ở phía nam sông Dương Tử, về sau do sức ép của người Hán nên phải di cư xuống châu thổ sông Hồng. Biểu tượng chim Lạc trên trống đồng, thuyền đưa linh, vua Rồng (Lạc Long Quân) đã nói lên điều đó. Văn hóa đồ đồng Lạc Việt không phải đến từ Mã Lai, cũng không từ Trung Hoa, nó là bản địa. Đào Duy Anh viết cổ sử với một phương pháp đặc biệt. Tôi nhớ năm 1981, khi mới chuyển ngành từ lính về Nhà xuất bản Ngoại văn, tôi đọc Cổ sử Việt Nam say mê như đọc tiểu thuyết. Đào Duy Anh trình bày sự ra đời, được khẳng định và bị thay thế của các giả thuyết khoa học về nguồn gốc của người Việt, kể cả giả thuyết của chính tác giả, kèm theo lời giải thích, đánh giá, bình luận của ông. Bởi vậy, người đọc được cùng với Đào Duy Anh tham gia vào hành trình vận động của tư tưởng khoa học, học được phương pháp nghiên cứu khoa học, thái độ tôn trọng tư liệu, tôn trọng ý kiến của người khác, sự tự do tư tưởng trong học thuật.
Chuyển sang Viện Sử, Đào Duy Anh được phân công hiệu đính tư liệu dịch. Một công việc, tuy quan trọng thật, nhưng là khổ ải với người sáng tạo. Khi hiệu đính bản dịch Phủ biên tạp lục, một tác phẩm quan trọng của Lê Quý Đôn, Đào Duy Anh bỗng nhận ra mình đang ở trong một lĩnh vực mới: địa lý học lịch sử. Nhà khoa học trong ông trỗi dậy. Ông lại lao vào phát hiện mới. Nhờ thế, chúng ta có tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời. Đào Duy Anh là người đầu tiên xây dựng một khoa học giáp ranh nằm trên đường biên của những khoa học khác, mở ra phương pháp nghiên cứu liên ngành và làm tiền lệ cho một người học trò của ông, giáo sư Trần Quốc Vượng, đi vào lĩnh vực địa - văn hóa.
Về văn hóa Việt Nam, Đào Duy Anh cũng là người viết đầu tiên. Bấy giờ, năm 1936, trong chương trình trung học mới có môn văn hóa Việt Nam. Chưa có tài liệu để giảng dạy, ông bèn viết Việt Nam văn hóa sử cương. Đào Duy Anh còn rất chú trọng đến kinh tế xã hội, đặc biệt là yếu tố địa lý: đó vừa là văn hóa, vừa là sự lý giải đặc điểm của văn hóa. Việt Nam văn hóa sử cương là cuốn lịch sử văn hóa đầu tiên. Ngày nay, văn hóa học phát triển, quan niệm về văn hóa đã khác, không còn là số cộng của lịch sử các thành tố của nó, nhưng vẫn chưa có thêm một cuốn lịch sử văn hóa Việt Nam nào của cá nhân cũng như tập thể. Và cuốn sử cương của cụ Đào vẫn là cuốn lịch sử duy nhất.
Cũng vì dạy học mà Đào Duy Anh nghiên cứu Truyện Kiều, một viên đá tảng của văn học Việt Nam trung đại. Khảo luận về Kim Vân Kiều, tuy vậy, nặng về văn học sử hơn là thẩm định văn chương. Đóng góp của Đào Duy Anh trong khảo cứu Truyện Kiều trước hết là ở việc xác định thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều: đa số các học giả đoán ông viết sau khi đi sứ về, bởi lẽ có thể thời gian ở Trung Hoa ông mới có dịp tiếp xúc với tiểu thuyết thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, thấy hay mới đem về diễn ra quốc âm. Đào Duy Anh chứng minh rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều trước khi đi sứ, thậm chí “có thể vào đầu những năm mới theo họ Nguyễn”, bởi lẽ Kim Vân Kiều truyện đã phổ biến trước đó ở Việt Nam. Vấn đề nguồn gốc Truyện Kiều, Đào Duy Anh cũng có cống hiến nhất định. Đào Duy Anh cho rằng Truyện Kiều là một sáng tác hoàn toàn, dĩ nhiên sáng tác theo quy luật của văn học trung đại, “một biểu hiện của vấn đề giao lưu và kế thừa văn hóa”.
Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác, Đào Duy Anh xem xét lại những hệ thống triết học khác, đặc biệt các hệ tư tưởng chi phối đời sống dân tộc như Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Với Khổng giáo phê bình tiểu luận (1943), Đào Duy Anh trình bày lại một cách có phê phán lịch sử Khổng giáo và Khổng học. Ông cho rằng Khổng giáo ra đời và tồn tại cùng với chế độ phong kiến nên cũng chỉ tiêu vong cùng với chế độ phong kiến, nhất là với cơ sở kinh tế của nó. Phải nói rằng luận điểm này đến nay vẫn là cơ sở để nhận định Nho giáo, dù cho đã có ý kiến ngược lại rằng Nho giáo không chỉ là sản phẩm của chế độ phong kiến: nó đã ra đời trước đấy và sẽ còn tồn tại sau đấy.
Nghiên cứu Đạo giáo, Đào Duy Anh quan tâm trước hết đến Lão giáo, đặc biệt là cuốn Đạo Đức Kinh. Ông không thỏa mãn với những bản dịch đã có, nên đã tự dịch lấy cho mình một bản để tìm hiểu cho kỹ hơn. Ông xem xét Lão học từ quan điểm giai cấp và duy vật để đi đến kết luận: tư tưởng Lão Tử chủ yếu là duy vật biện chứng và có lẫn những yếu tố duy tâm thần bí.
Đóng góp vào nghiên cứu Phật giáo của Đào Duy Anh là một thiên khảo luận về thiền học Lý Trần. Xuất phát từ một nghịch lý là: “Thời Lý Trần, nhất là thời Trần, từ vua quan quý tộc đến nhân dân đều say mê đạo Phật, một thứ tôn giáo yếm thế và xuất thế, đến như vậy mà tổ tiên ta bấy giờ lại đánh giặc giỏi như vậy?”. Hẳn đạo Phật thời ấy phải có một cái gì đấy đặc biệt. Đào Duy Anh thấy điều đặc biệt ấy là ở chỗ Thiền tông là giáo phái nhấn mạnh “Phật tức tâm” và chủ trương “đốn ngộ”, một chủ trương đặt niềm tin vào con người, tin vào sức mạnh của tâm người. Cái lòng tin ấy gây cho con người một sức năng động mạnh mẽ, và sức năng động này đến lượt nó, lại tạo ra sức năng động của xã hội, của tính anh hùng của dân tộc ta thời bấy giờ. Đó chính là tính tích cực của Thiền tông Việt Nam. Đào Duy Anh còn góp mặt ở nhiều lĩnh vực khác nữa, hầu như ở đâu mà ông đến, thậm chí chỉ đi qua, cũng để lại dấu ấn. Tuy không phải là một người quảng canh, nhưng những người đi mở đường, dẫu không muốn cũng dễ bị buộc phải trở thành người quảng canh. Đào Duy Anh là một người mở đường như vậy cho phương pháp mác xít trong khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Đào Duy Anh thuộc tầng lớp trí thức Tây học bản địa. Đây là những người thuộc thế hệ thứ hai của trường Pháp - Việt. Tuy học vấn thường chỉ dừng lại Thành chung, Tú tài, nhưng trình độ văn hóa của họ lại rất cao. Vì họ biết tự học. Hơn nữa, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc do phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu và đám tang Phan Chu Trinh hun đúc từ thủa thiếu thời nay chuyển thành khát vọng xây đắp một nền văn hoá và khoa học nước nhà khiến cho họ học tập và làm việc vô tư đến quên mình.
Đào Duy Anh là tiêu biểu cho mẫu nhà bác học tự đào tạo đó. Thực ra, với một nhà khoa học thì việc tự học là chuyện đương nhiên. Nhưng với một người chỉ đi học đến Thành chung rồi phải đi dạy để kiếm sống như Đào Duy Anh thì việc tự học là cần thiết. Hơn nữa, trong bối cảnh nền giáo dục thuộc địa bấy giờ, chỉ có tự học mới vượt thoát ra ngoài, để tiếp thu văn hóa Pháp ở chính quốc. Đào Duy Anh đã học hàm thụ (qua thư từ) một trường đại học ở Pháp. Những tác phẩm của ông như Việt Nam văn hóa sử cương, Khảo luận về Truyện Kiều, Cổ sử Việt Nam đều nảy sinh trên cơ sở những bài giảng ở trung học hoặc đại học. Khi đã có ý đồ dựng thành sách rồi thì lại tiếp tục học hỏi thêm để tự hoàn chỉnh. Cứ thế, làm để học, học để làm. Song có điều đáng nói là, ở Đào Duy Anh hai quá trình này xoắn luyến với nhau là một, nhiều khi không phân biệt được: đâu là học, đâu là làm. Và cũng vì làm việc như một nhu cầu tự thân, nên ông không màng danh cũng không cầu lợi. (…) Và vào những năm cuối đời, khi thấy sức khỏe không cho phép mình làm việc được nữa, Đào Duy Anh cho đi rất nhiều sách vở, bản thảo, kể cả những công trình ông đang viết dở. Ông chỉ nghĩ làm sao có ích cho mọi người mà không cần biết đến những trang bản thảo đó trôi giạt đến những bờ bến nào, đã “hóa thân” vào những cuốn sách của ai.
Một cạnh khía khác khi nó về tự học của Đào Duy Anh là học ở nhiều nguồn. Có lẽ đây cũng là ưu thế của những người tự đào tạo so với những người được/bị đào tạo, ít ra là ở ta. Tự học xuất phát từ nhu cầu nội tại của mình, nên không bị các quyền uy nhà trường, các nhà học phiệt ngoài xã hội áp đặt, có thể tự mình làm thầy mình, hoặc tự mình làm học trò của tất cả mọi người. Rồi đối chiếu, lý giải những ý kiến trái ngược nhau, những luận điểm tương đồng với nhau để xây dựng lấy cho mình một tư tưởng riêng, một bản lĩnh khoa học riêng.
(…) Năm 1972, sau khi viết xong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (mà 17 năm sau mới được in), Đào Duy Anh có đưa cho một nhà nghiên cứu văn hóa vẫn được ông coi là bạn vong niên cầm về nhà đọc với lời nói kèm: đây chỉ là tập hồi ký vờ.(…) Ông nghiên cứu tâm sự người xưa để ký gửi vào đấy tâm sự của người nay. Tâm sự ấy bắt nguồn từ đoạn đời đầu hoạt động chính trị chảy tràn sang quãng đời sau hoạt động văn hóa. Đúng như ông nói trong Lời đầu sách của cuốn hồi ký: người ta “có biết tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc”. Tuy nhiên, trong cô đơn ông vẫn thanh thản, buồn một nỗi buồn trong sáng, bởi ông biết rằng ông đã thuộc về Lịch sử.
Chọn hiệu là Vệ Thạch, Đào Duy Anh nguyện trọn đời làm con chim Tinh Vệ ngậm đá lấp biển. Chim thì nhỏ mà biển học thì lớn vô cùng. Hơn nữa, mỗi một viên đá ném xuống biển thì không làm cho biển cạn đi, trái lại nước biển dâng lên, mở rộng thêm biên giới nước. Vì thế người ta mới cho rằng càng biết thêm bao nhiêu thì sự chưa biết càng lớn lên theo bấy nhiêu.(…) Nhưng điều đáng lưu ý hơn là những viên đá tảng mà Đào Duy Anh ném xuống biển học không chìm mất tăm, mà đã tạo thành những cột mốc, đôi khi là những cột mốc đầu tiên, chỉ đường cho những người sau ra khơi.
(Theo Đỗ Lai Thúy, Tạp chí Quê Hương)



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 219

Return to top